Môn học: Giáo Phụ Học
Giáo sư: Trịnh Duy Suýt, S.J.
Học viên: Nguyễn Đức Thắng, S.J.
Những thế kỷ đầu là thời điểm Giáo Hội định hình nên những tín điều căn bản nhất của niềm tin Kitô Giáo. Một trong những tín điều quan trọng ấy là xác tín của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần. Trong bài viết này, tác giả cố gắng tóm lược những quan điểm khác nhau của các giáo phụ đầu tiên về Chúa Thánh Thần, từ đó, trình bày cái nhìn của thánh Gregory thành Nazianzuz như một người đã có những đóng góp quan trọng hình thành nên thần học về Chúa Thánh Thần trong truyền thống Công Giáo.
- Dẫn nhập
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong những điểm quan trọng nhất của đức tin công giáo. Thế nên, cùng với những nghiên cứu giáo thuyết về Chúa Con và Chúa Cha, những nghiên cứu giáo thuyết về Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện thấp thoáng ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội và ngày càng được phát triển đầy đủ hơn. Trong những tác phẩm của các giáo phụ tông đồ hay của các giáo phụ trước công đồng Niecea chẳng hạn như Tertullianô, Irene, Origen… chúng ta có thể thấy những tranh luận liên quan tới Kitô học và Chúa Ba Ngôi. Nơi đó, vấn đề thiên tính, vai trò của Chúa Thánh Thần và những hệ luận kéo theo trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con cũng được bàn luận cách sôi nổi. Trong phạm vi bài viết này, người viết cố gắng tìm hiểu lại những bàn luận về Chúa Thánh Thần trong tư tưởng của Thánh Gregory Nazianzuz – người được coi là có những ảnh hưởng quan trọng liên quan tới thần học về Chúa Thánh Thần. Với mục tiêu như thế, trong sự giới hạn về tài liệu và khả năng, người viết trước hết sẽ trình bày những quan điểm của các giáo phụ đầu tiên về Chúa Thánh Thần; sau đó sẽ bàn về tư tưởng của Gregory of Nazianzuz liên quan tới điều này.
- Những Giáo Phụ đầu tiên giải thích về Chúa Thánh Thần
Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội công giáo, trước khi hình thành quy điển Kinh Thánh và trước khi có các công đồng đại kết, những tranh luận về bản tính (nature) và công trình (work) của Chúa Thánh Thần còn thiếu tính nhất quán và rõ ràng. Đối với một số Giáo phụ tông đồ, những người vốn được coi là còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mười hai môn đệ, các tác phẩm của họ có uy tín như của các tông đồ và nó được coi như cùng Thần khí đã linh hứng cho viết. Vì thế, các Giáo phụ này thường bàn tới vai trò Thần Khí linh hứng trong Kinh Thánh và những hướng dẫn về đặc sủng cũng như những hướng dẫn về luân lý.
