- Nghĩa vụ của các tập đoàn
Các công dân không chỉ là những thành viên của các nước; nhưng họ còn là những thành viên của các hiệp hội trung gian: các gia đình, các giáo hội, các câu lạc bộ, các hiệp hội nghề nghiệp, cũng như các tập đoàn. Họ có thể có những bổn phận phải làm như là những thành viên của các tổ chức kể trên, vượt lên trên những bổn phận của một công dân phải có. Vậy, tư cách hội viên của một người trong một tổ chức dân sự tác động thế nào đến nghĩa vụ chính trị của họ?
Có rất nhiều chủ đề mà chúng ta có thể luận bàn ở đây, nhưng tôi muốn tập trung vào một câu hỏi đặc biệt quan trọng liên hệ đến các vấn đề của môi trường: Đâu là những bổn phận của các tập đoàn (kể cả lợi nhuận và phi lợi nhuận) liên quan đến sự bền vững của môi trường? Với tư cách là CEO của một tập đoàn lớn, liệu bạn có những bổn phận với môi trường giống như bạn có với tư cách là một cá nhân hoặc một công dân không? Hay, những bổn phận của bạn với tổ chức của mình có làm hạn chế hoặc thay đổi những bổn phận đó không?
Vấn đề này là một phần của cuộc tranh luận về trách nhiệm xã hội của các tập đoàn. Năm 1970, nhà kinh tế người Mỹ Milton Friedman đã khơi mào cho cuộc tranh luận này. Ông lập luận chắc nịch rằng trách nhiệm xã hội duy nhất của một tập đoàn (ngoài việc tuân hành luật pháp) là tăng lợi nhuận cho tập đoàn đó. Ông cho rằng các giám đốc của những tập đoàn này đã đưa ra những hứa hẹn có hiệu lực pháp lý với các cổ đông; các giám đốc nhận được các khoản đầu tư vì hiểu rằng họ sẽ thực hiện sứ mệnh của tập đoàn và cố gắng tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Giả như họ lấy số tiền đó nhằm theo đuổi những mục đích khác, ví như làm sạch môi trường, thì việc làm đó bị coi là trái với đạo đức. Friedman đã thừa nhận rằng các tập đoàn đã làm rất nhiều thứ vì ích chung và những thứ đó cũng tốt cho lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên theo ông, giám đốc tập đoàn không có thẩm quyền theo đuổi các dự án xã hội không giúp ích gì cho việc tạo ra lợi nhuận cho tập đoàn của mình.
Năm 1984, R. Edward Freeman đã tiếp nối cuộc tranh biện trong tác phẩm Quản lý chiến lược: Lý thuyết cổ đông (Strategic Management: A Stakeholder Theory). Freeman không đồng ý với quan điểm của Friedman. Ông cho rằng các tập đoàn được thành lập bởi pháp luật nhằm phục vụ cho các mục đích xã hội, và chúng ta có thể xác định các nghĩa vụ xã hội của những tập đoàn này còn lớn hơn việc chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận cho tập đoàn của mình. Freeman cho thấy các tập đoàn nắm giữ rất nhiều quyền lực xã hội; những quyết định mà họ đưa ra có thể ảnh hưởng đến hàng triệu công nhân, người tiêu dùng và công chúng. Họ nên nhận thêm trách nhiệm đi kèm với quyền lực như thế. Vì thế, ông đề nghị các giám đốc tập đoàn nên tham vấn ý kiến của tất cả các bên liên quan khác nhau trong công ty mỗi khi họ đưa ra những quyết định quan trọng: các cổ đông, các công nhân, các khách hàng, và bất kỳ ai khác có thể được lợi hay bị tổn hại bởi tập đoàn. Các giám đốc phải cố gắng hết sức có thể nhằm đáp ứng tất cả các lợi ích của các bên liên quan. Những chuyên gia hay các nhà hoạt động môi trường có thể thêm vào danh sách các bên liên quan thuộc thế giới tự nhiên.
