Việc tôn thờ Thánh Thể ngày nay lại thêm phần sốt sắng, nhất là nhờ những phong trào Canh Tân đời sống thiêng liêng. Đồng thời, các kitô hữu cũng tự chất vấn về nền tảng vững chắc của việc thực hành này. Trong những trang tiếp theo, chúng tôi muốn đặt lại vấn đề, tìm những nền tảng của việc chầu Thánh Thể và giúp nhận ra ý nghĩa thần học của nó. Để thực hiện việc đó, chủ yếu chúng tôi dựa trên một vài bản văn Tân Ước.[1] Ý tưởng mà chúng tôi muốn khai triển là : để giữ được ý nghĩa đầy đủ của nó, việc chầu Thánh Thể không thể bị tách ra khỏi thánh lễ, nơi mà Hành Vi tạ ơn của Đức Giêsu ở bữa Tiệc Ly được tưởng niệm và tái diễn (theo nghĩa mạnh nhất). Một cách hỗ tương, tưởng niệm việc Đức Giêsu đã hoàn tất ở bữa Tiệc Ly (x. Lc 22, 19 và 1Cr 11, 24-25) đưa tới việc tôn thờ sự hiện diện đích thực và xác đáng của Người ở giữa chúng ta và trong thế giới chúng ta, vượt cả ra ngoài thời khắc cử hành phụng vụ thánh lễ.

Khi nói về sự “Hiện Diện đích thực ” của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, Giáo Hội không chỉ khẳng định Đức Kitô hiện diện đích thực trong bánh và rượu, mà còn muốn diễn tả rằng : sự hiện diện mang tính bí tích của Chúa trong bánh và rượu là dấu chỉ của sự hiện diện xác đáng – hay cánh chung[2]– của Người trong lịch sử của chúng ta. “Hiện diện đích thực” và “hiện diện cánh chung” của Đức Kitô là hai thành ngữ thiết thực tương đồng với nhau. Sự hiện diện cánh chung của Chúa có hai chiều kích :

1) do cuộc nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Người, Con Thiên Chúa đã hiện diện một cách xác đáng, bất khả hồi, với thế giới của chúng ta (con người và thế giới vật chất) ; trong Đức Kitô, lịch sử đãmãi mãi đạt tới sự hoàn tất của nó : những “thời sau cùng” mà các ngôn sứ loan báo, đã được khai mạc ;

2) dầu vậy, sự hoàn tất này đạt được trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô vẫn chưa phát sinh hết mọi hiệu quả của nó.

Chính mối tương quan giữa hai chiều kích đích thực và cánh chung trong sự hiện diện của Đức Kitô làm cho lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể của chúng ta cũng cần có hai cách biểu hiện bổ sung cho nhau : việc cử hành thánh lễ và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Chúng ta sẽ thử trình bày điều này, bằng cách lưu ý đến những khía cạnh khác nhau của thực tại cánh chung của bí tích Thánh Thể.

Khởi điểm việc suy nghĩ của chúng ta chắc hẳn sẽ là điều Đức Kitô đã làm trong bữa Tiệc Ly.

1. Việc tạ ơn của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly

Chúa “cầm lấy bánh và sau khi dâng lời tạ ơn, Người bẻ ra, trao cho các ông và nói : Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22, 19).

Sau khi Đức Giêsu nói những lời này, Người hiện diện nơi chính bản thân mình và ở bên ngoài thân mình ấy, trong tấm bánh Người trao cho những người đang tham dự. Sự hiện diện bên ngoài chính mình này của Đức Giêsu (nếu nói được như vậy), chỉ có thể trở nên hiện thực nhờ tình yêu. Chính tình yêu làm cho người ta ra khỏi mình và ở lại trong người được yêu. Như hôn phu chỉ muốn là một thân thể với hôn thê của mình, Đức Kitô Giêsu cũng muốn làm cho các môn đệ này, những kẻ hiệp thông với Người, trở nên thân thể Người. Mối dây liên hệ của Thánh Thể Đức Giêsu (sự hiện diện của Người trong tấm bánh : “Nầy là Mình Thầy”) với điều mà chúng ta gọi là thân mình mầu nhiệm của Người, được Thánh Phaolô chỉ ra rõ ràng : “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 17).

Nhưng, để Đức Giêsu có thể làm cho chúng ta trở nên thân thể (mầu nhiệm) của Người, Người phải chấp nhận chết đi cho thân xác cá biệt và giới hạn của mình.

