Môn học: Triết học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Nguyễn Văn Nam, S.J.
Luận Ngữ vẫn được xem là một trong những tác phẩm chứa đựng những lời giảng dạy mang tính nhân văn sâu sắc. Trong số những lời giảng dạy đó, người ta tìm thấy chữ Hòa. Vậy, Hòa trong Luận Ngữ cần được hiểu như thế nào? Và đâu là nền tảng của Hòa? Tác giả bài viết nỗ lực trả lời cho những câu hỏi vừa nêu qua việc phân tích đối chiếu bản văn và bám vào hệ thống tư tưởng của Khổng Tử.
Trong các mối tương quan hàng ngày ở Việt Nam, mọi người hay được nghe đến các cụm từ như ‘hòa đồng’ hay ‘dĩ hòa vi quý’. Nhưng ý nghĩa của chữ hòa đây là gì? Nhiều người tưởng hòa là sự đến với người khác, theo cách nghĩ và lối sống của họ, hay là bỏ qua những căng thẳng để giữ gìn tương quan ấm êm. Những cách hiểu tương tự đã được sử dụng phổ biến trong đời sống và được đưa vào khuôn mẫu trong các từ điển Hán-Việt. Thực ra hòa là một ý niệm thuộc về truyền thống Nho gia, được đề cập và làm rõ từ thời Khổng Tử. Trong bài viết này, người viết sẽ chú trọng vào hai vấn đề chính là: quan niệm về hòa trong Luận Ngữ như thế nào? Đâu là nền tảng của hòa trong quan niệm đó? Thiết nghĩ cần phải hiểu đúng tư tưởng của các bậc vĩ nhân để không hiểu sai, hay thậm chí bôi nhọ tư tưởng của họ, và hơn nữa, để sống hiệu quả một tư tưởng triết lý cao quý.
Vì sao tác giả lại chọn viết về hòa trong sách Luận ngữ? Có lẽ sách Luận Ngữ được đánh giá là một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất trong triết học Trung Hoa từ cổ chí kim.[1] Bên cạnh đó, Luận ngữ được coi là tác phẩm hàm chứa tư tưởng chính thống của Khổng Tử và là tổng hợp các cuộc đối thoại của ông do các học trò ghi chép lại.[2] Khổng Tử không viết sách một cách hệ thống nên không thể có một tác phẩm trọn vẹn, chắc chắn về quan điểm của ông. Hiểu được Luận Ngữ phần nào giúp hiểu được con người và tư tưởng của vĩ nhân này và hiểu được đóng góp của ông cho các mối tương quan xã hội.
Một thực tế khó khăn khi nghiên cứu Luận Ngữ là ở cách tiếp cận. Khổng Tử không trình bày các khái niệm của mình theo cách định nghĩa.[3] Ông biết mỗi người có nhân cách và hoàn cảnh khác nhau nên không đưa ra một ‘khái niệm phổ quát’[4] cho mọi người trong mọi tình huống vì có thể dẫn đến áp dụng rập khuôn. Nhưng thiết nghĩ cũng cần phải có những cách hiểu cơ bản về quan niệm của Khổng Tử theo cách phân tích đối chiếu bản văn và bám vào hệ thống tư tưởng của ông.
I
Nói về ý nghĩa của hòa, Học giả Lý Minh Tuấn đã viết hẳn một tác phẩm với tiêu đề Triết Lý Chữ Hòa. Lý Minh Tuấn với cách tiếp cận chiết tự truyền thống, cho rằng chữ hòa trong Nho gia có ý nghĩa là “ăn nhịp với nhau; vừa phải không thái quá, không bất cập. Mưa gió phải thời, đúng độ gọi là thiên hòa; không trái với ai; không tranh giành; bằng nhau, đều nhau, cùng nhau; yên vui”.[5] Còn trong tác phẩm Key Concepts in Chinese Philosophy, Zhang Dainian giới thiệu cho độc giả khá nhiều cách hiểu về hòa. Nguyên nghĩa của hòa theo Zhang Dainian là hòa trong việc ca hát.[6] Trong bối cảnh ca hát ngày xưa ở Trung Hoa, một người sẽ đáp lại giọng hát của ca sĩ khác thì gọi là hòa và việc đó vẫn diễn ra trong nghệ thuật ca hát ngày nay ở các bộ tộc Trung Hoa.[7] Zhang Dainian cũng trích dẫn lại Explanation of Word với cách hiểu tương tự ‘hòa là một người hồi đáp (reply) một người khác’[8]. Thêm vào đó, Zhang Dainian trình bày khá nhiều quan điểm về hòa như của sử gia Shi Bo rằng hòa như là ‘‘sự thống nhất của các đối tượng không đồng nhất – unity of any nonidentical objects’[9]. Một cách định nghĩa khác về hòa cũng được thấy trong chú giải của Zuo, rằng hòa có thể được miêu tả như nồi súp mà trong đó mọi nguyên liệu đều khác biệt nhưng được nấu, thêm vào các gia vị vào tạo nên một món ăn hấp dẫn, làm phấn chấn người ăn. [10] Còn tác giả Xinzhing Yao trong tác phẩm An Introduction to Confucianism của mình, dành khá nhiều chỗ cho hòa của Nho gia mà ông gọi là ‘Đạo của Hòa” (the Way of Harmony).[11] Xinzhing Yao trình bày quan niệm về hòa của Nho gia như là “sự duy nhất của thiên và nhân”, “con người và tự nhiên”, “những xung đột xã hội và những giải pháp của nó”. Trên đây là những cách hiểu khá phong phú về hòa. Tuy nhiên những cách hiểu này có phải là cách hiểu rõ ràng, đầy đủ về hòa trong Luận Ngữ? Thiết nghĩ, chúng ta cần đi tìm hiểu cụ thể hòa trong bản văn của Luận Ngữ.
II
Trong tác phẩm Luận Ngữ, chữ 和 (hòa) được nhắc đi nhắc lại tổng cộng 8 lần, trong 5 câu, bao gồm câu 12 của Học Nhi (Chương 1), câu 31 của Thuật Nhi (Chương 7), câu 23 của Tử Lộ (Chương 13), câu 1 của Quý Thị (Chương 16), và câu 25 của Tử Trương (Chương 19). Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của những chữ hòa này trong Luận Ngữ.
Trong Thuật Nhi, câu 31, có viết: “子與人歌而善,必使反之,而後和之.”, tạm dịch, “Đức Khổng tử cùng với người hát mà thấy hay, ắt yêu cầu hát lại để họa theo sau.”[12]. Ở đây chữ 和 được Lý Minh Tuấn dịch là ‘họa’ thay vì hòa. Lý Minh Tuấn hiểu ‘họa’ theo nghĩa là ‘sự bắt chước’ với ý hướng phản ánh tính hiếu học của Khổng Tử.[13] Đoàn Trung Còn và Nguyễn Hiến Lê lại hiểu khác một chút. Cả hai học giả này cũng dịch chữ ‘和’ là ‘họa’ như Lý Minh Tuấn dịch, tuy nhiên, trong phần dịch nghĩa, Nguyễn Hiến Lê dùng chữ ‘cùng hát’[14], còn Đoàn Trung Còn lại nói là ‘phụ họa theo’[15]. Cách hiểu của Nguyễn Hiến Lê, nhất là của Đoàn Trung Còn gần với cách hiểu như của Explanation of Word mà Zhang Dainian trích dẫn ở trên. Nếu như thế, ý nghĩa của hòa trong câu này cho thế hiểu như là sự đáp lại, phối hợp trong thi ca. Thế nhưng, 和 hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa là họa tức là ‘mô phỏng’ hay ‘bắt chước’. Bối cảnh câu này cho thấy Khổng Tử đã đang cùng hát với người khác, nên không cần nói thêm về là sự đáp lại, phối hợp. Có thể khi thấy người đó hát hay, ông muốn bắt chước theo nên đã kêu người đó hát lại.
