Môn học: Thực hành Linh đạo Inhã
Giáo sư: Nguyễn Đức Hạnh, S.J.
Học viên: Nguyễn Hải Đăng, S.J.
Phân định ý Chúa là một trong những trăn trở của nhiều người, đặc biệt người trẻ, trước những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến hướng đi của cả cuộc đời. Bài viết này như một sự thấu cảm đối với những trăn trở đó. Tác giả khai thác trong kho tàng linh đạo I-nhã, những nền tảng căn bản và thực hành trong việc phân định ý Chúa hầu giúp người ta phân định và làm một chọn lựa phù hợp với ý Thiên Chúa và mang lại lợi ích cho cứu cánh đời đời của mình.
Dẫn nhập
Bạn Hà chuẩn bị cưới. Bạn Hùng có ý định đi tu. Làm sao tôi biết được ý Chúa trong quyết định của tôi? Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải làm nhiều quyết định chọn lựa. Có những chọn lựa mang tính thiết yếu; có những chọn lựa ít quan trọng hơn. Đi tu hay lập gia đình là những chọn lựa thiết yếu đối với căn tính của người chọn. Chúng khác với việc chọn có nên ăn thịt vào ngày thứ 6 hay không? Phân định ý Chúa khác với chọn lựa nho nhỏ hằng ngày như chọn mua áo màu hồng hay màu xanh. Phân định ý Chúa gắn với những chọn lựa mang tính thiết yếu với căn tính của con người.
Có khá nhiều cách thức giúp phân định ý Chúa. Ở đây, tôi xin đưa ra một số nét căn bản trong linh đạo I-nhã giúp phân định ý Chúa mà thánh nhân xem là thuận lợi hơn cho việc chọn lựa lành mạnh và tốt đẹp. Bài viết này không nhằm trình bày lại phương pháp phân định của thánh I-nhã theo trình tự, nhưng trình bày những điểm mà tôi thấy có thể áp dụng giúp cho bạn trẻ làm những cuộc phân định ý Chúa trong các quyết định của họ. Đó là điều tôi thao thức mong mỏi, và tôi nghĩ những người đồng hành thiêng liêng cũng mong muốn như vậy.
Nhận định vấn đề
Ai có thể nói cho người khác: đây là ý Chúa, kia không phải là ý Chúa trong những quyết định căn bản của họ? Thành thật mà nói, không ai có thể biết rõ ý Chúa trong cuộc đời hay trong quyết định của người khác. Ngược lại, có những người đưa ra phán đoán sai lạc về ý Chúa đối với hoàn cảnh của người khác. Một người tu sĩ đến thăm một người mẹ đang khóc than cho đứa con vừa bị tai nạn. Sau một lúc an ủi, vị tu sĩ nói thêm: “Đây là thánh giá Chúa gởi đến, bà vui lòng đón nhận ý Chúa vậy”. Đó là một phán đoán tai hại! Có thể nói, chỉ có đương sự mới thấy rõ thánh ý Chúa trên đời mình. Tuy nhiên ý Chúa trong cuộc đời con người không luôn rõ ràng. Bạn Hà và Hùng không biết rõ lập gia đình hay đi tu là tốt hơn? Trong mớ bòng bong của những chọn lựa khác nhau, làm sao phân định ý Chúa? Linh đạo I-nhã là một cách thức giúp giải gỡ mớ bòng bong này.
Linh đạo I-nhã giúp phân định Ý Chúa
Đặt đúng tâm thế:
Khi còn ở nhà tập, tôi vẫn thường nghe cha giáo Lý dâng lời cầu nguyện ngắn sau khi Rước lễ: “Tiên vàn mọi người suốt đời hướng trọn tâm trí về Chúa, và kể Dòng như con đường đi tới Chúa”. Lúc ấy, tôi không hiểu hết ý nghĩa của lời cầu nguyện này. Sau đó một thời gian, nhờ học biết về Linh Thao, tôi đã nhận ra lời cầu nguyện đơn sơ này là bản tóm gọn Nguyên Lý Nền Tảng mà thánh I-nhã đặt ngay đầu tập Linh Thao, và cũng là cốt lõi của linh đạo I-nhã.
