1.Lời Chúa
6 Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa,7 vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa…8 Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.9 Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người.10Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác. (2Cr 5,6-10)
2.Tìm hiểu 2 Cr 5:6-10
Bản văn này thuộc về một chủ đề lớn hơn vốn bao gồm 5:1-10 và có liên quan mật thiết với bài đọc tuần trước. Một mặt, thánh Phao-lô tiếp tục nói về những đau khổ ngài phải chịu như một thừa tác viên của giao ước mới; mặt khác, ngài lại chỉ ra những lý do sâu xa hơn cho sự xác tín của ngài: thậm chí nếu những đau khổ của ngài có dẫn đến cái chết và thân xác của ngài có bị hủy diệt, Thiên Chúa sẽ vẫn ban cho ngài một thân xác thiên đàng, nghĩa là sự phục sinh của thân xác. Để hiểu hơn điều này, những nhà giảng thuyết cần quay lại 2 Cr 5:1-5, bài đọc vừa trước bài đang đọc.
Trong ánh sáng của những điều thánh Phao-lô đã nói trong 2 Cr 5:1-5 về sự phục sinh thân xác mà ngài hy vọng sẽ thủ đắc, thánh Phao-lô, trong bài đọc tuần này, nói về việc ở lại trong “căn nhà thân xác” và việc rời bỏ thân xác để “trở về với Đức Chúa”. Cụm từ thứ nhất nói đến tình trạng thân xác lúc bấy giờ của thánh Phao-lô vốn đang chịu đau khổ vì việc tông đồ. Trong khi đó, cụm từ thứ hai ám chỉ đến sự sống phục sinh ngài sẽ được hưởng khi thân xác của ngài sẽ trở nên bất tử, không hư nát, được biến đổi bởi vinh quang Thiên Chúa, và không còn phải lệ thuộc vào đau khổ, thậm chí cái chết.
Mặc dù ngài mong đợi được trở về với Đức Chúa, nhưng niềm hy vọng ấy đủ để khiến thánh Phao-lô vẫn dám tự tin trong những cơn đau khổ. Vì thế ngài nói rằng ngài bước đi nhờ đức tin chứ không phải nhờ nhìn thấy. Những nhà giảng thuyết cần liên kết lối diễn tả này với điều thánh Phao-lô đã nói trong bài đọc tuần trước về con người bên trong và bên ngoài. Trong khi người ta có thể trông thấy con người bên ngoài vốn đang qua đi, người ta phải tin rằng Thiên Chúa đang biến đổi con người bên trong để chuẩn bị cho sự phục sinh thân xác.
Chất liệu của bài đọc này thật ra không dễ đón nhận, thậm chí dù cộng đoàn có nghe hết toàn bộ bài đọc. Đây là một trong những bản văn cần được dạy trong những tiết học cho người trưởng thành. Tuy nhiên, những nhà giảng thuyết có thể tìm thấy ích lợi nếu tập trung vào chủ đề của việc bước đi nhờ đức tin hơn là nhờ được trông thấy. Bởi vì, trong khi hầu hết mọi người muốn thấy để tin, thì tin mừng lại loan báo rằng chúng ta phải tin để thấy. Vì thế, dù cho các tín hữu Cô-rin-tô đã nhìn thấy thánh Phao-lô và họ đã không thể nhìn thấy gì khác ngoài những đau khổ của ngài, thánh Phao-lô lại tin vào điều mà ngài đã không thể thấy: đó là con người bên trong của ngài đã đang được biến đổi nhờ những đau khổ ngài đang chịu. Khi các Ki-tô hữu bước đi nhờ lòng tin, họ sẽ thấy điều người khác không thể thấy.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong, SJ chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 78-79.