Averroes
(1126-1198)

 

Môn học: Triết học Trung Cổ
Giáo sư: Lm. Đậu Văn Hồng
Học viện: Nguyễn Văn Đương, SJ.

Liệu Thiên Chúa có phải là duy nhất, hay còn có một chúa nào khác? Averroes trả lời rằng Thiên Chúa là duy nhất. Ông bàn về điều này qua ba luận điểm khác nhau. Vậy, ba luận điểm đó là gì? Chúng có thỏa đáng hay không?

Dẫn Nhập

Thượng đế hay Thiên Chúa là Đấng nhiều tôn giáo tôn thờ. Mỗi tôn giáo khác nhau thường có những lối nhìn khác nhau về Thiên Chúa. Đôi khi trong cùng một tôn giáo, những cách trình bày khác nhau về Thiên Chúa cũng được bắt gặp, mà Đạo Hồi là một ví dụ. Do nhiều lối giải thích khác nhau mà Đạo Hồi đã xảy ra sự phân chia giữa những giáo phái khác nhau. Không những thế, mỗi giáo phái khẳng định, họ dựa trên Luật Thánh/ Kinh Thánh (Holy Law/ Holy Religion) để giải thích niềm tin về Thiên Chúa, nên nhiều ý nghĩa của Kinh Thánh bị bóp méo. Để củng cố tình hiệp nhất trong dân và bác bỏ sự đa thần giáo, Averroes đã chứng minh sự duy nhất của Thiên Chúa dựa trên những phương pháp của triết học. Bài viết là một nỗ lực nhỏ để tìm hiểu cách chứng minh của Averroes về một Thiên Chúa duy nhất trong chương 2 của tác phẩm Faith and Reason in Islam (tạm dịch: Đức tin và lý trí trong Đạo Hồi).Trước hết, người viết thử tìm hiểu Thiên Chúa duy nhất trong Đạo Hồi có ý nghĩa như thế nào, kế đến trình bày lại cách chứng minh của Averroes về Thiên Chúa duy nhất, và cuối cùng, sẽ đưa ra một vài quan điểm cá nhân đối với phương pháp bình giải của Averroes về sự duy nhất của Thiên Chúa.

1. Tìm hiểu ý nghĩa Thiên Chúa duy nhất trong Đạo Hồi [1]

Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là nền tảng của Hồi giáo. Niềm tin này chi phối đức tin tôn giáo và thiết lập các mô hình xã hội cũng như các chuẩn mực đạo đức. Câu đầu tiên trong kinh Kalimah: “chẳng có thần nào khác ngoài Allah[2]” hướng dẫn đời sống của các tín hữu Hồi giáo không chỉ trong các vấn đề tôn giáo nhưng còn cả trong các hành vi xã hội (social behaviour). Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất chỉ cho các tín hữu thấy trong thế giới này không có gì lớn hơn Thiên Chúa, Ngài phải được thờ phượng, và tất cả mọi người là anh em (chứ không phải là bề trên, bề dưới của nhau; đây như một lời đòi buộc để mỗi tín hữu xây dựng tình huynh đệ với nhau). Ngoài ra, Thiên Chúa duy nhất còn nói lên sự siêu việt của Thiên Chúa ở bốn khía cạnh: (1) Duy nhất trong yếu tính (toàn năng, toàn tri, vĩnh cửu…); (2) duy nhất trong các thuộc tính (attributes) – các thuộc tính đồng nhất với yếu tính của Ngài (các yếu tính, tri thức, sức mạnh,… chỉ là một và giống nhau); (3) duy nhất trong việc tạo dựng (tất cả mọi sự trong thế giới đều do Ngài tạo dựng); (4) duy nhất trong sự thờ phượng – chỉ có Thiên Chúa mới được thờ phượng và trong Ngài mọi người tìm nơi nương ẩn. Nếu niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là ‘kim chỉ nam’ cho mỗi tín hữu Hồi Giáo, Averroes đã chứng minh Thiên Chúa ấy như thế nào?

