Tác giả: Stefaan van Calster
Stefaan van Calster, sinh năm 1937, giám đốc ĐCV Mechelen-Bruxelles và Gioan XXIII, tại Louvain. Giáo sư Mục vụ và Giảng thuyết. Bài viết này được đăng trong Internationale katholische Zeitschrift (Paderborn/Koeln) 18 (1989) 253-257.
Để hiểu các bài tường thuật về phép lạ trong Kinh Thánh, không phải là chuyện dễ; phải giảng làm sao cho có trách nhiệm về các phép lạ đó, lại càng khó hơn. Để giảng được, cần phải hiểu đúng. Không thể làm cái này mà thiếu cái kia. Thế mà các bài tường thuật về phép lạ lại nắm giữ một vai trò quyết định, khi rao giảng về Chúa Kitô.
Trong quá trình lịch sử người ta vẫn cố gắng viết cho ra tiểu sử Chúa Giêsu. Và khi đó những bài tường thuật về phép lạ thường bị loại ra ngoài. Thế là chỉ trích lại bùng lên, vì chúng đã cắt xén hình ảnh Chúa Giêsu. Ngài chỉ còn lại là một tiên tri cao cả, một nhân vật vị tha và quý phái, không được phép lãng quên. Như thế đâu có phải là tiểu sử của một vị vẫn còn đang sống. Những gì được đem ra rao giảng trong cộng đoàn thời sơ khai sau khi Chúa phục sinh không còn được chú trọng tới nữa. Mà những cái đó đối với chúng ta, những kitô hữu, lại vô cùng quan trọng. Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Côrintô rằng: Nếu Chúa Kitô không phục sinh, thì điều chúng tôi rao giảng sẽ thành rỗng tuyếch và đức tin của anh (chị) em cũng ra phi lý. (1Cr 15, 14). Nhưng niềm tin vào sự phục sinh cũng như những bài tường thuật về Chúa Giêsu phục sinh không giống như những bài tường thuật về phép lạ. Dẫu thế, trong bài này vẫn cố gắng nói lên mối tương quan giữa hai loại tường thuật đó. Ngoài ra tôi còn muốn đề cập tới những đặc tính của các bài tường thuật về phép lạ và cũng xin lưu ý một vài lối chú giải lệch lạc thường gặp thấy. Thêm vào đó, còn có vài gợi ý trong việc giảng giải các bài tường thuật về phép lạ ở phần cuối bài viết.
Vài điểm cần lưu ý
Các Thánh sử cố ý kể lại các phép lạ, đó là điều không thể chối cãi được. Chúng ta nên biết, thực sự các Ngài cũng chẳng cần phải làm chuyện đó. Nhưng tất cả các lối chú giải muốn gạt bỏ các phép lạ, đều coi thường chủ ý của các ngài. Đàng khác, cũng không nên dừng lại ở cái vỏ bên ngoài này. Trong một vài trường hợp các bài tường thuật về phép lạ cũng muốn tránh gây khó chịu, để đức tin có thể được chấp nhận được, mà không gặp khó khăn vô cớ.
Nhưng cái gì đã trở thành khó chịu nhất trong cuộc đời cũng như Tin Mừng Chúa Giêsu? Người ta gặp thấy điều khó chịu ấy trong lời Ngài, trong sự xác quyết nói rằng Ngài được Thiên Chúa sai đến với toàn quyền tha tội. Thực ra, vấn đề ở đây sâu xa hơn nhiều, vấn đề nằm ở chỗ: Chúa Giêsu là ai? Ai không suy nghĩ xa hơn, sẽ chẳng hiểu nổi những yếu tố đích thực trong Tin Mừng Phúc Âm. Các bài tường thuật về phép lạ cuối cùng rồi cũng phải đối diện với câu hỏi này mà thôi. Chúng đòi phải có câu trả lời. Chúng ta cũng đọc thấy điều ấy ở đoạn cuối trong câu chuyện kể lại phép lạ đầu tiên nơi Thánh Gioan, là các Tông đồ đã tin vào Chúa. Cũng nơi thánh Gioan chúng ta còn đọc thấy, là phép lạ làm cho Ladarô sống lại đã khiến kẻ thù của Chúa đi đến quyết định giết Ngài (Ga 11,47tt).
Điều khó chịu không phải ở chỗ Chúa Giêsu đã phá vỡ luật lệ thiên nhiên trong các phép lạ của Ngài. Và như thế, chúng ta đã bàn tới điểm cần lưu ý thứ hai. Điều đó là: Các bài tường thuật về phép lạ đều có chủ đích dẫn tới một cái gì đó. Có lẽ chúng không cố ý diễn tả điều tạm hiểu cho bằng cố gắng cắt nghiã điều đó. Như vậy, trọng tâm của Tin Mừng có lẽ là ở chỗ ra sức đưa dẫn đến với Chúa Giêsu; lời chỉ dẫn ấy cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, và lời chỉ dẫn ấy cũng cho biết bất cứ ai tin ở Ngài, thì sẽ được sống, vì danh Ngài. Thực sự, vấn đề chỉ ở chỗ đó. Không thể thoát khỏi phải quyết định về tin hay không tin. Những ai ao ước hiểu được các bài tường thuật về phép lạ, thì đều phải tìm hiểu trong phạm vi đức tin này.