Trong Học Nhi, câu 12, có viết : “有子曰:禮之用,和為貴;先王之道,斯為美,小大由之.有所不行,知和而和,不以禮節之,亦不可行也”, tạm dịch, “Hữu Tử nói: ‘Chỗ dùng của lễ, hoà hợp là quí; đường lối của các vua đời trước là dùng lễ khiến cho tốt đẹp; việc lớn việc nhỏ đều do đó. Có chỗ không làm là: biết hoà để hoà hợp nhưng không lấy lễ để điều tiết thì cũng không nên làm.’ ” Về câu này, Lý Minh Tuấn bình luận ‘Điều đáng quí của lễ là khiến cho mọi người được thông cảm, hoà hợp với nhau.”[16] Như thế, hòa được hiểu như là kết quả của một cách vận hành xã hội dựa trên cách tổ chức các nghi lễ. Có nghi lễ trong việc lớn thì cũng nên có nghi lễ trong việc nhỏ, để tránh sự khác biệt, xa cách giữa dân và vua quan.[17] Sự ‘thông cảm, hoà hợp với nhau’, và là một phần quan trọng của lễ. Câu này nói lên hòa trong bối cảnh nghi thức, tương giao xã hội nhưng chưa làm rõ ý nghĩa của hòa hợp. Trong khi đó Nguyễn Hiến Lê và Đoàn Trung Còn có vẻ hiểu theo nghĩa khác. Cả hai vị này đều nhìn hòa như là giá trị nội tại của lễ, nghĩa là, hòa là hệ quả của cách tổ chức các nghi lễ vừa ở vua quan vừa cho dân chúng. Nguyễn Hiến Lê viết ‘công dụng của lễ nghi, quý nhất là để điều hòa (cho thích hợp, hòa hợp)”[18]. Đoàn Trung Còn thêm vào chi tiết thú vị là hòa giúp cho lễ có được sự mềm dẻo, linh hoạt, tránh được sự nghiêm khắc, khô khan.[19] Dầu vậy, cả ba học giả đều chưa lột tả được ý nghĩa hòa trong câu này.
Câu 1 của Quý Thị thì nói rằng “…孔子曰:求!君子疾夫舍曰欲之,而必為之辭.丘也,聞有國有家者,不患寡而患不均,不患貧而患不安.蓋均無貧,和無寡,安無傾”,tạm dịch,“Đức Khổng Tử nói: “Cầu! Người quân tử ghét kẻ ham muốn mà lấy lời biện bạch. Khâu này nghe rằng người có nước có nhà, không lo ít người mà lo không đều; không lo nghèo mà lo chẳng yên. Hễ đều thì không nghèo, hoà thì không ít người; yên thì không nghiêng đổ…”. Trong câu này, cả ba học giả đều hiểu hòa tương đối giống nhau. Đó là sự ‘hòa thuận’[20], ‘hoà với nhau, yêu thương nhau’[21] giữa các mối tương quan trong xã hội, và cai trị của giữa cấp trên đối với cấp dưới. Tuy nhiên, ý nghĩa chữ hòa vẫn chưa được làm nổi bật.
Câu 25 của Tử Trương lại được viết “…夫子之得邦家者,所謂“立之斯立,道之斯行,綏之斯來,動之斯和,其生也榮,其死也哀.”, tạm dịch, “…Thầy ta mà có được nước nhà, thì nói được rằng: ‘Gây dựng, dân đứng vững; dẫn dắt, dân tiến hành; vỗ yên, dân kéo đến; khởi động, dân hoà hợp. Sống thì được tôn trọng, chết thì được thương xót.’…” Ở đây, trong khi Đoàn Trung Còn dịch là “hòa thuận”[22], Nguyễn Hiến Lê lại nói ‘hiệp lực với nhau’[23]. Sự khác biệt là ở chỗ, hòa được đặt trong bối cảnh hoạt động. Hòa có lẽ không chỉ là vừa lòng nhau nhưng còn cùng cộng tác làm việc. Lý Minh Tuấn cũng theo hướng này khi bình giải thêm “phát động dân hoàn thành công việc gì, dân sẽ cùng chung sức và hoà hợp với nhau.” [24] Như thế, ‘hòa’ mang được diễn tả rõ hơn ý nghĩa mới là sự ‘chung sức’ hay ‘hiệp lực’.
