- Vấn đề gìn giữ ao hồ.
Trong khu đất Spring Lakes của bà Judy K. có một ao nhỏ, và thông thường những người thuê nhà của bà đến đó câu cá và bơi lội. Tuy nhiên, việc gìn giữ ao hồ khỏi sự xâm lấn của cỏ dại và các loài tảo có thể rất tốn kém, nên bà Judy K. đang cân nhắc liệu có nên thu phí những người thuê nhà để trang trải chi phí đó không? Nhưng phải thu phí những ai? Vì chỉ một số người thuê nhà câu cá và bơi lội ở hồ, trong khi đó tất cả mọi người lại được hưởng lợi từ giá trị mỹ quan của những ao hồ trong khu đất ấy. Hơn nữa, ao hồ còn cung ứng những tiện ích quan trọng của hệ sinh thái, như thực phẩm và môi trường sống cho động vật hoang dã. Và bà Judy nghĩ rằng tất cả mọi người đều có bổn phận góp phần vào việc gìn giữ một hệ sinh thái lành mạnh. Tuy nhiên, một số người thuê nhà lại có thu nhập rất eo hẹp, và họ cho rằng những ai sử dụng ao hồ nhiều sẽ phải trả phí cao hơn. Người khác lại cho rằng bà Judy phải trả tất cả chi phí để gìn giữ và bảo vệ ao hồ, vì bà (là chủ đất) được hưởng lợi nhiều nhất từ các giá trị gia tăng mà những ao hồ trong lành đó mang lại cho khối tài sản của bà. Vậy đâu là giải pháp công bằng?
- Hai lý thuyết về công bình
Vấn đề phí bảo trì chính là vấn đề về công bình. Đó là điểm mấu chốt để chúng ta bắt đầu tìm hiểu về đạo đức môi trường. Tại sao lại là công bình? Tại sao không khởi đi từ lòng cảm thương, hay lòng can đảm, hoặc sự tháo vát? Có rất nhiều đức tính mà chúng ta muốn có trong cuộc sống của mình; tuy vậy, với hầu hết mọi người, công bình vẫn luôn là một đức tính quan trọng nhất. Chúng ta muốn công bằng để đối xử với người khác như họ đáng được vậy. Cũng thế, công bình cực kỳ quan trọng khi chúng ta nghĩ về cách thức mình phải thực hiện trong việc cùng nhau quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Công bình là một nghĩa vụ chính yếu của mỗi công dân và của cả chính quyền. Không phải lúc nào chúng ta cũng trông mong những nhà hoạt động chính trị sẽ tử tế hay bác ái, nhưng chúng ta trông chờ ở họ ít là sự công bình. Tuy nhiên, chính xác chúng ta có ý gì khi đề cập đến công bình?
Triết gia Hy lạp, Aristotle, trong khảo luận The Politics, cho chúng ta biết công bình là một kiểu bình đẳng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng công bình không có nghĩa là đối xử với mọi người như nhau. Đúng ra, công bình đòi hỏi chúng ta đối xử bình đẳng với những người bình đẳng và đối xử không bình đẳng với những người không bình đẳng. Ví dụ, nếu tất cả học sinh trong lớp toán đều được cho điểm “C”, họ đã được đối xử bình đẳng – nhưng lại không công bằng. Phải chăng những học sinh chứng tỏ mình giỏi toán hơn nên nhận được điểm số cao hơn? Hay có lẽ những học sinh học hành chăm chỉ hơn nên nhận được điểm số cao hơn, ngay cả khi họ không giỏi bằng những học sinh khác.
Bạn thấy đó, cho dẫu chúng ta có thể đồng ý với Aristotle về định nghĩa công bình, nhưng chúng ta lại gặp khó khăn khi cố gắng áp dụng vào thực tế. Chúng ta phải tự hỏi: Bình đẳng về khía cạnh nào? Chúng ta dựa vào những đặc điểm hay tiêu chí nào để chấm điểm, để trao đặc quyền, và để quyết định những gì tốt hay có hại? Có lẽ trong trường hợp của lớp toán, sẽ không quá khó để đưa ra quyết định: Chúng ta đều biết mục đích của lớp toán là dạy người ta biết cách làm toán, vì thế chúng ta nên khen thưởng học sinh chăm chỉ hoặc học sinh tài năng, hoặc khen thưởng cả hai. Mục đích của lớp học giúp chúng ta thu nhỏ các lựa chọn của mình. Nhưng vấn đề “bình đẳng về khía cạnh nào?” lại khó khăn hơn nhiều khi chúng ta quyết định cách thức phân bổ những tài sản chung cho toàn xã hội, chẳng hạn như các quyền về chính trị, của cải, không khí trong lành, hay quyền được lui tới công viên.