Đặc tính của một bài tường thuật về phép lạ
Trong các bài tường thuật về phép lạ, chúng ta đều thấy là các diễn tiến chỉ được kể lại bằng vài nét đơn sơ. Thí dụ, không nhằm kể lại câu chuyện của một người có bệnh đã được chữa lành. Không hề có những tiểu tiết cá biệt hoặc hoàn cảnh bên ngoài thêm mầu mè cho câu chuyện. Như thế đủ rút ra một kết luận cho bài giảng như sau: Cũng phải giảng sao cho thật đơn sơ. Đặc biệt không được thêm vào những chi tiết quá cụ thể, mà trong bản tường thuật của Kinh Thánh không nói tới. Nếu quá chú trọng tới các nét riêng biệt như thế, thì thính giả cũng sẽ bị lôi kéo để chú ý tới những tiểu tiết lịch sử của câu chuyện.
Các tường thuật về phép lạ thường lưu ý tới một hoàn cảnh khốn khổ của con người: đau khổ, đói khát, đau yếu, chết chóc, quỷ ám, tù túng. Chúa Giêsu đã có thái độ với các hiện tượng này. Ngài báo hiệu cho thấy một thời đại mới đã bắt đầu nơi Ngài. Đặc biệt nhất phải kể đến những người sống trong hoàn cảnh tội lỗi. Qua đó Chúa Giêsu đã biến việc giúp đỡ của Ngài thành một dấu chỉ của thời đại cánh chung. Vì thế cũng dễ hiểu, khi có vài câu chuyện vẫn còn mang dấu vết của tranh chấp. Những chuyện đó thường cho thấy sự căng thẳng giữa tình trạng chưa được cứu rỗi và tình trạng đã được cứu rỗi. Đừng nên tìm điều lạ lùng ở chỗ phá vỡ được các luật lệ thiên nhiên cho bằng ở chỗ quyền lực của thế gian – còn cần được cứu độ – đã bị đạp đổ. Giải đáp này mang tính chất cứu độ. Điều lạ lùng nằm ở chỗ cuộc hiện hữu của chúng ta đã được biến đổi trong mọi chiều kích. Con người được kêu đi mời vào cuộc sống mới và vĩnh cửu trong tình yêu của Thiên Chúa. Xấu xa và sự chết không còn quyền quyết định trên đời sống con người chúng ta nữa.
Vì thế cũng dễ hiểu là sự khó chịu vì việc Chúa Giêsu làm cũng thường đi đôi với sự khó chịu vì lời Ngài nói. Đối với những kẻ cứng lòng, thì bất cứ dấu chỉ nào, dù hiển nhiên tới đâu, cũng đều vô nghiã (Lc 16, 31).
Đàng khác, cũng nên tìm ý nghiã của các phép lạ trong giáo lý toàn vẹn cũng như trong cả cuộc đời Chúa Giêsu. Các dụ ngôn cũng thế, đều muốn diễn tả về cuộc toàn thắng sự dữ đã thành hiện thực. Chúng báo hiệu một phong trào phát xuất từ Chúa Giêsu và sẽ được hoàn tất trong ngày cánh chung. Phép lạ là dấu chỉ nước Trời đã khởi sự nơi Chúa Giêsu. Các bài giảng phải hướng dẫn thính giả tới chỗ đó. Cần phải nhấn mạnh tới Chúa Kitô. Phải làm sao cho thính giả hiểu rằng những kẻ đương thời với Chúa chống đối Ngài không phải vì Ngài đã làm những việc phi thường, cho bằng họ muốn chống đối chính cá nhân Ngài và chống đối sứ mạng của Ngài là được Thiên Chúa sai đến. Các kẻ đương thời với Ngài đứng trước một quyết định, một là chấp nhận Ngài, hai là khai trừ Ngài. Cá nhân tôi tin rằng, con người thời nay cũng đang đứng trước một quyết định như xưa.