Câu 23 của Tử Lộ sau đây có lẽ là câu mang ý nghĩa then chốt nhất cho chữ hòa trong Luận Ngữ. Câu 23 của Tử lộ có nói; “子曰:君子和而不同,小人同而不和”, tạm dịch, “Đức Khổng Tử nói: “Quân tử hoà vui với người mà không cùng giống như người; tiểu nhân cùng giống như người mà không hoà vui với người”. Có thể từ ‘hòa đồng’ hay được nói đến là khởi phát từ câu này. Tác giả Đoàn Trung Còn giải thích chữ ‘hòa’ là ‘hòa lạc’; ‘đồng’ là đồng tình trong việc quấy’[25]. Cách hiểu của Đoàn Trung Còn khá mơ hồ. Lý Minh Tuấn lại mở rộng bối cảnh ra lối sống và lý tưởng sống, khi nói hòa tức là ‘dẹp bỏ ý riêng, thay đổi lối sinh hoạt…để vui lòng người nhưng không bỏ lập trường, lý tưởng’, đồng là ‘a dua, hùa theo, hành vi xấu, trục lợi’[26]. Khác đi một chút, học giả Nguyễn Hiến Lê lại đặt trong bối cảnh đàm thoại, trao đổi ý tưởng, khi nói hòa là ‘đưa ý kiến để thảo luận, đi đến nhất trí’, còn ‘đồng’ là “phụ họa, a dua, không dám đưa chính kiến” [27]. Một học giả khác là Yanzi có cách hiểu tương tự Nguyễn Hiến Lê với bình luận rằng ‘hòa cho phép sự thống nhất của cả sự đồng thuận và sự bác bỏ, nếu chỉ vâng theo thôi thì không đủ’[28]. Để có thể đi đến nhất trí cần có khả năng thống nhất giữa các luồng tư tưởng được va chạm, cọ xát với nhau. Chú giải cho câu Luận Ngữ trên, một học giả khác là He Yan (190-249) lại chú trọng vào trạng thái tâm trí của người nói [29], đã nói rằng ‘ tâm trí của người quân tử thì hài hòa; vì thế anh chú ý tính khác trong các đối tượng, vì vậy, anh không phải là một người chỉ ‘vâng’[30]. Trong những cách chú giải trên về câu then chốt này, ý kiến nào đúng hơn đây?
III
Việc phân tích bản văn từng câu dường như chưa đầy đủ, còn nhiều mơ hồ và thiển cận để cho kết luận về ý nghĩa của hòa. Bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra ý nghĩa thực sự của hòa trong Luận Ngữ. Để hiểu về hòa, cần thiết để hiểu con người Khổng Tử và tư tưởng của ông trong Luận Ngữ theo cách hệ thống. Luận Ngữ là bộ sưu tập những bình luận được cho là của Khổng Tử, giả thiết là được ghi chép lại bởi học trò.[31] Do đó, phân tích Luận Ngữ một cách hệ thống có thể phần nào soi sáng cho những bình giải các câu ở trên, từ đó, giúp phác họa được chân dung hòa đầy đủ và rõ nét hơn.
Trước hết, ta dễ nhận thấy rằng Khổng Tử là người hiếu học, luôn mày mò tìm hiểu tri thức mới [32]. Khổng Tử là người rất thích hỏi và đòi buộc học trò hỏi vặn lại mình khi nói “trò không hỏi ngược trở lại, dường như là dốt nát”[33]. Mẫu hình người quân tử mà ông mong đợi cũng phải là người vừa “thận trọng”[34] và lại biết “hạ mình hỏi han mà không xấu hổ” [35]. Ông cũng là người biết phân biệt, phê bình, chọn cái đúng bỏ cái sai, khi khiêm tốn “chọn những điều thuộc về người tốt mà theo, những điều thuộc về người xấu mà sửa đổi.”[36], và dứt được bốn điều “không ý riêng, không quyết hẳn, không cứng chắc, không có mình.”[37] Như vậy, nếu đặt Khổng Tử vào một cuộc nói chuyện, đàm thoại hay trao đổi ý kiến, thiết nghĩ Khổng tử không chối bỏ những luồng tư tưởng, ý kiến khác biệt, trái chiều. Ngược lại, ông có thể sẽ suy xét để chọn điều gì thích hợp hơn để học, để sửa mình và ông chắc chắn không theo một điều trái quấy nào. Điều này giúp hiểu rõ về hình ảnh người quân tử ‘hòa bất đồng’ trong câu 23 chương Tử Lộ. Hòa ở đây có thể hiểu là sự thống nhất các ý tưởng trái chiều, tạo thành ý kiến phù hợp hơn với thực tế, vì lợi ích chung. Điều này có được trong quá trình đưa ra ý kiến, thảo luận, đối thoại, suy xét để đi đến chấp nhận ý kiến đúng hơn. Trái ngược với hòa là ‘đồng’, tức là sự a dua, không có chính kiến, dễ thay đổi để tìm lợi ích cho mình. Từ đây cũng có thể suy ra các điều trái ngược với hòa như khư khư giữ ý kiến bản thân, không dám chấp nhận cái đúng hơn, không dám bỏ ý riêng vì ích chung, giận giữ, thù hằn với người trái ý mình. Chú giải của Nguyễn Hiến Lê và Yanzi khá sát nghĩa bản văn hơn Lý Minh Tuấn và Đoàn Trung Còn về câu này của Tử Lộ.
