ĐTC Phanxicô gặp các Nhà Sư Phật giáo

 

Chuyển ngữ: Bùi Hữu Thư

Đại Đức A-Sumedho:

Sáng nay, tôi muốn xin cha Roland Walls cho phép tôi trình bày cảm nghĩ riêng của tôi về đời sống tôn giáo, vì tôi tin rằng hiện nay, rất nhiều người đang bắt đầu lần mò đi tìm trở lại một con đường tôn giáo. [1] Còn các tôn giáo thì làm như đang bị đóng khung vào trong những lập trường giáo lý cùng truyền thống hiện hành, và như thế tầm nhìn của chúng ta bị cản ngăn, không thể thấy xa hơn được. Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là: Cái gì sẽ xảy tới, nếu không còn lời để nói nữa? Và lúc đó, liệu còn có kinh nghiệm tôn giáo nữa hay không? Nếu bất thần, tất cả chúng ta đều mất đi khả năng để nói hay để xử dụng các ký hiệu, thì thử hỏi còn có thể có được một kinh nghiệm tôn giáo sung mãn và đầy sức soi sáng, vượt ra ngoài biên giới của ngôn từ và ký hiệu hay không?

Tôi được nuôi nấng và dạy dỗ như một người kitô, và tôi nhận thấy rằng đa số chúng ta ở đây đều có kinh nghiệm như thế. Chúng ta đã lớn lên trong một nước theo Kitô giáo, và do đó, không thể nào tránh được sự việc là có một số nhận thức sẽ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của chúng ta, cho dù mức hiểu biết của chúng ta về đạo giáo có ít oi đến mấy đi nữa. Nói cách khác, chúng ta vẫn còn thừa hưởng kiến thức giáo lý ấy như là một phần trong di sản văn hóa của chúng ta. Điều này ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và nhìn về cuộc sống.

Giữa các tín đồ Phật giáo ở Âu châu và Mỹ châu, đôi khi tôi thấy có những người gạt bỏ hẳn Kitô giáo và đã đi tìm chân lý cùng những giải đáp về tôn giáo ở trong Phật giáo, và tôi cũng nhận thấy là họ đau khổ vì nuôi một thứ thành kiến hay ác cảm đối với Kitô giáo. Như thế là vì họ thấy những gì họ được dạy vẽ về Kitô giáo, đều như thể là không đúng với thực tế và với sự thật. Khi nói chuyện với cha Roland, tôi cảm thấy rằng lời nói, từ vựng và ký hiệu không phải là vấn đề thực sự cần được đặt ra. Như thế là vì nếu có người thật sự quyết tâm thực hành một hình thức đạo giáo, thì khi ấy, mức độ cảm nghiệm sẽ hết sức sâu thẳm và vượt quá hẳn những quy ước đã được định rõ của tôn giáo. Ngay cả khi chúng ta cố dùng ngôn từ và ký hiệu đặc biệt mà mô tả cho được nó, thì cảm nghiệm ấy vẫn là một kinh nghiệm khôn tả. Nhưng trong thực tế, còn biết làm gì hay hơn là dùng ngôn ngữ quy ước hiện có của tôn giáo.

Linh Mục Roland Walls: Con Đường nào?

Có một thời, tôi rất thích tìm hiểu về hết mọi hình thức của đời sống chiêm niệm, cho dù các hình thức ấy có kitô hay không, và đặc biệt là tìm hiểu các hình thức suy niệm của Phật giáo. Kiến thức tôi có về Phật giáo không phải là thuộc loại chuyên môn. Kiến thức này, tôi đã thâu lượm được nhờ có dịp tiếp xúc cá nhân với nhiều người; trong số những người này, có một vị ưu việt nhất mà mới đây tôi được hân hạnh tiếp xúc, đó là Đại đức Sumedho; và cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi sống lại mối thịnh tình lâu dài mà tôi ấp ủ đối với Phật giáo, cũng như đối với con đường quang khải (the way of enlightenment). Tôi hài lòng với đề tài chúng ta đang bàn tới, nói về kinh nghiệm cá nhân, vì như Đại đức đã phát biểu trên đây, cần phải ra sức tránh xa lối trao đổi tư tưởng mà chỉ đứng trên một bình diện thuần túy suy lý; bởi lẽ thông thường thì các tư tưởng chỉ đóng một vai đơn thuần là mở đường hướng đến mức thấu hiểu thực sự. Còn khi chúng ta nói chuyện với nhau một cách thân tình và tự phát, về những gì hiện đang xảy ra cho chúng ta, thì chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta đang ở trên những con đường có thể đồng quy về một điểm, và chắc chắn là có thể tương hợp với nhau được.

Ngay cả những tư tưởng suy lý mà thường khi chỉ dẫn đến kết cục là đối chọi, cũng có thể nhường bước trước một cách thức trao đổi kinh nghiệm như thế. Vì vậy, theo cách nghèo nàn của riêng tôi, tôi xin trình bày cùng quý vị về con đường (đạo là đường) trong đó, tôi đã được dẫn dắt đi. Qua cuộc phát biểu này, chúng ta sẽ khám phá ra cách thức một người kitô cảm nghiệm về hai chân lý cuối trong con đường tám lối cao quý của nhà Phật; đó là: chiêm niệm đúng (chính niệm) và chú tâm đúng (chính tỉnh).

Năm 1965, tôi nghe được một tiếng gọi từ trong nội tâm, thối thúc tôi tham gia trào lưu canh tân phục hồi lối sống đạo theo khuôn mẫu và tinh thần bình dị của các tu phụ sống trong sa mạc vào các thế kỷ thứ ba, thứ tư và thứ năm của kỷ nguyên kitô. Như quý vị thừa biết, trong quá khứ, đã từng có một tình trạng ảnh hưởng hổ tương về mặt văn hóa giữa Kitô giáo bên Đông phương, tức là Chính Thống giáo Đông phương, và truyền thống Tây phương mà phần lớn là do những người Nga di dân sang Paris mang tới, trong thế kỷ này kể từ sau thời Cách mạng.

