Charles Robert Darwin (1809-1882)

Bài viết môn: Triết học Tôn Giáo

Học viên: Giuse Trần Ngọc Huynh S.J

Giáo sư: Giuse Vũ Uyên Thi S.J

Dẫn nhập

Từ khi Darwin cho xuất bản lần đầu tiên tác phẩm khoa học Về Nguồn Gốc Các Loài Qua Con Đường Chọn Lọc Tự Nhiên, Hay Sự Bảo Tồn Những Nòi Ưu Thế Trong Đấu Tranh Sinh Tồn (on the origin of species by means of natural selection, or the preservation of favoured races in the struggle for life), thường được gọi tắt là Nguồn Gốc Các Loài năm 1859, những cuộc tranh luận về sự tồn tại của Thiên Chúa lại được thổi bùng lên mạnh mẽ. Người ta đặt lại vấn đề về sự tồn tại Thiên Chúa và vai trò của Thiên Chúa trong việc hình thành và vận hành thế giới trên cơ sở giải thích của Darwin về nguồn gốc mọi loài. Có nhiều cách tiếp cận với vấn nạn này dưới nền học thuyết mới. Các nhà theo chủ nghĩa duy vật vui mừng vì có thêm chứng cớ xác tín quan điểm của mình vốn phủ định yếu tố tinh thần trong vũ trụ. Đối với họ, thuyết tiến hoá được hiểu như là sự từ khước và bác bỏ mọi khả thể mang lại một ý nghĩa “siêu việt” nào đó cho thế giới.[1] Bên cạnh đó, các nhà Duy Tâm tỏ ra e dè trước học thuyết mới. Nhưng cũng có các tư tưởng gia nhìn nhận một vị trí nhất định của Thiên Chúa trong thế giới tiến hoá của Darwin khi suy tư về cách thức mà Thiên Chúa tạo dựng.

Điều quan trọng và cốt yếu trong những tranh luận hết sức gay gắt giữa các nhà tư tưởng về vấn đề Thiên Chúa có lẽ là lối tiếp cận quan niệm sáng tạo trong thuyết tiến hoá. Bài tiểu luận hướng tới việc khảo sát các yếu tố khả dĩ để một Thiên Chúa tồn tại trong thuyết tiến hoá của Darwin, đồng thời thử tìm kiếm một vị trí hợp lý của Ngài trong học thuyết này.

Như vậy, vấn đề tồn tại của Thiên Chúa gắn liền với ý niệm về sáng tạo trong công trình khoa học của Darwin. Do đó, để khảo sát một Thiên Chúa trong thuyết tiến hoá, bài tiểu luận đưa ra lối nhìn tổng quan về thuyết tiến hoá, từng bước khảo sát các yếu tố chính của học thuyết này và tìm kiếm một câu trả lời hợp lý cho vấn đề Thiên Chúa tồn tại trong học thuyết, và sau cùng, người viết cố gắng tiếp cận ý niệm về sáng tạo cũng như thử tìm một chỗ đứng của Thiên Chúa trong thuyết tiến hoá của Darwin.

Về phạm vi khảo cứu, do học thuyết của Darwin được trình bày trong nhiều tác phẩm, riêng nguồn gốc các loài đã có đến sáu lần tái bản, cùng với giới hạn mọi bề của người viết, nên bài viết dùng Nguồn Gốc Các Loài xuất bản lần đầu năm 1859 như là tài liệu chính để tham chiếu vì tính “kinh điển” và chính thống theo như nhiều tác giả nhận định.

I. Tổng quan về thuyết tiến hoá

    1. Về Charles Darwin

Charles Robert Darwin sinh ngày 12.02.1809 tại thành phố Shrewsbury, nước Anh, trong một gia đình khá giả. Darwin là một gia tộc lớn và có một truyền thống phong phú về tinh thần triết học. Ông theo học ngành Y của trường đại học Edinburgh. Tuy vậy, ông cảm thấy nhàm chán với những giảng khoá về phẫu thuật và bệnh tật, do đó, sau một thời gian học, ông đã bỏ ngành y và đến học ở Christ’s College, Cambrige với chọn lựa mới là trở thành một linh mục Anh giáo. Năm 1831, khi tốt nghiệp trường Cambrige, ông đi tới tiếp cận lãnh vực địa chất học với giáo sư Adam Sedgwick. Cùng năm đó, một người bạn của ông là Henslow, nhà thực vật học, đã sắp xếp cho ông một chuyến đi với tư cách là nhà tự nhiên học trên chuyến tàu khảo sát –  HMS Beagle. Ông bắt đầu lên tàu vào ngày 17.09 năm đó. Chuyến tàu này có ý nghĩa quan trọng với ông, vì như phần dẫn nhập của cuốn sách Nguồn Gốc Các Loài, công trình về thuyết tiến hoá bắt đầu khởi sự từ chính chuyến đi này. Trong cuộc đời khoa học của mình, Darwin đã nghiên cứu và xuất bản nhiều tác phẩm về thực vật học và không ngừng nghiên cứu cùng liên tiếp tái bản cuốn sách quan trọng nhất Nguồn Gốc Các Loài vốn được xuất bản lần đầu năm 1859. Cho đến năm trước khi qua đời, ông còn cho xuất bản cuốn sách cuối cùng của mình là the Formation of Vegetable Mould, through the action of Worms. Ông qua đời vào ngày 19.04 năm 1882 và được an táng tại Westminster Abbey. [2]

  1. Sự hình thành Nguồn Gốc Các Loài và ảnh hưởng của tác phẩm này

Ngay trong phần dẫn nhập tác phẩm, Darwin nói về xuất phát điểm Nguồn Gốc Các Loài, đó là sự quan sát theo lối nhìn tự nhiên của nhà tự nhiên học đến mối quan hệ về mặt địa lý giữa những cư dân quá khứ và hiện nay ở lục địa Nam Mỹ.[3] Từ điểm khởi ấy, ông đã nghiền ngẫm, chiêm ngắm thế giới và đặt mình vào toàn bộ vũ trụ với các loài vật và thao thức khám phá về nguồn gốc của tất cả, từ những loài được coi là có sự sống như vi khuẩn. Thật vậy, những hiện tượng sinh trưởng và phát triển của các loài thực tế quan sát được đã khơi nguồn cảm hứng cho ông. Từ xuất phát điểm ấy, ông đã dành một thời gian lâu dài nghiên cứu, tổng hợp, thực nghiệm và đi tới hoàn thành tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài năm 1859. Học thuyết tiến hoá ra đời từ đây. Tuy nhiên, có thể nói, Nguồn Gốc Các Loài đã là một trăn trở của nhiều thế hệ các nhà khoa học và các nhà tư tưởng.

