Mục Lục
- DẪN NHẬP
- TÓM TẮT NỘI DUNG SÁCH
- SUY TƯ PHẢN TỈNH
- Việc so sánh các tôn giáo với nhau giúp con người tìm ra những lời giải thích khác nhau về các câu hỏi liên quan đến thân phận con người.
- Việc so sánh các tôn giáo với nhau mời gọi mọi người biết mở ra để đối thoại với người khác.
- Việc đối thoại với các tôn giáo giúp người Kitô hữu nhận ra những giá trị của sự thật các tôn giáo khác trong ý định của Thiên Chúa
- KẾT LUẬN
DẪN NHẬP
Sau công đồng Vaticano II, Giáo hội Công giáo có tinh thần cởi mở trong việc nhìn nhận những giá trị sự thật nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Cũng trong thời kỳ đó vào những năm 1970, những phong trào ủng hộ việc thiết lập một tôn giáo toàn cầu ngày càng phát triển. Đứng trước thực tại này, cha cha François Varillon (1905–1978) – một tu sĩ Dòng Tên người Pháp đã nỗ lực đi thuyết trình nhiều nơi để trình bày rằng thứ tôn giáo toàn cầu là một sự ảo tưởng của con người. Qua đó cha cũng dẫn mọi người nghe ngài vào cuộc đối thoại của một người Kitô hữu trước các tôn giáo lớn (Do thái, Hồi, Ấn và Phật giáo). Đây là một cuộc đối thoại giữa hai nửa bán cầu của trái đất. Trong cuộc đối thoại này, câu hỏi “Đạo Kitô giáo có đem lại cho tôi cái gì là tuyệt đối duy nhất và không thể thay thế?” là mối bận tâm chính của cha.
Trong bài viết này, trước hết, chúng tôi trình bày tóm tắt quyển sách “Một Kitô hữu trước các tôn giáo lớn”[1] vốn là một tập hợp về các bài trình bày của cha François Varillon S.J., đã được cha Charles Ehlinger dàn dựng và trình bày thành quyển sách, theo lược đồ riêng vốn tập trung vào hai nội dung: 1. Có thể nói rằng mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau? 2. Sự khác nhau giữa Kitô giáo và các tôn giáo lớn. Qua hai phần này, chúng tôi muốn làm nổi lên hai khẳng định quan trọng của cha: 1. Không có thứ tôn giáo hỗn hợp. 2. Đạo Kitô giáo đem lại cho tôi cái gì là tuyệt đối và không thể thay thế. Kế đến, chúng tôi trình bày những suy tư liên quan đến việc đối thoại liên tôn vốn được gợi hứng từ việc đọc quyển sách này qua lăng kính của Công đồng Vaticano II trong một vài số liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn và truyền giáo của 3 văn kiện: 1. Hiến Chế Tín Lý Giáo Hội[2]. 2. Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội[3]. 3. Tuyên ngôn về Tương quan giữa Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo.[4]
TÓM TẮT NỘI DUNG SÁCH
Có thể nói rằng mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau?
Ước mơ lớn cho một tôn giáo toàn cầu[5]
“Có thể nói rằng mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau?” là câu hỏi nổi lên khi xuất hiện Thuyết tương đối về tôn giáo. Thuyết này là một cơn cám dỗ đối với con người. Thuyết này dựa trên hai lập trường: Thứ nhất, Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu rỗi. Thứ hai, ngoài Giáo hội có thể có ơn cứu độ. Như thế, dựa vào hai lập trường trên, các Kitô hữu được mời gọi khoan dung và thoát khỏi sự tự phụ rằng mình là người sở hữu sự thật tuyệt đối. Đồng thời, mọi tôn giáo lớn đều kết hợp nhau lại trên cái vốn chung đó, dù có khác biệt nhưng không phải là điều quan trọng. Tóm lại, có người cho rằng ước mơ về một tôn giáo toàn cầu là một ước mơ chính đáng.
Tuy nhiên, theo ông Jacques – Albert Cuttat, tác giả cuốn La rencontre des religions (Sự gặp gỡ của các tôn giáo), ông phản đối ước mơ lớn về tôn giáo hoàn cầu rằng “…nó là một toan tính không có Thiên Chúa”[6]. Quả thật người ta không thể ghép Thiên Chúa của Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo với “Thiên Chúa” của Ấn giáo và Phật giáo để tạo thành một tôn giáo tổng hợp bởi vì mỗi tôn giáo đều có một kinh nghiệm riêng về Thiên Chúa. Hơn nữa, kinh nghiệm tôn giáo là một kinh nghiệm đặc thù không thể cân đo đóng đếm theo kiểu thực nghiệm của các môn khoa học thường nghiệm. Ngoài ra, con người không thể đứng ngoài kinh nghiệm đức tin của một tôn giáo đặc thù để phê bình các chân lý của các tôn giáo khác. Để đào sâu vấn đề này, chúng ta đi tìm hiểu xem cái độc đáo của kinh nghiệm về tôn giáo là gì.
Cái Độc Đáo Của Kinh Nghiệm Về Tôn Giáo[7]
Cái độc đáo của kinh nghiệm về tôn giáo có những đặc tính: Thứ nhất, con người không thể vượt ra hay ở bên trên để đứng quan sát và đánh giá về các tôn giáo vì tôn giáo là kinh nghiệm của sự tương giao giữa tạo vật với Thiên Chúa của nó – đây chính là điều người ta không thể phán đoán từ bên ngoài.Thứ hai, người ta phải sống trong bầu không khí thiêng liêng của chính tôn giáo mà người ta tin vốn có nguồn gốc thần thiêng. Thứ ba, người tín đồ của tôn giáo đó luôn thấy mình ngày càng khám phá nhiều hơn khi kinh nghiệm mình đã được Thiên Chúa chọn trước rồi vì nếu họ không tin thì Thiên Chúa họ nói đâu phải là Thiên Chúa. Thứ tư, nếu Thiên Chúa thật là Thiên Chúa thì Ngài đã hiện diện sẵn ở nguồn gốc cái mà tôi tìm kiếm. Nói cách khác, nhờ Ngài mà tôi tìm kiếm và nhờ Ngài mà tôi nên thiêng liêng.