Theo ví dụ về lớp toán, có lẽ chúng ta nên hỏi: “Mục đích của xã hội chúng ta là gì?” Có thể mục đích của chúng ta là mưu cầu sự giàu sang; trong trường hợp này, chúng ta nên khen thưởng những người giàu và những ai đang nỗ lực để sở đắc sự thịnh vượng đó. Như thế, những người giàu nên được trao nhiều quyền lực chính trị, nhờ đó họ có thể sẽ dùng để đảm bảo rằng các công viên được xây dựng trong khu dân cư , còn các cơ sở xử lý rác thải nguy hại thì không. Về phần những người nghèo khổ, họ sẽ có động lực để làm việc chăm chỉ hơn nhằm đạt được sự giàu có. Và điều này có vẻ công bằng vì mục tiêu chung của chúng ta là tạo nên một xã hội giàu có thịnh vượng.
Nhưng liệu xã hội của chúng ta thực sự có một mục đích chung và bao quát theo nghĩa như thế hay không? Còn cộng đồng nhỏ của bà Judy K. thì sao: Liệu xã hội nhỏ đó có mục đích và mục tiêu tối hậu có thể giúp bà Judy quyết định cách thức phân phối và chia sẻ những điều tốt cũng như các tác hại hay không? Có lẽ, mục đích của xã hội đơn thuần là để duy trì các điều kiện mà ở đó mọi người đều có thể mưu cầu những mục đích và những giá trị riêng tư của mỗi người. Nếu như thế, làm sao chúng ta quyết định được người nào nên nhận lợi ích và người nào nên nhận thiệt hại về mình?
Nhiều triết gia chính trị đã nỗ lực giải quyết nan đề đó. Triết gia người Anh Jeremy Bentham, phóng tác vào cuối thế kỷ thứ 18, đưa ra một lời giải đáp có vẻ đơn giản nhưng hết sức thuyết phục: Mục đích của xã hội là để thăng tiến hạnh phúc và giảm thiểu đau khổ. Theo quan điểm của ông, mọi người trong mối liên hệ với tầm quan trọng của hạnh phúc và đau khổ đều bình đẳng như nhau. Vì thế, công bình có nghĩa là đối xử với đau khổ của mọi người một cách bình đẳng và cố gắng giảm thiểu nó bao nhiêu có thể. (Nhân tiện, Bentham cũng đề cập đến sự đau đớn của con vật, vì theo ông, động vật cũng có thể đau khổ – cho dẫu chúng phải chịu những đau khổ theo mức độ khác nhau và từ nhiều loại khác nhau). Có cả một trường phái gồm nhiều triết gia, được gọi là những người theo thuyết vị lợi, đã đi theo và mở rộng lý thuyết của Bentham.
Chủ nghĩa vị lợi là một trong những học thuyết đạo đức có tên gọi “chủ nghĩa duy hệ quả” (consequentiallism). Người theo chủ nghĩa duy hệ quả đánh giá các hành động hoặc các quy tắc dựa trên các hậu quả có thể xảy ra tương ứng với chúng – bất kỳ hậu quả nào mà họ xét thấy có liên quan đến luân lý. Những người theo thuyết vị lợi cho rằng hệ quả nhắm tới việc gia tăng “tiện ích”, vốn là những điều có thể được định nghĩa như hạnh phúc, toại nguyện về các sở thích, hoặc các lợi ích khách quan khác. Chủ nghĩa vị lợi được phát triển cách đặc biệt để giúp các nhà lập pháp lượng giá chính sách công ích, và nó vẫn là khung đạo đức nổi trội trong các đấu trường chính trị.
Những người theo thuyết vị lợi lập luận rằng một hệ thống xã hội công bình nên được thiết lập nhằm giảm thiểu những đau khổ của con người (có thể là cả loài vật), xem những đau khổ của mọi người quan trọng như nhau. Người theo thuyết này sẽ quyết định xây dựng công viên ở nơi có giá thành rẻ nhất và có nhiều người được hưởng lợi ích từ công viên đó nhất. Hoặc, họ cũng có thể kết luận rằng điều làm cho nhiều người hạnh phúc nhất là hãy để cho tất cả mọi người có liên quan đều tham gia vào việc quyết định xem nơi nào đáng để xây công viên.
