HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM
Đồng Kinh Nghiệm Như Là Nền Tảng Cho Tính Liên Chủ Thể
Trong Tư Tưởng Của Edmund Husserl
Luận văn tốt nghiệp
Chương trình Dự Bị và Triết Học
Tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam
Học viên thực hiện
Phêrô Maria Nguyễn Cao Cường, S.J.
Giáo sư hướng dẫn
Antôn Trần Khắc Bá, S.J.
Tháng 5 năm 2020
Mục Lục
- Dẫn Nhập
- Kinh Nghiệm Trong Trường Phái Hiện Tượng Học
- Liên Chủ Thể Có Nền Tảng Từ Việc Đồng Kinh Nghiệm
- Liên Chủ Thể Và Quan Niệm Về Thế Giới Sống (Lifeworld)
- Kết Luận
- Thư Mục Tham Khảo
Dẫn Nhập
Nhìn một cách tổng quan, nếu xem hiện tượng học là một phương pháp luận, người ta có thể dừng lại ở lý thuyết về ý hướng tính và phương pháp giảm trừ (epoché) mà Edmund Husserl đã bàn đến. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở phương pháp luận hay lý thuyết nhận thức, thì triết thuyết của Husserl cũng không quá nổi bật nếu so sánh với Decartes hay Kant. Hơn nữa nếu chỉ dừng lại ở đó, thì Husserl vẫn chỉ ở trong vòng luẩn quẩn của lý thuyết duy ngã, hay chủ thuyết duy tâm khách quan hay chủ quan mà trước đó Decartes và Kant đã mắc phải, và đã bị phê bình nhiều. Với ước mơ đưa hiện tượng học trở thành một môn khoa học chân chính và trở thành nền tảng cho các ngành khoa học khác để từ đó con người có thể chạm đến được chân lý đích thực thì Husserl phải có cái gì đó khác.
Cái khác trong triết lý hiện tượng học là sự giảm trừ một cách tận căn. Nhưng sự giảm từ này không dừng lại trong thế giới riêng của mình, mà hướng đến một thế giới chung trong đó có tôi và người khác cùng mọi sự vật. Trong tư tưởng của mình, Husserl đi từ hiện tượng học mô tả trong giai đoạn đầu tiếp xúc với triết học của ông và chuyển dần sang hiện tượng học siêu nghiệm. Chưa dừng lại ở đó, trước những thay đổi về mặt xã hội, kinh tế, chính trị, cũng như trước những phê bình cho rằng ông đang đi vào chủ thuyết duy ngã, Husserl mới lần bước bàn về vấn đề liên chủ thể. Nói một cách rõ hơn, có thể thấy:
Về mặt xã hội, thời kỳ cuối mà Husserl sống là lúc toàn bộ châu Âu đang trải qua những biến động và khủng hoảng khắp nơi. Năm 1914, cuộc chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất nổ ra khiến toàn bộ nước Đức và châu Âu bị tàn phá. “Sau chiến tranh, nước Đức phải bồi thường thiệt hại chiến tranh, kinh tế Đức gặp khó khăn; lạm phát phi mã kéo dài đến năm 1924. Không lâu sau đó, nước Mỹ khởi đầu cuộc khủng hoảng kinh tế và lan nhanh đến châu Âu trong đó có Đức.”[1] Khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng về chính trị. Năm 1933, Hitler lên nắm chính quyền, thi hành chính sách diệt chủng, khiến những người Do Thái phải khổ sở, trong đó có Husserl. Husserl nhận thấy một sự chia cắt giữa người với người, thế giới bị tàn phá nặng nề.
Về mặt triết thuyết, sau khi chạm đến cái tôi siêu nghiệm (transcendental Ego) bằng phương pháp giảm trừ hiện tượng học (phenomenological reduction) như là nền tảng cho toàn bộ quá trình nhận thức, hiện tượng học của Husserl bị phê bình là chủ thuyết duy tâm chủ quan, hoặc khắt khe hơn là chủ thuyết duy ngã. Sở dĩ người ta phê bình như vậy là vì Husserl đã lấy cái tôi siêu nghiệm làm điểm quy chiếu cho tất cả mọi sự, và bế tắc trong vấn đề về những chủ thể khác, cũng như vấn đề về một thực tại khách quan.
Do vậy, vấn đề liên chủ thể được bàn đến như một phản ứng của Husserl trước những vấn đề của thời đại, và như một câu trả lời cho những phê bình về hiện tượng học siêu nghiệm. Bài viết này đích thị không bàn một cách chi tiết về vấn đề liên chủ thể, nhưng sẽ bàn đến khái niệm “đồng kinh nghiệm” mà dựa trên đó mới dẫn đến chủ đề liên chủ thể. Về mặt nội dung chính, bài viết sẽ được chia thành ba phần, và trong từng phần sẽ cố gắng làm rõ từng câu hỏi liên quan đến việc đồng kinh nghiệm.
Sau khi đã bàn về những lý do dẫn đến mối quan tâm của Husserl về vấn đề liên chủ thể, phần I sẽ nói về khái niệm “kinh nghiệm” trong trường phái hiện tượng học của Edmund Husserl. Trong đó, khái niệm về ý hướng tính và phương pháp giảm trừ – epoché sẽ được bàn đến như là thái độ và phương pháp để một chủ thể có thể kinh nghiệm được đối tượng một cách trực tiếp từ nhãn quan ngôi thứ nhất (first-person perpective). Kết thúc phần này, hiện tượng học đạt được cái tôi siêu nghiệm và bị phê bình là thừa kế chủ thuyết duy tâm chủ quan. Câu hỏi được đặt ra, nếu là duy tâm chủ quan, vậy vấn đề về những chủ thể khác ngoài tôi sẽ như thế nào? Liệu có một khả thể nào cho việc đồng kinh nghiệm giữa các chủ thể, để từ đó trở thành nền tảng cho tính liên chủ thể hay không? Câu trả lời của Husserl là có, và toàn bộ phần II sẽ trả lời câu hỏi này. Trong phần II có hai câu hỏi được đặt ra, nếu có thể đồng kinh nghiệm được, vậy thì đâu là nền tảng? Lý thuyết đơn tử và khái niệm về sự thấu cảm sẽ được bàn đến. Kế tiếp là, nếu có thể đồng kinh nghiệm được thì các chủ thể có thể đồng kinh nghiệm về điều gì? Các chủ thể có thể đồng kinh nghiệm về chính tôi, về tha thể và về sự vật. Cuối cùng là câu hỏi mục đích của đồng kinh nghiệm là gì? Đây cũng chính là một mối bận tâm thúc đẩy Husserl bàn về khái niệm liên chủ thể, do đó phần III sẽ là câu trả lời. Cuối cùng trong phần kết luận sẽ tóm lược lại nội dung bài viết, mức độ quan tâm về chủ đề, và đôi chút nhận định của người viết khi tìm hiểu về tư tưởng của Edmund Husserl.
Kinh Nghiệm Trong Trường Phái Hiện Tượng Học
Kinh nghiệm trong trường phái hiện tượng học là một cuộc gặp gỡ giữa một chủ thể và đối tượng để đưa đến một sự nhận thức về đối tượng. Sau cuộc gặp gỡ ấy, chủ thể có thể thốt lên rằng: à, tôi đã có kinh nghiệm về điều ấy! Trong trường phái hiện tượng học, các triết gia luôn nêu cao khẩu hiệu “trở về với chính bản thân sự vật” (return to the things themselves). Điều này phải được hiểu như thế nào? Vì mới thoạt nhìn, có vẻ khái niệm “vật tự thân” đã được Immanuel Kant bàn đến, và chủ trương là con người không thể tri nhận được. “Vật tự thân” trong trường phái hiện tượng học, hay ít là đến lúc này, hoàn toàn là đối tượng của ý thức thuần túy, và “trở về với bản thân sự vật” là trở về với cuộc gặp gỡ uyên nguyên ban đầu của tôi và sự vật, mà ở đó sự vật tỏ ra cho tôi như chính nó là.
Vì thế, để có được kinh nghiệm uyên nguyên về sự vật, Husserl bàn đến phương pháp epoché để chọn cho mình một thái độ kinh nghiệm và trở về với miền hiện tượng, cùng với đó là khái niệm ý hướng tính để bàn về cấu trúc kinh nghiệm.
Phương Pháp Epoché Như Là Thái Độ Kinh Nghiệm
Trong thời đại của Husserl, khoa học phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các nhà khoa học đã đề ra những lý thuyết và dựa vào đó mà giải thích về thế giới, như Isaac Newton với định luật vạn vật hấp dẫn, Einstein với thuyết tương đối. Sinh học cũng nghiên cứu thế giới dưới cái nhìn sinh hóa. Về mặt triết học, người ta luôn đề cao việc quay trở lại với Kant trong khung nhận thức qua mười hai phạm trù. Người ta có cảm tưởng rằng tất cả mọi cái đều có thể giải thích dưới cái nhìn của khoa học. Do đó khi nhận thức một điều gì đấy, thước đo của khoa học, những tiền đề mà khoa học đưa ra luôn được xem là tiêu chuẩn để đánh giá và nhìn nhận. Như vậy, người ta đã nhận thức hay kinh nghiệm từ nhãn quan bên ngoài, điều mà Husserl gọi là kinh nghiệm từ nhãn quan ngôi thứ ba. Husserl không chấp nhận điều đấy. Ông muốn rằng chính chủ thể kinh nghiệm phải kinh nghiệm từ nhãn quan ngôi thứ nhất một cách trực tiếp điều mà sự vật tỏ ra cho tôi. Do đó, Husserl bàn đến phương pháp epoché hay phương pháp giảm trừ như là một thái độ kinh nghiệm mà chủ thể cần có trong quá trình kinh nghiệm về sự vật. Mục đích cuối cùng mà Husserl muốn đạt đến là bản thân sự vật như khẩu hiệu của trường phái hiện tượng học: “return to the things themselves”.
Để trở về với chính sự vật, hiện tượng học cần có một thái độ biết hoài nghi, biết đặt câu hỏi, biết trăn trở và không dễ dàng thỏa mãn với những gì người khác mang lại. Vậy nên, epoché trước hết là một thái độ hoài nghi. Sở dĩ cần phải có thái độ hoài nghi là vì, trong thời đại của mình, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên, người ta tiếp thu không điều kiện thế giới bên ngoài mà họ sống cùng với quy luật nhân quả của nó. Đồng thời, người ta cố gắng “tự nhiên hóa” tất cả mọi thứ, kể cả thế giới ý thức của con người. Dẫu vậy, thái độ hoài nghi của hiện tượng học không giống với thái độ hoài nghi của Decartes. Thái độ hoài nghi của Decartes là chối bỏ tất cả để cuối cùng tìm thấy hành vi hoài nghi của chủ thể đang hoài nghi là không thể hoài nghi. Còn thái độ hoài nghi của hiện tượng học là gác sang một bên, là để trong ngoặc những tiền kiến, để chính tôi, một chủ thể kinh nghiệm có thể kinh nghiệm trực tiếp đối tượng đang tỏ ra cho tôi.
Do đó, epoché không phải là loại trừ hay là không đoái hoài đến những tiền kiến (những tri thức đã có về thực tại). Nhưng đúng hơn, là đặt những tiền kiến này vào trong ngoặc để chúng không ảnh hưởng đến tôi trong quá trình truy tìm bản chất, để có thể tập trung một cách kỹ lượng và trực tiếp hơn vào hiện tượng đang hiện ra cho tôi. Husserl viết rằng: “chúng ta đặt nó bên ngoài hành động của chúng ta, chúng ta không kết nối với nó, chúng ta đóng khung nó.”[2] Giả như khi một công thức toán học được đưa ra, tôi sẽ không dễ dàng coi công thức đó là đúng như người ta đã chứng minh. Tôi sẽ bỏ sang một bên tất cả những lý chứng mà người ta nói để chính tôi đi tìm và chứng minh. Kết quả sau cùng là để tôi có thể thốt lên rằng, công thức toán học này là đúng, không phải vì tôi nghe người ta nói, nhưng vì chính tôi đã trăn trở, tìm tòi và chứng minh được.
Husserl viết thêm rằng: “sự tra vấn của chúng ta nên hướng về điều đang được ban tặng từ thực tại (the givenness of reality).”[3] Nghĩa là chúng ta nên tập trung vào cách thức mà thực tại đang tỏ ra cho chúng ta kinh nghiệm. Mặt khác, chúng ta không được để cho bất kỳ lý thuyết nhận thức nào ảnh hưởng đến quá trình kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta bỏ vào trong ngoặc những tiền kiến để có thể kinh nghiệm trực tiếp được đối tượng từ nhãn quan ngôi thứ nhất. “Tôi tách biệt chúng hoàn toàn. Tôi không sử dụng những tiêu chuẩn của chúng. Tôi không ưu tiên bất kỳ một giả định nào cho dù giá trị minh chứng rõ ràng đến đâu. Tôi không sử dụng bất kỳ tiền đề nào để làm nền tảng kinh nghiệm của tôi.”[4] Đó là phương pháp giảm trừ triết học mà Husserl bàn đến.
Chưa dừng lại ở đó, Husserl còn bàn đến phương pháp giảm trừ hiện tượng học hay phương pháp giảm trừ siêu nghiệm. Husserl nhận thấy rằng, “cái tôi suy tư” của Decartes vẫn chưa phải là tận cùng và chính nó cũng cần phải được bỏ vào trong ngoặc. Sở dĩ như thế, vì theo Husserl, “cái tôi suy tư” của Decartes là một cái tôi đang nhận thức, đang kinh nghiệm trong không gian và thời gian. Do đó, nó chịu ảnh hưởng của những quy luật nhân quả của thế giới tự nhiên. Thêm vào đó, Husserl cũng cho rằng, cái tôi suy tư của Descartes vẫn còn mang những cơ cấu tâm lý, nghĩa là phụ thuộc vào trạng thái tâm lý của tôi. Như khi tôi vui thì tôi thấy khác, lúc tôi buồn thì tôi nhìn khác. Cái tôi này cần phải được bỏ vào trong ngoặc, cần phải được giảm trừ để có thể đạt được cái tôi hiện tượng học – cái tôi siêu nghiệm. Cũng vấn đề này, trong tác phẩm Ý Niệm Hiện Tượng Học – Năm Bài Giảng Về Hiện Tượng Học, Husserl nhấn mạnh: “Khi bắt đầu phê phán nhận thức thì toàn bộ thế giới, thế giới tự nhiên vật lý và tâm lý, kể cả cái bản ngã của chính mình, cùng với mọi ngành khoa học có quan hệ với những đối tượng khách quan này, đều phải được đưa vào danh mục những điều khả vấn.”[5]
Vì thế, sau khi đã đặt thế giới tự nhiên vào trong ngoặc, chính bản thân chủ thể kinh nghiệm cũng cần được đặt vào trong ngoặc để đạt được cái tôi siêu nghiệm (transcendental Ego), một cái tôi của ý thức thuần túy. Bằng phương pháp giảm trừ hiện tượng học, sẽ không còn cái tôi tâm lý – cái tôi chịu sự chi phối của quy luật nhân quả, và mang những cơ cấu tâm lý vui, buồn lẫn lộn. “Ngang qua việc giảm trừ hiện tượng học (phenomenology epoché), tôi giảm trừ cái tôi con người tự nhiên của mình (my natural human Ego) và đời sống tâm lý của tôi (my psychic life) vào trong cái tôi hiện tượng học siêu nghiệm của mình.”[6] Có thể nói, epoché hay phương pháp giảm trừ, là một phương pháp tận căn và phổ quát, mà qua đó tôi tiếp cận được chính tôi một cách thuần túy: “tôi như là một cái tôi (ego) và đi vào trong lãnh vực ý thức thuần túy của tôi, chính ở nơi đó và trong đó mà đối tượng tỏ ra cho tôi như chính nó là”.[7]
Nói tóm lại, epoché là một sự thay đổi thái độ để hướng về thực tại, chứ không loại trừ thực tại. Thực vậy, “giống như cái được chứa đựng nằm trong cái chứa đựng. Cũng vậy, những “tiền kiến” vẫn có đó, nhưng chúng ta không sử dụng chúng.”[8] Kết quả là, “ngang qua epoché, một cách thức kinh nghiệm mới, một cách thức suy tư mới về thực tại được mở ra cho tôi.”[9] Chính epoché giúp tôi vượt qua thái độ tự nhiên ngây ngô (the naïve natural attitude) – một thái độ dễ dàng chấp nhận và thỏa mãn với tri thức nghe nói hay tri thức giáo điều chủ quan để đi đến một thái độ triết học (the theoretical/philosophical attitude) – một thái độ truy tìm tri thức vì chính tri thức, một thái độ biết mở ra với thực tại đang tỏ hiện cho tôi.