Thật vậy, thánh I-nhã viết: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (Linh Thao, 23). Bản văn xác định ngay con người từ đâu đến, và sẽ đi về đâu. Con người được Thiên Chúa dựng nên và rồi để chia sẻ sự sống của Chúa. Đó là kế hoạch tạo dựng của Chúa và là cùng đích của con người. Cùng đích của con người là ngợi khen, tôn kính, phụng sự Chúa và rồi nhờ đó cứu rỗi linh hồn của mình. Vì vậy, tâm thế đúng của con người là hướng về cùng đích của đời mình: một tâm thế luôn hướng trọn về Chúa, chọn Chúa và thánh Ý Chúa trước trong mọi quyết định của đời mình.
Phải chăng linh đạo I-nhã tạo ra cái nhìn mới về tâm thế này? Hoàn toàn không phải như vậy. Kinh Thánh đã mô tả chi tiết về công trình Thiên Chúa tạo dựng con người. Linh đạo I-nhã chỉ xoay chuyển hướng đi. Thay vì nói lại Thiên Chúa đã tạo dựng con người như thế nào, thánh I-nhã quay hướng về con người và đặt điểm nhấn vào cùng đích của chúng ta: con người được dựng nên để làm gì? Tâm thế này đã hàm chứa trong lời tâm sự nổi tiếng của thánh Âu-tinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.” Thánh Âu-tĩnh đã đi tìm mọi thứ từ tri thức cho đến xác thịt nhằm thỏa đáp khao khát của mình. Rốt cuộc, sự khắc khoải của ngài chỉ được thỏa đáp nơi Chúa. Một sự nhận ra muộn màng của thánh nhân: “Lạy Chúa con đã yêu Ngài quá muộn”. Nhưng đó là sự “nhận ra” có giá trị, vì nhận ra suối nguồn của cuộc sống[1], là cùng đích của đời người. Tâm thế này cũng phản phất nơi kinh nghiệm nhân sinh của con người như: “sống ở thác về”, “lá rụng về cội”. Như vậy, linh đạo I-nhã không hoàn toàn tạo ra cái nhìn mới về tâm thế con người theo nghĩa con người được Thiên Chúa dựng nên, nhưng có thể được gọi là mới theo nghĩa đặt điểm nhấn khởi đi từ hiện sinh của con người, từ ý nghĩa cuộc sống hiện tại của mỗi nguời.
Phải chăng con người tự tạo tâm thế đúng? Con người chẳng thể tạo ra được một tâm thế đúng là luôn hướng về Chúa. Chính Chúa đã tạo dựng nên con người và đặt vào đó hạt mầm luôn hướng về Chúa, về Siêu Việt, cái mà Karl Rahner gọi là nằm ngay trong cấu trúc hiện sinh của con người. Một cách tự nhiên, con người luôn có khuynh hướng hướng về Chúa, về Siêu Việt rồi. Chính vì thế, tạo tâm thế đúng không phải là tạo ra hạt mầm, nhưng là tạo điều kiện để cho hạt mầm ấy phát triển. Thánh I-nhã đã trình bày các bài thao luyện (exercises) trong bốn Tuần của Linh Thao một cách chặt chẽ theo tiến trình cụ thể nhằm giúp Thao viên “dọn đất” cho hạt mầm phát triển. Hiểu như vậy, tạo tâm thế không gì khác hơn là để cho mình buông theo sự thúc đẩy của Thần Khí Chúa. Đó là sự đầu hàng theo thánh ý Chúa. Thái độ này được thánh I-nhã diễn tả trong lời kinh Dâng hiến vào cuối hành trình Linh Thao: xin Chúa nhận lấy, xin trao hết cho Chúa (Linh Thao, 234).
Tóm lại, để có thể làm cuộc nhận định theo ý Chúa, trước tiên phải tạo một tâm thế đúng; hay nói cách khác phải ý thức rõ cùng đích của đời con người.