2. Bình giải sự Duy Nhất của Thiên Chúa theo Averroes[3]

Khi chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa (On Proving God’s existence) ở chương một, Averroes đã đề xuất phân biệt đám đông đa số (hiểu Kinh Thánh sát mặt chữ) và thiểu số ưu tú (hiểu và cắt nghĩa ‘thiêng liêng hay tinh thần’ Kinh Thánh)[4]. Ông thừa nhận sự tách biệt giữa đức tin và lý trí. Khi đã có nền tảng một Thiên Chúa hiện hữu, giờ đây, Averroes chứng minh Thiên Chúa ấy là duy nhất bằng việc sử dụng ba đoạn Kinh Thánh, mà thoạt nhìn được viết theo lối phủ định.

  • Thế giới trong tương quan với vương quyền

“Nếu trong trời đất này còn hiện hữu những thần thánh khác hơn Alla, chắc hẳn cả hai đều phải sập đổ” (x. Qur’an 21,22). Theo Averroes, ý nghĩa của câu đầu tiên này được ghi khắc vào tâm thức mỗi tín hữu một cách tự nhiên. Rõ ràng, nếu có hai ông vua, mà những hành động của ông này cũng giống những hành động của ông kia, họ sẽ không thể cai trị cùng một thành quốc. Bởi vì, nếu hai ông hành động cùng nhau, thành quốc sẽ bị hủy hoại. Lấy việc lên ngôi vua làm ví dụ. Giả như, trong một đất nước, nếu có hai người cùng muốn xưng vương, họ sẽ phải cạnh tranh nhau để lên ngai vàng. Khi hai người cạnh tranh, đất nước sẽ xảy ra chiến tranh, loạn lạc….  Do đó, hai hành động giống nhau cùng hướng về một mục đích, mục đích ấy sẽ bị phá hủy. Tuy nhiên, một thành quốc có thể được trị vì bởi hai ông vua trong trường hợp khi ông này cai trị đất nước thì ông kia không cai trị; nhưng kiểu hành động như vậy không phù hợp với những thuộc tính của Thiên Chúa (những thuộc tính này được trình bày ở Chương 3 trong cùng tác phẩm, gồm bảy loại: knowledge, life, power, will, hearing, vision and speech[5]). Chính vì sự đấu tranh, gây chia rẽ mà ý nghĩa của câu nói về Đấng Toàn Năng – “Nếu trong trời đất này còn hiện hữu những thần thánh khác hơn Alla, chắc hẳn cả hai đều phải sập đổ”, được đón nhận.

  • Thế giới trong tương quan với Thiên Chúa

“Alla không hề có con và không có thần thánh nào khác ngang hàng với Ngài. Nếu có, mỗi thần thánh sẽ lấy đi phần họ đã sáng tạo và chắc chắn sẽ tìm cách tranh quyền lẫn nhau.” (x. Qur’an 23,92). Đối với Averroes, mặc khải này được Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Muhammad để trả lời cho tất cả những ai thừa nhận có nhiều Thiên Chúa và mỗi Vị thực hiện những hành động khác nhau. Không có một thực thể đơn nhất (single entity) nào được tạo dựng bởi các thần thực hiện những hành động khác nhau mà họ không tùng phục lẫn nhau, hoặc họ không cùng nhau hướng về cùng một mục đích chung. Cả thế giới là một thực thể đơn nhất, bởi vì mọi sự vật được tạo ra có mối liên quan tương hỗ với nhau – sự vật này được tạo dựng là vì sự tồn tại của các sự vật khác. Do đó, thế giới không thể được tạo dựng bởi nhiều thần với nhiều hành động khác nhau. Nếu có hai Thiên Chúa mà mỗi vị không tùng phục nhau, mỗi vị thực hiện hành động theo ý riêng, thì phải có hai thế giới, và mỗi vị “sẽ lấy đi phần họ đã sáng tạo”. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một thế giới. Do đó, chỉ có một Đấng Tác Thành (the Agent) duy nhất.

