“Tử đạo” có gốc Hy Lạp là martus, nghĩa là chứng nhân và nói đến người đã kiên vững để làm chứng cho đức tin. Đối với một số Kitô hữu, việc làm chứng này đã dẫn đến sự bách hại và cuối cùng là cái chết. Không giống như những hình thức tử đạo ngoài Kitô giáo, vốn cổ võ cho bạo lực chống lại kẻ thù, tử đạo Kitô giáo chính yếu dựa trên việc làm chứng cho chân lý. Chính kẻ bách hại kết tội cách sai trái, tra tấn và thậm chí có thể giết chết vị chứng nhân của đức tin Công giáo.
Qua từng thế kỷ, bắt đầu với Giáo hội non trẻ ở Giêrusalem, Giáo hội đã chịu đựng nhiều làn sóng bách hại. Thánh Stêphanô được xem như vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội. Ngài đã chết trong tay người Do Thái, những người đã muốn loại bỏ thứ tôn giáo mới mẻ này. Không lâu sau đó, Đế quốc La mã đã tham gia vào cuộc bách hại vì họ xem Kitô giáo như một mối đe dọa cho lối sống ngoại giáo của họ. Tất cả các Tông Đồ, ngoại trừ Gioan – người môn đệ yêu dấu, đều là các thánh tử đạo. Chính trong suốt triều đại ngoại giáo của Đế chế Rôma mà các Kitô hữu đã phải chịu những bách hại tàn bạo nhất – chịu chết bằng mọi phương cách như bị thú vật ăn thịt trong một đấu trường hoặc bị lột da và thiêu sống. Cuộc Cải Cách Anh Giáo ở thế kỷ XVI đã chứng kiến Mary, vị Nữ hoàng Công giáo của xứ Scots, bị giết bởi cô em họ Tin Lành, Nữ hoàng Elizabeth và theo sau đó là cái chết của nhiều tín hữu Công giáo. Ở Pháp quốc, trong suốt Cuộc Cách Mạng Pháp ở thế kỷ XVII, hàng ngàn người trung thành với Rôma, bao gồm các linh mục và các nam nữ tu sĩ, đã mất mạng nơi máy chém. Vào thế kỷ XX, các tín hữu Công giáo cùng với các giáo sĩ đã phải bỏ mạng trong các cuộc cách mạng tại Tây Ban Nha và Mêxicô. Cứ lấy ra bất kỳ một thế kỷ nào và bạn sẽ thấy Giáo hội đều bị bách hại. Máu của các vị tử đạo đổ ra là hạt mầm của Giáo hội trong tương lai.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007)