Hiểu đúng về Ý Chúa
Tâm thế đúng của con người là hướng về Chúa, chọn Chúa, và đặt ý Chúa làm trung tâm. Nhưng ý Chúa là gì? Ý Chúa không nên được hiểu như một trò đánh đố theo nghĩa có cái gì đó sẵn trong kho và con người bị đòi phải tìm cách mở ra để rồi làm theo. Ý Chúa cũng không nên được hiểu như một ý định có sẵn ở trong trí óc Ngài theo nghĩa con người dò tìm để biết ngày mai là trời nắng hay mưa. Hay cũng không nên hiểu ý Chúa nằm ngoài con người theo nghĩa con người chẳng thể nào biết được. Ở đây, tôi xin đưa ra một vài cách hiểu về ý Chúa theo linh đạo I-nhã.
Ý Chúa nằm ngay trong hiện sinh con người. Quả thật, nếu ý Chúa nằm ngoài con người, con người chẳng thể nào nắm bắt được. Nhưng Thiên Chúa đã tự tỏ lộ ý Ngài cho con người. Linh đạo I-nhã đưa ra một cái nhìn về thế giới, một thế giới được thấm đẫm Chúa, một thế giới mà ngang qua đó Thiên Chúa gặp gỡ con người[2]. Một cách cụ thể, thánh I-nhã mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới này bằng cách Ngài đã đi vào trong thế giới qua biến cố Con Thiên Chúa nhập thể (LT, 101-109); hiện hữu trong từng tế bào nhỏ nhất của loài thụ tạo (LT, 235-236); và làm việc trực tiếp với mỗi người (LT, 15). Vì vậy, chính vì Thiên Chúa đã muốn sống sự sống con người, chia sẻ thân phận con người, và liên đới với con người trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nên chúng ta mới có thể làm điều gọi là “phân định ý Chúa”.
Thánh ý Chúa là con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10:10). Ý định này hệ tại trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Hay nói cách khác: Thiên Chúa muốn con người hiện hữu. Trong Nguyên Lý Nền Tảng, thánh I-nhã đề cập ngay một chân lý là: con người được Thiên Chúa dựng nên. Nhưng như thế nào? Kinh Thánh trình thuật chi tiết: “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta’” (Sáng thế 1,26). Có hai điểm đáng lưu ý ở đây. Thứ nhất, Thiên Chúa nói: “Chúng ta hãy làm”. Câu nói cho thấy Ba Ngôi Thiên Chúa như có cuộc bàn định với nhau trước khi tạo dựng nên con người. Các Ngài có sự chuẩn bị, có ý định và kế hoạch cụ thể chứ không phải bộc phát, ngẫu nhiên hay tình cờ. Thiên Chúa muốn con người hiện hữu. Được sinh ra trong ý muốn ắt có giá trị hơn không mong muốn. Theo kinh nghiệm con người, ai đó được sinh ra do ước muốn của cha mẹ thì người đó thấy mình có giá trị và thấy đáng sống hơn là một người được sinh ra do một “tai nạn” ngoài ý muốn của cha mẹ hay là do một “hậu quả” của một cuộc tình nam nữ. Tương tự vậy, con người được dựng nên trong ý muốn của Thiên Chúa ắt hẳn có một giá trị đặt biệt trước mặt Thiên Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa nói: làm ra con người theo hình ảnh Chúa và giống như Chúa. Ý định của Thiên Chúa không chỉ muốn con người hiện hữu mà còn được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, là hình ảnh của Chúa, giống như Chúa. Đó là sự sống dồi dào. Thánh I-rê-nê diễn tả điều này như sau: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống” (Adversus haereses 4, 20,7) [3]. Như vậy, thánh ý của Thiên Chúa là con người được sống trong sự sống của Chúa. Đó là cùng đích của con người.
