Trong những tuần cuối cùng của Mùa Thường Niên, bài đọc sẽ được lấy từ 2 bản văn nói về sự trở lại của Đức Ki-tô. Cả hai bản văn đều xảy ra trong phần thứ hai của lá thư (4:1-5:24) trong đó thánh Phao-lô lớn tiếng kêu gọi cộng đoàn sống một đời sống luân lý xứng đáng với ơn kêu gọi trong khi họ chờ đợi sự trở lại của Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô kết thúc chủ đề sự trở lại với hai lời kêu gọi sống luân lý, qua đó làm nổi bật mối tương quan thân mật giữa đời sống luân lý và niềm hy vọng vào sự trở lại của Đức Ki-tô.
4:1-13 Một lời kêu gọi sống thánh thiện và yêu thương.
4:14-18 Mối tương quan giữa sự trở lại của Đức Ki-tô và sự phục sinh của tín hữu.
5:1-11 Cần tỉnh thức vì ngày Đức Ki-tô trở lại sẽ xảy ra bất ngờ.
5:12-24 Một lời kêu gọi liên quan đến đời sống cộng đoàn.
Trong suốt đời sống của mình, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca luôn mong đợi Đức Ki-tô trở lại. Khi các thành viên của cộng đoàn đã qua đời mà Đức Ki-tô vẫn chưa trở lại, họ tỏ ra băn khoăn: “Điều gì sẽ xảy ra cho người đã khuất vào ngày Đức Ki-tô trở lại? Họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Đức Ki-tô hay là họ sẽ bị lãng quên?” Bài đọc hôm nay là câu trả lời của thánh Phao-lô cho thắc mắc ấy, một thắc mắc có vẻ lạ lùng đối với những cộng đoàn ít quan tâm đến sự trở lại của Đức Ki-tô.
Thánh Phao-lô trả lời rõ ràng: Có một sự liên kết thân mật giữa sự phục sinh của Đức Ki-tô và sự phục sinh của những ai tin vào Người. Vào ngày Đức Ki-tô trở lại, người chết sẽ được sống lại và được ở với Đức Ki-tô muôn đời. Thực ra, họ thậm chí sẽ được ở trong một vị trị ưu tiên hơn vị trí của những người còn sống vì họ sẽ được sống lại trước. Sau đó người còn sống mới được đưa đi với họ để gặp Đức Ki-tô.
Bài đọc này khó giảng bởi vì nó sử dụng nhiều hình ảnh và biểu tượng để diễn tả điều vẫn chưa xảy ra: sự trở lại của Đức Ki-tô và sự phục sinh của người chết. Nhiệm vụ của nhà thuyết giảng trở nên phức tạp bởi vì có một vài tín hữu tin rằng Đức Ki-tô sẽ trở lại ngay lúc họ còn tại thế. Tuy nhiên, sự trở lại của Đức Ki-tô là đức tin mà tín hữu tuyên xưng mỗi khi tham dự Thánh Lễ, “Đức Ki-tô đã chết, Đức Ki-tô đã sống lại, Đức Ki-tô sẽ trở lại!” Vậy việc tuyên xưng sự phục sinh của người chết và ngày Đức Ki-tô đến lần thứ hai có ý nghĩa gì?
Ở đây, chúng ta cần làm sáng tỏ hai điều. Thứ nhất, sự phục sinh của Đức Ki-tô là một sự kiện tách biệt: Nó bắt đầu cho sự phục sinh chung cuộc của người đã khuất. Đó là sự bắt đầu của tận cùng thời gian. Bởi vì Đức Ki-tô đã trỗi dậy, tín hữu cũng sẽ được trỗi dậy. Tuy nhiên, sự phục sinh chung cuộc sẽ không xảy ra cho đến khi thời gian đến điểm tận kết, lúc Đức Ki-tô trở lại. Tuy nhiên, việc Đức Ki-tô đã trỗi dậy có nghĩa là Người có thể trở lại bất kỳ thời điểm nào để bắt đầu sự phục sinh chung cuộc của người chết.
Thứ hai, sự trở lại của Đức Ki-tô là chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa đối với tội lỗi và sự chết. Chiến thắng cuối cùng đã xảy ra trên thánh giá, nhưng sức mạnh của tội lỗi và sự chết sẽ không bị tiêu diệt cho đến ngày Đức Ki-tô trở lại, thời điểm mà người chết sẽ trỗi dậy và thần chết bị tiêu diệt. Vì thế, sự trở lại là chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa, và đây là lý do Giáo Hội tuyên xưng “Đức Ki-tô sẽ trở lại.”
Để giảng bài đọc này, nhà giảng thuyết có thể bắt đầu với câu tung hô thánh thể hoặc với câu tuyên xưng đức tin: “Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Đây là câu mà cộng đoàn thường tuyên xưng mỗi tuần. Việc suy tư về nó sẽ cho thấy trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo chính là sự hướng về ngày trở lại của Đức Ki-tô.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 58-59.