Năm 1965, cùng với một nhóm nhỏ, tôi lo sửa soạn để lập một skete, tức là một loại tu viện nhỏ, chỉ gồm hai, ba, bốn hoặc năm người; và không bao giờ được quá năm người, vì tu viện phải sống ẩn danh ẩn dật làm sao để tránh cái cảm tưởng là mình đang làm một điều gì đó có tầm ảnh hưởng lớn. Nếu không, chúng tôi lại bị rơi vào trong vòng ảo tưởng cho mình là quan trọng.

Dĩ nhiên là truyền thống của loại tu viện đó cần phải được hiện đại hóa và làm cho thích ứng với văn hóa địa phương, tức là, cách riêng trong trường hợp của chúng tôi đây, với văn hóa Tây Âu và xứ Êcốt. Mẫu sống kia đã triển khai và vẫn còn giữ vững gốc rễ ở nơi truyền thống Núi Athos (bên Hy lạp): một truyền thống đang được sống mạnh đặc biệt là tại các tu viện nhỏ tụ tập quanh phía ngoài các tu viện bảo tàng to lớn nằm trên Núi Athos. Ở Roslin đây, chúng tôi đã cố gắng làm cho lối sống ấy thích ứng với văn hóa bán đô thị hóa tại một ngôi làng thợ mỏ phải nói là dơ bẩn, nằm cách Edinburgh lối tám dặm về phía nam.

Ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã nhận thấy ngay là mình đang đồng nhất hóa với truyền thống nhà Phật, nghĩa là qua các kinh nghiệm riêng của mình, chúng tôi được trao ban cho một khốtàng ba mặt (xin thú thật là tôi cần được Đại đức dẫn giải thêm cho để có thể hiểu biết nhiều hơn về kho tàng vừa nói); ba mặt đó là: vị sư phụ, sangha (Tăng chúng) hay là cộng đoàn, và giáo huấn. Đó là ba trụ cột của cuộc sống chúng tôi. Có thể nói rằng vị sư phụ là Đức Kitô, Ngài đến với chúng tôi qua trung gian của các người chỉ đạo đã thấu suốt truyền thống và đã dùng hoặc là văn bản hoặc là sự hiện diện trực tiếp mà chuyển đạt đến tận chúng tôi. Sangha hay là cộng đoàn giúp cho chúng tôi có được ổn định: tình trạng ổn định này sẽ tạo tin tưởng cho cá nhân mỗi đan sĩ để biết vững dạ xác tín rằng anh em bên cạnh mình có thể nâng đỡ mình trong những giây phút yếu đuối và không thể thấy rõ được như bình thường, hay trong những lúc mình mất hết sốt sắng hăng say và ánh sáng soi dẫn.

Sự hiện diện của sangha là một môi trường hỗ trợ mạnh cho bước tiến của mỗi cá nhân. Còn lời giáo huấn thì được chuyển đến cho chúng tôi qua một bộ văn bản gọi là Philokalia. [2] Tôi nhận thấy rằng văn bộ này có rất nhiều điểm tương đồng với truyền thống nhà Phật, đến độ làm như giữa chúng, có một mối liên hệ văn chương nối kết. Philokalia là một tuyển tập các văn bản của các giáo phụ Đông phương kể từ thế kỷ thứ ba cho đến thế kỷ thứ mười ba kỷ nguyên kitô; lúc đầu, văn bộ này chỉ được thu thập theo hình thức truyền khẩu, rồi vào cuối thế kỷ thứ mười tám đã được mang sang Nga, và từ đó, đã được phổ biến trong khắp thế giới nhờ các bản dịch qua nhiều thứ tiếng khác nhau.

Truyền thống ấy, từng học được trong các chuyến đích thân viếng thăm tìm hiểu Đông phương cũng như trong văn bộ nói trên, đã giúp chúng tôi bắt đầu một mẫu sống có thể được coi như là một hình thức canh tân truyền thống của đời đan tu kitô: trên kia, tôi đã nhắc tới điểm này rồi, nhưng xin lưu ý thêm là chúng tôi đã thực hiện lối sống canh tân ấy bằng cách vượt xa hơn lề lối chính thức cần phải có, vì trong nhiều trường hợp, cách tiến hành theo thể thức như thế được coi như là một phần trong Tổ chức. Có thể là lề lối tổ chức này đã bị ràng buộc quá nặng nề với các thứ thói lệ và tập truyền tôn giáo có khuynh hướng chếkhuất những gì đang thực sự giúp chúng ta sống, như Đại đức đã lưu ý. Bây giờ, tôi xin phép được mô tả sơ qua về cộ ng đoàn của chúng tôi.

Chúng tôi đã tậu được Viện Thợ mỏ với giá 800 đồng tiền Anh. Làm bằng tôn dợn sóng, Viện này đã được người địa phương đặt cho cái tên là Nhà Tạm bằng thiếc. Chúng tôi đã tìm được một vị hướng dẫn mà chúng tôi gọi là cha linh hướng, đó là cha Columban Mulcahy, làm viện phụ của một Đan viện Xitô ở cách xa chỗ chúng tôi hai mươi dặm: ngài là một bậc tu hành thánh thiện, đã giúp hướng dẫn chúng tôi trong những năm đầu cho tới lúc qua đời vào năm 1972. Bây giờ, người hướng dẫn của chúng tôi là một nữ tu dòng kín Anh giáo: Mẹ Mary Clare ở Fairacres, Oxford. Sau khi mua ngôi nhà nói trên, chúng tôi thấy cần phải có một hàng rào im lặng. Thế là chúng tôi đã dựng lên năm cái lều rộng sáu bộ, dài tám tám bộ, ở bên trong khu vườn nhỏ. Không ai có thể sống được trong một diện tích nhỏ hẹp như thế: chỉ có những chiếc quan tài thì mới nhỏ hẹp hơn thế mà thôi! Ở giữa các chiếc lều kia, chúng tôi dựng lên một ngôi nhà nguyện nhỏ: Chúa được ở trong một lều lớn hơn một tí, rộng tám bộ, dài hai mươi bộ; nhà nguyện rất xinh, nhất là phiá bên trong. Vậy là cả thảy gồm có năm chiếc lều, ngôi nhà nguyện và khoảnh vườn. Ai đã bước vào phía trong hàng rào , thì cũng đều biết mình đi vào đó để làm gì: để suy niệm, để tìm thinh lặng, để tiếp tục tiến bước trên con đường. Ngôi nhà được xử dụng cho cộng đoàn, và cộng đoàn không phải khi nào cũng chỉ gồm có chúng tôi mà thôi, nhưng còn gồm cả những ai đến đây nữa. Những lần Đại đức Sumedho cùng với hai người bạn lưu ngụ tại đây: các vị cũng là thành phần trong cộng đoàn chúng tôi. Bởi thế, đã có sẵn, nhưng cộng đoàn cũng vẫn mãi mãi ở trên đường thành hình. Nó có đó khi bạn gia nhập nó, nhưng nó cũng là một thực thể đầy sức sáng tạo; mãi mãi nó vẫn là món quà bạn đang tiếp nhận, và mãi mãi nó mang lại nhiều bất ngờ. Không bao giờ bạn biết được cộng đoàn sẽ biến đổi ra sao và ai sẽ gia nhập.