Khi nói mọi tôn giáo là như nhau có nghĩa rằng các tôn giáo chỉ là các con đường khác nhau để dẫn về một Sự thật chính gốc. Nhưng nếu vậy, tại sao Sự thật chính gốc này không được biểu lộ đúng như bản chất của nó trong một tôn giáo cụ thể. Để trả lời cho vấn nạn này từng cá nhân phải chọn một trong hai giải pháp sau: 1. Tôi lùi lại quan sát các tôn giáo đang có và khai thác chúng như những hiện tượng khoa học. Cách này thì tôi không có khả năng vì tôn giáo mà tôi đang quan sát và khai thác không còn là tôn giáo nữa vì nó đã bị tách khỏi niềm tin. Quả thật tôi chỉ có khả năng nói về tôn giáo từ một kinh nghiệm sống tương giao với Thiên Chúa. 2. Tôi có sự hiểu biết cần thiết hay kinh nghiệm của sự tương giao với Thiên Chúa. Do đó, trong trường hợp này, tôi phải đến với các tôn giáo khác nhau và bắt đầu từ kinh nghiệm của chính tôn giáo đó hoặc có thể là từ chính tôn giáo mà tôi đang tin.
Như thế, nói rằng mọi tôn giáo là như nhau có nghĩa là người ta đang cố tình tỏ ra dửng dưng trước Sự Thật để có một sự bình an giả tạo của lương tâm. Nói cách khác, người ta dừng lại và không muốn đào sâu để tiến đến Sự Thật. Đây là một cơn cám dỗ rất nguy hiểm bởi vì nó đụng đến cái bản chất tôn giáo nơi chính con người.
Sự học hỏi về các tôn giáo và đem so sánh chúng với nhau, đối mặt với những trào lưu lớn về tôn giáo, là một việc làm rất hữu ích vốn mời gọi chúng ta làm một cách cấp bách. Nhưng với điều kiện rằng việc này là cơ hội để chúng ta đào sâu niềm tin tôn giáo của chúng ta. Câu hỏi được đặt ra cho một sự đối mặt với các tôn giáo: đạo Kitô giáo đem lại cho tôi cái gì là tuyệt đối duy nhất và không thể thay thế? Khi người Kitô hữu không có khả năng để trả lời cho câu hỏi đó, người ta có thể tự hỏi không biết họ có thật sự là người Kitô hữu không và tại sao họ lại là người Kitô hữu. Tuy nhiên, công việc nghiên cứu nhưng tôn giáo lớn cần có những lưu lý để khỏi phải rơi vào những ngõ cụt.
Những Ngõ Cụt[8]
Thứ nhất, Chủ thuyết giáo điều độc quyền (Dogmatisme exclusif): Trong tôn giáo đó có mọi điều tốt, ngoài tôn giáo đó, chỉ thuần túy và đơn giản là sự lầm lạc. Tiếp theo, Chủ nghĩa hoài nghi (Scepticisme): Ai nấy đều có sự thật của mình. Và ngay từ lúc đó, người ta tránh không nói ra một sự thật. Hậu quả của nó là gì? Đó là tư tưởng đang chết. Khi đó người ta trở thành người khán giả nhận thấy điều sai lầm trong tín ngưỡng của kẻ khác. Sự thực, chủ nghĩa hoài nghi là một sự thoái thác. Kẻ nào ngừng không nghĩ suy nữa sẽ mau chóng đi đến suy nghĩ thụt lùi. Kế đến, Chủ nghĩa thực dụng (Pragmatisme): William James chó rằng “Sự thật, đó là sự lợi ích”. Như vậy, tiêu chí của sự thật sẽ là sự thành đạt, sự hiệu năng. Nói cách khác, người ta không đến với tôn giáo cách tự do nhưng với lợi ích của riêng mình. Cuối cùng là Thuyết hỗn hợp (Syncrétisme): Trong việc nghiên cứu các tôn giáo, phải từ chối mọi hính thức theo thuyết hỗn hợp. Thuyết hỗn hợp là thái độ theo đó, các sự thật thuộc phe phái, vốn hiện hữu trong mọi tôn giáo sẽ giúp cho việc rút tỉa ra một tôn giáo mới, nếu người ta đem hiệp nhất chúng lại. Và tôn giáo mới này sẽ nêu cao giá trị những ưu điểm của mỗi tôn giáo và che giấu đi những khuyết điểm của nó. Làm sao người ta có thể kết hợp và làm hòa tan trong cùng một tôn giáo, Ấn giáo vốn từ chối một Thiên Chúa Tạo Hóa, Do thái giáo vốn không chấp nhận một Thiên Chúa Nhập Thể, Hồi giáo vốn chối bỏ một Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô giáo vốn không là gì cả ngoài niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo hóa và Nhập Thể? Thật sự, điều này là thứ không hiểu được.
Tóm lại, những chủ thuyết này là những cản trở khiến việc đào sâu và đối thoại liên tôn giáo đi vào ngõ cụt và không mang lại giá trị tích cực nào cho niềm tin của những người trong cuộc. Hơn nữa, khi một Kitô hữu ý thức những “ngõ cụt này”, người ấy cũng được mời gọi để ý thức thêm rằng kinh nghiệm Kitô giáo là một điều gì đó rất đặc biệt vốn không thể bị thay thế khi đi vào tìm hiểu các tôn giáo khác.
Nét Độc Đáo Của Kinh Nghiệm Kitô Giáo[9]
Cái dở của bài ngụ ngôn con voi trong Ấn độ giáo là biến các tôn giáo thành những viễn tượng, thành những quan điểm hoàn toàn chủ quan trong việc hiểu về “Thiên Chúa”. Nó giả thiết “Thiên Chúa” là một “vật tặng”, gần như một con voi đang ở đó. Nó bỏ qua rằng “Thiên Chúa” có thể “tự hiến”. Vì thế, các tôn giáo Đông Phương ca tụng sự hiểu biết như phương tiện để cứu rỗi. Ngược lại, Do thái giáo và Hồi giáo nhấn mạnh hơn về Đức tin.