Sau khi đã chuẩn bị cho mình một thái độ kinh nghiệm trực tiếp từ nhãn quan ngôi thứ nhất bằng phương pháp epoché, Husserl đi vào trong miền hiện tượng ở nơi ý thức thuần túy. Ở đó, ông tìm thấy cấu trúc kinh nghiệm của chủ thể với khái niệm về ý hướng tính.
Ý Hướng Tính – Cấu Trúc Kinh Nghiệm
Với thái độ “ôn cố nhi tri tân”, thiết tưởng cũng nên biết, Husserl không phải là người đầu tiên bàn về khái niệm ý hướng tính, nhưng là Brantano. Husserl, mặc dù khởi đi là một nhà toán học, nhưng ông vẫn dành một sự quan tâm đặc biệt cho những vấn đề triết học. Nên giai đoạn từ năm 1884 đến 1886, ông đã được thôi thúc theo học triết học với Franz Brentano ở Vienne. Trong suốt thời gian học tập và phụ giúp Brentano, Husserl đặc biệt bị cuốn hút bởi khái niệm ý hướng tính của Brentano; và ông đã vận dụng để bàn về mối tương quan giữa chủ thể ý thức và đối tượng ý thức từ nhãn quan chủ thể trực tiếp (subject-directed perspective).
Thêm vào đó, khái niệm ý hướng tính mà Husserl bàn đến cũng bắt đầu từ phê bình về công thức mà Dercartes đưa ra cogito ergo sum – tôi suy tư, tôi hiện hữu. Trong đó, Descartes nhấn mạnh đến cái tôi suy tư mà không chú ý nhiều đến chủ thể đang thực hiện hành vi suy tư và đối tượng được suy tư. Với Husserl, chúng ta không thể nói, tôi suy tư một cách không không như vậy được. Nhưng khi nói tôi suy tư, thì phải là tôi suy tư cái gì đó. Vì thế, trong công thức ý hướng tính mà Husserl đưa ra có ba thành tố, ego-cogito-cogitatum[10]. Trong hành vi suy tư, phải luôn có một chủ thể đang thực hiện hành vi suy tư và một đối tượng mà chủ thể suy tư đang hướng về ngang qua hành vi suy tư. Husserl nhấn mạnh rằng: “quá trình ý thức cũng được gọi là ý hướng (intentional). Từ ngữ ý hướng tính nhắm đến đặc tính nền tảng phổ quát này của ý thức: ý thức là ý thức về một điều gì đó; một cái tôi suy tư luôn mang trong mình đối tượng của chính nó.”[11]
Cái tôi (Ego) mà Husserl muốn nói đến ở đây là cái tôi hiện tượng học thuần túy. Đó là cái tôi của kết quả sau khi đã giảm trừ cái tôi con người tự nhiên và cái tôi tâm lý ngang qua việc giảm trừ hiện tượng học như đã đề cập ở trên. Husserl viết thêm: “Cái tôi con người này là một sự vật ở trong thế giới, và trải nghiệm của con người này thì thuộc về thời gian khách quan. Tất cả những điều ấy điều là những cái “siêu việt”[12] và vô hiệu về mặt nhận thức luận. Chỉ khi nào thông qua sự quy giản hiện tượng học, thì tôi mới có được một cái gì được mang lại một cách tuyệt đối.”[13] Cái được mang lại một cách tuyệt đối ở đây là cái tôi hiện tượng học và đối tượng được hướng đến nơi ý thức thuần túy.
Đối tượng được Husserl đề cập đến ở đây không phải là một đối tượng thực hữu ở bên ngoài ý thức. Tất nhiên hiện tượng học không chối bỏ sự thực hữu của “đối tượng” trong không gian và thời gian. Nhưng ở đây, đối tượng được ý thức hướng về là một đối tượng ở trong miền hiện tượng học nơi ý thức thuần túy. Còn đối tượng thực hữu thì đã được bỏ vào trong ngoặc. Ví dụ, khi tri giác (perception) về một ngôi nhà. Ngôi nhà thực hữu được coi là siêu việt sẽ được bỏ vào trong ngoặc sau khi tiến hành giảm trừ hiện tượng học. Thế nhưng, nơi ý thức thuần túy ngôi nhà lại xuất hiện, “đối tượng được nhận thức này, hay cái cogitatio này là thực sự được mang lại một cách hiển nhiên, xuất hiện và trôi chảy trong dòng chảy của ý thức.”[14] Nơi ý thức thuần túy, đối tượng được ý thức tự trình diện chính mình cho chủ thể đang nhận thức.
Vì thế, ý hướng tính có thể được mêu tả là “sự thuộc về” (aboutness) hay là “sự trực tiếp” (directness) của những tình trạng của ý thức.[15] Husserl định nghĩa ý hướng tính như là một đặc nét trong cách thức mà chủ thể hướng đến các khách thể tính (objectivites). Do vậy, Husserl gọi những hành động chủ ý (intentional acts) là những hành động khách thể hóa (objectifying acts). Bởi vì, những hành động đó có khả năng khách thể hóa hay có thể tỏ bày đối tượng với một chủ thể trong ý thức.[16]
Như vậy có thể thấy, công thức mà Husserl đưa ra bao gồm một cấu trúc kinh nghiệm của một chủ thể đang thực hiện hành vi suy tư và hướng đến một đối tượng được suy tư. Trong công thức đó, có thể thấy được một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa chủ thể và đối tượng. Do đó, sau khi đã tách biệt và đi vào được lãnh vực “ý thức thuần túy” hay “chủ thể tính siêu nghiệm” bằng phương pháp giảm trừ siêu nghiệm, Husserl tìm thấy ý hướng tính hướng ra ngoài chính nó đến những đối tượng (consciousness directed beyond itself)[17]. Chính nơi ý thức thuần túy, Husserl tìm thấy những hành động của ý thức và những đối tượng của những hành động ấy. Ví dụ, hành vi nhớ lại và đối tượng được nhớ đến. Hành vi nhận thức và đối tượng được nhận thức. Với Husserl, “mẫu thức này là đặc tính chính yếu của kinh nghiệm ý thức (the principle characteristic of conscious experiences / Erlebnisse). Mẫu thức này được gọi là ý hướng tính, và có thể nói rằng ý thức cũng chính là ý hướng tính.”[18] Nghĩa là ý thức thì luôn luôn hướng trực tiếp đến một đối tượng: ý thức luôn luôn là ý thức về một điều gì đó. Ý hướng tính cho thấy cấu trúc kinh nghiệm trong trường phái hiện tượng học là một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa một chủ thể đang kinh nghiệm và một đối tượng được kinh nghiệm nơi ý thức thuần túy. Ở đó, đối tượng tự tỏ lộ chính mình cho tôi trong nhãn quan ngôi thứ nhất.
Kinh Nghiệm – Một Cuộc Gặp Gỡ Trực Tiếp
Khái niệm “kinh nghiệm” đóng một vai trò quan trọng trong tư tưởng của Edmund Husserl. Đó là nguồn của tri thức, như Husserl đã viết: “tri thức tự nhiên (natural knowledge) bắt đầu với kinh nghiệm và tiếp diễn trong (remains within) kinh nghiệm.”[19] Trong triết thuyết hiện tượng học của mình, khi nói về kinh nghiệm, Husserl dùng thuật ngữ Erfahrung – một cuộc gặp gỡ (an encounter) – “đó là một kinh nghiệm tròn đầy (the full-fledged) hay là hành động của ý thức mà ở đó đối tượng được ban tặng cho ý thức như chính nó là.”[20] Ngoài ra còn có động từ erleben, thường được dịch là kinh nghiệm sống (lived experience) để nói đến một điều gì đấy đã được trải qua (lived through).[21] Do vậy, khái niệm “kinh nghiệm” được bàn đến ở đây gắn liền với những gì đã được bàn đến ở trên về thái độ kinh nghiệm ngang qua việc giảm trừ (epoché) và ý hướng tính. Nghĩa là để kinh nghiệm về một đối tượng theo cách hiện tượng học, thì tôi phải thực hiện việc giảm trừ triết học và giảm trừ hiện tượng học để đạt được cái tôi hiện tượng học như là một chủ thể đang kinh nghiệm. Từ đó, tôi có thể gặp gỡ đối tượng được kinh nghiệm đang trình diện ra cho tôi nơi miền hiện tượng học trong ý thức thuần túy một cách uyên nguyên và trực tiếp từ nhãn quan ngôi thứ nhất.
Vì thế Husserl miêu tả, “kinh nghiệm là sự ý thức về một điều gì đó: ví dụ, một giả định (fiction) thì phải là giả định về điều này hoặc điều kia. Một sự tri giác (perception) thì phải là sự tri giác về đối tượng thực hữu (real) nào đó”[22]. Ở đây, có thể thấy một mối tương quan giữa việc kinh nghiệm và chủ thể kinh nghiệm. Husserl đã viết: “mỗi ‘cái tôi suy tư’ (cogito) được nêu bật như là hành động của chủ thể suy tư (Ego) được thực hiện từ chủ thể suy tư thực sự.”[23] “Mỗi kinh nghiệm là một kinh nghiệm của cái tôi thuần túy của kinh nghiệm đó (its pure Ego).”[24] Do đó, theo Husserl, kinh nghiệm sẽ có những tính chất như: được tỏ lộ ra từ nhãn quan ngôi thứ nhất, được mang lại một cách uyên nguyên và trực tiếp.
Kinh nghiệm là cái tỏ ra cho tôi từ nhãn quan ngôi thứ nhất. Ngôi thứ nhất là một cụm từ quan trọng. Đó là cụm từ cho thấy một sự rõ ràng và phân minh của điều đang tỏ lộ. Cũng như Descartes, trong trường phái hiện tượng học, chỉ có cái tỏ ra cho tôi một cách rõ ràng và phân minh thì mới đáng tin. Ở đây, cái tỏ ra cho tôi một cách rõ ràng và phân minh là cái tôi siêu nghiệm như là chủ thể kinh nghiệm, và hiện tượng được tỏ ra cho tôi nơi ý thức thuần túy như là nội dung kinh nghiệm. Vì thế, “miêu tả về một sự vật như chúng ta kinh nghiệm về chúng từ nhãn quan ngôi thứ nhất cũng là miêu tả về những hình thái (forms) của ý thức mà ở đó chúng ta kinh nghiệm về những đối tượng và những cách thức trao tặng của chúng (their mode of being given).[25] Khi nói, tôi có kinh nghiệm về điều này điều kia, tức là tôi đã gặp gỡ chính nó, đã sống biến cố đó, sự kiện đó. Tôi không đứng bên ngoài như một người thứ ba, nhưng dấn thân vào một mối tương quan trong ngôi thứ nhất. Tại đó, tôi chân nhận điều được ban tặng cho tôi từ chính sự vật hay biến cố mà tôi gặp gỡ.
Kinh nghiệm là điều được ban tặng một cách uyên nguyên và trực tiếp. Cái uyên nguyên và trực tiếp ở đây là cái được ban tặng nơi miền hiện tượng học trong ý thức thuần túy sau khi đã giảm trừ hiện tượng học. Husserl còn nói rõ hơn: “chúng ta có kinh nghiệm uyên nguyên về những thực thể vật lý cụ thể (concrete physical entities) trong tri giác ngoại tại (external perception). Còn trong tri giác nội tại (internal perception), chính là bản thân chúng ta và những tình trạng ý thức của chúng ta.”[26] Ở trong kinh nghiệm uyên nguyên, đối tượng trình diện ra cho tôi một cách trực tiếp, và tôi thấy sự vật như chính nó là.
Ngoài ra, để nói về tính uyên nguyên của kinh nghiệm, Husserl còn dùng cụm từ “dòng chảy kinh nghiệm” (the stream of experience). Cụm từ “dòng chảy” gợi lại câu nói nổi tiếng của Heralistus, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Cũng thế, kinh nghiệm luôn là một kinh nghiệm mới như lần đâu tiên gặp gỡ. Kinh nghiệm luôn phải có tính uyên nguyên. Kinh nghiệm không bao giờ là việc lặp lại cái đã trải qua trước đó. Trong trường phái hiện tượng học, điều này có được là nhờ vào thái độ kinh nghiệm một cách trực tiếp ngang qua phương pháp giảm trừ.
Tóm lại, kinh nghiệm trong trường phái hiện tượng học là sự gặp gỡ trực tiếp của chủ thể nhận thức với đối tượng được nhận thức từ nhãn quan ngôi thứ nhất nơi ý thức thuần túy. Husserl dùng cụm từ “pure Ego” để nói về cái tôi siêu nghiệm như là chủ thể nhận thức sau khi đã giảm trừ hiện tượng học, và cụm từ “lãnh vực uyên nguyên” (original sphere/primordial spere) để nói về miền hiện tượng học nơi ý thức thuần túy. Đó là nơi mà đối tượng ý thức (intentional object) tự trình diện chính mình.
Đến đây, bằng phương pháp epoché, đặc biệt là giảm trừ hiện tượng học để có được cái tôi siêu nghiệm như là chủ thể kinh nghiệm và miền hiện tượng học nơi ý thức thuần túy như là chân trời cho đối tượng tự tỏ lộ, bằng khái niệm ý hướng tính để nói về tính hướng đến một cách trực tiếp đến đối tượng được nhận thức của chủ thể nhận thức, hiện tượng học dường như trở thành một lý thuyết duy tâm chủ quan. Nhiều nhà phê bình còn cho rằng hiện tượng học và bản thân Husserl trở thành chủ thuyết duy ngã. Nghĩa là chủ thuyết cho rằng tôi chỉ biết được thế giới của tôi, còn thế giới bên ngoài tôi thì tôi không thể biết được. Để trả lời cho vấn nạn được đặt ra, Husserl phải tìm cách để cho thấy tha thể là những chủ thể đang kinh nghiệm khác, và thực tại khách quan bên ngoài vượt lên trên kinh nghiệm của chủ thể. Đứng trước sự hiện diện của tha thể như là những chủ thể đang kinh nghiệm khác, liệu có một khả thể nào để các chủ thể đồng kinh nghiệm với nhau và trở thành nền tảng cho vấn đề liên chủ thể hay không? Câu trả lời của Husserl là có. Có một khả thể như vậy. Một cách chi tiết, câu trả lời sẽ được bàn tiếp trong phần tiếp theo.
Liên Chủ Thể Có Nền Tảng Từ Việc Đồng Kinh Nghiệm
Cấu Trúc Liên Chủ Thể
Để có thể hồi đáp cho những phê bình khi người ta cho rằng, hiện tượng học đang rơi vào chủ nghĩa duy ngã, Husserl đã cố gắng đi tìm cấu trúc liên chủ thể nơi mỗi chủ thể ngang qua khái niệm đơn tử của Leibniz. Nhưng, những đơn tử ở đây không phải là những đơn tử riêng biệt trong thế giới riêng của mình, nhưng là những đơn tử với những ô cửa sổ được mở ra để sẵn sàng tương tác với các đơn tử khác ngang qua hành động của sự thấu cảm để từ đó làm nên tính đồng kinh nghiệm của các đơn tử và trở thành nền tảng cho tính liên chủ thể. Trong phần này sẽ bàn về cấu trúc liên chủ thể ngang qua lý thuyết về các đơn tử với các ô cửa sổ, khái niệm về sự thấu cảm, và khái niệm đồng kinh nghiệm của các đơn tử sau khi đã tìm thấy cấu trúc liên chủ thể.
