Friedrich Nietzsche (1844-1900)
Hình từ internet

Môn học: Triết tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học Viên: Phan Văn Quỳnh, S.J.

Nếu đề cập đến lập trường tôn giáo trong tư tưởng của triết gia Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900), người ta hầu chắc nghĩ đến một lối nhìn hết sức khắt khe cũng như những chỉ trích nặng nề ông dành cho các tôn giáo đương thời, đặc biệt đối với Kitô giáo. Lối phản ứng gay gắt của Nietzsche trước niềm tin tôn giáo cách nào đó phản ánh kinh nghiệm không tốt của ông về các tôn giáo cũng như lối thực hành niềm tin của các tín đồ trong các tôn giáo ấy. Nhưng cụ thể kinh nghiệm và lập trường về tôn giáo của Nietzsche như thế nào? Tính hợp lý của lập trường này ra sao? Trong bài viết, người viết sẽ nỗ lực tìm hiểu những vấn đề đó.

Dẫn nhập

Nếu đề cập đến lập trường tôn giáo trong tư tưởng của triết gia Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900), người ta hầu chắc nghĩ đến một lối nhìn hết sức khắt khe cũng như những chỉ trích nặng nề ông dành cho các tôn giáo đương thời, đặc biệt đối với Kitô giáo. Lối phản ứng gay gắt của Nietzsche trước niềm tin tôn giáo cách nào đó phản ánh kinh nghiệm không tốt của ông về các tôn giáo cũng như lối thực hành niềm tin của các tín đồ trong các tôn giáo ấy. Và có lẽ kinh nghiệm này chính là nguồn gốc phát sinh lập trường về tôn giáo của ông.

Nhưng cụ thể kinh nghiệm và lập trường về tôn giáo của Nietzsche như thế nào? Tính hợp lý của lập trường này ra sao? Đây là những vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều triết gia đương đại. Với cùng một ý muốn khám phá những điều này, trong bài viết, người viết sẽ nỗ lực tìm hiểu những vấn đề đó. Và để đạt được mục tiêu đề ra, người viết sẽ khởi sự với việc tìm hiểu kinh nghiệm về tôn giáo của Nietzsche; sau đó tiến tới việc xem xét lập trường của ông về tôn giáo; cuối cùng, xin đưa ra vài nhận xét cá nhân.

I.          KINH NGHIỆM VỀ TÔN GIÁO CỦA NIETZSCHE

Kinh nghiệm về tôn giáo của Nietzsche được đề cập ở đây không phải là kinh nghiệm cá vị của ông về một thực tại thánh thiêng trong bối cảnh tôn giáo, bao gồm những cảm nghiệm, những thị kiến tôn giáo, những kinh nghiệm thần bí, cũng không phải là kinh nghiệm của cá nhân ông trong những thực hành tôn giáo như cầu nguyện, thờ phượng, cử hành phụng vụ như các định nghĩa về kinh nghiệm tôn giáo của Chad Meister trong tác phẩm Introducing Philosophy of Religion[1], nhưng là điều ông thấy từ chính lối thực hành niềm tin của các tôn giáo, điển hình là Kitô giáo. Ở đây, bài viết sẽ đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm của ông về tôn giáo và về Thượng Đế.

1.    Kinh nghiệm về tôn giáo

Như một người đã “giác ngộ”, đã đạt được hiểu biết sâu xa về những điều thuộc về đời sống nhân loại[2], từ trên cao đưa mắt nhìn xuống, Nietzsche thấy các tôn giáo như những thể chế gắn liền với ý đồ chính trị do các tầng lớp giáo sĩ lập vì những mục đích riêng của họ[3]; nó được sinh ra do nhu cầu tâm lý của con người[4]; đồng thời, nó làm lộ ra những yếu nhược của con người khi muốn trốn chạy thực tại cuộc đời.