Về phương diện sinh học, có thể nói học thuyết về tiến hoá các loài là một sự kế thừa và phát triển từ những nỗ lực rất lớn của các khoa học gia đi trước, như chính Darwin đã đề cập nhiều đến trong tác phẩm của mình. Các nhân vật nổi tiếng có thể kể đến như: nhà tự nhiên học người Pháp Lamarck với học thuyết nổi tiếng về sinh vật học mang tên mình, cùng tác phẩm The philosophy of Zoology (1809); có khoa học gia Robert Chambers với tác phẩm Vestige (1844); nhà tự nhiên học hữu thần Philip Henry Gosse với tác phẩm Omphalos (1857)… Tất cả đều đề cập đến sự tiến hóa của sinh vật, tuy nhiên không ai trong số họ đưa ra được bằng chứng khả dĩ xét về mặt khoa học.[4] Tư tưởng của ông đã thực sự là một thách thức đối với các ý niệm truyền thống về các loài sinh vật được sáng tạo riêng biệt và hiện hữu bất di bất dịch.

Francisco J. Ayala nhận định, nếu cuộc cách mạng của Copernic trình bày sự phát triển chính yếu đầu tiên trong lịch sử khoa học, thì cuộc cách mạng của Darwin là thứ hai và cuối cùng. Được so sánh với những nhà khoa học vĩ đại trong quá khứ, Darwin còn được coi là người đã mang thế giới vào cuộc sống, với tất cả sự đa dạng và thành quả rực rỡ đối với địa hạt khoa học. Tuy nhiên, tác giả cũng đề cao học thuyết tiến hóa của Darwin như là một cuộc cách mạng để phá bỏ đi sự tất yếu vốn cậy dựa đầy ngượng nghịu vào một Đấng thiết kế vốn cứ can thiệp đi can thiệp lại vào thế giới tự nhiên với những bản thiết kế thường bất toàn và thời cuộc.[5] Tác giả Ruse dẫn lời của Richard Dawkins cho rằng, “sau (và chỉ sau) nguồn gốc các loài thì có lẽ các nhà vô thần thỏa mãn được hiểu biết của mình.”[6]

Tóm lại, sự ra đời của thuyết tiến hóa tác động mạnh mẽ không chỉ đối với giới khoa học, nhưng cũng gợi lên mạnh mẽ hơn cuộc tranh luận về Thiên Chúa, vốn đã tồn tại trước đó cả mấy ngàn năm, và kéo dài đến hiện tại. Có thể khái quát vấn đề cốt lõi trong những tranh luận ấy chính là lối nhìn và lập trường về sáng tạo, sự tồn tại của thế giới này. Chủ đề ấy liên hệ trực tiếp đến vấn đề Thiên Chúa khả dĩ hiện diện trong thuyết tiến hoá hay không.

  1. Khái lược thuyết tiến hóa trong Nguồn Gốc Các Loài

Trong các tác phẩm của mình, đặc biệt trong Nguồn Gốc Các Loài, Darwin đề xuất một thuyết tiến hoá dựa trên nguyên lý chọn lọc tự nhiên. Nguyên lý chọn lọc tự nhiên là việc bảo tồn những biến dị có lợi và loại trừ những biến dị có hại trong quá trình duy trì nòi giống.[7] Darwin còn cho rằng, chọn lọc và đấu tranh sinh tồn là xu hướng tất yếu do các loài không ngừng tăng lên[8]; các cá thể thuận lợi sẽ được bảo tồn, phát triển và di truyền. Ngay trong tựa đề đầy đủ của tác phẩm, ông trình bày quan điểm nghiên cứu về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên hay sự bảo tồn những nòi ưu thế trong đấu tranh sinh tồn. Với mười bốn chương trong cuốn Nguồn Gốc Các Loài, Darwin đã trình bày quá trình hình thành loài mới và sự phát triển của các loài trong một tiến trình chậm và từng bước. Tiến hóa, như Darwin và Wallace đã hiểu – cũng như chúng ta hiểu ngày nay – bao gồm ba bước chính yếu: thích nghi – sự hình thành loài hay, tổng quát hơn, sự phân tách vào mỗi mức độ của hệ thống phân loại (từ dưới loài và loài đến vương quốc và lãnh thổ) – sự hủy diệt.[9]

Mặc dầu hướng tới việc giải thích lịch sử và sự đa dạng của cuộc sống trên trái đất dưới hạn từ Tiến hóa, nhưng học thuyết của ông có quá nhiều giải thích khác nhau. Thậm chí, nhiều nhà sinh học và triết học đẩy vấn đề đi xa hơn, có nhiều nhánh trong đó mà chính bản thân Darwin cũng không thể nhìn trước được.[10] Có người cho đó là tác phẩm đơn thuần sinh học, nhưng cũng có tác giả coi đó như một lối nhìn triết học về thế giới. Michael Ruse đã dành hẳn một chương trong cuốn sách của mình để chứng minh rằng, học thuyết của Darwin rất thích hợp với Triết học, nhưng đồng thời học thuyết này cũng là một lý thuyết khoa học. Dầu không phải là một học thuyết triết học, nhưng Nguồn Gốc Các Loài nói cho chúng ta nhiều về triết học.[11]

Nhưng không phủ nhận được rằng, sự ra đời của thuyết tiến hóa có đóng góp lớn đối với việc giải thích thế giới sinh học, nhưng học thuyết cũng đã tạo nên những tranh luận mạnh mẽ trong Triết học về vấn đề sáng tạo, xa hơn đó là sự tồn tại một Thiên Chúa trong cuộc tạo dựng.

II. Vấn đề Thiên Chúa tồn tại trong thuyết tiến hoá

Mặc dầu Darwin không đề cập “thuyết tiến hóa” ngay từ đầu trong chính tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài[12], nhưng khảo cứu của ông về sự hình thành các loài đã biến thuyết tiến hóa trở thành một giả thuyết có ảnh hưởng và thậm chí trở thành nền tảng cho lập luận phủ định và khẳng định về sự tồn tại của Thiên Chúa và cuộc sáng tạo.

  1. Cuộc cách mạng trong quan niệm về công trình sáng tạo của Thiên Chúa

Xuyên suốt tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài, Darwin phủ nhận mạnh mẽ một số khía cạnh trong học thuyết về sáng tạo, những người cho rằng các sinh vật vốn dĩ được tạo dựng cách độc lập và bất biến. Ngay từ phần đầu cho đến chương cuối cùng – phần kết luận của tác phẩm, ông luôn chứng minh khẳng định này:

Chúng ta vẫn còn biết ít về mối quan hệ qua lại của vô số cá thể trên thế giới trong suốt nhiều giai đoạn địa chất đã qua. Mặc dù còn nhiều điều mơ hồ và sẽ còn mơ hồ lâu dài nữa, nhưng tôi vẫn tán thành một cách chắc chắn là sau khi nghiên cứu thận trọng và phán xét vô tư những việc mà tôi có thể làm được, quan điểm, mà hầu hết các nhà tự nhiên học đều tán thành cũng như tôi trước đây đã tán thành – cho rằng các loài được sáng tạo ra một cách độc lập – là sai lầm[13]. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng các loài không phải là bất biến […].[14]