Lý Thuyết Về Đơn Tử
Trong hành trình phát triển tư tưởng hiện tượng học của mình, Husserl gặp gỡ lý thuyết đơn tử (monad) của Leibniz, và đã áp dụng vào hiện tượng học. Husserl thường dùng khái niệm đơn tử để thay thế khi nói về cái tôi siêu nghiệm sau khi đã giảm trừ hiện tượng học. Sở dĩ điều này là vì cho đến lúc này, tất cả những gì mà một chủ thể kinh nghiệm được đều diễn ra trong thế giới đã được giảm trừ vào trong lãnh vực ý thức thuần túy của chủ thế.
Trong quan niệm của Leibniz, đơn tử là thực thể căn bản nhỏ nhất và không thể chia nhỏ thêm được nữa. Mỗi đơn tử là một thực thể độc lập, có ý thức riêng và có thế giới riêng của mình. Các đơn tử của Leibniz có một thế giới đóng kín và không có sự tương tác với các đơn tử khác. Các đơn tử của Leibniz không có các “khung của sổ”, do đó không có sự tương thông với thế giới bên ngoài, và với các đơn tử khác. “Các đơn tử không có các ô cửa sổ, do đó không có bất kỳ điều gì có thể đi vào và đi ra.”[27] Điều này có nghĩa là mỗi đơn tử chỉ có thể biết được về thế giới của riêng mình, còn các đơn tử khác có hay không là điều không thể biết được. Tuy vậy, mặc dù các đơn tử là một thực thể độc lập và không cần sự tương tác với các đơn tử khác để làm tròn chính mình, nhưng các đơn tử của Leibniz đều cùng thông dự vào một đơn tử phổ quát (universal Monad), đơn tử mà Leibniz gọi là Thiên Chúa. Nên có thể thấy, các đơn tử của Leibniz thật ra cũng có sự thống nhất với nhau, vì cùng kết hiệp với Thiên Chúa. “Thực thể này (Thiên Chúa) là lý trí trọn hảo (sufficient reason) cho tất cả các thực thể đặc thù khác nhau (variety of particulars) mà qua đó tất cả các thực thể đặc thù khác nhau đó được kết nối với nhau. Thực thể tối cao này là độc nhất, phổ quát và tất yếu (nessesary).”[28] Ngoài ra, Leibniz còn dùng khái niệm đơn tử để nói về một sự thống nhất giữa res cogitans và res existen mà Descartes đã đưa ra trước đó. Với quan niệm đơn tử, Leibniz muốn nói rằng, con người là một thể thống nhất giữa phần linh hồn và phần thể xác, trong mỗi đơn tử luôn có một sự hài hòa. Các đơn tử của Leibniz tự tìm thấy sự hài hòa trong chính mình và không cần đến các đơn tử khác.
Sau khi đã tìm thấy cái tôi siêu nghiệm bằng phương pháp giảm trừ hiện tượng học như là nền tảng để thiết định nên tất cả mọi kinh nghiệm của chủ thể, Husserl gọi cái tôi trong sự đầy đủ nhất là các đơn tử (the ego taken in full concreteness)[29]. Với việc thích ứng quan niệm về đơn tử, Husserl muốn nói rằng, mỗi đơn tử là một chủ thể kinh nghiệm thực sự với thế giới kinh nghiệm của mình nơi ý thức thuần túy.
Tuy nhiên ở đây có một điểm cần lưu ý, mặc dù lấy lại lý thuyết đơn tử của Leibniz để nói về một chủ thể đang kinh nghiệm, nhưng mức độ so sánh của Husserl khác so với của Leibniz. Các đơn tử của Leibniz mang tính siêu hình, còn các đơn tử của Husserl thì có khả năng trần thế hóa (mundanization) chính mình sau khi đã giảm trừ siêu nghiệm. Nghĩa là lúc này cái tôi siêu nghiệm của Husserl “tự cấu thành chính mình như một chủ thể có thân xác nhân loại (human embodied subject) trong thế giới tự nhiên, trong thời gian, không gian và trong lịch sử.”[30] Nói một cách khác, lúc này cái tôi siêu nghiệm của Husserl có những đặc tính của cái tôi thường nghiệm. Husserl so sánh “cái tôi toàn thể tròn đầy”[31] (the full concretion of the Ego) là những đơn tử. Mà “cái tôi toàn thể tròn đầy” được hiểu như một đối tượng vật lý (physical object / Körper), như một thân thể sống động (animate body / Leib), như một tinh thần (the self qua psyche / seele), và như một con người (person).[32] Trong đó, “cái tôi như một thân thể sống động đóng một vai trò chính yếu trong cấu trúc liên chủ thể.”[33] Cái tôi như một thân thể sống động có hai vai trò nền tảng, “thân thể sống động của tôi như là “trung tâm định hướng” (centern of orientation) trong sự tri giác của tôi về những sự vật xung quanh tôi, và cũng là “cơ quan ý chí của tôi” (organ of will) để qua đó tôi có thể di chuyển cơ thể của mình.”[34]
Vì vậy, với một cách hiểu về cái tôi mang những đặc tính thường nghiệm như thế, nên những đơn tử của Husserl khác với những đơn tử của Leibniz. Những đơn tử của Husserl có những khung cửa sổ – khung cửa sổ cho phép các đơn tử trao ban và nhận lại từ thế giới bên ngoài, từ các đơn tử khác những kinh nghiệm của mình và của người khác. Husserl viết: “nếu các đơn tử không có các ô cửa sổ thì không có chủ thể nào có thể thực sự đi vào trong một đơn tử khác. Nhưng ngang qua các ô cửa sổ (các hành động của sự thấu cảm), chủ thể khác được kinh nghiệm cũng như kinh nghiệm được về quá khứ của tôi.”[35]
Husserl dùng hình tượng ô cửa sổ để nói đến khả năng tương thông giữa các đơn tử. Nhưng nói một cách chính xác, ô cửa sổ ở đây chính là sự thấu cảm mà qua đó tôi có thể đi vào trong kinh nghiệm của tha thể và đồng kinh nghiệm với họ. “Trong sự thấu cảm, cái tôi thấu cảm kinh nghiệm về đời sống nội tâm (inner life), hay nói một cách chính xác hơn, kinh nghiệm về ý thức của một chủ thể khác (other I).”[36] Với các ô cửa sổ là những hành vi của sự thấu cảm, Husserl muốn nói đến khả năng tương thông giữa các đơn tử với nhau mà không cần đến nền tảng bên ngoài, như Thiên Chúa, theo quan điểm của Leibniz.
Một điều khác nữa so với quan điểm đơn tử của Leibniz là, khi nói về khái niệm đơn tử thì đồng thời cũng nói luôn về một thế giới chung của các đơn tử. “Sự hiện hữu của mỗi đơn tử có liên hệ đến các đơn tử khác. Mỗi đơn tử được thiết định trong ý thức của chính mình về cùng một thế giới.”[37] Nghĩa là, trước đó là một đơn tử riêng biệt thì không cần quan tâm đến môi trường bên ngoài mình, nhưng là một đơn tử với các ô cửa sổ để tương tác thì không còn là một đơn tử riêng lẻ nữa. Thế giới bên ngoài như là môi trường tương thông để các đơn tử có thể tương tác với nhau. Giống như, môi trường không khí là môi trường truyền âm giữa tôi và người khác. Điều này, một cách tự nhiên cho thấy một sự kết nối giữa các đơn tử với nhau trong một cộng đồng các đơn tử. “Một cộng đồng những cái tôi được thiết định như là một cộng đồng của những cái tôi hiện hữu cùng với những cái tôi khác và cho các cái tôi khác – một cộng đồng của những đơn tử mà ở đó cùng thiết định nên một thế giới đồng nhất.”[38]
Đến đây có thể thấy được phần nào đó cấu trúc liên chủ thể. Trong phần trước, sau khi đã giảm trừ hiện tượng học để có được cái tôi siêu nghiệm và miền hiện tượng học nơi ý thức thuần túy, Husserl dùng khái niệm đơn tử từ Leibniz để nói về cái tôi siêu nghiệm này. Điều này cũng hàm chứa về một đơn tử độc nhất trong thế giới riêng của mình và không có sự tương thông với thế giới bên ngoài. Tuy vậy, Husserl đã cải biến về những đơn tử với các ô cửa sổ – những hành động thấu cảm và một thế giới chung giữa các đơn tử để cho thấy một khả thể tương quan giữa các đơn tử với nhau như là nền tảng cho tính liên chủ thể. Phần tiếp theo sẽ bàn về khái niệm thấu cảm để thấy được sự một sự kết nối giữa các đơn tử với nhau.
Sự Thấu Cảm Kết Nối Các Đơn Tử
Những đơn tử không riêng biệt, nhưng có những ô cửa sổ để kết nối với những đơn tử khác. Như Husserl đã nói, “ngang qua các ô cửa sổ (các hành động của sự thấu cảm), các chủ thể khác được kinh nghiệm.” Những ô cửa sổ ở đây được Husserl cho rằng chính là sự thấu cảm (empathy).
Nhiều người cho rằng, khi bàn về khái niệm thấu cảm, Husserl bị ảnh hưởng từ người nữ học trò của mình là Edith Stein. Ở đây, tốt hơn hết, có lẽ nên ghi nhận một sự gặp gỡ giữa Husserl và Edith Stein về khái niệm thấu cảm. Cũng chính khái niệm về sự thấu cảm đã cho thấy một lối thoát cho những phê bình về chủ thuyết duy tâm chủ quan mà Husserl có nguy cơ rơi vào sau khi đã giảm trừ tất cả để đạt được cái tôi thuần túy trong miền hiện tượng học.
Sự kết nối của các đơn tử có được khi mỗi đơn tử nhận thấy sự hiện hữu của các đơn tử khác trong cùng một cộng đồng các đơn tử. Hay nói theo kiểu của Husserl, sự kết nối giữa các đơn tử sẽ có được khi cái tôi nhận thấy có những cái tôi khác. Trong ý nghĩa như vậy, khi bàn về khái niệm “thấu cảm” cũng là bàn về kinh nghiệm về tha thể, về sự hiện diện của người khác cùng với tôi trong thế giới.
Khái niệm về sự thấu cảm được Husserl sử dụng để nói đến kinh nghiệm của một người về ý thức của một người khác hoặc của một chủ thể khác.[39] Thông thường khi nói về sự thấu cảm, chúng ta thường hay nghiêng về việc thấu hiểu cảm xúc và tâm tư tình cảm của người khác. Ví dụ, khi một người có nét mặt đau buồn đến kể cho tôi về biến cố người thân quan đời, tôi có một sự thấu cảm với người đó. Dường như, tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau mà người đó đang phải đối diện. Tuy nhiên, trong ý định của Husserl, khái niệm về sự thấu cảm không chỉ dừng lại ở việc thấu hiểu những cảm xúc của người khác, nhưng còn thấu cảm về mặt nhận thức và kinh nghiệm của người khác.
Khái niệm thấu cảm muốn nói đến khả năng của một người để thấu hiểu, lĩnh hội, hay kinh nghiệm về đời sống ý thức của một người khác, về dòng chảy kinh nghiệm của họ (the stream of experience), về tình trạng thể lý, về kinh nghiệm sống (the lived experiences), về những quá trình tâm trí, hay về thái độ của họ.[40] Với Husserl cũng như Edith Stein, sự thấu cảm là một kinh nghiệm mà qua đó chủ thể nhận thức có thể gặp gỡ trực tiếp đối tượng được kinh nghiệm từ nhãn quan của ngôi thứ nhất, chứ không phải là một hình thức của sự suy đoán hay luận lý từ những gì bên ngoài.[41] Ví dụ, khi tôi kinh nghiệm về tình trạng đau buồn của một người, tôi kinh nghiệm một cách trực tiếp tình trạng đau buồn của người đó chứ không phải tôi nhìn thấy một khuôn mặt và rút ra, hay suy đoán ra sự đau buồn từ khuôn mặt đó.
Khi bàn về sự thấu cảm, Husserl nhận thấy: “Chẳng có lãnh vực giác quan nào có thể được kinh nghiệm thấu cảm một cách trực tiếp (empathically experienced immediately) trong một thân thể mà thân thể đó được tri giác một cách ngoại tại. Điều này chỉ xảy ra khi thân thể (body) ngoại tại kia được kinh nghiệm như một thân thể sống động cho người khác ngang qua sự tái trình diện (re-presentation) của một cái nhìn khác.”[42] Đây cũng là điều tương đồng với những gì mà Edith Stein đề cập đến, chúng ta không kinh nghiệm một cách trực tiếp ý thức và những gì thuộc về ý thức của người khác, nhưng chúng ta có thể thấu cảm được với người khác về những kinh nghiệm của họ.[43]
Husserl tiếp tục nói về sự thấu cảm. Nghĩa là, chúng ta chỉ có thể thấu hiểu được người khác ngang sự tương đồng (similarity) giữa cơ thể của tôi và cơ thể của tha thể. Tôi có thể nhận thấy sự tương đồng đó ngang qua sự tương ứng (correspondence) được thiết định một cách trực tiếp giữa những hình thức không gian bên ngoài (external spatial forms) được tri giác, và những chuyển động từ cơ thể của tha thể được tri giác.[44]
Nền tảng thúc đẩy chính yếu của sự thấu cảm là sự tương đồng tri giác (the perceptual similarity) giữa thân thể của tôi và thân thể được tri giác ngoại tại. Sự tương tự này thúc đẩy một sự dịch chuyển thông giác (apperceptive transfer) mà ở nơi đó thân thể của tha thể được thấu hiểu trong sự loại suy với thân thể của chính tôi như một thân thể đang tri giác. Sự dịch chuyển thông giác này không phải là một hành động suy luận của suy nghĩ, cũng không phải là một sự suy luận logic, nhưng sự thông giác này xuất hiện ngay trong cái nhìn đầu tiên mà không có sự nhớ lại hay so sánh khi chúng ta dịch chuyển đến những đối tượng tri giác hằng ngày của chúng ta mà ý nghĩa của chúng đã được chúng ta thủ đắc.[45]
Dẫu vậy, trong khái niệm về sự thấu cảm có một khái niệm mà chúng ta cũng cần phải chú ý, đó là khái niệm về sự uyên nguyên (primodial). Theo Husserl, cũng như Edith Stein, trong trường phái hiện tượng học, chúng ta kinh nghiệm một cách uyên nguyên về những nhận thức ngoại tại (outer perception), về những đối tượng vật lý, nhưng chúng ta không nhận thức một cách uyên nguyên về tha thể và về kinh nghiệm của họ. Thay vào đó, chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm ngang qua hành động của sự thấu cảm. Hay nói một cách khác, về mặt nội dung, kinh nghiệm của tha thể không thể là một sản phẩm của sự thiết định từ cái tôi siêu nghiệm của tôi trong thế giới uyên nguyên của tôi (primordial world). Do đó, sự thấu cảm là một hành động nhận thức mang tính trực quan (intuitional dator act), chứ không phải là một hành động mang tính uyên nguyên (primordial dator act). [46]
Edith Stein giải thích thêm, “tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta đều có tính uyên nguyên, thế nhưng không phải tất cả các kinh nghiệm của chúng ta đều được trao tặng một cách uyên nguyên hay có tính uyên nguyên trong nội dung của chúng”.[47] Ví dụ, trong hành vi nhớ lại (memory), mong đợi (expectation), hay tưởng tưởng (fancy), chúng ta nhớ lại một kinh nghiệm uyên nguyên trong quá khứ nay được tái hiện lại trong hiện tại, hay mong đợi một kinh nghiệm trong tương lai nay được tiền dự trong hiện tại. Tất cả những kinh nghiệm này đều được tái hiện lại, hay được tiền dự về mặt nội dung. Do vậy, chúng không có tính uyên nguyên trong đó. Tương tự như vậy đối với hành vi của sự thấu cảm. Khi một người kể cho tôi về một kinh nghiệm của họ thì chính chủ thể đang kinh nghiệm kia mới là chủ thể có được kinh nghiệm uyên nguyên, còn tôi là một chủ thể chỉ có tính thấu cảm với chủ thể kia về kinh nghiệm của họ. Do đó, hành động của sự thấu cảm có tính uyên nguyên như là một kinh nghiệm hiện tại, nhưng không có tính uyên nguyên về mặt nội dung.[48]
Từ những gì ở đây, cùng với những điều đã đã được bàn đến ở trên về khái niệm đơn tử mà Husserl đã dùng để nói về các chủ thể kinh nghiệm có thể tương tác và trao đổi với nhau ngang qua các ô cửa sổ, chúng ta có thể thấy chính sự thấu cảm là điều kết nối các đơn tử và tạo nên sự tương tác giữa các đơn tử, để từ đó thiết lập nên một cộng đồng các đơn tử trong một thế giới chung. Các đơn tử, ngang qua sự thấu cảm, có thể kinh nghiệm được các đơn tử khác cũng đang kinh nghiệm. Chính khi nhận thấy có sự hiện diện của các đơn tử khác, tôi ý thức được rằng tôi cùng với các đơn tử khác đang cùng nhau làm thành một cộng đồng các đơn tử trong thế giới.
