(Hình ảnh từ internet)
Bí tích Truyền Chức Thánh bao gồm phó tế, linh mục và Giám mục. Phó tế là cấp bậc đầu tiên của Chức Thánh, theo đó một người nam được truyền chức phó tế. Cấp độ thứ hai là linh mục và cấp độ thứ ba là Giám mục, tức là một linh mục được tấn phong Giám mục. Để trở thành Giám mục, trước đó ứng viên đã được truyền chức linh mục, và để trở thành linh mục, ứng viên ấy trước đó cũng đã phải được truyền chức phó tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các phó tế đều trở thành linh mục, cũng như không phải tất cả các linh mục đều trở thành Giám mục.
Trong khi ba cấp bậc này tồn tại trong Giáo hội, vẫn có những sự bổ nhiệm và phân chia nhỏ hơn không thuộc về Chức Thánh, bởi vì chúng không bắt nguồn từ Bí Tích. Hệ thống phẩm trật của Giáo hội Công giáo sử dụng thừa tác vụ chức thánh vì Giáo luật quy định chỉ người nào có Chức Thánh (được gọi chung là giáo sĩ, cho dù đang là phó tế, linh mục hay Giám mục) mới có thể thực hiện quyền quản trị trong Giáo hội. Giáo sĩ có quyền, bổn phận và nghĩa vụ cai quản Giáo hội trong khi giáo dân được trao quyền cai quản các nhà nước thế tục, đặc biệt là về mặt chính quyền. Các giáo sĩ hiện bị cấm đảm nhiệm các chức vụ công vì đó là lĩnh vực thích hợp hơn với giáo dân. Tương tự như vậy, chỉ các giáo sĩ (phó tế có chức thánh, linh mục hoặc Giám mục) mới có thể được bổ nhiệm làm cha sở của các giáo xứ vì vai trò này liên quan đến việc quản trị Giáo hội, là lĩnh vực thích hợp hơn với giáo sĩ.
Ở cấp thấp nhất của hệ thống phẩm trật là các phó tế (vĩnh viễn và chuyển tiếp) và các cha phó (các linh mục phụ giúp cha sở). Các linh mục mới được thụ phong (trước đây được gọi là phụ tá, các linh mục phụ tá) trước hết được bổ nhiệm về một giáo xứ với chức danh là cha phó. Cha phó, cùng với những phó tế được sai về giáo xứ đó, phụ giúp cha sở bằng cách dạy các lớp giáo lý, thăm viếng và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, rửa tội cho trẻ em, chuẩn bị cho các cặp đôi sắp kết hôn, cử hành hôn phối, cử hành nghi thức canh thức tang lễ và nghi thức an táng, cử hành Chầu Mình Thánh Chúa, và giảng lễ.
Cha sở là linh mục được Giám mục sở tại bổ nhiệm để coi sóc toàn thể giáo xứ. Giám mục ấn định thời gian của các Thánh Lễ, bổ nhiệm và trao nhiệm vụ cho các cha phó và phó tế, ký các hóa đơn. Cha sở có thẩm quyền tòng vụ (ordinary jurisdiction), có nghĩa là ngài có thể rửa tội và cử hành nghi thức hôn phối cho bất kỳ người Công giáo nào sống trong phạm vi của giáo xứ. Giáo xứ thường là một khu vực địa lý bao gồm một số vùng lân cận nhau. Tuy nhiên cũng có một ngoại lệ, tức là giáo xứ được xác định theo sắc tộc hoặc quốc tịch; ví dụ: một giáo xứ của người Mỹ gốc Phi, người Ý hoặc người Ba Lan, vốn là nhưng nơi mà ngôn ngữ hoặc văn hóa sẽ xác định tư cách thành viên chứ không phải vùng hoặc lãnh thổ.
Hầu hết các cha sở là linh mục triều và một số còn được phong chức đức ông, vốn là một tước hiệu được Đức Giáo Hoàng ban tặng để vinh danh một cá nhân. Cha sở, dù là đức ông hay chỉ là linh mục, là người chịu trách nhiệm về lợi ích thiêng liêng và vật chất của giáo xứ. Giáo luật quy định sự trợ giúp của các cha phó, các phó tế, một hội đồng mục vụ giáo xứ và một ủy ban tài chính (cả hai ủy ban này không có thẩm quyền quyết định, nhưng có tính tham vấn, đưa ra lời khuyên và tư vấn cho cha sở).
