Ảnh từ Internet

Tác giả: Diego Fares, SJ

Chuyển ngữ: Joseph Nguyễn Quốc Tuấn, SJ

Trong lần gặp gỡ các Giê-su hữu (Dòng Tên) Ba Lan ở Krakow, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rằng: “Giáo Hội cần được lớn lên về khả năng nhận định.”[1] Vì việc đào tạo hàng linh mục có tầm mức quan trọng nên Ngài khuyến khích các Giê-su hữu đồng lao tác với các chủng sinh giáo phận để “giúp họ điều mà chính chúng ta đã lãnh nhận từ Linh thao của Cha Thánh I-nhã: Đó là khả năng nhận định khôn ngoan.”[2]

Nhưng thế nào là nhận định? Có rất nhiều định nghĩa, lý thuyết hay về nó. Ở đây, tôi chỉ đơn thuần hiểu đó là khả năng lý trí con người kiếm tìm và nhận ra thời khắc thích hợp cũng như những phương thế tốt nhất để thực hiện điều thiện.[3] Trên bình diện thiêng liêng, thời khắc thích hợp cũng như những phương thế đặc thù tốt nhất chính là những gì làm hài lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng không phải lúc nào cũng trùng khớp với những gì mà trí khôn loài người mách bảo. Thực tế cho thấy sự khôn ngoan nơi thập giá lại là điều điên rồ đối với người này và là sự ngu dại cho kẻ khác.

Đức Thánh Cha nói đến việc chúng ta cần được lớn lên về khả năng nhận định, trước hết ngang qua việc thay đổi cách thức mục vụ. Nếu như tội lỗi và đau khổ của trăm triệu người nghèo là nguồn chứa lòng thương xót, thì chính lương tâm lại là nguồn chứa ân sủng nhận định: Lương tâm đó nơi mỗi gia đình, nơi mỗi cá nhân đồng sẻ chia. Và để giúp họ được lớn lên trong nhận định thì cần kiên trì và can đảm dấn bước cùng họ trong suốt tiến trình. Mấu chốt là ở nơi lương tâm mỗi người: Đó là cõi thẳm sâu để cá nhân nhận ra trách nhiệm về hành vi của mình và để được lớn lên trong khả năng “suy xét” và “nhận định” xem họ đang tấn tới ra sao trong đời sống.

Vậy cụ thể ra, nhận định là gì? Nó trên hết phải là một tiến trình chứ không phải là một phương pháp “toán học” để kiếm tìm giải pháp. Tin Mừng cho ta thấy đây không phải là một tiến trình phức tạp. Thiên Chúa đã ủy thác khả năng nhận định thời tiết cho con người, ví như xét xem liệu trời có mưa hay không, bởi lẽ chúng ta có thể nhận định mọi thứ, có thể nhận định đúng thời khắc ân sủng đến (Lk 12:55). Vậy nên, nhận định thiêng liêng không đơn thuần chỉ là một hoạt động trí tuệ dành cho những bậc thông thái khôn ngoan, nhưng đúng ra đó là khả năng người hiền đức đơn lành nhận ra “thời khắc ân sủng” mà Thiên Chúa đang lao tác.

Tân Ước nói rằng, nhận định không chỉ là sự khôn ngoan, là khả năng con người làm điều thiện, nhưng còn là một trong những ơn ban của Thánh Thần (1 Cr 12:10). Mà để được lớn lên về nhận định, trước hết ta phải liên lỉ cầu nguyện như Vua Solomon đã cầu xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để lãnh đạo dân ngài (1 V 3:9-12).

Sau cùng, nhận định phải cho thấy tiến trình và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nó phải giúp ta trưởng thành nơi ước muốn hướng về điều thiện.[4] Không giống như đức tin vẹn toàn một lần là cho hết thảy, nhận định luôn đặt ta vào tiến trình gồm ba thời khắc: cảm xem ta làm vì động cơ nào; coi xem liệu động cơ đó có giúp ta gần gũi hơn hay tách ta khỏi các giá trị Tin Mừng; và nhìn xem hành động tiếp theo của ta là gì.[5]

Chừng nào còn dựa vào thực tại, thì nhận định tự nó luôn mở ra với cái khác, liên tục phải điều chỉnh, chẳng khác nào con mắt phải liên tục điều chỉnh theo độ sáng và mỗi khi có vật thể bên ngoài tác động. Vì thế, nhận định không khi nào là hoàn tất, dẫu cho có những lúc cần phải kết ở mỗi chặng đi.

