TỔNG QUAN SÁCH KHÔN NGOAN
Sách Khôn Ngoan được biên soạn không lâu trước khi Đức Giêsu ra đời, khoảng 80 đến 30 năm trước Công nguyên. Sách được viết bằng tiếng Hy-lạp nên không được nhận vào các Sách Thánh của Do Thái Giáo và Tin Lành. Trong Giáo hội Công giáo, sách thuộc nhóm đệ nhị qui điển cùng với các sách như Tô-bi-a, Giu-đi-tha, 1 và 2 Ma-ca-bê, Ba-rúc và Huấn Ca. Đây là các sách được nhận vào danh mục Sách Thánh trễ hơn so với các sách khác. Sách Khôn ngoan nằm ở vị trí thứ sáu trong khối Các sách Giáo huấn, ngay trước sách Huấn Ca.
Tương tự Sách Giảng viên và Sách Diễm Ca, sách Khôn ngoan cũng được gán cho vua Salomon vì “Vua Sa-lô-môn là người trổi vượt hơn tất cả các đế vương trên mặt đất về sự giàu có và khôn ngoan” (1V 10,23). Một bản văn tiếng Hy Lạp còn ghi rõ tựa đề sách là “Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn”. Tuy nhiên, đây chỉ là một kỹ thuật văn chương của thời xưa, lấy tên những người nổi tiếng đặt cho tác phẩm để thêm thế giá và uy tín. Tác giả thật của Sách Khôn Ngoan là một người Do Thái sống ở A-le-xan-ri-a, một thành phố sầm uất của Ai Cập, nơi có đông đảo kiều dân Do Thái sinh sống. Tác giả là một người tinh thông Kinh Thánh Do Thái, am hiểu văn hoá Hy Lạp, và rất thông thạo Hy ngữ.
Sống giữa một thành phố văn minh với sự hào nhoáng của tiến bộ khoa học, của những triết thuyết mới mẻ và các hình thức tôn giáo huyền bí, tác giả viết tác phẩm trước hết cho các đồng bào Do Thái, nhất là cho các thế hệ trẻ đang lung lay trong lòng trung thành đối với Thiên Chúa và Lề Luật. Bên cạnh đó, tác giả cũng muốn ngỏ lời với độc giả ngoại giáo nhằm dẫn họ đến gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng yêu thương hết thảy mọi người; tuy nhiên, đây chỉ là mục đích thứ yếu. Sách Khôn ngoan có mục đích bảo tồn tôn giáo và truyền thống hơn là chinh phục và truyền giáo.
Về cấu trúc, Sách Khôn ngoan gồm 19 chương, được chia làm ba phần rõ rệt. Phần thứ nhất gồm 5 chương đầu, trình bày vai trò của Đức Khôn Ngoan trong vận mệnh của con người, bằng cách so sánh số phận của những kẻ vô đạo với vận mệnh của những người công chính ở đời này lẫn bên kia cái chết. Phần hai, từ chương 6 tới chương 9, trình bày nguồn gốc và bản chất của Đức Khôn Ngoan; đồng thời, cho thấy cách thức sở đắc Đức Khôn Ngoan. Phần cuối cùng, từ chương 10 đến chương 19, tán dương hoạt động của Đức Khôn Ngoan trong lịch sử của dân Ít-ra-en, là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập.
Trong sự tiệm tiến của mạc khải, Sách Khôn ngoan cống hiến những sứ điệp mới mẻ và thiết thực. Trước hết, Sách mời gọi mọi người tìm kiếm sự khôn ngoan vì Khôn Ngoan có ý nghĩa và vai trò đặc biệt trong đời sống. Sự khôn ngoan này xuất phát từ Thiên Chúa và có được nhờ đời sống cầu nguyện. Đây chính là nguồn mạch của các nhân đức và sự hiểu biết của con người. Nét độc đáo của tác giả Sách Khôn ngoan hệ tại ở điểm biết liên kết sự khôn ngoan với những thành quả của khoa học. Thật vậy, tác giả khẳng định: “Đức Khôn Ngoan biết rõ quá khứ và đoán đúng tương lai, thông hiểu châm ngôn và giải được ẩn ngữ, biết trước các dấu lạ điềm thiêng, cũng như các thành tựu diễn biến trong thời gian, thời đại này qua thời đại khác” (Kn 8,8). Kế đến, Sách Khôn ngoan mang lại lời giải đáp cho vấn đề thưởng phạt bằng cách cho thấy sự công bằng của Thiên Chúa vượt khỏi ranh giới đời này. Thật vậy, những gì diễn ra trên đời này chỉ là chuẩn bị cho đời sau, khi những kẻ vô đạo sẽ bị trừng phạt xứng đáng, còn những người công chính được sống với Thiên Chúa. Đó chính là sự bất tử của linh hồn và sự sống đời sau! Đây chính là điểm mới trong mạc khải của Sách Khôn ngoan. Ngoài ra, Sách Khôn ngoan, cách riêng trong các chương 10 đến 19, còn cống hiến một bài đọc đức tin về lịch sử dân Ít-ra-en. Tác giả lý giải các các sự kiện lịch sử của dân Ít-ra-en một cách mới mẻ bằng cách nối kết các sự kiện với nhau và thêm vào sự minh giải theo ánh nhìn đức tin. Tác giả chú tâm làm nổi bật sự tương phản giữa số phận của dân Ít-ra-en với số phận của người Ai-cập để mời gọi dân suy gẫm về sự can thiệp yêu thương của Thiên Chúa.
Ra đời trong bối cảnh dân Do Thái nơi đất khách quê người đang gặp thử thách về lòng trung thành với Thiên Chúa và Lời của Người, Sách Khôn ngoan cống hiến cho con người xưa và nay nguồn lương thực thiêng liêng tuyệt hảo để nuôi dưỡng niềm tin, cũng như nguồn ánh sáng soi dẫn cho quá trình hội nhập đức tin trong những bối cảnh mới của thời đại.