Nội dung:
5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes
5.2 Các thế hệ tương lai
5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công
5.3.1 Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu.
5.3.2 Kiểm soát dân số.
5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes
5.5. Phần đọc thêm
5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes.
Những quyết định liên quan đến việc quản lý đất đai thường có tác động lâu dài trong tương lai. Vấn đề đất đai nếu bị quản lý sai phải mất đến hàng thế kỷ mới có thể phục hồi. Nếu một loài quý hiếm bị tuyệt chủng, các thế hệ tương lai sẽ không bao giờ có được những trải nghiệm về loài đó nữa. Vì thế, những nhà hoạch định chính sách và những người có trách nhiệm quyết định việc quản lý đất đai thường phải có một tầm nhìn kế hoạch (planning horizon)trong nhiều thập kỷ hoặc thậm chí lên đến một vài thế kỷ (Nhân tiện, một phạm vi thời gian sẽ lớn hơn nhiều so với hầu hết các nghiên cứu sinh thái, nghĩa là, thường có sự bất tương hợp giữa phạm vi thời gian của khoa học sinh thái và việc quy hoạch sử dụng đất đai).
Tầm nhìn kế hoạch của bà Judy K. kéo dài đến nhiều thập kỷ; bà nghĩ đến thế hệ con cái và cháu chắt của bà – những thế hệ có thể bị ảnh hưởng một khi bà đưa ra những quyết định về việc quản lý khu đất Spring Lakes. Điều đó là đương nhiên. Con cháu bà có thể là những người thừa kế khu đất, vì thế họ cũng quan tâm đến việc khu đất đã được quản lý ra sao. Bà cho rằng cháu chắt của bà và con cái của chúng cũng sẽ quan tâm đến việc làm cho khu đất Spring Lakes có được một sức khỏe sinh thái tốt. Nói khác đi, bà hành động như thể bà phải có bổn phận đối với những người ở tương lai – những người sẽ thừa hưởng khu đất của bà. Bà đang nghĩ đến nhiều thế hệ trong tương lai sau này, giống như cách mà nhiều nhà quản lý đất đai khác vẫn làm. Bà phải có bổn phận với họ ư? Quan niệm cho rằng chúng ta phải có bổn phận với các thế hệ tương lai không hề hiếm; thực sự hầu hết mọi người đều coi đó là điều hiển nhiên. Nhưng một số triết gia đã chỉ ra những nan đề của quan niệm này. Những tranh luận của họ có thể giúp chúng ta hiểu chính xác hơn về loại bổn phận nào chúng ta có thể có đối với các thế hệ tương lai, và làm sao để cân bằng các bổn phận đó mà không hề đi ngược lại với bổn phận của chúng ta đối với thế hệ của mình. Nói khác đi, những triết gia này đang suy tư về những thách thức của việc thay đổi phạm vi đạo đức truyền thống ngắn hạn để phù hợp với tầm nhìn kế hoạch dài hạn mà việc quản lý môi trường bền vững đòi hỏi.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 57