Một số giáo xứ trong giáo phận được chỉ định là hạt (deanery), và quản hạt là linh mục được giao trách nhiệm báo cáo và trao đổi những vấn đề quan trọng giữa các giáo xứ và các cha sở của hạt với Giám mục sở tại. Quản hạt không có thẩm quyền đối với các cha sở trong hạt, nhưng nếu một trong số họ không chu toàn nhiệm vụ của mình, quản hạt phải báo cáo với Giám mục và sau đó có thể thông tri cho cha sở ấy đáp từ của Giám mục. Khi Kitô giáo trở thành hợp pháp ở Đế quốc La mã vào năm 313 s.C.N, Giáo hội đã áp dụng hệ thống luật pháp La mã và trật tự của đế quốc để giúp điều hành một tôn giáo đang phát triển và sắp lan rộng trên toàn thế giới. Do đó, việc bổ nhiệm các cha sở và giáo xứ, các quản hạt và hạt, các Giám mục và giáo phận, v.v. thường giống với mô hình của La mã về việc phân quyền.
Tất cả các linh mục quản hạt của một giáo phận gặp gỡ thường xuyên với Giám mục sở tại, vốn là chủ chăn của giáo phận. Giáo phận là một khu vực phân theo địa lý, giống như một hạt, ngoại trừ ranh giới của giáo phận do Tòa Thánh xác định. Mỗi Giám mục ấn định phạm vi của các hạt và các giáo xứ vì chúng nằm trong lãnh vực thẩm quyền tài phán của ngài.
Các Giám mục được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm và có thẩm quyền đối với tất cả các giáo xứ, trường học giáo xứ, và các hội đoàn (bệnh viện, viện dưỡng lão, v.v.) nằm trong phạm vi của các giáo xứ. Đức Giáo Hoàng có thể chỉ định cho Giám mục một người phụ giúp được gọi là Giám mục phụ tá, vị này truyền chức và ban bí tích Thêm Sức nhưng không có quyền điều hành ngoài những gì ngài được Giám mục sở tại giao phó cách cụ thể. Các Giám mục cũng có một tổng đại diện và chưởng ấn để phụ giúp các công việc hàng ngày của giáo phận. Ngoài ra còn có Hội đồng Quản Hạt, Ban Cố vấn, Linh mục đoàn, Ban Nhân sự và Ban Tài chính. Những phòng ban này đưa ra lời khuyên và cố vấn cho Giám mục nhưng tự mình không có thẩm quyền quyết định.
Một số giáo phận trong một khu vực địa lý tạo thành giáo tỉnh, và được điều hành bởi Tổng Giám mục Chính Tòa của tổng giáo phận gần nhất. Giống như quản hạt, vốn là người luôn trông coi các giáo xứ trong hạt của mình và báo cáo mọi vấn đề phát sinh với Giám mục, Tổng Giám mục tuy không can thiệp trực tiếp vào công việc thông thường của các Giám mục sở tại, nhưng sẽ can thiệp nếu có Giám mục nào hành xử sai trái, và phải báo cáo điều đó cho Tòa Thánh biết. Năm năm một lần, các Giám mục trong cùng một giáo tỉnh sẽ đến Rôma để tham dự cuộc viếng thăm Ad limina, đây là cuộc gặp chính thức với Đức Giáo Hoàng và từng Giám mục sở tại trình bày với ngài về những sinh hoạt của giáo phận diễn ra như thế nào. Các Giám mục của một quốc gia họp một hoặc hai lần mỗi năm trong một Hội đồng Giám mục để thảo luận về các lĩnh vực quan trọng, để kết nối với nhau, và đôi khi để ban hành một số hướng dẫn cho giáo dân; ở Hoa Kỳ, hội đồng này được gọi là USCCB (Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ).
Mỗi quốc gia đều có một đại diện cá nhân của Đức Giáo Hoàng, với vai trò là đại sứ của ngài tại quốc gia đó, và nơi cư trú của vị đại diện này tương đương với đại sứ quán. Nếu các quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, thì có các khâm sứ Tòa Thánh (apostolic delegates) đại diện cho Đức Giáo Hoàng trước nguyên thủ quốc gia và các Giám mục sở tại của quốc gia đó. Ở những quốc gia có sự công nhận về mặt ngoại giao (thông qua hiệp ước hoặc thỏa ước), đại sứ của Đức Giáo Hoàng được gọi là Sứ thần Tòa Thánh (apostolic nuncio), và đại sứ quán của ngài được gọi là Tòa Đại Sứ Giáo Hoàng (Nunciature). Ngoài vai trò ngoại giao của mình với chính phủ của quốc gia, vị Sứ thần Tòa Thánh còn thu thập tên tuổi các ứng viên để Đức Giáo Hoàng lựa chọn các Giám mục cho quốc gia đó. Sứ thần cũng báo cáo mọi vấn đề nghiêm trọng cho Đức Giáo Hoàng.
Tòa Thánh có nhiều Hồng y khác nhau, vốn là những người giúp quản lý Giáo hội toàn cầu và phổ quát. Giáo Triều và tất cả các yếu tố trước đây của hệ thống phẩm trật đều hỗ trợ cho việc điều hành Giáo hội Công giáo. (Xem Câu hỏi # 254 và # 255 để biết thêm về các Hồng y và Giáo Triều.)
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 381-384.