Trước tiên, Nietzsche xem tôn giáo như những thể chế gắn liền với ý đồ chính trị do tầng lớp giáo sĩ lập ra. Trong tác phẩm Kẻ Phản Kitô, Nietzsche cho rằng những khái niệm về Thượng Đế, về luân lý là do giới giáo sĩ làm ra cách dối trá để tạo nên những kẻ ngoan ngoãn, khốn khổ luôn tuân phục quyền bính của mình. Họ đồng hóa vâng phục giáo sĩ với vâng phục Ý của Thượng Đế. Từ đó, các tín hữu hiểu Thượng Đế sẽ tha thứ cho những kẻ phục tùng giáo sĩ.[5] Cũng từ đó, tôn giáo hay ý niệm Thượng Đế đè nặng trên con người, biến họ thành những tù nhân đang cần được cứu thoát. Nietzsche nói: “ta thấy họ chỉ là những tù nhân in hằn ấn tích của những kẻ bị hình phạt đời đời. Kẻ họ gọi là Đấng Cứu rỗi đã trói buộc họ vào những xiềng xích.”[6] Kết quả là họ đã “biến một con chó sói thành một con chó nhà và biến con người thành loài gia súc tuyệt hảo nhất cho con người.”[7] Bằng cách này, các tín đồ của các tôn giáo trở nên nô lệ cho những tín điều tôn giáo, cho một Thượng Đế thưởng phạt, và ẩn sâu đó họ làm nô lệ cho hệ thống quyền lực trong một thể chế tôn giáo.

Thứ đến, Nietzsche cho rằng tôn giáo được sinh ra do nhu cầu tâm lý của con người. Trước những bấp bênh, những đau khổ và bất toàn trong đời sống, người ta thường ở trong tâm lý sợ hãi, ham sống sợ chết và họ có xu hướng tìm đến một điểm tựa vững chắc, một chốn nương thân trường cửu. Giả như một người sống trong một đất nước luôn có chiến tranh, xung đột, mất mát, họ dễ dàng có khuynh hướng ao ước sống ở nơi ổn định, hòa bình. Cũng thế, đứng trước bệnh tật hay sự yếu nhược của thể xác, người ta cần đến một Đấng chữa lành. Và đứng trước khoảng không vô định của cái chết, một thế giới bên kia mờ ảo và bấp bênh sẽ xuất hiện trong tâm trí làm họ thấy cần nương tựa vào một Đấng đầy quyền uy có thể ban cho họ cuộc sống trường tồn. Nói chung, chính tâm lý, chính cảm giác của con người đã tạo nên tất cả những vị Thượng Đế thần linh cùng cả những cõi-bên kia.[8]

Cuối cùng, tôn giáo thể hiện sự yếu nhược, khiếp đảm của con người trước thực tại cuộc sống. Hai yếu tố sinh ra tôn giáo nói trên cách nào đó diễn tả sự yếu nhược của những kẻ tin. Thay vì đối diện với những cảnh huống khó khăn, đau khổ và nỗ lực vươn lên bằng ý chí hùng cường để sống hết mình với giây phút hiện tại và sáng tạo thế giới, người ta lại trở nên nhu nhược, yếu đuối và đi tìm cho mình một niềm tin nơi một tôn giáo, một Thượng Đế như nơi ẩn núp an toàn để trốn chạy thực tại. Thay vì trung thành với mặt đất, họ lại hướng đến những sự viển vông của một cõi-bên-kia. Nietzsche coi những kẻ này là những kẻ yếu đuối bệnh tật của nhân loại. “Chính những người bệnh cùng những kẻ hấp hối đã khinh bỉ thân xác và mặt đất, đã tạo ra những sự vật thiên đình.” [9] Như vậy, có thể nói khi tôn giáo nảy sinh do giới hạn của con người, nó chính là sản phẩm tồi tệ do con người nghĩ ra làm yếu nhược ý chí vươn lên trong cuộc sống.

2.    Kinh nghiệm về “Thượng Đế”

Tư tưởng của Nietzsche về Thượng Đế gắn liền với tuyên bố táo bạo mang tính cách mạng của ông: “Thượng Đế đã chết.” Trong các tôn giáo, đặc biệt nơi Kitô giáo, người ta hiểu Thượng Đế là một thế lực siêu việt, khách quan đối với con người. Những đặc tính của Ngài bao gồm tự hữu, vĩnh cửu,…[10] Nếu xét Thượng Đế theo cách hiểu của các tôn giáo thì Ngài không thể chết. Như vậy, khi nói “Thượng Đế đã chết,” Nietzsche đang muốn nói đến một Thượng Đế khác với Thượng Đế thực của các tôn giáo. Vậy Thượng Đế Nietzsche đang nói đến là ai? Ngài sinh ra từ đâu? Ngài có đặc điểm gì? Đây là những vấn đề cần được tìm hiểu.

