Ảnh từ Internet

 

Hầu hết các sách Cựu Ước (gồm 46 cuốn) được viết bằng tiếng Do Thái (vốn không có nguyên âm vào thời đó); một vài cuốn được viết bằng tiếng Hy Lạp trong thời lưu đày và phiêu bạt tại Babylon (587-100 TCN), tức là thời kỳ lịch sử của người Do Thái trong kỷ nguyên tiền Kitô giáo, khi đó, ba phần tư người Do Thái buộc phải sống tha hương nơi các nước ngoại bang. Trải qua thời kỳ đó, rất nhiều con cháu của họ đã nói và hiểu tiếng Hy Lạp hơn tiếng Do Thái, vì Alexandre Đại Đế, vị vua của Macedonia, đã biến ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp trở thành một sức mạnh thống trị cho tới khi người Rôma xuất hiện.

Tân Ước (gồm 27 cuốn) được viết bằng tiếng Hy Lạp. Vào thế kỷ thứ IV, Hoàng đế Rôma là Constantine đã công nhận Kitô giáo; và Kitô giáo chính thức trở thành quốc giáo vào năm 391. Đức Giáo Hoàng Đamasus đã giao cho Thánh Giêrônimô dịch Cựu Ước và Tân Ước từ ngôn ngữ gốc là tiếng Do Thái và Hy Lạp sang ngôn ngữ phổ thông lúc bấy giờ là tiếng Latin (gọi là bản Vulgata).

Không hề có bất kỳ một người nào hay một nhóm nào đã chủ định ngồi xuống để viết trọn bộ Kinh Thánh như chúng ta đang có hiện nay. Mỗi cuốn Kinh Thánh được viết bởi một con người cụ thể do Thần Khí Thiên Chúa linh hứng. Do đó, Kinh Thánh thường được gọi là: “Lời Chúa do con người ghi lại với sự linh hứng của Thiên Chúa.” Thiên Chúa là tác giả tối cao, nhưng Ngài chọn những con người mà chúng ta gọi là “các tác giả thánh” (vì các ngài viết Kinh Thánh) để ghi lại những lời được linh hứng ra giấy (hay chính xác hơn là ra giấy cói- [giấy papyrus]).

Từng tác giả nhân loại đã viết các cuốn sách của Kinh Thánh như thể chúng là những bản văn tách biệt. Không hề có ai trong số họ có tầm nhìn hay suy nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ kết hợp toàn bộ các sách thành một quyển như chúng ta hiện có. 

            Tuy vậy, trước khi những bản văn được viết ra, thì đã có một giai đoạn truyền khẩu. Điều này có nghĩa là, trong nhiều thế kỷ, từ Abraham cho tới Môsê (khoảng 600 năm), cách duy nhất mà người Do Thái nhận biết về sự sáng tạo thế giới và khởi đầu của nhân loại chính là nhờ vào việc truyền khẩu. Cha mẹ kể lại cho con cái, và đến lượt mình, con cái tiếp tục kể lại cho những người con của họ và cứ tiếp diễn như vậy. Về cơ bản, mọi người đều là dân du mục, nay đây mai đó để chăn nuôi, không có một quốc gia riêng biệt, nên thực sự chẳng có bất kỳ điều gì đã được ghi chép lại.

            Truyền thống cho rằng Môsê là người đầu tiên đã ghi lại nội dung truyền khẩu của Do Thái giáo. Bốn mươi năm lưu lạc trong sa mạc của dân Do Thái đã cho Môsê có nhiều thời gian, và vì ông đã từng là một hoàng tử của Ai Cập, được học tập trong cung điện Pharaô, nên chỉ mình ông mới có thể đọc và viết, trong khi phần dân còn lại đều là những người nô lệ nghèo khổ cho người Ai Cập.