Khẳng định như một tiên đề này của ông không chỉ tác động đơn thuần trong lãnh vực sinh học hay địa chất, nhưng còn tác động mạnh vào hệ thống Triết Học về Tôn Giáo, về Khoa học, Vũ Trụ… Quả vậy, có thể khẳng định, có một sự đối chọi khá rõ giữa niềm tin truyền thống để giải thích thế giới và học thuyết chọn lọc tự nhiên. Ông chứng tỏ không hề có một sự sáng tạo hằng định nào qua những cứ liệu về việc các loài biến chủng khác nhau ở các vùng khác nhau vốn hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thuận lợi của yếu tố môi trường địa lý.[15]

Trong bối cảnh thế kỷ XIX, khi những tranh luận Triết học về Thiên Chúa đang diễn ra sôi nổi, thuyết tiến hóa ra đời nhanh chóng tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ ở các nhà tư tưởng. Có những trường phái dựa vào thuyết tiến hóa để hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của thế giới siêu hình. Một số nhà duy vật, tiêu biểu là Charles Dawkins, đã minh nhiên gạt bỏ khía cạnh về thiết kế, mục đích và giá trị trong thế giới, đồng thời ông phủ nhận hoàn toàn sự dữ, giá trị tốt – xấu; hơn thế, William Provine, nhà lịch sử khoa học, không chỉ phủ nhận những nguyên lý tuyệt đối, mà còn đưa tuyệt đối đi vào thế giới như một giới hạn vật chất.[16] Các nhà Triết học Kitô giáo nhìn nhận vấn đề theo một lối khác. Vẫn theo truyền thống, họ hướng lối nhìn của mình về thiên nhiên lên Thiên Chúa, sự vận hành vũ trụ dưới bàn tay của Người. Thực ra, trong suốt cuộc đời của mình, học thuyết của Darwin bị chống đối rất nhiều bởi những người theo tôn giáo.[17] Cuộc đối thoại với thuyết tiến hóa của ông với các nhà tư tưởng Kitô Giáo kéo dài mãi đến thế kỉ XX, khi thuyết tiến hóa được chấp nhận bởi các tác giả Công giáo.[18]

Học thuyết của Darwin đã phá bỏ quan niệm tồn tại trước đó về cách thức Thiên Chúa sáng tạo khi cho rằng: “tự nhiên không tạo ra bước nhảy vọt.”[19] Sự ra đời của thuyết tiến hóa cũng đặt những nhà tư tưởng Kitô Giáo phải tiếp cận vấn đề về Thiên Chúa theo cách mới. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về tư tưởng.

  1. Bàn về nguyên lý của thuyết tiến hoá: chọn lọc tự nhiên

Có thể nói, trọng tâm của thuyết tiến hóa chính là chọn lọc tự nhiên, như khẳng định của Darwin: “Chọn lọc tự nhiên là nguyên nhân chính nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất của sự biến đổi.”[20] Quả vậy, ông đã dành nhiều phần ở trong tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài để minh họa và giải thích về chọn lọc tự nhiên. Thậm chí, ông còn tiếp tục thực hiện nhiều khảo luận khác để miêu tả sự hoạt động của chọn lọc tự nhiên.[21] Tuy vậy, học thuyết này cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi cả trong giới khoa học lẫn triết học, dẫu cho nó cung cấp một lối giải thích thực tế về sự phát sinh của một số loài. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà sinh học đặt ra nghi vấn về nguyên nhân đằng sau tiến trình tiến hóa.[22]

Khi khảo sát diễn giải của Darwin trong Nguồn Gốc Các Loài, người ta dễ dàng đưa ra nhận định rằng, chọn lọc tự nhiên là nguyên lý để giải thích cho mọi sinh vật vốn đã tồn tại trên thế giới này rồi. Đồng thời, các nhà sinh vật học có thêm cơ sở để tìm ra liên kết giữa các loài. Nhưng liệu chọn lọc tự nhiên có giúp giải quyết tất cả những vấn nạn của con người về sáng tạo?

Với tác giả Ayala, ông nhìn chọn lọc tự nhiên tự thân không phải là một tiến trình sáng tạo bởi vì nó chẳng hề tạo ra những vật chất sống nào, những đột biến lại xảy ra một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nó trở thành một tiến trình sáng tạo, tạo ra những đột biến thuận lợi để phát sinh đa thế hệ đối với loài tổng thể, nhờ việc tích lũy những đột biến khác nhau thuận lợi đối với hệ thống loài qua nhiều niên kỷ.[23] Như thế, chọn lọc tự nhiên bản chất không phải là một quá trình chủ động dẫu cho nó là một cách để minh chứng cho sự đa dạng của các loài theo thời gian.

Tác giả Micheal Ruse đặt vấn đề “liệu chọn lọc tự nhiên có sức mạnh tuyệt đối?”, câu trả lời của ông là không. Với nhiều cứ liệu khoa học, lịch sử và sử dụng phép loại suy với các công trình nhân tạo, ông cho rằng quá trình tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên thực sự có tác động, nhưng không phải tuyệt đối chi phối tất cả. Bằng chứng là có những thích nghi thất bại của sự vật trong quá trình tiến hóa hay ít nhất là không tốt nhất như nó có thể. Thực ra, chọn lọc tự nhiên không bắt đầu với mọi thử nghiệm mới từ những thứ hỗn độn, nhưng với những gì đã tồn tại sẵn rồi. Ông muốn nhấn mạnh rằng, chọn lọc tự nhiên cũng chỉ là một nguyên nhân bình thường của sự thay đổi, chứ không phải tuyệt đối. [24] Nhưng dẫu sao, nó cũng là chìa khóa để hiểu thế giới loài.

Bàn về thuyết tiến hoá, Teilhard de Chardin cho rằng Darwin đã quá giản lược tiến hóa đơn thuần vào “sự sống sót”. Vấn đề không phải chỉ nói về việc sống sống nhờ thích nghi với môi trường, nhưng là “siêu sự sống” (super – living) trong việc biến đổi môi trường. Teilhard thừa nhận giả thuyết về cuộc đấu tranh sinh tồn một “ý nghĩa sống sót dai dẳng.” Tuy nhiên, với con người, một cách chính yếu hơn nó tồn tại một “sự phân cực cơ bản” được diễn tả chính xác trong một “sự say mê cuộc sống”. Theo lối nhìn của Chardin, Darwin đưa ra tầm quan trọng quá lớn đối với cuộc đấu tranh giữa các sinh vật, trong khi thực tế, những chiến thắng trong điều quan trọng vượt qua cuộc đấu tranh để sống còn lại là sự hội tụ sinh học.[25] Điểm khác biệt giữa tiến hoá thuyết của Darwin đối với Chardin chính là ở điểm này, khi Darwin đưa công cuộc tiến hoá đi về hướng phân cực, nghĩa là các sinh vật không ngừng mở rộng và đa dạng; còn Chardin nhìn nhận một sự hội tụ trong quá trình tiến hoá, ông cho rằng các sinh vật sẽ đi tới cực điểm của sự tốt đẹp trong cùng đích của nó.

