Nội dung:
5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes
5.2 Các thế hệ tương lai
5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công
5.3.1 Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu.
5.3.2 Kiểm soát dân số.
5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes
5.5. Phần đọc thêm
5.2. Các thế hệ tương lai
Triết gia Derek Parfit, trong cuốn sách Lý trí và Con người (Reasons and Persons), đã giải thích một vấn đề liên hệ đến ý niệm về bổn phận đối với các thế hệ tương lai: bất cứ nhóm người nào hiện hữu trong tương lai đều là nhờ chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta, thế hệ hiện tại, quyết định về một vấn đề môi trường nào đó (hoặc bất cứ vấn đề chính sách nào) đều sẽ tác động đến bản sắc của thế hệ tương lai. Ngay cả một quyết định nhỏ nhất, chẳng hạn như đi nghỉ ở California hay Florida, cũng có thể tác động đến thời điểm một người được thụ thai trong bụng mẹ, và như thế ảnh hưởng đến bẩm tính di truyền cũng như bối cảnh người đó bước vào thế giới này. Tóm lại, các quyết định của chúng ta đem đến sự tồn hữu của nhóm người đặc biệt này. Vậy, làm sao họ có thể phàn nàn về tình trạng của thế giới mà chúng ta để lại cho họ? Giả như chúng ta thực hiện những quyết định khác thì họ đâu có tồn tại – thay vào đó là một nhóm người khác sẽ được sinh ra. (Điều này thường được gọi là Vấn đề không đồng nhất (Nonidentity Problem),tức là nhóm người phải gánh chịu tác hại vì một quyết định tồi tệ sẽ không giống với nhóm người được hưởng lợi từ một quyết định đúng đắn.)
Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu kiểm soát số lượng hươu bằng cách bà Judy K. cho phép con trai mình đi săn vài tuần trong năm? Nếu không đi săn hươu trong hai tuần đó, anh ta và vợ mình có thể đã cho thế giới thêm một đứa trẻ. Và nếu như anh đi săn trong hai tuần đó, có lẽ đứa trẻ ấy sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời. Mặt khác, giả như bà Judy để cho đàn hươu tàn phá cánh rừng, đứa trẻ được sinh ra nhưng sẽ mất đi việc thừa kế một khoản rừng lành mạnh do đã bị đàn hươu tàn phá. Phải chăng đứa trẻ nên trách than vì điều đó? Không lẽ được đi vào hiện hữu, ngay cả trong một thế giới có bị suy giảm về mặt sinh thái, chẳng tốt hơn là không được hiện hữu sao?
Cách lý luận này có vẻ giống như một lối ngụy biện. Thậm chí, Parfit cũng kết luận rằng lý luận của ông đi ngược lại với những trực giác đạo đức được nhiều người chấp nhận, và luận lý đó cũng không phải là một chỉ dẫn hay đối với chính sách công. Ông cho rằng chúng ta đừng nên quá lo lắng về Vấn đề không đồng nhất và chỉ cần cố gắng làm cho một thế giới tương lai tốt nhất có thể được trở thành hiện thực.
Nhưng lối tiếp cận đó lại đi ngược với một vấn đề nhận thức khác. Đâu là loại hình thế giới mà thế hệ tương lai mong muốn? Chắc hẳn, các thế hệ tương lai sẽ có cùng một số những nhu cầu căn bản chung như tất cả nhân loại: Không khí trong lành, nước sạch, một hệ thống nông nghiệp hoạt động tốt. Một số triết gia cho rằng chúng ta có thể tiến xa hơn chút nữa. Ví dụ, Richard Vernon đã nói rằng chúng ta có thể nghĩ đến những thế hệ tương lai giống như các công dân của những quốc gia khác: họ có thể không phải là thành viên trong cộng đồng chính trị của chúng ta, nhưng không vì thế mà họ lại không bị tổn thương do các hành động của chúng ta. Theo lý luận của Robert Goodin và Andrew Dobson (được luận bàn ở mục 3.7), trạng huống dễ bị tổn thương đó nói lên rằng chúng ta phải có bổn phận xem xét các lợi ích của họ trước khi đưa ra các quyết định về chính sách công trong tư cách là những công dân tốt lành. Vernon kết luận rằng ít nhất chúng ta có thể cố gắng hầu để lại cho các thế hệ tương lai những điều kiện khả dĩ giúp họ có thể thừa hưởng những tương quan chính trị công bằng với nhau. Điều đó có thể còn cần thiết hơn là một môi trường lành mạnh; có lẽ chúng ta cũng nên đảm bảo cho họ có được những thể chế, kiến thức, và truyền thống ủng hộ công bình. Nhưng liệu chúng ta có thể đưa ra thêm bất kỳ giả định nào về những gì mà các thế hệ tương lai này sẽ coi trọng không? Bà Judy cho rằng cháu chắt của bà sẽ coi trọng một ngọn đồi, một ít rừng rậm giữa vùng Michigan. Nhưng vào thời điểm chúng được sinh ra, các giá trị xã hội có thể đã thay đổi. Có lẽ chúng sẽ hạnh phúc hơn nếu bà Judy đã bán đất đai cho một nhà phát triển và đầu tư vào cổ phiếu. Một khi chúng ta bắt đầu phỏng đoán về những gì mọi người sẽ cần trong 50 hoặc 100 năm tới ở tương lai, sự không chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội. Vì thế, có thể không thực sự khôn ngoan khi quá đặt nặng về những bổn phận trong tương lai xa như thế – đặc biệt là khi ta đang đối mặt với những nhiệm vụ cấp bách hơn, rõ ràng và không thể chối cãi được mà chúng ta phải có đối với thế hệ của mình.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 58-59