            Rất nhiều học giả nghiên cứu Kinh Thánh tin rằng, vào một lúc nào đó trong thế kỷ thứ 13 TCN, Môsê đã chấp bút cho năm cuốn đầu tiên của Kinh Thánh Do Thái (những cuốn mà Kinh Thánh của người Kitô hữu xếp vào phần Cựu Ước) là Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật. Được gọi là Torah (luật) theo tiếng Do Thái, hay là Pentateuch (Ngũ thư) theo tiếng Hy Lạp, năm cuốn sách này trình bày về nguồn gốc của thế giới và các tổ phụ (Abraham, Isaac, Giacóp, Giuse) của dân tộc Israel. Hiện nay, một số học giả Kinh Thánh cho rằng có bốn nhóm khác nhau đã viết kinh Torah chứ không phải một mình Môsê. Họ cho rằng các nguồn Yahwist, Elohimist, Deuteronomist, Priestly (JEDP) đã thực sự ghi lại một số phần trong năm cuốn đầu của Kinh Thánh; sau đó một vài người đã hiệu đính thành một tổng thể. Mỗi nguồn xuất phát từ một nhóm học giả Do Thái khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Nguồn Yahwist lấy tên từ cụm từ Yahweh (tên cực thánh của Thiên Chúa) vốn được sử dụng trong những thủ bản của nguồn này. Nguồn Elohimist sử dụng từ Elohim (một từ chung dành cho Thiên Chúa) thay cho tên cực thánh. Nguồn Deuteronomist được xem là nguồn đã ghi lại phần lớn sách Đệ Nhị Luật. Nguồn Priestly ghi lại phần lớn sách Lêvi, sách liên quan tới việc thực hành lễ nghi của bậc tư tế. Giả định về các nguồn tài liệu này không được tất cả các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đồng tình. Phần lớn các học giả tin rằng Môsê đã viết, hay ít nhất là hiệu đính, một số bản văn, nếu không phải là tất cả, và đã kết hợp thành năm cuốn sách như ngày nay.

            Kinh Torah (Luật) được viết vào khoảng năm 1250 TCN, nhưng Ne’vi-im (sách các Ngôn sứ) được viết khoảng năm 1200 – 500 TCN; và Ke’tuvim (các sách Giáo huấn) được viết khoảng năm 500-100 TCN). Ba mươi chín cuốn sách Cựu Ước này được viết bằng tiếng Do Thái, trong khi bảy cuốn sau [có dấu sao] được viết bằng tiếng Hy Lạp. Sau đây là cách phân chia ba phần của Cựu Ước:


Torah (sách Luật)

Sách Sáng thế

Sách Xuất hành

Sách Lêvi

Sách Dân số

Sách Đệ Nhị Luật

Ne’vi-im (các Ngôn sứ)

Sách Giôsuê

Sách Thủ lãnh

Sách Samuen quyển 1

Sách Samuen quyển 2

Sách các Vua quyển 1

Sách các Vua quyển 2

Sách Isaia

Sách Giêrêmia

Sách Barúc*

Sách Êdêkien

Sách Hôsê

Sách Giôen

Sách Amốt

Sách Ôvađia

Sách Giôna

Sách Mikha

Sách Nakhum

Sách Khabacúc

Sách Xôphônia

Sách Khácgai

Sách Dacaria

Sách Malakhi

Ke’tuvim (các sách Giáo huấn)

Sách Thánh vịnh

Sách Châm ngôn

Sách Khôn ngoan*

Sách Gióp

Sách Diễm ca

Sách Rút

Sách Ai ca

Giảng viên

Sách Étte

Sách Đanien

Sách Étra

Nơkhemia

Sách Sử biên niên quyển 1

Sách Sử biên niên quyển 2

Sách Tôbia*

Sách Giuđitha*

Huấn ca*

Sách Maccabê quyển 1*

Sách Maccabê quyển 2*

 

[* Công giáo xếp những cuốn sách này trong đệ nhị thư quy; còn Tin Lành gọi là Apocrypha- nghĩa là những sách“huyền bí”- ND]

Tân Ước được viết vào khoảng năm 49-100. Thánh Matthêu (năm 49), Maccô (năm 54), Luca (năm 60), Gioan (năm 99) viết bốn sách Tin Mừng. Các sách Tin Mừng được xếp trước (năm 48-64) các thư mục vụ của Thánh Phaolô, Giacôbê, Phêrô, Gioan, và Giuđa. Thánh Luca cũng viết sách Công vụ Tông đồ và Thánh Gioan viết sách Khải huyền.

