236. Lý thuyết nguyên tử của Robert Boyle là gì?
Boyle (1627–1691) tuyên bố rằng những vật được nghiên cứu trong vật lý, hóa học, sinh học, hay các đối tượng trong nghiên cứu về chất khí và chất lỏng đều được tạo thành từ các nguyên tử. Ông nghĩ rằng vì các nguyên tử có thể được sử dụng để giải thích và dự đoán những gì có thể quan sát được, nên sự tồn tại của chúng là một vấn đề thực nghiệm chứ không phải là kết quả của sự suy đoán thuần túy. Không giống như Gassendi, người đã sẵn sàng đình chỉ phán đoán về việc nguyên tử có tồn tại hay không, Boyle khẳng định rằng các nguyên tử tồn tại bằng việc sử dụng phương pháp chuyển dịch.
237. Phương pháp chuyển dịch của Boyle là gì?
Boyle (1627–1691) đã chỉ ra rằng các giác quan của chúng ta bị giới hạn, điều được thể hiện qua những phát hiện từ kính thiên văn và kính hiển vi. Ông nghĩ rằng phép loại suy có thể được sử dụng để mở rộng kiến thức giác quan. Các nguyên tử hoặc các hạt có thể được hiểu cách loại suy như các vật thể mà chúng ta có thể cảm nhận được. Theo nghĩa này, các nguyên tử có nguyên tắc hoạt động giống như các vật thể khả giác. Boyle củng cố lý thuyết nguyên tử ngang qua các báo cáo thí nghiệm của ông, các thí nghiệm này dựa trên tiền đề rằng nguyên tử có tồn tại, đồng thời chúng xác nhận các dự đoán của ông về khí, chất rắn và nhiệt.
238. Đâu là một số thí nghiệm khôi hài được thực hiện bởi các thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Anh?
Vua Charles II, người rất quan tâm đến các thí nghiệm nói chung, có xu hướng thích chế nhạo những thí nghiệm ngớ ngẩn. Ví dụ, trong bộ sưu tập riêng của John Wilkins (1614–1672) tại Hiệp hội Triết học Oxford, có những nhà nuôi ong trong suốt và một bức tượng rỗng biết “nói” qua một đường ống được giấu kín. Hiệp hội này do chính vị thư ký sáng lập viên Hiệp hội Hoàng gia John Wilkins chủ trì, và chính ông đã viết về “những khả năng đáng ngưỡng mộ của các sự vật tự nhiên” trong cuốn Mathematical Marvels.
Robert Boyle (1627–1691) bị coi là lập dị vì ông tự khám bệnh và dường như có sở thích thu thập các đơn thuốc. Vào thời điểm Hiệp hội Hoàng gia được thành lập, thuật giả kim đã chuyển từ một môn khoa học tìm cách chuyển đổi kim loại cơ bản thành vàng sang một môn khoa học với mục đích sử dụng những khám phá y học mới để kéo dài tuổi thọ con người. Vào năm 1689, Boyle đã thành công trong việc bãi bỏ luật của vua Henry IV nhằm chống lại việc “nhân lên nhiều vàng”.
Khi Margaret Cavendish, Nữ công tước xứ Newcastle-upon-Tyne (1623–1673), được phép đến thăm Hiệp hội Hoàng gia vào năm 1667, bà đã được xem các thí nghiệm liên quan đến màu sắc, sự pha trộn của chất lỏng lạnh, hòa tan thịt trong dung dịch axit sulphuric, cân không khí, việc làm phẳng đá cẩm thạch, từ tính và “một chiếc kính hiển vi tốt”. Nữ công tước đã viết trong nhật ký của mình rằng khoa học mới không có ích gì trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và tâm linh.
239. Phải chăng chủ nghĩa duy vật của Boyle khiến ông là một người vô thần?
Boyle (1627–1691) không phải là người vô thần. Ông là một tín đồ Tin Lành rất sùng đạo và đã viết rất nhiều về cách dung hòa giữa khoa học và tôn giáo. Các ấn phẩm chính của ông về chủ đề này là Nhân đức Kitô giáo (1660) và Một cuộc phân tích về nguyên nhân cuối cùng của các sự vật tự nhiên (1688). Tuy nhiên, trong tác phẩm Khảo cứu (Disquisition) của mình, ông lập luận rằng, trong công việc hàng ngày, một nhà khoa học chỉ nên xem xét những phẩm chất sơ cấp của các hạt vì các nhà khoa học, không giống như những người khác, không tập trung vào màu sắc, âm thanh, kết cấu và mùi.
240. Các phẩm chất sơ cấp và phẩm chất thứ cấp là gì?
Sự phân biệt khoa học giữa phẩm chất sơ cấp và thứ cấp đã được chứng minh là rất quan trọng đối với triết học sau này. Những phẩm chất sơ cấp là kích thước, hình dạng, khối lượng, chuyển động và số lượng. Phẩm chất thứ cấp là màu sắc, kết cấu, âm thanh và mùi. Người ta tin rằng những phẩm chất sơ cấp của nguyên tử dẫn đến những phẩm chất thứ cấp mà chúng ta có thể cảm nhận được trong các vật thể được tạo thành từ các nguyên tử. Nghĩa là, thế giới nhận thức của chúng ta được tạo thành từ những phẩm chất thứ cấp vốn được hình thành bởi sự tương tác giữa các nguyên tử trong các vật thể và các nguyên tử trong các cơ quan cảm giác của chúng ta. Các phẩm chất thứ cấp chính xác là những phẩm chất của cảm giác như màu sắc, âm thanh, kết cấu và mùi tạo nên trải nghiệm hàng ngày của chúng ta. Nhưng thế giới “thực” được tạo thành từ các nguyên tử!
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Press, 2010), 105-106.