Người nghèo cũng tham gia cộng đoàn. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể sống mà không có người nghèo. Hiện thời, chúng tôi có hai người già đang cố gắng để thoát ra cho khỏi cảnh sống lang thang ngoài đường phố: họ đã kéo lê cuộc sống vỉa hè như thế suốt cả đời họ: thoát ra cho khỏi là chuyện rất khó; chỉ có Ban Ngoại chẩn của bệnh viện mới có thể giúp họ làm được việc ấy. Vì vậy, chúng tôi đã nhận hai người già này và để họ sống tại đây cho tới lúc họ được chính quyền địa phương cấp phát nhà cho.

Chúng tôi nhận thấy rằng người nghèo rất cần cho chúng tôi; bởi vì họ đã sẵn có một sự từ bỏ: đối với họ là bắt buộc, nhưng đối với chúng tôi, đó là một điều tự nguyện cần phải đạt tới cho được. Người nghèo dạy cho chúng tôi biết sống cho giây phút hiện tại, đừng băn khoăn về quá khứ, cũng như đừng lo nghĩ về tương lai, vì họ không có một tương lai nào cả. Vì thế, họ dạy cho chúng tôi biết tập trung cả tâm trí vào những gì đang xảy đến bây giờ đây. Chúng tôi có thể quả quyết rằng việc sống sát cạnh người nghèo là cần cho sự sống còn của lối sống chúng tôi đang theo đuổi.

Có thể là khác với truyền thống nhà Phật và cả với phần lớn các truyền thống đan tu kitô, Đức viện phụ Mulcahy đã bảochúng tôi phải lo tự túc ngay từ đầu. Và tôi nghĩ là chúng tôi đã được chỉ giáo rất chư lý đối với hoàn cảnh của chúng tôi. Vì nhờ thế, chúng tôi đã có thể sống ẩn dật trong một làng nhỏ; rồi một người hoặc là một người rưởi có thể làm việc để giúp cho lối sáu người sinh sống, vì với một phần rưởi lương căn bản cộng với số tiền trợ cấp nho nhỏ của Nhà nước cho tôi, chúng tôi thấy là quá đủ. Như tôi đã trình bày trên kia: chúng tôi là một cộng đoàn nhỏ, và phải tiếp tục nhỏ như thế thì mới đi đúng với đường lối của truyền thống skete; và phải như thế thì mới có được yên tỉnh và tình người, nghĩa là làm sao mọi người đều thấu hiểu nhau, cũng như nhận ra và tiếp xúc với bất cứ người khách nào đến thăm. Trong một tu viện lớn, có thể có một người khách đến viếng thăm một vài ngày mà nhiều thầy dòng vẫn không hay biết đến sự hiện diện của người này.

Truyền Thống Tĩnh Tọa (Hesychasm)

Bây giờ, tôi xin trình bày sơ về truyền thống Philokalia, vì chính đó là nơi chúng ta có thể hiểu nhau. Truyền thống được gọi là hesychast. Tiếng Hy lạp, hesychia có nghĩa là thinh lặng, không phải chỉ về mặt thể chất mà thôi, và thinh lặng đóng một vai trò quan trọng. Truyền thống này xuất hiện kể từ thế kỷ thứ sáu về sau, và có thể đã bắt đầu xưa hơn về trước. Ngôn từ của nó thường giống gần hệt với giọng văn trong các văn bản nhà Phật. Xin trưng dẫn một đoạn trích từ tập Một trăm câu đầu nói về tình yêu tức là một trăm câu ngạn ngữ của thánh Maximus Confessor (CE 580-662) [3] :

Bao lâu tâm trí chúng ta chưa mặc lấy thanh trong mà vượt lên trên bản thân của mình cũng như lên trên tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, thì bấy lâu chúng ta chưa đạt tới thì các tư tưởng chỉ đóng một vai đơn thuần là mở đường được mức hoàn hảo thường tồn. Khi nhờ tình yêu mà trạng thái cao quý ấy được thiết đặt vào trong chúng ta, thì chúng ta mới thấu hiểu được sức mạnh của lời hứa. Bởi vì chúng ta phải tin rằng ở đâu nhờ tình yêu mà trí năng chúng ta làm cho sức mạnh của mình đâm rễ vào , thì ở đó các thánh sẽ tìm thấy được một nơi cư ngụ bất biến. Ai chưa vượt được lên trên chính mình và lên trên tất những gì chịu lệ thuộc dưới một hình thức nào đó, vào hoạt động của trí năng, cũng như chưa đạt được tới chỗ cư ngụ ở trong trạng thái thinh lặng nằm bên kia giới mức của hoạt động trí năng, thì người đó không thể nào hoàn toàn thoát cho khỏi tình trạng biến dịch được… Giữa muôn vàn sự vật hiện hữu, tất phải có tình trạng dị biệt, bất tương đồng và khác nhau. Nhưng trong Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối chỉ có một và hiện hữu một mình, thì chỉ có thể có đồng nhất, đơn nhất và đồng dạng mà thôi.

Và đây, chúng ta có thể đối chiếu những gì vừa trình bày với kinh sách nhà Phật. Tôi trưng dẫn đoạn văn trên đây để chứng tỏ cho thấy rằng đó là một điểm có thể bắt gặp chính kinh nghiệm của Đại đức về Phật giáo, kinh nghiệm mà tôi xin Đại đức cho phép được tìm hiểu học hỏi.

