Bản văn (Gs 5,9a.10-12)

5

9ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-suê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.”

10Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô. 11Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. 12Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an.

 

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sách Giô-suê đứng đầu danh mục các sách lịch sử. Giô-suê là nhân vật được nhắc tới nhiều lần trong bộ Ngũ Thư (5 cuốn sách đầu của Kinh Thánh: Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ Nhị Luật). Vị này là con ông Nun, thuộc chi tộc Ép-ra-im (Ds 13, 8.16), là người phụ tá thân cận của ông Mô-sê (Xh 24,13; 33,11). Ông cũng là vị chỉ huy quân Ít-ra-en chiến thắng trong trận đánh người A-ma-lếch (Xh 17,8-16),… và là người dẫn đầu dân Ít-ra-en sau khi Mô-sê qua đời.

Sách Giô-suê được tổng hợp lại từ nhiều nguồn, kể về những câu chuyện xoay quanh thời kỳ ông lãnh đạo dân Ít-ra-en, sau thời Mô-sê. Thời gian bắt đầu soạn thảo sách này thì không ai rõ nhưng kết thúc vào khoảng thời kỳ ngay trước hoặc trong lưu đày (tức khoảng những năm 587-583 TCN), trừ đoạn trình thuật về đại hội ở Si-khem (24,1-28).

Sách được chia thành 3 phần nội dung: Sự chuẩn bị và chiếm Đất Hứa (ch.1-12); phân chia đất đai cho các chi tộc (ch.13-21); phần cuối đời ông Giô-suê (ch.22-24).

Bản văn chúng ta tìm hiểu nằm ở phần đầu của sách, thuật lại kết quả của việc Đức Chúa giải phóng dân Ít-ra-en và ban cho họ vùng Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Sau 40 năm hành trình băng qua sa mạc, những dấu hiệu thân thể và lối sống của thời kỳ còn là nô lệ bên Ai-cập vẫn theo dân tới lúc này. Chính vì thế, ngay khi hoàn tất hành trình trong sa mạc và đến được với vùng đất Ca-na-an, Đức Chúa đã tuyên bố chính thức cất khỏi nơi dân những “ô nhục” của họ. Tức là, những dấu hiệu của việc không cắt bì và lối sống như dân ngoại từ nay bị chấm dứt. Dân sẽ cắt bì và sống trong niềm tin thờ một Đức Chúa toàn năng duy nhất, Đấng đã giải thoát họ khỏi Ai-cập và đưa họ tới vùng đất này. Đồng thời, dấu chỉ đoàn hành hương là man-na cũng không còn. Dân chính thức trở thành một dân tự do. Họ cử hành lễ Vượt Qua tại nơi gọi là Ghin-gan, nghĩa là cuộn lại; vì thời kỳ nô lệ và hành hương đã được “cuộn lại” để thay vào đó là thời kỳ mới, thời của tự do và trung tín tôn thờ một mình Thiên Chúa.

Hình ảnh đổi mới của dân Ít-ra-en được thể hiện rõ nét nơi người con thứ trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (Lc 15,1-3.11-32). Sau khi kinh nghiệm về sự bất trung và ý thức về tình trạng tồi tệ của mình, anh ăn năn trở về và được người Cha yêu thương cho cơ hội đổi mới cuộc đời. Anh từ nay không còn là người con thứ hỗn hào, đòi Cha chia gia tài rồi bỏ nhà đi hoang; không còn là kẻ đói rách mơ được ăn đậu muồng của những con heo, nhưng được phục hồi tình trạng của một thiếu gia. Anh được tự do và được người Cha đón nhận trở về.

Thiên Chúa yêu thương luôn đón chờ mỗi người chúng ta quay về bên Ngài. Lời mời gọi “cuộn lại” lối sống bất hảo để đổi mới tận căn, mở ra thời kỳ trung tín với Thiên Chúa luôn là sự thôi thúc mà Thiên Chúa dành cho mỗi người. Đó chính là tâm tình của những thời gian cuối của mùa Chay Thánh này.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham khảo:

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.402.