Điều kiện này về cái chết của thân xác, xuất hiện nhiều cách trong các bài tường thuật về việc lập bí tích Thánh Thể : tấm bánh được “bẻ ra”, thân mình được “hiến tế vì anh em”, máu được “đổ ra”, để Đức Giêsu có thể, vượt qua chính mình (ngôn ngữ ở đây hoàn toàn không cân xứng), mà thực sự qua tấm bánh và nhờ tấm bánh, đến với những kẻ thuộc về mình, để làm cho họ thành thân mình của Người. Bữa Tiệc Ly là việc thực hiện trước cái chết (và sự phục sinh) của Đức Kitô, và chính vì nó là một việc thực hiện trước nên Thánh Thể (sự hiện diện của Đức Kitô ở bên ngoài chính Người, trong tấm bánh và trong những kẻ thuộc về Người) là điều khả dĩ.

Đức Giêsu trao cho những kẻ thuộc về Người tấm Bánh mà trong đó Người đã hiện diện. Người phó mình cho họ với tất cả sự tự do, và họ cũng tự do nhận hay không nhận, đón tiếp hay từ chối tặng phẩm mà Người tặng ban bằng sự hiện diện của Người nơi họ.

Chính sức mạnh của tình yêu xuất thần của Đức Giêsu đã cho phép Người ngay từ bữa Tiệc Ly, hiện diện bên ngoài chính mình, trong tấm bánh, và như thế đến một cách tự do và dứt khoát với Chúa Cha và với loài người (x. Ga 13, 1). Tình yêu của Người mãnh liệt và kéo Người ra khỏi chính mình đến mức Người đã thực sự nhân lên nhiều sự hiện diện của Người (nếu chúng ta có thể nói như vậy). Vì Người hiện diện trong mỗi miếng bánh mà Người trao ban. Những lời giải thích về “phép lạ” Thánh Thể thường quá ngắn gọn : “Người là Thiên Chúa, người ta nói, nên Người có quyền năng trở nên hiện diện trong bánh và rượu”. Nhưng người ta thường quên rằng quyền năng thần linh ấy (Chúa Giêsu đã thực sự nhận lấy từ Chúa Cha, với tư cách là Con) được trung gian hóa qua ý thức của con người. Người ta không thấy rõ lắm điều này : cũng chính vì con người Giêsu yêu thương chúng ta bằng một tình yêu cho đến chết, và bằng một cách hoàn toàn xuất thần, điều mà chúng ta gọi là “biến đổi bản thể” (sự biến đổi của bánh thành Mình Đức Kitô, sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong tấm bánh) là điều có thể. Đó không phải chỉ là một phép lạ của quyền năng Thiên Chúa, nhưng còn là một phép lạ do tình yêu nhân tính của Đức Giêsu đối với Cha Người và với chúng ta. Để sự biến đổi bản thể được thực hiện, thì con người Giêsu phải chết hoàn toàn cho chính mình ; Người phải muốn chết cho chúng ta vì tình yêu ; trái tim nhân loại của Người phải chỉ còn sống bên ngoài chính Người ; như một sự xuất thần tồn tại trong Chúa Cha và nơi chúng ta.

Chiêm ngắm Mình Thánh, chính là chiêm ngắm và thờ lạy một Hành Vi yêu thương đã thành công cách hoàn hảo. Nếu như Đức Giêsu đã không thực sự hiện diện trong tấm bánh, thì điều đó muốn nói rằng Người đã tính ra khỏi chính mình, tính chết vì tình yêu, tính hiện diện ở bên ngoài chính Người, nơi những kẻ mà Người yêu mến, nhưng Người đã không thể đạt tới đó. Tín điều về sự “hiện diện đích thật ” nói về thực tại tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta. Một con người, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, một người thuộc dòng giống chúng ta, đã có thể đi đến tận cùng của tình yêu (x. Ga 13, 1 ; 17, 4-6 ; 19, 30). Như thế, Người đã có thể hiện diện nơi kẻ khác cũng như nơi chính mình. Lời nguyện ước của mọi tình yêu chân thật được thực hiện nơi Người cách hoàn hảo.