Hiểu đúng về vai trò của “những sự khác”[4]
Thiên Chúa cũng tạo dựng nên những sự khác cho con người. Thánh I-nhã viết rằng: “mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người” (Linh Thao, 23). Tác giả Vĩnh Sơn gọi những sự khác như là thế giới trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Những sự khác trong thế giới trung gian này làm nên lịch sử của con người.[5] Ngoài thế giới tự nhiên, những sự khác có thể hiểu rộng ra gồm những mối tương quan: gia đình, bạn bè, xã hội; sự nghiệp: đi tu, lập gia đình… là tất cả những gì làm nên căn tính con người. Con người luôn tương tác với những sự khác này để định hình lên chính mình. Vì thế, con người cần phải phân định những chọn lựa trong số những sự khác xem cái gì giúp mình đạt đến cùng đích đời mình. Những sự khác có vai trò của chúng trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Thật vậy, những sự khác đóng vai trò giúp con người đạt đến cùng đích của mình. Thánh I-nhã viết: “mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người để giúp họ đạt tới cứu cánh Đấng Tạo Hóa đặt cho họ” (Linh Thao, 23). Những sự khác được hiểu là phương tiện con người sử dụng để đạt đến cùng đích đời mình chứ không phải là cùng đích. Cho nên, con người cần hiểu đúng về vai trò của những thứ mà phải chọn lựa hằng ngày; xem coi chúng giúp hay cản trở mục đích của mình. Bởi lẽ, không biết vì lý do gì (vì tội Nguyên Tổ chăng), con người thường có khuynh hướng biến những sự khác vốn chỉ là phương tiện thành cùng đích. Chẳng hạn, một người chọn lựa đi tu như đích đến của đời mình nên nhất quyết phải đi tu bằng bất cứ giá nào; hay một người chọn một công việc dù phải bán rẻ lương tâm, xem thường đức ái… Đó là những chọn lựa lệch lạc. Thánh I-nhã lưu ý: “người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải loại bỏ khi chúng làm cản trở mình đến cứu cánh đó ” (Linh Thao, 23). Vì vậy, cần phải phân định xem trong việc chọn lựa những sự khác, điều nào dẫn con người đạt đến cứu cánh của mình, và điều nào cản trở. Tâm thế của người chọn theo thánh Ý Chúa không phải là bỏ đi hoàn toàn những sự khác mà chọn sử dụng chúng đúng mục đích, chọn những gì giúp con người đến gần Chúa hơn, yêu Chúa hơn, và sống mật thiết với Chúa Ki-tô hơn.
Một phương pháp giúp chọn lựa
Xác định vấn đề
Đứng trước một lựa chọn cần phân định, người làm chọn lựa cần xác định đúng vấn đề. Liệt kê những vấn đề cụ thể liên quan lựa chọn căn bản. Chẳng hạn, chị Hà định lấy anh A; anh Hùng định đi tu. Đâu là những thuận lợi, đâu là những cản trở/ khó khăn của chọn lựa đó. Làm hai cột, một bên thuật lợi, một bên cản trở và liệt kê ra. Mục đích là xác định rõ vấn đề cần phân định, vấn đề thiết yếu quan trọng ít và quan trọng nhiều, và những hệ quả kéo theo. Sau khi đã xác định được vấn đề cụ thể, người phân định sẽ chọn lựa điều nào là ý Chúa.
Ba thì chọn lựa
Làm sao tôi biết “lấy anh A” là theo ý Chúa? Làm sao tôi biết “đi tu” là làm theo ý Chúa? Thánh I-nhã đưa ra một phương pháp chọn lựa mà theo ngài là thuận lợi hơn để “làm một việc chọn lựa lành mạnh và tốt lành” (Linh Thao, 175). Phương pháp này gồm có ba thì chọn lựa với ba mức độ khả tín khác nhau, từ mức độ chắc chắn đến nỗi “không thể nghi ngờ” đến mức độ ít chắc chắn hơn. Như đã nói ở trên, viễn tượng linh đạo I-nhã là Thiên Chúa luôn hành động, tác động trực tiếp đến từng người, đến ý muốn của họ để con người dễ thuận theo ý Chúa hơn. Bên cạnh đó, thánh I-nhã có cái nhìn tích cực về con người. Con người có tự do thuận theo ý Chúa; có khả năng dùng lý trí để nhận biết kế hoạch của Thiên Chúa. Cái nhìn này khác với một số lập trường cùng thời quan niệm tiêu cực về con người, đó là Nguyên Tội đã phá hủy hoàn toàn bản chất con người. Với cái nhìn về Thiên Chúa và con người như thế, thánh I-nhã đã đưa ra ba thì chọn lựa sau:
