Theo nghĩa chặt, Công đồng Giêrusalem không phải là một Công đồng chung, mặc dù nó là Công đồng đầu tiên của Giáo hội. Các Công đồng chung là những đại hội trọng thể của các Giám mục và Đức Giáo Hoàng. Các Giám mục được Đức Giáo Hoàng triệu tập để thảo luận về học thuyết, kỷ luật và những vấn đề mục vụ của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng là nhân tố hợp nhất chính yếu ở Công đồng. Ơn bất khả ngộ trong các vấn đề về đức tin và luân lý là điểm đặc thù của một Công đồng chung. Mỗi Công đồng đều cố gắng giải thích rõ hơn về các giáo huấn của Đức Kitô. Đã có hai mươi mốt Công đồng chung.
Công đồng Nicea, 325 s.C.N, đã kết án thuyết Arius và công thức hóa Kinh Tin Kính Nicea.
Công đồng Constantinople I, 381 s.C.N, đã kết án thuyết Macedonius và tái xác nhận Kinh Tin Kính Nicea.
Công đồng Ephesus, 431 s.C.N, đã kết án thuyết Nestorius và tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Công đồng Chalcedonia, 431 s.C.N, đã kết án Thuyết Đơn Nhất Tính (Monophysitism) và tuyên bố Đức Kitô có hai bản tính – thiên tính và nhân tính – trong một Ngôi Vị thánh.
Công đồng Constantinoplis II, 553 s.C.N, đã kết án một số người theo lạc giáo Nestorius: Theodore vùng Mopsuestia, Theodoret vùng Cyrrhusvà Ibas vùng Edessa.
Công đồng Constantinoplis III, 680-81s.C.N, đã kết án những người theo Thuyết Nhất Chí (Monothelites) và tuyên bố Đức Kitô có hai ý chí – nhân ý và thiên ý.
Công đồng Nicea, 787 s.C.N, đã kết án những kẻ thuộc phái Bài trừ Ảnh tượng (Iconoclasts) và bênh vực việc tôn kính các ảnh tượng thánh không phải là thờ ngẫu tượng.
Công đồng Constantinople IV, 869-70 s.C.N, đã kết án Photius là Thượng Phụ giả của Constantinople và tái khẳng định Ignatius mới là Thượng Phụ đích thật.
Công đồng Lateran I, 1123 s.C.N, đã ban hành các sắc lệnh về việc mại thánh, độc thân, việc giáo dân chỉ định giáo sĩ giữ các giáo chức và xác nhận Hiệp ước Worms.
Công đồng Lateran II, 1139 s.C.N, kết thúc thời kỳ phân ly Giáo Hoàng và thực hiện những cuộc cải cách.
Công đồng Lateran III, 1179 s.C.N, đã kết án lạc giáo Albigenses và Waldenses, đồng thời ra sắc lệnh về việc bầu cử Giáo Hoàng với hai phần ba số phiếu.
Công đồng Lateran IV, 1215 s.C.N, đã ban hành sắc lệnh về việc Rước Lễ hàng năm và lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “biến đổi bản thể”.
Công đồng Lyons I, 1245 s.C.N, đã kết án Frederick II và lên kế hoạch cho cuộc Thập Tự Chinh thứ hai.
Công đồng Lyons II, 1274 s.C.N, đã tạm thời tái hợp nhất với các Giáo hội Hy Lạp và đưa ra quy định về thời gian có thể bắt đầu các cuộc bầu Giáo Hoàng – mười ngày sau khi Giáo Hoàng qua đời.
Công đồng Vienne, 1311-12 s.C.N, đã giải thể Dòng Hiệp Sĩ Đền Thờ (Knights Templar) và thực hiện các cuộc cải cách.
Công đồng Constance, 1414-18 s.C.N, đã kết án Wyclif và Hus và đặt dấu chấm hết cho Cuộc Ly Khai Tây Phương.
Công đồng Florence, 1431-45 s.C.N, đã khẳng định quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và có nhiều nỗ lực để hiệp nhất hơn với Giáo hội Hy Lạp.
Công đồng Lateran V, 1512-17 s.C.N, đã kết án những người theo thuyết Tân-Aristotle, vốn dạy rằng linh hồn không bất tử và chỉ có một linh hồn cho toàn thể nhân loại (nghĩa là, mọi người đều chia sẻ một linh hồn).
Công đồng Trentô, 1545-63 s.C.N, đã kết án Tin Lành và thực hiện những cuộc cải cách quan trọng.
Công đồng Vaticanô I, 1869-70 s.C.N, đã xác định tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng và kết án thuyết phiếm thần (pantheism), chủ nghĩa duy vật (materialism), hữu thần thuyết (deism), chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) và thuyết duy tín (fideism).
Công đồng Vaticanô II, 1962-65 s.C.N, đã ban hành mười sáu văn kiện, tái khẳng định các nguyên tắc của đức tin và luân lý Công giáo, cũng như đã kêu gọi cải tổ phụng vụ Giáo hội và đời sống bí tích.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 275-276.