Tình yêu mà tôi được mời gọi tham dự vào (“Kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” : Ga 6, 57 ; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” : Ga 15, 12), lại hoàn toàn vượt quá chính tôi : đó là chính Tình Yêu. Tôi chỉ có thể hy vọng tham dự vào tình yêu ấy khi thờ lạy nó ngoài chính tôi, khi nhìn nhận như thế cách đầy đủ rằng chỉ có Người là nguồn mạch của tình yêu, chứ không phải tôi. Nếu tôi chỉ tôn thờ tình yêu ấy trong tính nội tại của nó nơi tôi (thời khắc tôi hiệp lễ), thì có khi tôi có nguy cơ quên đi tính siêu việt của nó. Vậy, việc rước lễ của tôi, miễn là tôi tôn trọng tất cả mầu nhiệm của nó, đưa tôi đến việc thờ lạy Mình Thánh bên ngoài tôi. Với sự xuất thần của Đức Kitô, phải có một sự xuất thần tương ứng.

2. “Muôn người” (Is 53, 12 ; Mt 26, 28 ; Mc 14, 24)

Chúng ta vừa nói điều này là Chúa Giêsu ban Thánh Thể của Người để làm cho những kẻ ăn thân mình ấy, trở nên thân mình mầu nhiệm của Người. Thân mình này, trong ý định của Chúa Cha và Đức Kitô của Người, phải bao hàm toàn thể nhân loại. Vậy, nó tràn ra ngoài vòng người lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Sự căng rộng như thế đã tỏ lộ ra trong những trình thuật của Matthêu và Maccô về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể : “Người cầm lấy bánh…, trao cho các ông và nói : ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’. Rồi Người cầm chén rượu…, và Người bảo các ông : ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người’ ” (Mc 14, 22-24). Vượt ra ngoài số người tham dự hạn chế ở bữa Tiệc Ly, việc tạ ơn của Đức Giêsu nhắm đến muôn người.[3]

Đức Kitô đã làm cử chỉ đón nhận tất cả mọi người trong thân mình Người, Người đã ban sự sống của mình cho tất cả ; nơi Người, toàn thể nhân loại đã được quy tụ cách tiềm tàng trong sự duy nhất. Nhưng tất cả mọi người vẫn chưa được sáp nhập vào Thân Mình duy nhất của Người.

Chương 6 trong Tin Mừng theo Thánh Gioan thường chú trọng đến mối tương quan giữa đám đông được hưởng tức thì bữa ăn mà Đức Kitô ban cho muôn người, và nói gọn lại, cho toàn thể [nhân loại] mà đám đông ấy chỉ là hình ảnh được báo trước. Chương này, người ta biết, trình bày Thánh Thể như sự thực hiện đã được bắt đầu việc quy tụ toàn thể nhân loại trong Đức Kitô, việc quy tụ đã được các ngôn sứ loan báo cho thời cánh chung, dưới hình ảnh bữa tiệc thiên sai. Việc hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 1-15) đã hoàn tất lời ngôn sứ này, khi vẫn còn để lại mối khát khao một Bánh khác mà Đức Giêsu nói đến trong một diễn từ dài (Ga 6, 26-63). Bài diễn từ về Bánh sự sống – trong đó Đức Giêsu tuần tự triển khai những khía cạnh chính yếu của mầu nhiệm Thánh Thể – tìm thấy một trong những nền tảng của nó, nếu không phải là nền tảng cuối cùng, trong ý muốn cứu độ phổ quát của Cha Người : “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai (đây rõ ràng là những tín hữu mà Chúa Cha ban cho Đức Giêsu), nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 39).[4] Những lời này làm vọng lại ngay điều đã được nói bằng “dấu lạ” (Ga 6, 14) trong cuộc hóa bánh ra nhiều : “Khi họ đã no nê rồi, Chúa Giêsu bảo các môn đệ : ‘Anh em thu lại những miếng thừa, để đừng làm rơi mất gì cả’. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại và chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6, 12-13).

Mười hai thúng gợi lên mười hai chi tộc Israel, nghĩa là Israel trong toàn thể của nó. Đám đông khổng lồ mà Đức Giêsu vừa cho ăn no thỏa thuê, vẫn chưa là toàn thể Israel. Toàn thể dân này, hình ảnh của Giáo Hội và Nhân Loại, đã chưa thể được quy tụ, nhưng cái toàn thể tương lai, khi không còn gì để mất nữa, thì có thể ngay từ bây giờ được trình bày và tượng trưng bằng mười hai thúng, bởi vì chúng chứa đựng những gì còn thừa lại của một bữa ăn, mà hẳn là, nó đã trở thành một sự tiên liệu và một sự khởi đầu cho một cuộc quy tụ tất cả mọi người.