Trước hết, lần theo tư tưởng của Nietzsche, có thể xác định vị Thượng Đế này là Thượng Đế được hiểu chỉ theo nghĩa nội tại của con người.[11] Chính Nietzsche – qua nhân vật Zarathustra – đã nói: “Than ôi! hỡi các anh em, vị Thượng Đế mà ta đã sáng tạo ra là công trình của con người và là sự điên cuồng của con người, tương tự như tất cả những đấng Thượng Đế thần linh khác”[12] Và nếu là sản phẩm của con người, vị Thượng Đế ấy không thuộc về một thế giới siêu việt, nhưng chỉ là hình ma bóng quế, xuất sinh từ mớ tro lạnh và từ lò than hồng của chính ta. Thực ra vị Thượng Đế ấy không đến với ta từ cõi-bên-kia.[13] Nói chung, vị Thượng Đế này không tự hữu, không là vị Thượng Đế khách quan[14], nhưng thuần túy là sản phẩm của sự phóng chiếu của con người.

Vị Thượng Đế này có lúc như một vị nhân chứng luôn can thiệp vào đời sống và những quyết định của con người, có lúc ông lại như một chủ nợ. Vị Thượng Đế là kẻ tò mò trong số những kẻ tò mò, là kẻ vô ý từ trong những kẻ vô ý tứ. Vị Thượng Đế với tình thương vô liêm sỉ đã luồn lách vào trong những chỗ sâu kín nhơ nhớp uế tạp nhất của con người.[15] Quả vậy, với mặc cảm tội lỗi các giáo sĩ tạo ra và đặt trên vai các tín đồ[16], ở bất kì nơi đâu, người ta cũng có thể cảm thấy sợ hãi ánh nhìn của vị Thượng Đế khi họ nghĩ mình đã phạm tội. Kẻ ngoại tình nhìn thấy Thượng Đế nơi hành vi ngoại tình; kẻ không tuân giữ Lề Luật sợ hãi Thượng Đế nơi sự bất tuân. Ngoài ra, họ còn thấy cần đến sự tha thứ của Thượng Đế. Từ đây, họ mắc nợ Ngài. Cũng như một kẻ đã chết mà được cứu sống, cuộc đời kẻ ấy xem ra hoàn toàn thuộc về người ra tay cứu giúp, con người cũng thuộc về Thượng Đế theo cùng một thể thức. Nói chung, ánh nhìn và lòng thương xót của vị Thượng Đế đè nặng trên con người, biến họ thành kẻ nô lệ của Ngài.

Tóm lại, với những quan sát, những kinh nghiệm của mình ngang qua đời sống và lối thực hành niềm tin của các tín hữu thời đại mình, Nietzsche khám phá ra những thể chế tôn giáo và vị Thượng Đế của họ. Nơi đó con người bị kéo ghì xuống, bị biến thành những kẻ ù lì, yếu nhược, không còn sức vươn lên một đời sống tự do và sáng tạo.

II.          LẬP TRƯỜNG CỦA NIETZSCHE VỀ TÔN GIÁO

Từ kinh nghiệm dẫn đến một lập trường. Với chủ chương xóa bỏ “bức màn” u tối của niềm tin tôn giáo đang phủ lấp nhân loại, Nietzsche đã tuyên bố lời táo bạo mang tính cách mạng “Thượng Đế đã chết” để chống lại niềm tin tôn giáo. Thượng Đế ấy, tôn giáo ấy phải chết để khỏi cản trở bước tiến của con người; để Siêu Nhân[17] xuất hiện và đổi mới mặt địa cầu; và đạo lý về sự quy hồi vĩnh cửu trở thành niềm hy vọng của họ – thế chỗ cho cõi-bên-kia.

1.      Thượng Đế ấy, tôn giáo ấy phải chết

Nietzsche đặt trên môi miệng Zarathustra lời nói xuất phát từ con tim của chính ông: “Tôi yêu loài người!”[18] Nietzsche đau lòng khi thấy đám đông đắm chìm trong chủ nghĩa hư vô[19] mà không hay biết, họ buông mình trong giấc ngủ triền miên, không tiếc gì thân xác nhưng ngóng chờ những ảo vọng xa xăm.[20] Mặc cho bị xem như một kẻ điên cuồng, Nietzsche gào thét khắp chốn kêu gọi con người thức tỉnh và trung thành với mặt đất. Nhưng những gì ông nhận được là sự khinh khi, cười nhạo, chế giễu.[21] Loài người vẫn như bị bức màn u tối che mắt, bịt tai. Phải xé tan bức màn ấy. Tôn giáo phải tiêu vong, Thượng Đế phải chết, như thế, loài người mới mong được giải thoát.