Hơn nữa, nhận định luôn cần được trợ giúp (vì không ai có thể thấu đáo mọi khía cạnh đời sống). Dẫu sự trợ giúp này chỉ là điều kiện cấu thành, nhưng nó không đứng ngoài, nó liên quan đến thực tại để ta có thể đi vào thực tại; và theo nghĩa chặt, nó liên hệ đến việc nhận định đâu là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Nhận định, không lén lút đưa ta vào những thời cơ và thách đố của một thực tại trung lập, nhưng thay vào đó dẫn ta theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cho phép mỗi người chúng ta tìm cho mình đích điểm để phục vụ, thời khắc ân ban để hành động, cách thức để tiến hành, cũng như đặc sủng riêng biệt tương ứng mà qua đó Thánh Thần đang lao tác vì thiện ích chung.

Có ba thời khắc trong tiến trình lớn lên về khả năng nhận định mà đặc biệt có thể giúp được ta. Thứ nhất là nhận định những chướng ngại có thể cản trở ơn ban giúp ta mở ra trước Thánh Thần cũng như giúp ta đem lại hoa trái cho hết thảy mọi người. Thứ hai là củng cố một số tiêu chí chung có thể hữu ích để ta tôn trọng những gì đang diễn ra. Thứ ba là sự trợ giúp ban đầu và hữu hiệu do Linh Thao của Thánh I-nhã đem lại cho những ai muốn đi vào tiến trình nhận định hay đồng hành với người khác trong tiến trình đó.

Loại bỏ những chướng ngại

Bước thực hành đầu tiên là loại bỏ những chướng ngại. Đó không đơn thuần chỉ là loại bỏ những cám dỗ hàng ngày phát sinh khi ai đó bắt đầu tiến trình nhận định, nhưng còn là loại bỏ những cám dỗ nặng hơn, mà cụ thể là hai cám dỗ có thể khiến tiến trình này nên công dã tràng.

Cám dỗ thứ nhất là “đẩy tiến trình nhận định vào cõi thiên đường”, nghĩa là nâng bốc nó lên thành một đặc sủng ngoại thường hiếm có, chỉ dành riêng cho những người hoàn bị, là tầng lớp ưu tuyển như các ẩn sĩ hay tu sĩ.

Cám dỗ thứ hai là “chôn vùi nó dưới đất”. Nghĩa là, những điều được đưa ra để chọn lựa đều phải là “những điều tốt đẹp”[6]; tuy nhiên lại có những khung pháp lý áp dụng chuẩn chung cho hết thảy mọi trường hợp đặc thù mà không chừa chỗ cho những ngoại lệ hay trong những trường hợp cần được xem xét.

Thông điệp Amoris Laetitia chống lại những khung pháp lý nào loại trừ những trường hợp trên. Điều đó cho thấy “một khi được Giáo Hội trợ giúp, người ta có thể lớn lên trong đời sống ân sủng và đức ái.”[7]

Thế nên, ta cần phải kiên quyết loại bỏ hai cám dỗ đầu tiên này vì “nhận định chính là nhập thế.” Nhận định không đơn thuần chỉ dành cho giới ưu tuyển, nhưng đó là ơn ban của Thánh Thần cho các tín hữu. Nhận định mổ xẻ các trường hợp cụ thể, giúp ta lựa chọn sao cho khôn ngoan, vì thế nó là tâm điểm thực tiễn cấu thành nên bản chất của mọi đạo luật.

Mặt khác, dẫu cho những trường hợp thực tế có hoàn toàn trùng khớp với lý thuyết thành hình một đạo luật, thì ta vẫn phải cần nhận định. Trong trường hợp như thế, tiến trình suy xét đưa đến đồng thuận sẽ được rút ngắn: Đó là nhận định tức thì. Vì thế, ta chỉ việc áp dụng đạo luật như đã định. Tuy nhiên, khi thực tế trở nên phức tạp thì nhận định không chỉ vì lợi ích, nhưng còn là đòi buộc: Ta cần phải dành thời gian suy xét thấu đáo mọi điều đang diễn ra.[8]

“Lớn lên về nhận định” không là phẩm tính dành riêng cho bậc “thông thái” hay chỉ dành cho “những trường hợp đặc biệt”[9], nhưng là tâm điểm hành vi con người. Chính yếu, đó là sự suy xét không ngừng để ta nhằm kiếm tìm điều thiện và loại trừ điều ác. Ta đặt mình vào thế mà mỗi khi suy xét thực hiện điều phải làm, ta cần trước tiên dành thời gian đắn đo cân nhắc thực tế phức tạp phát sinh.

Ta gọi bước trung gian giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa điều thiện ta được ghi khắc và điều thiện ta phải làm, là “nhận định”. Để có thể lớn lên trong ân sủng này thì ta cần đưa ra những quyết định, đặc biệt trong những lúc các định thức lý thuyết quá vắn gọn; trong những lúc ta thấy mình đang ở giữa muôn vàn những khuôn mẫu mâu thuẫn nhau, và vì thế cảm thấy có trách nhiệm phải đưa ra những quyết định lên lương tâm của mình; trong những lúc ta đang vật lộn, đối mặt với tình huống có vẻ là trắng đen, có vẻ là rõ ràng, thay vì được đỡ nâng bước đi trên đường thiện hảo.