Sang thế kỷ thứ 2, trước sự nở rộ của trào lưu triết học, nhiều nhà hộ giáo đứng ra bảo vệ đức tin. Các tác phẩm trong giai đoạn này không quan tâm nhiều đến thần tính của Chúa Thánh Thần trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con. Thậm chí, trong tác phẩm Shepherd of Hermas, tác giả còn đồng hóa Chúa Thánh Thần với Chúa Con, không phân biệt Logos thần thiêng (divine Logos) với Thần Khí (pneuma). Justin (100-165) người được coi là một trong số những giáo phụ biện giáo ảnh hưởng thời bấy giờ, cũng dường như coi nhẹ sự phân biệt giữa Logos và Thánh Thần. Trong First Apology, Justin muốn gán năng lực của gợi hứng Thánh Thần cho Logos. Sau đó Justin dường như cũng cho thấy sự nhập nhằng trong tư tưởng của ông khi ông triển khai ý tưởng trừu xuất (emanation): “Logos trừu xuất từ Đấng bất biến (the unchanging One); Thánh Thần trừu xuất từ Logos; nhưng chung quy tất cả đều hướng về Đấng bất biến”. [1]
Với Tertullian (khoảng 155), người được coi là thần học gia đầu tiên dùng thuật ngữ Latinh trinitas để nói về Thiên Chúa và cũng là người đầu tiên dùng từ (ngôi vị) persona để diễn tả Cha, Con và Thánh Thần.[2]Trong Against Praxeas,Tertullian chống lại quan điểm lạc giáo của những người theo thuyết hình thái (modalism) vốn quan niệm Chúa Cha đã chết trên Thập giá (patripassianism) và Ba Ngôi chỉ là ba “cách thể hiện” của cùng một Chúa Cha. Ông chủ trương mầu nhiệm Ba Ngôi theo quan điểm của Giáo hội bảo vệ sự thống nhất của bản thể nhưng ông cho rằng Ba Ngôi không bằng nhau:
“nếu chồi non không tách rời khỏi gốc rễ, con sông khỏi nguồn, tia sáng khỏi mặt trời, thì Ngôi Lời cũng không thể tách khỏi Thiên Chúa…Tuy nhiên bất cứ cái gì xuất phát từ một điều khác nhất thiết phải đứng hàng thứ so với nguồn gốc mà nó phát sinh ra nó, nhưng không phải vì thế mà nó tách rời khỏi nguồn gốc. Nhưng ở nơi đâu có Đấng thứ hai, là có hai đấng, ở nơi đâu có đấng thứ ba, là có ba đấng. Đấng thứ ba này là Thần Khí xuất phát từ Ngôi Cha và bởi Ngôi Con, như thực tại thứ ba từ gốc rễ là hoa trái đâm ta từ chồi non… vậy là mầu nhiệm Ba Ngôi bắt nguồn từ Chúa Cha bằng những cấp bậc liên tiếp bà nối liền với nhau…Vì bọn chúng quả quyết rằng Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần là cùng một Đấng, do bọn chúng đề cao sự thống thất chống lại tính kế hoạch. Tuy nhiên Chúa Con là một Đấng khác Chúa Cha không phải do sự khác biệt (disversity) mà do sự phân bổ (distribution), Người là Đấng khác không phải do phân chia (division) mà là do phân biệt (distinction). Chúa Cha là bản thể trọn vẹn, Chúa Con xuất phất từ tổng thể đó và là một phần…”[3]
Tương tự như Tertullian, Origen (185-254) cũng tin rằng có ba ngôi vị nhưng ba ngôi vị này không ngang bằng nhau, thậm chí theo ông, Chúa Thánh Thần còn là một thọ tạo – dù rằng Thánh Thần trội vượt hơn các thọ tạo khác:
“Chúng tôi tin rằng có ba ngôi vị, Cha, con và Thánh Thần. Đồng thời, chúng tôi cũng tin rằng Ngoài Chúa Cha ra, chẳng có gì không được tạo thành. Vì vậy, chúng tôi thừa nhận rằng tất cả mọi sự được tạo tành từ Logos và cũng nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần là thọ tạo đầu tiên và trổi vượt nhất được tạo thành bởi Chúa Cha qua Ngôi Lời.”[4]
Tuy nhiên, cũng có chỗ Origen tuyên tín: “Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, có tính chất bộ ba, và cả ba đều bằng nhau.” Có thể nói, tư tưởng của ông còn nhập nhằng rối rắm chưa có sự rõ ràng về quan điểm.[5]