Chúng ta luôn trải qua trong đời sống Thánh Thể của mình, cũng một sự căng thẳng như thế. Cộng đoàn chúng ta – Giáo Hội chúng ta – hiệp thông, nhưng sự hiệp thông này chưa sánh tầy cuộc tụ họp tất cả mọi người trong sự duy nhất mà Đức Kitô đã đạt được, nhờ việc tạ ơn của Người. Chính vì thế, mối tương quan của chúng ta với bí tích Thánh Thể không cạn kiệt trong việc hiệp lễ. Nếu chúng ta muốn nên tương đồng với sự rộng lớn của mầu nhiệm Thánh Thể, thì chúng ta phải, vượt ra ngoài sự hiệp thông với Mình và Máu, tôn thờ sự Hiện Diện đích thật của Đức Kitô đã có trong khi hiệp lễ, sự hiện diện, cùng với tất cả mọi người, với muôn người.

Khi thờ lạy Mình Thánh, chúng ta chiêm ngưỡng ở đó muôn vàn con người mà Đức Kitô đã quy tụ bằng hy tế của Người. Chúng ta thấy, ngoài các cộng đoàn mà các cuộc cử hành phụng vụ của chúng ta họp lại hôm nay, là những đám đông khổng lồ mà chúng ta được sai đến. Để nhắc lại những hình ảnh của Tin Mừng thứ tư, chúng ta ngước mắt lên và nhìn ngắm những cánh đồng lúa đã chín vàng cho mùa gặt ; chúng ta khám phá ra mình được sai đi, gặt ở nơi mình đã không khó nhọc gieo trồng, nhưng là nơi Đức  Giêsu, chính Người đã khó nhọc ; và này chúng ta được kêu gọi thừa hưởng hoa trái của những khó nhọc của Người (x. Ga 4, 35-38). Chính vì thế, việc thờ lạy Thánh Thể từ bao thế kỷ đã nuôi dưỡng sự năng động truyền giáo của Giáo Hội. Nếu việc thờ lạy Thánh Thể đã không được sống để làm phần nối dài của Thánh Lễ, thì phải chăng Giáo Hội đã bị cám dỗ khép mình lại và không còn nhận ra sự Hiện Diện đích thật của Đức Kitô vẫn tồn tại – bởi vì đó là sự Hiện Diện của “Đấng Cứu Độ trần gian” (Ga 4, 42), mà thân mình bị trao nộp “để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51) –, ở đằng trước chính mình?[5]

3. Sự phục sinh của thân xác

Chúng ta vừa nhắc đến đặc tính cánh chung của bí tích Thánh Thể, về vấn đề muôn người được đón nhận trong toàn thể, nhờ Chúa trong việc tạ ơn của Người.

Một khía cạnh quan trọng khác của thực tại cánh chung của bí tích Thánh Thể được chỉ cho chúng ta qua những câu sau đây của Thánh Gioan : “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 39 ) ; “Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết” (Ga 6, 50) ; “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54) ; “(Bánh này) không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 58).

Nhờ việc tham dự vào bí tích Thánh Thể, người tín hữu lãnh nhận, trong hiện thời và ở dưới thế này, sự sống đời đời của Thiên Chúa, một sự sống mạnh hơn sự chết, và chính thân xác người ấy – qua việc ăn và uống, hành vi đồng hóa với Thịt và Máu của Đấng Phục Sinh, và được đồng hóa như thế nhờ Người – được đưa ngay từ bây giờ vào thế giới của sự phục sinh : “Khác với man-na, André Feuillet viết, lương thực Thánh Thể phải đặt tín hữu vào thế chiếm hữu một sự sống đời đời mà cái chết thể lý không có một ảnh hưởng nào, và sự sống ấy phải được triển nở vào thời tận cùng, khi xuất hiện sự phục sinh vinh hiển.”[6]

Bánh bất tử và phục sinh, được ban cho bởi Đấng đã chiến thắng sự chết, khi trao nộp sự sống của mình, và Đấng giờ đây đã sống lại, và hằng sống.