Chưa có sự đồng thuận trong giới doanh nghiệp về mức độ nới rộng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Một số vẫn tán thành với quan điểm của Friedman khi cho rằng tập đoàn tồn tại là nhằm phục vụ lợi ích cho các cổ đông của tập đoàn mà thôi. Nhưng cuộc tranh luận lại chuyển sang một trang mới vào năm 2004, khi Paul Buchheit và Amit Patel, những nhà sáng lập của Google, đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO). Họ cho các cổ đông tiềm năng biết rằng công ty có thể từ bỏ các khoản thu nhập ngắn hạn nhằm phục vụ lý tưởng xã hội, chẳng hạn như việc đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, Buchheit và Patel, giống như nhiều người ủng hộ hiện nay về vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khẳng quyết rằng họ không đi ngược lại với lợi ích của các cổ đông. Trong lần phát hành cổ phiểu lần đầu tiên, họ đã tuyên bố: “Về lâu dài, chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ được phục vụ tốt hơn – với tư cách là những cổ đông và trong nhiều cách thế khác nhau – bởi một công ty luôn thực hiện những điều tốt đẹp cho thế giới này, ngay cả khi chúng ta bỏ qua một số lợi nhuận ngắn hạn” (Google 2004, tr.27).
Cuộc tranh luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng liên hệ đến các tổ chức phi lợi nhuận, như hầu hết các trường đại học. Những tổ chức này cũng nhận các khoản tài trợ với nhận thức rằng họ sẽ sử dụng số tiền đó vào việc mưu cầu sứ mệnh căn bản của tổ chức. Ví dụ: các nhà quản trị trường đại học có thể miễn cưỡng đầu tư tiền vào việc bảo vệ sự bền vững môi trường trừ khi nó minh nhiên liên hệ đến sứ mệnh trọng yếu của đại học: giáo dục. Tóm lại, khi bạn đưa ra quyết định nhân danh một tổ chức, bạn có thể không tuân theo những lý tưởng môi trường cá nhân của riêng bạn. Việc cam kết phục vụ mục đích của tổ chức khiến bạn (cả về phương diện luật pháp và đạo đức) không thể dùng các nguồn lực của tổ chức cho các mục đích khác, ngay cả khi bạn nghĩ các mục đích khác còn quan trọng hơn thế nhiều.
Một bài học có thể rút ra từ cuộc thảo luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó là bạn phải rất thận trọng để chọn những tổ chức nào bạn có thể làm việc. Một khi bạn tham gia vào một tập đoàn (ví dụ, bằng cách nhận một công việc), bạn sẽ có nghĩa vụ đạo đức để tiếp tục sứ mệnh của tổ chức đó. Vì thế bạn phải chắc chắn sứ mệnh của tổ chức phù hợp với các giá trị đạo đức của bạn.
- Spring Lakes, Inc.
Ngay từ đầu chương, chúng ta đã xét đến việc liệu bà Judy K. có nên thiết lập một tiến trình đưa ra quyết định, nhờ đó những người thuê nhà của bà có thể xác định một cách thế công bằng nhằm phân chia phí bảo dưỡng ao hồ. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu như bà Judy K. cùng với một số nhà đầu tư quyết định hợp nhất việc kinh doanh nhà đất của mình? Liệu việc để các người thuê nhà tham gia vào việc đưa ra quyết định vẫn còn là một ý hay chăng? Bà sẽ giải thích thế nào cho các nhà đầu tư của mình về quyết định đó? Liệu có hợp lý không khi bà hy sinh một số khoản lợi tức nhằm đảm bảo cho hệ sinh thái lành mạnh và đảm bảo công bằng đối với những người thuê nhà của bà?
Rất có thể quyết định của bà Judy về cách xử lý phí bảo dưỡng ao hồ sẽ phụ thuộc vào việc bà hiểu vai trò của mình như thế nào: Bà là chủ sơ hữu tài sản tư nhân, một công dân, một ủy viên hội đồng quản trị của cộng đồng Spring Lakes, hay một viên chức của tập đoàn? Trong khi phần đầu tiên của chương này thảo luận về công bình như thể đó là nghĩa vụ chung được áp dụng theo cùng một cách thức với tất cả mọi người, thì nửa sau của chương lại gợi ý rằng nghĩa vụ của công bình có thể được định hình phần lớn bởi vai trò hoặc vị trí tổ chức của bạn. Một viên chức nhà nước có nghĩa vụ công bình lớn hơn – nhưng chỉ trong mức độ giới hạn quyền lực thích đáng của chính phủ. Với tư cách là một công dân, bạn cũng phải tôn trọng những giới hạn đó, ngay cả khi, với tư cách là một cá nhân riêng lẻ, bạn có thể nhìn xa hơn những giới hạn đó nữa. Cuối cùng, những vai trò bạn đảm trách trong các tổ chức khác nhau sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ công bình của bạn; các trách nhiệm của bạn đối với những tổ chức này cũng giúp định hình thế giới đạo đức của bạn và tương quan của bạn với tự nhiên.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 37-38.