Tôn giáo ấy còn sống, Thượng Đế ấy còn sống, bức màn vẫn che phủ, con người chẳng thể tự vững trên đôi chân mình, chẳng thể làm được gì cho trái đất. “Ta còn sáng tạo được gì nếu như thần linh còn hiện hữu.”[22] Quả thế, dựa dẫm vào thần linh và hướng lòng đến cõi-bên-kia, người ta sống như chẳng còn sức sống: Sống chờ đợi, sống chờ chết như những kẻ nô lệ vô định trong đời. Việc một tín hữu trở nên thụ động vì niềm tin của mình có thể đem ví với hình ảnh một em bé ngây thơ quyết định dừng lại, chẳng còn động não, chẳng còn nỗ lực giải bài toán của mình vì nó tin rằng ngày mai cô giáo sẽ chữa bài, rồi tất cả đều nhận được một đáp án, ai cũng như ai, không gì khác biệt. Nơi những kẻ “đờ đẫn” trong niềm tin tôn giáo, chẳng thể nào phát sinh những con người sáng tạo. Do đó, có thể nói Thượng Đế, tôn giáo vì là mối nguy hại cho sự tự chủ và sáng tạo của con người nên phải bị diệt trừ.

Như vậy, trong hoàn cảnh này, người ta có thể hiểu được vì sao Nietzsche tuyên bố “Thượng Đế đã chêt”, và cũng có thể hiểu được vì sao Nietzsche thấy sứ mạng của mình là giải thoát con người khỏi những loại niềm tin tôn giáo đang kéo ghì họ xuống. Và đối với Nietzshe, chỉ khi Siêu Nhân xuất hiện, con người mới được giải phóng. Nhưng Siêu Nhân chỉ có thể xuất hiện khi niềm tin ấy, Thượng Đế ấy “đã yên nghỉ trong mồ.”[23]

2.    Để Siêu Nhân xuất hiện

Thượng Đế chết rồi, tôn giáo đã tiêu vong. Không còn nơi nào cho con người ẩn núp, trốn chạy nữa. Chỉ còn một con đường duy nhất là họ phải tự lực vươn lên tối thượng của mình nơi mặt đất này. Đây là điều kiện tuyệt vời để Siêu Nhân xuất hiện. Siêu Nhân sẽ xuất hiện với một ý chí cường lực, để kêu gọi người ta tuyệt đối trung thành với mặt đất, và để rao giảng về đạo lý quy hồi vĩnh cửu.

Siêu Nhân xuất hiện với một ý chí cường lực như một người đã được giải phóng khỏi mọi xiềng xích của mọi thế lực hư vô, từ đó, trở nên tự do và tự chủ. Nơi Siêu Nhân, tồn tại một “ý chí sống còn, miên man bất tuyệt và sáng tạo.”[24] Ý chí ấy dẫn đến một lối sống tự chủ, độc đáo, can đảm, thẳng thắn, độc tài và luôn khao khát mãnh liệt.[25] Ý chí ấy cũng là một “ý chí muốn làm chủ nhân” của chính mình và tự nó hướng đến những điều cao nhã hơn, xa vời hơn.[26] Như thế, với ý chí cường lực, Siêu Nhân đã vượt qua con người bình thường, tiến tới tối thượng của con người bằng một sức mạnh nội tại phi thường.

Với sức mạnh nội tại của ý chí cường lực của một người đã vượt qua lối sống bình thường, vươn tới “giác ngộ”, Siêu Nhân trở lại kêu gọi con người sống giây phút hiện tại bằng cách trung thành với mặt đất. Nietzsche đòi hỏi Siêu Nhân phải chăm chút, yêu mến và trung thành với mặt đất này.[27] Qua những bài nhiều thuyết giảng của Zarathustra, Nietzsche cho thấy một Siêu Nhân đang thực hiện sứ mạng thức tỉnh và dẫn đưa loài người thoát khỏi cõi u mê tăm tối của một giấc ngủ triền miên. Không bám lấy những đức hạnh, lòng thương xót hay cõi-bên-kia của tôn giáo nữa. Giờ đây, Nietzsche muốn loài người găn bó với trái đất, cùng sáng tạo, cùng ban cho nó một ý nghĩa mới, bởi với Nietzsche, “Siêu Nhân là chiều hướng, là ý nghĩa của trái đất.”[28]