Khi hiệp lễ, chúng ta tin rằng Đấng đến “ở trong chúng ta” và Đấng cho chúng ta được “ở trong Người” (Ga 6, 56), chuyển thông cho chúng ta sự sống đời đời qua tặng phẩm thân xác của Người, thân xác đã được Thánh Thần làm cho sống (x. Ga 6, 63). Chúng ta tin rằng Người ban cho chúng ta được “ở lại”, nghĩa là tồn tại mãi mãi (trừ khi chúng ta cản trở điều đó tận căn) trong “Cái Tôi” của Đấng Phục Sinh. Nhưng chúng ta cũng biết rằng : vì tội lỗi, chúng ta sẽ phải chịu cái chết trong thân xác, chịu sự tách biệt giữa hồn với xác, tách biệt giữa yếu tố tinh thần và yếu tố vật chất, những thứ làm nên chúng ta. Chính vì thế, thật là tốt cho chúng ta khi được chiêm ngưỡng Đấng Phục Sinh hiện diện đích thật trong một yếu tố vật chất là tấm bánh. Như vậy, chúng ta được bảo đảm rằng quyền năng của Đấng Phục Sinh là như thế đó, đến nỗi nó có thể đảm nhận và cứu độ mãi mãi cả cái gì nơi chúng ta còn vật chất nhất, mỏng dòn nhất tức thân xác. Chúa muốn cứu trọn vẹn con người chúng ta : linh hồn và thân thể, tinh thần và xác thịt. Người không hề muốn “mất đi” cái gì thuộc về chúng ta, ngay cả thân xác đáng thương này, mà tự chính nó, “giống như cỏ ngoài đồng bị khô héo đi” (Is 40, 7).

Sự hiện diện đích thật của Đức Kitô trong hình bánh là một bảo chứng cho sự phục sinh của thân xác chúng ta.

Sự chiêm ngắm “Đức Kitô trong chúng ta” mà chúng ta thực hành trong việc tạ ơn của chúng ta sau hiệp lễ, cũng kêu mời sự chiêm ngắm về chúng ta (thân xác và tinh thần) trong Chúa Kitô, mà chúng ta tha hồ thực hành trong việc thờ lạy Thánh Thể.

4. Sự thăng hoa của thế giới vật chất trong Đức Kitô

Ơn cứu độ của Thiên Chúa liên hệ đến toàn thể công trình sáng tạo. Thiên Chúa không muốn “mất” gì trong tất cả những cái Người đã dựng nên. Vào thời Cánh Chung, chính thế giới vật chất sẽ được biến đổi và đảm nhận cách nào đó trong Thân Thể vinh quang của Đấng Phục Sinh. Muôn vật đã “được tạo thành trong Đức Kitô” (Cl 1, 16), tất cả sẽ được cứu độ trong Người.

Trong Mình Thánh, chúng ta chiêm ngưỡng một mảnh của thế giới vật chất là tấm bánh, trở thành Mình Đức Kitô. Với Thánh Thể, cuộc quang lâm của Chúa, nghĩa là sự Hiện Diện toàn vẹn của Người trong nhân loại và trong vũ trụ vật chất đã bắt đầu. Vì thế, người ta đã có thể nói về “cánh chung bí tích” (Fr.-X. Durrwell) khi bàn về Thánh Thể.

Khía cạnh này của mầu nhiệm Thánh Thể thay đổi sâu xa cái nhìn của chúng ta về vũ trụ vật chất và về thiên nhiên.

Thật vậy, đối với homo technicus mà chúng ta đã trở thành, có một mối nguy lớn là thiên nhiên chỉ còn là một “đối tượng để khai thác bằng kỹ thuật”, một vật để biến đổi, kẻ nô lệ mà chúng ta thống trị. Mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên bấy giờ sẽ chỉ còn là tương quan của một người thợ, một ông chủ thống trị và chuyên chế. (Chúng ta hãy nghĩ đến những tác hại của kỷ nguyên công nghiệp ngày nay đang bị tố giác bởi khoa sinh thái). Vũ trụ có thể sẽ không còn là đối tượng của sự chiêm ngắm ngất ngây, nguồn suối của ngạc nhiên, cảm hứng và thi vị, tỏ hiện của một mầu nhiệm là lời của Thiên Chúa.