Mọi người cần được lớn lên về nhận định. Thông điệp Amoris Laetitia nêu rõ: “Lương tâm người tín hữu dường như lại khó có chỗ cho nhận định, dù họ mang nơi mình những giới hạn nhưng lại là những người thường hay đáp trả hết mình cho Tin Mừng, và cũng có thể nhận định những tình huống phức tạp. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, ta được Thiên Chúa gọi mời để vun đắp cho lương tâm, chứ không phải để thay thế nó” (AL, 37). Phần thưởng ta được vì sự trưởng thành thiêng liêng sẽ vượt xa những gì ta nhất thời lo âu, bối rối mỗi khi không biết phải “áp dụng quy tắc” ra sao.

Tin Mừng cho thấy Chúa Giê-su là Ngôi Lời nhập thể, Ngài nhận ra (nhận định) điều tốt đẹp nơi đời sống những tội nhân trong hoàn cảnh cụ thể. Với phong thái người phục vụ, không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét, không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, Chúa Giê-su không nhận định bằng cách lên án, nhưng qua sự thứ tha với lòng thương xót và khuyến khích mọi người bước theo đường thiện hảo. Ngài nhận định không dựa theo những bàn thảo trừu tượng, thậm chí đôi lần còn vượt qua những lề luật hình thức để người ta có cơ hội thực thi lề luật trong tình yêu thay vì chỉ dừng lại ở nghĩa vụ.

Vài tiêu chí giúp ta nhận ra giá trị của nhận định

Nhận định thần loại có nền tảng nơi Thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Đồ, trong đó ngài khuyên ta nên ở lại trong Chúa và đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy “cân nhắc chúng xem” (1 Ga 4:1). Tiêu chí để nhận định xem thật, giả nơi các thần chính là Sự Nhập Thể. Như Đức Thánh Cha đã nói: “Điều này thật đơn giản: Nếu những gì tôi muốn hay tôi nghĩ mà quy theo con đường Nhập Thể của Ngôi Lời, Đấng ‘đã nên huyết nhục,’ thì thần đó ắt đến từ Thiên Chúa, còn nếu không như vậy, thì hẳn không phát xuất từ Thiên Chúa.”[10]

1) Tiêu chí thứ nhất, nhận định thiêng liêng là lẽ khôn ngoan trong thực tiễn, nó kết hiệp chiêm niệm với hành động. Sẽ không có nhận định đích thực nào về ý muốn Thiên Chúa mà lại không khắc ghi toàn thể kế hoạch cứu độ của Ngài, và cũng sẽ không có kế hoạch cứu độ nào mà lại không cụ thể tính đến (nhận định) người có thể thực thi kế hoạch đó trong dòng lịch sử nhân loại. Đức Thánh Cha nói với các thần học gia rằng: “Thần học gia… là người gắng công cho thấy làm sao để chân lý đức tin có thể tạo nên sự kết hiệp hài hòa. Hơn nữa, nhiệm vụ của thần học gia là chăm chú lắng nghe, nhận định, diễn nghĩa muôn vàn lối nói khác nhau đặc trưng của thời đại chúng ta, là biết làm sao thẩm định chúng theo ánh sáng Lời Chúa để người ta có thể hiểu được chân lý mạc khải đến kỳ cùng, hiểu rõ nó hơn, và trình bày nó tốt hơn dưới những hình thức phù hợp.[11]

2) Một tiêu chí khác cũng khá quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng hiển nhiên được mọi người biết đến, tiêu chí mà Đức Gio-an Phao-lô II gọi là “thời gian và thời cuộc.” Ngài luôn nhắc nhớ ta rằng thời gian là của Thiên Chúa, do đó không thể có một “khôn ngoan nào mà không hệ tại đến thời gian”. “Thực tế, con người không có quyền trên thời gian, chỉ có quyền trong thời gian; quyền ấy phải do Thiên Chúa tặng ban: Đó là đức cậy”. “Người Ki-tô hữu, sống thời nay để không bị lừa phỉnh, thì cần hướng lòng cầu nguyện và nhận định. Chính vì thế mà Chúa Giê-su đã khiển trách những người không biết cách nhận định thời cuộc (Mk 13:28-29)… Đó là nhận ra các dấu chỉ đích thực, nhận ra con lộ ta phải theo trong buổi đương thời.”[12]

Điều này tuy đơn giản nhưng thâm thúy. Khi nói không thể có một “khôn ngoan nào mà không hệ tại đến thời gian”, ta đang ngừa lý trí mình khỏi sa vào thế giới trừu tượng hóa, vì lý trí lúc đó đang tự hệ thống hóa nó cách thái quá. Khi chấp nhận thời gian như một quà tặng, lý trí mới quy về chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa và quy về nhận định con lộ Ngài muốn, ở đây lúc này và trong giây phút hiện tại. Nơi thần học, lý luận (logic) không nằm ngoài thời gian. Thần học là thứ lý luận của tình yêu diễn ra trong dòng lịch sử. Đó là cách lý luận để nhận ra và thực thi lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa, lòng nhân ấy khiến ta luôn ngỡ ngàng, dễ hiểu và đơn giản chỉ là tình yêu.

