Công đồng Vaticanô II đã diễn ra từ năm 1962 đến 1965. Đây là Công đồng chung thứ hai mươi mốt kể từ Công đồng đầu tiên được tổ chức ở Nicea vào năm 325. Công đồng sau cùng này không được triệu tập để giải quyết các lạc giáo như các Công đồng trước kia đã làm (Nicea và lạc giáo Arius; Ephesus và lạc giáo Nestoria; Chalcedon và lạc giáo Monophystism); thay vào đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng để bàn về những vấn đề của thế giới hiện đại. Không nhắm tới việc hiện đại hóa tôn giáo hai ngàn năm tuổi, nhưng các Nghị Phụ (Đức Giáo Hoàng và các Giám mục) muốn thích ứng và áp dụng những điều tốt đẹp nhất của thế giới hiện đại và sử dụng chúng để thi hành tốt hơn sứ mạng của Giáo hội. Tinh thần của Công đồng Vaticanô II không chỉ bảo tồn và lưu giữ những giáo thuyết cũng như tín điều đức tin và luân lý suốt hai thiên niên kỷ qua, nhưng còn sử dụng những phương pháp, phương tiện và cách thức hiện đại để truyền tải những thông điệp ấy.
Không giáo huấn chính thức nào (các giáo thuyết) bị thay đổi và Công đồng Vaticanô II cũng không có ý định thay đổi chúng. Các kỷ luật cổ xưa như độc thân cũng không bị loại bỏ. Việc cải tiến trang phục tu trì (tu phục) đã được cho phép nhưng việc hoàn toàn loại bỏ tu phục thì không bao giờ được đề nghị. Nội dung của đức tin không thể và không được thay đổi, nhưng cách thức mà đức tin được giải thích – từ ngôn ngữ đến các phương tiện được dùng để truyền tải các giáo huấn – đã được cập nhật để tận dụng những tiến bộ của thời đại. Giáo dân không nhất thiết phải được giáo sĩ hóa và giáo sĩ cũng không cần phải được giáo dân hóa, nhưng mỗi bậc sống được mời gọi đóng một vai trò riêng trong Giáo hội.
Mười sáu văn kiện của Công đồng Vaticanô II chủ yếu bàn về những vấn đề mục vụ và thiêng liêng; thậm chí Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội (Lumen Gentium) cũng không đưa ra bất kỳ học thuyết mới nào và chắc chắn cũng không thay đổi hoặc phản bác những giáo thuyết trước đây. Công đồng Vaticanô II chỉ đưa ra một quan điểm và cái nhìn mới để dạy dỗ và để thấu hiểu hơn điều Giáo hội đã luôn giảng dạy và điều Giáo hội đã luôn thực hiện, đặc biệt trong việc thờ phượng chính thức của Giáo hội (gọi là Phụng vụ).
Một thay đổi rõ ràng bắt nguồn từ Công đồng Vaticanô II là việc đưa ra các sửa đổi trong Thánh Lễ (đôi khi được gọi Phụng vụ Thánh Lễ, Phụng vụ Thánh hay Phụng vụ Thánh Thể). Bản chất các nghi thức của Bảy Bí Tích không thay đổi, nhưng tiếng bản xứ (tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ phổ thông) được đề nghị sử dụng. Tiếng Latinh vẫn là ngôn ngữ quy chuẩn, phổ quát và chính thức cho việc thờ phượng và giáo thuyết, vì thế tất cả các tài liệu và nghi thức chính thức vẫn được in bằng tiếng Latinh. Các quốc gia có thể xin thẩm quyền của Tòa Thánh để chuyển ngữ các bản văn trong Thánh Lễ và các bí tích ra tiếng bản xứ, và điều này đã được thực hiện sau khi Công đồng kết thúc vào năm 1965. Mặc dù các Nghị Phụ không có ý loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn tiếng Latinh khỏi việc thờ phượng và lời nguyện cầu công khai của Giáo hội Tây Phương (Giáo hội Công giáo Byzantine vẫn luôn sử dụng tiếng Hy Lạp, tiếng Slava cổ và tiếng bản xứ), nhưng trên thực tế, hầu hết các quốc gia Châu Mỹ và Châu Âu đã sử dụng 100 phần trăm tiếng bản xứ sau Công đồng.
Từ triều đại của Đức Gioan Phaolô II (1978-2005), tinh thần đích thực của Công đồng Vaticanô II đã được tái khẳng định bởi chính ý hướng thật sự của Công đồng. Nhiều nhà chủ trương đổi mới đã cố gắng biện minh cho những lạm dụng phụng vụ của họ bằng cách tuyên bố rằng họ vẫn đang trung thành với “tinh thần” của lề luật chứ không nệ vào “câu chữ” của luật. Ngược lại, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho thấy rằng ý hướng của các Nghị Phụ có thể được tìm thấy nơi chính các văn kiện mà họ đã ban hành. Ngài cũng nhắc dân chúng về di sản phong phú của Giáo hội, từ ngôn ngữ Latinh đến chân lý lâu đời của triết học Tôma cũng như nét đẹp tao nhã và có tính khai phóng của nghệ thuật và âm nhạc Công giáo qua các thế kỷ.