Một đạo lý khác gắn liền với những lời rao giảng của Siêu Nhân, đó là đạo lý về sự quy hồi vĩnh cửu. Đạo lý này được xem như một thể thống nhất với lời kêu gọi trung thành với mặt đất. Với đạo lý này, Nietzsche dạy rằng con người cũng như vạn vật sẽ vẫn tiếp tục với hằng hà sa số lần trở lại cùng mặt trời này, trái đất này,[29] và rao giảng về quy hồi vĩnh cửu là định mệnh gắn liền với Siêu Nhân. “Ngài là kẻ tiên tri rao giảng sự quy hồi vĩnh cửu vạn vật, – đấy, giờ đây, đấy chính là định mệnh của ngài!”[30]

Nói tóm lại, một khi đã vượt lên lối sống của người bình thường, Siêu Nhân trở lại giải thoát loài người khỏi bức màn tăm tối của một thế giới hư vô mà các tôn giáo đang thực hành. “Con Người” ấy sẽ dạy cho loài người biết can đảm ở lại với mặt đất để cùng kiến tạo và dựng xây, bởi lẽ với đạo lý về sự quy hồi vĩnh cửu, con người biết rằng họ sẽ còn trở lại và sẽ lại bắt đầu một cuộc nhân sinh mới nơi mặt đất này. Như thế, niềm hy vọng của con người phải gắn liền với mặt đất.

3.    Quy Hồi Vĩnh Cửu – mở ra một niềm hy vọng

Mọi ý niệm về Thượng Đế, Thiên Đàng, Niết Bàn… mà Nietzsche cho là thuộc về chủ nghĩa hư vô đã bị đánh tan, con người không còn tin vào một thế lực siêu nhiên hay một cõi-bên-kia nào đó. Con người sẽ gắn liền với mặt đất và sống trọn giây phút hiện tại một cách sáng tạo và bi tráng. Tuy nhiên, họ vẫn có một nhu cầu không thể phủ nhận, đó là một niềm hy vọng sau cùng của một cuộc đời. Có lẽ trong hoàn cảnh này, quy hồi vĩnh cửu là lời giải đáp Nietzsche dành cho nhân loại.

Quy hồi vĩnh cửu là gì? Chẳng phải nó như một bánh xe luân hồi của vạn vật trong thế giới sao? Vạn vận lặp đi lặp lại những khởi đầu và những kết thúc trong dòng biến dịch. Vạn vật sẽ hiện hữu nơi mặt đất này vạn kiếp thiên thu. Đó là đạo lý của sự quy hồi vĩnh cửu. “Tất cả mọi sự đều đi đến, đều trở về, bánh xe hiện hữu quay tròn vĩnh viễn. Tất cả mọi sự đều chết đi, tất cả mọi sự đều trổ hoa trở lại, vòng hiện hữu tự quay đuổi theo chính mình vĩnh viễn đời đời.”[31] Chẳng trừ một ai, chẳng loại người nào, tất cả nằm trong vòng chuyển vận luân hồi. Từ người quý phái đến kẻ ti tiện hèn hạ, tất cả sẽ vĩnh viễn quay trở về.[32] Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở đây: kẻ đã rao giảng về quy hồi vĩnh cửu, sẽ lại một lần nữa rao giảng về đạo lý cao quý ấy – “Ta vĩnh viễn trở về cho cùng một đời sống này, nhất thể giống nhau, cả về lớn lẫn nhỏ, cốt để một lần nữa lên tiếng rao giảng về sự vĩnh viễn quy hồi của vạn vật.”[33] Còn kẻ ti tiện, ắt hẳn không thể rao giảng hay dẫn lối loài người giống như cách của người đạt tới tầm mức “giác ngộ” đã làm.

Nói chung, sự hiện hữu vĩnh cửu nơi mặt đất này có thể được xem như niềm hy vọng tối hậu Nietzsche đã gửi gắm cho loài người qua đạo lý quy hồi vĩnh cửu bí ẩn. Đạo lý này nâng đỡ con người để họ nỗ lực không ngừng sáng tạo thế giới.