3) Ta cần nhớ rằng, đối với Đức Gio-an Phao-lô II, thì nhận định chính là ơn ban Thánh Thần cho toàn thể Dân Chúa vì sự cứu rỗi linh hồn họ. “Toàn thể Dân Chúa, đó là một dân ngôn sứ. Qua ơn ban Thánh Thần, các chi thể của Giáo Hội có một ‘cảm thức đức tin’. Đây là ‘bản năng thiêng liêng’ cho phép họ có ‘cùng cảm thức với Giáo Hội’ (sentire cum Ecclesia) để nhận định đâu là điều phù hợp với đức tin tông truyền và tinh thần Tin Mừng.”[13] Vì vậy, nhận định như chỉ sợi dệt nên tấm vải Dân Chúa nơi đời sống thường hằng,[14] phù hợp với hình ảnh Thiên Chúa là Cha đã vui lòng mạc khải chính Ngài cho những người con bé mọn (Mt 11:25-26).[15]

4) Tiêu chí sau hết là phải đối đầu với thần dữ. Cách duy nhất giúp ta tránh đồng hóa nhận định thần loại với điều thông thái, khôn ngoan, hoặc tệ nữa với phương pháp tâm lý học chiều sâu, đó chính là cần phải hiểu rõ và kinh nghiệm cho được đức tin về cách thức ma quỷ hành động trong đời sống thiêng liêng. Thực tế cho thấy, nơi Linh Thao, chính khi sợ phải nêu đích danh ma quỷ hay “thần dữ” ra là lúc ta càng bị ma quỷ tha hóa và chúng ở lại trong ta.

Điều đó minh chứng cho thấy Linh Thao của Thánh I-nhã là một trợ giúp độc sáng mỗi khi nhận định. Nếu phải tìm ra sự khác biệt giữa nền linh đạo quy Ki-tô của Thánh I-nhã và của các tác giả đương thời với ngài, ta có thể nói rằng nơi những tác giả đương thời ấy, ta không thấy họ nhấn mạnh nhiều đến mầu nhiệm Satan như ta thấy nơi I-nhã cũng như nơi những truyền thống linh đạo lớn đã từng thức tỉnh ngài. Thế nên, cách I-nhã phơi bày bóng đêm nơi việc làm của sự dữ càng làm cho mầu nhiệm Đức Ki-tô trở nên sáng tỏ. Trong Linh Thao, nếu như mọi đề tài về ân sủng đều quy về nhân vị Đức Ki-tô, thì mọi đề tài về tội lỗi đều quy về con người Satan. Satan là kẻ thủ ác của ta; nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Ki-tô và Satan cùng một cấp độ, chỉ là hoạt động của Satan làm cho việc làm của Đức Ki-tô trở nên có cơ sở hơn mà thôi.

Linh Thao giúp ta trong tiến trình nhận định[16]

Ta hãy sơ lược nhìn qua lúc đầu và qua những trợ giúp mà Linh Thao của Cha Thánh I-nhã mang lại cho những ai muốn tham dự vào tiến trình nhận định hoặc muốn đồng hành với người khác trong suốt tiến trình này. Linh Thao chính là quyển “Phúc Âm”, là sứ điệp về Đức Ki-tô, là kerygma của Cha Thánh I-nhã.[17] Ta có thể tìm thấy mọi thứ trong Linh Thao: Những đề tài ngài rút ra từ Kinh Thánh, những bài chiêm niệm và suy niệm mà ngài khai triển, cấu trúc mà ngài xếp đặt, những lời khuyên thiết thực của ngài cho cầu nguyện, những hướng dẫn của ngài để nhận định, thời gian mà ngài quy định cho mỗi bước… Chúng là lời loan báo tác động lên những chuyển động thiêng liêng dựa trên những quyết định chính yếu hay những thay đổi tận căn nơi đời sống của một người làm Linh thao, nhằm nhắm đến việc phục vụ Chúa Kitô cách cụ thể.