Thứ nhất, chọn lựa thiên về tình yêu (con tim)[6]. Đây có thể coi là sự chọn lựa theo sự mách bảo của con tim. Một con tim được thúc đẩy, lôi cuốn bởi Đấng là Tình yêu. Trong Linh Thao, thánh I-nhã cho biết Thiên Chúa là chủ thể “đánh động và lôi kéo ý muốn” của linh hồn sốt mến. Đó là hành động tác động đến nội tâm con người. Đến lượt, linh hồn này lại “tuân theo điều đã chỉ ra”.[7] Đây là hoạt động hai chiều của hai chủ thể: Thiên Chúa đã đánh động linh hồn sốt mến; và người này cách tự do chọn lựa đi theo sự đánh động đó. Thánh I-nhã dùng thuật ngữ “linh hồn sốt mến”. Thuật ngữ này không nhằm ám chỉ những “người đạo đức” theo lối hiểu bình dân. “Linh hồn sốt mến” theo mạch văn của thánh I-nhã là linh hồn được Thiên Chúa tác động trực tiếp và linh hồn này đáp lại sự tác động đó. Đó là hoạt động xảy ra ở bên trong nội tâm mà cách nào đó có thể được diễn tả nơi kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20:7). Thật đúng, “con tim có lý lẽ mà lý trí không hiểu được” (Pascal). Ở thì chọn lựa thiên về tình yêu, Thánh I-nhã nêu ra hai nhân vật điển hình là thánh Mat-thêu và Phao-lô. Hai vị không nghi ngờ khi được Chúa gọi, và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa. Đây không phải là đặc ân cho một vài trường hợp nhưng cũng xảy ra với nhiều người.[8] Có những người rất chắc chắn với quyết định của họ ngay tại thời điểm bước ngoặt của cuộc đời. Có thể thấy xảy ra với trường hợp của Mẹ Tê-rê-xa Calculta. Mẹ rời bỏ đời sống tu Dòng Loretto để chuyên chăm lo cho người nghèo, rồi từ đó một dòng tu mới được hình thành. Hay có những người khác tin chắc vào cuộc hôn nhân của mình cũng như đời sống dâng hiến. Vì ở việc chọn lựa này, phần chủ động thuộc về Thiên Chúa nên việc chọn lựa “không hồ nghi và không thể nghi ngờ” (Linh Thao, 175). Nếu người phân định mà được ơn này, thì việc chọn lựa theo ý Chúa không sợ bị sai lầm.
Thứ hai, chọn lựa thiên về cảm xúc. Cảm xúc (feelings) mà thánh I-nhã gọi bằng thuật ngữ “An ủi” (consolation) và “Sầu khổ” (desolation). Đó là hai cảm xúc căn bản giúp phân định. An ủi và Sầu khổ không phải là hai cảm xúc buồn vui bình thường. Nó không giống cảm xúc của “con gái”, như người ta nói, là “sáng nắng chiều mưa”. Để phân biệt, thánh nhân thêm chữ “thiêng liêng” đi với mỗi cảm xúc và chúng được gọi là: An ủi thiêng liêng và Sầu khổ thiêng liêng. Ai ủi và Sầu khổ thiêng liêng là gì? Có thể nói cách đơn giản diễn tả của thánh I-nhã trong Linh Thao là: Cảm xúc nào thúc đẩy và dẫn một người nào đó đến việc yêu mến Chúa hơn, đến gần Chúa hơn thì gọi là An ủi thiêng liêng (x. Linh Thao, 316). Ngược lại, cảm xúc nào làm cho một người nào đó xa Chúa hơn, hướng về những thứ phàm tục hơn thì gọi là Sầu khổ thiêng liêng (x. Linh Thao, 317). Như thế, chọn lựa theo ý Chúa là chọn lựa những điều gì mà có dấu hiệu của An ủi thiêng liêng như bằng chứng.