Đồng Kinh Nghiệm – Tiến Trình Thông Giác Loại Suy
Từ những gì đã bàn về khái niệm thấu cảm và sự tương tác của các đơn tử, có thể nói, “đồng kinh nghiệm” [49] không chỉ là một sự mở ra để tiếp nhận kinh nghiệm bên ngoài như cách chúng ta rót nước vào một chiếc ly. Thế nhưng, đồng kinh nghiệm ở đây, hiểu một cách sâu xa phải là cách thức đi vào trong kinh nghiệm của người khác ngang qua hành động của sự thấu cảm, là nhận ra người khác cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm như chính tôi. Khái niệm “đồng kinh nghiệm” nghiêng về sự thấu cảm có thể được hiểu rõ hơn khi chúng ta bàn đến khái niệm “đồng trình diện” (appresentation), và khái niệm “thông giác” (apperception).
“Đồng trình diện”, hiểu một cách nôm na là khi tôi đứng trước một ngôi nhà, thì mặt trước của ngôi nhà là cái được trình diện cho tôi một cách trực tiếp và uyên nguyên (directly and originally), nhưng đồng thời mặt sau của ngôi nhà cũng trình diện ra cho tôi. Khi tôi tri giác về mặt trước của ngôi nhà thì đồng thời tôi cũng tri giác về mặt sau của ngôi nhà. Husserl gọi sự đồng thời tri giác về mặt sau của ngôi nhà là “sự thông giác”[50] (apperception).
Tuy nhiên, kinh nghiệm về người khác không hoàn toàn như cách tôi kinh nghiệm về một ngôi nhà hay một sự vật nào đó. Vì trong khi tôi có thể kiểm chứng sự hiểu biết về mặt sau của ngôi nhà từ những gì được trực tiếp trình diện ở mặt trước bằng cách di chuyển ra phía sau, thì tôi không thể làm như thế trong kinh nghiệm về tha thể. Như một chủ thể nhận thức, tôi không thể đi vào trong ý thức của tha thể một cách trực tiếp để kiểm chứng điều tôi kinh nghiệm được ngang qua những điều được trình diện ở bên ngoài của tha thể. Hơn nữa, Husserl cũng đã nói: “chính tha thể hiện diện ở đó trước mắt chúng ta một cách tự thân (in person).”[51] Nói cách khác, chúng ta không thể kinh nghiệm trực tiếp tha thể và thế giới kinh nghiệm riêng của tha thể. Thêm vào đó “không phải chính bản thân tha thể, không phải quá trình chủ thể tính của tha thể, cũng không phải bất cứ điều gì thuộc về lãnh vực riêng của tha thể được trình diện trong kinh nghiệm của tôi một cách uyên nguyên.”[52]
Thế nhưng chính điều này mới là yếu tố làm nên tha thể, vì như Husserl có nói, “nếu như những gì thuộc về tha thể mà được tôi kinh nghiệm một cách trực tiếp, được tôi đánh giá một cách trực tiếp, thì những gì thuộc về tha thể chỉ là một khoảnh khắc của chính bản thân tôi, và chính tha thể và tôi sẽ là một (the same).”[53] Nếu như thế thì sẽ không có sự thấu cảm, không có sự riêng biệt giữa tôi và tha thể, giữa thế giới của tôi và thế giới của tha thể. Kết quả là sẽ không có sự đồng kinh nghiệm, và cũng chẳng có tính liên chủ thể giữa tôi và tha thể.
Vậy làm sao mà tôi có thể kinh nghiệm được về thế giới của tha thể khi mà tôi không thể kinh nghiệm một cách trực tiếp được? Khi bàn về khái niệm thông giác, Husserl nói rằng: “sẽ có một sự thông giác đồng nhất nhất định (certain assimilative apperception)”[54] giữa tôi và tha thể. Đó là một quá trình mà “khi chúng ta tri giác về một thân thể khác (other body) khác thân thể chúng ta đang “ở kia” hơn là “ở đây”, thì ngay lập tức chúng ta nhận ra đó là thân thể của một cái tôi khác.”[55] Khi nói đó là thân thể của “một cái tôi khác” thì có nghĩa đó là một chủ thể khác, một chủ thể đang kinh nghiệm khác. Chúng ta có thể kinh nghiệm một cách uyên nguyên về bản thân mình và về tình trạng ý thức của mình. Từ đây, chúng ta có thể thông giác về kinh nghiệm của tha thể để đưa đến sự đồng kinh nghiệm. Husserl gọi quá trình này là một sự “thông giác loại suy” (analogical apperception). Sở dĩ là “thông giác loại suy” là vì, “sự thông giác này không phải là một hành động suy nghĩ (thinking act), không phải là sự suy ra (not inference).”[56]
Trong sự thông giác loại suy, khi một người đi vào lãnh vực nhận thức của tôi, từ việc kinh nghiệm về thân thể của tôi như một sinh thể sống động (animate organism), thì “thân thể ở kia sẽ được hiểu như một sinh thể sống động khác nhờ vào sự dịch chuyển thông giác (apperceptive transfer) từ sinh thể sống động của tôi.”[57] Husserl còn nói thêm: “một điều gì đấy không uyên nguyên chỉ có thể đưa đến sự trình diện bằng việc kết hợp với một điều gì đấy uyên nguyên.”[58] Ở đây, điều mà tôi không thể kinh nghiệm một cách uyên nguyên là dòng chảy kinh nghiệm của tha thể. Thế nhưng, dòng chảy kinh nghiệm của tha thể có thể đồng trình diện ngang qua cái được tôi kinh nghiệm một cách uyên nguyên là thân thể của tha thể. Husserl viết tiếp, “sinh thể sống động của tôi là thân thể này, nghĩa là nó có thể được thiết định như một sinh thể sống động. Tuy nhiên, thân thể ở kia, thân thể đó không được hiểu là một sinh thể sống động một cách trực tiếp, nhưng phải được khởi đi từ sự dịch chuyển thông giác từ sinh thể sống động của tôi. [59]
Cùng với việc thông giác loại suy để đi vào kinh nghiệm của tha thể, Husserl còn nói, tha thể và tôi có thể đồng kinh nghiệm với nhau bằng cách thay đổi vị trí cho nhau. Husserl nói rằng: “sinh thể sống động của tôi có một tâm điểm là “đây” (here) như là khuôn mẫu trao tặng (mode of giveness), và mọi sinh thể khác đều có một khuôn mẫu trao tặng khác ở “kia” (there).”[60] Trong thực tế chúng ta có thể thấy “sinh thể sống động của tôi có thể được hiểu như một thân thể tự nhiên đang hiện diện và chuyển động trong không gian và thời gian cũng như các sinh thể khác”[61], do vậy tôi và tha thể có thể thay đổi vị trí cho nhau để có được kinh nghiệm của nhau.
Thay đổi vị trí cho nhau trước hết có thể hiểu là thay đổi vị trí ở trong không gian và thời gian. Ví dụ, khi tri giác về một ngôi nhà, tôi là một chủ thể trong không gian và thời gian cần một vị trí để tri nhận. Từ vị trí của tôi, tôi chỉ có thể tri giác một cách trực tiếp được một phần nào đó của ngôi nhà. Tôi không thể tri giác đồng thời một lúc toàn bộ ngôi nhà. Tha thể, cũng giống như tôi, cần một vị trí để có thể tri giác một phần của ngôi nhà. Vì thể, tôi có thể thay đổi vị trí của tôi để tôi có thể đặt cái “ở kia” vào vị trí “ở đây”, và tôi, từ vị trí “ở đây” có thể đặt vào vị trí “ở kia”. Nghĩa là, tôi có thể chiếm đóng bất kỳ chỗ đứng nào ở trong không gian với sinh thể của tôi (my organism) để từ vị trí “ở kia” tôi có thể nhìn thấy cùng những sự vật như tha thể thấy.[62]
Thay đổi vị trí cho nhau còn có thể hiểu một cách sâu xa hơn là “mang đôi giày” của người khác để hiểu được điều tha thể đang tỏ lộ cho tôi. Trong vấn đề này, Husserl đã nói rằng:
“Tôi hoặc bất kỳ ai đều là những cá nhân giữa những người khác. Nếu như với sự hiểu biết của tôi về người khác, tôi có thể đi sâu hơn vào trong tha thể, vào trong chân trời (horizon) của họ, tôi sẽ nhận ra rằng: giống như việc sinh thể sống động của họ nằm trong lãnh vực nhận thức của tôi, thì chính sinh thể sống động của tôi cũng nằm trong lãnh vực nhận thức của họ. Nói cách khác, họ sẽ kinh nghiệm thấy tôi như là một tha thể đối với họ, cũng như tôi kinh nghiệm thấy họ cũng là tha thể đối với tôi. Cũng vậy, tôi sẽ nhận thấy rằng, ở trong một cộng đồng, tha thể cũng được kinh nghiệm bởi những người khác như là tha thể. Kết quả là tôi có thể kinh nghiệm về tha thể không chỉ như chính bản thân họ nhưng còn trong tương quan giữa họ với những tha thể khác (his Others).[63]
Như vậy, có thể thấy, với khái niệm về các đơn tử có các khung cửa sổ để có thể kết nối với các đơn tử khác, và khái niệm thấu cảm là một sự kết nối các đơn tử với nhau, Husserl đã giải quyết được vấn đề của chủ thuyết duy tâm chủ quan và mở ra một khả thể đồng kinh nghiệm giữa các chủ thể để trở thành nền tảng cho tính liên chủ thể. Có thể nói, đó chính là cấu trúc liên chủ thể của các chủ thể. Trong phần tiếp theo sẽ đề cập đến những điều mà tôi và tha thể có thể đồng kinh nghiệm với nhau.
Những Khả Thể Đồng Kinh Nghiệm
Một cách cơ bản, có thấy được, tôi và chủ thể có thể đồng kinh nghiệm về chính tôi, đồng kinh nghiệm về tha thể, và đồng kinh nghiệm về sự vật. Nếu tôi không biết chính bản thân tôi cũng là một chủ thể được kinh nghiệm thì sẽ không có sự đồng kinh nghiệm. Nếu tha thể không phải là một chủ thể đang kinh nghiệm thì cũng không có sự đồng kinh nghiệm. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là, tôi và tha thể không thể đồng kinh nghiệm về sự vật.
Tôi Là Một Chủ Thể Đang Kinh Nghiệm Và Được Kinh Nghiệm
Tôi Là Một Chủ Thể Đang Kinh Nghiệm
Nói một cách thụ động, có thể thấy, tôi là một chủ thể đang kinh nghiệm ngang qua những phê bình về chủ thuyết duy tâm chủ quan mà Husserl bị phê bình. Husserl thừa nhận một sự phản đối nghiêm trọng (grave objection) mà ông gặp phải khi bị phê bình rằng: “Khi tôi, một cái tôi đang suy niệm (the meditating I), giảm trừ chính bản thân mình vào trong cái tôi thuần túy siêu nghiệm của mình bằng sự giảm trừ hiện tượng học, liệu tôi có trở thành một người mang chủ thuyết duy ngã (solus ipse)? Và liệu hiện tượng học có trở thành chủ nghĩa duy ngã siêu nghiệm (transcendental solipsism)?”[64]
Đứng trước phê bình này, Husserl đã có câu trả lời của riêng mình và bài viết cũng đã đề cập ít nhiều. Nhưng, một điểm đáng ghi nhận ở đây là, chính phê bình duy tâm chủ quan cũng nói lên cái tôi mà Husserl tìm thấy chính là một chủ thể đang kinh nghiệm. Vì trong quan niệm của duy tâm chủ quan, chỉ có tôi là chủ thể duy nhất đang kinh nghiệm. Thế giới trong ý thức của tôi là điều chắc chắn, còn thế giới khách quan và những chủ thể đang kinh nghiệm khác là điều tôi không thể biết được. Như vậy, qua đó đã khẳng định, tôi là một chủ thể đang kinh nghiệm. Một chủ thể đang kinh nghiệm là điều chắc chắn.
Về mặt chủ động, trong trường phái hiện tượng học với công thức mà Husserl bàn đến, ego – cogito – cogitatum[65], thì tôi là một chủ thể kinh nghiệm là điều rõ ràng, phân minh, và không thể chối bỏ. Được lấy lại từ công thức mà Descartes đã bàn trước đó trong triết thuyết của mình, cogito – ergo sum, thì sau khi đã hoài nghi hết tất cả, Descartes nhận ra rằng có một điều mà tôi không thể hoài nghi, đó là cái tôi đang suy tư của mình. Cái tôi đang suy tư, hay cái tôi đang kinh nghiệm là điều chắc chắn không thể chối bỏ, không thể hoài nghi. Nếu tôi hoài nghi, không biết liệu tôi có đang suy tư hay không, thì tự hành động đó cũng là một hành động suy tư. Như vậy, điều này đã củng cố thêm xác tín mà Descartes đã tìm ra, cái tôi đang kinh nghiệm là điều chắc chắn, rõ ràng và phân minh. Đó là điểm khởi để từ đó Descartes có thể suy niệm về tất cả những điều khác. Còn Husserl, bằng phương pháp epoché của mình, cũng đã hoài nghi tất cả, bỏ vào trong ngoặc tất cả những điều có thể ảnh hưởng đến tôi trong quá trình kinh nghiệm, để chính tôi có thể trực tiếp gặp gỡ đối tượng được kinh nghiệm một cách trực tiếp và trong nhãn quan của ngôi thứ nhất. Do đó, ego của Husserl cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm.
Thậm chí Husserl còn đi xa hơn Descartes khi cho rằng, cái tôi đang suy tư của Descartes cũng cần được giảm trừ, vì cái tôi đó vẫn còn mang nơi mình những cơ cấu tâm lý. Do đó, cái tôi mà Husserl tìm thấy sau khi đã giảm trừ hiện tượng học là một cái tôi siêu nghiệm. Chính cái tôi đó là chủ thể đang kinh nghiệm, đang gặp gỡ trực tiếp đối tượng kinh nghiệm nơi ý thức thuần túy của mình.