Đối với Anathasius (296-373), Giáo phụ được coi thần học gia đầu tiên là triển khai giáo huấn về Chúa Thánh Thần cách chuyên môn. Trước hết, trong việc chống lại bè rối Ariô, Anathasius bảo vệ những tín điều do công đồng Nicée công bố: nhấn mạnh sự đồng nhất về yếu tính giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, theo cách đó ông cũng bàn đến Thánh Thần như đồng nhất về mặt yếu tính:
“Chúng tôi không đưa vào ba nguyên lý hay Ba Ngôi Cha như bè phái Marcion và Mani thường làm; Chúng tôi cũng không công nhận hình ảnh ba mặt trời, mà công nhận mặt trời và ánh sáng tỏa lan, ánh sáng duy nhất xuất phát từ ánh mặt trời chiếu tỏa…Bon Ariô mới đáng trách…bởi lẽ chúng lải nhải quả quyết Ngôi Con là tạo vật ngoại lai, và Thần Khí là từ hư vô mà có. Bởi hoặc là chúng sẽ phải khẳng định, Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa, hoặc là, nếu chúng còn gọi Người là Thiên Chúa vì kính trọng Kinh Thánh, chúng muốn người xa lạ với bản thể Ngôi Cha. Do vậy Chúng phải chấp nhận có nhiều Thiên Chúa do tính đa tạp bản tính các Ngài.”[6]
Ngoài ra trong bức thư gửi cho Sérapion, Anathasius cũng tỏ rõ lập trường của ông về Thánh Thần – Đấng không thuộc trật tự thọ tạo mà Thánh Thần là Thiên Chúa. Giống như Chúa Con, Thánh Thần cùng bản thể (homoousion) với Chúa Cha. Điều này sau đó các Giáo phụ Cappadocia, trong đó có Gregory of Nazianzuz, sẽ bàn cụ thể và rõ ràng hơn.[7]
- Chúa Thánh Thần Theo Gregory of Nazianzuz
Sau công đồng chung Nicée năm 325, vấn đề Thiên tính của Chúa Kitô đã được Giáo Hội khẳng định và tuyên tín cách rõ ràng: “đồng bản thể với Chúa Cha, được sinh ra mà không phải được tạo thành v.v…” Dầu vậy, sự tuyên tín này vẫn chưa được Công đồng cắt nghĩa rõ ràng. Chính vì thế các giám mục dường như cũng chưa thông đạt nội dung của tín điều và kéo theo những lối giải thích khác nhau. Điều này làm cho bè rối Arius tiếp tục được tái lập và làm cho vấn đề thiên tính Chúa Con tiếp tục gây tranh cãi.[8] Đến khoảng năm 360, bên cạnh vấn đề Thiên Tính của Chúa Kitô, người ta bắt đầu tranh cãi và xem xét về vấn đề Thiên Tính của Chúa Thánh Thần. Vấn đề này công đồng Niceé chưa bàn luận nhiều, hay nói đúng hơn là chưa “đả động” gì đến. Vì thật ra, nếu Công đồng Nicee có nhắc đến Thánh Thần thì chẳng qua vì có tương quan với Chúa Con trong những thảo luận mà thôi. Thế nên trong tín biểu của Niceé, vấn đề Chúa Thánh Thần chỉ được đề cập trong một câu ngắn ngủn: “chúng ta tin có Chúa Thánh Thần.”[9] Trong bối cảnh đó, lạc giáo Pneumatomachians, Machedonians và Eunomians xuất hiện, phủ nhận Thiên tính của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, cùng với những Giáo phụ trung thành với giảng dạy của Giáo hội, Gregory of Nazianzuz ra sức bảo vệ Thần Tính của của các Ngôi, cách đặc biệt là Thần tính của Chúa Thánh Thần.
Gregory bắt đầu xem xét cách hệ thống về Chúa Thánh Thần trong những bài giảng 9 -12 mà thánh nhân thực hiện trong dịp lễ thụ phong giám mục của mình năm 372. Trong những bài giảng này, ngài nhấn mạnh xác tín về Chúa Thánh Thần là Chúa và Đồng bản thể với Chúa Cha. Năm 380, Gregory tiếp tục trình bày quan điểm thần học của mình về Chúa Thánh Thần trong bài giảng trong bài giảng 32 – bài giảng thứ 5 trong chuỗi bài giảng về thần học.
a. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và đồng bản thể với Cha và Con
Trước hết, đối ngược với quan điểm của những người chống đối khi họ cho rằng Thánh Thần chỉ là một thọ tạo (Eunomians), chỉ là một năng lực của Thiên Chúa (Eunomians), hay chỉ là một cái tên, một hình thái chứ không có ngôi vị (modalist)[10], Gregory đã lý luận một cách sắc sảo để cho đối thủ của mình thấy Chúa Thánh Thần không phải là thọ tạo, một năng lực, hay một hình thái như họ nghĩ và ngài xác tín điều này: “vậy là gì? Thánh Thần là Thiên Chúa? Nhất thiết là thế. Người đồng bản thể với Chúa Cha? Đương nhiên vì Người là Thiên Chúa! (Oratio 31.10). Trong bài giảng thứ hai của ngài cho những người Aicập, Gregory đã tuyên xưng Thần Tính của Thánh Thần cách dõng dạc và ngài phân biệt rõ ràng giữa Thiên Chúa (Cha, Con, và Thánh Thần) và thọ tạo cách rõ ràng:
“Tôi nhận ra có hai sự khác nhau rõ ràng…cái thứ nhất đó là sáng tạo, nguyên mẫu, không thay đổi, cái thứ hai đó là được tạo ra, lệ thuộc và thay đổi. Nói cách đơn giản hơn, cái thứ nhất là vượt trên thời gian, cái thứ hai là lệ thuộc vào thời gian. Cái thứ nhất này được gọi là Thiên Chúa hiện diện trong ba điều lớn nhất : Đấng Nguyên Mẫu (The Cause), Đấng Tạo Dựng (Creator), và Đấng Hoàn Thành (the Perfecter), nghĩa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…Cấp độ thứ hai là với chúng ta, các thọ tạo, và thọ tạo này có thể được đề cao hơn những thọ tạo khác tùy thuộc vào mức độ gần gũi Chúa của nó.”[11]
Qua đây, Gregory cho thấy rõ quan điểm: Chúa Thánh Thần cùng với Cha và Con, Ngài là Chúa, là Đấng Cai Trị, không phải là thọ tạo hay đầy tớ của Thiên Chúa. Tương tự như vậy, ngài còn cắt nghĩa xa hơn để trả lời cho những người Sabellius[12] ba ngôi vị dù khác nhau ra sao đi nữa nhưng cả ba đồng bản thể với nhau và là một Thiên Chúa duy nhất:
“Hỏi Thần Khí thiếu điều gì để làm Ngôi con? Vì nếu không Thiếu điều gì thì Người đã là Chúa Con. Chúng tôi xin trả lời Người không thiếu gì cả. Vì Thiên Chúa không thể thiếu gì. Nhưng có thể nói có sự khác biệt trong cách Ba Ngôi tỏ hiện, hay trong tương quan Ba Ngôi nên đã có những tên gọi khác nhau…Ngôi Con không phải là Ngôi Cha vì chỉ có một Ngôi Cha mà thôi, nhưng Ngôi Cha làm gì Ngôi Con cũng làm như vậy; Thần Khí không phải là Ngôi Con vì Người từ Thiên Chúa mà ra, bởi vì Ngôi Con chỉ có một, nhưng Ngôi Con làm gì thì Thần Khí cũng làm. Ba là Một xét theo Thiên tính, Một là Ba xét theo đặc tính. Như vậy Đấng Duy nhất và Ba Ngôi không bị chia xé như Saballius thường nghĩ.”[13]
Như thế, bằng lập luận vững chắc của mình, Gregory đã cho thấy Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể với nhau. Và cả Ba đều là Thiên Chúa trong sự kết hiệp mật thiết không thể tách rời.