Hesychasm – học thuyết tĩnh tọa dựa trên bốn yếu tố chính. Tôi không thể nói là tôi đã có kinh nghiệm về tất cả các yếu tố này đến một độ sâu nào đó đáng kể, nhưng ít ra những gì tôi phác thảora đây cũng có thể được coi như là một bản họa đồ giúp nhận ra con đường trên đó chúng tôi chỉ mới đi được một vài bước.

  1. Trước tiên hesychasm là một cuộc trở về với bản ngã đích thực, giữa một thế giới đầy dẫy những lạm dụng, xuyên tạc và ảotưởng. Trong tập Philokalia, các giáo phụ đã nhắc đi nhắc lại đến điểm này. Aỏ tưởng xảy tới khi ta hiểu sai về những gì xảy đến cho ta, khi có những nhân tố đưa trí tuệ ta đến chỗ nhận định sai lầm về người khác, về các biến cố và sự vật. Và như thế, rốt cuộc, ta thấy mình đang sống trong một thế giới mà cái gì cũng đều bị xuyên tạc và lạm dụng. Tất cả những điều ấy đều do patheia mà ra; patheia là tình trạng ham muốn và đam mê đã ăn rễ sâu và có mặt ở khắp nơi. Khi nào chúng ta cũng dựa theo những phản ứng tức thời mà phán đoán về sự vật, về các biến cố và những người khác cả; và như thế chúng ta phán đoán một cách hoàn toàn thiếu óc phê bình. Do đó, các phản ứng này dồn ta đến chỗ sống trong những trạng thái tâm hồn như là: ác độc, đầy dự tính đen tối, luyến tiếc, sợ hãi, ham mê, nhục dục và tham lam. Bởi thế, toàn bộ nổ lực luyện tập phải nhắm tới cố gắng kiếm cách để trở về cho được với tình trạng apatheia, tức là tình trạng không đam mê. Vậy, nếu các kinh thư nhà Phật đã bị những người ngoài Phật giáo giải thích sai, thì hệt như thế: các văn bản kitô cũng đã bị ngay cả những người kitô chưa thực sự đích thân khám phá, giải thích không đúng. Vì thế mà có chuyện nhiều người quan niệm là chúng ta phải sống theo một lối sống khắc kỷ, cứng đờ như gỗ, và trong khuôn mẫu ấy, chúng ta phải làm cho mình biến thành như là những bức tượng đồng nguyên chất! Thực ra, làm như thế là hoàn toàn đi trái ngược lại với chiều hướng apatheia. Vì apatheia đích thực phải dẫn chúng tấtới tình trạng giải phóng, dẫn tới một patheia đích thực. Chỉ có một niềm say mê đích thực độc nhất, đó chính là lòng say mê của tình yêu. Khi đọc kinh sách nhà Phật, tôi đã từng nghe bàn tới một điều gọi là vanapreti. Có thể là tôi nghĩ không đúng, nhưng điều gọi là vanapreti này xem ra đồng nhất với ý niệm về patheia. Từ ngữ nói trên của nhà Phật đã được dịch ra bằng từ lòng sốt sắng: có lẽ cách dịch này không được chính xác cho lắm. Khi tôi gặp thấy từ này, tôi nghĩ rằng tôi cần phải tra cứu lại các kinh sách nhà Phật mà tôi đã đọc, và tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng từ sốt sắng xuất hiện nhiều lần trong các văn bản: sốt sắng theo đuổi con đường đang đi; sốt sắng tỏ lòng xót thương… Đó là một loại nghị lực, và chắc chắn không phải là thái độ cứng đờ như một khúc gỗ, chỉ biết chống cưỡng lại bất cứ những gì là bên ngoài.

Dĩ nhiên, đối với người kitô, bản ngã Đức Kitô chính là sức mạnh nâng đỡ cho toàn bộ cuộc hành trình mình đang thực hiện, và cũng chính là tiêu đích mà cuộc hành trình ấy nhắm tới. Theo nghĩa đen, thì phải nói rằng có một sự biến hình của bản ngã giả tạo, là một bản ngã hời hợt luôn luôn tìm cách can dự vào trong ý thức. Tiêu đích mà trong lúc hướng tới một mẫu người mới, mỗi cá nhân nhắm tới trong đời sống cộng đoàn, là làm chủ cho được bản ngã, là biến hình theo mẫu gương của Đức Kitô. Mẫu người mới này được tạc thành hình ở nơi Đức Kitô siêu việt, là Đấng đã biến hình trên núi, chan hòa ánh sáng. Ngài là người được soi sáng và cũng là Đấng sáng soi. Thoạt tiên, chúng ta có thể cho rằng điều này không tương hợp với truyền thống nhà Phật; tuy nhiên, trong kinh sách nhà Phật, tôi thấy có ghi lại là trong tư cách là một người được soi sáng, Đức Phật thường được coi như là người soi sáng, là vị thầy hay là vị truyền dạy sự sáng soi. Điều này không đồng nhất hóa với Đức Kitô biến hình. Tôi nghĩ rằng có một sự khác biệt rõ rệt giữa tính chất đồng nhất nơi Đức Kitô và tình trạng mất đồng nhất tính nơi Đức Phật. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tiêu đích người kitô nhắm tới, là đạt cho được con đường sáng, nơi đó ánh sáng trở thành ánh sáng thực sự, và ánh sáng thì trở thành bản ngã. Nếu tôi phải định nghĩa tiêu đích mà tôi mong đạt tới và con đường mà tôi đang đi, thì tôi sẽ nói rằng tôi mong ước được thấy chính tôi trở thành ánh sáng với ánh sáng, cũng như được thấy bản sắc của tôi ở trong ánh huy hoàng của sự Biến Hình. Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi đã chọn Sự Biến Hình làm tước hiệu cho skete của chúng tôi. Sự Biến Hình của Đức Kitô không những là mục tiêu mà thôi, nhưng còn là một tiến trình đưa dần đến mẫu nhân tính được soi sáng. Một lý do khác đã làm chúng tôi chọn tước hiệu Biến Hình, đó là vì đúng hai mươi năm trước chính cái ngày chúng tôi bắt đầu thành lập skete, tức là nhằm vào ngày lễ Biến Hình năm 1945, bom hạt nhân đã rơi xuống trên thành phố Hiroshima: đó là cả một cuộc biến dạng bóp méo bộ mặt con người, và là một cuộc bừng dậy của tử thần. Tôi nghĩ là có một cuộc đối đầu giữa con đường sáng dẫn đến sự sống, và tia kinh hoàng của tử thần xô đẩy vào tối tăm cùng hủy hoại, vào hư vô cùng chết chóc.

