Chủ đề của chương này:

  • Thân xác luôn tươi đẹp sau cái chết
  • Tỏ lộ những ân huệ của Thiên Chúa

Chỉ có một số ít các thánh được ban cho hiện tượng lạ: “nhục thân bất hoại”, nghĩa là thân xác của họ không bị rữa nát hoặc phân hủy như các thân xác bình thường sau khi chết. Mặc dù xác họ không được ướp hoặc được bảo quản, nhưng chúng vẫn còn nguyên vẹn. Trong chương này, chúng tôi giới thiệu một số các thánh, chia sẻ về cuộc sống và trải nghiệm của các ngài cũng như những tình huống khi thi hài của các ngài được khai quật và kiểm nghiệm.

Image result for Bernadette Soubirous

Thánh Bernadette Soubirous

  • Lourdes, Pháp (1844–1879)
  • Chân phước: 1925
  • Hiển thánh: 1933
  • Quan thầy: những ai đau khổ vì đói nghèo
  • Ngày lễ kính: 16 tháng 4

Đức Mẹ đồng trinh Maria đã 18 lần viếng thăm một cô gái nghèo và thất học ở Pháp trong thời gian mà đạo Công giáo bị xem là đáng ngờ vực. Được sinh ra trong một gia đình làm ăn phát đạt với nghề xay lúa mì, nhưng số phận của Bernadette Soubirous đã bị thay đổi lúc tuổi còn thơ. Cha mẹ cô bị rơi vào cảnh túng quẫn khi cô mới 13 tuổi và cuối cùng gia đình họ phải đến trú ngụ trong một căn nhà chỉ có một phòng duy nhất, nơi từng là nhà tù của thị trấn nhưng không còn phù hợp để cho tù nhân ở nữa.

Bởi vì sự ít học của mình, Bernadette đã không được Rước Lễ lần đầu ở độ tuổi thích hợp và khi được chuẩn bị Rước Lễ lần đầu thì cô đã lớn hơn những trẻ em trong lớp. Cô thường bị chế nhạo vì thiếu kiến thức và thiếu hiểu biết về mọi lĩnh vực. Lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra với Bernadette khi cô đi lượm củi với các chị em của mình. Sau nhiều lần thị kiến Đức Mẹ, Bernadette vẫn không biết người phụ nữ đã hiện ra với cô là ai, cho đến khi cô thấy hàng chữ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” trên tấm khăn màu xanh choàng qua bộ áo trắng của Đức Mẹ, một thuật ngữ thật tối nghĩa đối với một cô gái ít hiểu biết, sống trong một ngôi làng ở Pyrenees xa xôi.

Vào thời điểm này ở Pháp vẫn còn một tàn quân chống Công Giáo của Cách mạng Pháp. Những cuộc rước sách, cầu nguyện, và nhất là những nơi có các thị kiến không được chấp nhận bởi nhà chức trách phi tôn giáo này. Trong nhiều năm, Bernadette đã trải qua những cuộc khảo sát, kiểm tra và theo dõi từ các nhà lãnh đạo, cả bên chính phủ lẫn Giáo Hội. Cuối cùng, những người có trách nhiệm đã xác nhận rằng những cuộc thị kiến của cô là có thật.

Bernadette gia nhập Dòng Notre Dame ở Nevers, cùng một Dòng của các nữ tu đang hoạt động trong giáo xứ của cô. Bernadette qua đời vì các biến chứng do bệnh hen mãn tính và bệnh lao xương, một căn bệnh kinh khủng.

Bernadette được chôn tại nhà nguyện của Nhà Mẹ Hội Dòng ở Nevers vào ngày 16 tháng 4 năm 1879. Thi hài của Sơ được khai quật lần đầu tiên vào năm 1909 trước mặt các bác sĩ, đại diện cho việc phong thánh của Sơ, và các chị em trong Dòng. Sau khi khai quật, họ không tìm thấy sự hủy hoại nào trên cơ thể của Bernadette; chỉ có quần áo, gỗ xung quanh quan tài, và chuỗi hạt Sơ cầm ở tay bị mục và rỉ sét. Quan tài được mở ra lần nữa vào năm 1919, và thân xác của vị thánh tương lai được tìm thấy trong cùng một điều kiện như nó đã được tìm thấy vào năm 1909. Ngày nay, bạn có thể ghé thăm Nhà Mẹ của Dòng Notre Dame tại Nevers và tôn kính thánh nhân được đặt trong một cỗ hòm bằng kính xinh đẹp trong nhà nguyện.

Related image

Thánh Catherine Laboure

  • Fain-les-Moutiers, France (1806–1876)
  • Chân phước: 1933
  • Hiển thánh: 1947
  • Ngày lễ kính: 25 tháng 11

Zoe Laboure là con gái của một nông dân người Pháp, mẹ cô bé đã chết khi cô mới lên 8. Zoe gia nhập tu hội Nữ Tử Bác Ái tại đường phố Du Bac ở Paris vào ngày lễ mừng di tích của Thánh Vinh-Sơn Phaolô được chuyển đến nhà nguyện của tu viện. (Bạn có thể đọc thêm trong phần nói về thánh nhân trong chương này, Thánh Vinh-Sơn Phaolô đã có ảnh hưởng trên Sơ Louise de Marillac khi thành lập tu hội Nữ Tử Bác Ái). Khi gia nhập tu hội Nữ Tử Bác Ái, Zoe lấy tên là Catherine.