Đến đây, có thể nói Nietzsche đã viên mãn trong lý thuyết của mình ước vọng phá tan đêm tối của những điều mù quáng thuộc về niềm tin tôn giáo. Thượng Đế đã chết. Tôn giáo không còn. Chỉ còn Siêu Nhân với ý chí cường lực vĩnh viễn ôm trọn trái đất, tiến tới không ngừng trong những cuộc sáng tạo mới.

III.          MỘT VÀI NHẬN XÉT

Có một thực tế thường gặp nơi những học thuyết của các triết gia, đó là tính hai mặt của vấn đề. Với một tư tưởng đưa ra để bàn luận một vấn đề nào đó, bên cạnh những điểm tích cực, thường tồn tại cả những điểm còn hạn chế. Người ta cũng tìm thấy điều này nơi lập trường về tôn giáo của Nietzsche. Lập trường này bao gồm cả những điểm hay cần ghi nhận, nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều điều cần được xét lại.

1.      Điểm tích cực

Về điểm tích cực, trước tiên phải nói đến lời thét gào của Nietzsche nhằm thức tỉnh nhân loại, đặc biệt những ai đang đắm chìm trong niềm tin tôn giáo cách mù quáng. Đối với Nietzsche, con người luôn phải vượt qua những ràng buộc của truyền thống để vươn lên sống một cuộc đời mạnh mẽ, đầy trách nhiệm và sáng tạo. Trong khi đó, ông thấy nền luân lý tôn giáo làm cho con người nại vào nhân đức, sự khiêm nhu, để rồi trở nên lép vế, nhu nhược, núp bóng. Giả như một người nông phu cứ nại vào cuộc sống đời sau và núp bóng Thượng Đế, kết quả là anh ta trở nên ù lì, khép nép và không còn biết vận dụng khả năng tiềm ẩn của mình để xây dựng cuộc sống thì quả thực trong trường hợp này, Thượng Đế và tôn giáo có thể được xem như một loại độc dược làm tê liệt thế giới, suy thoái nhân loại. Trong bối cảnh này, lời thét gào của Nietzsche thực giá trị biết bao!

Thứ đến, phải khen ngợi lòng can đảm, sự tinh tế và tình yêu của ông dành cho con người. Tuyên bố “Thượng Đế đã chết” là một tuyên bố táo bạo và sẽ gặp nhiều phản kháng. Ẩn sâu đó, tuyên bố này cũng cho thấy vấn đề nghiệm trọng trong việc thực hành đức tin cách mù quáng của con người thời đại mà những kẻ bình thường khó có thể nhận ra. Với con mắt tinh tế, Nietzsche nhận ra những vấn đề nghiêm trọng ấy đang kéo lùi nền văn minh nhân loại và ông đã can đảm lội ngược dòng đời để vạch trần những gì đang thao túng nhân loại. Càng gặp khó khăn, càng bị chống đối, càng bị nhạo báng bao nhiêu khi phơi bày những vấn đề của thời đại, tình yêu thương nhân loại nơi Nietzsche càng được tỏ lộ.

Nói tóm lại, những điều Nietzsche cống hiến cho nhân loại chắc chắn khuyến khích con người sống một cuộc đời cao thượng hơn, không lẩn trốn, không núp bóng, nhưng thẳng thắn, đối diện với thực tại cuộc sống, chủ động chiến đấu cách uy nghi và bi tráng. Như đã đề cập, bên cạnh những điểm tích cực, những điểm hạn chế nơi lý thuyết của Nietzsche cũng cần được xem xét.

2.    Điểm cần xem xét lại

Điểm đầu tiên cần xét lại trong việc phê bình tôn giáo của Nietzsche là quan niệm về Thượng Đế của ông. Ông dùng một vị Thượng Đế theo nghĩa nội tại, chủ quan của con người để phê bình tôn giáo. Vị Thượng Đế ông nói tới chỉ thuần túy được hình thành do quan niệm, do những thực hành tôn giáo của nhân loại, không phải vị Thượng Đế khách quan, tự hữu. Có thể nói khi dùng một Thượng Đế theo nghĩa nội tại của con người để phê bình tôn giáo, Nietzsche mới đụng chạm đến cái bề ngoài, cái biểu hiện của tôn giáo mà thôi. Thượng Đế khách quan, siêu nhiên mới là nguồn sống của tôn giáo. Tôn giáo thực chất được hình thành do cuộc gặp gỡ giữa Thượng Đế với con người, giữa thế giới siêu nhiên và sự đáp trả của nhân loại.[34] Như thế, khi chỉ nhắm tới Thượng Đế nội tại mà quên đi một Thượng Đế khách quan đối với con người để từ đó phủ nhận các tôn giáo, những phê bình của Nietzsche trong khía cạnh này xem ra chưa thỏa đáng.