  1. Việc trở về với bản ngã đích thực thì gồm hàm cả nổ lực tự làm cho chính mình ra trống rỗng đi nữa. Kỷ cương này giống hệt như của nhà Phật, nghĩa là đòi phải có một cách thức luyện tập nghị lực riêng của chính mình. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Đức Kitô là sự sáng của mọi ánh sáng, tuy nhiên, con đường dẫn đến sự sống cũng phải có một hình thức hiệp lực, tức là cần phải hợp tác. Dù có yếu đuối, tôi cũng cần phải dùng kỷ luật mà đi con đường riêng của mình. Nếu không, cả thế giới này có giúp, thì cũng chỉ công toi mà thôi. Nổ lực tự làm cho mình ra trống rỗng không đồng nghĩa với khổ hạnh để khổ hạnh, nhưng đó là một loại khổ hạnh có mục đích tạo cho có chỗ cho nhau. Tôi không thể sống, nếu bạn không cho tôi có đủ chỗ (đang lắng nghe tôi đây là quý vị đang dành chỗ cho tôi vậy). Bạn đang làm cho mình ra trống rỗng đi để tôi có thể sống trong kẻ khác. Bởi vì, tôi không thể sống tự riêng một mình tôi. Tôi cũng phải dành chỗ cho bạn bằng cách chú ý đến thái độ đáp trả của bạn. Tạo cho có chỗ, làm cho ra trống rỗng, trở thành hư không: những điều ấy chính là cuộc sống của tôi. Đó không phải là một cảnh tiêu điều ghê gớm, mà là một khoảng trống có chủ đích.

  1. Tôi cần phải tỉnh táo mà chú ý tới những gì đang xảy ra ở trong trí năng lý tính của tôi. Thường xuyên có đủ thứ chuyện xảy tới, và dường như là tôi không kiểm soát được chúng. Tuy nhiên, cũng có cách để trở thành tỉnh táo đối với những gì đang xảy ra. Có một cái tôi sâu thẳm hơn nằm bên dưới cái tôi bên ngoài, và cái tôi sâu thẳm ấy có thể nói không.

Bên trong tiềm thức của tôi, có nhiều điều thoáng hiện lên, và bao lâu chúng chưa trở thành ý thức, thì tôi không hiểu được chúng. Bởi thế, tôi cần phải thường xuyên tỉnh táo. Tôi không được phép sợ hãi, nhưng phải cảnh giác để không có một điều gì xảy ra mà không được ghi nhận lại ở trong tôi. Việc tập trung tư tưởng, việc ý thức và tỉnh táo như thế sẽ tìm được một nguồn trợ lực hữu hiệu ở nơi bầu khư thinh lặng có được nhờ một số điều kiện thể chất bên ngoài, như là: ánh sáng mờ dịu, các tư thế của thân mình, tượng ảnh chẳng hạn một mẫu ảnh Chúa Kitô, đối với người kitô , một ngọn đèn nhỏ, hoặc là một tấm thảm màu nhạt…

Và cả điểm này nữa cũng còn cho thấy một nét tương đồng khác đối với Phật giáo, vì một lần nữa, truyền thống nhà Phật lại dạy cho người kitô biết ý thức nhiều hơn về vai trò sinh tử của thân xác. Thân xác cũng khát mong được dự phần vào trong cuộc hành trình của con người. Chúng tôi không dám coi thường hoặc bỏ quên những phương thức truyền thống thường được dùng tới để giúp tạo thinh lặng, nhập định và chú ý trong nội tâm, bởi một lý do rất đơn giản là vì chúng đã được truyền thống giữ lại!

  1. Cuối cùng, trong skete của chúng tôi đây, chúng tôi chú trọng rất nhiều đến danh xưng độc từ (monologistic), tức là việc lặp đi lặp lại một tên gọi rất giống với danh xưng nam mô bổn sư của nhà Phật. Trong khi lặp đi lặp lại như thế, tên gọi sẽ trở thành điểm tụ cho việc tập trung tư tưởng, và sẽ tạo ra được một khoảng trống bằng cách trừ bỏ mọi hình thức phức tạp và phân hóa có thể xảy tới cho hoạt động của tâm trí. Chính cái tên gọi đọc lên như thế sẽ có sức giúp cho cái bản ngã hời hợt khỏi bị lôi kéo chạy lang lang theo những con đường ngông cuồng. Việc đọc tên thường phải được một cố gắng tập thở ra hít vào đi kèm theo: qua lối thực tập nầy, chính hơi thở, và việc cần phải thở cũng như tính cách vô thức của việc thở sẽ trở thành có ý thức. Dính liền với tên gọi, sẽ có động tác hít danh xưng vào và thở danh xưng ra. Và như thế, tên gọi sẽ làm cho những khuấy động bên trong cũng như bên ngoài lắng dịu xuống, và đưa chúng ta đến với bình an cùng giải thoát. Danh thánh Chúa có một sức mạnh thực sự.

Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng sau một hồi lặp đi lặp lại tên Giêsu, tôi từ từ di chuyển từ tên Giêsu sang danh xưng Abba (Cha ơi!). Rốt cuộc, “từ ngữ lặp đi lặp lại” (mantra) trong hình thức cầu nguyện độc từ này chính là danh xưng Abba.