Thực ra, trong chính tác phẩm “nguồn gốc các loài”, Darwin không ít lần gặp những vấn đề mà không thể có câu trả lời, ông thừa nhận sự phức tạp của tự nhiên, đồng thời nhìn nhận những giới hạn trong chính lý thuyết của mình, đặc biệt về vấn đề kiểm chứng thực nghiệm và mẫu nghiên cứu.[26]

Đến đây, ta có thể nhận định rằng, trên quan điểm của các nhà tư tưởng, thuyết tiến hóa phần nào giúp đưa ra câu trả lời cho vấn nạn sáng tạo. Nhưng nguyên lý chọn lọc tự nhiên, linh hồn của thuyết tiến hóa, cũng không thể bao trùm toàn bộ trên vạn vật. Có lẽ, chỉ nên coi chọn lọc tự nhiên như là một trong các tác động trong sự hình thành và phát triển của các loài mà thôi. Công cuộc sáng tạo cần một nguyên nhân thuyết phục hơn. Quả thế, đằng sau một tiến trình hình thành và phát triển của thế giới, hẳn phải có một nguyên lý mạnh hơn, một sức mạnh khả dĩ hơn để hình thành và vận hành, giúp đưa sự vật đến chỗ xa hơn theo mục đích của chính nó.

  1. Cần thiết hay không một Thiên Chúa trong công trình vũ trụ vốn đang hình thành

Về mặt ngôn từ có thể nói, Darwin không hề nhắc đến Đấng Tạo Hóa trong thuyết tiến hóa của mình. Trong khi theo truyền thống từ trước đó đến thời của ông, Thiên Chúa luôn đóng một vai trò như Đấng sáng tạo và can thiệp vào sự tuần tự của tiến trình phát triển các loài, giờ đây, ông khẳng định về nguồn gốc các loài trên nguyên lý chọn lọc tự nhiên, phủ định sự sáng tạo sự vật biệt lập và vĩnh hằng, thế nên nhiều người xác tín rằng, Darwin đã phủ định một sự hiện diện của Thiên Chúa trong quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, kết luận như thế có lẽ hơi vội vàng.

Trong phần kết luận của tác phẩm triết học bàn về tiến hoá, tác giả Niall Shanks cho rằng, sẽ chẳng có bất kỳ một lối giải thích nào hợp lý để có Thiên Chúa, vì các lối giải thích nại tới việc Thiên Chúa có mặt trong cuộc sáng tạo chẳng hề có bất cứ bằng chứng nào. Điều ông luôn nhắc đi nhắc lại là bằng chứng về Thiên Chúa. Ông còn cho rằng, các thành tựu khoa học hiện đại về khám phá ra hệ thống phân tử và hóa sinh giúp cho thuyết tiến hóa của Darwin có thể giải thích về mọi điều.[27] Tuy nhiên, như đã kết luận trong phần bàn về nguyên lý của thuyết tiến hoá, nếu chỉ nại tới chọn lọc tự nhiên thì cuộc tranh luận về Thiên Chúa có lẽ sẽ dẫn tới ngõ cụt vì thực sự những trợ giúp từ hệ thống hoá sinh và phân tử cũng hết sức giới hạn đối với một thực tại Thiên Chúa vô hạn (nếu có). Thêm vào đó, một Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ, con người lại đòi hỏi một sự nắm bắt bằng chứng khoa học khả dĩ trọn vẹn về Thiên Chúa quả là điều nghịch lý. Cho nên, nói như Kiekergaard, cố tìm cho được bằng chứng, hay đòi định nghĩa về một Thiên Chúa thì đã là phá bỏ một sự tồn tại của Thiên Chúa rồi.[28]

Với Nguồn Gốc Các Loài, Charles Darwin chỉ đơn thuần diễn tả về mặt sinh học quá trình tiến hóa các loài. Điều này phần nào có thể được đặt vào câu trả lời về tiến trình phát triển của sinh vật. Nhưng về lãnh vực triết học, câu hỏi tại sao và có ý nghĩa gì đằng sau một tiến trình lại là trọng tâm của vấn đề cần suy tư. Cho nên, có thể nói, không thể coi là mâu thuẫn giữa học thuyết của Darwin và khả thể về một Đấng Tạo Dựng. Vậy, liệu xét về phạm trù Triết học, có bất kỳ một ý niệm Thiên Chúa trong công trình tạo dựng hay không. Vấn đề có thể tiếp cận ở đây có lẽ là quá trình hình thành loài và cách mà một Thiên Chúa đã tạo dựng, vận hành và can thiệp vào sự hình thành loài mà thôi.

Ở phần cuối cuốn Nguồn Gốc Các Loài, Darwin đã từ chối minh nhiên bất kỳ tuyên bố nào về việc biết được sự sống khởi đầu như thế nào trên trái đất này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khẳng định học thuyết về chọn lọc từ nhiên đã được coi như để giải thích sự sống đã tiến hóa như thế nào sau khi nó đã được tạo thành, chứ không phải nói đã bắt đầu từ nguồn gốc sự sống như thế nào.[29] Điều này một lần nữa phủ định những ý kiến cho rằng, ông đương nhiên từ chối ý niệm Thiên Chúa sáng tạo trong tác phẩm của mình. Shanks còn chống lại sự tồn tại của Thiên Chúa khi cho rằng, những người nỗ lực chứng minh Thiên Chúa không thể trả lời cụ thể những câu hỏi về sự can thiệp của Đấng siêu việt tới đối tượng vật lý và không đưa ra được chi tiết về cuộc sáng tạo cũng như đặt câu hỏi về liệu có một hay là cả một hội đồng những Đấng tạo hóa.[30] Nhưng nếu chứng minh bằng phương pháp ngược lại, nghĩa là xem xét công trình với trật tự hợp lý, kể cả yếu tố ngẫu nhiên cũng diễn ra theo trật tự hoà hợp, liệu có chứng minh về Thiên Chúa?

Thuyết Intelligent Design (ID) đáp trả rằng, những sự thích nghi phức tạp không thể nào là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên hay bất cứ một tiến trình tự nhiên nào khác. Sự vươn lên của các loài đòi hỏi sự can thiệp của một Đấng thiết kế bên ngoài tự nhiên.[31] Hơn thế, chính Darwin nhiều lần đặt vấn đề về những khám phá của mình. Khi bàn về sự phức tạp và khéo léo của hệ tự nhiên, ông đã phải nhấn mạnh, “có một số tác giả khóa học cho đó là kế hoạch của Tạo Hóa, tôi chỉ đơn thuần bàn tới trí thức mà thôi.”[32] Tuy nhiên, khi khẳng định điều này, ID trình bày quan điểm có phần chủ quan. Sự thích nghi hoàn toàn có thể là một tiến trình sự nhiên hay chọn lọc tự nhiên. Vấn đề là nếu có Đấng Tạo Hóa, ngài sẽ can thiệp vào sự hình thành và phát triển vũ trụ, các sinh vật trong đó khi nào và thế nào mà thôi. Đẩy đi xa vấn đề hơn, cần phải đặt ý nghĩa và mục đích của một tiến trình hình thành và phát triển của các loài, vị trí của nó trong vũ trụ. Điều này cần thiết để tiếp cận vấn đề sự tồn tại Thiên Chúa trong công trình tạo dựng.

