Môn học: LLYSH & ĐĐTD Công Giáo
Giáo sư: Trần Như Ý Lan, CND
Học viên: Hoàng Khắc Luận, S.J.
Khởi đi từ việc đặt nền trên bản chất con người và tương quan nam nữ dưới góc độ đức tin Ki-tô giáo: Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; con người được dựng nên có nam có nữ; và con người được dựng nên cho tình yêu, người viết cho thấy mối liên hệ căn bản giữa hôn nhân và hành vi kết hợp thân xác giữa người nam và người nữ. Mối liên hệ này ràng buộc nhau theo nghĩa làm cho nhau nên trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa. Do vậy, chỉ trong bối cảnh hôn nhân hành vi kết hợp thân xác nam nữ mới được thực hiện trong toàn bộ ý nghĩa nhân linh của nó.
Ngày nay, nhiều người bào chữa rằng quyền kết hợp thân xác trước hôn nhân, ít nhất là trong các trường hợp có ý hướng vững chắc đi đến hôn nhân, và một tình yêu sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân trong tâm lý của hai người đòi hỏi sự kết hợp này, vốn được họ xem là hợp tự nhiên. Dưới ánh sáng của niềm tin Kitô giáo, đòi hỏi này có thể chấp nhận được không?
1. Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa
Thiên Chúa là Tình yêu và nơi chính Ngài, Thiên Chúa đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Chính Thiên Chúa là mầu nhiệm Hiệp Thông của Ba Ngôi, Tình Yêu sâu thẳm giữa Cha, Con, và Thánh Thần. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và vì thế cũng được mời gọi sống như Ngài. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Thiên Chúa cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người (x. Tông huấn về Gia đình, số 11).
2. Con người được dựng nên có nam có nữ
“Con người ở một mình thì không tốt”. Do vậy, Thánh Kinh khẳng định rằng người nam người nữ được tạo dựng cho nhau. Người nữ là “xương thịt bởi xương thịt” người nam, ngang hàng và gần gũi với người nam. Thiên Chúa đã ban người nữ cho người nam như một “trợ tá”, như “chính Chúa đến trợ giúp người nam” (x. Tv 121,2). “Vì thế, người nam lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (x. St 2,24). Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, Ngài mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông.
Giới tính vừa là ân sủng lớn lao của Đấng Tạo Hóa, vừa có tính chất thể lý và trần tục. Chính Thiên Chúa đã muốn con người có nam có nữ, và chính Ngài cũng muốn cả hai thành một xương một thịt (x. Mt 19, 4-5), nhờ đó con người có thể diễn tả được sự phong phú của Thiên Chúa. Vì Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người. Như thế, khi một người nam và một người nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân, họ trở thành một hình ảnh của Thiên Chúa rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn. Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6) (x. GLHTCG, số 1605). Khi ấy đôi bạn làm cho Thiên Chúa hiện diện theo một cách thức độc đáo, cách mà khi ở một mình họ không thể làm được.
3. Con người được dựng nên cho tình yêu
“Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St 1,27) là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8.16). Vì Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người. Thân xác họ là dành cho “sự hợp hôn”, đó là lí do tại sao một người đàn ông và một người đàn bà có thể trở thành “một xương một thịt”.
Thân xác con người được tạo dựng cho tình yêu. Khi tình yêu triển nở trong hôn nhân, nó vừa bao gồm tình bạn hữu vừa vượt trên tình bạn này. Tình yêu hiện thực giữa một người nam và một người nữ, cả hai tận hiến cho nhau với trọn phái tính là nam và nữ, xây dựng một cộng đoàn cá nhân dựa trên khế ước hôn nhân. Giao ước ấy xuất phát trực tiếp từ những kinh nghiệm nhân bản nguyên thủy và những phẩm chất của thân xác con người. Các nhân vị thì duy nhất. Họ đơn độc trước mặt Thiên Chúa. Họ có thân xác vốn mang tính “biểu tượng” (dấu chỉ bề ngoài của một thực tại bên trong). Hơn nữa, kinh nghiệm đơn độc dẫn đến kinh nghiệm hợp nhất. Hôn nhân là một giao ước, vừa tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa vừa làm cho Thiên Chúa hiện diện trên trần gian.
4. Hôn nhân và tính dục
Tính dục của con người là một điều thiện hảo: Ðó là một phần của quà tặng sáng tạo mà Thiên Chúa nhìn thấy là “tốt” khi Người dựng con người theo hình ảnh và giống Người, và Người dựng nên con người “có nam có nữ” (St 1,27). Kết hợp tính dục là không gian thiêng thánh của Thiên Chúa. Đó là nơi mà Thiên Chúa muốn tiếp tục gia ân tạo dựng. Trong hành vi kết hợp vợ chồng mà Thiên Chúa thực hiện một công trình sáng tạo trong khung cảnh tình yêu con người.
