Nội dung:
4.1 Vấn đề loài hươu
4.2 Xác định Cộng đồng Đạo đức
4.2.1 Thuyết giá trị
4.2.2 Nhân sinh
4.2.3 Những động vật khác
4.2.4 Tất cả các sinh vật
4.2.5 Thuyết giá trị theo chủ nghĩa đa nguyên – chủ nghĩa biểu hiện
4.2.6 Các loài
4.2.7 Hệ sinh thái
4.3 Trở lại với vấn đề của loài hươu
4.2.7 Hệ sinh thái
Cho đến lúc này, chúng ta đã xem xét bổn phận của bà Judy K. đối với từng con hươu cũng như các loài xuất hiện trong khu đất của bà. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức của bà trở nên phức tạp hơn nhiều khi chúng ta xem xét bổn phận của bà đối với khu rừng. Rừng có phải là thứ mà người ta phải có bổn phận chăm sóc chăng? Nếu không, bổn phận chính xác của bà đối với hệ sinh thái rừng là gì?
Một hệ sinh thái, giống như một loài, là một thuật ngữ do các nhà sinh vật học phát minh ra để phân loại thế giới (và chúng ta biết rằng chúng ta phải thận trọng khi mượn các thuật ngữ khoa học!). Các hệ sinh thái, giống như các loài, thiếu niềm tin, ước muốn và lợi ích. Trên thực tế, định nghĩa của “hệ sinh thái” thậm chí còn lỏng lẻo hơn định nghĩa về “loài”. Như thuật ngữ cho thấy, một hệ sinh thái là một hệ thống. Cụ thể hơn, các nhà sinh thái học luôn định nghĩa “hệ sinh thái” như là một mạng lưới của các tương tác chức năng giữa các sinh vật và giữa các sinh vật với môi trường sống của chúng. Nhưng người ta có thể xác định các hệ sinh thái ở các quy mô địa lý khác nhau. Nghĩa là, người ta có thể quan tâm đến toàn bộ hệ sinh thái rừng, có thể bao gồm vài trăm mẫu Anh, hoặc người ta có thể quan tâm đến một cái ao nhỏ trong rừng chỉ có diện tích nửa mẫu Anh mà thôi. Hoặc người ta có thể quan tâm đến khu vực tiếp giáp giữa cánh rừng và đồng cỏ – chính vùng đất ấy có thể cấu thành một hệ sinh thái. Và để làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn, các hệ sinh thái (tương tự như các loài) luôn trong quá trình thay đổi. Tất cả những điều này gây khó khăn cho việc quyết định đâu là điều bị coi là có hại cho một hệ sinh thái. Giả như bạn lấp cái ao nhỏ nhằm mở rộng diện tích rừng, bạn đã phá hoại hệ sinh thái hay bạn đã giúp cho hệ sinh thái? Điều gì sẽ xảy ra nếu như cái ao đang trong quá trình biến thành đồng cỏ; bạn đã không chỉ đơn giản là giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi tự nhiên này? (Điểm này có thể được coi là một vấn đề ở quy mô thời gian: Liệu chúng ta có quan tâm đến các quá trình sinh thái mà chúng ta có thể chứng kiến qua từng ngày hoặc từng tháng, hoặc những quá trình diễn ra trong nhiều năm hay nhiều thập kỷ chăng?)
Như với các loài, để xác định điều gì được coi như một hệ sinh thái cho các mục đích đạo đức, chúng ta phải quyết định đâu là điều chúng ta đánh giá cao khi nói về hệ sinh thái. Một lần nữa, giá trị công cụ của hệ sinh thái dường như trở thành tiêu chuẩn quan trọng nhất ở đây. Chúng ta coi trọng hệ sinh thái phần lớn là vì những hệ thống này, hoặc các quần xã, cần thiết với từng sinh vật tồn tại trong đó. Nghĩa là, bổn phận của chúng ta với hệ sinh thái có thể đơn thuần chỉ là một sự nới rộng bổn phận nhằm gìn giữ và lưu tâm đến phúc lợi của từng sinh vật. Chúng ta muốn bảo vệ cánh rừng vì chúng ta coi trọng các loài thực vật và các loài động vật góp phần tạo nên hệ sinh thái rừng.