Các lạm dụng không đến từ hoặc bởi Công đồng Vaticanô II, nhưng đến từ những kẻ đã bóp méo ý hướng của các Nghị Phụ và việc thi hành các văn kiện của Công đồng. Các quan điểm như linh mục thuộc Giáo hội theo nghi lễ Latinh có thể tùy chọn sống độc thân, truyền chức cho nữ giới, cho phép vợ chồng được sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo, xóa bỏ tính bắt buộc của việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần, cấm tiếng Latinh trong mọi phụng tự công, bỏ lòng sùng kính Đức Nữ Trinh Maria và các thánh, loại bỏ ảnh tượng khỏi các nhà thờ, bỏ các lan can bàn thờ (khi hiệp lễ), di chuyển nhà tạm khỏi cung thánh và bắt buộc linh mục phải hướng về dân chúng lúc dâng Thánh Lễ, là những điều không bao giờ được Công đồng Vaticanô II yêu cầu hoặc bắt buộc thi hành.
Những quy luật về việc kiêng thịt được nới lỏng nhưng không bị hủy bỏ. Trước Công đồng Vaticanô II, việc cố tình ăn thịt vào bất kỳ Thứ Sáu nào trong năm đều là tội trọng. Sau Công đồng, luật đó được sửa đổi: việc kiêng thịt vẫn có tính bắt buộc đối với các tín hữu Công giáo từ mười bốn tuổi trở lên và có thể thay thế việc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu trong tuần bằng một công việc bác ái, ngoại trừ thứ Tư Lễ Tro và tất cả các thứ Sáu trong Mùa Chay. Việc ăn chay (chỉ ăn một bữa no trong ngày với hai bữa nhẹ hơn – hai bữa ăn nhẹ này không được lớn bằng bữa no nếu gộp chung lại – và không ăn vặt giữa các bữa ăn) chỉ áp dụng cho các tín hữu Công giáo trưởng thành từ mười tám tới năm mươi chín tuổi vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.
Công đồng Vaticanô II khuyến khích việc đối thoại đại kết với các tôn giáo khác. Công đồng không hề đề nghị bất kỳ sự thỏa hiệp nào về giáo thuyết, cũng không tìm những sự hiệp nhất bằng việc loại bỏ hoặc hạ giá giáo huấn của Giáo hội. Đối thoại đơn giản có nghĩa là mở ra những kênh trao đổi gặp gỡ giữa những người lãnh đạo và những tín hữu của các tôn giáo khác với những người lãnh đạo và tín hữu của Giáo hội Công giáo. Cùng làm việc với nhau để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, để bảo tồn các giá trị luân lý, để hỗ trợ hôn nhân và gia đình, để giúp tìm ra những phương thế khác nhau nhằm giảm thiểu đói nghèo, tội phạm, chiến tranh, bạo lực, hận thù và thành kiến là những mục tiêu hỗ tương của chủ nghĩa đại kết. Công đồng Vaticanô II không kêu gọi thỏa hiệp về giáo thuyết hoặc luân lý chỉ để đạt được sự thống nhất hoặc đồng thuận mang tính đại kết.
Những nhà cực đoan từ cả cánh tả (cấp tiến) lẫn cánh hữu (bảo thủ) đều đã bóp méo thông điệp của Công đồng Vaticanô II. Những nhà bảo thủ quá khích đã khước từ hữu hiệu tính của Thánh Lễ (được gọi là Nghi Thức Mới – Novus Ordo) và thậm chí của các Chức Thánh từ sau Công đồng. Họ tuyên bố chỉ Thánh Lễ theo Công đồng Trentô và các linh mục được truyền chức trước năm1965 mới thành sự. Thậm chí còn có một vài nhà bảo thủ cực đoan cánh hữu từ chối hợp thức tính của Đức Giáo Hoàng từ sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời vào năm 1958. Những người này được gọi là phái “sede vacantists” (nghĩa là phái “trống tòa”, “tòa” ám chỉ đến Tòa Thánh Phêrô, tượng trưng cho chức vị Giáo Hoàng).
Cũng có một vài tín hữu Công giáo chính thống chấp nhận hữu hiệu tính của Nghi Thức Mới và tất cả Chức Thánh (phó tế, linh mục và Giám mục) từ Công đồng Vaticanô II, và hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội cũng như vâng phục Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI; nhưng một cách cá nhân, họ vẫn yêu thích Thánh Lễ thời Công đồng Trentô bằng tiếng Latinh hơn. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho phép họ được thực hiện các nhu cầu thiêng liêng này từ năm 1980 bằng tự sắc Ecclesia Dei, cho phép mọi Giám mục và giáo phận lo liệu cho những ai mong muốn được có Thánh Lễ theo Công đồng Trentô bằng tiếng Latinh.
Mặt khác, nhưng nhà cấp tiến quá khích lại từ chối các học thuyết như tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng hoặc không công nhận Thông điệp Humanae Vitae (1968), vốn là thông điệp của Đức Phaolô VI tái tuyên bố việc lên án các hình thức ngừa thai nhân tạo và phá thai. Họ thường xuyên phớt lờ luật phụng vụ chữ đỏ và thúc đẩy những lạm dụng quá đáng trong Phụng vụ, từ việc sử dụng những lời nguyện bất hợp pháp đến việc phá Giáo luật hết chỗ này đến chỗ khác. Những kẻ cực đoan dù cánh tả hay cánh hữu đều có một điểm chung – họ không vâng phục Tòa Thánh. Các tín hữu Công giáo tuân theo các giáo thuyết, kỷ luật, giáo huấn và lề luật của Giáo hội hoàn vũ được gọi là chính thống (không viết hoa), vì thuật ngữ này có nghĩa giáo huấn “đúng đắn”. Những ai chống lại những gì Giáo hội chính thức giảng dạy hoặc ban hành thành luật được gọi “dị giáo”, kể cả cánh tả lẫn cách hữu.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).