(Ảnh tử Internet)
1.Lời Chúa (2 Cr 8:7,9,13-15)
7 Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. 9 Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.10 Về điều này, tôi xin đưa ra một ý kiến. Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái.11 Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó, để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tuỳ khả năng mà hoàn thành như vậy.12 Vì khi người ta hăng hái dâng cái mình có, thì Thiên Chúa chấp nhận; còn nếu không có thì thôi.13 Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều.14 Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều,15 hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.
2.Tìm hiểu 2 Cr 8:7,9,13-15
Trong bảy chương đầu tiên của thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã phản tỉnh về sứ vụ tông đồ của ngài. Sau khi nói về sứ vụ của mình bằng những từ ngữ là giao ước mới, đau khổ, và hòa giải, thánh Phao-lô kêu gọi cộng đoàn hòa giải với ngài (xem 7:2-4, một phần của lá thứ vốn không được trích dẫn trong Bài đọc).
Trong chương 8-9, thánh Phao-lô chuyển sang chủ đề lạc quyền cho người nghèo ở Giê-ru-sa-lem. Một năm trước đó, tín hữu Cô-rin-tô đã khởi đầu việc lạc quyên này, nhưng họ đã không hoàn thành công việc vì những bất đồng của họ đối với thánh Phao-lô. Giờ đây khi mà mối bất hòa đã được giải quyết, thánh Phao-lô khuyến khích họ hoàn tất công việc ấy để khi ngài đến thì của lễ của họ đã sẵn sàng.
Mặc dù một cuộc bàn luận về việc lạc quyền dường như chỉ là chuyện thế tục, nhưng đối với thánh Phao-lô thì không phải vậy. Đối với ngài, việc lạc quyên là dấu chỉ cho sự hiệp thông giữa người Do Thái và tín hữu Dân ngoại, một cách để các tín hữu Dân ngoại diễn tả lòng biết ơn đối với dân Ít-ra-en, dân mà từ đây Đấng Mê-si-a đã đến. Nếu hội thánh Giê-ru-sa-lem chấp nhận của lễ này, có nghĩa là sứ vụ của thánh Phao-lô giữa Dân ngoại đã được công nhận. Vì thế, ngài hy vọng rằng việc lạc quyên sẽ củng cố mối tương quan giữa người Do Thái và Dân ngoại.
Điều đáng lưu ý trong bài đọc này là cách thức mà thánh Phao-lô đã kêu gọi tín hữu Cô-rin-tô hoàn thành công việc họ đã khởi sự. Sử quảng đại của họ phải được bắt nguồn từ sự quảng đại của Đức Ki-tô Giê-su đấng, mặc dù giàu có, đã trở nên nghèo khó vì họ, để rồi thông qua sự nghèo khó của ngài, họ có thể trở nên giàu có. Câu nói đáng lưu ý này (8:9) ám chỉ đến sự hiện hữu từ thuở đời đời của Đức Ki-tô và gợi nhớ lại bài thánh ca của tín hữu Phi-líp-phê (Pl 2:6-11) diễn tả cách thức một đấng vốn luôn hiện hữu từ thuở đời đời đã từ bỏ vinh quang thiên quốc để hạ mình đến mức chịu chết trên thập giá như một tên nô lệ.
Vậy thì Đức Ki-tô trở nên tấm gương kiểu mẫu để cho các tín hữu Cô-rin-tô noi theo khi họ thực hiện cuộc lạc quyên cho người nghèo ở Giê-ru-sa-lem. Những ai giàu có phải tiếp ứng cho nhu cầu của những người kém may mắn hơn. Ngược lại, nếu tín hữu Cô-rin-tô nào thấy mình đang ở trong hoàn cảnh cùng cực, thánh Phao-lô mong ước các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem sẽ hỗ trợ họ. Vậy thì, sẽ luôn có sự công bằng giữa các hội thánh.
Bản văn này là một kiểu mẫu về phương pháp mục vụ của thánh Phao-lô. Chẳng có vấn đề nào là quá đời thường mà lại không gắn kết với Chúa. Quả vậy, thánh Phao-lô luôn giải quyết mọi vấn đề trong ánh sáng của tin mừng. Các nhà giảng thuyết có thể giải thích bối cảnh này để chỉ cho các cộng đoàn của mình thấy cách thức mà tin mừng soi sáng cho những vấn đề có vẻ thế tục của họ. Hoặc, họ có thể tập trung vào tấm gương Đức Ki-tô đấng đã trở nên nghèo khó để con người có thể được giàu có. Làm như thế, họ sẽ thách đố các cộng đoàn của mình phải ngẫm nghĩ lại trong ánh sáng của tin mừng về ý nghĩa của giàu có và nghèo khó. Người giàu có mà không biết chia sẻ với những người có nhu cầu sẽ dẫn đến sự nghèo nàn nội tâm, trong khi đó, việc từ bỏ chính mình vì người khác lại dẫn đến của cải đích thực.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 81-82.