Chiều cùng ngày gia nhập tu hội, Catherine bắt đầu nhận được thị kiến. Việc đầu tiên là Chúa mời gọi cô đến nhà nguyện; rồi Đức Trinh Nữ Maria xuất hiện. Đức Mẹ giao cho Catherine một nhiệm vụ khá khó khăn đối với một thỉnh sinh trẻ, đặc biệt vào thời kỳ mà nước Pháp và Giáo Hội Công Giáo Pháp đang phục hồi sau những tàn phá của Cách mạng Pháp và không hề có một ấn tượng gì với việc một nữ tu nhận được phép lạ thăm viếng từ trời.

Đức Trinh Nữ chỉ thị cho Catherine làm một mẫu ảnh với hình Mẹ đang đạp một con rắn với những lời: “Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là những người con luôn trông cậy vào Mẹ.” Ở mặt sau của mẫu ảnh, hai trái tim tượng trưng cho Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Những người mang mẫu ảnh này với lòng sùng kính sẽ nhận được ân sủng lớn lao từ Thiên Chúa.

Một ngàn năm trăm mẫu ảnh đã được làm vào năm 1832; đến năm 1834, hơn 130.000 mẫu ảnh đã được làm. Với sự khiêm tốn, Sơ Catherine không muốn tên của mình được viết vào mẫu ảnh hay trên những thông tin về phép lạ. Sau khi mẫu ảnh đầu tiên được trình bày, Catherine trở lại cuộc sống bình thường trong tu viện, ẩn mình trong bóng tối; chỉ có cha giải tội của Sơ và Mẹ bề trên biết về những thị kiến của Catherine. Mãi cho đến tám tháng trước khi Catherine qua đời, dưới sự hướng dẫn cụ thể của Mẹ Bề Trên, các sự kiện liên quan đến mẫu ảnh và những thông tin về phép lạ mới được tiết lộ cho hậu thế.

Catherine qua đời vào năm 1876 và được chôn trong hầm mộ của nhà nguyện. Vào năm 1933, Rôma công bố lễ tuyên phong chân phước cho Sơ, và theo thói quen, quan tài của Catherine đã được khai quật. Khi khai quật, lớp gỗ bên ngoài của chiếc hòm đã bị mục, lớp thứ hai làm bằng chì vẫn còn nguyên vẹn, lớp thứ ba, bằng gỗ bị vỡ vụn khi được mở ra, nhưng thân xác của vị thánh tương lai vẫn trong tình trạng tốt và còn nguyên vẹn. Thi hài của Catherine được chuyển đến nhà nguyện của Nhà Mẹ Hội Dòng trên đường du Bac, nơi Catherine bắt đầu đời tu của mình.

Trong nhà nguyện này, khách hành hương có thể nhìn thấy Thánh Catherine Laboure trong tu phục màu xanh với vương miện trắng tại bàn thờ phụ. Bên cạnh bàn thờ là chiếc ghế màu xanh nơi Đức Trinh Nữ Maria ngồi khi hiện ra với Catherine.

Image result for Charbel Makhlouf

Thánh Charbel Makhlouf

  • Bika’Kafra, Lebanon (1828–1898)
  • Chân phước: 1965
  • Hiển thánh: 1977
  • Quan thầy: Những người Công Giáo Lebanese
  • Ngày lễ kính: 5 tháng 9

Sau khi chịu chức linh mục lúc 31 tuổi, Cha Charbel gia nhập một đan viện với luật lệ rất nghiêm ngặt và sống trong sự cô tịch như một ẩn sĩ. Các ẩn sĩ khấn giữ thinh lặng và sống một mình trong những căn nhà nhỏ được gọi là cốc. Họ thường đến với nhau để làm việc, ăn uống, và cầu nguyện, nhưng sống một mình trong nỗ lực củng cố mối quan hệ của họ với Thiên Chúa.

Trong suốt thời gian sống trong sự cô tịch, Cha Charbel đã làm những việc hãm mình đền tội qúa mức trong việc ăn chay và mặc một chiếc áo có lông nhặm nhằm hành hạ thân xác của mình nhiều hơn, và thậm chí để làm cho Cha tự do hơn để yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Danh tiếng về sự thánh thiện của cha được mau chóng loan truyền, và người ta bắt đầu tìm đến với Cha ra để xin cầu nguyện và phúc lành.

Năm 1898, Cha Charbel Charbel bị đột quỵ gây tử vong. Tình yêu lớn lao của Cha đối với Thánh Thể thật rõ ràng vì Mình Thánh Chúa phải được gỡ ra khỏi bàn tay của cha sau cơn đột quỵ. Cha được chôn cất trong nghĩa trang của tu viện, không được ướp. Thậm chí cha còn không được đặt trong quan tài bởi vì theo thông lệ, người nghèo chôn người chết của họ trực tiếp vào lòng đất. Khi Cha Charbel được chôn, một tia sáng chiếu ra từ ngôi mộ của cha trong hơn 45 ngày. Điều kỳ diệu này đòi hỏi thi hài của cha phải được khai quật và kiểm tra. Mặc dù trời mưa nhiều và không được ướp thuốc thơm hoặc đặt trong hòm bịt ​​kín, thi thể cha vẫn ở trong tình trạng tuyệt vời. Hơn thế nữa, có dầu tựa như máu từ các lỗ chân lông của cha chảy ra rất nhiều đến nỗi các đan sĩ đã phải thay tu phục cho Cha Charbel hai lần một tuần.