Đức tin mà các bài tường thuật về phép lạ đề cập tới, bắt nguồn từ chỗ nhận rằng thời đại cánh chung đã bắt đầu nơi Chúa Giêsu. Rõ ràng đức tin này luôn được nhắc đi nhắc lại trong mỗi bài tường thuật về phép lạ. Có khi sự cứng lòng tin cũng ngăn cản Chúa làm phép lạ (Mc 6, 5). Ngoài ra, Ngài đã không làm phép lạ theo lệnh truyền, hoặc là để bắt người ta tin. Nhưng thường thường thấy nói rằng phép lạ là kết quả của lòng tin, hoặc ít nhất phép lạ có liên hệ tới lòng tin (Ga 10, 38). Trong bài giảng, điều quan trọng là cần phải nhấn mạnh hơn về Tin mừng nội tâm của các phép lạ cũng như của các dụ ngôn.
Vài lối chú giải lệch lạc
a) Lối chú giải lịch sử: Thời đại mà người ta chỉ nhằm tìm kiếm cái nghiã bóng của các ý niệm đạo đức trong các bài tường thuật về phép lạ không còn nữa. Ngày nay, không một nhà chú giải đứng đắn nào còn có thể phủ nhận những việc Chúa Giêsu đã làm, như được ghi chép trong Phúc Âm, là có thực. Ngày nay không thể dựng lại câu chuyện với tất cả chi tiết lịch sử được nữa, mà xét ra cũng chẳng cần làm như thế, vì điều quan trọng không ở chỗ đó. Những bài giảng mang tính chất lịch sử của các bài tường thuật phép lạ, mà chỉ lo kể lại những tiểu tiết, là lạc đề. Qua cách giảng như thế, vị giảng thuyết đã kéo chú ý thính giả tới một điểm mà Thánh sử không muốn.
Cùng một lý do tương tự, khai thác tâm lý trong các các bài tường thuật về phép lạ cũng là lệch lạc. Trong trường hợp này vị giảng thuyết sẽ tả lại tình trạng tâm hồn của các nhân vật trong chuyện, mà thường Kinh Thánh đâu có nói tới. Như thế thính giả sẽ chú ý tới một điểm không có liên hệ gì với Tin Mừng cả.
Hình thức lạc đề thứ ba của việc giảng theo lịch sử là lối chú giải thái quá. Trong bbài giảng loại này thì tất cả mọi việc trong câu chuyện đều được coi là phi thường. Trong trường hợp này thính giả chỉ dừng lại ở ấn tượng bên ngoài, mà không hề thắc mắc thêm gì về ý nghiã thâm sâu: Chúa Giêsu là ai đây? Đưa vào bài giảng những tiểu tiết cụ thể nhiều hơn những gì đoạn văn Kinh Thánh cung ứng, là không đúng chỗ.
b) Lối chú giải thuần lý: Lối này muốn cắt nghiã phép lạ theo lẽ tự nhiên. Đàng sau lối cắt nghiã này, óc suy tư theo mốt thường đóng một vai trò quan trọng: khó chấp nhận các phép lạ. Các phép lạ đó phản lại lối suy tư theo khoa học tự nhiên. Theo lối cắt nghiã này, thì tất cả các phép lạ chữa bệnh đều được coi là các hiện tượng tâm bệnh. Có khi các phép lạ khác cũng bị ảnh hưởng lối chú giải thuần lý này: chẳng hạn, trong phép lạ bánh hóa nhiều mọi người bị lời Chúa thuyết phục nên lấy đồ ăn của mình mang theo mà chia cho người khác. Ngay cả Manna ở gần núi Horeb cũng được lối này cắt nghiã đơn giản hóa như sau: khi ấy người Do Thái lần đầu tiên được trông thấy tuyết. Chắc chắn lối cắt nghiã như vậy đều không tôn trọng chủ ý của các tác giả Kinh Thánh, là người muốn chứng minh Manna là một phép lạ.
Lối chú giải tâm linh cũng thường được đem ra áp dụng. Phép lạ thường được coi là chuyện tượng trưng; nó bị tâm linh hóa và thường được hiểu là hình ảnh của một tình trạng linh hồn hay đạo đức. Vì thế, phép lạ chữa người mù thường được cắt nghiã là chữa khỏi sự mù lòa tâm linh. Lối cắt nghiã như thế thường cắt xén việc Chúa làm thành một việc riêng rẽ và cá nhân. Theo lối cắt nghiã này, thì chỉ có tình trạng tâm hồn của con người là được cứu rỗi. Dầu sao chăng nữa, con người với lối suy tư khoa học tự nhiên không gặp khó khăn mấy, khi theo lối cắt nghiã này.