Tuy nhiên, bổn phận với các sinh vật dường như không nắm bắt được hết mọi điều chúng ta đánh giá về hệ sinh thái. Như việc chúng ta coi trọng sự phong phú các loài (nhiều loài), thì chúng ta cũng coi trọng sự phong phú hệ sinh thái. Hệ sinh thái giống như sinh vật có những thuộc tính thẩm mỹ: vẻ đẹp, sự phức tạp, sự huy hoàng, tính đơn giản…vv. Chúng ta có thể muốn bảo tồn nhiều hệ sinh thái khác nhau vì cùng những lý lẽ giống như việc chúng ta muốn bảo tồn các loài. Các hệ sinh thái, giống như các loài, phải được trân trọng và yêu mến vì chính chúng, chứ không phải vì lợi ích của những sinh vật lệ thuộc vào chúng.
Nhưng việc bảo tồn hệ sinh thái đặt ra một thách đố: Nhiều hệ sinh thái cần đến sự quản lý hiệu quả từ con người. Một khó khắn chúng ta phải đối diện ở đây là quay lại với phạm vi địa lý: phạm vi của hệ sinh thái có thể không khớp với phạm vi của cộng đồng đạo đức hoặc tổ chức chính trị chúng ta đã tạo ra để quản lý nó. Ví dụ, một sa mạc có thể lớn hơn bất kỳ quyền tài phán chính trị đơn lẽ, và một số hệ sinh thái (như Bắc Cực hoặc các đại dương của thế giới) có thể không thuộc bất cứ chính phủ cụ thể nào. Nhưng ngay cả khi chúng ta có thể khắc phục được vấn đề đó, chúng ta còn có một vấn đề sâu xa hơn nữa. Việc quản lý hệ sinh thái có thể bắt chúng ta phải giết những cá thể động vật. Trường hợp của bà Judy K. là một điển hình; bà có thể cần phải giết một số hươu nhằm bảo vệ cánh rừng. Liệu điều này có chính đáng? Làm sao chúng ta cân đong đo đếm được bổn phận phải lưu tâm đến lợi ích từng sinh vật so với bốn phận phải bảo tồn một hệ sinh thái? Và điều gì sẽ xảy ra nếu việc bảo tồn một hệ sinh thái đòi hỏi chúng ta phải tận diệt một loài? Làm cách nào để chúng ta cân bằng các giá trị đó?
Đây là một đề tài gây ra tranh cãi đáng kể trong lĩnh vực đạo đức môi trường. Một số nhà đạo đức môi trường lập luận rằng chúng ta phải luôn coi trọng hệ thống hơn là từng phần riêng rẽ của nó; họ có ý nói các hệ sinh thái luôn luôn có giá trị hơn từng cá thể động thực vật. Những triết gia môi trường gọi điều này là một đạo đức tổng thể (a holistic ethic): Cái tổng thể thì quan trọng hơn từng bộ phận cấu thành nên nó. Chúng ta có thể đối chiếu đạo đức tổng thể với đạo đức của những người theo chủ nghĩa giản lược, vốn tập trung vào giá trị từng bộ phận cấu thành nên hệ thống. Chúng ta đã xem xét trên đây lập luận của những nhà giản lược cho rằng giá trị của hệ thống phần lớn là do mỗi cá thể sinh vật trong hệ thống lệ thuộc vào đó. Nghĩa là, mỗi cá thể sinh vật có giá trị tự thân, không chỉ vì chúng là những phần của một hệ thống.
