Môn học: Mặc Khải Đức Tin
Giáo sư: Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Trần Thiên Kính
Qua việc trình bày năm mẫu thức thần học về mặc khải, người viết dẫn giải và liên hệ trực tiếp đến việc nhận định ơn gọi. Nói cách khác, năm mẫu thức ấy có thể được dùng như những phương thế hữu hiệu cho việc nhận định và khám phá ơn gọi. Từ đó thấy được rằng, việc áp dụng năm mẫu thức này trong môi trường Công Giáo Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế chủ-khách quan. Tuy nhiên, với sự chân thành và thiện ý của chủ thể, những hạn chế kia sẽ không còn là rào cản quyết định cho việc khám phá ơn gọi.
Việc nhận định ý Chúa không bao giờ là việc dễ dàng mà cần thận trọng, nếu không sẽ gặp những sai lầm đáng tiếc. Nhiều bạn trẻ Công giáo băn khoăn về ơn gọi tu trì của mình: “Làm sao tôi biết mình có ơn gọi đi tu?” Hay ngay cả những tu sĩ sau khi đã khấn, họ vẫn đặt nhiều nghi vấn về ơn gọi của mình: “Liệu rằng ý Chúa muốn tôi tu ở trong hội dòng này hay không?” Chính vì không chắc chắn về ý Chúa muốn, nên nhiều bạn trẻ đã chọn sai ơn gọi; thay vì chọn ơn gọi lập gia đình, họ lại chọn ơn gọi tu trì. Cũng vậy một tu sĩ sau khi đã khấn một thời gian dài, vì nghĩ rằng mình được Chúa thúc đẩy chuyển sang một dòng khác hay thậm chí chuyển ơn gọi tu trì sang ơn gọi gia đình; trong khi Chúa muốn người đó sống ơn gọi tu trì, họ đã chọn sai. Vì thế, tìm ý Chúa là điều hết sức quan trọng đối với người Công giáo nói chung, nhất là cho những bạn trẻ và các tu sĩ nói riêng. Trong bài viết này, người viết sẽ dựa trên năm mẫu thức về mặc khải để giúp cho việc nhận định ý Chúa về ơn gọi tu trì trong tương quan với một vài nét văn hóa Việt. Phần đầu sẽ trình bày về việc tìm ý Chúa ngang qua năm mẫu thức thần học về mặc khải, phần sau bàn về mối tương quan giữa việc nhận định ý Chúa về ơn gọi tu trì với văn hóa Việt Nam.
Trước hết, mẫu thức thứ nhất về mặc khải là mẫu thức giáo thuyết. Mẫu thức này cho rằng mặc khải là điều Chúa tỏ lộ mình và ý định của mình cho con người ngang qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Những chân lý hay ý nghĩa thần học cũng như giáo thuyết được rút ra trong Thánh Kinh là không sai lầm. Tuy nhiên không được hiểu Thánh Kinh theo nghĩa đen từng chữ, nhưng phải đọc và hiểu chúng trong nghĩa toàn bộ.
Theo mẫu này có một cách thế cho việc tìm Chúa ngang qua Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời Chúa cần được đọc, lắng nghe và cầu nguyện. Về việc đọc, chủ thể cần có sự chọn lọc những đoạn Kinh Thánh thích hợp, chứ không phải chọn đọc cách tùy tiện vì không phải đoạn Kinh Thánh nào cũng liên hệ đến ơn gọi. Thiên Chúa là thầy dạy không thể sai lầm, Chúa Thánh Thần soi sáng, trợ giúp để hiểu, đánh động lên chính tâm trí chủ thể, và mời gọi chủ thể một lối nẻo để sống theo. Chủ thể cần có sự nhạy bén, tinh tế để lắng nghe, nhận định để đi đến xác tín đâu là ý Chúa muốn. Tuy thế, không phải chỉ đọc và lắng nghe một vài đoạn Thánh Kinh là có thể biết rõ được ý Chúa muốn gì, mà cần một thời gian dài nghiền ngẫm, suy tư và cầu nguyện. Ý Chúa không phải thể hiện một lần cho tất cả, mà Ngài tỏ lộ dần dần.
Thứ hai, mẫu thức thứ hai là mẫu thức lịch sử, Thiên Chúa mặc khải ngang qua các biến cố trong lịch sử. Các biến cố này liên kết hỗ tương với nhau, có tính thống nhất, cho chúng ta thấy được chủ ý của Thiên Chúa. Cần lưu ý rằng không phải biến cố nào cũng là mặc khải, mà biến cố chỉ là mặc khải khi tìm được ý nghĩa và giải thích được nó dưới tác động của Chúa.