Ngoài ra, khi bàn về ý hướng tính, Husserl còn cho rằng, tôi không thể nói là tôi suy tư một cách không không được. Ví dụ, tôi không thể nói “tôi suy nghĩ, tôi yêu, tôi nhớ” nhưng phải là “tôi suy nghĩ cái gì, tôi yêu ai/cái gì, tôi nhớ ai/cái gì.” Do đó Husserl khám phá ra rằng, trong hành vi suy tư phải có một chủ thể đang thực hiện hành vi suy tư đó, và hành vi suy tư đó phải hướng đến một đối tượng nào đó. Do đó, tôi chính là một chủ thể đang kinh nghiệm, đang thực hiện hành vi suy tư. Vì thế, không còn là cogito – ego sum, mà thay vào đó là ego – cogito – cogitatum.
Tiếp đến, sau khi đã giảm trừ hiện tượng học và đạt đến cái tôi siêu nghiệm thì chính cái tôi siêu nghiệm này chính là đầu mối và nền tảng để thiết định nên những kinh nghiệm của tôi về thế giới trong miền hiện tượng nơi ý thức thuần túy. Husserl nói rằng: “cái tôi (the ego) hiện diện cho chính nó trong một sự rõ ràng liên tục. Vì vậy, trong chính nó, cái tôi tiếp tục cấu thành chính mình như đang hiện diện. Cái tôi hiểu về chính mình không chỉ như một cuộc sống liên tục (a flowing life) nhưng còn như một chủ thể (I) đang sống cuộc sống đó.”[66] “Là một chủ thể đang sống cuộc sống đó”, nghĩa là một chủ thể đang kinh nghiệm, đang gặp gỡ trực tiếp sự vật đang trình diện ra cho tôi trong nhãn quan của ngôi thứ nhất, đang ghi nhận hiện tượng đang tỏ ra, và đang cấu thành nên ý nghĩa cho đối tượng.
Tôi Là Một Chủ Thể Được Kinh Nghiệm
Tôi là một chủ thể đang kinh nghiệm là điều rõ ràng và chắc chắn, nhưng nghe thật lạ khi nói rằng tôi cũng là một đối tượng được kinh nghiệm. Thế nhưng, chính khả năng có thể trở thành một đối tượng được kinh nghiệm mới giúp tôi đi đến việc đồng kinh nghiệm và đón nhận được kinh nghiệm của người khác. Tôi có thể trở nên một đối tượng được kinh nghiệm bởi chính tôi và bởi chính tha thể. Husserl đã nói: “chủ thể tính của con người là một đối tượng tự chính nó. Điều này có nghĩa là nó có thể được kinh nghiệm và được nhận ra bởi bất kỳ chủ thể nào khác.”[67]
Trong triết lý hiện tượng học, Husserl bàn đến những khái niệm như sự tưởng tưởng, hồi cố hay mong đợi. Chính ở những hành động này mà tôi thấy tôi nhìn về chính tôi như là một đối tượng. Hay nói cách khác, tôi là đối tượng cho chính tôi, tôi tự nhận thức (self-perception/self-experience) về chính mình. Husserl nói rằng: “khi tôi đang thực hiện sự giảm trừ siêu nghiệm và đang phản tỉnh về chính mình, thì tôi được trao tặng cho chính mình về mặt nhận thức như là một cái tôi siêu nghiệm. Tôi trở nên ý thức rằng, tôi đã thực sự được trao tặng (already given), đã thực sự ở đó cho chính tôi như là một đối tượng.”[68]
Vì thế mà dòng chảy kinh nghiệm của tôi, dòng chảy kinh nghiệm mà tôi sống có thể được đánh giá từ chính tôi, và trở thành một đối tượng cho chính tôi. Ví dụ, trong hành vi nhớ, ta có thể thấy có một chủ thể đang thực hiện hành vi nhớ, và một một chủ thể được nhớ lại với nội dung kinh nghiệm của nó. Chủ thể đang thực hiện hành vi nhớ là cái tôi ở hiện tại, còn chủ thể được nhớ lại là chủ thể ở trong quá khứ. Vì thế, “chủ thể ở hiện tại (the present I) và chủ thể ở quá khứ (the past I) đối diện nhau như chủ thể đang kinh nghiệm và đối tượng được kinh nghiệm.”[69]
Thêm vào đó, không chỉ tôi nhìn về chính tôi như là một đối tượng, nhưng chính tha thể cũng nhìn về chính tôi như là một đối tượng. Vì, như ở những phần trên chúng ta đã bàn sơ lược về sự hiện hiện của tha thể như là các đơn tử cũng đang kinh nghiệm về thế giới, thì ở đây trong vai trò kinh nghiệm một cách chủ động của mình, tha thể cũng kinh nghiệm thấy tôi như là một đối tượng, như là một chủ thể đang kinh nghiệm về thế giới như họ.
Thật thế, bình thường tôi có thể nói, tôi đang đứng “ở đây” và nhìn về tha thể đang đứng “ở kia”, thì bây giờ trong vai trò kinh nghiệm một cách chủ động của mình, tha thể có thể nói, họ đang đứng “ở đây” và nhìn về tôi đang đứng “ở kia”. Vì cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm, nên khi nhìn về tôi, tha thể cũng kinh nghiệm về chính tôi ngang qua sự thông giác loại suy từ chính tha thể.
Do đó, cả tôi và tha thể cùng kinh nghiệm về chính tôi. Tôi có kinh nghiệm của riêng tôi về tôi, tha thể có kinh nghiệm của riêng họ về tôi. Và trong hành vi của sự thấu cảm, tôi và tha thể có thể hiểu được kinh nghiệm của nhau và về nhau.
Tha Thể Là Một Chủ Thể Được Kinh Nghiệm Và Đang Kinh Nghiệm
Tha Thể Là Một Chủ Thể Được Kinh Nghiệm
Husserl dành nhiều từ ngữ để nói về tha thể như: người khác (other), cái tôi khác (other ego), những đơn tử khác (other monads), không-phải-tôi (non-ego), không-phải-uyên-nguyên (non-original), hoặc là cái tôi khác lạ (alter ego).
Trong cái tôi siêu nghệm mà Husserl tìm thấy sau khi đã giảm trừ hiện tượng học, chính nó thiết định nên thế giới, chính nó nhìn thấy một thế giới của riêng nó và một thế giới không phải của riêng nó, thế giới đó được xem như là một đối tượng và trong thế giới đó có tha thể. Do vậy, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và tha thể là một cuộc gặp gỡ giữa một chủ thể đang kinh nghiệm và một đối tượng được kinh nghiệm mang thân xác. Tha thể đứng trước tôi “ở đây” trong vị trí “ở kia” và tỏ hiện ra cho tôi một cách trực tiếp ngang qua những biểu hiện bề ngoài thể lý của mình.
Hussel viết rằng: “Tôi kinh nghiệm về tha thể như đang thực sự hiện hữu (actually existing) như những đối tượng trong thế giới (world Objects).”[70] Nghĩa là tha thể có một thân xác, có những tương quan trong không gian – thời gian với thế giới xung quanh mình. “Tha thể còn được kinh nghiệm như đang tự vận hành về mặt tâm sinh lý (governing psychically) trong sinh thể tự nhiên của họ (natural organism).”[71] Nghĩa là tôi nhìn thấy tha thể bước đi, ngồi xuống, hay chuyện trò. Ở đây Husserl có một lưu ý:
“Tất cả kinh nghiệm về sự vật, một thân thể sống (the lived body) cần được cùng kinh nghiệm (co-experienced) như là một thân thể sống đang vận hành (functioning lived body) (vì tha thể không phải là một sự vật). Do đó, khi tha thể được kinh nghiệm, thì cần phải được kinh nghiệm trong một cách thức đôi (double way) – được kinh nghiệm như là một sự vật được kinh nghiệm và đồng thời, được kinh nghiệm như là một thân thể sống đang vận hành.”[72]
Dẫu vậy, kinh nghiệm về tha thể không dừng lại như là một đối tượng vật lý trong thế giới. Bởi vì, tha thể cũng là một đơn tử giống như tôi với một thế giới uyên nguyên riêng của mình. Husserl viết rằng:
“Tôi không kinh nghiệm về tha thể chỉ đơn giản như là một bản sao của chính bản thân tôi. Tôi không kinh nghiệm về tha thể từ những khuôn mẫu bề ngoài (the spatial modes of appearance) trong không gian mà tôi nhận được từ “ở đây” đúng hơn tôi kinh nghiệm về tha thể từ những khuôn mẫu bề ngoài trong không gian mà tôi nhận được sau khi tôi từ bỏ vị trí của tôi “ở đây” để đặt mình vào vị trí “ở kia” của tha thể.”[73]
Nghĩa là tha thể không phải là một đối tượng được giảm trừ vào trong ý thức thuần túy của tôi. Thế giới kinh nghiệm uyên nguyên của tha thể không thể bị giảm trừ vào trong lãnh vực riêng của tôi. Nhưng tôi chỉ có thể kinh nghiệm về tha thể như là một chủ thể được kinh nghiệm ngang qua sự thấu cảm, ngang qua sự thông giác loại suy.
Tha Thể Là Một Chủ Thể Đang Kinh Nghiệm
Theo Husserl, tôi không chỉ kinh nghiệm thấy tha thể như là một đối tượng trong thế giới, nhưng đồng thời tôi cũng kinh nghiệm thấy tha thể là một chủ thể đang kinh nghiệm về thế giới, cũng như đang kinh nghiệm về tôi như là một đối tượng trong thế giới đó.[74]
Tuy nhiên, có một vấn đề được đặt ra, tôi không thể kinh nghiệm về tha thể và thế giới kinh nghiệm của họ một cách uyên nguyên và trực tiếp. Vậy làm sao tôi biết chắc được họ cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm? Đứng trước vấn nạn này, Husserl đã giải thích về sự hiện hữu của tha thể như một chủ thể đang kinh nghiệm ngang qua sự thông giác mà ở phần trên đã đề cập đến. Trong sự nhận thức thông giác loại suy, điều đầu tiên mà tôi nhận thức được chính là sinh thể sống động của tôi và qua đó mà tôi có thể thông giác loại suy về tha thể và thế giới kinh nghiệm của họ.
Husserl viết rằng:
“Tôi không nhận thức thông giác về tha thể chỉ đơn giản như một bản sao (duplicate) của chính tôi, tức là tha thể ở trong lãnh vực uyên nguyên của tôi. Nhưng tha thể được thông giác một cách đồng trình diện như một “cái tôi” (the Ego) của một thế giới uyên nguyên, của một đơn tử, mà ở đó, sinh thể sống động của tha thể được cấu thành một cách uyên nguyên và được kinh nghiệm như trong khuôn mẫu của cái “ở Đây” một cách tuyệt đối (his animate organism is originally constituted and experienced in the mode of the absolute Here).”[75]
Điều này có nghĩa, tha thể là một chủ thể đang kinh nghiệm khác với một thế giới uyên nguyên của mình, với một miền hiện tượng học thuần túy của mình, và chính tha thể cũng kinh nghiệm về thế giới trong một khuôn mẫu hoàn toàn giống như tôi. Cụm từ “khuôn mẫu của cái “ở Đây” một cách tuyệt đối” muốn nói đến cách thức kinh nghiệm về thế giới của tôi như là một cái tôi siêu nghiệm. Trong Suy Niệm Thứ Năm Về Descartes, Husserl thường dùng cụm từ “Ở Kia” (There) để nói về tha thể, và cụm từ “Ở Đây” để nói về chính tôi. Điều này cho thấy, tha thể đích thực cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm như chính tôi.
Husserl cũng dùng cụm từ “other Ego” để nói về tha thể. Một cái tôi khác là điều quan trọng trong trường phái hiện tượng học. Vì như trong công thức mà Husserl đã đưa ra, cái tôi là một chủ thể đang thực hiện một hành vi suy tư, đang kinh nghiệm về một đối tượng. Do đó, khi nói tha thể là một cái tôi khác thì cũng đồng nghĩa với việc nói rằng tha thể là một chủ thể đang kinh nghiệm khác. Như vậy thừa nhận tôi không phải là một chủ thể đang kinh nghiệm duy nhất, nhưng tôi chỉ là một chủ thể đang kinh nghiệm trong một cộng đồng các chủ thể đang kinh nghiệm. Điều này không chỉ cho thấy lý thuyết hiện tượng học không phải là một chủ thuyết duy ngã, nhưng còn mở ra một thực tại khách quan, một thế giới chung giữa tôi và tha thể.
Husserl viết tiếp: “tha thể được kinh nghiệm như là những con người ‘giống như tôi’, nhưng ‘ở đằng kia’ (others are felt to be living persons, ‘like me’, but ‘over there’).”[76] Cụm từ “giống như tôi” muốn nói, tha thể cũng giống như tôi. Nếu tôi là một chủ thể đang kinh nghiệm và thiết định nên thế giới, thì tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm và đang thiết định giống như tôi. Cụm từ “ở đằng kia” cho thấy, mặc dù tha thể giống như tôi nhưng không phải là tôi. Thay vào đó, tha thể có sự hiện diện riêng của mình. Tha thể hiện diện ở “đằng kia”, đối ngược lại với tôi đang “ở đây”. Hai đặc tính này rất quan trọng, vì nếu không có “sự giống như tôi”, thì tôi sẽ chẳng biết tha thể là gì, có hay không. Nếu không có “ở đằng kia”, thì tha thể có thể chỉ là một sản phẩm được cái tôi siêu nghiệm của tôi thiết định nên trong ý thức thuần túy của riêng tôi, và như vậy, sẽ chẳng có khái niệm về sự thấu cảm, về việc đồng kinh nghiệm, và khái niệm liên chủ thể.
Như vậy, với kinh nghiệm về những chủ thể khác, Husserl cho thấy một mối tương quan liên thân giữa các chủ thể. Một mối tương quan nói lên kinh nghiệm của tôi về người khác, và kinh nghiệm của người khác về tôi. Dẫu vậy, vẫn luôn có sự khác biệt giữa chủ thể kinh nghiệm, và chủ thể được kinh nghiệm. Nghĩa là, cách tôi kinh nghiệm về bản thân mình khác cách mà người khác kinh nghiệm về tôi. Cách tôi kinh nghiệm về người khác, khác cách người khác kinh nghiệm về chính họ, cách tôi kinh nghiệm về một sự vật, sự việc, khác cách người khác kinh nghiệm về cùng một sự vật, sự việc đó. Tuy vậy, chính sự khác biệt này lại là điều làm nên khái niệm liên chủ thể, vì nếu cách tôi kinh nghiệm cũng giống như cách người khác kinh nghiệm thì không cần phải bàn đến vấn đề liên chủ thể.
Với kinh nghiệm thấy rằng, tôi không phải là một chủ thể duy nhất đang kinh nghiệm, nhưng tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm như chính tôi, thì tôi sẽ có một thái độ khiêm tốn của triết học để biết mở ra với kinh nghiệm của tha thể trong việc kinh nghiệm về sự vật.
Đồng Kinh Nghiệm Về Sự Vật
Sự Vật Là Một Đối Tượng Liên Chủ Thể
Trong học thuyết của mình, khi nói về những đối tượng trong ý thức, Husserl dùng cụm từ “intentional objects”, còn khi nói về một đối tượng thực tồn, Husserl dùng cụm từ “Objects” với từ “O” được viết hoa. “Đối tượng” khi được nói đến trong phần này không còn là một đối tượng nơi ý thức thuần túy của một chủ thể đang kinh nghiệm, nhưng là một đối tượng vật lý thực sự hiện hữu trong không gian, thời gian, và ta sẽ dùng cụm từ “sự vật” để nói về. “Sự vật” ở đây cũng không nên hiểu chỉ là những sự vật vật lý, nhưng còn là chính thế giới mà ở đó tôi và tha thể cùng hiện diện. Thế giới này được Husserl gọi là thế giới sống và sẽ được bàn đến trong phần tiếp theo của bài viết.
