1. Lời Chúa 

14 Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. 16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. (2 Cr 5,14-17)

2. Tìm hiểu 2 Cr 5,14-17

Cho đến lúc này, thánh Phao-lô đã giải thích sứ vụ của ngài bằng từ ngữ: vinh quang và đau khổ. Một mặt, là một thừa tác viên của giao ước mới, tin mừng của thánh Phao-lô tỏ lộ vinh quang của Thiên Chúa vốn được suy tư dựa vào chân dung của Đức Ki-tô, đấng là hình ảnh Thiên Chúa (3:1 – 4:6). Mặt khác, sứ vụ của ngài được đánh dấu bởi đau khổ và bách hại. Nhìn từ bên ngoài, thánh Phao-lô như thể phải chịu chết hàng ngày; nhưng kỳ thực nội tâm của ngài lại đang được biến đổi mỗi ngày. Sau khi trình bày hai ý này, thánh Phao-lô tiếp tục nói về ý thứ ba. Sứ vụ của giao ước mới là sứ vụ hòa giải được bén rễ vào cái chết của Đức Ki-tô.

Chủ đề hòa giải được khai triển trong 5:11-12, đặc biệt trong 5:17-21. Tuy nhiên, vì bài đọc chỉ gồm các câu 5:14-17, cho nên các nhà giảng thuyết sẽ cần phải suy tư toàn bộ các phần trên nếu họ muốn hiểu được bài đọc này.

Nội dung này bắt đầu từ việc thánh Phao-lô bảo vệ ngài trước những cáo cuộc rằng ngài đã ca ngợi chính mình quá nhiều. Thánh Phao-lô cho rằng ngài không chỉ không ca ngợi ngài quá nhiều trước các tín hữu Cô-rin-tô, nhưng kỳ thực ngài còn đang cho họ cơ hội để được kiêu hãnh nhờ sứ vụ của ngài khi ngài bị chống đối bởi những người đang hãnh diện trong sứ vụ của ngài (xem 5:11-13). Thật ra, mọi sự chỉ là vì ích lợi của các tín hữu Cô-rin-tô. Chính tại điểm này mà bài đọc bắt đầu với việc thánh Phao-lô giải thích lý do ngài hành động như thế: Tình yêu Đức Ki-tô đã thúc đẩy ngài.

Tình yêu của thánh Phao-lô dành cho Đức Ki-tô cũng nhiều không kém tình yêu của Đức Ki-tô dành cho ngài. Niềm tin Đức Ki-tô đã chết cho tất cả đã biến đổi đời sống thánh Phao-lô, vì giờ đây ngài nhận ra rằng ngài không còn sống cho chính ngài nữa nhưng sống cho Đức Ki-tô, đấng đã chết và sống lại vì tất cả thế giới.

Tình yêu Đức Ki-tô đối với tất cả, được tỏ lộ qua cái chết của người trên thập tự, đã thay đổi tận căn cách thức thánh Phao-lô hiểu biết về Đức Ki-tô. Nếu ngài đã từng nhìn Đức Ki-tô chỉ bằng con mắt phàm tục (“theo tính xác thịt”), qua việc bách hại môn đệ của Đức Ki-tô vì xem họ là những kẻ cuồng tín và bội giáo, thì giờ đây ngài biết rằng Đấng Mê-si-a chịu đóng đinh không phải ai khác nhưng chính là Con Thiên Chúa, đấng hy sinh mạng sống của mình cho nhân loại. Điều này dẫn thánh Phao-lô đến một kết luận quan trọng: những ai ở trong Đức Ki-tô đều là “một thụ tạo mới”. Họ trở nên con người mới được tấn phong bởi Adam mới.

Bài đọc đưa ra kết luận như thế. Tuy nhiên, những câu theo sau (5:18-21) lại phát triển chủ đề thụ tạo mới bằng từ ngữ sự hòa giải. Các tín hữu trở thành thụ tạo mới bởi vì Thiên Chúa đã đang giao hòa thế giới với ngài qua Đức Ki-tô, và thánh Phao-lô là sứ giả của Thiên Chúa cho sự hòa giải ấy, kêu gọi tất cả những người chịu lắng nghe trở về để được hòa giải với Thiên Chúa. Vì thế sứ vụ của giao ước mới là sứ vụ hòa giải.

Tất nhiên, Thiên Chúa không cần hòa giải với con người; nhưng chính con người mới cần sự hòa giải ấy, một sự hòa giải vốn không thể hữu hiệu nếu thiếu Thiên Chúa. Đó là lý do Thiên Chúa hòa giải thế gian với ngài qua Đức Ki-tô, và cũng là lý do thánh Phao-lô kêu gọi con người tìm giải hòa với Thiên Chúa qua lòng tin và qua Đức Ki-tô Giê-su.

Thế giới ngày nay thật sự cần sự chữa lành và hòa giải, nên đây là cơ hội tốt để các nhà giảng thuyết, những người đã được tin tưởng trao cho sứ vụ hòa giải, có thể bắt đầu phản tỉnh về bản văn. Sự hòa giải này có hai chiều kích: một theo chiều ngang (hòa giải giữa con người với nhau), một theo chiều dọc (hòa giải giữa con người và Thiên Chúa). Trong khi thế giới hiện đại tập trung vào chiều kích trước, tin mừng nhắc chúng ta rằng nền tảng mọi sự hòa giải cốt ở điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô. Bởi vì Thiên Chúa đã hòa giải con người với ngài, biến đổi nó thành một thụ tạo mới, cho nên con người có khả năng và có bổn phận hòa giải với nhau.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong, SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 79-80.