Saul, người được gọi là Phaolô sau khi hoán cải, đã trở thành vị tông đồ cho các Dân Ngoại. Kinh Thánh Tân Ước có đầy những chứng từ, thư từ và hướng dẫn cho các hội thánh khác nhau do Thánh Phaolô thiết lập. Tin Mừng được Thánh Phaolô truyền bá qua từng đợt khi ngài rao giảng khắp Châu Âu. Các cộng đoàn được thành lập ở Philipphê, Thêxalônica và Côrintô. Thánh Phaolô còn đến tận Athen, vốn được biết đến như trung tâm văn hóa trong thời cổ đại. Ở đây, ngài đã tranh luận về Tin Mừng với người Hy Lạp ở trình độ triết lý của chính họ.
Ngài đã đi đến Châu Á cũng như Châu Âu và đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Người Do Thái căm ghét ngài và không thèm lắng nghe thông điệp về Chúa Giêsu, Đấng Mêsia. Thế nhưng, ngài vẫn đạt được những thành công lớn trong việc truyền bá đức tin, đặc biệt ở Côrintô. Tổng cộng, ngài đã dấn thân vào bốn cuộc hành trình. Cuộc hành trình cuối cùng đưa ngài đến Rôma, nơi ngài bị bỏ tù. Trên đường đến Giêrusalem, vì dính líu đến một cuộc nổi loạn chính trị, ngài bị bắt giam và bị áp giải về một nhà tù ở Caesarea. Ở đó, ngài đã tuyên bố mình là công dân Rôma với quyền thượng cầu lên Hoàng đế và do vậy ngài đã được đưa đến Rôma. Ngài đến Rôma trong vòng hai năm sau khi bị bắt và trong suốt thời gian đó ngài đã luôn rao giảng Tin Mừng.
Người ta tin rằng cuối cùng ngài đã được tự do, rồi đi đến Tây Ban Nha và sau đó trở về vùng Tiểu Á và Hy Lạp. Các Thư Tân Ước gửi cho Timôthê và Titô xác nhận khoảng thời gian này. Một lần nữa, Thánh Phaolô lại bị bắt làm tù nhân ở Rôma. Ngài đã bị xử tử vào năm 67 s.C.N. Trong lá thư (95 s.C.N) gửi cho Hội Thánh ở Côrintô, Đức Giáo Hoàng Clêmentê đã nhắc đến biến cố cả Thánh Phêrô và Phaolô đều bị xử tử ở Rôma. Thánh Phêrô bị đóng đinh vì ngài không phải công dân Rôma; còn Thánh Phaolô, một công dân Rôma, bị chém đầu. Chém đầu là một hình thức xử tử nhanh chóng hơn và vì thế được xem như nhân đạo hơn. Thánh Phaolô được xem là một trong những cột trụ của Hội Thánh Công giáo Rôma nhờ vào hoạt động truyền giáo của ngài ở Rôma và việc tử đạo cuối cùng của ngài.
Trong lá thư gửi các tín hữu Côrintô, Đức Giáo Hoàng Clêmentê đã chứng nhận di sản của Thánh Phaolô. Ngài nói rằng Thánh Phaolô đã cho thấy một sự kiên trung vĩ đại trong suốt thời gian tù tội, bị lưu đày và bị ném đá, thế nên phải được xem như một người có đức tin trổi vượt. Ngài đã làm chứng cho Tin Mừng trước các nhà cầm quyền, các triết gia và thường dân. Thánh Phaolô là một trong những người vĩ đại nhất đã làm chứng cho Đức Kitô Giêsu và đã mở rộng Kitô giáo bằng chứng từ của mình.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 275-276.