b. Thần Tính của Thánh Thần được diễn tả trong Kinh Thánh và Đời sống Giáo hội
Trong khi những người chống đối Gregory phê bình rằng Ông đã giới thiệu về Chúa Thánh Thần một vị Thiên Chúa xa lạ không được để cập tới trong Kinh Thánh (Oration 31.1), Gregory đã dùng những lý lẽ, lập luận để cho thấy không phải tất cả mọi điều phải nói trong Kinh Thánh thì mới hiện hữu bởi vì có những điều hiện hữu nhưng không cần nói rõ ràng trong Kinh Thánh và như thế thần tính của Thánh Thần cũng tương tự như vậy:
“Có những điều không hiện hữu nhưng được nói trong khi có những điều hiện hữu mà chẳng được nói; một số khác chẳng hiện hữu cũng chẳng được nói, và một số khác vừa hiện hữu vừa được nói đến… Kinh Thánh nói Chúa Cha ngủ, thức, giận dữ, đi lại… vậy phải chăng Chúa Cha có thân xác?..thật ra vì chúng ta dùng những từ ngữ này theo cách hiểu của chúng ta và gán nó cho Chúa Cha…(Oration 31.22)
Gregory cũng cho thấy sự tiệm tiến trong kế hoạch mạc khải của Thiên Chúa. Ông cho thấy những giai đoạn mạc khải khác nhau mà Thiên Chúa đã tỏ lộ cho con người ngang qua dòng lịch sử. Điều này phần nào biện minh tại sao Kinh Thánh ít để cập đến Thánh Thần[14], cũng như chỉ cho chúng ta thấy chứng nhân gần gũi hơn về Thiên Tính của Thánh Thần là Chính Giáo Hội:
“Cựu ước công bố một cách rõ ràng về Chúa Cha nhưng lại tỏ ra mù mờ về Chúa Con. Tân Ước đã biểu lộ tỏ tường về Chúa Con nhưng lại chỉ thấp thoáng nói về thiên tính Của Thánh Thần. Giờ đây, Thánh Thần đang cư ngụ giữa chúng ta và chiếu tỏa hết mọi vẻ rạng ngời của Người. Hẳn sẽ là thiếu khôn ngoan nếu minh nhiên loan báo về Con trước khi công nhận thiên tính của Cha, và quy hướng về Chúa Thánh Thần trước khi nhìn nhận thiên tính của Con, nếu có thể nói được như vậy.” (Oratio 31.26)
Thời Cựu Ước Thiên Chúa mạc khải chính mình với dân Israel như Chúa Cha Siêu Việt, trong khi ẩn dấu Ngôi Con. Tân Ước mạc khải Chúa con cách trực tiếp qua con người Giêsu và mạc khải về Chúa Thánh Thần chỉ được nói thoáng qua như lời hứa của Chúa Giêsu – Đấng an ủi sẽ đến. Nhưng bây giờ trong thời đại Giáo Hội, khởi sự từ việc Chúa Giêsu lên trời về với Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần đến trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần cư ngụ giữa chúng ta và mạc khải chính mình cho mọi Kitô hữu cách trực tiếp.
Hơn nữa đối với Gregory, việc tự mạc khải của Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần sẽ ngày càng gia tăng xét về khía cạnh thiên tính (divinity) và nhiệm cục thiêng liêng (divine economy), nghĩa là Chúa Con mạc khải về Thiên Chúa nhiều hơn Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sẽ mạc khải nhiều hơn Chúa Con mạc khải. Sự hiểu biết về Thiên Chúa trong Thánh Thần thì vượt trên sự hiểu biết của các tông đồ về Thiên Chúa trước khi Chúa Giêsu Sai Thánh Thần đến. Vì vậy mạc khải trực tiếp của Chúa Thánh Thần với Giáo Hội là đỉnh cao của cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.[15] Chính vì điều này Gregory cũng xác tín rằng Kinh Thánh diễn tả mạc khải về thần tính của Thánh Thần không chỉ ở nơi nội dung của Kinh Thánh nhưng còn trong chính đời sống của Giáo hội:
“Nếu Chúa Thánh Thần cùng phẩm trật với tôi, làm thế nào Ngài có thể làm cho tôi thành Chúa hoặc giúp tôi thông dự vào Thiên Tính”? (Oration 31, 4) Và nếu “Chúa Thánh Thần chỉ là thọ tạo, làm sao chúng ta tin vào Ngài? Và làm sao Ngài hoàn hảo được?” (Orations 31,6) Nếu Chúa Thánh Thần không được yêu mến thì làm sao Ngài có thể thần hóa tôi trong phép rửa ? và nếu Ngài được yêu mến thì làm sao lại không được phụng thờ? Và nếu Ngài được phụng thờ, tại sao Ngài không là Chúa? (Orations 31,28)
Như thế, chúng ta có thể thấy rằng Gregory đã nhận ra những bằng chứng trực tiếp về thần tính của Thánh Thần trong mỗt chuỗi những lý luận bắt đầu từ việc Ngài thánh hóa người Kitô hữu trong phép rửa tội. Chính trong phép rửa tội, Chúa Thánh Thần tái sinh Kitô hữu biến họ thành người con cái của Chúa. Và ơn tái sinh mà phép rửa mang lại này cho người tín hữu sự hiểu biết đầy đủ nhất về Thánh Thần Đấng tác động trong mọi sự. Có thể nói Gregory đã cho thấy một sự nối kết giữa bằng chứng về thần tính của Thánh Thần trong Kinh Thánh và trong đời sống Kitô hữu thì không thể tách rời. Ngài đã chứng tỏ cho thấy thần tính của Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội và nơi đời sống người tin hữu. Từ điều này, Gregory giải thích cho những người phản đối ngài :
“Vì vậy, đâu là những điều mà người ta nói (Thánh Thần) không được nói tới trong Kinh Thánh? Nhưng tôi sẽ đưa cho các bạn một đám những bằng chứng cho thấy thần tính của Thánh Thần được viết rất nhiều trong Kinh thánh mà chỉ những người thân thuộc với Thần Khí mới thấy được.”[16]
Nói rõ hơn điều này, Gregory xác tín rằng thần tính của Thánh Thần thì được diễn tả trong Kinh Thánh. Nhưng sự diễn tả này phải tìm trong Kinh Thánh như thế nào? Gregory giải thích đó là không phải dựa trên chữ viết nhưng phải dựa vào Thần khí (2Cr 3,6) để hiểu ý nghĩa mà Kinh Thánh truyền tải về Thần tính của Thánh Thần. Vì thế, Gregory tuyên bố rằng lời chứng của Kinh Thánh về thần tính của Thánh Thần được diễn tả như sau:
“Bởi nhiều người vốn là những người quan tâm (chứ không phải những người dửng dưng, hời hợt) tới điều này (thiên tính của Thánh Thần) và đã dùng Kinh Thánh để tìm ra những ý nghĩa sâu xa nằm ẩn sau những chữ viết và đã coi đó là xứng đáng để tìm gặp được vẻ đẹp ẩn dấu, và đã được chiếu sáng nhờ ánh sáng hiểu biết.”[17]
Có thể nói, đối với Gregory, việc tuyên xưng thần tính của Thánh Thần xuất phát từ việc giải thích Kinh Thánh theo Thần Khí. Như thế, vấn đề ở đây là sự lôi cuốn, sự soi sáng của Thần Khí ở trong Kinh Thánh chứ không phải là những chữ chết của Kinh Thánh. Chính sự soi sáng và ân sủng của Thần Khí soi tỏ cho người ta thấy Thần Tính cùa Thánh Thần nơi Thánh Kinh.
- Thay lời kết
Đối với các giáo phụ tông đồ, nhiệm vụ chủ yếu là chuyển giao trung thành với truyền thống, bản tính và vai trò của Chúa Thánh Thần vẫn chưa được xác định rõ ràng. Sang đến giai đoạn các Giáo phụ biện giáo (khoảng đầu thế kỷ thứ 2), Các giáo phụ thời kỳ này vẫn còn nhầm lẫn hay đồng hóa Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Những Giáo phụ ở giai đoạn kế tiếp cho thấy một quan điểm tiến triển hơn về thần học Chúa Thánh Thần khi nhìn nhận một Chúa Ba Ngôi nhưng vẫn còn nhập nhằng, thiếu nhất quán trong vấn đề đồng bản thể của Chúa Thánh Thần với Ngôi Cha và Con.