Dĩ nhiên là không thuộc truyền thống này, nhưng thánh Gioan Thánh giá cũng đã chỉ vẽ giúp cho chúng tôi hiểu rõ về cách thức chiêm niệm theo truyền thống bên Tây phương là nơi thánh nhân còn có ảnh hưởng rất lớn. Ngài tóm lược phần lớn những gì tôi đã cố miêu tả trên đây bằng từ nada, tức là hư không. Chúng ta đang đi về cõi hư không. Chính con người của tôi phải trở thành hư không: không gì khác hơn là khoảng không mà thôi. Và nhờ thế mà ở trong chính khoảng không ấy, tôi trở thành todo: tất cả. Và đây, chúng ta sắp phải bàn đến một vấn đề có tính cách suy luận, đã được bàn cãi nhiều mà vẫn chưa tìm ra nổi một câu trả lời cho êm đẹp. Tuy nhiên các Phật tử và người kitô có thể đem so sánh những ghi nhận về kinh nghiệm đối với điều mà thỉnh thoảng chúng ta có thoáng nhìn thấy, nhưng vẫn ở rất xa. Cái gì là mục tiêu?

Một cõi hư vô? Phải, vì đó là nada, là hư không. Vậy mà, ngược đời thay, đó lại là ánh sáng; không phải là hư vô. Trong một tuyển tập các văn bản, [4] tôi đã được đọc biết một Phật tử người Nhật, tên là Honen. Ông sống vào khoảng thế kỷ thứ mười hai. Nếu tôi nhớ không sai, thì ông ta đã nói đại để như thế này: Hư vô, nhưng không thành phần nào của nó là hư vô cả. Diễn tả theo kiểu tiêu cực, thì phải nói rằng đó là hư không bởi vì nó không giống với một cái gì trên trái đất này cả. Vì thế, không thể bàn về nó. Nói theo kiểu tích cực, thì vì cần nên phải ấp úng thốt lên một điều gì đó! Nó là hư vô mà cũng không phải là hư vô. Tôi thiết tưởng rằng cái nada này còn gần với nirvana (niết bàn) thực sự hơn là với cái niết bàn hiểu theo lối nhiều người kitô thường hay giải thích sai lầm, coi đó là một cõi hư vô thật sự. Liên quan đến đề tài này, còn có cả một rừng vấn đề rộng lớn cần được nghiên cứu, nhưng đó là công tác khó khăn, bởi vì thỉnh thoảng tôi mới tình cờ có được một vài tia sáng trực giác về ý nghĩa của nó.

Một Người Thuộc Bản Đồ

Kinh nghiệm mà tôi kể lại trên đây, thực sự đã diễn tiến như thế nào trong thực tế? Trước hết, đó là một kinh nghiệm nguy hiểm! Cần phải có sự giúp đỡ của sangha (Tăng chúng), của cộng đoàn, cũng như cần phải có một vị linh hướng, tức là một abba hay staretz. Cần có một người thuộc bản đồ để bằng mọi giá, phải nhận cho ra lộ trình của chuyến đi, và cũng còn cần đến một người cũng đi cùng đường, nhưng đã tiến xa hơn một chút và sẵn sàng bước lùi lại đằng sau để giúp đỡ một người anh em. Bởi vì bản ngã bản ngã ảo tưởng chính là kẻ thù nằm vùng ở trong mỗi cá nhân.

Nguy hiểm là vì, trên đường tiến đến giải thoát, chúng ta phải đi qua giữa những tư tưởng và năng lực đã từng bị dồn nén vào trong bản ngã ngày trước của mình. Sở dĩ bản ngã củ này ưa dồn nén, là vì nó muốn gây cho mình có cảm tưởng là mình cũng tốt. Suốt ngày dài, nếu tôi không cảnh giác, thì tôi sẽ dồn nén nhiều điều, và, hệt như xưa kia, tôi sẽ cố đậy chiếc nắp trở lại lên trên miệng cái tôi thùng rác của mình! Thế là vì tôi không ưa coi mình như là thùng rác chỉ chứa có hai phần ba dung tích. Tuy nhiên, việc cố đậy nắp lại như thế có khi cũng làm cho tất cảnổ tung lên. Con đường đưa đến quang khải phải hàm xúc cả sự việc này nữa: là bản ngã đích thực hiện còn nằm trong tiến trình hướng tới tình trạng một bên là được giải thoát ra khỏi cái đòi hỏi buộc phải dồn nén, và bên kia là được giải thoát để trở thành tỉnh táo mà ý thức về các hình thức dồn nén kia. Trong nổ lực giải thoát hai chiều này tức là giải thoát cho khỏi nhu cầu dồn nén và giải thoát ngõ hầu trở thành sáng suốt đối với ý nghĩa thật sự của các sự vật, có một mối nguy hằng rình chực, đó là các cá nhân nếu để riêng rẽ một mình, thì có thể bị lung lạc sâu rộng đến tận gốc rễ. Chúng tôi đã nhận thấy điều ấy ở nơi các tập sinh của chúng tôi. Trước đây, chúng tôi đã có năm người đến sống với cộng đoàn chúng tôi, nhưng họ đã từ giả để đi lập gia đình hoặc để theo đuổi một hình thức tu trì khác. Một vài người trong họ lúc ra đi, đã tỏ ra phân vân bất định hơn lúc mới đến nhập viện. Vì nếu một người phải ở trong một chiếc lều nhỏ chỉ rộng sáu bộ dài tám bộ, và không có một sinh hoạt nào trong nhà cả, hay là không phải đi làm để sinh sống, thì đó là một điều rất nguy hiểm; chẳng khác chi cảnh loại nồi hầm nhuyễn thức ăn. Đâu có phải là một cõi lúc nào cũng vui thú! Thỉnh thoảng, có người đến nói là họ rất thèm cuộc sống thanh thản của chúng tôi! Tôi hiểu ý họ, vì thực sự chúng tôi có được khả năng cũng như những phương tiện để có thể đạt tới một mức độ thanh thản nào đó. Tuy nhiên, con đường dẫn tới thanh thản không nhất thiết phải là một lối đi lúc nào cũng dễ chịu.