Thứ hai, Nietzsche kết án người ta theo chủ nghĩa hư vô khi sống theo niềm tin tôn giáo của họ, nhưng cuối cùng, chính ông rớt xuống cái hố ông đã đào sẵn. Ông không lập luận để chứng minh, nhưng tự cho rằng những ý niệm về cõi bên kia, Thượng Đế, Niết Bàn, cứu rỗi, vĩnh phúc… tất cả thuộc về chủ nghĩa hư vô.[35] Có thể ông liệt những yếu tố này vào nhóm hư vô vì con người chẳng thể nắm bắt trực tiếp hay chứng minh thỏa đáng được sự tồn tại của chúng. Trong khi đó, nơi đạo lý “quy hồi vĩnh cửu”, Nietzsche cũng đưa ra một lý thuyết về luân hồi, về điều sẽ xảy ra cho vạn vật sau khi kết thúc một kiếp sống. Nietzsche đã không chứng minh cách rốt ráo nhưng tự nói về sự tồn tại hay giá trị của cái mà ông gọi là cuộc hiện hữu mới, khởi sự mới của con người. Đến đây, người ta cũng có thể nói những ý niệm mới của ông là hư vô. Như thế, về điểm này, Nietzsche tự mâu thuẫn với chính mình.

Cuối cùng, Nietzsche kêu gọi người ta phải gắn liền với mặt đất. Với ông, không có Thiên Đàng, không có Niết Bàn. Niềm hy vọng của con người gắn liền với mặt đất. Mặt đất là vĩnh cửu. Thế nhưng khoa học ngày nay cho thấy việc có sự sống trên mặt đất là kết quả của nhiều điều kiện vừa và đủ: Nhiệt độ nhận từ mặt trời vừa đủ – vừa đủ để không bị đốt cháy hoặc trở nên băng giá; khoảng cách từ trái đất đến các hành tinh xung quanh vừa đủ – vừa đủ để được an toàn khỏi những vụ va chạm lớn… Trong khi đó, khoa học cũng giả thiết một ngày nào đó mặt trời có thể không còn đốt cháy như hiện tại, trái đất trở nên giá băng, sự sống sẽ chẳng còn. Nếu thế, niềm hy vọng vĩnh cửu nơi mặt đất của Nietzsche bị phá sản.

Tóm lại, với những phê bình sắc bén của mình, Nietzsche đã đặt vấn đề với thế giới về thái độ sống của con người. Với cách đặt vấn đề này, nhân loại phải nhìn lại cách sống của chính mình. Người ta không thể sống bi quan, vô trách nhiệm với thế giới, nhưng đau đáu trong lòng khát vọng dựng xây. Đây là những điểm tích cực con người mọi thời cần ghi nhận. Nhưng ngược lại, thế giới cũng phải đặt vấn để với ông về phương thế ông dùng để phủ nhận các tôn giáo. Chỉ nhắm vào những thực hành bên ngoài của tôn giáo để xem tôn giáo như một thứ bùa chú mê hoặc con người, hay như một loại kẻ thù nguy hiểm của nền văn minh nhân loại thì điều này chưa thực sự thuyết phục.

Kết luận

Để đi đến kết luận, bài viết thừa nhận những giá trị lớn lao nơi lập trường về tôn giáo của Nietzche và tầm ảnh hưởng sâu sắc của lập trường ấy trên thái độ sống của nhân loại. Dẫu còn để lại nhiều điều chưa thỏa đáng, lập trường về tôn giáo của Nietzsche biểu lộ một thái độ trăn trở của triết gia đối với đời sống nhân loại. Lập trường ấy có thể được xem như cuộc đấu tranh chống lại những lối thực hành đưc tin mù quáng của con người mọi thời. Ở trong bóng tối của niềm tin mù quáng, con người không thể vươn lên sống một cuộc đời cao cả, uy nghiêm nhưng sống như những kẻ nô lệ, nhu nhược, yếu hèn. Chỉ khi màn đêm u tối được cất đi, nghĩa là khi “Thượng Đế” – loại Thượng Đế sinh ra từ những phóng chiếu của con người, loại Thượng Đế biến con người thành nô lệ – chết đi, thế giới mới được rạng ngời vinh hiển, và chỉ khi ấy, con người mới trở thành “Siêu Nhân” của chính mình. Họ sẽ là mẫu người độc lập, tự do để sáng tạo, để cống hiến, để dựng xây, để đổi mới mặt địa cầu.