Nếu ta bó hẹp nhận định chỉ trong những bài Linh Thao của Thánh I-nhã thôi thì xem chừng có vẻ giản đơn quá. Ta cần nhớ rằng đặc sủng trong Giáo Hội luôn là phổ quát và cụ thể. Đặc sủng này không loại trừ đặc sủng khác, nhưng bổ túc cho nhau. Đặc sủng chính là những ân sủng mà Thánh Thần ban cho thánh nhân chỉ vì thiện ích chung.

Thánh I-nhã là một thần học gia. Trong Linh Thao của ngài và cụ thể trong cách nhận định thần loại và đưa ra quyết định của mình, ngài thực thi công việc của một thần học gia: Hẳn là ngài không theo cách những thần học gia kinh viện đã làm, là “xác định và làm rõ”, nhưng lại theo hướng “các bậc tiến sĩ như Thánh Jerome, Thánh Augustine, Thánh Gregory, và những vị khác” đã làm, “là trong mọi sự hướng lòng yêu mến và phục vụ Thiên Chúa.”[18] Thần học của Thánh I-nhã là nền thần học nhận định nhằm giúp mọi người “yêu mến và phục vụ Thiên Chúa trong mọi sự” (Linh Thao, 363). Thần học của ngài không dừng lại ở ý tưởng, nhưng nhằm biến đổi đời sống.

Vì vậy, nếu mỗi khi phải chất vấn về các vấn nạn, truyền thống Công Giáo thường nại đến các Giáo Phụ hoặc Thánh Thomas; thì khi đề cập đến vấn đề nhận định, người ta thường nại đến Thánh I-nhã, đấng được Giáo Hội đặt lên làm vị bảo trợ cho những cuộc tĩnh tâm.[19] Giáo Hội xem Linh Thao như một phương thế “đáng làm và sinh ích”[20] không chỉ cho riêng ai nhưng cho toàn thể Ki-tô hữu.

Sức linh hoạt của Linh Thao

Linh Thao có sức linh hoạt, nó “làm tất cả những gì” hầu giúp những ai muốn theo sát Chúa Giê-su Ki-tô hơn, những ai muốn chọn làm người phục vụ của Chúa vì lợi ích Giáo Hội cũng như để tu chỉnh đời mình.

Đức Pi-ô XI tâm đắc với Linh Thao của Cha Thánh I-nhã cũng chính vì sức linh hoạt này: Vì “không ngờ nó lại thích ứng đối với mọi tầng lớp xã hội và hoàn cảnh của mỗi cá nhân đến thế.” Đức Pi-ô rất xem trọng nền thần học Linh Thao cả về mặt lý thuyết và ý nghĩa thực tiễn, coi trọng “giáo huấn thiêng liêng vững chắc của nó, là vô hại và không mang màu sắc thần bí ảo tưởng giả tạo”, đánh giá cao “tính toàn thể hội nhất của nó, là một sự xếp đặt tuyệt vời những chân lý giúp suy niệm”, cũng như nhấn mạnh khả năng hiệu quả của nó “đưa con người thoát khỏi tội lỗi đến đỉnh cao cầu nguyện và tình yêu Thiên Chúa.”[21]

Cũng như thế, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lại tin rằng “các linh mục cần được hướng dẫn Linh Thao để giúp họ năng động hơn trong khả năng nhận định mục vụ, sao cho một mặt vẫn thượng tôn lề luật nhưng mặt khác cũng biết tiến xa hơn. Với Dòng Tên, đây là một nhiệm vụ hàng đầu,”[22] là trước hết phải theo khuôn khổ Linh Thao.[23]

Các bước chuẩn bị nhận định

Nhận định thiêng liêng không là một hành vi cá nhân nơi một chủ thể tự trị, nhưng đó là một hành vi nhân vị của những ai muốn quyết định trở nên người phục vụ trong Giáo hội vì thiện ích chung. Trước khi lựa chọn bậc sống hoặc tu chỉnh đời mình theo cách Chúa muốn nơi mỗi người, ta cần phải chuẩn bị mình sao cho bất cứ điều gì ta chọn theo giá trị Tin Mừng thì đều phải phù hợp với khuôn khổ bao hàm của đời sống Giáo Hội và lịch sử cứu độ.

 
Trong khuôn mẫu “tuần I” Linh Thao, ta thấy đã có sự chuẩn bị thích hợp để nhận định đời mình. Thánh I-nhã giúp ta suy niệm về tội lỗi và những quyến luyến lệch lạc mà ta cần xếp đặt lại sao cho có trật tự để ta chọn lựa và tu chỉnh đời mình được tốt. Việc quy kết cho được tội lỗi là một điều đáng có trong Linh Thao. Dưới cái nhìn của Thánh I-nhã, sao cho có thể khách quan thấy được tội lỗi mình và ghê tởm chúng, thì ta cần phải có một bước đi tiên phong và một bước tiến tiếp sau. Bước tiên phong là để ta tìm lại và gia tăng cho được cái nhìn tích cực về chính lịch sử sáng tạo. Thiên Chúa tạo dựng ta tốt lành, và khắc ghi sự vẹn tuyền của Ngài nơi điều thiện hảo trong con người ta, điều thiện hảo này mà vì thế không do từ bên ngoài. Trong bài “Nguyên lý và Nền tảng,” qua việc ngợi khen và tôn kính Thiên Chúa, Thánh I-nhã giúp ta tìm lại được hình ảnh đúng đắn của công trình tạo dựng: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính, và phụng sự Chúa là Thiên Chúa chúng ta” (Linh Thao, 23).