Năm 1927, thi hài của cha Charbel được kiểm tra lại và nó vẫn còn trong tình trạng tuyệt vời. Sau đó thi hài được đặt lại trong mộ cho đến năm 1950, khi dầu phun ra từ vết nứt của ngôi mộ. Một lần nữa, thi hài của cha lại được kiểm nghiệm, và nó vẫn ở trong tình trạng hoàn hảo, có thể uốn được và đang rỉ ra chất dầu này. Cha Charbel được phong chân phước năm 1965 và tôn vinh lên bậc hiển thánh năm 1977. Vào thời điểm phong chân phước, thi thể của cha bắt đầu xấu đi. Ngày nay, chỉ có xương của thánh nhân vẫn còn; người ta mặc cho ngài bộ áo lễ, tay và mặt của ngài được đắp bằng sáp. Thi thể của ngài được đặt trong đan viện thánh Maron ở Ananaya, Lebanon.

Related image

Thánh Phanxicô Salê

  • Pháp (1567–1622)
  • Chân phước: 1662
  • Hiển thánh: 1665
  • Quan thầy: Các phóng viên và nhà văn
  • Ngày lễ kính: 24 tháng 1

Bất chấp sự phản đối của cha mình, Phanxicô Salê theo đuổi đời sống tu trì rất sớm. Sau khi thụ phong linh mục, ngài phục vụ như một nhà truyền giáo tại vùng Lake Geneva, một khu vực thuộc nhóm Tin Lành Calvinist. Sử dụng những cuốn sách mỏng giải thích đức tin Công Giáo, Cha Phanxicô đã dạy lại giáo lý cho vùng Chablis.

Sau khi Đức Giám Mục của Genève qua đời, Cha Phanxicô được đặt làm người kế nhiệm. Ngài tiếp tục công việc tái giáo dục đức tin Công Giáo cho dân chúng và Ngài đã viết cuốn The Introduction to the Devout Life, một cuốn sách hướng dẫn thực hành cho người Công Giáo để giúp họ từ bỏ những thói quen tội lỗi cũ và đưa họ đến việc kết hợp gần gũi hơn với Thiên Chúa. Sách này vẫn còn được sử dụng trong việc hướng dẫn tâm linh và được đọc bởi những người muốn tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.

Rồi cùng với Nữ tu Jane Frances de Chantal (xin xem phần kế tiếp), cha Phanxicô thành lập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng. Ngài cũng thành lập một Dòng cho nam giới với tên gọi là Dòng Oblates Thánh Phanxicô Salê, dành cho những người muốn hiến thân để giảng tĩnh tâm trong các xứ truyền giáo, làm việc trong các trường cao đẳng và tại các giáo xứ.

Công việc của cha có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều người khác, cả nam lẫn nữ, trong các thế kỷ tiếp sau đó, bao gồm cả thánh Gioan Bosco, người sáng lập một dòng tu dành cho việc giáo dục các em trai nghèo. Cộng đoàn này, các tu sĩ Salesians, sống theo linh đạo của thánh Phanxicô Salê.

Phanxicô Salê được phong thánh năm 1665 và được tuyên dương là Tiến Sĩ của Giáo Hội năm 1877 (xin xem chương 13 để biết thêm chi tiết về điều này). Thi hài của thánh nhân được đặt trong tu viện Thăm Viếng ở Annecy bên cạnh thánh Jane Frances de Chantal. Khi được khai quật vào năm 1632, thi thể của ngài được tìm thấy trong tình trạng hoàn hảo, nhưng trong những năm tiếp theo thì chỉ còn có bộ xương. Ngày nay, Thánh Phanxicô Salê được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Thăm Viếng ở Annecy, nơi bộ xương của ngài được mặc bộ áo của giám mục và mặt ngài được đắp bởi một mặt nạ bằng sáp.

Related image

Thánh Jane Frances de Chantal

  • Dijon and Moulins, France (1572–1641)
  • Chân phước: 1751
  • Hiển thánh: 1767
  • Quan thầy: những người bị bỏ rơi và những người những người có vấn đề với luật pháp
  • Ngày lễ kính: 12 tháng 8

Không giống như nhiều vị thánh khác, Jane Frances đã không sống đời tu trì ngay lúc còn trẻ. Mẹ cô qua đời khi cô còn rất bé, để lại cho người cha việc nuôi dạy cô. Jane kết hôn với Baron de Chantal, và trong chín năm cô sống một cuộc đời bình an và đạo hạnh như một người vợ hiền và người mẹ gương mẫu của bốn đứa con. Một tai nạn săn bắn kết liễu cuộc sống của người chồng, làm cho Jane Frances bị chìm sâu vào trầm cảm.

Với sự thúc giục khích lệ của cha cô, Jane đã cống hiến cả cuộc đời cho con cái mình cũng như cho những người nghèo khổ và bệnh tật trong vùng. Cô cũng phục vụ những người đang hấp hối, khuyên giải và an ủi họ. Cô không ngừng thực hành các việc bác ái, phạt xác hãm mình, và cầu nguyện. Sau một khóa tĩnh tâm mùa chay và nghe cha Phanxicô Salê thuyết giảng (xin xem phần trước), Jane muốn gia nhập Dòng kín Carmelite. Cha Phanxicô đã trở thành cha linh hướng của Jane, điều chỉnh những việc hãm mình và những việc tôn sùng của cô, đồng thời chia sẻ với Jane tầm nhìn về một cộng đoàn tu mới, đó là dòng Đức Mẹ Thăm Viếng. Jane tỏ ra rất quan tâm đến việc giúp đỡ cha Phanxicô thành lập cộng đoàn tu mới này.