Hợp lý hơn, triết gia Taylor đề xuất thuyết Thiết Kế dự liệu trước (Anticipatory Design) phủ nhận một số điểm trong thuyết tiến hóa của Darwin, đúng hơn là chứng minh có sự hiện diện của Đấng sáng tạo nơi đó. Ông cho rằng, chọn lọc tự nhiên không thể giải thích được bằng chứng được sắp xếp trong tự nhiên vì điều phù hợp nhất không nhất thiết là điều tốt nhất; điều ngớ ngẩn nhất đôi khi lại sống sót; ngay cả những đột biến (mutations) cũng hàm ý thiết kế, vì để tạo ra công trình tiến hóa, những đột biến cần phải không phải diễn ra bừa bãi và vô tư nhưng theo những định hướng. Điều này ngụ ý có sự thiết kế. Thêm vào đó, quá trình đột biến không được nhỏ hay từ từ, nhưng là lớn và đột ngột, điều này cũng chỉ đến sự thiết kế. Một điểm nữa cũng cần kể đến đó là, ông chứng minh tư duy của con người không thể được giải thích bởi sự sống sót của quá trình phù hợp hay thích nghi đối với môi trường của nó, vì không có lý do nào cho những điều trình ấy sản sinh ra cái nhìn trước về con người. Đồng thời, trí não con người cũng không chỉ thích nghi với môi trường, nhưng là biến đổi nó. Với những lý do trên, nếu tâm trí không phải hoàn toàn là sản phẩm của tự nhiên, thì nó phải chủ động trong việc tác động đến tự nhiên.[33]  Teilhard de Chardin cũng đồng quan điểm khi cho rằng, thuyết tiến hóa của Darwin đặt trọng tâm vào sự duy trì các loài, trong khi sự tiến hóa con người kiểm soát sự biến đổi. Cho nên, tiến hóa còn “có xu hướng chuyển từ sinh vật bị động trở nên chủ động trong việc theo đuổi mục đích của nó.[34] Chính với ý tưởng của Taylor vừa nêu trên về giới hạn của chọn lọc tự nhiên, có thể nói, tự nhiên không thể vận hành tự thân, nhưng cần một sức mạnh và nguồn gốc đích thực. Điều này khả dĩ một Thiên Chúa cần thiết phải tồn tại.

Như vậy, vì các lỗ hổng của nguyên lý chọn lọc tự nhiên, đồng thời học thuyết mà Darwin đưa ra hoàn toàn mang tính cơ học, đơn thuần mô tả khả thể hình thành và phát triển loài khi đã có sự sống trước đó rồi nên một vị Thiên Chúa khơi mầm sự sống và có tác động trên lịch sử thế giới là cần thiết. Nhưng vì Thiên Chúa khả dĩ có tồn tại hay không, nó phụ thuộc nhiều vào quan niệm và lối nhìn về sáng tạo, nên để vấn nạn được sáng tỏ hơn, ta phải mở ra một lối tiếp cận vấn đề sáng tạo trong thuyết tiến hóa.

III. Tiếp cận ý niệm sáng tạo và tìm một chỗ đứng khả dĩ của Thiên Chúa trong thuyết tiến hoá

1. Tiếp cận khả dĩ vấn đề sáng tạo trong thuyết tiến hoá

Thoạt đầu, khi nhìn vào tác phẩm này, người ta ngỡ như chỉ tác động trong phạm vi một giả thuyết sinh học mà thôi. Song, đối với các nhà tư tưởng vấn đề không đơn giản như vậy, nếu hoàn toàn tin tưởng vào giả thuyết này, thế giới quan của nhiều người còn có một tác động lớn. Không chỉ đáp ứng những nỗi trăn trở của các nhà khoa học về sự hình thành và tiến triển của thế giới, học thuyết tiến hoá còn đặt ra một loạt những lập luận mà nhiều người dùng để giải thích nhằm chống lại sự tồn hữu của một thế lực siêu nhiên, của Đấng Sáng Tạo mà trước đó nhiều người tin tưởng. Có lẽ, nhiều người chống đối thường dựa vào những chương đầu của sách Sáng Thế để phản biện.

Tiếp cận học thuyết tiến hóa của Darwin với lối hiểu Sách Sáng Thế hoàn toàn theo khía cạnh vật chất, theo nghĩa đen và trả lời câu hỏi diễn ra như thế nào, thì chắc chắn đưa đến một ngõ cụt. Nếu cho thuyết tiến hóa là hợp lý thì chắc chắn không hề có chỗ cho sách Sáng Thế Ký, đúng như Darwin phủ định trong tác phẩm của mình. [35] Và như thế, không thể khả dĩ tồn tại một Thiên Chúa trong sự vận hành của vũ trụ được. Cần nêu lên rằng, dưới nhãn quan của Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi sự, từ sự hỗn mang. Ngài không chỉ là Đấng thiết kế những gì đã có sẵn. Ngài luôn củng cố và làm mới lại công trình tạo dựng của Ngài. Ngài ở khắp mọi nơi, nhưng không đồng hóa với thụ tạo.[36] Điều này Darwin không hề đề cập tới hay phủ nhận bất cứ điều gì về Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng có thể nói, ông gián tiếp chống lại cách hiểu về tạo dựng theo nghĩa đen trình thuật Sáng Thế, tức là trong sáu ngày. Thế giới không thể được tạo dựng theo cách thế ấy hay trong năm tới mười ngày năm (theo cách tính từ Kinh Thánh) được, cũng không thể hiểu sự tái tạo thế giới bằng câu chuyện chiếc tàu ông Nôê cũng như sự phân tán dân cư từ câu chuyện về tháp Babel[37]. Cho nên, nếu ai đó hiểu Kinh Thánh hoàn toàn theo nghĩa đen thì chắc chắn không thể tiếp cận thuyết Darwin. Chính thánh Augustine cũng không chấp nhận cách hiểu trình thuật Sáng thế theo nghĩa này.[38]

Có một ý tưởng gợi lên trong việc tiếp cận vấn đề tiến hóa, Charles Darwin nỗ lực giải thích về quá khứ, còn Chardin nhìn vào tiến trình tiến hóa vượt phóng về tương lai.[39] Cho nên, một cách nào đó có thể nói, điểm gặp gỡ của hai khoa học gia đó là một thực tại sinh vật nhìn theo hai vấn đề của thực tại tạo dựng. Chúng ta có thể tiếp cận ý niệm về sáng tạo trong tiến hóa theo lối nhìn này.