Lại cũng có một bước tiến tiếp ngay sau đó: Khi suy niệm về sự tội, ta không dừng lại ở bài suy niệm về Hỏa ngục, nhưng tiếp đến bài suy niệm về Tiếng gọi của Đức Ki-tô, Vua hằng sống. Bài suy niệm này là bản lề kết nối “tuần I” với những tuần kế tiếp bằng cách trình bày toàn thể cuộc đời Đức Ki-tô trong cái nhìn của “tiếng gọi”. Thánh I-nhã yêu cầu thao viên dành hẳn một ngày để suy niệm bài này. Nếu như không có tiếng gọi khẩn khoản của Chúa, vì quả thật sự cứu thế hệ tại ở tiếng gọi ấy, thì tội lỗi chính nơi huyệt sâu thăm thẳm đa tạp của nó làm ta tin rằng cần phải có thời gian dài thanh luyện trước khi dám nghĩ đến việc theo Chúa trên đường phúc thật.

Thế nên trong cấu trúc thần học của Linh thao, tội lỗi được đặt để giữa hai sự rõ ràng: sáng tạo và tiếng gọi nơi Đấng Cứu Chuộc. Thánh I-nhã đặt nó trong cái nhìn ân sủng và hy vọng, như Đức Phan-xi-cô đã nói.

Chính cấu trúc này soi sáng ta không chỉ chính yếu mỗi lúc nhận định nhưng còn vào cuối ngày khi ta xét mình. Xét mình của Linh Thao mang tầm mức rộng hơn xét mình để chuẩn bị xưng tội. Xét mình đó luôn bắt đầu bằng việc nhìn ra ân huệ ta có được trong ngày, nó khuyến nghị ta sửa mình và phải thay đổi đời sống, theo như tiếng Chúa gọi mời ta để vinh danh Ngài hơn và mưu ích cho tha nhân. Nếu ta dành quá ít thời giờ để làm chuyện đó, thì việc ta nhận định xem “những gì có thể được cải thiện” sẽ mất đi nền tảng Phúc Âm. Ta sẽ không nhận ra những ý hướng tốt, không phải chỉ vì thiếu ý muốn nhưng còn thiếu cả suy đoán lành mạnh nữa; vì ta đã không chịu lắng nghe thấu đáo[24] việc cụ thể và những ân sủng mà Chúa gọi mời ta.

Các mối phúc là khuôn khổ để nhận định

Nhận định để chọn lựa bậc sống và/hoặc tu chỉnh đời mình không đơn thuần chỉ theo tiêu chí lợi ích của loài người, nhưng chọn lựa theo “điều làm đẹp lòng Thiên Chúa” như Chúa Giê-su đã dạy ta trong Tin Mừng. Do đó, ngoài việc chuẩn bị xa mà ta đã xét đến, nhận định của Linh Thao còn đòi hỏi một sự chuẩn bị gần hơn. Trong Linh Thao, Thánh I-nhã đã xếp đặt việc chuẩn bị gần quanh bài chiêm niệm về toàn bộ cuộc đời Chúa Giê-su cũng như quanh vài bài suy niệm dành riêng cho sự xếp đặt này.

Sự xếp đặt này là để nhận định và đưa ra quyết định cho được tốt, điều này có cơ sở nhân học và thần học vững chắc. Mọi hành động thận trọng đều phải tuân theo một mệnh lệnh thiết thực. Mệnh lệnh đó thực sự là một lời gọi mời, bởi lẽ điều thiện luôn là cùng đích và là điều đáng để ta ước muốn. “Bài chiêm niệm Vua Hằng Sống” rất hữu ích vì nhắm vào cùng đích đời ta, trong đó Chúa mời ta nhận thấy mình là người phục vụ trong chương trình cứu độ của Ngài.

Khi mà không còn nhiều chọn lựa nữa nhưng rút lại chỉ còn có hai thì những người có lý trí càng phải đắn đo suy xét.[25] Họ từ chỗ chỉ nhìn xem cho biết đến khi bị quyến rũ mà không cần phải lý đoán gì trên vô vàn các chọn lựa bên ngoài. Chính “bài suy niệm về hai hiệu cờ” giúp ích ta trong vấn đề này, khiến ta không được phép có chọn lựa thứ ba: Hoặc ta đặt mình dưới hiệu cờ của Chúa Ki-tô hoặc dưới hiệu cờ của ma quỷ.