Jane đã vượt qua nhiều trở ngại để nhìn thấy giấc mơ trở thành hiện thực. Cô để lại đứa con trai cho người cha và đưa ba cô con gái đến tu viện. Trong một năm, một cô con gái qua đời; hai người kia kết hôn. Rồi những cái chết của người cha, của con trai, con rể, và nhiều chị em trong Dòng bởi bệnh dịch đã gia tăng nỗi đau của Jane. Năm 1641, Jane qua đời ở tuổi 69 trong tình trạng tràn đầy ân sủng và được chôn cất gần Thánh Phanxicô Salê ở Annecy, Pháp.

Năm 1722, ngôi mộ của Jane được khai quật, ngoại trừ một số vết mốc trên bộ tu phục, thi thể của Jane hoàn toàn còn nguyên vẹn. Trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1793, các thánh tích của Thánh Phanxicô Salê và Thánh Jane Frances de Chantal đã được chuyển đi bằng thuyền trong đêm tối để được bảo vệ cho đến khi được mang về lại nhà thờ vào năm 1806. Trong khi được mang trở về, các di tích bị hư hỏng nhiều, và chỉ có xương là còn nguyên vẹn. Jane được phong thánh vào năm 1767 và các di tích của ngài được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Thăm Viếng. Xương của ngài được mặc bộ tu phục của hội dòng và mặt ngài được đắp bởi một mặt nạ bằng sáp.

Related image

Thánh Gioan Marie Vianney

  • Dardilly and Ars, France (1786–1859)
  • Chân phước: 1905
  • Hiển thánh: 1925
  • Quan thầy: Các Cha xứ
  • Ngày lễ kính: 4 tháng 8

Gioan Marie Vianney sinh ra ở miền Nam nước Pháp ngay trước Cách mạng Pháp. Một giáo hội quốc gia đã được lập nên sau cuộc Cách mạng, và kết qủa là các linh mục hay những người đạo đức trung thành với Giáo hội Công giáo La Mã đã bị cấm phục vụ và bị tử đạo.

Vào thời Gioan Vianney muốn đi tu làm linh mục, các chủng viện và hầu hết các tổ chức Công Giáo đã bị đóng cửa. Sau khi hệ thống phẩm trật của Giáo Hội được khôi phục, việc giảng dạy các ứng sinh cho chức linh mục được dành cho các cha xứ và sau đó cho các giám mục của các giáo phận. Việc giáo dục các ứng sinh rất lẻ tẻ và thiếu chuẩn bị điển hình trong các chủng viện lớn và các cơ sở giáo dục đại học.

Gioan được giáo dục niềm tin của mình trong những hoàn cảnh này. Điều đó, và với việc cậu là một học trò kém cỏi, tạo ra sự nghi ngờ rằng cậu sẽ chẳng bao giờ được chịu chức linh mục. Tuy nhiên, các giáo hội địa phương và các giáo xứ bị khan hiếm linh mục, và các giám mục cảm thấy khẩn cấp để truyền chức, ngay cả khi các linh mục mới không được trang bị kiến thức đầy đủ. Gioan Vianney được thụ phong linh mục năm 1818. Ngài bắt đầu sứ vụ dưới sự hướng dẫn của một linh mục rất thánh thiện, và khi vị linh mục này qua đời, cha Vianney trở thành cha xứ của một giáo xứ nhỏ bị bỏ hoang ở Ars, Pháp.

Ngôi làng ở một nơi rất hẻo lánh và Công Giáo chỉ còn là một cái tên, cho thấy hậu quả thê thảm của cuộc Cách mạng Pháp. Ngôi nhà thờ và nhà xứ bị hư hỏng nặng nề, người ta chẳng tham dự thánh lễ nữa. Đàn ông trong làng thường bỏ bê gia đình, đến quán bar và nhà thổ. Trẻ em không được giáo dục đức tin một cách đúng đắn. Cha Vianney chấp nhận một cuộc thử thách và, từng chút một, bắt đầu biến đổi những điều ở Ars. Cha sửa chữa, dọn dẹp, và phục hồi ngôi nhà thờ. Cha bắt đầu các lớp giáo lý dành cho trẻ em và viết một cuốn sách giáo lý đơn giản để cho trẻ em dễ nắm bắt.

Cùng với một người bảo trợ giàu có trong làng, Cha Vianney thậm chí còn mở một trường học cho các em gái. Cha đến các quán bar trong làng kéo các ông chồng trở về với gia đình của họ, giảng các bài giảng thật tuyệt nhưng lại rất gần gũi với đời thường, và thực hiện các nhiệm vụ của giáo xứ—một loại tĩnh tâm mà kết quả là rất nhiều người tìm đến xin xưng tội.

Tất cả các nỗ lực để khôi phục lại cộng đồng Giáo Hội đưa đến một giá rất đắt cho cha Gioan Vianney. Linh mục ở các thị trấn xung quanh nhanh chóng ghen tị và có ác tâm với cha. Cha đã bị ma quỷ tấn công khi cha cố gắng dỗ giấc ngủ. Sức khoẻ của cha xấu đi do những việc hãm mình đền tội quá mức và do việc không ăn uống đầy đủ. Tuy nhiên, những người từ Ars và vùng xung quanh đã tìm đến cha xứ làng Ars để xin xưng tội và xin hướng dẫn tâm linh. Theo thói quen, Cha Vianney ngồi tòa giải tội từ tám đến mười tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Ngày 4 tháng 8 năm 1859, Cha Gioan Vianney qua đời sau khi nhận Bí Tích xức dầu bệnh nhân, thường được gọi là những nghi thức cuối cùng. Năm 1904, xác ngài được khai quật. Mặc dù hơi khô và đen, thi thể cha vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được phong chân phước, Gioan Vianney đã được đặt trong hòm đựng thánh tích bằng vàng trong một đền thờ mới được xây dựng. Ngày nay, thi thể của ngài được đặt trong một cái hòm kính trên bàn thờ cao trong một vương cung thánh đường mới xây gần ngôi nhà thờ cũ ở Ars.

Related image

Thánh Josaphat

  • Volodymyr, Poland (Lithuania) (1580–1623)
  • Chân phước: 1643
  • Hiển thánh: 1867
  • Quan thầy: Ukraine
  • Ngày lễ kính: 12 tháng 11

Josaphat gia nhập vào đời sống tu trì tại thời điểm có những xung đột trong Giáo Hội. Cậu được rửa tội trong Giáo Hội Chính Thống Ruthenian, nhưng nhánh này của Giáo Hội Chính Thống sau đó đã hiệp nhất lại với Rôma. Việc hiệp nhất này là một cớ gây thù hằn và châm biếm trong giữa anh em Chính Thống, những người vẫn gọi các nhóm đã hiệp nhất với Rôma là Uniates.

Chính trong môi trường này mà Josaphat trẻ tuổi đã bước vào Dòng nam Basilian. Ngài đã sớm được thụ phong giám mục và sau đó là tổng giám mục. Bất chấp những nguy hiểm, ngài nỗ lực và ủng hộ cho việc hiệp nhất giữa Giáo Hội Chính Thống và Rôma, và những việc này đã gây cho ngài những cuộc xung đột chính trị và cá nhân.

Josaphat đã bị giết và bị ném xuống một dòng sông, và khi các tín hữu trung thành tìm thấy xác của ngài một tuần sau đó, nó vẫn còn trong tình trạng tốt. Nó không có một dấu gì của sự phân hủy sau một tuần bị ngâm trong nước. Hai mươi bảy năm sau khi ngài qua đời, trong khi thi thể ngài được sửa soạn để đặt vào hòm đựng thánh tích, máu tươi đã chảy ra từ vết thương đã chết của vị thánh.

Do nhiều cuộc chiến trong khu vực, thi hài của ngài được di chuyển đến vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma và ngày nay người ta có thể kính viếng ngài tại đó. Với thời gian và với nhiều lần di chuyển, thi thể của Josaphat đã bị một ít hủy hoại trên khuôn mặt nhưng các phần khác vẫn còn trong tình trạng tốt. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phong thánh cho Josaphat vào năm 1867 và, vì sự thu phục thành công của ngài đối với Giáo Hội Chính Thống, ngài được ban cho danh hiệu “vị Tông Đồ của hiệp nhất”.

Related image

Thánh Lucy Filippini

  • Corneto-Tarquinia, Italy (1672–1732)
  • Chân phước: 1926
  • Hiển thánh: 1930
  • Quan thầy: các giáo viên
  • Ngày lễ kính: 25 tháng 3

Lucy Filippini đã cống hiến cuộc đời mình cho việc giáo dục các cô gái nghèo, và đã thành lập một cộng đoàn các nữ tu để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc này vào thế kỷ 17. Nhận ra sự đạo hạnh của Lucy, Đức Hồng y Barbarigo đã đưa cô đến một viện đào tạo giáo viên, nơi cô tỏ ra rất xuất sắc trong học tập, sống đạo và phục vụ. Sau đó cô đã sáng lập Maestre Pie Filippini, hay là Religious Teachers Filippini, một hội dòng giúp mở rộng cộng đồng giáo hoàng và thành lập trường học cho các cô gái.

Đức Giáo Hoàng Clement XI triệu tập Sơ Lucy Filippini và các chị em của Sơ đến để mở một trường học tại Rome. Số học sinh vượt quá nơi chốn sẵn có, và cộng đoàn mau chóng mở rộng khắp Italy, cung cấp giáo dục cho các trẻ em gái nghèo vào thời điểm khi mà giáo dục không bị bắt buộc.

Nữ tu Lucy Filippini qua đời vào năm 1732. Thi hài của Sơ được khai quật vào năm 1926 và được tìm thấy gần như không bị hư hại, chỉ có đôi vết bị phân hủy trên khuôn mặt. Thi thể của Sơ được đặt dưới Baroque Domo của Thánh Margaret ở Montefiascone, trong một nhà nguyện được chạm khắc từ một nhà thờ trước đó. Nằm đối diện với thánh Lucy Filippini là thi hài của Đức Hồng y Barbarigo.

Năm 1910, đáp ứng nhu cầu của những người Ý nhập cư đến Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Pius X đã gửi năm nữ tu đến Mỹ để cung cấp giáo viên của Maestre Pie Filippini cho các trường tại địa phương. Năm 2010, cộng đoàn mừng 100 năm tại Mỹ. Tỉnh Dòng của Religious Teachers Filippini tọa lạc tại Morristown, New Jersey, và họ vẫn sống cùng một đặc sủng như Thánh Lucy. Các nữ tu hiện đang hiện diện tại Ý, Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan, Anh, Brazil và Ấn Độ.

Related image

Thánh Mary Magdalene de Pazzi

  • Florence, Italy (1566–1607)
  • Chân phước: 1626
  • Hiển thánh: 1669
  • Quan thầy: Naples, Italy
  • Ngày lễ kính: 25 tháng 5

Nữ tu Mary đã sống một lối sống khổ hạnh, thường không ăn uống gì ngoài bánh mì và nước lã. Sơ bị ma quỷ tấn công rất nhiều về đức trinh khiết và sự tham ăn. Ma quỷ cám dỗ Sơ bằng những ý nghĩ không trong sạch và ngay lập tức Sơ từ chối, và nó cũng cám dỗ Sơ để ăn quá mức, ngay cả khi Sơ không đói. Vào những lúc khác, Sơ đã cảm thấy rất khô khan nguội lạnh trong đời sống cầu nguyện của mình đến nỗi không hề nhận được chút an ủi nào. Mãi cho đến cuối đời Mary Magdalene mới bắt đầu trải nghiệm hiện tượng thiêng liêng của sự ngây ngất và nhiều lần được tìm thấy trong tình trạng gần như là hôn mê.

Là giám sư tập viện và giám đốc của các nữ tu trẻ trong đan viện ở Florence, Sơ Mary Magdalene đã khuyến khích các chị em thực hành việc hãm mình đền tội mà chính Sơ đã áp đặt cho mình, nhưng cũng nhắc nhở họ cố gắng giữ quân bình trong cầu nguyện, làm việc và thư giãn. Sơ thừa nhận rằng không phải mọi người đều được kêu gọi làm những việc hãm mình quá mức như Sơ.

Sơ Mary Magdalene qua đời năm 1607 và được chôn dưới bàn thờ trong nhà nguyện của đan viện. Một năm sau khi qua đời, Sơ đã được khai quật, và thi hài của Sơ vẫn còn nguyên vẹn. Thi thể của Sơ sớm bắt đầu tỏa ra mùi của một loại dầu thơm, một hiện tượng đã tiếp diễn trong 12 năm. Ba cuộc khai quật khác đã xảy ra, lần cuối cùng vào năm 1663; thi thể của Mary Magdalene vẫn mềm mại.

Ngày nay, di tích của vị thánh được đặt trong hòm kính tại nhà nguyện của đan viện để mọi người có thể chiêm ngắm. Sơ được mặc tu phục Carmelite discalced (không có giày). Mặc dù khuôn mặt của Sơ bây giờ đã được đánh phấn, thịt, cơ bắp, xương đầu, bàn chân và bàn tay của Sơ (những phần được trưng bày cho công chúng) vẫn còn nguyên vẹn.

Image result for Philip Neri tomb

Thánh Philip Neri

  • Florence, Italy (1515–1595)
  • Chân phước: 1615
  • Hiển thánh: 1622
  • Quan thầy: Rôma
  • Ngày lễ kính: 26 tháng 5

Là một người trai trẻ được sinh ra và lớn lên trong sự giàu có, nhưng Philip Neri đã từ bỏ tất cả lúc 17 tuổi, khi cậu rời gia đình và chọn phục vụ Thiên Chúa hơn là theo đuổi một nghề trong kinh doanh. Philip đến Rôma và nhận thấy thành phố đang bị suy thoái về cả thể chất lẫn tinh thần. Có nhiều khu nhà ổ chuột, và trẻ em trong thành phố thường chạy nhảy điên cuồng. Đau khổ vì những tác động xấu của thời kỳ Phục Hưng, thành phố Rôma đã chứng kiến ​​sự suy giảm quyền lực của giáo hoàng, suy giảm trong giáo dục và suy giảm trong ý thức về sự trung thành của hàng giáo phẩm. Philip đã cam kết tái rao giảng Tin Mừng cho thành phố.

Philip bắt đầu với đám trẻ. Cậu tổ chức các cuộc hành hương cho trẻ em vào giữa trưa, lúc mà chúng có thể phá phách nhất. Cậu đưa các em đến bảy nhà thờ của thành phố, nói chuyện với chúng trên suốt quãng đường. Cuối cùng, bọn trẻ bắt đầu tin tưởng vào Philip. Việc thực hành các cuộc hành hương đến bảy nhà thờ vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, đặc biệt là vào Thứ Năm Tuần Thánh, với việc viếng thăm bảy repositories. (Repositories là các nhà nguyện nhỏ tạm thời, nơi có một nhà tạm nhỏ hơn được sử dụng để giữ Mình Thánh Chúa từ sau Thánh Lễ Tiệc Ly tối Thứ Năm Tuần Thánh cho đến lễ vọng Phục Sinh đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, vì thế nhà tạm chính trong nhà thờ được để trống).

Philip cũng tiếp cận với các doanh nhân trẻ tuổi, hàng tuần ngài tổ chức những buổi nói chuyện thân tình với họ về thần học và tôn giáo, qua đó dần dần ngài đưa những người đàn ông này đến việc cầu nguyện. Các cuộc hội họp đã được chuyển đến một cơ sở lớn hơn để thích ứng với con số ngày càng tăng của những người tham dự.

Sau khi thụ phong linh mục, Philip vẫn là nhà vô địch của đức tin Công Giáo, và trở thành công cụ giúp cho nhiều người trở lại với các bí tích và với Giáo Hội. Ngài thiết lập một việc tôn sùng gọi là Bốn Mươi Giờ, trong đó các tín hữu đến cầu nguyện và chầu Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ của một nhà thờ, trong vòng 40 tiếng đồng hồ. Sự tôn sùng Thánh Thể này được dựa vào 40 giờ Chúa Giêsu đã ở trong mộ, từ lúc Người chết vào Thứ Sáu Tuần Thánh cho đến khi Người Sống Lại vào Chúa Nhật Phục Sinh. Mỗi năm, một số giáo xứ trong giáo phận được chỉ định theo lịch một thời gian 3 ngày (40 giờ), trong thời gian này Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ để dân chúng tôn thờ. Ngài cũng thành lập một nhóm linh mục, được gọi là Oratorians, chuyên trách về phụng vụ và những cuộc hội họp dành cho giới trẻ.

Philip chết vào năm 1595. Bốn năm sau, thi hài của ngài đã được khai quật và dù ở dưới lòng đất ẩm ướt nhưng nó vẫn ở trong tình trạng tốt. Thi thể ngài được ướp vào năm 1602, lúc được đưa tới nhà thờ Oratorian Church, hoặc Chiesa Nuova, nơi ngài vẫn còn được đặt cho đến hôm nay. Năm 1622, Đức Giáo Hoàng Gregory XV tôn phong Philip Neri lên bậc hiển thánh và trao tặng ngài danh hiệu “Vị Tông Đồ của Rôma”.

Related image

Thánh Rose Lima

  • Lima, Peru (1586–1617)
  • Chân phước: 1667
  • Hiển thánh: 1671
  • Quan thầy: Latin America và Philippines; những người làm vườn
  • Ngày lễ kính: 23 tháng 8

Sau mười năm không được sự đồng ý của cha mẹ về ước muốn sống như một nữ tu dòng kín của mình—cha mẹ cô muốn cô lập gia đình, cuối cùng Rose Lima đã được phép gia nhập Dòng Ba Đaminh.

Dòng Ba Đaminh là một đoàn thể đạo đức được thiết lập cho giáo dân, và nó cho phép Rose tiếp tục sống ở nhà trong khi vẫn tuân theo Luật của Thánh Đa Minh và mặc tu phục. Cuối cùng cô đã chuyển ra một ngôi nhà bên ngoài nhưng cũng nằm trong lãnh thổ của gia đình, nơi cô có thể thực hành các việc đạo đức của mình. Khi gia đình bị rơi vào những khó khăn, Rose đã giúp đỡ họ. Cô không ngừng làm việc bác ái, giúp đỡ những người kém may mắn bằng cách mở một phòng khám nhỏ trong nhà của gia đình để cung cấp các liệu pháp điều trị thiết yếu cho người nghèo.

Từ những ngày khi cô làm biến dạng khuôn mặt bằng cách xát hạt tiêu trên da của mình, hy vọng làm cho những người theo đuổi cô bỏ cuộc, Rose luôn thực hành những việc hành xác trên bản thân mình. Cô tiếp tục làm như vậy trong khi ở trong Dòng, nhưng với sự cho phép của cha giải tội của cô. Ngoài những việc hành xác đền tội, hy sinh và cầu nguyện, Rose còn đội một vòng gai trên lúp của mình. Cuối cùng, bị kiệt sức bởi những việc hành xác đền tội, công việc từ thiện và cầu nguyện lâu giờ, Rose chết vào năm 1617 ở tuổi 31. Cô được Đức Giáo hoàng Clement X tôn lên bậc hiển thánh vào năm 1671, là vị thánh đầu tiên của Thế giới Mới.

Mười tám tháng sau khi qua đời, thi hài của Rose đã được khai quật và được tìm thấy trong tình trạng tuyệt vời. Tuy nhiên, những dấu hiệu hư hoại đã xuất hiện khi thi thể của cô được khai quật một vài thập kỷ sau đó. Ngày nay, các di tích thánh của Rose được trưng bày trong nhà thờ Đa Minh của Santo Domingo và trong một nhà thờ nhỏ được xây tại nơi cô đã sống.

Related image

Thánh Veronica Giuliani

  • Mercatello, Duchy of Urbino, and Citt’di Castello, Italy (1660–1727)
  • Chân phước: 1804
  • Hiển thánh: 1839
  • Ngày lễ kính: 9 tháng 7

Nữ tu Veronica đã phát triển một việc sùng kính hơi thần bí cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô trong những năm mới bước vào đời tu của mình. Sau một vài bất đồng ý kiến với cha mình về việc cô muốn trở thành nữ tu dòng kín hơn là kết hôn, cuối cùng cô đã được phép gia nhập Dòng Nữ Capuchin dựa trên luật cải tổ của Dòng Poor Clare.

Sơ Veronica cảm nghiệm nhiều hiện tượng huyền bí với tư cách là một tu nữ tu dòng kín, đặc biệt là thị kiến Chúa trao chén đắng cho Sơ. Những cuộc hiện ra và sự ghi năm dấu thánh của Chúa Kitô đã dẫn đến một cuộc điều tra chính thức của Đức Giám Mục giáo phận, người đã theo dõi những vết thương của Sơ.

Trong một thời gian, Veronica đã bị cô lập khỏi mọi ảnh hưởng bên ngoài và thậm chí không thể được lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Sự cô lập là một thánh giá nặng nề mà Sơ phải chịu đựng, tuy nhiên vị nữ tu trẻ này đã chịu đựng thử thách với sự kiên nhẫn và vâng phục, cuối cùng Sơ đã được phép trở lại tu viện.

Sơ Veronica đã phục vụ trong 34 năm với tư cách là giám sư tập viện và đã không cho phép các tập sinh trẻ của Sơ thực hành hoặc đọc, bất kỳ hình thức nào, những tác phẩm thần học có tính thần bí và cực đoan. Cuối cùng, Sơ được bầu chọn làm viện mẫu của đan viện; Sơ quan tâm giải quyết những vấn đề bên ngoài của tu viện với cùng một sự nhiệt thành mà Sơ đã dành cho đời sống thiêng liêng của mình, nhờ đó Sơ đã có một cuộc sống tu trì quân bình trong khi vẫn chịu những đau khổ và những dấu thánh riêng của mình.

Sau khi chết, thi hài của Sơ Veronica vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi con sông Tiber bị tràn bờ trong một trận lụt khủng khiếp. Hiện nay xương của thánh nữ được bảo quản bằng một mặt nạ bằng sáp và được mặc bộ tu phục Dòng của Sơ. Trái tim của Sơ được cất giữ riêng biệt và thật kỳ diệu, nó vẫn còn trong tình trạng rất tốt. Phần còn lại của thi thể được giữ tại đan viện Thánh Giuliani (Monastero Santa Veronica Giuliani) tại thành phố Castello, nước Ý.