Nêu lên điều này để cho thấy rằng, cách thức để hiểu vấn đề tạo dựng và quan niệm về một Thiên Chúa tạo dựng rất khác so với truyền thống. Có thể khẳng định, không hề có sự đối chọi nào giữa Đấng tạo dựng vũ trụ trong một tiến trình và sự tồn hữu của mọi sự vật mang bản chất tiến hóa, mỗi ngày hoàn thiện và đi tới một sự thích ứng tốt hơn đối với vận hành của toàn thể vũ trụ phổ quát. Theo tác giả Naomi Zack, trong cộng đồng trí thức, học thuyết về tiến hóa của Charles Darwin đã được chấp nhận cách rộng rãi như một lịch sử khoa học về các sinh vật sống. Vì phái Hữu thần, hay ý tưởng cho rằng Thiên Chúa được thấm vào toàn bộ tự nhiên, đã là một viễn kiến rộng rãi lúc bấy giờ, thì không còn sự mâu thuẫn rõ ràng nào giữa những giải thích tôn giáo về tạo dựng và thuyết tiến hóa nữa.[40] Cho nên, công cuộc sáng tạo có thể nói được khởi xuất từ Thiên Chúa, Ngài có thể can thiệp vào công trình tạo dựng theo cách mà Darwin đã khám phá, tức là chọn lọc tự nhiên.

2. Sự bổ túc vấn đề sáng tạo của Teilhard de Chardin cho thuyết tiến hóa của Charles Darwin

Cùng bàn về tiến hóa, Teilhard de Chardin, một linh mục Dòng Tên và khoa học gia, sống sau Darwin gần một thế kỷ, đã giúp tư tưởng về tiến hóa mở rộng hơn theo lối tiếp cận vấn đề sáng tạo vừa bàn trên đây.

Điểm gặp gỡ giữa phát kiến khoa học của Darwin và Teilhard de Chardin về tiến hóa đó là đều phủ nhận hoàn toàn thuyết mục đích luận[41] khi khẳng định, mọi sự sinh ra vốn bất biến, không có sự chuyển dịch về mặt vật chất. Cả Darwin và Chardin đều nhìn nhận sự tiến hóa nội tại và ngoại tại của một sự vật trong vũ trụ này. Tuy nhiên, điểm đi tới của hai khoa học gia này khác nhau.

Khoa học gia Teilhard de Chardin bày tỏ xác quyết của mình trong đoạn dẫn vào tác phẩm Hiện Tượng Con Người khi cho rằng, thế giới sẽ đúng như bây giờ trong mắt chúng ta: “quá khứ không phải tự chính nó, mà như cách nó hiện ra trước mắt một nhà quan sát đang đứng tại một đỉnh phát triển cao hơn, nơi mà sự Tiến Hóa đã đặt chúng ta vào.”[42] Ông còn cho rằng, để một diễn giải thậm chí mang tính thực chứng về thế giới là thỏa đáng, thì nó phải bao hàm cái nội tại cũng như cái ngoại tại của sự vật – bao hàm tinh thần cũng như bao hàm vật chất.[43] Cách nào đó có thể tiếp cận học thuyết của Darwin trong cả hai chiều kích vừa nêu. Điều này giúp Chardin đứng trong vai trò trung gian và dung hòa hai trường phái vốn dĩ tranh cãi với nhau trong thời gian dài đó là Duy Tâm – những người không chịu thoát ra khỏi nội quan cô độc, hay chỉ nhốt mình trong chính yếu tố nội tại của sự vật và những người theo chủ Nghĩa Duy vật vốn chỉ dừng lại mọi phân tích trên bình diện vật chất.[44] Tư tưởng này của ông cũng làm cho quan điểm tiến hóa của Darwin dễ dàng được tiếp cận và khách quan nhìn nhận hơn.

Teilhard de Chardin cho rằng, trong quá trình nghiên cứu hiện tượng trong vũ trụ, con đường phân tích và tổng hợp luôn luôn đi với nhau: phân tích đưa ta trở về quá khứ, con đường tổng hợp mở khóa cho tương lai. Từ lối nhìn tổng hợp, hiện tượng con người được coi như chìa khóa để hiểu tiến hóa đặt ông vào trong mối tương quan tinh tế với tư tưởng Darwin chính thống. Trong đó, ông đồng ý với Darwin về lối nhìn vũ trụ: một thế giới được tổ chức, mà nơi đó các phần của nó được liên kết vật lý với nhau trong cả vẻ bề ngoài lẫn đích điểm. Hay nói cách khác, các yếu tố trong vũ trụ này liên kết với nhau. Theo lối nhìn về sự tiến hóa của con người hiện đại, Chardin đề xuất ý kiến rằng, trái với loại tiến hóa trước đó vốn thụ động và máy móc, sự tiến hóa mới được vén mở nơi chính con người, được hình thành qua ba yếu tố: sự phát minh, giáo dục (sự truyền lại những kiến thức đã thủ đắc được) và sự xã hội hóa (hội tụ trong chính con người). Hình thức của sự tiến hóa mới này không còn chỉ duy trì trong những yếu tố ngoại tại nữa, nhưng cách chính yếu là sự xem xét nội quan (introspection).[45]

Qua các tác phẩm khoa học của mình, có thể nói, bên cạnh những điểm khác biệt, Teilhard de Chardin đã phần nào kế thừa, chấp nhận cuộc tiến hóa và chia sẻ nhiều tư tưởng của Darwin. Hơn thế, Chardin đã đưa học thuyết tiến hóa của Darwin phát triển thêm một bậc nữa – sự vật tiến hóa trở nên hoàn thiện trong cùng đích của chính nó, vốn được Đấng tạo hóa đặt vào. Đồng thời, cuộc tiến hóa của các sự vật còn được Chardin nhìn nhận dưới cả hai chiều kích nội tại và ngoại tại, nhờ đó cách tiếp cận về sáng tạo được toàn diện và khách quan hơn.

3. Vị trí khả dĩ của Thiên Chúa trong thuyết tiến hoá

Cho đến lúc này, có thể nhìn nhận về một giả thuyết tiến hóa hoàn toàn hợp lý khi đi cùng với sự tồn tại của Thiên Chúa. Ta cũng nhìn nhận sự cần thiết của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, mà trong đó, chọn lọc tự nhiên cũng có thể được kể như một trong nhiều phương cách vận hành thế giới của Thiên Chúa. Cũng không hề có sự đối chọi nào giữa một Thiên Chúa của những chương đầu sách Sáng Thế và thuyết tiến hóa của Darwin. Như vậy, việc Thiên Chúa có mặt trong thuyết tiến hóa của Darwin hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhưng Ngài có thể ở vị trí nào? Cách mà Ngài tác động vào chọn lọc tự nhiên ra sao?