Chỉ trong Kitô giáo, hiểu biết và tin là cùng một hành động tinh thần duy nhất. Người Kitô hữu chỉ được chấp nhận sự thật và những điều cao quí của các tôn giáo khi nó đào sâu chính tôn giáo của mình để khám phá ra điều mà Đức Kitô mang đến là tuyệt đối độc đáo và không thể thay thế. Quả thật, bao lâu người Kitô hữu chưa nói được vì chưa sống được điều mà Đức Kitô đem đến là tuyệt đối duy nhất, thì đó chưa thể nói gì được về các tôn giáo khác.
Cái độc đáo duy nhất đó được diễn tả một cách hoàn hảo trong câu nói của Chúa Giêsu, trong Tin Mừng của Thánh Gioan: “Ai thấy Ta, là Thấy Cha” (Ga 14,9). Thiên Chúa là ai? Người Kitô giáo thưa Thiên Chúa là Đấng mà Đức Kitô chỉ.
Tin, đối với một người Kitô giáo, là nhìn bằng mắt của Đức Kitô, là chiêm ngắm thế giới và Thiên Chúa với chính Ngài. Cũng như thánh Phaolô nói rằng tin là “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), hoặc là “mang lấy trong mình những tình cảm của chính Đức Giêsu Kitô”(Pl 2,5). Hoặc như J.A. Cuttat đã nói rằng tin là sống bằng trái tim Đức Kitô.
Đi từ kinh nghiệm đích thực của tôi về mối tương giao với Thiên Chúa, tôi có thể mở lòng mình ra cho mọi mối tâm giao của con người thuộc các tôn giáo khác. Phải làm sao để Thông điệp của Đức Kitô, vốn là toàn cầu, đừng nghèo nàn hóa các dân tộc Phi Châu và Á Châu, nhưng nó hội nhập tất cả những gì là phong phú tinh thần được chứa đựng trong các tôn giáo lớn, mà không hề làm tổn thương đến tính đặc thù của những người Châu Á, Châu Phi hay Châu Mỹ. Để có thể làm được điều này, chúng ta hãy đào sâu linh đạo của từng tôn giáo để có thể hiểu và đối diện với những khác của nhau hòng tôn trọng nhau hơn.
Sự khác nhau giữa Kitô giáo và các tôn giáo lớn[10]
Trong phần này, chúng tôi nêu ra những nét khác nhau căn bản giữa Kitô giáo và các tôn giáo Do thái, Hồi, Ấn và Phật giáo trong việc con người tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với chính mình. Qua những nét khác nhau này, chúng ta có cơ hội hiểu hơn về niềm tin và cách thực hành niềm tin của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Đồng thời, qua việc đào sâu này, chúng ta cũng được xác tín thêm rằng điều mà Đức Kitô mang đến là tuyệt đối độc đáo và không thể thay thế.
Con người trong việc nhận biết và tương quan với Thiên Chúa
Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng Hóa Công
Thứ nhất, ngay trong chính các tôn giáo có chung một ông tổ là Abraham, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy những khác biệt trong đức tin khi họ trình bày về về Thiên Chúa. Do thái giáo và Hồi giáo đều phủ nhận hay không nhìn nhận Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy họ không tìm thấy ý nghĩa của lịch sử vốn biểu đạt một ý định Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Chính vì thế, cả hai tôn giáo này cho rằng lịch sử chỉ là sự chờ đợi ngày Đấng Messia (của Do Thái giáo) và Thầy Cả (của Hồi giáo) đến. Một lịch sử không có nội dung và thời gian chỉ là sự đợi chờ. Hơn nữa, với Do Thái giáo, Thiên Chúa mà họ thờ là Thiên Chúa của Israel vốn là Đấng siêu việt. Vì lẽ đó, cách chung một người Do Thái giáo không bao giờ dám gọi Thiên Chúa là cha của mình. Trước đây, lời cầu nguyện cá nhân, nhất là lời cầu xin không có trong các giờ cử hành phụng vụ của Do Thái giáo. Tuy nhiên gần đây, các lời cầu nguyện cá nhân đã bắt đầu xuất hiện. Thêm vào đó, chủ nghĩa duy luật hay chủ nghĩa bảo thủ vốn là một sự trung thành vật chất đi đến tỷ mỉ của Do Thái giáo. Với họ, sự hành đạo là rao truyền sự ưu việt của Thiên Chúa chứ không phải là rao truyền tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách ngắn gọn, Thiên Chúa không đi vào lịch sử của nhân loại để sống kiếp con người. Ngài là Đấng siêu việt và con người phải tôn thờ và kính sợ. Vì thế, con người không có tư cách để thiết lập tương quan cá vị với Thiên Chúa. Cách cụ thể, con người tương quan với Thiên Chúa bằng cách giữ luật Chúa cách tỉ mỉ.