Có một điều thứ hai chúng tôi nhận ra khi càng tiến tới trên con đường này, đó là chúng tôi bắt đầu thấy rằng đối với các sự vật, đối với người khác và ngay cả đối với côn trùng, mình không còn có một mối quyến luyến nào nữa, mà chỉ có một lòng xót thương thôi! Việc đầu tiên làm tôi để ý tới sau một thời gian lâu sống trong chiếc lều riêng của mình, là: chiếc lều bị đầy dẫy những mối mọt phá hại ở phía trên mái, và chúng còn rơi ngổn ngang trên mọi thứ đồ đạc nữa. Lúc đầu, tôi bực mình và thầm nghĩ sao chúng dám làm thế!. Sau đó, tôi mới ý thức rằng cũng như tôi, chúng có quyền sống trong chiếc lều này. Do đó, tôi đã làm bạn với chúng và còn nói chuyện với chúng nữa. Tôi bảo chúng rằng chúng mày cứ ở bên phía chúng mày, còn tao ở phía của tao. Nói chung thì chúng đã giữ đúng như vậy. Một ít năm sau, chúng đã di chuyển đi nơi khác, có lẽ là dời qua một căn lều nào khác, chỉ còn một vài con nằm lại để thỉnh thoảng thoảng lại chui ra dòm tôi! Bây giờ, loại lưu tâm kiểu đó đối với một chi tiết bé nhất của cuộc đời, lại trở thành một món quà đặt trên con đường đang đi, và như chúng ta đều rõ, đó là một món quà hết sức quý giá. Quý giá vì nó giúp cho vượt thắng được cảm giác ghê tởm đối với nhện chẳng hạn, và cho thấy cảm giác này tan biến, nhường chỗ cho những bước đầu chớm hiểu thế nào là thân phận của một con nhện. Đó là một món quà mà tôi đánh giá rất cao.

Tôi còn cũng muốn được nói lên ở đây một kinh nghiệm khác: kinh nghiệm về tự do. Tự do làm cho thoát khỏi mọi lo âu. Cho tới khi vào tu viện, tôi đã từng sống một cuộc sống thật bề bộn. Hồi đó, tôi chỉ biết lo tiếc nuối những gì mình đã làm trong quá khứ, hoặc là ước mong cho có một cái gì xảy tới, tốt đẹp hơn. Hoặc là lo đến tương lai: coi tôi sẽ phải làm gì đây, và làm sao để tiến hành mọi việc cho tốt đẹp. Tôi đã không thực sự sống cho hiện tại. Bây giờ, kinh nghiệm sống trong đường lối tu trì này đã dạy cho tôi biết rằng hiện tại là gồm tất cả những gì mình đang có đây, và nó có một giá trị hết sức quý báu. Sự thật là thế, không ai chối cãi được. Nó nằm ngoài giới mức của đo lường, và không ai có thể nắm giữ nó lại được. Hiện tại qua mất đi trước khi có ai có thể bàn về nó. Vì thế, sống giây phút hiện tại là được tự do. Người kitô sẽ thêm rằng: tự do cho Chúa, tự do cho sự sống, tự do cho ánh sáng.

Cuối cùng, còn có sự trợ giúp của cộng đoàn nữa. Các bạn tu sĩ nam và nữ, các bạn đã biết sức mạnh của cộng đoàn lạ lùng đến thế nào rồi. Nó chống đỡ cho chúng ta đứng vững cho dù có yếu đuối. Chúng ta không thể sống mà không có nó dưới một hình thức nào đó được. Có lỏng lẻo đến mức nào đi nữa, thì nó cũng vẫn đem lại sức mạnh hơn tất cả gì khác. Thật là tuyệt diệu đời sống cộng đoàn trong đó các bạn đang cùng sống với nhau. Còn phụng vụ giờ kinh của cộng đoàn, puja, tức là việc ngâm các thánh vịnh và các đoạn Kinh thánh khác theo một giọng trầm dịu, thì ai trong chúng ta lại không thể hăng hái tham dự suốt hàng giờ cũng được. Các bạn bước vào trong một bầu khư đã có sẵn, để cùng hưởng bình an và thanh thản chung với cộng đoàn. Mỗi ngày bốn bận, chúng tôi đến nhà nguyện nhỏ của chúng tôi để nguyện kinh như thế. Tôi không biết điều này có giống ở một điểm nào với bên nhà Phật không, vì đối với chúng tôi, Thánh Thể với những biểu tượng đơn sơ của việc ăn và uống, là một cuộc “tập trung thánh” trong một cách thức đặc biệt. Chúng tôi được hấp thụ bởi cái mà chúng tôi hấp thụ, một cách mầu nhiệm. Vì một mầu nhiệm chính là điều trái ngược lại với vấn đề. Vấn đề là cái bạn làm chủ được. Còn mầu nhiệm là cái làm chủ bạn. Như thế, đối với chúng tôi, Thánh Thể là mầu nhiệm trung tâm, là cuộc tập trung và là trạng thái chú tâm hằng ngày. Rồi còn có sự trợ giúp của các lời thệ nguyện nữa. Tất nhiên là không nên biến các lời thệ nguyện này thành một hành động nặc mùi pháp lý ghê gớm, một thứ thủ tục cứng nhắc, chỉ có tính cách bó buộc và tiêu cực. Sống khó nghèo, sống từ bỏ và sống tùng phục là sống đượm đầy nhiệt tình và ánh sáng. Đó là đường đưa tới tự do.

Tôi đã cố thực thi điều thánh Tôma Aquinô nói: món quà cao quý nhất của tình yêu là chia sẻ ơn huệ của Thánh Linh, bằng cách chia sẻ với các bạn một chút kinh nghiệm về những gì đã xảy đến cho tôi trên con đường tôi đang đi. Và từ tất cả những gì trình bày trên đây, tôi xin rút ra ba câu hỏi như sau:

  1. Cảm nghiệm trên đây tương ứng tới mức nào với hai điểm cuối trong con đường cao quý của nhà Phật?

  1. Có thể so sánh cõi hư vô hay nirvana với nada-todo của đường hướng tu đức kitô hay không?

  1. Xét cho cùng và cho thực tế, thì đến bao giờ mới có thể có được một cuộc trao đổi hữu hiệu giữa các giới tu trì Phật giáo và Kitô?