Sự thiếu nhất quán và nhập nhằng này đã được Gregory of Nazianzuz làm rõ và tuyên xưng trong thần học của Ngài. Có thể nói, một trong những đóng góp của Gregory là ngài nhấn mạnh cho chúng ta thấy Thánh Thần thực sự là Thiên Chúa và Ngài đồng bản thể với Ngôi Cha và Con. Hơn nữa Gregory cũng cho thấy sự tiệm tiến trong tiến trình mạc khải của Thiên Chúa. Đồng thời Ngài cũng vạch ra cho chúng ta thấy sự tương quan, nối kết mà Chúa Thánh Thần tác động trong việc sống đức tin và việc hiểu biết Thiên Chúa. Chính trong việc sống đức tin và sống trong đời sống Bí tích của Giáo hội mà người tín hữu mới có thể hiểu hơn về Thần tính của Chúa Thánh Thần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Andrew B. McGowan, God in Early Christian Thought, Leiden, Boston, 2009.
- Christopher A.Beeley, Gregory of Nazianzuz on the Trinity and the Knowledge of God, Oxford university Press, 2008.
- Felipe Gomez, Chúa Thánh Thần, Antôn Đuốc Sáng, 2009.
- LeRon Shults & Andrea Hollingsworth, The Holy Spirit, Eerdmans Publishing, 2008.
- Philip Schaff, Ante-Nicene Fathers Volume 3 (sách ebook trên mạng).
- Gerald O’Collins, The Tripersonal God: Understanding and Interpreting the Trinity,Paulist Press, 1999.
- Herbert Vorgrimler, Thiên Chúa Luận qua các tác giả, ĐCV Giuse (không rõ năm xuất bản).
- Jedin, History of the Church, The Imperial Centuries from Constantine to the Early Middle Ages, New York, 1980.
- John R. Willis, The Teachings of The Church Fathers, Ignatius, 2002.
- Stanley M. Burgess, The Holy Spirit, 3 Vols, Peabody, Mass: Redrickson, 1984.
[1] Xem F. LeRon Shults & Andrea Hollingsworth, The Holy Spirit, Eerdmans Publishing, 2008, tr. 17-24.
[2] Stanley M. Burgess, The Holy Spirit, 3 Vols, Peabody, Mass: Redrickson, 1984, tr. 63
[3] Philip Schaff, Ante-Nicene Fathers Volume 3, Against Praxeas, chương 8-9, tr. 1348-1391.
[4] Xem từ John R. Willis, The Teachings of The Church Fathers, Ignatius, 2002, tr.150.
[5] Felipe Gomez, Chúa Thánh Thần, Antôn Đuốc Sáng, 2009, 52-53.
[6] Herbert Vorgrimler, Thiên Chúa Luận qua các tác giả, ĐCV Giuse, tr. 132-134.
[7] F. LeRon Shults & Andrea Hollingsworth, The Holy Spirit, Eerdmans Publishing, 2008, tr.24-25.
[8] Xem Gerald O’Collins, The Tripersonal God: Understanding and Interpreting the Trinity, Paulist Press, 1999, tr. 86 ff
[9] H. Jedin,History of the Church, The Imperial Centuries from Constantine to the Early Middle Ages (New York, 1980) vol. 2, p. 73.
[10] Christopher A.Beeley, Gregory of Nazianzuz on the Trinity and the Knowledge of God, Oxford university Press, 2008, tr. 156-157.
[11] Ibid, Tr. 162.
[12] Lạc thuyết Sabellius phủ nhận sự khác biệt thật sự giữa Ba Ngôi.
[13] Oration 31,9.
[14] Ở đây chỉ xét về mặt từ ngữ thôi, vì nếu xét về hoạt động của Thánh Thần, Gregory luôn xác tín rằng Kinh Thánh cũng đề cập tới thần tính của Ngài.
[15] Andrew B. McGowan, God in Early Christian Thought, Leiden, Boston, 2009, tr.157
[16] Oration 31. 29
[17] Oration 31.21