Kế đến, trong Ấn giáo và Phật giáo vì có chung một nguồn gốc nên họ cho rằng Hữu thể là Một. Do vậy, Ấn giáo cho rằng số nhiều chỉ là ảo tưởng. Sự xuất hiện của thế giới là do sự “bốc tỏa lên”, chứ không phải do sự “tạo dựng”. Thế giới bốc ra từ Thiên Chúa, cũng như dòng lửa. Tia sáng không là gì khác lò lửa của nó, lò lửa không là gì khác tia sáng của nó. Đó là dòng chảy của nguồn. Do đó, chấp nhận thế giới, thì cũng một trật phủ nhận Thiên Chúa, còn phủ nhận thế giới thì lại dẫn hướng ngay tức khắc về sự tròn đầy của hữu thể. Ngược lại, Phật giáo cho rằng không có sự phân biệt giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật. Phật giáo không nói gì thêm về cái “Một” còn Ấn giáo trình bày cái “Một” hay Thiên Chúa gồm có ba vị Chúa (Brahma là biểu thị tạo hóa của Thiên Chúa vốn tạo ra biển, núi và sự sống cho muôn loài; Wishnu là biểu thị người bảo quản duy trì sự sống nơi ăn chốn ở của muôn loài và bảo đảm cái thiện sẽ thắng ác ; và Civa là biểu thị người phá hủy, người phá hủy ảo tưởng, nhưng cũng là thần sinh sôi). Ba vị này có tương quan với nhau theo chức năng Thiên tính quan hệ với thế giới được biểu thị dưới một hình tam giác. Sự tôn sùng đi từ thần này sang thần khác. Barhma có một tầm quan trọng lớn nhất về mặt siêu hình. Thần này là thần Nguyên lý vô điều kiện, Linh hồn của vũ trụ.Vishnu và Civa thì bình dân hơn.
Khác với các tôn giáo kể trên, Kitô giáo tin Thiên Chúa là một Đấng. Thiên Chúa muốn cho thế giới hiện hữu và thế giới bắt đầu hiện hữu. Thế giới là một thực tại khác với Thiên Chúa. Kinh Thánh trình bày rằng thế giới là lịch sử. Kitô giáo khẳng định Thiên Chúa là một sự trao đổi vĩnh hằng về Tình yêu giữa Ba Ngôi. Đó là một ơn ban cho không của Tình yêu nội tại đó của Thiên Chúa, nó vốn có trước cái ơn ban nhưng không của việc tạo dựng. Ơn ban cho không của Đấng tạo hóa chỉ có thể hiểu được nếu người ta chấp nhận ơn ban cho không vĩnh cửu của những trao đổi Tình yêu vốn làm nên đời sống nội tại của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa Ba Ngôi. Cái hoàn hảo của sự kết hiệp trong Ba Ngôi, đó là sự hoàn hảo trong sự tách biệt của các Ngài.
Tóm lại, trong màu nhiệm tạo dựng, Thiên Chúa của Kitô giáo khác hẳn với Thiên Chúa của các tôn giáo khác. Như thế, người ta không thể đồng hóa Thiên Chúa Đấng tạo dựng của Hồi giáo, Brahma của Ấn giáo, cái Một của Phật giáo với Thiên Chúa Đấng tạo dựng của Đức Giêsu Kitô. Hơn nữa, Thiên Chúa của Do Thái giáo và Thiên Chúa của Hồi giáo không phải là Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo. Nếu Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa. Nếu không tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, thì niềm tin vào việc Nhập Thể là ảo tưởng. Chính vì thế Do Thái giáo và Hồi giáo không tin vào màu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người.
Đức Kitô vị Thiên Chúa Nhập Thể
Do Thái giáo và Hồi giáo không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa-người. Họ tin rằng Đức Giêsu là một con người như Adam và Ngài sẽ đến trong ngày phán xét chung với một vai trò nào đó. Quả thật, đây là sự khác biệt lớn nhất giữa họ và Kitô giáo. Nếu Đức Kitô không phải là Thiên Chúa và Ngài không chịu chết và đã phục sinh thì toàn bộ đức tin và giáo lý của Kitô giáo sẽ chỉ là những thứ do con người nghĩ ra vốn rất khó tin và không thể thực hiện trong đời sống con người. Ngoài ra, Đức Kitô của Kitô giáo còn dễ bị so sánh với thần Vishnu của Ấn giáo vì thần Vishnu, có nguồn gốc là Mặt trời, dần dần trở nên vị Thiên Chúa xuống trần làm người. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa Đức Kitô và thần Vishnu là : thần Vishnu chỉ hóa thân làm người (avatara) chứ không phải là người thật. Thân xác chỉ là ảo và mang trong nó một thần tính. Vì thế không thể nói như người Kitô hữu nói về Đức Kitô rằng Vishnu đã mang một bản tính nhân loại trong khi hóa thân.
Đối với Kitô giáo, chính mầu nhiệm Nhập Thể mới soi sáng cho mầu nhiệm tạo dựng. Biến cố Nhập Thể nằm ở chính giữa thời gian vốn nối tiếp nhau như một lịch sử. Nếu Thiên Chúa tự biểu lộ là Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là để chúng ta biết rằng Chúa Cha đã nhận chúng ta là con trong Con của Ngài vốn là Đức Kitô nhờ Thần Khí của Ngài. Như thế, màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là màu nhiệm trung tâm của Kitô giáo. Và có thể nói rằng Kitô giáo sẽ không còn là Kitô giáo nếu không tin màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thật, việc giải thích về màu nhiệm này cho mọi Kitô hữu hiểu cũng là một thách đố đối với những nhà thần học trong quá khứ cũng như ngày nay. Nói cách khác, khi cảm nhận tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã và đang ban cho từng người trong nhân loại, người Kitô hữu được mời gọi để đi đến với người khác bằng tình yêu noi gương tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính tình yêu dành cho người khác noi gương Đức Kitô cũng là một nét đặc thù mà Kitô trở nên khác biệt với các tôn giáo khác.
Con người trong tương quan với nhau: yêu thương tha nhân
Đối với người Do Thái giáo và Hồi giáo, yêu tha nhân không ngang hàng với tình yêu dành Thiên Chúa. Ngoài ra Hồi giáo chỉ dạy các tín đồ coi người anh em thật sự là người đồng đạo chứ không phải bất kỳ ai. Vì thế, tình yêu mến nhau chỉ bó hẹp trong các tín đồ đạo Hồi chứ không mở rộng đến những người ngoại giáo. Dường như vẫn có một ranh giới hay một cấp độ của tình yêu đồng loại đang còn hiện hữu trong các tôn giáo này. Các đặc biệt, sự phân cấp con người theo thứ bậc được thể hiện rõ nhất nơi Ấn giáo.