Vì thế các biến cố có thể giúp cho chủ thể nhận định ơn gọi của mình. Ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện qua các hành động là các biến cố diễn ra trong cuộc đời của chủ thể. Dĩ nhiên, không phải biến cố nào cũng là dấu chỉ giúp cho việc nhận định ơn gọi, hoặc nhiều khi biến cố đã xảy ra trong một thời gian lâu dài, nhưng lúc đó chủ thể chưa thấy được ý nghĩa của nó, hay hiểu sai ý nghĩa của nó. Nên điều cần thiết là chủ thể có thời gian để nhận ra (có thể bằng trực giác) đâu là biến cố giúp nhận định ơn gọi; từ đó “đọc lại” các biến cố, suy tư và nhận định để tìm ý nghĩa những biến cố này dưới sự soi sáng của Chúa. Việc nhận định này không chỉ là phần chủ quan của chủ thể nhưng còn là phần khách quan nơi Thiên Chúa tác động lên chủ thể nhờ đó chủ thể thấy rõ hơn ý định của Ngài. Những biến cố này như những dấu chỉ, chúng móc nối với nhau làm nên “bảng chỉ đường” hướng dẫn chủ thể tìm thấy được ý nghĩa xuyên suốt. Hơn nữa, chủ thể cần phải chú ý đến những biến cố làm nên bước ngặt quan trọng (chẳng hạn một khát vọng mạnh mẽ về ơn gọi sau một tai nạn), có thể biến cố này không liên hệ với những biến cố trước đây, giống như biến cố thánh Phaolô ngã ngựa chẳng hạn.
Thứ ba, mẫu thức thứ ba là mẫu thức về kinh nghiệm nội tâm. Mặc khải là một kinh nghiệm diễn ra trong nội tâm về cuộc gặp gỡ trực tiếp với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài với chủ thể. Kinh nghiệm này khơi lên một sự đáp lời trong tâm hồn của chủ thể, soi sáng tất cả những kinh nghiệm đã có và làm phát sinh những kinh nghiệm mới. Loại kinh nghiệm này mang chiều kích cá vị và thần bí.
Theo mẫu này, Thiên Chúa đóng vai trò chủ động rất lớn, chủ thể thường thụ động để đón nhận. Mặc khải loại này được tìm thấy bằng một cách thế đặc biệt nơi “đời sống linh hồn” và “là thẩm quyền riêng của những người được Thiên Chúa tuyển chọn.”[1] Do đó, loại kinh nghiệm này không dễ có được mà chủ thể ít nhất phải có những điều kiện nào đó về đời sống thiêng liêng, tức là, một sự nhạy bén trong kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng một khi có được kinh nghiệm này, chủ thể được Thiên Chúa cuốn hút vào trong cuộc gặp gỡ với Ngài. Từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, chủ thể được thúc bách để đi đến một quyết định chọn lựa cho ơn gọi của mình. Và chắc chắn rằng Chúa sẽ soi sáng để chủ thể có được một xác tín đoan chắc về ý muốn của Ngài một cách rõ ràng.
Thứ tư, mẫu thức mặc khải là mẫu thức nghịch lý hay biện chứng. Mặc khải xảy ra ngang qua Lời, Lời này là Lời sống động có “sức biến đổi và đầy uy lực” trong Thánh Kinh và được Giáo Hội công bố. Lời này chính là Ngôi Lời-Đức Giêsu Kitô. Mặc khải không phải là một thông tin, một tri thức về một điều gì đó, nhưng là về Đức Giêsu và lời rao giảng hoặc công bố của Giáo Hội làm chứng về Ngài.
Lời chính là Chúa và là ý Chúa. Mẫu thức này cho rằng mặc khải chỉ xảy ra “khi nào Lời Thiên Chúa được công bố một cách hữu hiệu và được đón nhận trong đức tin.”[2] Vì thế để nhận biết được ý Chúa về ơn gọi, chủ thể cần tìm dịp để tiếp cận với Lời, lắng nghe với cả tâm hồn khi Lời được công bố và mở lòng để cho Lời tác động lên mình. Lời có sức tác động mạnh mẽ, biến đổi chủ thể và làm cho chủ thể nhận ra đâu là ý Chúa. Cũng giống như mẫu thức thứ nhất, chủ thể cần có thời gian để suy tư, cầu nguyện và nhận định về Lời vốn liên hệ đến ơn gọi của mình.