Đòi hỏi ở mức độ này là gì? Chọn lựa có thể thực hiện được khi người làm “nhận đủ ánh sáng và sự hiểu biết”. Ánh sáng và sự hiểu biết này có được do “kinh nghiệm về những an ủi và sầu khổ, cũng như bởi kinh nghiệm về việc nhận định thần lành và thần dữ khác nhau” (Linh Thao, 176). Tại sao vậy? Bởi vì, ở mức độ này, thần dữ vẫn có thể lừa gạt người ta bằng việc giả dạng thiên thần tốt, bày ra những tư tưởng thánh thiện hợp với người ấy, rồi dần dần dẫn người ấy đi theo cách của nó (x. Linh Thao, 332). Ví dụ, một bà mẹ trẻ có ba đứa con nhỏ. Chị siêng năng việc nhà Chúa. Chị tham gia ca đoàn, lau dọn nhà thờ. Chị có tài cắm hoa. Nên chị rất vui khi được các sơ nhờ phụ giúp. Công việc nhà Chúa cứ nhiều dần lên đến nỗi chị còn rất ít thời gian dành cho gia đình, cho chồng con. Vợ chồng xảy ra cãi nhau; con cái lơ là việc học. Và hậu quả là vợ chồng ly thân, một đứa con sống với bố, hai đứa sống với mẹ. Đó là cách thức của thần dữ dùng để dẫn dụ người ta. Cho nên, người làm chọn lựa cần có kinh nghiệm về An ủi và Sầu khổ; kinh nghiệm về việc phân biệt thần loại. Hay nói cách khác, người đó cần trở nên thân quen với dấu vết của Chúa trong đời mình.
Ở mức độ ít chắc chắn hơn này, người làm chọn lựa vẫn phân định ý Chúa cách rõ ràng, nếu có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Dù không tác động trực tiếp trong nội tâm, Thiên Chúa vẫn tác động nơi cảm xúc con người. Nhờ nhận ra những tác động thuộc về cảm xúc, con người nhận ra được ý Thiên Chúa. Có thể nói, mức độ chắc chắn của việc chọn lựa tùy thuộc vào sự nhạy bén tác động của Chúa trên đời mình.
Thứ ba, chọn lựa thiên về lý trí. Thánh I-nhã gọi cách chọn này là “thì yên tĩnh”. Yên tĩnh là không để cảm xúc nào chi phối, “là khi linh hồn không bị xáo động bởi các thần loại khác nhau” (Linh Thao, 177). Điều kiện cần để làm chọn lựa là tâm hồn bình an, không bị xáo động. Như thế, ở mức độ này, người làm chọn lựa cần phải làm chủ cảm xúc của mình. Không dựa vào cảm xúc để chọn lựa. Hay nói cách khác, chọn lựa được thực hiện trong thái độ bình tâm (indifferent) theo lối hiểu của I-nhã. Đó là người chọn dùng lý trí để suy xét, nhận thức về cùng đích của mình: Con người được sinh ra để làm gì? Đó là để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Chúa nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Bình tâm được hiểu là đặt đúng tâm thế. Suy xét với tâm thế mà chúng ta đã nói lúc đầu, người làm chọn lựa chọn những điều khác như đi tu hay lấy chồng như là phương tiện phục vụ cho cùng đích đời mình. Vì vậy, cần đặt ra câu hỏi là: Chọn lựa của tôi có làm cho tôi gần với Chúa hơn không?
Ở đây, nhân bản được nhìn nhận tích cực. Linh đạo I-nhã nhận thấy lý trí con người có giá trị. Dù Nguyên Tội làm cho sai lạc, lý trí vẫn có khả năng tham gia vào việc tìm kiếm chân lý giữa cùng đích và phương tiện của đời con người. Vì ít sự chắc chắn hơn, ở thì chọn lựa này, các chọn lựa cần phải được kiểm nghiệm theo tiến trình ngược lại đi từ thì thứ ba đến thì thứ hai và thứ nhất. Đó là dùng lý trí để suy xét về cùng đích; rồi phải cảm nhận sự nghiêng chiều về việc làm vinh danh, ca ngợi Chúa, cứu rỗi linh hồn mình; và xin ơn Chúa đánh động vào ý muốn vào linh hồn (x. Linh Thao, 179-180). Đó như là một sự xác chuẩn của Chúa cho việc chọn lựa ở cấp độ này. Sau khi chọn lựa, người làm việc lựa chọn dâng chọn lựa của mình lên Chúa, xin sự xác chuẩn của Ngài (x. Linh Thao, 183).