Ấn giáo theo lý thuyết thì có bốn đẳng cấp : giáo chức của Brahma, quý phái quân sự, quần chúng và những nô lệ thời xưa. Nhưng khoảng năm mươi triệu người là “ngoài đẳng cấp” vốn được gọi là pariah – tiện dân Ấn độ vì trong kiếp nó đã phạm sai lầm trong một hay nhiều hành động nên nó phải đầu thai vào kiếp sống cùng cực của nó hôm nay. Phân biệt con người theo đẳng cấp đó là công bằng. Ngày nay người Ấn giáo đang nỗ lực để xóa sự phân biệt này. Đạo lý Ấn giáo dựa vào năm trụ cột : sự bất bạo động, tính trung thực, sự tôn trọng sở hữu của người khác, và sự từ bỏ đối với của cải vật chất. Chiều sâu của những phương cách đạo lý này là sự thương cảm. Con người trong thân xác, là đối tượng của sự thương cảm vì thế phải có lòng nhân hậu và giúp đỡ nó tiến tới sự giải thoát.Vậy nếu con người muốn được giải thoát thì phải hành động vô tư hay vô cầu.
Tương tự như Ấn giáo, Phật giáo cũng nhấn mạnh đến tình thương hay lòng từ bi không chỉ đối với người với nhau mà còn đối với mọi loài động thực vật khác. Một trong những bổn phận của mọi người Phật tử phải là sự vô tác hại hay sự kính trọng đối với sự sống con người, sự sống của động và thực vật. Sự trân trọng sự sống này là một lòng nhân hậu vốn làm ngưng lòng hận thù. Hận thù không làm ngưng hận thù, nhưng lòng nhân hậu lại thành công trong việc đó. Bởi thế, lòng nhân hậu tự thân nó đã đủ mạnh để xóa đi những lỗi phạm nặng nhất. Hơn thế nữa, Phật giáo Đại Thừa còn tin rằng lòng nhân hậu phát sinh ra sự ban tặng. Sau lòng nhân hậu và sự ban tặng là tình thương hay lòng thương cảm. Nhân đức này là gốc rễ của mọi nhân đức. Quả thật nó bắt nguồn từ trực giác nền tảng – đời là bể khổ của Phật giáo. Trong Đại Thừa, lo lắng cho sự giải cứu tha nhân là điểm nổi bật và nó còn tốt hơn cả sự thánh thiện cá nhân.
Trong Kitô giáo, giới luật thứ nhất về Tình yêu Thiên Chúa được thiết lập trên Tình yêu của Thiên Chúa cho loài người, và Tình yêu của Thiên Chúa cho loài người diễn đạt chính hữu thể của Thiên Chúa : Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8.16). Giới luật thứ hai về tình yêu đồng loại được thiết lập trên giới luật thứ nhất và nó cũng giống như giới luật thứ nhất (Mt 22,34-40; Mc 12,28-31). Và cả hai giới luật đều là vĩnh cửu. Bác ái Kitô giáo không phát xuất từ người giàu đến với người nghèo, từ người mạnh đến với người yếu, hay từ người giỏi đến với người tốt, hay tôi không yêu bạn bởi vì bạn bần cùng. Chính con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa là đối tượng chính cho đức ái Kitô giáo. Cũng như thánh Phaolô đã nói: “Đức tin và đức cậy qua đi, nhưng đức ái không hề qua đi (1Cr 13,8-13). Đức ái, đối với người Kitô hữu, không là một nhân đức tạm thời nhưng là hữu thể ở trong chiều sâu của nó.
Tóm lại, nếu như Do Thái và Hồi giáo có sự tách biệt giữa yêu Chúa và yêu người thì trong Kitô giáo yêu Chúa và yêu người luôn đi với nhau. Càng yêu Chúa thì càng yêu người và càng yêu người thì lại càng yêu mến Chúa cách cụ thể hơn. Khác với Ấn giáo và Phật giáo, người Kitô hữu yêu người khác bằng chính con người họ chứ không phải là một kỹ thuật hay một cách thức để trút bỏ khỏi lòng ham muốn.
Con người trong tương quan với chính mình[11]
Khi ý thức và đi vào cõi sâu nhất của lòng mình, con người khám phá ra sự khác biệt giữa chính mình với người khác và với Thiên Chúa. Để có thể phân biệt sự khác nhau giữa Thiên Chúa và cõi sâu nhất của chính mình, chúng ta đối chiếu niềm tin của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo với Ấn và Phật giáo qua hai điểm chính yếu : i. Thiên Chúa là một Đấng Tuyệt đối tự mạc khải như là Nhân vị – ii. Ý nghĩa của sự siêu việt và tôn giáo của nội tâm.
Thiên Chúa là một Đấng Tuyệt đối tự mạc khải như là Nhân vị
Do thái, Kitô giáo và Hồi giáo đều tin vào một Thiên Chúa tạo hóa; còn Phương Đông thì không, dứt khoát không. Phân nửa nhân loại hiện nay, nghĩa là những người Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo vốn tuyên xưng Đức tin vào một Thiên Chúa nhân vị tạo hóa là những người theo đạo “độc thần”. Cách nói này chưa trọn vẹn vì nó chỉ nói lên rằng Thiên Chúa là duy nhất. Chủ nghĩa độc thần tương phản với chủ nghĩa đa thần, nghĩa là nhiều thần. Sự thật, Thiên Chúa của niềm tin theo Kinh Thánh thì không chỉ là duy nhất mà Ngài còn là nhân vị ; Ngài là Đấng Tuyệt đối tự Mạc khải như là Nhân vị. Ngược lại, đối với những tín đồ của Ấn và Phật giáo, Đấng Tuyệt đối là phi nhân cách. Phi nhân cách trong cái thực tại siêu việt tối hậu của Ngài và chỉ là nhân vị trong một số bình diện và một vài biểu lộ của Ngài. Phi nhân cách từ bản thân, nên Ngài luôn thản nhiên, vô cảm. Và thế giới là phản chiếu của Ngài, phản chiếu đồng vĩnh cửu, vĩnh cửu như chính Ngài.