  • Thiên Chúa sáng tạo và hành động thế giới

 “Nào, ngoài Chúa ra nếu có những tà thần khác như lời chúng nói, thì những kẻ thờ đa thần giáo có lẽ đã tìm ra con đường dẫn tới Chủ nhân của ngai vàng ấy rồi” (x. Qur’an 17,43). Averroes cho rằng, đây là câu có nội dung tương tự Qur’an 21, 22 (mục 2.1) – không thể có sự hiện diện của hai Thiên Chúa mà hành động của họ giống hệt nhau, hợp thành một. Câu này ngụ ý rằng nếu ở trên trời, dưới đất có các thần thánh khác giống như Thiên Chúa, có khả năng tạo thành và che chở thế giới, thì mối tương quan của các thần với thế giới sẽ giống như tương quan của Đấng Tạo Hóa với thế giới, nên các thần cũng phải ngự trên ngai vàng như Thiên Chúa. Như thế, (Thế giới) có hai hữu thể giống nhau (two similar beings), có cùng tương quan với ngai vàng. Tuy nhiên, hai hữu thể giống nhau không thể có tương quan với một nơi giống hệt nhau trong cùng một cách thức giống nhau, vì như thế mối tương quan này là đồng nhất. Không thể có một mối quan hệ đồng nhất với cùng một ngai vàng, cũng như, hai vua không thể cùng ngự trị trên cùng một ngai vàng; mặc dù mối liên hệ giữa Thiên Chúa đối với Ngai Vàng hoàn toàn khác – Ngai Vàng tồn tại nơi Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa tồn tại nơi Ngai Vàng. “Ngự tọa của Ngài bao trùm cả trời đất; việc bảo quản này chẳng hề làm Ngài mệt mỏi”.

3. Một vài quan điểm cá nhân về phương pháp chứng minh của Averroes

  • Một số phương pháp có thể Averroes đã sử dụng

Averroes có thể đã sử dụng triết thuyết của Aristotle đối với những vấn đề riêng biệt (the distinct issues) trong Siêu hình học. Ông dựa vào bản thể luận và tri thức luận theo Aristotle để bàn về sự vĩnh cửu (the eternity) và nguồn gốc thế giới để chứng minh Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, nếu Aristotle đề cập Thượng đế hình thành vũ trụ – Thượng đế là nguồn vận hành, tác động lên vũ trụ mà không phải là Đấng Tạo Hóa – Thượng đế như là nguyên nhân cứu cánh[6]; thì Averroes  xác định “Hữu” – được gắn cho tại thể đệ nhất vốn là Bản Thể (hiểu theo nghĩa Thiên Chúa – Đấng cung cấp nền móng và sáng tạo nên các phạm trù của và cho những hữu thể). Như thế, cách thức Averroes trình bày về Thiên Chúa duy nhất có sự khác biệt Aristotle. Ngoài ra, Averroes có thể còn sử dụng phương pháp suy luận biện chứng (hai người xưng vương, đất nước sụp đổ; nếu có hai Đấng Sáng Tạo, thì phải có hai thế giới…), tu từ học (có một thế giới nên chỉ có một Đấng Tác Thành…), và suy luận chứng minh (nếu có hai Đấng Sáng Tạo, thì cả hai đều phải ngự trên ngai vàng, mà hai hữu thể không thể cùng ngự trên cùng một ngai vàng trong một cách thức giống nhau, nên chỉ có một Thiên Chúa) theo Aristotle[7] để chứng minh Thiên Chúa duy nhất.