Bên cạnh đó, triết lý của Khổng Tử mang đậm tính luân lý và chính trị-xã hội nên quan niệm về hòa có thể được nối kết với sự tương tác của các thành phần xã hội. Những câu trên của Thuật Nhi, Quý Thị và Tử Trương dường như đề cập ở khía cạnh tương quan xã hội này. Trong quá trình tương tác, giữa vua quan và dân chúng, giữa dân chúng với nhau, tất nhiên sẽ có những tương tác qua lại, hàm chứa nhiều xung đột lợi ích, trái ngược chính kiến. Khổng tử luôn nhắc đến tương quan hai chiều giữa vua quan và dân chúng, hướng đến lợi ích của đất nước. “Vua sai khiến bầy tôi theo lễ, bầy tôi phục vụ vua thì hết bổn phận.”[38], hay “Đến với dân bằng sự trang trọng, thì dân kính trọng; hiếu thảo, nhân từ thì dân trung thành; đề cao điều thiện mà dạy dỗ những người kém cỏi, thì dân khuyên nhủ lẫn nhau.”[39] Do vậy, hòa ở đây có thể hiểu là sự hiểu biết những mong đợi, tôn trọng giá trị của người khác, thỏa đáp ước muốn chính đáng của nhau, cùng cộng tác hiệp lực để xây dựng đời sống chung.
Tóm lại, hòa trong Luận Ngữ được hiểu trước hết là sự thống nhất, điều chỉnh và bổ trợ lẫn nhau có va chạm giữa những yếu tố khác biệt hay đối lập, như là những ý kiến, mong đợi, lợi ích…Tính chất tương tác này không loại trừ yếu tố khác biệt nhưng để mỗi yếu tố ấy trong vị trí phù hợp của nó.[40] Sự hòa hợp này không thể được nhận ra nếu chỉ chú trọng từng yếu tố hay từng vai trò nhưng chỉ thấy được trong một bức tranh tổng thể của các yếu tố khi thấy chúng sửa chữa, bổ trợ, nâng đỡ hay làm nổi bật nhau như thế nào. Khổng Tử rất thích thi ca và ông hay cùng hát đối lại với người hát nên sẽ thật thú vị khi chúng ta có thể dùng hình ảnh của những giọng hát cất lên cùng lúc nhưng theo những cung bậc song đối nhau để khắc họa chân dung của hòa. Hòa này là tình trạng khách quan chứ không phải trong tâm trí như He Yan giải thích ở trên.
