“Chúng ta thực sự biết gì? Điều gì là thật? Cuộc sống có ý nghĩa gì không? Liệu rằng ta có ý chí tự do không? Đây chỉ là một phần nhỏ trong những câu hỏi triết học, vì còn có hàng trăm câu hỏi khác nữa. Gọi là ‘những câu hỏi triết học’ bởi vì chúng không thể được trả lời một lần dứt khoát và vì chúng cũng không thể giải quyết được tất cả những mối bận tâm của các triết gia suốt gần 3.000 năm qua. Bạn không phải là một triết gia để hỏi những câu hỏi kiểu này, mặc dù bạn có thể cảm thấy giống như một triết gia khi đọc quyển sách này!
Cuốn ‘The Handy Philosophy Answer Book’- tạm dịch là ‘Cẩm Nang Hỏi- Đáp Triết Học’ có hàng trăm đề mục về các triết gia và những tư tưởng của riêng họ. Mỗi đề mục đều bắt đầu với câu hỏi vốn là trọng tâm tư tưởng mà triết gia, trường phái tư tưởng hoặc thời kỳ của họ bận tâm, tiếp theo sau là câu trả lời và cũng là cái nhìn tổng quát ngắn gọn về những ý tưởng chính trong một chương. Và mỗi phần trong một đề mục cũng đều bắt đầu bằng một câu hỏi then chốt. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ mở ra những câu hỏi và những câu trả lời xa hơn. Mỗi câu hỏi và câu trả lời đều có thể được đọc cách độc lập, hoặc như một phần trong ngữ cảnh rộng hơn.
Phần chính của quyển sách được phân chia trong 10 chương theo dòng lịch sử, từ triết học cổ đại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, bạn không cần phải đọc toàn bộ quyển sách để trả lời câu hỏi về một triết gia hay về một tư tưởng nào đó. Tất cả bảng mục lục, thư tịch, và các thuật ngữ đều có thể được sử dụng như những hướng dẫn cho các chương.
Nếu bạn không biết một thuật ngữ triết học hay một tư tưởng có nghĩa gì, bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong phần các thuật ngữ vốn bao gồm một loạt các giải thích và định nghĩa về các thuật ngữ chính yếu, các giai đoạn lịch sử, các trường phái tư tưởng triết học, các “chủ nghĩa” trong triết học.
Trong phạm vi rộng lớn của vấn đề hay quan điểm triết học, các triết gia ít khi đồng ý với nhau, nhưng họ tôn trọng những quan điểm chuyên môn của nhau. Danh mục thư tịch gồm một loạt các nguồn của các triết gia khác nhau, ở những thời kỳ triết học, những chủ đề chính, và những công cụ quy chiếu khác nhau.
Bạn có thể sử dụng quyển sách này trong những cách thức khác nhau. Nếu bạn tìm hiểu về lịch sử triết học, bạn có thể đọc xuyên suốt các chương theo thứ tự. Nếu bạn muốn làm một bảng thuật ngữ triết học, bạn có thể bắt đầu với phần danh mục các thuật ngữ trước tiên. Còn nếu bạn chỉ quan tâm đến một giai đoạn cụ thể hay một trường phái tư tưởng triết học cụ thể, bạn vẫn có thể tập trung vào đó.
Nếu bạn chỉ quan tâm tất cả nội dung của tài liệu này như một phần giới thiệu về triết học, hay làm mới những gì bạn đã biết, bạn nên đọc toàn bộ quyển sách từ đầu đến cuối (ít nhất một lần) và tìm kiếm tài liệu trong thư tịch sách tham khảo cho những quan tâm xa hơn của bạn.
Nếu bạn vẫn còn hứng thú sau khi đã làm hết tất cả những điều đó (đó là, nếu như đam mê triết học đã thực sự thấm vào bạn), hãy tham dự một khóa Triết chính thức dẫu bạn có còn là sinh viên hay không. Phần độc đáo của triết học nằm trong những cuộc bàn luận sống động, do đó, điều quan trọng là bạn tìm một môi trường để bạn có thể trò chuyện với những người có cùng mối quan tâm như bạn. Nếu bạn không ghi danh vào một khóa học, bạn có thể tham gia một câu lạc bộ triết học được tổ chức thường xuyên gần nơi bạn sống, hoặc bạn có thể tìm một nhóm như vậy trên Internet.”
Naomi Zack, Ph.D.
Về tác giả
Naomi Zack nhận bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Columbia, New York, và đã giảng dạy tại Đại học Albany, bang New York. Hiện nay, Naomi Zack là giáo sư Triết học tại Đại học Oregon ở Eugene. Những sách xuất bản gần đây của tác giả: Inclusive Feminism (2005), Thinking about Race (2006), và Ethics for Disaster (2009). Tác phẩm “The Handy Philosophy Answer Book” được xuất bản vào năm 2010, do Visible Ink Press.
Chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị cuốn sách “Cẩm Nang Hỏi- Đáp Triết Học” do Nhóm Maiorica- Học viện Dòng Tên chuyển ngữ. Từng phần của tác phẩm này sẽ lần lượt được đăng trên website của Học viện. Ước mong công việc chuyển ngữ tác phẩm này như một nỗ lực phục vụ trí thức cho cộng đồng trong sứ mạng của chúng tôi. Dẫu biết tài hèn sức mọn, không thể không có những sai sót trong việc thâu nhận và diễn đạt ý của tác giả, nhưng chúng tôi cố gắng hết sức có thể, để phục vụ độc giả cách tốt nhất. Chúng tôi cũng mong nhận được sự phản hồi của quý độc giả, để bản dịch Tiếng Việt được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn “Cẩm Nang Hỏi- Đáp Triết Học” đến quý vị!
Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên