- Sự đóng góp chính của al-Kindi cho Triết học là gì?
Abu Yusuf al-Kindi (800-850), tiếng Latin là Alkindus, vừa có một di sản đáng khâm phục lại vừa có một vị trí quan trọng trong caliphate (những nhà lãnh đạo đại diện cho toàn thể người Hồi giáo, đứng đầu là Caliph). Ông đã đẩy mạnh việc giới thiệu triết học Tây phương vào thế giới Ả-rập, tập trung vào Plato và Aristotle. Khác với những người kế nghiệp, ông tin rằng có một sự tương đồng lớn giữa những bản văn siêu hình học của những Triết gia Hy lạp cổ và các phần trong cuốn Qu’ran. Công trình của ông gần chủ nghĩa Tân-Plato hơn là những người theo chủ nghĩa Aristotle, và truyền thống mà ông đã bắt đầu tương phản với Matta Ybn Yanus (mất năm 940), người đã sáng lập ra một ngôi trường theo chủ nghĩa Aristotle ở Baghdad.
- Avicenna là ai?
Avicenna (980-1037) là một thầy thuốc người Ba Tư, đồng thời là người dẫn giải về Aristotle. Ông sinh trưởng gần Bukhara nơi mà sau này là thủ đô của triều đại Samanid (nay là Uzbekistan). Ông đã thành thạo về Qu’ran và ngữ pháp, văn chương Ả-rập khi mới 10 tuổi. Năm 16 tuổi, ông đã thông tường sâu sắc về khoa học tự nhiên, siêu-vật lý và các lý thuyết về thuốc. Ông cũng trị bệnh giúp cho hoàng tử Nuh Ibn Mansur (976-997) của Samanid. Ân thưởng cho điều này là ông được phép đi vào thư viện của hoàng tử.
Avicenna trở thành một chuyên viên về những bản văn của Aristotle. Ông đã viết những bài chú giải tổng quát và cũng viết ra nhiều luận thuyết của riêng mình về khoa học, tôn giáo và triết học. Bộ bách khoa về thuốc của ông là Al-Shifa (Việc chữa bệnh) được viết dựa trên tác phẩm của Aristotle. Tác phẩm Al Qanun fi Tibb (Quy điển về thuốc) được viết khi ông 21 tuổi, đã trở nên nổi tiếng rộng khắp vùng Trung đông và Âu châu. Trong vai trò là người lý giải về Aristotle, ông nổi tiếng về việc tuyên bố rằng phổ quát tính trong những ý tưởng của chúng ta là một sản phẩm của tâm trí.
Tuy vậy, ông không phải là một người hoàn toàn theo chủ nghĩa Duy danh về tính phổ quát, vì ông cho rằng có sự khác và giống nhau giữa những sự vật trong cùng một loại, vốn tồn tại độc lập với tư tưởng. Sản phẩm của tư tưởng là những phẩm chất mang tính bản chất của những sự vật. Học thuyết này được biết đến như là intelletus in formis agit universalitatem tương ứng với khẳng định của Aristotle rằng hiểu biết khoa học hệ ở những chân lý về những bản chất (forms) hay yếu tính (essences). Dẫu vậy, mặc dù giải thích của Avicenna về Aristotle xem ra là chắc chắn và không phải nguyên bản, nhưng khẳng định của ông rằng nó có thể được hòa hợp với Hồi giáo lại sớm vấp phải chống đối của al-Gazali (1058-1111); vào thế hệ sau, nó được duyệt lại triệt để, cùng với những phản đối của al-Gazali bởi Averroes (khoảng 1126-1198).
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 66 – 67 .