Thánh Thể gìn giữ chúng ta khỏi mối nguy này. Nơi Thánh Thể, những yếu tố vật chất được “đặt trực tiếp trong tương quan với Thiên Chúa”. Thánh Thể cứu vớt đặc tính ‘dấu chỉ thần linh’ của toàn bộ thiên nhiên. Thánh Thể dạy chúng ta tôn trọng và cung kính thiên nhiên như nơi của một cuộc hiển linh của Thiên Chúa. Thánh Thể cho phép chúng ta chiêm ngắm thiên nhiên và làm thi sĩ.

Việc thờ lạy bí tích Thánh Thể và chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng tỏ hiện trong bánh và rượu đảo ngược vị trí mà đột nhiên chúng ta chiếm lấy trong nền văn hóa của chúng ta, đối với thiên nhiên : vị trí thống trị. Sự đảo ngược này có một hệ quả luân lý đáng kể. Chẳng những nó làm cho chúng ta nhìn ngắm và đối xử với thiên nhiên cách khác hoàn toàn, mà đồng thời, nó còn thay đổi cách chúng ta liên hệ với chính thân xác của chúng ta. Thật vậy, về mặt văn hóa, con người ngày nay, ngẫu nhiên coi thân xác mình như một “mảnh của thiên nhiên” mà nó có thể thuần hóa, cai quản, biến đổi, như nó làm điều đó cho cho phần còn lại của vũ trụ vật chất. Thân xác nó không còn là một dấu chỉ, một ám hiệu về sự siêu việt nữa.

5. Kết luận

Chúng tôi hy vọng đã làm cho cảm thấy rằng việc chúng ta tham dự thánh lễ, không hề đối nghịch, mà còn kêu gọi việc thờ lạy Thánh Thể ở cả ngoài Thánh Lễ. Chúng tôi nghĩ rằng việc thờ lạy và đặt Mình Thánh Chúa, như đã được khuếch trương trong Giáo Hội thời Trung Cổ, không phải là sự việc của một kiểu cách chóng qua, của thái độ sùng kính nhất thời và ngẫu nhiên. Trái lại, những việc thực hành này không xuất hiện như một phần bổ sung bình thường của việc tham dự vào hy lễ cứu độ của Đức Kitô sao?

 

Chuyển ngữ: Trần Thị Kim Huê, FMSR

Nguồn: J.-M. Hennaux, S.J, “L’adoration eucharistique” trích trong Nouvelle Revue Théologique, nº 123 (2001), p.574-582)

 

[1] Như chúng ta đã biết, việc đặt Thánh Thể và việc chiêm ngắm Mình Thánh Chúa đã được khuếch trương ở thời Trung Cổ, trong sự sùng kính của Giáo Hội. Cuốn sách cổ điển viết về đề tài này là của E.DUMOTET, Le désir de voir l’hostie et les origines de la dévotion au Saint Sacrement, Paris, Beauchesne, 1926. Ở đây chúng ta sẽ không bàn về lịch sử của việc chầu Thánh Thể. Về đề tài này, chúng ta có thể tham khảo bài viết “Eucharistie” trong Dictionnaire de Spiritualité, chương III : “Lòng sùng kính Thánh Thể” (vol. IV, col. 1621-1648). Chúng ta sẽ thấy ở đó một cách miêu tả những hình thức chính yếu của việc chầu Thánh Thể từ thời các Giáo Phụ cho đến ngày nay, và một nghiên cứu về những lần can thiệp của Huấn Quyền liên quan đến việc thực hành này.

[2] Từ “cánh chung” (eschatologique) xuất phát từ tiếng Hy Lạp ta eschata : những điều cuối cùng, chung cuộc.

[3] Theo tư tưởng sê-mít, “muôn người” có thể bao hàm toàn thể, mà không nhất thiết phải làm điều đó. Như vậy, việc tham dự của sự  tự do của con người, tự do phải mở ra cho ơn cứu độ được trao ban, sẽ được bảo toàn như thế.

[4] Câu nói này làm người ta nghĩ ngay đến câu kết luận trong dụ ngôn con chiên lạc của Thánh Mat-thêu : “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18, 14).

[5] Mối tương quan của việc thờ lạy Thánh Thể với thánh lễ cũng là mối tương quan với Lời Chúa. Việc nghe hoặc thinh lặng suy niệm Thánh Kinh trước Thánh Thể luôn đưa chúng ta về tính phổ quát của ý định của Thiên Chua.

[6] FEUILLET A., Le discours sur le Pain de vie, coll. Foi vivante, 47, Paris, ĐB, 1967, p.43.