Hoàn toàn khả dĩ để Thiên Chúa thực hiện công cuộc sáng tạo của mình một cách từ từ như chính Darwin từng khẳng định, “nếu có một sự sáng tạo trên những dòng biến chủng thì sự sáng tạo đó là một quá trình chậm chạp.” [46] Bên cạnh đó, triết gia Herbert Spencer nhìn nhận thuyết tiến hóa trong khía cạnh thay đổi, đó là tiến trình từ đơn giản cho tới đồng nhất đi đến tính đồng dạng và phức tạp hơn rồi lại đi tới tính hỗn hợp và trở nên đa dạng. Trong mọi giai đoạn, tất cả các phần thay đổi cũng là phần thay đổi của toàn phần.[47] Đó cũng có thể là cách Thiên Chúa làm cho mọi loài trở nên đa dạng và phong phú trong thế giới tự nhiên. Đồng thời, Thiên Chúa không phải và không nên là một Đấng tạo dựng rồi để mặc, nhưng vận hành sự vật đến mức thành toàn, mà có thể nhìn nhận chọn lọc tự nhiên cũng là một yếu tố trong công cuộc sáng tạo liên tục đó. Với Teilhard de Chardin, ta có thể nhìn nhận một Thiên Chúa là trung tâm của toàn bộ cuộc tiến hóa. Ông trình bày về một trung tâm siêu việt mà ông gọi là “Divine Milieu” (Cảnh vực thần linh); nơi đó, Thiên Chúa “tự mạc khải chính mình ở mọi nơi… như một cảnh vực phổ quát (universal Milieu), chỉ bởi vì ngài là điểm tối thượng (ultimate point) mà nơi đó mọi thực tại đều hội tụ về.[48]

Về vị trí khả dĩ của Thiên Chúa, dĩ nhiên một Đấng tạo dựng nên vũ trụ này phải là Đấng siêu việt thời gian và không gian, đúng như Michael Ruse dẫn giải tư tưởng của thánh Augustine cho rằng Thiên Chúa nằm ngoài thời gian. Với Thiên Chúa, tư tưởng về tạo dựng, hành động tạo dựng và sản phẩm của tạo dựng như là một. Michael Ruse đề xuất khả thể Thiên Chúa là Đấng tạo nên những hạt giống sự sống ngay từ đầu và những điều còn lại sự là một sự mở ra.[49] Có thể nhìn nhận Thiên Chúa như là Đấng làm chủ toàn bộ công cuộc sáng tạo, từ việc tạo nên mầm sống trong vũ trụ này, vận hành và đưa tới sự viên mãn như Chardin khẳng định, công trình ấy vẫn tiếp tục đi tới hoàn thiện/đẹp đẽ hơn, và cho tới mức độ cao nhất của Thế Giới. [50] Nhà nghiên cứu về sinh vật học Miller diễn giải điều này một cách tuyệt vời:

[…] khi tạo phẩm lớn lao của ngài vươn lên phía trước từ tính độc nhất của nguồn gốc của nó, những luật lệ của Ngài đã đặt ra ở trong nó với những hạt mầm của các dải thiên hà, những vì sao và hành tinh, sự tiềm tàng của sự sống, sự thay đổi tất yếu và niềm tin vào trí thông tuệ phải nổi bật lên. [51]

Như vậy, có lẽ có một Thiên Chúa trong thuyết tiến hóa của Darwin mà vị trí của Ngài có thể là trung tâm, là chủ và điều dẫn công cuộc sáng tạo. Công cuộc sáng tạo ấy tiệm tiến, các sinh vật sống có thể hình thành từ từ, trong đó chọn lọc tự nhiên cũng có thể là một nguyên lý. Có thể nhìn nhận cách tác động của Ngài vào sự tiến hóa với một sự khôn ngoan siêu vượt và đưa mọi loài tới sự viên mãn của nó.

Kết luận

Việc bàn về sự khả dĩ tồn tại một Thiên Chúa trong thuyết tiến hóa của Darwin qua tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài vốn đã tồn tại xưa nay nhưng chưa ngã ngũ. Vấn đề căn bản vẫn là tiếp cận quan niệm về sáng tạo hay cách Thiên Chúa can thiệp vào sự tiến hóa như thế nào.

Trong phạm vi bài tiểu luận này, người viết đã nỗ lực tìm về một khả dĩ cho sự tồn tại của một Thiên Chúa trong thuyết tiến hóa của Charles Darwin với lối nhìn của Triết Học khi tiếp cận tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài. Tác phẩm này được coi như cuộc cách mạng trong thế giới các nhà sinh học song song với tác động mạnh mẽ đối với thế giới quan của các tư tưởng gia hiện đại. Sự ra đời của thuyết tiến hóa đã giúp cho khoa học đối thoại với tôn giáo hơn. Một mặt, tác phẩm củng cố thêm nhận định của các nhà Duy vật về xác tín của mình, nhưng mặt khác, nó cũng thúc đẩy các nhà hữu thần khát khao tìm kiếm một Thiên Chúa với sự trợ giúp về mặt lý trí của khoa học. Với nguyên lý chọn lọc tự nhiên, thuyết tiến hóa chưa đủ thuyết phục để hoàn toàn từ chối hay một cơ sở quá vững chắc để chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa.

Dẫu có những giới hạn trong nguyên lý chọn lọc tự nhiên, nhưng rõ ràng Darwin đã đóng góp phần mình qua việc đưa ra một lối giải thích về sự phát triển của các loài trên thế giới. Chính khắc khoải tìm ý nghĩa thực sự của tiến hóa đã dẫn tới một sự hợp lý cần thiết có sự hiện diện của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và vận hành vũ trụ. Để có thể khách quan hóa điều này, đòi hỏi một lối nhìn về sáng tạo đối thoại và mở ra giữa khoa học và tôn giáo. Nơi đó, có sự gặp gỡ và bổ túc cho nhau giữa hai nhà khoa học trứ danh. Nói một cách ví von, Darwin đã hình thành thuyết tiến hóa như một tiếng mở ngỏ, thì Chardin sau đó gần một thế kỷ đã trả lời. Những vấn nạn đặt ra về vai trò của thượng đế trong tiến trình hình thành các loài được Chardin đáp trả bằng những suy tư dựa trên viễn đích của tạo vật. Thiên Chúa có thể tạo ra thế giới ngang qua luật, và luật đó có thể là luật của tiến hóa mà Darwin đưa ra như một giả thuyết.[52] Nơi thuyết tiến hóa, có thể nhìn nhận một Thiên Chúa ẩn mình, Ngài tạo nên mầm sống và vận hành các loài theo những định luật, có thể có chọn lọc tự nhiên. Ngài là trung tâm của tạo hóa và đưa dẫn tiến hóa đi đến trật tự của các loài.

Bàn về Thiên Chúa trong thuyết tiến hóa, có quá nhiều vấn đề đặt ra; những khía cạnh khác nhau sẽ tồn tại những quan điểm khác nhau. Chính Darwin cũng từng khẳng định sự tồn tại những khó khăn và thú nhận sự mù tịt của bản thân về nhiều khía cạnh trong tiến hóa.[53] Nhưng có thể nói, chính những điều mù tối ấy lại là bằng chứng cho thấy một Thiên Chúa đứng đằng sau tất cả. Nhưng cũng chính điều mập mờ ấy che khuất đi một Thiên Chúa tồn tại, để rồi có người cho rằng chẳng hề có Thiên Chúa nào trong sự phát triển của vũ trụ này. Qua việc khảo sát thuyết tiến hóa dưới lối nhìn triết học, dựa trên suy tư của các nhà tư tưởng, người viết thấy hợp lý hơn nếu tin rằng có Thiên Chúa trong thuyết tiến hóa của Darwin. Khoa học vẫn trên đà tiến bộ, học thuyết tiến hóa vẫn tiếp tục được xây dựng và củng cố bởi những phát kiến mới, do đó, sự tồn tại và hình thức tồn tại của Thiên Chúa vẫn tiếp tục là vấn đề nên và đáng được suy tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ayala, Francisco J. Darwin’s Gift to science and Religion. Washington: Joseph Henry Press, 2007.