Related image

Thánh Vinh-Sơn Phaolô

  • Gascony, France (1580–1660)
  • Chân phước: 1729
  • Hiển thánh: 1737
  • Quan thầy: các hội từ thiện
  • Ngày lễ kính: 27 tháng 9

Ngay khi được thụ phong, Vinh-Sơn đã tận hiến cuộc đời mình cho những công việc của lòng thương xót về tinh thần cũng như thể lý, đặc biệt cho những người bệnh tật, nghèo khổ và tù đày tại Pháp. Để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đó, ngài đã thành lập Tu Hội Truyền Giáo, thường được biết đến với tên gọi Vincentians. Các linh mục làm việc giữa những người nghèo trong các nhiệm vụ và đã giúp thành lập các chủng viện để cung cấp việc giáo dục thích hợp cho các giáo sĩ tương lai.

Công việc của Vinh-Sơn đã gợi hứng cho Louise de Marillac, người đồng sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái (còn gọi là Sisters of Charity). Các nữ tu này làm việc trong các bệnh viện và giữa những người cùng cực. Tại Hoa Kỳ, các Nữ Tử Bác ái được biết đến nhờ thánh Elizabeth Ann Seton, người đã thành lập chi nhánh của Tu Hội tại Hoa Kỳ. Nữ Tử Bác Ái là cộng đoàn tu sĩ trên thế giới của phụ nữ được biết đến hôm nay. Nó bao gồm cả các nữ tu Mỹ và Pháp cũng như các nữ tu trên khắp thế giới. Vinh-Sơn qua đời ở tuổi 80 và được chôn cất tại nhà thờ thánh Lazare ở Paris.

Năm 1712, thi thể của ngài đã được khai quật và được tìm thấy trong tình trạng tốt, ngoại trừ một vài chỗ trên mặt bị phân hủy. Tuy nhiên, khi thi thể được khai quật lần nữa, đã có thêm hư hoại vì lũ lụt. Xương của ngài hiện nay được bọc bằng sáp và đặt tại trụ sở chính của tỉnh dòng ở Paris. Trái tim được bảo quản hoàn hảo của ngài được lưu giữ tại Nhà Mẹ của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái trên đường du Bac ở Paris.

Được gợi hứng từ công việc của Vinh-Sơn, vào năm 1832 Frederic Ozanam đã thành lập hội đoàn Thánh Vinh-Sơn Phaolô. Hội đoàn này, bao gồm các giáo dân nam và nữ, lặng lẽ làm những công việc của lòng thương xót về mặt vật chất giữa những người người nghèo đói thiếu thốn tại các giáo xứ.

Related image

Thánh Zita

  • Monte Sagrati and Lucca, Italy (1218–1271)
  • Hiển thánh: 1696
  • Quan thầy: những người giúp việc
  • Ngày lễ kính: 7 tháng 4

Được sinh ra trong một gia đình công giáo đạo hạnh nên Zita là một cô gái ngoan đạo khi còn rất nhỏ. Khi lên 12 tuổi, Zita đến giúp việc nhà cho một thương gia giàu có chuyên buôn bán len ở Lucca, Ý. Cô xem công việc như là một phần trong đời sống cầu nguyện của mình. Cô tham dự Thánh lễ hàng ngày, đọc kinh sáng và kinh tối, và ngủ trên sàn nhà để đền tội.

Lúc ban đầu các đồng nghiệp của Zita đã không hiểu lòng mộ đạo của cô; một số đã ghen tị, một số khác lại cảm thấy tội lỗi vì không thực hành đức tin của họ. Cô đã bị bức hại vì sự đạo đức của mình, bị bức hại đến mức một đồng nghiệp nam đã tấn công cô và cô đã buộc phải tự bảo vệ mình. Những người chủ của cô lúc đầu đã không tin rằng cô là một nạn nhân vô tội và là đối tượng của những ý định ham muốn không đứng đắn. Họ và nhiều đồng nghiệp của cô đã nghĩ đến những điều tồi tệ nhất và cho rằng cô đã muốn dụ dỗ người đàn ông đó. Cô hoàn toàn tinh khiết và trong sạch nhưng từ chối trả lời những cuộc thẩm vấn dâm dật của họ bởi vì họ đã quyết định rằng cô là người có tội. Sự ngây thơ của cô sau này được xác minh và cô đã được giải oan.

Tiếng thơm về lòng nhân hậu của Zita sớm lan rộng khắp Lucca. Trong nạn đói, người ta xếp hàng để xin ăn, và Zita đã cho đi gần hết các loại đậu khô của gia đình. Cô đã dự định chất đầy lại nhà kho nhưng không có cơ hội trước khi chủ nhà quyết định lấy số đậu đem đi bán. Sợ rằng mình sẽ bị sa thải hoặc bị bỏ tù vì số đậu bị mất, Zita cầu nguyện, và, một cách kỳ diệu, nhà kho được đầy ắp đậu khô.

Zita qua đời ở tuổi 60 và được quàn tại giáo xứ của San Frediano ở Lucca. Quan tài của cô đã được mở ra ba lần, lần cuối cùng là vào năm 1652. Mỗi lần, thi thể cô vẫn hoàn toàn không hư hỏng. Ngày nay, thi hài của vị thánh vẫn còn nguyên vẹn, ngoại trừ một chút da bị khô và chuyển màu đen.