Cuối cùng, mẫu thức thứ năm xem mặc khải như là ý thức mới. Mặc khải là sự mở rộng của ý thức: ý thức con người có được một sự đột phá ngang qua việc Thiên Chúa soi sáng, nghĩa là lúc này lý trí vượt qua chính nó để khám phá một ý nghĩa vượt quá mọi ý nghĩa khả thụ.[3]
Các giáo thuyết, các biến cố và lời là mặc khải chỉ khi chúng có sức soi sáng cho chủ thể và làm cho chủ thể có được một ý thức mới giúp “hướng về sự kiện toàn, sự tự do và tự chủ nhiều hơn.”[4] Vì thế chủ thể có thể áp dụng cách thức của tất cả các mẫu thức trên để giúp đạt được một ý thức mới. Một khi ý thức thay đổi, cả con người chủ thể sẽ thay đổi. Khi có ý thức mới chủ thể có thể biết được đâu là điều cần phải thực hiện và con đường ơn gọi phải đi, đây chính là ý Chúa.
Ngoài ra, mặc khải có được ngang qua “một sự hiệp thông liên vị giữa các cá thể tự do,” không chỉ giữa chủ thể với Thiên Chúa mà còn giữa chủ thể với người khác. Những người này có thể là những người có kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng, chẳng hạn như cha xứ hay bề trên cộng đoàn. Chủ thể có thể trao đổi, chia sẻ, linh hướng hay nói chuyện thiêng liêng với họ về những vấn đề mình gặp phải trên hành trình tìm ý Chúa về ơn gọi tu trì. Nhờ đó chủ thể có thể “sáng ra” vấn đề của mình. Hơn nữa, trong cái nhìn của tu đức, bề trên là người đại diện cho Thiên Chúa, ý bề trên là ý Chúa. Đây cũng là một cách thế để chủ thể tìm kiếm và xác tín về ơn gọi.
Đến đây, chúng ta đã lược qua các mẫu thức để biết về cách thức tìm kiếm ý Chúa theo từng mẫu thức. Đặt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, việc tìm ý Chúa về ơn gọi tu trì theo các mẫu thức trên cũng có những thuận lợi và bất lợi. Trước hết, xét về động lực đi tu của các bạn trẻ, thông thường động lực này bị ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, ảnh hưởng này có thể che khuất đi việc tìm ý Chúa. Tâm lý chung của các bậc cha mẹ Công giáo Việt Nam là muốn con cái mình đi tu. Có thể có nhiều bậc cha mẹ thiếu sự hướng dẫn con cái tập nhận định ơn gọi vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như không biết phải hướng dẫn như thế nào hay thiếu kiến thức về đời tu. Chính điều này lại nhiều khi là một áp lực cho con cái của họ một cách nào đó. Các bạn trẻ đi tu là để làm vui lòng cha mẹ hay những người đặt kỳ vọng ở nơi họ mà thiếu đi sự tự do để nhận định tìm ý Chúa, hay ngay cả chính các bạn trẻ cũng không biết mình cần phải nhận định tìm ý Chúa để đi tu.
Ngoài ra, nét văn hóa làng xóm cũng như cái nhìn của người Việt cũng ảnh hưởng đến việc tìm ý Chúa về ơn gọi tu trì. Trong một giáo xứ mọi người thường biết nhau khá rõ, nhất là ở miền quê; nên chuyện một ai đó đi tu thì hầu hết ai cũng biết. Cái nhìn của phần lớn người Việt về người tu sĩ là khá tích cực: người tu sĩ được tôn trọng, gia đình họ được kính nể. Hai điểm này có mặt tích cực là tiếp thêm động lực cho bạn trẻ chọn đời tu nhưng cũng có mặt tiêu cực là áp lực cho họ nếu họ rời bỏ nó. Người tu sĩ sợ sự gièm pha, dị nghị của những người trong giáo xứ, nhất là sợ làm buồn lòng cha mẹ nên họ không dám quyết định theo lời mời gọi của Chúa dù đã nhận định kỹ càng. Họ không dám rời bỏ đời tu; họ chưa có một sự tự do đích thực để chọn theo ý Chúa.