Điều hiển nhiên có thể chống lại lối cắt nghiã này là trong các bài tường thuật không hề có sự tách biệt giữa thân xác với linh hồn. Ngoài ra, lối tách biệt đó cũng hoàn toàn xa lạ đối với Kinh Thánh. Con người toàn diện được cứu chữa do hồng ân của Chúa. Người bất toại, cũng được biết tội mình được tha. Nhất là trong truyền thống lời Chúa (logia) liên quan với việc trừ quỷ, chúng ta thường bị cám dỗ rất nặng là chạy theo lối cắt nghiã cá nhân hóa và tâm linh hóa này. Cần nhấn mạnh ở đây, là những câu chuyện đó muốn kể lại quyền năng của Chúa và sự xuất hiện của nước Ngài trên thế giới. Sửa phép lạ sao cho dễ chấp nhận, để rồi vì đó mà cắt xén Tin Mừng là điều không nên.
c) Lối chú giải hiện sinh của R. Bultmann thực ra – dù có khác đi nữa – cũng là lối chú giải tâm linh về các phép lạ được cô đọng lại mà thôi. Tính chất lịch sử không còn đóng vai trò quyết định nữa, mà chỉ còn lại cái tối thiểu vô vị, có khả năng đứng vững trước phương pháp phê bình lịch sử. Những lối chú giải khác nữa thì theo chiều hướng chào thua các phép lạ. Giáo huấn như thế không còn lệ thuộc các sự kiện thực sự đã xẩy ra. Nếu trong bài giảng có đề cập tới cuộc sống cứu độ, tới sức mạnh chữa lành của đức tin, thì cũng chỉ liên quan tới cái gì đương nhiên của loài người trong ý nghiã tinh thần mà thôi. Nếu như thế, thì cần gì phép lạ. Trong lối chú giải hiện sinh này phép lạ thực sự đã trở thành đối tượng của một ý niệm có sẵn. Phép lạ chỉ còn là lớp áo của một quan niệm đạo đức, tức một biểu tượng mà thôi.
Nên giảng về cái gì?
Thật là sai lạc, nếu ngay từ đầu bài giảng đã nhấn mạnh tới khía cạnh phép lạ của đoạn Phúc Âm. Qua đó, chú ý thính giả sẽ bị kéo tới vấn đề làm sao phá vỡ được luật lệ thiên nhiên. Đó là điều thực sự không phải là trọng tâm của bài tường thuật. Chú ý thính giả sẽ bị kéo về một hướng lệch lạc và họ bị cản trở trong việc tiếp thu Tin Mừng. Họ chờ đợi nơi vị giảng thuyết một giải đáp thỏa đáng cho vấn đề mà chính ngài đã nêu ra. Do đó, thính giả sẽ tự khép kín đối với Tin Mừng còn nằm sâu bên dưới. Mà giải đáp đó nhiều khi vị giảng thuyết lại chẳng thèm bàn tới.
Đúng ra, nên nhấn mạnh tới điểm lạ lùng trong câu chuyện. Cũng không cần giấu giếm là ta đang trực diện với một phép lạ, nhưng nên đặt phép lạ vào trong mối liên hệ toàn phần của nó. Trước hết, nên giảng về Tin Mừng, như thế vấn đề phá vỡ các luật lệ thiên nhiên của phép lạ này đã bị tương đối hóa đi rồi. Thính giả sẽ thấy ngay là chúng ta đang giảng về Tin Mừng có tầm quan trọng đối với cuộc đời họ. Vấn đề tính chất lịch sử cũng rất quan trọng trong mối liên hệ này. Nên biết, thính giả sẽ để ý tới mối liên hệ trực tiếp giữa tính chất lịch sử của phép lạ và tính chất cưỡng bách của Tin Mừng.
Thực ra, một sự kiện có thể được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi giảng huấn, nên tìm cách khơi dậy nơi người tín hữu niềm cảm thông với việc diễn tả này. Các bài tường thuật về phép lạ cũng muốn diễn tả lại những chứng kiến lịch sử, tuy nhiên chúng không thể diễn tả lại bằng những lời lẽ khách quan. Các thánh sử không nhằm kể lại Chúa Giêsu đã phá vỡ luật lệ thiên nhiên, cho bằng nhằm tuyên xưng rằng loài người đã thấy Thiên Chúa hoạt động rõ ràng qua các biến cố cuộc đời Chúa Giêsu. Trong các bài giảng về các phép lạ, điều quan trọng là phải dành một phần thích hợp mà rao giảng Tin Mừng đó. Mỗi câu chuyện phép lạ đều kể lại theo cách thức của nó như là kể lại tất cả câu chuyện về Chúa Giêsu. Chứng liệu về cùng một Chúa Giêsu nằm rải rác trong nhiều câu chuyện khác nhau. Về điểm này thì câu sau đây vẫn có giá trị: Còn nhiều dấu chỉ khác, không được ghi lại trong sách này, dù Chúa Giêsu cũng làm trước mắt các môn đệ Ngài. Nhưng những dấu chỉ này đã được ghi lại, để anh (chị) em tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, để nhờ đức tin mà anh (chị) em được sống trong danh Ngài (Gio 20, 30-31).
Lm. Vũ xuân Huyên chuyển ngữ