Khoảng cuối thế kỷ thứ V và đầu thế kỷ thứ VI, Pseudo-Dionysius đã sử dụng thần học phủ định để nói về Thiên Chúa[8]. Có lẽ, Averroes đã kế thừa phương pháp này để chứng minh một Thiên Chúa duy nhất. Bởi vì, khi nói theo lối phủ định, độc giả sẽ cảm thấy đỡ nặng nề và giảm tính quả quyết hơn lối nói khẳng định. Ngoài ra, dựa trên chiều kích lý tính, chứng minh vấn đề theo cách phủ định thì có phần chính xác hơn.

Trong lịch sử Triết học từ cổ đại đến trung cổ, quan niệm Thiên Chúa là duy nhất không phải là một khái niệm mới, mà Plotinus là một ví dụ. Đầu thế kỷ III sau công nguyên, Plotinus đã nói đến Thượng đế như là cái Một, nghĩa là nơi Thượng đế không có sự phức tạp và Thượng đế thống nhất tuyệt đối. Thượng đế không thay đổi, không thể phân chia, không đa dạng, không được tạo thành và hoàn toàn không thể thay đổi.[9] Ngoài ra, niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất cũng không xa lạ với người Do thái: “Người là Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra không có Chúa nào khác và phải phụng thờ một mình Người” (Ðnl 4,39); hay trong giao ước Xi-nai (Mười điều răn) điều răn thứ nhất đã nói rõ: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Tuy nhiên, Averroes đã có công chứng minh Thiên Chúa duy nhất bằng việc đề xướng khái niệm loại suy hữu thể[10], mà lý trí tự nhiên có thể thấy được. Ông đã nỗ lực lấy những ý niệm dễ hiểu trong thế giới (tương quan giữa vua và thành quốc, tương quan giữa các thọ tạo với nhau…) để quy gán cho Hữu thể Tột bậc (Supreme Being – Thiên Chúa), vì Hữu thể Tột bậc hội tụ và quy gom tất cả những nghĩa khác nhau đó.

  • Một triết gia tiêu biểu kế thừa và phát triển phương pháp của Averroes

    Nếu triết học Hy-lạp được du nhập vào thế giới La-tinh qua con đường Ả-rập, thì những tác phẩm của Averroes là những cầu nối quan trọng để việc du nhập được thành toàn[11]. Một nhà triết học tiêu biểu theo chủ nghĩa kinh viện là Thomas Aquinas, đã gọi Averroes là nhà chú giải vĩ đại.

Trong tác phầm Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma Aquinô dường như đã sử dụng phương pháp giống Averroes, cụ thể là phương pháp phủ định. Ngay ở phần đầu của tác phẩm, trong phân đoạn được gọi là “Objections”, thánh nhân viết: “xem ra không cần thiết phải có một bộ môn ngoài Triết học”.[12] Hơn nữa, ở Phần I, Thánh Tôma Aquinô bàn về Thiên Chúa duy nhất từ vấn nạn 1 đến vấn nạn 26, ngài cũng sử dụng phương pháp loại suy, quy gán những thuộc từ cho Thiên Chúa, bởi ngài nghĩ rằng lý trí có thể đạt tới điều nào đó từ mặc khải[13]. Ngoài ra, khi chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, thánh Tôma cũng sử dụng những thực tại gần gũi, mang tính chất vũ trụ, để nhờ những thực tại ấy, nhân loại có thể biết Thiên Chúa[14].

Thực ra, do giới hạn về thời gian và kiến thức, tôi đã không trình bày phương pháp đối thoại và tranh luận của Averroes với phái Ash’rites và phái Mutakallinum về Thiên Chúa duy nhất. Bởi vì, Averroes cũng dựa trên ba đoạn Kinh Thánh đã đề cập ở Phần II để bảo vệ quan điểm của ông về Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, việc đối thoại và tranh luận là những phương pháp nổi tiếng đã có từ thời triết học cổ đại (Socrates, Aristotle… sử dụng để nghiên cứu những vấn đề triết học) mà sau này, Tôma Aquinô trong tác phẩm “Summa Contra Gentiles” cũng sử dụng để tranh luận với “dân ngoại”, những người theo Mohamed và những người không tin vào Chúa[15].