Ý Nghĩa Của Sự Siêu Việt Và Tôn Giáo Của Nội Tâm
Đối với tôn giáo Phương Đông vũ trụ là một suy thoái không thể tránh. Đối với Kinh Thánh, thì hoàn toàn ngược lại, thế giới cứ tăng trưởng, sáng thế, thành thục, tiến triển, ngang qua con người, tiến tới Đấng Tạo hóa. Cái khác nhau cơ bản giữa các tôn giáo xuất phát từ Abraham (Do thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo) và các tôn giáo Đông Phương cũng dẫn đến cái khác nhau cơ bản trong cách đánh giá về đời sống tôn giáo.
Sự nổi bật trong các tôn giáo xuất phát từ Kinh Thánh, đó là chiều hướng siêu việt: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”. Trong Ấn giáo và Phật giáo, cái nổi bật lại là chiều hướng nội tâm: tôi đi xuống tận đáy lòng tôi để đạt tới cội rễ của thế giới, và sau cùng tôi đồng hóa tôi với nó.
Sự siêu việt nổi bật từ phía Kinh Thánh. Sự nội tại nổi bật từ phía Á Châu. Từ nổi bật là từ quan trọng bởi vì nội tại và siêu việt không loại trừ lẫn nhau. Một sự nội tại mà không siêu việt và một sự siêu việt mà không nội tại thì chẳng là gì cả. Một Kitô hữu mà nghĩ rằng Thiên Chúa ở bên ngoài nó, ở một chỗ nào đó trong không gian, một sự siêu việt thuần túy ở bên ngoài, người Kitô hữu đó sẽ lầm lạc từ đầu đến cuối. Có lẽ ở đây, chính ở điểm này mà chúng ta thấy các tôn giáo Á Châu không thể vượt qua Kitô giáo.
Tính nội tâm nổi bật từ phía các tôn giáo Á Châu có thể được khẳng định đến nỗi người ta không hay biết gì đến sự siêu việt hay làm tiêu tan cả sự siêu việt. Lúc đó là sự lắng sâu của bản thân, nhưng không phải là sự hiểu biết về Thiên Chúa; bởi sự hiểu biết về Thiên Chúa thì hoàn toàn khác với sự lắng sâu của bản thân. Lại càng ít có khả năng là sự kết hiệp tình yêu với Thiên Chúa được nhìn thấy như một người khác, như một Đấng Hoàn toàn Khác. Đức Giêsu cũng nói rõ rằng không ai là cao cả, ngoài Chúa Cha. (x. Mt 11, 25-27 ; Lc 10, 21-22).
Ngoài ra, người Tây Phương thường có xu hướng lẫn lộn sự thần thiêng với tâm lý. Người ta dễ gọi “tính nội tâm” (interiorité) là “sự nội quan” (introspection). Hơn nữa, sự xét mình (examen de conscience) thường là một cái nhìn về mình nhiều hơn là cái nhìn về Thiên Chúa. Tính nội tâm của Phật giáo trong phương pháp thiền (Yoga) hay thiền (Zen) không phải cơ bản là nội quan. Louis Gardet nói rõ rằng “không phải là một sự đi xuống tận cùng cái chủ thể, nhưng ngược lại là vượt qua cái chủ thể được cảm nhận là thế, để hướng tới một cái tuyệt đối mà nó là dấu hiệu của cái tuyệt đối đó”. Như thế, người luyện tập yoga không đi vào tiềm thức của mình nhưng họ hướng tới một hướng đi ngược lại với nó. Họ muốn vượt qua tính nhị nguyên chủ thể – khác thể để đạt tới một trạng thái thần bí nào đó. Điều quan trọng là phải chú ý đến điều cốt lõi này của vấn đề: nội tại hóa bằng sự lắng đọng, sự tập trung, bằng thiền yoga và tất cả những kỹ thuật tâm linh chuẩn bị cho chúng ta gặp gỡ với Thiên Chúa, nhưng, tự nó, nó không làm ra điều đó. Sự thăng bổng của con người lên với Thiên Chúa đều vô hiệu, nếu Thiên Chúa không đi xuống với con người.
Cảm nghiệm thần bí của người tín hữu Kitô không phải là một sự sâu lắng của bản thân nhưng là sự sâu lắng của niềm tin. Vấn đề không phải là đồng hóa chúng ta với Đấng Tuyệt đối mà là kết hợp với Ngài. Đây phải là một Tình yêu tương tế. Ngay giữa lòng sự hiệp nhất, sự phân biệt giữa con người và Thiên Chúa luôn hoàn toàn được giữ vững.
Tóm lại, Thiên Chúa là một Đấng Tuyệt đối tự mạc khải như là Nhân vị. Ngài tự mạc khải cho con người trong chính nội tâm của họ và từ sâu thẳm nhất trong nội tâm mình với thái độ của đức tin, con người khám phá ra đấng siêu việt khác với chính mình. Ví như câu nói của thánh Âu-tinh “Thiên Chúa hiện diện ở nơi sâu thẳm hơn cái sâu thẳm của con”. Nói một cách khác, Thiên Chúa siêu vượt hơn những gì con người có thể suy tưởng hay cảm nhận về Ngài. Sự thật, kết hiệp và phân biệt, hai hành động này cùng lớn lên vì nhau và cho nhau. Đây là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là chính mầu nhiệm Tình yêu, nghĩa là mầu nhiệm của sự phân biệt rõ nét nhất trong sự kết hợp toàn diện nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự là kiểu mẫu tối cao của tính phân biệt trong sự hiệp nhất.