[1] Chad Meister, Introducing Philosophy of Religion (New York: Routledge, 2009), 170.

[2] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, Trần Xuân Kiêm dịch (Hà Nội: NXB Văn Học, 2008), 27.

[3] Douglas Burnham, The Nietzsche Dictionary, (Bloomsbury), 277.

[4] Friedrich Nietzsche, The Will To Power, W.Kaufmann and R.J. Hollingdale dịch (New York: 1968), 85.

[5] Friedrich Nietzsche, Kẻ Phản Kitô, Hà Vũ Trọng dịch (TP Hồ Chí Minh: NXB Tri Thức, 2011), 77-81.

[6] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, 157.

[7] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, 283.

[8] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, 58.

Cõi-bên-kia hiểu theo nghĩa một cõi sau mang tính siêu nhiên, cũng có thể hiểu sau khi chết, người ta có thể tiếp tục một cuộc sống trường cửu nơi đây. Ví dụ: Thiên Đàng, Hỏa Ngục, Cõi Niết Bàn, …

[9] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, 60.

[10] John Hick, Philosophy Of Religion (Prentice-Hall: 1990), 5-8.

[11] Vị Thượng Đế hiểu theo nghĩa nội tại hay chủ quan của con người có nghĩa là sự tồn tại của vị Thượng Đế ấy tùy thuộc vào ý nghĩ, vào kinh nghiệm của con người. Vị Thượng Đế này tồn tại là vì con người nghĩ Ngài tồn tại. Ngài được sinh ra từ kinh nghiệm, do truyền thống nhân loại mà thôi.

[12] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, 58.

[13] Friedrich Nietzsche, Nazathustra Đã Nói Như Thế, 58.

[14] Vị Thượng Đế khách quan đối với con người cũng là vị Thượng Đế hiểu theo nghĩa ngoại tại của con người. Ngài tự hữu. Sự tồn tại của Ngài không hệ tại ý nghĩ hay kinh nghiệm của con người.

[15] Gilles Deleuze, Nietzsche Và Triết Học, Nguyễn Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2010), 214.

[16] Gilles Deleuze, Nietzsche Và Triết Học, 184-187.

[17] Siêu Nhân: Siêu Nhân trong tiếng Đức là “Übermensch.” Trong tiếng Anh có thể dịch là “Supermen” hay “Overhuman.” Siêu Nhân là một mẫu người lý tưởng Nietzsche muốn con người hướng tới. Mẫu người này phát triển không ngừng về thể lý, văn hóa và tinh thần. Sự phát triển của mẫu người này là vô tận. (Douglas Burnham, The Nietzsche Dictionary, (Bloomsbury), 248-249).

[18] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 27.

[19] Thực hành chủ nghĩa hư vô ở đây có nghĩa là thực hành những điều vô giá trị, hoặc bị phủ định sự tồn tại. (Gilles Deleuze, Nietzsche Và Triết Học, 211-212.) Nietzsche cho rằng khi thực hành niềm tin của mình, các tôn giáo đang chủ nghĩa hư vô. Những điều họ tin như Thượng Đế, Thiên Đàng, Niết Bàn, … là vô giá trị hoặc bị phủ định sự tồn tại.

[20] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 52-64.

[21] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 25-47.

[22] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 149.

[23] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế,466.

[24] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 195.

[25] Thần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh (Hà Nội: NXB Văn Học, 2005), 142.

[26] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 194-199.

[27] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 30.

[28] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 30.

[29] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 364-365.

[30] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 364.

[31] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 359-360.

[32] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 362.

[33] Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 365.

[34] John Hick, Philosophy Of Religion, 111.

[35] Friedrich Nietzsche, Kẻ Phản Kitô, 35-38.