Sự vật là một đối tượng liên chủ thể ngay trong chính kinh nghiệm riêng của tôi. Trong học thuyết hiện tượng học, Husserl đòi hỏi chủ thể kinh nghiệm cần phải bỏ vào trong ngoặc những tiền kiến của mình và để cho sự vật tự tỏ lộ. Vì thế, kinh nghiệm của tôi trước đây về sự vật cũng là một dạng tiền kiến và cần phải bỏ vào trong ngoặc. Như vậy có thể thấy, kinh nghiệm lần này của tôi về sự vật là một điều gì khác so với kinh nghiệm lần trước của tôi, sự vật tỏ ra cho tôi lần này khác lần trước. Điều này cho thấy, sự vật tự chính nó là một đối tượng liên chủ thể. Nghĩa là một đối tượng vượt lên trên sự nhận thức của một chủ thể. Trong trường hợp này là giữa một chủ thể quá khứ của tôi (my past I) và một chủ thể hiện tại của tôi (my present I).
Trong quá trình kinh nghiệm về sự vật, Husserl nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa khuôn mẫu trình xuất của những hành động của chúng ta (the mode of givenness of our acts) và khuôn mẫu trình xuất của sự vật được nhận thức.[77] Nghĩa là, khi chúng ta nhận thức về một đối tượng, chúng ta phải phân biệt những điều tỏ hiện và chính sự tỏ hiện. Vì một sự vật không bao giờ tỏ hiện cho tôi một cách toàn thể, nhưng luôn luôn bị giới hạn từ một nhãn quan nào đó. Ví dụ, khi tôi nhìn vào một chai nước lọc, từ vị trí của mình, tôi chỉ có thể kinh nghiệm được những gì ở mặt trước của chai nước mà không thể kinh nghiệm được những gì ở mặt sau của chai nước. Vì vậy theo Husserl, sự vật tỏ lộ ra không chỉ cho riêng mình tôi nhưng còn cho cả những chủ thể khác nữa. Không phải chỉ có mình tôi có được kinh nghiệm về sự vật nhưng còn có những chủ thể khác. Do đó, sự vật tự thân là một đối tượng liên chủ thể.
Hơn nữa, việc nhận ra tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm khác khẳng định sự vật được kinh nghiệm là một đối tượng liên chủ thể, nghĩa là một đối tượng được kinh nghiệm bởi chính tôi và bởi chính tha thể. Thậm chí Husserl còn cho rằng: “sự vật tự chính nó vượt lên trên tất cả các chủ thể đang kinh nghiệm và thế giới hiện tượng của họ (their world – phenomena).”[78]
Tôi Và Tha Thể Đồng Kinh Nghiệm Về Sự Vật
Việc kinh nghiệm về tha thể như một chủ thể khác mở ra một thế giới khách quan mà ở đó tôi và tha thể cùng chia sẻ cho nhau. Kinh nghiệm về người khác như là một chủ thể có thân xác (incarnated subject) là bước đầu tiên để hướng đến việc thiết định một thế giới được chia sẻ một cách khách quan, nghĩa là không chỉ có mình tôi có được kinh nghiệm về một sự vật, sự việc nào đó nhưng tha thể cũng kinh nghiệm về cùng một điều như tôi.
Husserl đã viết rằng: “Sự vật ở đó cho mọi người và được đánh giá những qua những khía cạnh của nó. Tuy nhiên, mỗi người chỉ tri giác được một khía cạnh nào đó của sự vật mà thôi.”[79] Bởi vì sự vật là một đối tượng liên chủ thể, nghĩa là sự vật trình diện ra không chỉ cho tôi nhưng còn cho người khác, vì vậy kinh nghiệm của tôi về sự vật chỉ là một trong số nhiều kinh nghiệm, và kinh nghiệm của tha thể về sự vật cũng là một kinh nghiệm nào đó như kinh nghiệm của tôi. Do đó, trong việc đồng kinh nghiệm về sự vật, khái niệm thông giác loại suy ngang qua việc đổi chỗ cho nhau, và sự thấu cảm để hiểu được kinh nghiệm của người khác tiếp tục đóng một vai trò quan trọng.
Sự vật tỏ lộ ra trong không gian và thời gian, và những chủ thể kinh nghiệm cần có một vị trí để có thể tri giác về sự vật, do vậy để đi vào được kinh nghiệm của nhau, tôi và tha thể có thể đổi chỗ cho nhau. Đổi chỗ trước tiên là đổi một vị trí trong không gian và thời gian để có thể thấy được điều người khác thấy và hiểu được điều được tỏ lộ ra cho họ. Ngoài ra, dù không cần đổi chỗ cho nhau, nhưng việc ý thức rằng sự vật tự bản chất siêu vượt trên kinh nghiệm của tôi, và điều đang trình diện của sự vật mà tôi đang kinh nghiệm thì đồng thời cũng đồng trình diện điều chưa được trình diện mà tha thể đang trực diện, thì tôi và tha thể có thể đi vào trong kinh nghiệm của nhau ngang qua hành vi của sự thấu cảm và sẽ hiểu được kinh nghiệm của nhau.
Vậy có thể nói, sự vật tự chính nó hiện diện trong không gian và thời gian, tỏ lộ ra cho tôi ở khía cạnh này từ nhãn quan này của tôi, và cũng hiện lộ ra cho người khác ở khía cạnh khác từ nhãn quan khác. Việc nhận ra sự vật cũng được người khác kinh nghiệm đưa tôi đến một thái độ khiêm tốn triết học. Đó là một thái độ có sự phản tư và có sự mở ra. Ví dụ, câu chuyện năm ông thầy bói mù xem voi. Mỗi người chỉ kinh nghiệm được một bộ phận nào đó của con voi nhưng với thái độ khẳng định chân lý một cách giáo điều đã không giúp họ nhận ra được hình dáng thật của con voi. Nhưng với một thái độ khiêm tốn triết học, với sự nhận thức rằng tôi chỉ kinh nghiệm được phần nào đó của con voi và người khác cũng kinh nghiệm được phần nào đó của con voi thì đã hẳn các ông sẽ có một cái nhìn, một kinh nghiệm chân xác hơn về con voi.
Kinh nghiệm của tôi sẽ thay đổi hay sự nhận thức của tôi sẽ đổi thay khi tôi kinh nghiệm rằng, không chỉ có mình tôi kinh nghiệm về sự vật, về thế giới và về người khác, nhưng người khác cũng kinh nghiệm những điều đó như tôi. Từ sự nhận thức này mà tôi thấy đối tượng kinh nghiệm của tôi không còn bị giảm trừ để chỉ trở thành một sự hiện hữu chỉ cho riêng tôi, nhưng đối tượng kinh nghiệm của tôi đã trở thành một đối tượng liên chủ thể, một đối tượng được tôi và người khác cùng kinh nghiệm. Khi tôi nhận ra rằng, đối tượng kinh nghiệm của tôi cũng được người khác kinh nghiệm, thì tôi cũng nhận ra rằng có một sự khác biệt giữa sự vật tự thân và những biểu hiện bên ngoài của nó cho tôi. Chỉ khi đó, tôi mới thực sự kinh nghiệm sự vật một cách khách quan và chân thật nhất.
Liên Chủ Thể Và Quan Niệm Về Thế Giới Sống (Lifeworld)
Tính Liên Chủ Thể
Sau khi đã đi qua những khả thể đồng kinh nghiệm, ta thử đúc rút ra một vài quan niệm về tính liên chủ thể mà Husserl bàn đến, để rồi cho thấy rằng tôi và tha thể không phải là những đơn tử riêng biệt và độc lập trong thế giới của chính mình, nhưng là cùng hiện diện trong một thế giới chung. Husserl nói rằng “tính cộng đồng sẽ được thiết lập ngay lập tức nhờ vào kinh nghiệm về người khác và của người khác: một cộng đồng giữa tôi và tha thể được kinh nghiệm một cách đồng trình diện, giữa cái tôi đơn tử (monadic ego) của tôi và của tha thể”[80].
Husserl mêu tả liên chủ thể như là một cộng đồng (an open community) mở của những đơn tử. Những đơn tử có những khung cửa sổ – những khung cửa sổ của “sự thấu cảm” mà nó cho phép các đơn tử nhận được những sự tác động từ bên ngoài, từ các đơn tử khác. Các đơn tử cùng ở trong một cồng đồng với tôi và cùng ở trong một mối tương quan với tôi. Một cộng đồng được thành lập ở trong tôi nhưng cũng được thành lập ở trong những đơn tử khác.[81] Trong cộng đồng đó, tôi kinh nghiệm về chính tôi, về người khác, và người khác cũng kinh nghiệm về chính họ, về tôi; và tôi cùng với họ cùng kinh nghiệm về thế giới.
Liên chủ thể tự nó biểu lộ một mối tương quan giữa các chủ thể lại với nhau, trong đó có chủ thể tính của tôi và chủ thể tính của người khác. Như vậy có nghĩa là, tôi phải có được kinh nghiệm về người khác; và theo cách tiếp cận của hiện tượng học, để kinh nghiệm được về chủ thể tính của người khác, tôi không thể tiếp cận qua nhãn quan kinh nghiệm của ngôi thứ ba, nhưng phải kinh nghiệm một cách trực tiếp qua nhãn quan của ngôi thứ nhất (first-person perspective)[82]. Nghĩa là, tôi không thể là một kẻ đứng ngoài cuộc để kinh nghiệm, nhưng phải nhập cuộc vào để có được một mối tương quan mật thiết qua ý thức.
Theo Husserl, kinh nghiệm về người khác luôn là kinh nghiệm qua những vẻ bề ngoài thể lý.[83] Vì vậy, liên chủ thể phải hiểu là một mối tương quan giữa những chủ thể bằng xương bằng thịt (incarnated subjects).[84] Nếu bản thân tôi không phải là một chủ thể bằng xương bằng thịt, thì tôi sẽ chẳng bao giờ có thể kinh nghiệm được những chủ thể bằng xương bằng thịt khác. Như Husserl đã nói, sự nhận thức về cơ thể của tôi là điều thiết yếu để tôi có thể kinh nghiệm về thân thể của người khác như là một thân thể. Ví dụ, nếu tôi không phải là một người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau, thì sẽ chẳng bao giờ tôi có thể thực sự kinh nghiệm được về những người mẹ đang mang nặng đẻ đau khác. Mặc dù tôi có thể có được một số thông tin nào đó từ sách báo, nhưng sẽ chẳng bao giờ tôi thực sự kinh nghiệm được điều đó.
Trong mối tương quan này, Husserl đưa ra khái niệm về sự thấu cảm để giả định sự tương đồng giữa tôi và những chủ thể khác mà tôi gặp gỡ. Nghĩa là, chúng ta phải thoát mình ra và “đi đôi giày của người khác” để có thể kinh nghiệm và thấy được những gì mà người khác kinh nghiệm và thấy được. Husserl viết thêm rằng:
“Chủ thể tính nhìn thấy xung quanh nó những vật thể có thân thể sống (lived bodies), những sự vật không thuộc về nó, nhưng thuộc về những chủ thể tính khác (other I). Nó xem những thân thể sống đó như là những phương tiện truyền tải (bearers) về những chủ thể tính khác. Nó “nhìn thấy/sees” những chủ thể tính khác không phải theo nghĩa nó nhìn thấy hay kinh nghiệm về chính nó, nhưng đúng hơn nó kinh nghiệm hay nhận thức được về những chủ thể nhận thức khác theo cách thức “thấu cảm”.[85]
Vì vậy, chủ thể tính nhìn thấy những chủ thể tính khác cũng có “linh hồn”, ý thức và những khuynh hướng như chính nó.[86] Chúng có một mối tương quan với nhau trong một thế giới không gian, thời gian.
Thế Giới Sống Theo Quan Niệm Của Husserl
Quan niệm về thế giới sống (life-world) hay thế giới của sự sống (world of life) được Husserl đặc biệt quan tâm trong giai đoạn sau trong tiến trình phát triển tư tưởng của mình, đặc biệt là trước những đau thương mà ông phải chứng kiến từ cuộc chiến tranh thế giới thứ I và những biến chuyển về mặt kinh tế, xã hội sau đó. Husserl nhận thấy đó là hậu quả của một cái nhìn không đúng về thế giới mà khoa học đã đưa ra. Thật thế, một thế giới mà trước đó người ta cứ tưởng là tự nhiên với những quy luật riêng của mình thì đúng ra đó là một thế giới sống, là một thế giới chứa đựng sự sống, là chính sự sống và chính là nền tảng cho tất cả mọi ngành khoa học. Vì thế, trong tác phẩm “Cuộc Khủng Hoảng Của Khoa Học Ở Châu Âu Và Hiện Tượng Học Siêu Nghiệm”[87], Husserl đã đưa ra một cách nhìn khác về thế giới so với cái nhìn của khoa học.
Trong cái nhìn của khoa học, thế giới bị xem như một đối tượng để nghiên cứu, và người ta hiểu về thế giới bằng những hệ thống khái niệm. Cũng theo cái nhìn đó, người ta, hoặc là chấp nhận thế giới một cách giáo điều theo như khoa học đề ra, hoặc là đơn giản hóa thế giới vào trong những tiền đề mà khoa học phát biểu thành. Ví dụ, khi để biết “nước” là gì, người ta sẽ khái quát hóa thành công thức H20, hoặc sẽ phát biểu thành một định nghĩa, “nước là một dạng chất lỏng không màu, không mùi, không vị…”. Đó là cái nhìn của khoa học, “một cái nhìn dưới khía cạnh vật lý và hóa sinh (physico – chemical).[88] Trong cái nhìn của khoa học, cách hiểu của con người bị bó hẹp, bị hạn chế trước thực tại vô hạn mà thế giới đang mở ra. Cũng trong cái nhìn của khoa học, chân lý đã bị bóp méo, thực tại vô hạn chỉ còn là những mảnh vỡ rời rạc.
Vì vậy, theo Husserl, thế giới sống là thế giới của tiền khoa học. Tiền khoa học ở đây không muốn nói đến giai đoạn nguyên thủy trong lịch sử loài người, nhưng muốn nói đến thời điểm mà thế giới không bị xem như là một đối tượng. Nhưng ngược lại, thế giới chính là cuộc sống của con người. Con người sống giữa thế giới. Con người không phân tích thế giới, nhưng ngắm nhìn thế giới. Con người không bắt thế giới theo ý mình, nhưng để cho thế giới tự tỏ lộ chính mình. Con người không tiếp cận thế giới từ nhãn quan ngôi thứ ba ngang qua những giáo điều của chủ nghĩa khoa học, nhưng nhìn thế giới từ nhãn quan ngôi thứ nhất của một người đang chiêm ngắm và lắng nghe. Trong thế giới tiền khoa học, người ta nhìn thế giới không phải như một đối tượng, nhưng như một thực tại đang mở ra.