Tạm kết, qua ba phần trình bày trên, cha Francois Varillon cho thấy rằng việc con người bị cám dỗ rằng mọi tôn giáo đều giống nhau vì thế chúng ta nên tổng hợp các tôn giáo lại với nhau để thành một tôn giáo toàn cầu là một vấn đề có thực và cần được các người Kitô hữu ý thức rõ. Khi ý thức rõ việc này là một vấn đề cần phải lưu tâm, người Kitô hữu cần đào sâu kinh nghiệm Kitô giáo để từ đó chúng ta mở ra hướng đến với những tôn giáo lớn khác. Hơn nữa, việc đào sâu các linh đạo của các tôn giáo khác cũng giúp người Kitô hữu càng ngày càng trở nên người Kitô hữu mỗi ngày một đích thực hơn.
SUY TƯ PHẢN TỈNH
Sự thực, cha Francois Varillon đã áp dụng đúng tinh thần đối thoại liên tôn của Công đồng Vaticano II (1962-1965) vốn vẫn còn là một “luồng gió rất mới” đang thổi vào toàn thể Giáo hội cũng như xã hội. Khi so sánh cách đối thoại với các tôn giáo lớn trong tinh thần của các bài nói chuyện mà cha đã thuyết trình với những điều liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn và truyền giáo của 3 văn kiện: 1. Hiến Chế Tín Lý Giáo Hội (LG); 2. Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội (AG) ; 3. Tuyên ngôn về Tương quan giữa Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo (NA), tôi rút ra những suy nghĩ sau :
Việc so sánh các tôn giáo với nhau giúp con người tìm ra những lời giải thích khác nhau về các câu hỏi liên quan đến thân phận con người.
Đối thoại liên tôn giáo có rất nhiều cách nhưng mọi người đều dễ đồng ý với nhau rằng chúng ta giống nhau trong những câu hỏi liên quan đến thân phận con người. Và mọi người đều tin rằng tôn giáo mà mình đang sống có thể trả lời các câu hỏi này. Công đồng Vaticano II (Vat II) đã khẳng định rằng :
Con người mong đợi các tôn giáo đưa ra lời giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những điều xưa nay vẫn làm thâm tâm họ ưu tư trăn trở : Con người là gì? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và mục đích gì? Sự thiện và tội lỗi là chi? Đau khổ có nguyên nhân và mục đích nào? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Phải hiểu thế nào về cái chết, sự phán xét và thuởng phạt sau khi chết? Sau cùng, huyền nhiệm tối hậu và khôn tả bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta xuất phát từ đâu và chúng ta hướng về đâu?.. (NA 1). Và “với nhiều phương thế khác nhau, các tôn giáo khác trên thế giới đều cố gắng giúp cho tâm hồn con người thoát khỏi những âu lo, bằng cách đề nghị những đường hướng phải theo, nghĩa là giáo thuyết, luật sống cũng như các nghi lễ phụng tự. (NA 2)
Như vậy, khi mọi người khởi sự từ những câu hỏi này, từng cá nhân sẽ chia sẻ cho nhau nghe về câu trả lời mà cá nhân đó đã tìm thấy qua niềm tin tôn giáo của chính họ. Quả thật, là một người Kitô hữu, tôi tin rằng “chỉ có một Đức Kitô duy nhất là trung gian và là đường cứu độ, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta trong Thân Mình Người là Giáo Hội…” (LG 14)
Việc so sánh các tôn giáo với nhau mời gọi mọi người biết mở ra để đối thoại với người khác.
Việc so sánh các tôn giáo với nhau không phải để kết luận tôn giáo nào là hợp lý và cao siêu hơn nhưng là để hiểu các niềm tin của nhau. Nếu muốn hiểu niềm tin của nhau, chúng ta đối thoại với nhau. Việc đối thoại khởi đi từ chính kinh nghiệm đức tin mà từng cá nhân cảm nhận qua việc học hỏi và sống những chân lý và linh đạo của tôn giáo mà cá nhân thuộc về. Như vậy, việc xác tín về niềm tin không cản trở tôi biết mở ra để đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Vat II khẳng đã định rằng :
(…) Để có thể trình bày cho mọi người mầu nhiệm cứu rỗi và sự sống mà Chúa đã thông ban, Giáo Hội phải thấm nhập vào tất cả những nhóm người đó với cùng một động lực như chính Chúa Kitô, Đấng khi nhập thể đã hoà mình vào những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hóa của những cộng đồng mà Người cùng chung sống. (AG 10)
Hơn nữa, Giáo hội mời gọi mọi Kitô hữu đối thoại cách nhân bản với người khác theo tinh thần
(…)như chính Chúa Kitô đã tìm hiểu tâm hồn con người và dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh nhờ cuộc đối thoại mang đầy tính nhân bản, cũng thế, những môn đệ đã thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết những người họ đang chung sống, hãy trao đổi với họ, để nhờ việc đối thoại chân thành và kiên nhẫn, các môn đệ nhận ra những gia sản phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời cũng phải nỗ lực đem ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, nâng cao và đưa những gia sản đó quy hướng về Chúa Cứu Thế. (AG 11)
Việc đối thoại với các tôn giáo giúp người Kitô hữu nhận ra những giá trị của sự thật các tôn giáo khác trong ý định của Thiên Chúa
Thứ nhất, ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua các tôn giáo. Vat II nói rằng:
Ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại không chỉ được thực hiện cách thầm kín trong tâm trí con người, hoặc bằng các tôn giáo như là phương thế để giúp con người tìm kiếm Thiên Chúa qua nhiều nẻo đường, may ra sẽ đến gần hoặc gặp được Ngài (…) cũng có thể được coi như những lối đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị cho Tin Mừng. (AG 3)
Kế đến, khi biết tôn trọng các giá trị qui hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị cho Tin Mừng nơi các tôn giáo khác, người Kitô hữu càng ngày càng có thể liên kết với người khác cách chặt chẽ. Cuối cùng, Vat II khẳng định rằng:
Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và phải không ngừng rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6) trong Người, con người tìm được đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. (NA 2).