Lòng quyến luyến “lệch lạc” càng gia tăng mỗi khi cám dỗ buộc ta phải trì hoãn lựa chọn điều thiện hay buộc ta phải chọn không muốn từ bỏ, bởi lẽ mỗi chọn lựa đều đòi hỏi phải từ bỏ. Chính “bài suy niệm về ba mẫu người” giúp ích ta trong vấn đề này, khiến ta nhận định xem liệu mình có thực sự được tự do chưa để có thể chọn lựa đúng đắn.

Nếu tình yêu ta giành cho con người là giá trị tuyệt đối vượt trên mọi giá trị “thiện hảo” khác, đặc biệt là tình yêu ta giành cho Đức Ki-tô khó nghèo và khiêm hạ, Đấng rạng ngời vinh hiển quyến rũ ta không bằng điều gì khác ngoài tình yêu thuần khiết của Ngài, thì chính tình yêu ấy giúp ta thêm sáng tỏ và củng cố khả năng nhận định của mình. Để có được điều này, sẽ hữu ích nếu ta “suy xét về ba bậc khiêm nhường”, khiến lòng ta hoàn toàn gắn kết với Đức Ki-tô và coi xem liệu ta có thấy mình bị quyến rũ bởi Đức Ki-tô khó nghèo và khiêm hạ hơn hẳn bất kỳ điều gì khác không, khi ta phải đối diện với những gì có thể vừa quyến rũ lại vừa chối từ mình.

Do đó, ta có thể nói chắc rằng mọi nhận định đều phải được thực hiện theo tinh thần mối phúc và mọi quyết định của người Ki-tô hữu đều phải hướng tới triển nở nơi các mối phúc ấy.

Lựa chọn lành mạnh luôn bao hàm sự xác chuẩn

Trong đời sống thường hằng, điển hình như nơi công sở, bất cứ khi nào ta nhận định và đưa ra chọn lựa, và nếu đó là một chọn lựa tốt thì phải được xác chuẩn theo như hệ quả phát sinh của nó cũng như bởi nhà quản lý công ty. Một mặt, mỗi quyết định tốt đều cần được xác chuẩn theo như khả thể phải đương đầu với những hệ quả tiêu cực (như phải hy sinh cá nhân, phải từ bỏ các lựa chọn khác, phải đối diện với những thái độ và ý kiến trái chiều), nhưng trái lại ta phải biết vui mừng trước những hoa trái có được từ quyết định đó.

Một khi đã chọn lựa, Linh Thao giúp ta xác chuẩn chọn lựa đó, đặt nó dưới ánh sáng khổ nạn của Chúa để củng cố chọn lựa đó và giúp ta gánh lấy những mâu thuẫn phát sinh từ nó. Linh Thao đưa ra những bài tập chiêm niệm về sự phục sinh là để thuận lợi cho điều này. Khi ta có thể hài hòa được quyết định của mình với bất kỳ những hệ quả phát sinh nào từ nó trong niềm vui và hạnh phúc của Đức Ki-tô phục sinh, thì khi ấy ta chọn tu chỉnh đời mình mới trở nên hoàn bị.

Sau cùng, Linh Thao giúp xác chuẩn nhận định qua bài “chiêm niệm để được tình yêu” (Linh Thao 230-237), đó được hiểu như là cuộc tìm kiếm và khám phá ra bình an trong Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, một kinh nghiệm điển hình của Linh đạo I-nhã. Bình an này là cao điểm xác chuẩn vì giúp ta có kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa phục sinh vinh hiển trong mọi sự.

Nguồn: Diego Fares, SJ. “Growing in Discerment.” trong La Civiltà Catolica, 15 May 2017, 15-31.

Top of Form

Bottom of Form

Top of Form

[1] Pope Francis, “Oggi la Chi-esa ha bisogno di crescere nel discernimento”, Civilta Cattolica, vol. 3 (2016), 348-349.

[2] Ibid., 348.

[3] “Thang đo và chuẩn mực cho các nhân đức thuộc về trí năng không phải là một nhân đức nào khác, nhưng lại là chính nhân đức ấy (ipsares).” Thomas Aquinas, Summa Theologiae 1-11, q. 64, a. 3, ad 2. Thánh Aquinas cho rằng để lớn lên trong nhận định thì không đòi buộc nhiều những phản tỉnh mang tính trừu tượng, nhưng cần thiết là những suy xét mang tính thực tiễn về thực tại đời sống. Cf. J. Pieper, Reality and the Good.