Giả như bạn theo đạo đức tổng thể và coi trọng hệ sinh thái hơn từng cá thể trong hệ sinh thái đó, bạn có thể đi đến kết luận bảo vệ cánh rừng và nên loại bỏ một số cá thể hươu đang sống trong đó. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn phản đối quan điểm tổng thể, bạn cũng có thể đi đến kết luận rằng chúng ta phải loại bỏ một vài cá thể hươu để đảm bảo cho cả đàn còn lại có thể phát triển phong phú. Nghĩa là, chúng ta có thể biện minh cho hành động săn bắt hươu của mình theo thuật ngữ của các nhà vị lợi: Việc giết hại một vài con hươu đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các sinh vật khác trong cánh rừng. Đó là một lập luận đầy thuyết phục, nhưng chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta không theo lối lý luận này khi liên hệ đến con người. Nghĩa là, chúng ta không đơn thuần giết con người đi chỉ để bảo tồn hệ sinh thái mà họ (và các sinh vật khác) đang sống trong đó. Điều này có phải là do con người giá trị hơn loài hươu chăng? Chúng ta đã bàn luận trên đây về một số lý do đáng suy nghĩ, đó là: không giống với các động vật khác, con người có tính tự trị lý trí. Có lẽ giá trị đó trội vượt hơn tất cả các giá trị của các sinh vật khác mà chúng ta hy sinh vì lợi ích của con người. Hoặc là tốt hơn nên nói, theo Elizabeth Anderson, rằng chúng ta nên đánh giá loài người theo một cách thức khác so với cách chúng ta đánh giá loài hươu? Có lẽ, việc săn bắt loài hươu tương hợp với lý tưởng về tình bằng hữu động vật và sự quan tâm đến động vật của chúng ta. Trái lại, việc săn bắt con người là chúng ta đang đối xử với họ như thể họ là loài hươu, đây là một sai lầm đạo đức. Những lý tưởng đạo đức xã hội khác áp dụng cho tương quan của chúng ta với con người.
4.3. Trở lại với vấn đề loài hươu
Cuộc thảo luận này cho thấy rằng không có một câu trả lời khả dĩ tiêu chuẩn và đơn giản cho nan đề liên quan đến loài hươu trong khu đất của bà Judy. Việc phải đưa ra quyết định về việc quản lý môi trường thường buộc chúng ta phải cân bằng được các bổn phận với động vật, với các loài và với hệ sinh thái. Chúng ta muốn diễn tả sự quan tâm đến động vật và lưu tâm đến phúc lợi của chúng; nhưng đồng thời chúng ta cũng muốn bảo tồn mức độ phù hợp về sự đa dạng các loài và hệ sinh thái, cả hai đều vì lợi ích của chính sinh vật và vì lợi ích của sự sống trong một thế giới với sự đang dạng và phong phú của các loài cũng như chốn cư ngụ. Một quyết định tốt sẽ lưu tâm đến tất cả các giá trị đó, cân bằng chúng (như mọi lúc) so với giá trị của những thứ khác mà chúng ta cần để sống một cuộc đời tốt đẹp và đáng sống. Với bà Judy K. điều đó có thể có ý nói tới việc tiến hành một cuộc đi săn giới hạn nhằm đảm bảo có thể kiểm soát được số lượng hươu trong vùng, để bảo vệ cánh rừng và vườn tược của nhà bà. Bà sẽ phải cân nhắc đến cách thức nhân đạo nhất để giết loài hươu, cũng như những nguy cơ ẩn tàng của cuộc đi săn có thể có đối với con người. Giải pháp tốt nhất có thể là chỉ cho phép những cung thủ thiện nghệ nhất tham gia vào cuộc săn; săn bắn bằng cung ít gây ra mối đe dọa cho con người và cung thủ giỏi có thể hạ một con hươu rất nhanh chóng và gọn gàng. Hơn nữa, việc giết chỉ một vài con hươu mỗi năm có thể đủ để khuyến khích chúng kiếm ăn rộng hơn, điều này sẽ tốt cho cả loài hươu cũng như cánh rừng. Tuy nhiên, những tình huống khác có thể đòi hỏi những suy tính khác: Giả như loài hươu đặc biệt quý hiếm, hoặc hệ sinh thái rừng mỏng manh hơn, hoặc khu vườn có giá trị lịch sử rất lớn, bà Judy có thể chọn theo một phương án khác theo một cách hợp lý nhất.
Vấn đề loài hươu có vẻ tương đối phức tạp. Nhưng chúng ta vẫn chưa xem xét tất cả những người có quan tâm đến quyết định của bà Judy. Chương tiếp theo sẽ khai triển phạm vi thời gian (temporal scales) của việc đưa ra quyết định đạo đức, khám phá cách chúng ta phải cân nhắc đến lợi ích cho các thế hệ tương lai.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 47-51