Vậy nền tảng của hòa là gì? Tính hòa trong đối thoại hay tương quan đến từ đâu? Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói khá nhiều về đức nhân và nghĩa, và hai yếu tố này có liên hệ mật thiết với hòa. Người có đức nhân hướng tới lợi ích của người khác, lợi ích chung, không dùng thuật giả bộ hay nhún nhường để vén lợi cho mình. Người có đức nhân thì biết “xem xét điều thái quá” [41], sai trái của mình và “không có điều xấu.”[42], mà lại biết “chọn lựa sáng suốt” [43]. Về nghĩa, người có đức nghĩa thì thấy điều đúng phải làm, không làm điều không ngay thẳng[44], không a dua, ‘đồng’ theo kẻ khác, đó mới là ‘tôn trọng đức hạnh’[45]. Như thế, có thể nói, tính hòa một cách cơ bản có được là nhờ đức nhân, nghĩa của những người tham dự hay có liên hệ. Nói cách khác, hòa là biểu hiện hay phương cách của các giá trị đạo đức như nhân, nghĩa đích thực. Người tạo được hòa trong đời sống của mình thì đang tiến sâu trên hành trình thành nhân mà Nho gia hướng tới. Ngoài nhân và nghĩa, một vài tính cách khác cũng có cần được thể hiện để có được hòa như trí[46] để “xét rõ được lời nói mà nhìn rõ được hình sắc; biết nghĩ ngợi để hạ mình dưới người”[47] ; dũng[48] để “chấp nhận sự khinh thường”[49], “mong muốn được sửa sai”[50]; sự linh hoạt để “uyển chuyển”[51] cách ứng xử theo loại người, theo bối cảnh, lễ nghi. Như vậy, hòa đặt nền tảng trên đức nhân và nghĩa, nhưng để đạt đến hòa ta cần nhiều yếu tố khác, tựu trung trong một con người quân tử. Điều này cho thấy hòa không nằm đơn lẻ nhưng chặt chẽ trong hệ thống luân lý và tương giao xã hội được trình bày trong Luận Ngữ.
IV
Hòa trong Luận Ngữ được khắc họa như một tình trạng tương tác xã hội, không phải theo chiều hướng vũ trụ (tương quan thiên-địa-nhân) như điều có thể thấy rõ trong Trung Dung, dù có thế là cùng nguyên lý siêu hình. Trong bối cảnh những cuộc đối thoại, hay tương giao xã hội, chính trị, hòa là sự thống nhất, cân đối giữa các yếu tố mâu thuẫn, xung đột, tạo nên sự thay đổi. Hòa giúp tránh được sự loại trừ những điều mâu thuẫn, cái đúng nhưng yếu ớt, tránh xung đột lợi ích, gây đổ vỡ tương quan, nhưng ngược lại tìm kiếm được điều đúng hơn, phù hợp hơn, có ích hơn cho mọi người, tận dụng được những nguồn lực phong phú, xây dựng tương quan hài hòa trong xã hội. Hòa đặt nền trên nhân và nghĩa nên phần nào mang tính luân lý, vì thế, nó có thể được coi như nhân đức luân lý nơi một người khi họ có khuynh hướng tạo nên những tình trạng hòa trong nội tâm, đời sống và xã hội. Người thể hiện được hòa trong đời sống của mình thì đang tiến sâu trên hành trình thành nhân. Khổng Tử, hay tác giả tư tưởng của sách Luận Ngữ, thật sự đã vừa khôn ngoan vừa đạo hạnh để làm nổi bật tính hòa trong đời sống xã hội.
Hệ tư tưởng Nho gia khá thực tế, muốn hướng đến sự phát triển của con người và xã hội. Có lẽ một câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí Nho gia là làm sao để giúp con người, giúp xã hội này phát triển hơn. Tác giả bài viết này trong mối thao thức của mình cho xã hội ngày nay cũng đặt ra một câu hỏi tương tự cho chính mình. Thiết nghĩ, hòa vẫn có giá trị thực tế cho đến đời sống và xã hội ngày nay. Để tạo nên tình trạng hòa đích thực thiết tưởng phải hiểu rõ quan điểm về hòa, nhất là trong Luận Ngữ, để xây dựng một xã hội con người thuận thảo, nhân văn và phát triển mà Nho gia hướng tới. Trong giới hạn bài viết, tác giả không thể đi xa hơn đế nối kết quan niệm hòa với cách áp dụng trong thực tế xã hội Việt Nam hiện nay. Hy vọng rằng ở một bài viết khác điều đó sẽ được thực hiện. Dù gì, theo thiển ý, hòa sẽ là một điểm then chốt cho câu trả lời cho tương quan xã hội và hoàn thiện con người của thời đại hôm nay.