Nhất là hiện nay ở Việt Nam, có thể nói việc tìm ý Chúa ngang qua Thánh Kinh để giúp nhận định ơn gọi tu trì là rất ít. Người giáo dân chưa có thói quen đọc và cầu nguyện với Thánh Kinh nhiều, nhất là việc đọc và cầu nguyện với Thánh Kinh để tìm ý Chúa về ơn gọi còn là một điều xa lạ và ít được các bậc cha mẹ biết đến để hướng dẫn con cái hay chính bản thân các bạn trẻ cũng không nhận biết điều này. Theo mẫu thức giáo thuyết, nếu không có cơ hội để tiếp xúc với Kinh Thánh, nghĩa là không được tiếp cận với Lời Chúa, thì các bạn trẻ sẽ khó có thể biết được ý Chúa muốn gì. Hơn nữa, đối với mẫu thức lịch sử và mẫu thức nghịch lý, biến cố cũng có thể diễn ra ngang qua Lời Chúa khi nó được Giáo hội công bố, hay qua việc cầu nguyện. Chủ thể sẽ không có kinh nghiệm về biến cố nếu không được lắng nghe, suy tư và cầu nguyện với Lời Chúa. Cũng vậy, việc đọc và suy niệm Lời Chúa là môi trường để cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và chủ thể diễn ra, nếu không có cuộc gặp gỡ này thì khó có được một kinh nghiệm nội tâm sâu xa, và làm sao chủ thể có thể có được một bước đột phá về ý thức nếu thiếu vắng môi trường này. Chính môi trường này là điều kiện cần cho việc tìm kiếm ý Chúa trong mẫu thức kinh nghiệm nội tâm và mẫu thức ý thức mới.
Tuy vậy, không phải vì thế mà không thể được nếu chủ thể với lòng chân thành đi tìm ý Chúa thì họ có thể gặp được ngang qua sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa vẫn có thể tỏ lộ ý Ngài qua họ. Một điều vẫn thường thấy ở nơi các bạn trẻ khi được hỏi về lý do tại sao họ đi tu, câu trả lời thường là do được sự hướng dẫn của cha xứ, của ma-sơ, hay người giúp linh thao. Còn người tu sĩ có thể tham khảo ý kiến bề trên cộng đoàn, vì như trên đã nói, dưới cái nhìn của đời sống tu đức, thì bề trên là người đại diện cho Chúa, ý của bề trên cũng là ý Chúa. Những người có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn chủ thể cầu nguyện với Lời Chúa, gặp gỡ Chúa nơi Lời của Ngài, “đọc lại” những kinh nghiệm, những biến cố trong cuộc đời để khám phá ý nghĩa của chúng để bàn tay Chúa dẫn đưa, cũng như qua trao đổi chia sẻ mà chủ thể có được ý thức mới. Từ đó, dần dần chủ thể sẽ thấy rõ và xác tín về điều Thiên Chúa mời gọi mình.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ và tu sĩ có cơ hội để làm Linh thao, ở đây họ có thời gian dành cho cầu nguyện với Lời Chúa, gặp gỡ Ngài và nhất là nhận định để chọn lựa ơn gọi. Đặc biệt trong Linh thao, thánh Inhã đã đưa ra ba thì để chọn lựa ơn gọi. Với thì thứ nhất, chủ thể được Thiên Chúa đánh động và lôi kéo đến nỗi không có một chút hồ nghi nào về chọn lựa của mình (LT 175). Thì thứ hai, chủ thể nhận được đủ ánh sáng và sự hiểu biết bởi kinh nghiệm những an ủi và sầu khổ, cũng như bởi kinh nghiệm phân biệt thần tốt và thần xấu (LT 176). Còn thì thứ ba, chủ thể sử dụng khả năng tự nhiên của mình là lý trí để nhận định ơn gọi. Nhìn chung, cách tìm ý Chúa để chọn lựa ơn gọi theo thánh Inhã phù hợp với mẫu thức kinh nghiệm nội tâm và mẫu thức ý thức mới.
Tóm lại, việc nhận định ý chúa về ơn gọi tu trì được thể hiện qua nhiều cách khác nhau: qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, qua các biến cố, qua kinh nghiệm nội tâm, qua Lời sống động và uy lực nơi biến cố, hay qua một sự soi sáng làm cho ý thức đạt được một chiều kích mới, tương hợp với các mẫu thức mặc khải. Trong mối liên hệ với một vài nét văn hóa của người Việt, việc tìm ý Chúa theo các mẫu thức trên còn có hạn chế. Tuy nhiên không phải vì thế mà việc nhận định đi vào ngõ cụt. Với lòng chân thành đi tìm kiếm, chủ thế có thể gặp được ngang sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm thiêng liêng, nhất là qua cách nhận định làm việc chọn lựa ơn gọi theo thánh Inhã.
[1] Avery Dullus, S.J., Models of Revelation (Garden City, New York: Image Books, 1985), trang 74.
[2] Ibid, trang 80.
[3] Ibid, trang 103.
[4] Ibid, trang 109.