Cách đặc bệt, với các tôn giáo lớn, Giáo hội Công giáo luôn trân trọng những giá trị sự thật nơi họ. Vat II khẳng định rằng:
Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu huyền nhiệm thần linh và diễn tả huyền nhiệm ấy bằng những thần thoại vô cùng phong phú cũng như bằng các nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc, đồng thời tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người, hoặc bằng những lối sống khổ hạnh, hoặc bởi tịnh niệm thâm sâu, hay nhờ việc tìm nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng kính yêu và tin tưởng. Còn Phật giáo, với nhiều tông phái khác nhau, đã nhận ra sự bất túc tận căn của thế giới vô thường này và chỉ dạy cho những kẻ thành tâm và tin tưởng con đường tìm thấy sự giải thoát trọn vẹn hay đạt đến sự giác ngộ tối thượng, nhờ những cố gắng của bản thân hoặc sự trợ lực của ơn trên. (NA 2).
Với Hồi giáo, Vat II xác định rằng:
Những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất (…) dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn kính Người như vị Tiên tri, kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Đức Maria (…)Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa, nhất là bằng việc cầu nguyện, bố thí và chay tịnh. Dù trong lịch sử đã xảy ra không ít bất hòa và hiềm thù giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo (…) mọi người nên quên đi quá khứ và cố gắng chân thành tìm hiểu lẫn nhau, cũng như cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, các giá trị luân lý, cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi người. (NA 3)
Cuối cùng, đối với người Do thái giáo, người Kitô hữu được mời gọi hãy tôn trọng họ vì:
Người Kitô hữu và Do thái cùng có chung một di sản thiêng liêng thật cao quý(…) nên hai bên hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, nhất là bằng sự học hỏi Kinh Thánh và thần học cũng như bằng việc đối thoại huynh đệ. Mặc dù nhà cầm quyền Do thái cùng các thuộc hạ đã gây nên cái chết của Đức Kitô (…) Dù Giáo Hội thực sự là dân mới của Thiên Chúa, nhưng, dựa theo lời Thánh Kinh, người Do thái không hề bị Chúa chê bỏ hay nguyền rủa (…) Vì thế, khi rao giảng, Giáo Hội loan báo thập giá Đức Kitô như dấu chỉ tình yêu phổ quát của Thiên Chúa và như nguồn mạch của mọi ân sủng. (NA 4)
KẾT LUẬN
Đối thoại liên tôn giáo bằng cách so sánh các linh đạo của nhau để hiểu nhau hơn chỉ là một cách vốn có thể thích hợp với một số người quan tâm đến linh đạo của các tôn giáo. Ngoài cách này ra, các tôn giáo còn có nhiều hình thức khác vốn phổ biến cho nhiều người hơn để đối thoại, ví dụ như các tôn giáo ra các tuyên bố về các hiểm họa đang đe dọa thế giới[12] ; giao lưu văn hóa để sống với nhau trong hòa bình và yêu thương qua các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cùng ăn cùng vui chơi với nhau ; thành lập các quĩ hỗ trợ việc phát triển con người và phát triển khoa học về môi trường[13] ; hoặc đối thoại bằng chiêm niệm nghĩa là cùng nhau cầu nguyện. Tóm lại, việc đối thoại liên tôn giáo giúp biến đổi con người. Hơn nữa, đối thoại liên tôn giáo là cách tốt để khám phá ra “người khác”, để hiểu “người khác” và để làm chứng niềm tin của tôi với “người khác”. Thêm vào đó, đối thoại là cách để tôi xích lại với “người khác”, “người lạ” để tôi không còn phải sợ, để tôi gặp gỡ họ, khám phá và đào sâu để đón nhận, nghe và hiểu họ. Qua đó tôi có thể làm chứng với họ về niềm tin của tôi trong sự tôn trọng các xác tín của người khác. Tôi nghĩ rằng đường đi của đối thoại liên tôn giáo với tấm lòng thật tâm sẽ dẫn đến mọi người đến “Sự Thật”. “Sự Thật” này vốn siêu việt và sâu xa hơn cả sự thật của tôi hay của người khác đang nhận biết. Bởi vậy, đối thoại liên tôn giáo vừa là cơ hội vừa là hành động thanh luyện và làm phong phú hơn niềm tin của chính tôn giáo mà những người trong cuộc đang tin. Nói theo ngôn ngữ của cha Varillon quá trình đào sâu tìm hiểu và đối thoại với các tôn giáo khác đang gúp tôi ngày càng xác tín thêm rằng “ Đạo Kitô giáo đem lại cho tôi những chân lý vốn là tuyệt đối và không thể thay thế.”
Học viên: Cornelio Đinh Chí Thiện, S.J.,
Môn học: Thần học tôn giáo
Giáo sư: Linh mục Giu-se Vũ Kim Chính, S.J.,
[1] Francois Varillon, Một Kitô hữu trước các tôn giáo lớn, do Charles Ehlinger dàn dựng và trình bày, Nguyễn Thị Chung dịch Việt ngữ, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009)
[2] Hiến chế Lumen Gentium (LG)
[3] Sắc lệnh Ad Gentes (AG)
[4] Tuyên ngôn Nostra Aetate (NA)
[5] x. Francois Varillon, Một Kitô hữu trước các tôn giáo lớn, tr. 27-31.
[6] Ibid., tr. 31.
[7] Ibid., tr. 31-38.
[8] Ibid., tr. 39-54.
[9] Ibid., tr. 54-61.
[10] Ibid., tr. 67-279.
[11] Ibid., tr. 287-323.
[12] Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi một cuộc cách mạng văn hóa rộng rãi để đương đầu với hiểm họa về môi trường hiện nay.
[13] Quỹ Islam giáo dành cho sinh học và các khoa học về môi trường, Tổ chức liên tôn Greenfaith và Tổ chức nhân đạo quốc tế của Islam giáo Islamic Relief. (xem: Mai Tâm (2015), Tuyên bố quốc tế đầu tiên của Hồi giáo về biến đổi khí hậu, < https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/tuyen-bo-quoc-te-dau-tien-cua-hoi-giao-ve-bien-doi-khi-hau-28445 >, xem 15/11/2019)