Người đồng hành thiêng liêng
Trong phần nhận định vấn đề đã nói đến rằng: không ai có thể chỉ ra cho người khác biết đây là ý Chúa và kia không phải là ý Chúa. Tuy nhiên, có một người đồng hành thiêng liêng giúp trong việc phân định ý Chúa là điều cần thiết. Người đồng hành thiêng liêng được hiểu là người thông thạo về đường thiêng liêng, nhạy bén với sự tác động của Chúa, và đã trở nên thân quen với dấu chân của Chúa trong đời họ. Câu chuyện về ơn gọi của Samuel trong đền thờ là một ví dụ. Lúc Chúa gọi Samuel ban đêm, cậu không nhận ra tiếng Chúa. Cậu chạy đến hỏi thầy mình là Êli. Ông Êli là một tư tế lâu năm ở trong đền thờ. Lúc đó tuổi ông đã cao, mắt ông đã kém. Samuel nghe tiếng gọi cậu nhưng tưởng thầy Êli gọi mình. Sau lần thứ ba, ông Êli cho Samuel biết rằng Chúa gọi cậu, và nói với Samuel thân thưa lại với Chúa. Chúa gọi Samuel trực tiếp. Nhưng Samuel lúc đó còn nhỏ, cậu không nhận ra đó là tiếng Chúa. Nhưng nhờ ông Êli, cậu Samuel mới nhận ra tiếng Chúa gọi mình, và nghe được Chúa nói chuyện trực tiếp với mình (x. 1 Samuel 3). Như vậy, có một người đồng hành giúp phân định ý Chúa là điều cần thiết. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, linh đạo I-nhã nhìn thấy Thiên Chúa hoạt động tác động trực tiếp với mỗi người. Nên thánh I-nhã xem người đồng hành thiêng liêng đóng vai trò như người phụ trợ (Linh Thao, 2), hay vai trò đứng giữa như “cái cân, để cho Đấng Tạo Hóa trực tiếp hành động với thọ tạo, và thọ tạo với Đấng Tạo Hóa là Chúa mình” (Linh thao, 15).
Kết Luận
Linh đạo I-nhã tập trung vào tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa là Đấng chủ động, đi bước trước tỏ lộ ý định tốt lành của Ngài cho con người. Nhờ nhận ra ý định tốt lành đó, con người đáp lại tiếng mời gọi của Chúa, đạt đến cùng đích của cuộc đời mình. Với viễn tượng đó, linh đạo I-nhã đóng góp một cách thức giúp con người chuẩn bị “đất”, mở rộng không gian, tạo nên khoảng trống, để Thiên Chúa đi vào lòng con người và cũng để chính con người đi vào thao thức chờ mong của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
[1] David L. Fleming, SJ., What Is Ignatian Spirituality? (Chicago: Loyola Press, 2008), tr. 3.
[2] X. David L. Fleming, SJ., tr. 93.
[3] X. Francisco López Rivera, S.J. Obedience And Discernment, Center of Spirituality (Casa Loyola) Guadalajara, Mexico, No. 120, tr. 37.
[4] Đây là từ của tác giả Vĩnh Sơn dùng trong cuốn: Vĩnh Sơn, Khoa Sư Phạm I-nhã (An tôn & Đuốc Sáng – Tủ sách linh đạo I-nhã CIS, 2004), tr. 38.
[5] X. Vĩnh Sơn, Khoa Sư Phạm I-nhã (An tôn & Đuốc Sáng – Tủ sách linh đạo I-nhã CIS, 2004), tr. 38 – 39.
[6] Lê Quang Chủng, Ngu Dại Và Điên Rồ Vì Đức Ki-tô (Thủ Đức: Nhà Tập Thánh Tâm, 2006), tr. 200.
[7] Lê Quang Chủng, Linh Thao bản văn A (Thủ Đức: Nhà Tập Thánh Tâm, 2013), tr. 180.
[8] X. David L. Fleming, SJ., tr. 91.