Bài đọc (Is 50,5-9a)
5ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà!
Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
9Này, có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội?
Tìm hiểu nội dung
Đoạn Kinh Thánh này được coi là thuộc về bài ca thứ 3 của người tôi trung đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia (trong số 4 bài ca: Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-11; 52,13—53,12).
Cũng nên chú ý rằng, tương tự với bài ca thứ nhất, bài ca này mang âm điệu của tự thuật; nhưng nếu ở bài ca thứ nhất và thứ hai, những cụm từ tham chiếu để xác định nhân vật chính là người tôi tớ xuất hiện rất nhiều, ở đây chúng ta chỉ xác định được nhờ vào 2 câu cuối của bài ca (c.10-11), kêu gọi những ai tin tưởng vào Chúa hãy “nghe tiếng tôi tớ của Người”.
Người tôi trung của Thiên Chúa được nhắc đến trong đoạn này là người hoàn toàn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ luôn hiện diện ngay bên và giúp người ấy khỏi những chống đối, bách hại của kẻ thù.
Người tôi trung đã hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa khi để Người tự do mở miệng (c.4), mở tai (c.5) mình mà không cưỡng lại. Thiên Chúa mở miệng, mở tai người tôi trung để người ấy nói lời an ủi của Thiên Chúa cho những người đau khổ; và lắng nghe sứ điệp Chúa trao một cách trung thành. Chắc chắn người tôi trung không thể là dân Ít-ra-en hay bất kỳ một nhóm người nào khác trong dân. Bởi lẽ, người tôi trung của Thiên Chúa mang hình ảnh tuyệt đối tín thác vào Chúa và không bao giờ giả ngơ trước lời Đức Chúa truyền (xem thêm Xh 4,13; Gn 1,3; Gr 20,9.14; Ga 8,29). Rõ ràng, chỉ có người hoàn toàn vô tội mới có thể có kinh nghiệm tín thác tuyệt đối vào Chúa trước những sỉ nhục, đe dọa (1Pr 2,22-23).
Chính vì nghe lời Chúa an ủi và nói lại cho người đang kiệt sức trong tâm hồn, nhiều người bị đụng chạm quyền lợi cá nhân đã chống đối vị tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Người tôi tớ ấy phải chịu đánh đòn, giật râu, bị phỉ nhổ, mắng nhiếc (c.6) (tất cả những điều này sẽ được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Mt 26,67; 27,30; Mc 14,65; 15,16-20; Lc 22,63). Mặc dầu bị chống đối, sỉ nhục như thế, người tôi trung của Thiên Chúa vẫn một niềm xác tín “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi” (c.7) nên người ấy vẫn bình an, thanh thản và đầy niềm kiêu hãnh, tự tin về lời Chúa mình đang công bố. Với ơn Chúa, người tôi trung can đảm đón nhận những đau khổ mà địch thù gây ra cho mình. Hơn thế, người ấy còn mạnh dạn tuyên bố “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (c.9). Rõ ràng, đối với người tôi tớ của Thiên Chúa, duy chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng công minh; và bất kỳ ai được Chúa kể là công chính thì không còn ai dám kết tội người ấy.
Như thế, hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa trong đoạn này được hiểu là sự tiên trưng cho Đức Giê-su Ki-tô, Đấng trung thành với sứ mạng cứu độ nhân loại mà Chúa Cha trao phó một cách tuyệt đối, bất chấp những đau khổ, sỉ nhục mà người khác gây ra cho mình.
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành Sj
THAM KHẢO
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.475.
L. Thomas, Notes on Isaia, Sonic Light, 2012, tr.228-230.
F. Duane Lindsey, The Commitment of the Servant in Isaiah 50:4-11, Bibliotheca Sacra, 1982, tr.216-227.
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1633.