Thư mục tham khảo
Bell Daniel, Chinea’s New Confucianism. Princeton University Press. USA. 2008
Ivanhoe & Norden, Readings in Classical Chinese Philosophy, Seven Bridges Press. Newyork. 2001
Jeeloo Liu, An Introduction to Chinese Philosophy – from ancient philosophy to chinese buddhism. Blackwell Publishing. Oxford. 2006
Lý Minh Tuấn, Triết Lý Chữ Hòa, NXB Phương Đông. TPHCM. 2011
Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, NXB Tôn Giáo.2010
Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn biên dịch, NXB Thuận Hóa. Huế. 1998
Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải. NXB Văn Học. TPHCM. 1995.
Shun & Wrong, Confucian Ethics, Cambridge University Press. Newyork. 2004
Xinzhing Yao, An Introduction to Confucianism, Cambridge University Press. Newyork. 2000
Yu Dan, Khổng Tử Tinh Hoa, trans. Hoàn Phú Phương & Mai Sơn. NXB Trẻ. TPHCM. 2006.
Zhang Dainian, edited by Edmund Ryden, Key Concepts in Chinese Philosophy. Yale University press. USA. 2002
[1] Yu Dan, Khổng Tử Tinh Hoa, trans. Hoàn Phú PHương & Mai Sơn, NXB Trẻ, TPHCM, 2006, phần lời tựa
[2] Jeeloo Liu, An Introduction to Chinese Philosophy – from ancient philosophy to chinese buddhism, Blackwell Publishing, Oxford, 2006, p. 47
[3] ibid, p. 48
[4] ibid, p. 48
[5] Lý Minh Tuấn, Triết Lý Chữ Hòa, NXB Phương Đông, TPHCM, 2011, tr. 10.
[6] Zhang Dainian, edited by Edmund Ryden, Key Concepts in Chinese Philosophy, Yale University press. USA. 2002, p.270
[7] ibid, p.270
[8] Explanation of Words and Characters 2a, kon bu, p.32a (cited by Zhang Dainian, p.270)
[9] Zhang Dainian, p.270
[10] ibid, p.271
[11] cf. Xinzhing Yao, An Introduction to Confucianism, Cambridge University Press, Newyork. 2000. pp.169-189
[12] Bản nguyên văn và dịch nghĩa được mượn từ Tứ thư Bình Giải của tác giả Lý Minh Tuấn
[13] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, NXB Tôn Giáo.2010, tr.179
[14] Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải, NXB Văn Học. TPHCM. 1995. tr. 135
[15] Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn biên dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.115
[16] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, tr. 24
[17] ibid, tr. 24
[18] Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê, tr. 32
[19] Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, tr.11
[20] Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê, tr. 273
[21] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, tr. 408
[22] Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, tr.309
[23] Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê, tr. 320
[24] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, tr.476
[25] Luận Ngữ, Đoàn Trung Còn, tr.211
[26] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, tr. 327
[27] Luận Ngữ, Nguyễn Hiến Lê, tr. 224
[28] Zhang Dainian, p.272 (harmony allows for the reconciliation of both assent and rejection, it is not enough to be a yes man.)
[29] Zhang Dainian, p.272
[30] He Yan, Correct Meaning of the Analects: Collected Exegesis of the Analects 13, Zi LU, pp.296-297 (cited by Zhang Dainian, p.272)
[31] Jeeloo Liu, p. 47
[32] Thuật Nhi, 19
[33] Vi Chính, 9
[34] Học Nhi, 14
[35] Công Dã Tràng, 14
[36] Thuật Nhi, 21
[37] Tử Hãn, 4
[38] Bát Dật, 19
[39] Vi Chính, 20
[40] Tính chất này khác với quy luật biện chứng của Hegel, tức cái sau phủ định cái trước, giữ quyền ảnh hưởng cho đến khi nào bị phủ định bởi cái tốt hơn. Đây là lối nhìn kiểu nhị nguyên của Phương tây.
[41] Lý Nhân, 7
[42] Lý Nhân, 4
[43] Lý Nhân, 1
[44] Ung Dã, 17; Hương Đảng, 9
[45] Nhan Uyên, 10
[46] Tử Hãn, 27; Nhan Uyên, 4;
[47] Nhan Uyên, 19
[48] Tử Hãn, 27
[49] Tiên Tiến, 1
[50] Tiên Tiến, 3
[51] Hương Đảng, 2 ; Tử Hãn, 28