Hơn nữa, chính thế giới sống mở ra những chân trời (horizon) cho tất cả hoạt động của con người, bao gồm cả những hoạt động của khoa học: “Chính trong thế giới sống mà chúng ta tìm thấy một thế giới của những thực tại đã được biết và chưa được biết.”[89] Đó là thế giới mà chúng ta sống. “Tri thức của thế giới khoa học khách quan (objective – sciencetic world) được đặt nền (grounded) trong sự hiển nhiên (self-evidence) của thế giới sống.”[90] Chính thế giới sống là nền tảng cho tất cả những khám phá của khoa học nhưng ngược lại chính khoa học lại coi mình như là chủ thể của thế giới và coi thế giới là đối tượng để nghiên cứu trong những định đề của mình. “Tất cả mọi chân lý giả định (the theoretical truth), cho dù đó là chân lý của toán học, hay của các nghành khoa học, đều có sự minh chứng cuối cùng (final justification) và đều bén rễ (roots) trong những bằng chứng liên quan đến những sự kiện, những điều diễn ra trong thế giới sống.”[91]
Thế giới sống đó chính là thế giới hằng ngày của kinh nghiệm khả giác.[92] Chính trong thế giới sống mà khoa học giải thích và trừu xuất (abstracts) nên các đối tượng của mình. Thế giới sống là nền tảng ý nghĩa của khoa học. Hay có thể nói một cách khác, khoa học làm nhiệm vụ cấu trúc, còn thế giới sống là nguồn của những chất liệu để khoa học có thể kiến tạo. Khoa học giải thích những gì diễn ra, còn thế giới sống chính là điều đang diễn ra. Do vậy, thế giới sống là thế giới “tiền khoa học” (prescientific world), cả về mặt lịch sử lẫn về mặt nhận thức luận.[93]
Khái niệm về thế giới sống hay thế giới của sự sống còn cho thấy một sự sống liên tục của thế giới, một sự tiến triển không ngừng của thế giới mà nó vượt lên trên tất cả thước đo của khoa học. Trong một cái nhìn như vậy, “thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ là một thế giới của sự vật nhưng còn là thế giới của các chủ thể đang kinh nghiệm bên ngoài chúng ta, và thế giới về những kinh nghiệm của họ mà chúng ta biết được.”[94] Thế giới sống không còn là một đối tượng, nhưng chính là cuộc sống của con người, không còn bị giới hạn vào trong hiện tại nhưng được kế thừa từ lịch sử và tiếp diễn trong tương lai. Ở trong một thế giới như vậy, tôi không phải là người tạo nên thế giới. Thế giới đã có ở đó, trước tôi. Tôi được ban tặng món quà thế giới. Tôi ở trong thế giới, tiếp nối lịch sử và truyền thống của thế giới, kiến tạo nên thế giới trong hiện tại và xây dựng một thế giới tương lai. Hơn nữa, ở trong thế giới sống, không chỉ có mình tôi là một chủ thể đang kinh nghiệm, nhưng còn có tha thể, và tôi cùng với tha thể làm thành một cộng đồng liên chủ thể trong thế giới sống.
Liên Chủ Thể Và Thế Giới Sống
Sau khi đã bàn đến khái niệm thế giới sống, khi đề cập đến chủ thể đang kinh nghiệm trong thế giới, Husserl không còn nói đến một chủ thể cá nhân riêng biệt, nhưng muốn nói đến một chủ thể mang tính số nhiều, hay đúng hơn là một cộng đồng liên chủ thể. “Khi tôi nói “I”, bây giờ “I” đó đi vào trong những cái “I” khác (into “other I’s), đi vào bên trong “tất cả chúng ta” (into all of us). Chúng ta là rất nhiều “I”, trong đó có tôi, nhưng tôi chỉ là một “I”.[95] Vì thế, “vấn đề thiết định liên chủ thể là một vấn đề của tất cả chúng ta (all of us), nhưng được bàn đến từ quan điểm (point of view) cá nhân của tôi như là một chủ thể đang thiết định trong đó”.[96]
Kinh nghiệm của tôi được bắt nguồn từ trong thế giới sống. Kinh nghiệm của tha thể cũng được bắt nguồn từ trong thế giới sống. Nói một cách liên chủ thể, kinh nghiệm của chúng ta – những chủ thể đang kinh nghiệm, bắt nguồn từ trong thế giới sống. Vì thế, “chúng ta không kinh nghiệm về những đối tượng vật lý xung quanh chúng ta một cách thuần túy trong không gian và thời gian, trong sự cấu thành vật chất của chúng. Nhưng ta luôn kinh nghiệm chúng trong thế giới sống.”[97] Có một cái cây và cái cây đó phải ở đâu đó, trong vườn hay bên vệ đường. Cái cây hiện hiện ở đó trong thế giới. Cái cây ở đó cho tôi. Cái cây ở đó cho người khác. Cái cây ở đó cho chúng ta (tôi và tha thể). Vậy cái cây ở đó cho mọi người. Cái cây đó có thể được kinh nghiệm bởi tất cả mọi người. Như vậy, có thể thấy, thế giới sống là nơi chứa đựng và khai mở chân lý, là nơi mở ra những chân trời kinh nghiệm cho một cộng đồng liên chủ thể.
Sự thiết định nên thế giới bắt đầu với chiều kích cá nhân, “với dòng chảy quá trình kinh nghiệm chủ quan của một cá nhân” (one’s own stream of subjective processess), với sự đa dạng vô hạn định, và với sự liên tục ngang qua thế giới sống. Bắt đầu từ một cái gì đó “uyên nguyên” và một cái gì đó “thứ yếu” (secondarily) được thành lập.” [98] Cái uyên nguyên ở đây muốn nói đến một kinh nghiệm trực tiếp từ nhãn quan của ngôi thứ nhất, còn cái thứ yếu là một kinh nghiệm không phải trực tiếp. Cái uyên nguyên trở thành tâm điểm, còn cái thứ yếu khai mở một chân trời mới để cái uyên nguyên có thể đánh giá và khám phá. Nếu có thể đưa ra một ví dụ mang chiều kích liên chủ thể, ta có thể nói, cộng đồng liên chủ thể hiện tại là uyên nguyên và mang tính chủ quan, mang chiều kích cá nhân. Cộng đồng liên chủ thể trong quá khứ hoặc ở tương lai là một cộng đồng “thứ yếu”. Cộng đồng đó, hay là cộng đồng trong thế giới sống đó khai mở những chân trời mới để rồi cộng đồng liên chủ thể hiện tại có thể tham dự vào, hoặc tiền dự trước để có thể kinh nghiệm về thế giới sống của các cộng đồng liên chủ thể đó.
Thế giới sống giúp xây dựng một cộng đồng liên chủ thể mang tính truyền thống sống động. Liên chủ thể mang tính truyền thống ở đây muốn nói đến một cộng động liên chủ thể không chỉ của những chủ thể đang cùng hiện diện ở hiện tại, nhưng còn cả những chủ thể đã kinh nghiệm trong quá khứ và cả những chủ thể sẽ kinh nghiệm trong tương lai. Một cộng đồng liên chủ thể như vậy ở trong dòng chảy của thế giới sống, cộng đồng liên chủ thể hiện tại tiếp nối những gì mà cộng đồng liên chủ thể quá khứ đã đặt nền và định hình cho cộng đồng liên chủ thể trong tương lai.
Thế giới sống chính là đất nền (subsoil), là nền tảng để xây dựng một cộng đồng liên chủ thể.[99] Vì như Husserl đã nói, “sống luôn luôn là sống ở một nơi nào đó trong thế giới” (to live is always to live–in–certainty–of–the–world).[100] Chính ở trong thế giới mà tôi được sinh ra, lớn lên, và trở về. Thế giới sống chính là sự kết nối các chủ thể lại với nhau. Như đại dương là sự kết nối cho các hòn đảo, để làm thành một cộng đồng liên chủ thể. Một cộng đồng liên chủ thể ở trong thế giới sống, và thế giới sống ban tặng những kinh nghiệm trực tiếp cho tôi như là một thành viên trong một cộng đồng liên chủ thể. Kinh nghiệm mà thế giới sống mở ra không chỉ cho tôi nhưng còn cho cả những chủ thể đang kinh nghiệm khác. Thế giới sống vừa ban tặng những kinh nghiệm cho chúng ta, vừa được định hình nên từ những kinh nghiệm của chúng ta.
Vì thế giới sống là nơi chứa đựng và khai mở chân lý, nên việc tri nhận chân lý không còn dừng lại ở tầm mức cá nhân, nhưng được nhấn mạnh trong chiều kích liên chủ thể. Nghĩa là chân lý không bao giới vén mở một cách toàn vẹn cho một cá nhân, hay một cộng đồng liên chủ thể riêng biệt, nhưng là cho một cộng đồng nhân loại tiếp diễn liên tục trong thế giới sống.
Kết Luận
Hiện tượng học với ước mơ trở thành một khoa học nền tảng nhất cho mọi ngành khoa học cần phải đi tìm cho mình một điểm tựa Archimedes, chắc chắn nhất và rõ ràng nhất. Trong trường phái hiện tượng học, cái chắc chắn và rõ ràng nhất là hiện tượng như là nội dung kinh nghiệm mà sự vật tự tỏ lộ ra, và cái tôi siêu nghiệm như là chủ thể đang kinh nghiệm trong nhãn quan ngôi thứ nhất. Để có thể tìm được một miền hiện tượng học thuần túy cho sự vật tự tỏ lộ chính mình, hiện tượng học đã triển khai phương pháp epoché hay phương pháp giảm trừ như là một thái độ kinh nghiệm cần thiết để có thể tri nhận về sự vật. Bởi vì hiện tượng học muốn trực tiếp kinh nghiệm về sự vật, nên khái niệm về ý hướng tính được bàn đến như là cấu trúc kinh nghiệm của chủ thể, ego – cogito – cogitatum. Không thể có một cái tôi đang suy tư như của Descartes mà lại không có một chủ thể đang thực hiện thành vi suy tư đó, và không hướng đến một đối tượng nào đó. Có thể nói, ý hướng tính chính là ý thức thuần túy mà ở nơi đó sự vật tự tỏ lộ chính mình; và tôi một chủ thể đang kinh nghiệm được giảm trừ để trở thành một cái tôi siêu nghiệm đang trực tiếp gặp gỡ, ghi nhận và cấu thành ý nghĩa cho sự vật. Cho nên, kinh nghiệm trong trường phái hiện tượng học luôn là một cuộc gặp gỡ mang tính uyên nguyên và trực tiếp của cái tôi siêu nghiệm như là chủ thể kinh nghiệm và đối tượng được kinh nghiệm.
Tuy nhiên, hiện tượng học không dừng lại ở nơi kinh nghiệm của riêng mình, nhưng muốn vượt qua phê bình duy tâm chủ quan sau khi đã giảm trừ hiện tượng học, và muốn hướng đến một thực tại khách quan. Cùng với đó là trước những thương tổn của nhân loại trong cuộc chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất, nên vấn đề liên chủ thể đã được bàn đến để thấy rằng, mặc dù hiện tượng học phải bắt đầu từ một chủ thể, nhưng không đồng nghĩa tôi là chủ thể đang kinh nghiệm duy nhất, nhưng còn có những chủ thể đang kinh nghiệm khác như tôi. Hơn nữa, tôi cùng với những chủ thể khác đó không phải là những chủ thể tách biệt, nhưng là những chủ thể được liên kết với nhau trong một cộng đồng liên chủ thể ngang qua hành động của sự thấu cảm, và cộng đồng liên chủ thể đó ở trong một thế giới sống.
Trong lý thuyết liên chủ thể, Husserl đã vận dụng khái niệm đơn tử của Leibniz để nói về chủ thể đang kinh nghiệm. Nhưng những đơn tử của Husserl có những ô cửa sổ để có thể tương tác với nhau và làm thành một cộng đồng các đơn tử. Ô cửa sổ đó chính là sự thấu cảm mà ai cũng có để qua đó, tôi có thể đi vào trong kinh nghiệm của tha thể, cũng như để tha thể có thể đi vào trong kinh nghiệm của tôi. Qua đó để thấy rằng, cả tôi và tha thể đều là những chủ thể đang kinh nghiệm, và chúng tôi đang cùng kinh nghiệm về cùng một đối tượng trong một thế giới sống. Đó là những khả thể đồng kinh nghiệm của các chủ thể. Một khả thể đồng kinh nghiệm ngang qua hành động của sự thấu cảm, để thấy rằng, mặc dù tôi không có được một kinh nghiệm trực tiếp và uyên nguyên của tha thể, nhưng qua sự dịch chuyển thông giác từ sinh thể sống động của tôi, tôi có thể đi vào được kinh nghiệm của tha thể và nhận ra rằng tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm giống như tôi. Chính khả thể đồng kinh nghiệm này đã mở ra một cộng đồng liên chủ thể giữa tôi và tha thể.
Tuy vậy, sau khi đã giải quyết vấn đề liên chủ thể, Husserl vẫn tiếp tục bị phê bình là vẫn ở trong duy tâm chủ quan, hoặc khắt khe hơn là vẫn tiếp tục quằn quại trong chủ thuyết duy ngã. Vì theo như phê bình này, mặc dù chứng minh của Husserl cho thấy tha thể là cũng là những chủ thể đang kinh nghiệm giống như tôi, nhưng kinh nghiệm này cũng vẫn đến từ chủ thể là chính tôi. Tôi phải có được kinh nghiệm về sinh thể sống động của tôi “ở đây” trước, và từ đó mà loại suy thấu cảm đến sinh thể sống động đang “ở kia” của tha thể, và thấy rằng nếu sinh thể sống động của tôi là một chủ thể đang kinh nghiệm thì sinh thể sống động của tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm.
Phê bình trên không phải không có phần thích đáng. Tuy nhiên, nếu là Husserl, ông sẽ đáp lại rằng. Hiện tượng học phải bắt đầu từ chủ thể, vì đó là điều kiện đảm bảo cho một kinh nghiệm được trao tặng một cách uyên nguyên và trực tiếp từ nhãn quan ngôi thứ nhất. Do đó, để có thể kinh nghiệm được tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm giống như tôi thì cũng phải bắt đầu từ chủ thể là chính tôi trước. Trong trường hợp này, nếu hiện tượng học đặt nền tảng ở một nơi nào khác ngoài tôi, thì sẽ không bảo đảm được sự rõ ràng, chắc chắn và phân minh, sẽ không còn là một kinh nghiệm uyên nguyên và trực tiếp, và như vậy sẽ không còn là hiện tượng học nữa. Hơn nữa, hiện tượng học không chối bỏ tha thể cũng như thực tại khách quan, nhưng chỉ bỏ vào trong ngoặc những tiền kiến và những vấn đề siêu vượt để có thể gặp gỡ trực tiếp đối tượng được kinh nghiệm. Trong vấn đề của tha thể, vừa phải đảm bảo được tính uyên nguyên của tha thể như là một chủ thể đang kinh nghiệm khác tôi, vừa phải đảm bảo được khả thể kinh nghiệm của tôi về tha thể. Do đó, kinh nghiệm để thấy tha thể cũng là một chủ thể đang kinh nghiệm như tôi chỉ có thể có được ngang qua hành động của sự thấu cảm, ngang qua sự thông giác loại suy từ kinh nghiệm của tôi. Chỉ như thế thì mới vừa đi đúng lý thuyết hiện tượng học, vừa đảm bảo được sự chắc chắn trong kinh nghiệm của tôi.
Có lẽ cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết, nhưng phải ghi nhận rằng, hiện tượng học và vấn đề liên chủ thể mà Husserl đã đưa ra để lại nhiều ảnh hưởng đáng kể cho các giai đoạn sau của thế giới về mặt triết thuyết cũng như về mặt xã hội.
Về mặt triết thuyết, vấn đề liên chủ thể sau này tiếp tục được quan tâm bởi các triết gia khác như Heiderger, Jean Paul Sartre, Hannah Arendt. Ví dụ như trong triết thuyết của Jean Paul Sartre, tha thể đóng một chức năng kép. Tha thể biểu lộ cấu trúc chưa được nhận ra của cái Hữu-tại-ngã (being-in-itself), đồng thời tha thể cũng đưa ra những phương thế để cái Hữu-tại-ngã có thể đạt đến được cái Hữu-tại-ngã-vị-ngã (being-in-itself-for-itself), một tình trạng mà Sartre coi là dự phóng nền tảng của chúng ta (basic project).[101] Thêm vào đó, hiện tượng học còn trở thành một sự gợi hứng cho một phong trào tâm lý nhân bản và hiện sinh ra đời với những tên tuổi như Carl Rogers (1902 – 1987), Rollo May (1909 – 1994), hay Ludwing Binswanger (1881 – 1966). Về lý thuyết xã hội học còn có Alfred Schutz (1899 – 1959). Ông đã áp dụng lý thuyết liên chủ thể của Husserl vào trong lý thuyết xã hội học của mình.