Giả như Judy K. theo chủ nghĩa vị lợi, bà sẽ cân nhắc phương pháp bảo quản ao hồ nào làm cho nhiều người hạnh phúc nhất. Nhưng điều đó có thể dẫn đến một hệ quả tai hại: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người thuê nhà không được những người khác ưa thích, và những người thuê nhà khác đó sẽ cảm thấy hạnh phúc điên cuồng nếu như người này bị yêu cầu phải trả chi phí cho việc bảo quản ao hồ? Như thế, cách của bà Judy có thể đưa đến số lượng hạnh phúc lớn nhất, nhưng lại khó có thể công bằng được.
Những lý thuyết gia về “Quyền” sẽ cho rằng phương pháp này không công bằng. Theo họ, con người có những quyền căn bản nhất định không thể bị tước mất, ngay cả khi việc đó mang lại tổng lượng hạnh phúc lớn nhất cho xã hội. (Lối lập luận này thường được gọi là nghĩa vụ luận (deontological), từ thuật ngữ Hy Lạp để chỉ về “bổn phận”). Những lý thuyết gia về quyền ít quan tâm đến hạnh phúc, cho bằng quan tâm nhiều đến phẩm giá. Việc tôn trọng phẩm giá con người, theo họ lập luận, đòi hỏi việc bảo vệ quyền tự chủ hợp lý: con người có khả năng làm chủ đời sống của mình, hay có thể đưa ra những quyết định hợp lý về cách thức phải sống. Theo quan điểm này, quyền tự chủ hợp lý là bản chất của tự do và phẩm giá. Quyền ấy làm cho đời sống con người có giá trị về mặt đạo đức. Do đó, một xã hội công bình phải được xây dựng để tôn trọng quyền tự chủ này. Mục đích của các quyền là: nhằm tạo ra một phạm vi tự do cá nhân. Phạm vi này không thể bị bất kỳ ai tước đi mà không có lý do chính đáng. Ví dụ, một lý thuyết gia về quyền có thể lập luận rằng tất cả những người có liên quan đều có quyền tham gia vào việc quyết định nơi xây dựng công viên, ngay cả khi quy trình đó dẫn đến nhiều xung đột và kết quả là chẳng có công viên nào được xây dựng cả! Việc tôn trọng các quyền quan trọng hơn việc xây dựng công viên. Những lý thuyết gia về quyền cũng sẽ cho rằng mọi người đều có quyền được đối xử bình đẳng, trừ khi có lý do chính đáng để đối xử khác biệt với ai đó. Tất nhiên, điều này đưa chúng ta quay trở lại với câu hỏi rằng điều gì tạo nên lý do chính đáng để đối xử khác biệt với một người nào đó, và điều này phụ thuộc vào mục đích của xã hội. Đối với các lý thuyết gia về quyền, mục đích xã hội không phải là tối đa hóa hạnh phúc mà là tôn trọng phẩm giá con người bằng cách bảo vệ các quyền của họ (nghĩa là quyền tự do cá nhân hoặc quyền tự chủ).
Một trong những cách thức phổ biến nhất để phát triển quan điểm “quyền” về công bình là dựa vào ý niệm cho rằng xã hội chính trị là một khế ước xã hội. Những lý thuyết gia về khế ước xã hội mời gọi chúng ta hình dung một nhóm người sống trong một “nhà nước tự nhiên”, nghĩa là, trong một nhà nước vô chính phủ, không có bất kỳ chính phủ nào để lập pháp cũng như hành pháp. Mọi người được hưởng nhiều tự do; các quyền tự nhiên của họ sẽ không bị bất kỳ luật lệ nào cắt bỏ. Nhưng họ sẽ sớm nhận ra nhà nước tự do hoàn hảo này lại nhà nước không mấy ai mong muốn. Người khác có thể tự do xâm phạm các quyền của họ, thống trị và khủng bố họ. Vì thế, những người có lý trí sẽ nhóm họp lại với nhau và tự nguyện đồng ý thành lập một chính phủ với mục đích bảo vệ các quyền: đây chính là khế ước xã hội. Thực ra, có rất ít chính phủ thực sự được bắt nguồn theo cách này, nhưng công bằng mà nói nếu một chính phủ hoạt động như thể họ đang hoàn thành một khế ước xã hội hợp lý, thì đó chính là một chính phủ hợp pháp và công bằng, và chúng ta nên tuân theo chính phủ đó. Lúc đó, các quyền của bạn sẽ là các quyền được những người có lý trí cùng đồng thuận và được chính phủ bảo vệ.
(còn tiếp)
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 14-15.