Đây là hai thuật ngữ phụng vụ trong Nghi thức Thánh Lễ trước năm 1969, được gọi là Thánh Lễ Tridentine hoặc Thánh Lễ theo nghi thức Piô V. Thánh Lễ theo nghi thức này đã được sửa đổi chút ít kể từ Công đồng Trentô (1545-1563), và Công đồng đã ban hành sắc lệnh cử hành Thánh Lễ theo nghi thức này cho đến triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) đã ban hành Thánh Lễ theo nghi thức mới thay thế cho Nghi thức Tridentine. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho phép tái cử hành Thánh Lễ theo Nghi thức Tridentine trên khắp thế giới dưới sự đồng hành của Đấng Bản Quyền địa phương.
Hình thức phân chia các Ngày Phụng vụ theo Nghi thức Tridentine có nhiều mức độ khác nhau. Ngày Phụng vụ là ngày được thánh hóa bằng các nghi thức phụng vụ, như: Hy Lễ Thánh trong Thánh Lễ và Lời Cầu Nguyện Chung của Giáo hội (Kinh Thần Vụ). Các Ngày Phụng vụ được phân loại như sau:
Chúa Nhật: Ngày đầu tiên trong tuần và quan trọng nhất. Chu kỳ hàng năm của các Chúa Nhật tái hiện lại Cuộc đời của Đức Kitô với tất cả các Mầu nhiệm của Ngài.
Ngày thường (Feria): Bất kỳ ngày nào trong tuần trừ Chúa Nhật. Một số ngày thường có những Thánh Lễ đặc biệt (như trong mùa Chay và Tam Nhật Thánh); những ngày thường khác được ấn định các Thánh Lễ theo Chúa Nhật trước đó, như được quy định trong Sách Lễ.
Ngày lễ trọng (Feast): là ngày tôn vinh một cách đặc biệt các Mầu nhiệm của Chúa, Đức Mẹ, các Thiên thần, Các Thánh, hoặc Chân phước.
Tuần bát nhật (Octave): cử hành những ngày lễ quan trọng nhất trong thời gian tám ngày liên tục. Những ngày lễ trọng đại này cũng có cấp bậc khác nhau tùy vào mức độ quan trọng của chúng: lễ bậc một, bậc hai, bậc ba, bậc bốn, hoặc lễ nhớ. Thuật ngữ “lễ nhớ” thường được dùng để chỉ một số ngày lễ không có đầy đủ các phần cử hành phụng vụ trong Sách Lễ và Kinh Thần Vụ, nhưng được xem như một ngày lễ để tưởng nhớ.
Sách Lễ năm 1962, Nghi thức Tridentine, đã sử dụng thuật ngữ Lễ Các Mùa (Mass of the Seasons); vào các ngày thường (feria là thuật ngữ phụng vụ để chỉ bất kỳ ngày nào trong tuần kể cả thứ bảy) của tất cả các bậc lễ, luật phụng vụ chữ đỏ sẽ chỉ định các Thánh Lễ khác nhau phù với những ngày ấy. Những ngày thường nhưng có lễ bậc một là thứ Tư Lễ Tro và những ngày trong Tuần Thánh; lễ bậc hai là những ngày từ 17 đến 23 tháng Mười Hai và Tuần Chay Ba Ngày của Mùa Vọng, Mùa Chay và tháng Chín; lễ bậc ba là những ngày từ thứ Năm sau thứ Tư Lễ Tro đến thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, và từ đầu mùa Vọng đến ngày 16 tháng Mười Hai. Tất cả các ngày còn lại khác trong tuần mà không được liệt kê ở trên đều là lễ bậc bốn.
Tuần Chay Ba Ngày là các ngày Thứ Tư, Thứ Sáu và Thứ Bảy của bốn tuần trong năm; trong những ngày ấy người ta giữ chay và kiêng thịt. Tuần Chay Ba Ngày xuất hiện trong bốn Tuần Chay (Ember Weeks) – tuần giữa Chúa Nhật thứ ba và Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng, tuần giữa Chúa Nhật thứ nhất và Chúa Nhật thứ hai của mùa Chay, tuần giữa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, và tuần sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá (14 tháng Chín ). Theo truyền thống Rôma xưa, Tuần Chay Ba Ngày có liên hệ mật thiết với những bận tâm lo lắng về nông nghiệp cũng như các lễ hội gieo giống và thu hoạch. Kể từ năm 1969 và Thánh Lễ theo nghi thức mới của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tuần Chay Ba Ngày đã được thay thế bằng Thánh Lễ ngoại lịch (votive Mass) cho những nhu cầu và các dịp khác nhau, và các lễ này không được nghi trong Lịch Phụng vụ.
Tuần Tam Nhật (Rogation Days) là những ngày đặc biệt để cầu nguyện thống hối và cũng bao gồm cả Tuần Chay Ba Ngày. Trong thời Giáo hội sơ khai, có hai hình thức của Tuần Tam Nhật. Hình thức thứ nhất được cử hành vào ngày 25 tháng Tư, lễ Thánh Maccô, và hình thức thứ hai là vào ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư trước ngày thứ Năm Lễ Chúa Thăng Thiên. Các Tuần Tam Nhật đã được thay thế trong Sách Lễ mới năm 1969 bằng các Thánh Lễ cầu nguyện cho nhu cầu của giáo dân. Hội đồng Giám mục quốc gia hoặc Giám mục địa phương có thể quyết định việc sử dụng những ngày này như thế nào.
Theo truyền thống, Tuần Tam Nhật bắt đầu vào năm 470 s.C.N khi Thánh Mamertus, Giám mục của Vienne ở Pháp, cho cử hành các đám rước và đọc Kinh Cầu Các Thánh chung cách công khai sau những thiên tai thảm họa đã xảy ra tại đất nước này. Vào thời của Đức Giáo Hoàng Lêô III, năm 816 s.C.N, những hình thức của Tuần Tam Nhật đã được trông thấy ở Rôma và được đặt tên là “Kinh Cầu Nhỏ” để phân biệt với “Kinh Cầu Lớn” đã được Đức Giáo Hoàng Grêgoria Cả phê chuẩn trước đó tại Rôma vào năm 598 s.C.N, đúng vào ngày 25 tháng 4, lễ Thánh Maccô. Tuần Tam Nhật là những lời cầu nguyện tha thiết mong có thể tránh được thiên tai dịch bệnh và nài xin Thiên Chúa chúc lành cho mùa màng.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 350-351.