Các sách Tin Mừng

Tin mừng theo thánh Mat-thêu

Tin mừng theo thánh Maccô

Tin mừng theo thánh Luca

Tin mừng theo thánh Gioan

Sách Công vụ Tông đồ

Các thư mục vụ

 

Thư gửi tín hữu Rôma

Thư 1 gửi tín hữu Côrintô

Thư 2 gửi tín hữu Côrintô

Thư gửi tín hữu Galát

Thư gửi tín hữu Êphêxô

Thư gửi tín hữu Philípphê

Thư gửi tín hữu Côlôsê

Thư 1 gửi tín hữu Thêxalônica

Thư 2 gửi tín hữu Thêxalônica

Thư 1 gửi ông Timôthê

Thư 2 gửi ông Timôthê

Thư gửi ông Titô

Thư gửi ông Philêmon

Thư Do Thái

Thư của thánh Giacôbê

Thư 1 của thánh Phêrô

Thư 2 của thánh Phêrô

Thư 1 của thánh Gioan

Thư 2 của thánh Gioan

Thư 3 của thánh Gioan

Thư của thánh Giuđa

Sách Khải huyền

 

Trên đây là các niên biểu quan trọng liên quan tới việc biên soạn toàn bộ Kinh Thánh thành một quyển duy nhất với 73 cuốn sách khác nhau (xem thêm câu số 18). Từ ngữ “quy điển” có nghĩa là một danh sách đã được chuẩn nhận, và từ này xuất phát từ cụm từ Hy Lạp “kanon” có nghĩa là cây sậy. Những cây sậy thường được sử dụng để đo độ sâu của mực nước, do đó từ “kanon” trong tiếng Hy Lạp mang nghĩa một cái thước đo lường, hay một danh mục các sách đã được chuẩn nhận.

Năm 1250 TCN: niên đại sớm nhất đối với những bản viết của Luật (Torah) hay Ngũ thư.

Năm 250-150 TCN: bản dịch của tất cả các bản viết tay bằng tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp (bản LXX) do 70 học giả thực hiện (theo yêu cầu của Vua Hy Lạp là Ptolemy II Philadelphus); Quy điển Alexandria được thiết lập; 46 cuốn thuộc Cựu Ước.

Năm 100: Hội đồng Do Thái họp tại Jamnia thiết lập Quy điển Palestin [quy điển này chỉ công nhận những cuốn sách được viết bằng tiếng Do Thái]: 39 cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái (tương đương với Cựu Ước của Kitô giáo).

Năm 400: Thánh Giêrônimô dịch và biên soạn quyển Kinh Thánh đầy đủ đầu tiên bằng tiếng Latin, tổng cộng 73 cuốn, dựa trên bản LXX (Septuagint).

Năm 1455: Gutenberg phát minh ra máy in với kiểu di động. Bản đầu tiên của Kinh Thánh đầy đủ được in, bản Latin Vulgata.

Năm 1536: Martin Luther dịch Kinh Thánh từ tiếng Latin sang tiếng Đức và nhìn nhận Quy điển ngắn hơn nhưng mới hơn (Quy điển Do Thái) của Cựu Ước (39 cuốn).

Năm 1609: Douay-Rheims, bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Kinh Thánh Công Giáo.

Năm 1611: phiên bản vua James (được phép) in thêm phần Apocrypha (Đệ nhị quy điển).

Năm 1885: phiên bản vua James chính thức bỏ Apocrypha; bản sửa đổi được viết lại.

Năm 1946 AD: Phiên bản Chuẩn sửa đổi (Revised Standard Version – RSV)

Năm 1966 AD: Kinh Thánh Giêrusalem (Công giáo)

Năm 1970 AD: Kinh Thánh Mỹ châu phiên bản mới (Công giáo) (NAB).

Năm 1973 AD: Phiên bản quốc tế mới (NIV)

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Source: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc.), 27-32.