BIRX, H. James. “Interpreting evolution: Darwin, Nietzsche, & Teilhard De Chardin.” The Journal of International Civilization Studies, Uluslararası Medeniyet Çalışmaları Dergisi I, no. II (winter 2016): 23-26.

Caruana, Louis. Darwin and Catholicism: the Past and Present Dynamics of a Cultural Encounter. Edited by Luois Caruana. New York: T&T Clark, 2009.

Chardin, Teilhard de. Hiện tượng con người. Translated by Đặng Xuân Thảo. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2014.

Chardin, Teilhard. The divine Milieu. 2001.

Darwin, Charles. Nguồn gốc các loài. Translated by Trần Bá Tín. Hà Nội: NXB Tri Thức, 2009.

Geisler, Norman L. Philosophy of Religion. Zondervan public house , 1974.

Hick, John H. Philosophy of Religion. 4. New Jersey: Prentice-Hall, 1990.

Miller, K.R.A. Finding Darwin’s God. New York: Harper Collins, 1999.

Millstein, Roberta L. “”Evolution”, Fall 2017 Edition), (ed.), ,.” Edited by Edward N. Zalta. The Stanford Encyclopedia of Philosophy, 2017.

Ruse, Michael. Darwinism and its discontents. New York: Cambridge University Press, 2006.

Sarkar, Sahotra. Doubting Darwin? Creationist Designs on Evolution. Blackwell Publishing Ltd, 2007.

Shanks, Niall. God, the devil, and Darwin : a critique of intelligent design theory. New York: Oxford University Press, 2004.

Zack, Naomi. The handy philosophy answer book. Detroit: Visible Ink Press, 2010.

[1] X. Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, Trần Bá Tín dịch (NXB Tri Thức, 2009), 22.

[2] X. Tim Lewens, Darwin (New York: Routledge, 2007), 9.

[3] X. Darwin, Nguồn gốc các loài, 47.

[4] X. H. James BIRX, “Interpreting evolution: Darwin, Nietzsche, & Teilhard De Chardin,” The Journal of International Civilization Studies, Uluslararası Medeniyet Çalışmaları Dergisi, Volume I/ Issue II- (Winter 2016), 23-26.

[5] X. Francisco J. Ayala, Darwin’s Gift to science and Religion (Washington: Joseph Henry Press, 2017), 182.

[6] X. Michael Ruse, Darwinism and its discontents, 282.

[7] X. Darwin, Nguồn gốc các loài, 115.

[8] Ibid., 102.

[9] X. Doubting Darwin: Creationist Designs on Evolution, 39

[10] X. Louis Caruana ed., Darwin and Catholicism (T&T Clark, 2009), 1.

[11] X. Michael Ruse, Darwinism and its discontents (New York: Cambridge University press, 2006), 257.

[12] X. Millstein, Roberta L., “Evolution”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2017 Edition), Edward N. Zalta (ed.), ,https://plato.stanford.edu/archives/fall2017/entries/evolution/ (truy cập 10 tháng 7 năm 2018).

[13] Khẳng định các loài không thể được tạo ra độc lập được ông lặp lại rất nhiều trong “nguồn gốc các loài”, có thể thấy ở các trang số 49, 51, 54, 57, 83, 98, 166, 180, 189, 206, 221, 308, 311, 382, 452.

[14] Darwin, Nguồn gốc các loài, 51.

[15] Ibid., 94.

[16] X. Francisco J. Ayala, Darwin’s Gift to science and Religion, 173.

[17] Ibid., 163.

[18] Ibid., 164.

[19] X. Darwin, Nguồn gốc các loài, 451.

[20] Ibid., 51.

[21] X. Francisco J. Ayala, Darwin’s Gift to science and Religion, 52.

[22] X. Sahotra Sarkar, Doubting Darwin? Creationist Designs on Evolution, 157.

[23] X. Francisco J. Ayala, Darwin’s Gift to science and Religion, 65.

[24] X. Michael Ruse, Darwinism and its discontents, 134-165.

[25] X. Louis Caruana ed., Catholism and Darwinism, 68

[26] X. Darwin, nguồn gốc các loài, 120, 208, 301-306, 441, 442, 445, 447.

[27] X. Niall Shanks, God, the devil, and Darwin: a critique of intelligent design theory (Oxford University Press, 2004), 223-225.

[28] X. Norman l. Geisler, Philosophy of Religion (Zondervan public house, 1974), 109-111

[29] X. Sahotra Sarkar, Doubting Darwin? Creationist Designs on Evolution (Blackwell Publishing Ltd, 2007), 131.

[30] X. Niall Shanks, God, the devil, and Darwin : a critique of intelligent design theory, 225.

[31] X. Sahotra Sarkar, Doubting Darwin: Creationist Designs on Evolution, 2.

[32] X. Darwin, Nguồn gốc các loài, 403.

[33] X. Norman l. Geisler, Philosophy of Religion, 109 – 111.

[34] X. Louis Caruana ed., Catholism and Darwinism, 69.

[35] X. Nguồn gốc các loài, 110, 451, 453, 457.

[36] X. John H. Hick, Philosophy of Religion (New Jersey: Prentice-Hall, 1990), 9.

[37] X. Michael Ruse, Darwinism and its discontents, 277.

[38] Ibid., 278

[39] X. H. James BIRX, Interpreting evolution: Darwin, Nietzsche, & Teilhard De Chardin, 28.

[40]X.  Naomi Zack, The handy philosophy answer book, 307.

[41] X. Chardin, Hiện tượng con người, 524.

[42] X. Teilhard de Chardin, Hiện tượng con người,32.

[43] Ibid., 33

[44] Ibid., 63,64

[45] X. Louis Caruana ed., Catholism and Darwinism, 68. Trích “The Energy of Evolution”, in: Activation of Energy, 385.

[46] Nguồn gốc các loài, 95.

[47] X. Naomi Zack, The handy philosophy answer book, 251.

[48] X. Teilhard de Chardin, The Divine Milieu, 114.

[49] X. Michael Ruse, Darwinism and its discontents, 288.

[50] X. Teilhard Chardin, The divine Milieu , 25.

[51] Miller, K.R., Finding Darwin’s God (New York:Harper Collins, 1999), 252.

[52] X. Michael Ruse, Darwinism and its discontents, 288-289.

[53] X. Darwin, Nguồn gốc các loài, 120, 275, 441, 442, 447.