Về mặt xã hội, chúng ta cũng có thể thấy những mối quan tâm ngày càng lớn hơn cho vấn đề liên chủ thể. Được bàn đến trong bối cảnh của hai cuộc chiến tranh thế giới thứ I, liên chủ thể ra đời và đóng góp phần nhiều trong việc xây dựng ngôi nhà chung, trong việc xây dựng một thế giới sống. Thay vì một thế giới mà người ta tưởng là tự nhiên, một thế giới mà người ta tưởng là của riêng tôi, thì giờ đây, người ta nhận thấy đó là một thế giới sống, một thế giới mà tôi là một phần ở trong đó cùng với người khác, một thế giới được cùng tôi và người khác sẻ chia. Vì vậy, tôi cùng với người khác phải có bổn phận để cùng nhau kiến tạo thế giới sống cho nhau. Đây là một điều mà ngày hôm nay chúng ta có thể thấy ngang qua những nỗ lực bảo vệ môi trường, chăm lo ngôi nhà chung (common home).
Trong xã hội hôm nay cũng có nhiều cách biểu hiện của chủ đề liên chủ thể. Người ta nói nhiều về việc cộng tác trong công việc, về làm việc mảng kết nối, về việc “đi đôi giày của người khác”. Người ta nhấn mạnh đến sự hội nhất trong đa dạng, không còn phải là việc anh đúng hay tôi đúng nhưng là chuyện chúng ta cùng đúng. Không còn là chuyện của anh hay của tôi nhưng là chuyện của chung chúng ta.
Sau cùng, người viết cũng xin đưa ra một vài nhận xét của mình khi tìm hiểu về Husserl.
Với khẩu hiệu “trở về với chính sự vật” (return to the things themselves), Husserl đã mở ra một con đường mới trong quá trình kinh nghiệm về sự vật. Một điều thật thú vị, Husserl đã áp dụng chính phương pháp hiện tượng học vào trong việc viết ra những tư tưởng của mình. Những tác phẩm của Husserl luôn là một sự khởi đầu mới, luôn là một kinh nghiệm mới về những vấn đề mà hiện tượng học đề ra. Có thấy điều này ngang quan những tựa đề trong những tác phẩm của Husserl, như: Những Suy Niệm Về Descartes – Một Dẫn Nhập Vào Hiện Tượng Học (Cartesian Meditations – An introduction to phenomenology), Những Ý Niệm – Dẫn Nhập Tổng Quát Vào Hiện Tượng Học Thuần Túy (Ideas – general introduction to pure phenomenology), hoặc là Cuộc Khủng Hoảng Của Khoa Học Ở Châu Ân Và Hiện Tượng Học Siêu Nghiệm – Dẫn Nhập Vào Hiện Tượng Học (the crisis of European Sciences and transcedental phenomenology – an introduction to phenomenology).
Tiếp đến, Husserl đề xướng rằng, hiện tượng học để cho sự vật tự tỏ lộ chính mình và ghi nhận lại điều được tỏ lộ cho tôi. Đặc biệt trong tác phẩm, Cuộc Khủng Hoảng Của Khoa Học Ở Châu Âu, Husserl phản đối cách định nghĩa thế giới bằng những phạm trù, những định nghĩa rõ ràng, nên trong tư tưởng triết học của mình, Husserl cũng không đưa ra một định nghĩa phạm trù về bất kỳ một ý niệm nào, nhưng thay vào đó, ông chỉ mô tả chúng theo như cách ông kinh nghiệm được.
Vì thế khi tìm hiểu về hiện tượng học của Hussel, người viết cũng cố gắng để áp dụng phương pháp hiện tượng học vào trong bài viết của mình, tức là trực tiếp gặp gỡ bản văn của tác giả (tuy nhiên, đã được chuyển dịch bằng một ngôn ngữ thứ hai), và để cho bản văn tự tỏ lộ chính mình. Có thể nói, người viết chính là chủ thể đang thực hiện hành vi suy tư và hướng về đối tượng (ở đây là bản văn mà Husserl đã viết). Thêm vào đó, trong quá trình tìm hiểu, vấn đề liên chủ thể cũng được mở ra cho chính người viết. Người viết có một môi trường hiện tượng luận của chính mình, vì thế khi gặp gỡ bản văn sẽ nhận thấy những điều này điều kia được mở ra. Thế nhưng đó không phải là tất cả, những chủ thể đang kinh nghiệm khác cũng gặp gỡ trực tiếp bản văn và ghi nhận lại điều được tỏ lộ ra cho họ. Người viết cũng gặp gỡ kinh nghiệm của những chủ thể khác này, và bằng hành vi của sự thấu cảm, bằng khái niệm thông giác, người viết cũng có thể hiểu và đón nhận kinh nghiệm của các chủ thể khác và làm phong phú thêm cho kinh nghiệm của chính mình trong việc gặp gỡ bản văn của Husserl. Có thể nói một cộng đồng của những chủ thể đang kinh nghiệm đã được thiết lập ở đây.
Nói tóm lại, trong chiều hướng toàn cầu hóa của xã hội, đặc biệt trong một “thế giới phẳng” khi những ranh giới ngày càng khép lại, thì càng lúc càng đòi hỏi con người phải biết mở ra với nhau và với thế giới. Từ đó thiết nghĩ rằng, tính liên chủ thể là cần thiết, việc đồng kinh nghiệm là cốt yếu để con người biết mở ra với kinh nghiệm của nhau và để cùng nhau xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
Thư Mục Tham Khảo
Cohen, Dermot Moran and Joseph. The Husserl Dictionary. New York: Contiuum, 2012.
Frode Kjosavik, Christian Beyer, and Christel Fricke. Husserl’s Phenomenology of Intersubjectivity – Historical Interpretations and Contemporary Applications. New York: Routledge, 2019.
Hermberg, Kevin. Husserl’s Phenomenology – Knowledge, Objectivity and Others. New York: Bloomsbury Academic, 2006.
Hoa, Diêu Tri. Edmund Husserl. Translated by Trịnh Cư. Huế: NXB Thuận Hóa, 2004.
Husserl, Edmund. Cartesian Meditations – An Introduction to Phenomenology. Translated by Dorion Cairns. The Hague: Martinus Nijhoff, 1960.
—. Ideas – General Introduction to Pure Phenomenology. Translated by W. R. Boyce Gibson. New York: Collier Books, 1962.
—. Phenomenology And The Crisis Of Philosophy. Translated by Quentin Lauer. New York: Harper & Row Publisher, 1965.
—. The Basic Problems of Phenomenology. Translated by Ingo Farin and James G. Hart. The Netherlands: Springer, 2006.
—. The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology – An Introduction to Phenomenology. Translated by David Carr. Evanston: Northwestern University Press, 1970.
—. Ý Niệm Hiện Tượng Học. Translated by Bùi Văn Nam Sơn. TP Hồ Chí Minh: NXB Trẻ, 2016.
Kockelmans, Joseph J. Edmund Husserl’s Phenomenology. Indiana: Purdue University Press, 1994.
Leibniz, Gottfried Wilhelm. The Monadology. Translated by Robert Latta. 1898.
Lester Embree, Elizabeth A. Behnke, David Carr, et al. Encyclopedia of phenomenology. Kluwer: Academic Publishers, 1997.
Owen, Ian Rory. “Husserl’s Theory Of Empathy: Meaning Arrives With The Other.” January 19, 2014. https://www.researchgate.net/publication/259763660_husserl’s_theory_of_empathy_meaning_arrives_with_the_other (accessed March 6, 2020).
Owens, Thomas J. Phenomenology and Intersubjectivity . The Hague: Martinus Nijhoff, 1970.
Russell, Matheson. Husserl – A Guide for the Perplexed. New Yorl: Continuum International Publishing Group, 2006.
Smith, A.D. Routledge Philosophy GuideBook to Husserl and the Cartesian Meditations. London: Routledge, 2003.
Smith, Barry Smith and David Woodruff. The Cambridge Companion to Husserl. New York: Cambridge University Press, 1995.
Smith, David Woodruff. Husserl. New York: Routledge, 2007.
Stein, Edith. On The Problem Of Empathy. Translated by Waltraut Stein. The Hague: Martinus Nijhoff, 1964.
Zahavi, Dan. Husserl’s Phenomenology. California: Stanford University Press, 2003.
[1] Diêu Tri Hoa, Edmund Husserl, trans. Trịnh Cư (Huế: NXB Thuận Hóa, 2004), 164.
[2] Edmund Husserl, Ideas – General Introduction to Pure Phenomenology, trans. W. R. Boyce Gibson (New York: Collier Books, 1962), 98.
[3] Dan Zahavi, Husserl’s Phenomenology (California: Stanford University Press, 2003), 45.
[4] Edmund Hussserl, Ideas, 100.
[5] Edmund Husserl, Ý Niệm Hiện Tượng Học, trans. Bùi Văn Nam Sơn (TP Hồ Chí Minh: NXB Trẻ, 2016), 48.
[6] Edmund Husserl, Cartesian Meditations – An Introduction to Phenomenology, trans. Dorion Cairns (The Hague: Martinus Nijhoff, 1960), 26.
[7] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 21.
[8] Edmund Hussserl, Ideas, 98.
[9] Dan Zahavi, Husserl’s Phenomenology, 44.
[10] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 50.
[11] Ibid., 33
[12] Cụm từ “siêu việt” ở đây nên hiểu là vượt ra ngoài phạm vi ý thức. Chú thích của người viết.
[13] Edmund Husserl, Ý Niệm Hiện Tượng Học, 75.
[14] Edmund Husserl, Ý Niệm Hiện Tượng Học, 127.
[15] Dermot Moran and Joseph Cohen, The Husserl Dictionary (New York: Contiuum, 2012), 167.
[16] Dan Zahavi, Husserl’s Phenomenology, 15.
[17] Matheson Russell, Husserl – A Guide for the Perplexed (New Yorl: Continuum International Publishing Group, 2006), 79.
[18] Matheson Russell, Husserl – A Guide for the Perplexed, 79.
[19] Edmund Hussserl, Ideas, 45.
[20] Joseph J. Kockelmans, Edmund Husserl’s Phenomenology (Indiana: Purdue University Press, 1994), 82.
[21] Moran and Cohen, The Husserl Dictionary, 115.
[22] Edmund Hussserl, Ideas, 108.
[23] Ibid., 213
[24] Ibid., 217
[25] Barry Smith and David Woodruff Smith, The Cambridge Companion to Husserl (New York: Cambridge University Press, 1995), 11.
[26] Edmund Hussserl, Ideas, 6.
[27] Gottfried Wilhelm Leibniz, The Monadology, trans. Robert Latta (no publisher: 1898), 2.
[28] Ibid., 6
[29] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 67.
[30] Moran and Cohen, The Husserl Dictionary, 215.
[31] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 67.
[32] Matheson Russell, Husserl – A Guide for the Perplexed, 150.
[33] Frode Kjosavik, Christian Beyer, and Christel Fricke, Husserl’s Phenomenology of Intersubjectivity – Historical Interpretations and Contemporary Applications ( New York: Routledge, 2019), 121.
[34] Ibid., 122
[35] Ibid., 81
[36] Edmund Husserl, The Basic Problems of Phenomenology, trans. Ingo Farin and James G. Hart (The Netherlands: Springer, 2006), 82.
[37] Kjosavik, Beyer, and Fricke, Husserl’s Phenomenology of Intersubjectivity, 82.
[38] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 107.
[39] Moran and Cohen, The Husserl Dictionary, 94.
[40] Ibid., 95
[41] Ibid.
[42] Lester Embree, Elizabeth A. Behnke, David Carr, et al, Encyclopedia of phenomenology (Kluwer: Academic Publishers, 1997), 356.
[43] Edith Stein, On The Problem Of Empathy, trans. Waltraut Stein (The Hague: Martinus Nijhoff, 1964), 14.
[44] Lester Embree, Elizabeth A. Behnke, David Carr, et al, Encyclopedia of phenomenology, 356.
[45] Ibid., 357
[46] Edmund Hussserl, Ideas, 45 – 46.
[47] Edith Stein, On The Problem Of Empathy, 7 – 8.
[48] Ibid., 10
[49] Thuật ngữ “đồng kinh nghiệm” không được Edmund Husserl dùng đến, vì thế sẽ không có bản đối chiếu tiếng Anh, hoặc tiếng Đức. Thế nhưng nếu cần, thì có thể dùng từ “ap-experience” để nói về việc “đồng kinh nghiệm”, giống như Edmund Husserl đã dùng từ “appresentation” để nói về việc “đồng trình diện”, và “apperception” để nói về việc “thông giác”. Chú thích của người viết.
[50] Về từ ngữ “apperception” được một số dịch giả như Bùi Văn Nam Sơn trong tác phẩm Ý Niệm Hiện Tượng Học của Edmund Husserl và Trịnh Cưu trong tác phẩm Edmund Husserl của tác giả Diêu Tri Hoa dịch là sự “thông giác”. Chú thích của người viết.
[51] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 108.
[52] Ibid., 109
[53] Ibid.
[54] Ibid., 111
[55] Joseph J. Kockelmans, Edmund Husserl’s Phenomenology, 280.
[56] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 111.
[57] Ibid., 110
[58] Ibid., 109
[59] Ibid., 110 – 11
[60] Ibid., 116
[61] Ibid.
[62] Ibid.
[63] Ibid., 130
[64] Ibid., 89
[65] Ibid., 50
[66] Ibid., 66
[67] Kjosavik, Beyer, and Fricke, Husserl’s Phenomenology of Intersubjectivity, 463.
[68] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 101.
[69] Edith Stein, On The Problem of Empathy, 9.
[70] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 91.
[71] Ibid.
[72] Dan Zahavi, Husserl’s Phenomenology, 101.
[73] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 117.
[74] Ibid., 91
[75] Ibid., 117
[76] Ian Rory Owen, “Husserl’s Theory Of Empathy: Meaning Arrives With The Other,” ResearchGate, January 19, 2014, https://www.researchgate.net/publication/259763660_husserl’s_theory_of_empathy_meaning_arrives_with_the_other.
[77] Dan Zahavi, Husserl’s Phenomenology, 15.
[78] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 91.
[79] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 91.
[80] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 120.
[81] A.D Smith, Routledge Philosophy GuideBook to Husserl and the Cartesian Meditations, (London: Routledge, 2003), 232-233.
[82] Dan Zahavi, Husserl’s Phenomenology, 112.
[83] Ibid.
[84] Ibid., 113
[85] Edmund Husserl, The Basic Problems of Phenomenology, 5.
[86] Ibid., 6
[87] Edmund Husserl, The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology – An Introduction to Phenomenology, trans. David Carr (Evanston: Northwestern University Press, 1970).
[88] Edmund Husserl, Phenomenology And The Crisis Of Philosophy, trans. Quentin Lauer (New York: Harper & Row Publisher, 1965), 151.
[89] Edmund Husserl, The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology, 50.
[90] Ibid., 130
[91] Joseph Kockelmans, Edmund Husserl’s Phenomenology, 336.
[92] Kevin Hermberg, Husserl’s Phenomenology – Knowledge, Objectivity and Others (New York: Bloomsbury Academic, 2006), 74.
[93] Kevin Hermberg, Husserl’s Phenomenology, 74.
[94] Edith Stein, On The Problem Of Empathy, 5.
[95] Edmund Husserl, The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology, 182.
[96] Ibid.
[97] David Woodruff Smith, Husserl (New York: Routledge, 2007), 181.
[98] Edmund Husserl, Cartesian Meditations, 134.
[99] Edmund Husserl, The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology, 124.
[100] Ibid., 142
[101] Thomas J. Owens, Phenomenology and Intersubjectivity (The Hague: Martinus Nijhoff, 1970), 33.