[4] “Nhận định không chỉ giúp xác định những ước muốn “tốt, xấu”, mà ngang qua những ước muốn đó còn giúp gia tăng đào luyện và thanh lọc chính nó.” A. Spadaro, “Desiderio di Dio e discernimento: il contributo della spiritualita ignaziana,” Civilta Cattolica, 3 (2001), 387-388.

[5] D. Gil, Discernimiento segun San Ignacio (Rome, 1983), 35.

[6] Thánh I-nhã nói rằng chất liệu để chọn lựa phải là những gì “tự chúng là tốt hay không tốt cũng không xấu đối với mẹ Giáo Hội thánh thiện và phẩm trật; chúng không được xấu, đi ngược lại với Hội Thánh.” (Linh Thao, 170)

[7] “Vì có các yếu tố giảm trừ có điều kiện, nên một người vẫn có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa, có thể yêu và cũng có thể lớn lên trong đời sống ân sủng và đức ái một khi được Giáo Hội trợ giúp, dẫu cho người ấy phạm tội nhưng có thể không do chủ ý. Trong một số trường hợp, điều này có thể gồm cả những trợ giúp về mặt bí tích.” Amoris Laetitia, 305, và chú thích 351.

[8] “Khi phải đối diện với những tình huống khó khăn cũng như với những gia đình bị tổn thương thì những người làm công tác mục vụ cần phải nhớ nguyên tắc chung này: ‘Vì sự thật, họ phải cẩn trọng nhận định các tình huống đó.’ (Familiaris Consortio, 84).” Amoris Laetitia, 79.

[9] Tư duy này đến từ Aristotle, mà theo đó nhận định (gnome) chính là liên quan đến các trường hợp ngoại thường, không phù hợp với các nguyên tắc chung. Thánh Thomas Aquinas bình giảng thêm rằng có một khả năng cao hơn giúp suy xét theo những nguyên tắc cao hơn, và nó được gọi là “nhận định (gnome), có nghĩa là sự thông thái trong suy xét” (Summa Theologiae Il-Il, q. 51, a .4, ad 3).

[10] Đức Phan-xi-cô, Bài giảng tại Domus Sanctae Marthae, ngày 07/01/2017.

[11] Diễn văn cho các thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế, ngày 06/12/2013.

[12] Bài giảng tại Domus Sanctae Marthae, ngày 26/11/2013.

[13] Diễn văn cho các thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế, ngày 06/12/2013.

[14] Thần học gia có trách nhiệm “triển khai các tiêu chí giúp nhận định những biểu lộ có thực nơi cảm thức đức tin (sensus fidelium)”, cũng giống như nhiệm vụ của Huấn Quyền là “quan tâm đến những gì Thánh Thần mách bảo với các Giáo Hội ngang qua những biểu lộ có thực nơi cảm thức đức tin.” Ibid.

[15] Ở đây, Đức Thánh Cha trích dẫn từ bài giảng lễ của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI với các thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế, ngày 01/12/2009.

[16] M. A. Fiorito, “Apuntes para una teologia del discernimento de espiritus”, trong Ciencia y Fe 19 (1963) và Ciencia y Fe 20 (1964). Cha Fiorito SJ từng là giáo viên, rồi sau là cộng tác viên thân cận cho Cha Jorge Bergoglio và là “bậc thầy thiêng liêng đích thực, phục vụ ở Tỉnh Dòng Argentina trong hơn bốn mươi năm.” A. Restrepo, “Presentacion,” trong M. A. Fiorito, Buscar y hallar la voluntad de Dios (Buenos Aires: Paulinas, 2000), 11.

[17] Kerygma có nghĩa là “loan báo”: Nhờ đức tin, lòng can đảm và nội dung giảng dạy mà lời loan báo có sức cứu rỗi tâm hồn những ai tin tưởng lắng nghe. 

[18] Linh Thao, quy tắc 11.

[19] Đức Pi-ô XI, Tông Huấn Summorum Pontificum: S. Ignatius de Loyola Caelestis Exercitiorum Spiritualium Patronus declaratur, ngày 25/07/1922.

[20] Id. Mens Nostra; Đức Gio-an Phao-lô Il, Angelus, ngày 16/12/1979; Giáo Luật 246, 5, 770, 1030.

[21] Ibid.

[22] Đức Phan-xi-cô, Oggi la Chiesa, cit., 349.

[23] M. Revuelta Gonzalez, La Compania deJesus en la Espana contemporanea, vol. 3 (Santander: Sal Terrae, 2008), 305.

[24] Trong bài suy niệm về Vua Hằng Sống, Thánh I-nhã đã khuyên ta xin “ơn để tôi không giả điếc làm ngơ trước tiếng gọi.” Linh Thao, 91.

[25] S. Iyengar, Nghệ Thuật Chọn Lựa, Kindle, 2010.