Tình yêu phu phụ khác biệt với mọi hình thức khác của tình bạn ở điểm nó được biểu lộ và được hoàn hảo bằng hành vi thể lý của vợ chồng, một hành vi vừa có tính biểu tượng vừa phát huy việc vợ chồng hiến thân cho nhau. Tình yêu phu phụ này phát sinh từ nguồn suối tình yêu Thiên Chúa, và được cấu trúc theo mẫu tình yêu Chúa Kitô dành cho Hội Thánh.
Tính dục có một vai trò quan trọng trong tình yêu vợ chồng nhưng ý nghĩa của nó vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy. Nó là ngôn ngữ của tình yêu, giúp con người thông đạt với nhau một cách sâu xa nhất. Như thế, tính dục chỉ có giá trị nhân linh đích thực, nếu nó là thành phần không thể thiếu được của tình yêu, một khi vợ chồng đã cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau trong suốt cả cuộc đời. Quan hệ tình dục đòi hỏi phải được kèm theo một dấn thân sâu sắc và trung thành với nhau và cho nhau. Dấn thân ấy chính là cuộc hôn nhân. “Trong hôn nhân, vợ chồng dâng hiến thân xác cho nhau bằng một cử chỉ đặc biệt và giới hạn giữa hai người, để kết hợp với nhau nên một, với mục đích giúp nhau phát triển con người và cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục những sự sống mới” (x. Humanae Vitae, số 8).
Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu nên chỉ trong tình yêu, tính dục mới có giá trị; ngoài tình yêu, tính dục bị lệch lạc, mất phẩm chất và phản tự nhiên. Do đó, sự kết hợp xác thịt chỉ hợp pháp khi đã chính thức kết hôn. Tình yêu không chấp nhận thử nghiệm; nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau trọn vẹn và dứt khoát (x. GLHTCG 2391). Khi những hành vi tính dục không mang ý nghĩa bổ sung và trao hiến cho nhau, thì nó chỉ làm phát sinh một nền văn minh đồ vật, trong đó con người bị sử dụng chẳng khác nào như một thứ đồ vật. Trong bối cảnh của nền văn minh hưởng thụ, người nữ có thể trở thành một thứ đồ vật cho người nam, và con cái trở thành một chướng ngại vật cho cha mẹ.
Sự trao hiến hoàn toàn theo thể xác sẽ giả dối nếu nó không phải là dấu chỉ và kết quả của sự trao hiến cả ngôi vị, trong đó toàn thể ngôi vị đều hiện diện, cả trong chiều kích trần tục của nó. Nếu người ta dành lại bất cứ điều gì, hoặc dành cho mình quyền có thể quyết định khác đi sau này, thì như thế không còn là một sự trao hiến hoàn toàn nữa. (x. Tông huấn về gia đình, số 11) “Nơi” duy nhất làm cho sự trao hiến ấy có thể thực hiện được với trọn cả sự thật của nó chính là hôn nhân, nghĩa là khế ước tình yêu hôn phối, hay nói cách khác, là sự chọn lựa có ý thức và tự do nhờ đó mà người nam và người nữ chấp nhận sống chung và chia sẻ tình yêu như chính Thiên Chúa đã muốn, và cũng chỉ dưới ánh sáng này, sự chọn lựa kia mới bày tỏ tất cả ý nghĩa đích thực của nó.
Kết luận
Người ta cũng không thể giản lược tính dục chỉ còn như là một hoạt động thử nghiệm. Người ta không thể “thử lửa” tình dục như thử nghiệm một chiếc xe hơi. Không thể lao mình vào thực nghiệm một mối quan hệ để xem thử nó “chạy” tốt hay không. Tính dục còn hơn thế nhiều. Nó “hoàn hợp” một mối quan hệ. Nó nâng cao một quan hệ giữa một người nam và một người nữ lên một cấp độ hoàn hảo hơn. Nó thiết lập tình yêu giữa người đàn ông và người phụ nữ trên mảnh đất thiêng thánh. Tính dục là một mầu nhiệm chính vì nó mang tính “biểu tượng” và tính hôn phối. Vì thế, nó cần phải được gìn giữ và trân trọng. Nó cần những lời lẽ cam kết được công bố ra ngày thành hôn. Do đó, hành vi quan hệ thân xác giữa nam và nữ chỉ có thể diễn ra trong bối cảnh hôn nhân.