  • Một số điểm chưa thỏa đáng trong cách chứng minh của Averroes

Dù nỗ lực chứng minh sự duy nhất của Thiên Chúa, nhưng những phương pháp của Averroes không phải không gặp những hạn chế. Trước hết, vì ngôn ngữ của con người có giới hạn, nên tất cả những gì con người nói về Thiên Chúa (tuyệt đối), đều không thể diễn đạt hết về Ngài. Phải chăng, như Dionysius, con người muốn nói về Thiên Chúa trước hết cần “thinh lặng” để Thiên Chúa nói[16]? Ngoài ra, nói đến Thiên Chúa là nói đến Đấng siêu việt, lý trí của con người không thể vươn tới trọn vẹn được. Do đó, con người cần có sự mặc khải để xác chuẩn. Cuối cùng, Averroes cũng không đề cập, ngoài những phương pháp ông chứng minh, sẽ còn những phương pháp khác để nói về Thiên Chúa duy nhất: phương pháp khẳng định…

Kết luận

Trong bối cảnh Đạo Hồi đang bị phân rẽ thành nhiều giáo phái, đám đông đa số hoang mang không biết dựa vào quy luật nào để sống tốt, thì Averroes đã khích lệ dân chúng tiếp tục sống tình huynh đệ với nhau và tôn thờ Thiên Chúa duy nhất. Trong quá trình chứng minh Thiên Chúa duy nhất để khích lệ mọi tín hữu sống đúng Lề Luật, Averroes đã kế thừa và phát triển những phương pháp chứng minh trong triết học rất độc sáng. Tuy ông đã không đề cập những phương pháp khác nói về Thiên Chúa, nhưng những triết thuyết của ông ngày nay vẫn còn giá trị và được sử dụng đến ngày nay (thần học phủ định, loại suy, tu từ, biện chứng…). Cuối cùng, nỗ lực dò dẫm và khám phá về Thượng đế là một nỗ lực đáng quý. Thiết nghĩ, thật tốt đẹp nếu mọi người cùng lên đường bước vào hành trình tìm kiếm ấy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Allamah Sayyid Sa’eed Akhtar Rizvi. A transcript of a series of lectures on the fundamental roots of Isla. WOFIS, 1997.

Averroes. Faith and Reason in Islam. Oneworld Publication, 2014.

Đậu Văn Hồng. Triết Trung Cổ. Lưu hành nội bộ, n.d.

Samuel Enoch Stumpf. Lịch sử triết học và các luận đề, translated by Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy. Hà Nội: Nhà Xuất bản Lao động, 2004.

[1] Allamah Sayyid Sa’eed Akhtar Rizvi, A transcript of a series of lectures on the fundamental roots of Isla, WOFIS, 1997, 4.

[2] Allah, đôi khi người viết dùng là Thượng đế hoặc Thiên Chúa

[3] Trong phần này, người viết trình bày cách bình giảng của Averroes trong tác phẩm Faith and Reason in Islam, 39 – 41.

[4] Averroes, Faith and Reason in Islam, Oneworld Publications, 2014, 17.

[5] Ibid., 45

[6] Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử triết học và các luận đề, translated by Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy. Hà Nội: NXB Lao Động, 2004, 81.

[7] Stumpf, Samuel Enoch, 75.

[8] Hồng, Đậu Văn, Triết Trung Cổ, Lưu hành nội bộ, 41.

[9] Stumpf, 107.

[10] Hồng, Đậu Văn, 54

[11] Hồng, Đậu Văn, 55.

[12] Hồng, Đậu Văn, 154.

[13] Hồng, Đậu Văn, 158.

[14] Hồng, Đậu Văn, 160.

[15] Hồng, Đậu Văn, 121.

[16] Hồng, Đậu Văn, 43.