Đại Đức A-Sumedho:

  1. Tất cả những gì một người có thể nói về kinh nghiệm tôn giáo, đều gồm tóm ở trong điều này là kinh nghiệm ấy mang tính chất hết sức cá biệt và chủ quan, nhưng đồng thời cũng phổ quát. Bởi luôn luôn được miêu tả dựa theo cách suy nghĩ và truyền thống riêng của chúng ta, cho nên đôi lúc kinh nghiệm ấy bị hiểu sai, vì không có ngôn từ cho thích đáng. Do đó, khi hỏi là kinh nghiệm của tín đồ Phật giáo và tín hữu kitô có giống nhau hay không, chúng ta chỉ có thể nói một điều một là nếu thực sự chúng ta có kinh nghiệm về cả hai, thì lúc đó chúng ta mới biết được. Làm sao tôi có thể biết được cái cảm nghiệm của người khác? Tôi chỉ có thể tin vào những gì người ấy nói, và cố gắng san bằng những giới hạn của ngôn ngữ và ký hiệu để mà hiểu. Theo trực giác riêng của mình, tôi thiết tưởng kinh nghiệm ấy không thể nào lại không giống nhau, vì chân lý tối hậu chỉ có một. Chân lý ấy nhất thiết phải là khôn tả, vì không có ngôn từ nào , ký hiệu nào thích hợp cho nó cả. Điều này muốn nói rằng chân lý ấy không thể là cái gì khác ngoài nơi mà tất cả mọi sự đều chấm dứt, nơi mà các ký hiệu không còn có khả năng mang lại được một ý nghĩa nào nữa. Dù chúng ta có miêu tả nó dưới một hình thức nào đó hay không, dù chúng ta có gọi tên nó là kinh nghiệm Phật giáo hay Kitô giáo, thì cũng không có gì là khác cả. Đó chỉ là những kiểu diễn tả của loài người. Có lẽ mẫu số chung nằm ở nơi sự kiện này là một thứ kinh nghiệm như thế vượt sang bên kia: bên kia lòng ích kỷ, bên kia thói ham muốn, bên kia bất cứ loại sợ hãi hay ảo tưởng nào. Vì ánh sáng, trực kiến, quán triệt sự thật chính là nó.

Phương thức tiến hành của nhà Phật là một đường lối tâm lý rất khéo léo; nó hệ tại ở chỗ này, là cứ để cho sự vật cứ rơi rụng đi. Điều này sẽ xảy tới nhờ biết xem xét và khảo sát. Và như thế, các ý niệm về bản ngã không còn được coi như là điều chúng ta đã cầm chắc trong tâm nảo, mà là điều còn cần phải được xét lại. Bản ngã là gì? Một khi chúng ta đã để cho tất cả những gì ràng buộc trí tuệ rơi rụng đi, thì cái còn lại chính là trí tuệ tinh ròng. Không thể miêu tả được nó, nhưng nó không hẵn là giống như một chỗ để trống (a blank). Nó sung mãn và vẹn toàn. Làm như thế không có nghĩa là vứt bỏ hay là giấu giếm đi một cái gì cả. Thực ra, đó là cách thế giúp cho tâm trí khỏi bị những vẻ ngoài hay những điều kiện ràng buộc trí tuệ, lừa bịp.

Trong trường phái Phật giáo Tiểu thừa của chúng tôi, thực sự không có một lối giải thích siêu hình học nào cả. Điều này thường bị hiểu lầm, nhất là bởi những truyền thống có giáo huấn nhấn mạnh nhiều về siêu hình. Đối với họ, loại Phật giáo này có vẻ như là đi đến với trí tuệ qua con đường lạnh giá của bệnh viện, để hư vô hóa mọi sự ở trong đó cho đến lúc không còn gì nữa. Không còn cảm giác, không còn tình yêu, hơi ấm cũng không còn. Nhưng đó không phải điều sẽ xảy ra. Chính khi từ bỏ sở thích và đòi hỏi cá nhân, là lúc chúng ta cư ngụ thật ở giữa lòng trí tuệ. Ở đó có thuần khiết cùng ánh quang rực rỡ, và chính đó mới là nơi chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được những thực tại như tình yêu, niềm vui, đam mê cũng như niềm an bình đích thực. Hễ càng cố sức bao nhiêu để tạo cho được những điều kiện như thế, thì chúng ta càng trở thành ích kỷ và nhầm lẫn bấy nhiêu. Chỉ khi biết hoàn toàn từ bỏ mọi ham muốn và mọi chờ mong, thì chúng ta mới đạt tới được những thực tại kia: trong tinh thần tự hiến và tùng phục trọn vẹn. Vì vậy, nếu chúng ta có gọi điều đó là trống không, thì nó cũng vẫn là sung mãn và vẹn toàn. Nó trống rỗng không phải như là một khoảng chân không, nhưng như là một tình trạng không còn một bóng ảo tưởng nào nữa. Đó là tình trạng của một trí tuệ đang mở rộng ra cho mọi sự. Một trí tuệ còn đầy ắp những ý kiến và quan niệm, thì không thể nào cởi mở được. Chúng ta thường dựa theo thiên kiến riêng mà giải thích mọi việc liên hệ đến cuộc sống chúng ta. Đã chứa đầy ham muốn và sợ hãi, thì trí tuệ chỉ biết phản ứng lại, chứ không biết ôm choàng hay đón nhận lấy sự sống.

  1. Có thể so sánh ý niệm nada theo Gioan Thánh giá với nirvana hay không? Tôi không muốn liên hệ nirvana với Thượng Đế. Đôi lúc nirvana được dịch bằng từ tiêu vong (extinction). Hiểu như thế là biến Phật giáo thành học thuyết tịch diệt. Nhưng chúng ta tự hỏi: cái gì đã tiêu vong? Ấy chính là lòng vị kỷ, ảo giác và khổ đau. Để nói về kinh nghiệm của mình, người kitô thường có khuynh hướng dùng đến những biểu tượng có tính cách cá nhân và mãnh liệt hơn nhiều.

Bởi thế, hiểu cho được đường lối phủ định (negation) không phải là chuyện dễ như người ta tưởng. Vậy, trong đường lối ấy, chúng ta sẽ chận đứng không để cho trí tuệ theo đà suy nghĩ mông lung. Khi chúng ta phủ định hoặc là nói không, hay nói không phải điều này, không phải điều kia, thì hành động ấy cũng giúp trí tuệ biết dừng lại không suy nghĩ dài dòng vô bổ, không bày chuyện và không bành trướng vô trật tự. Cho dù chúng có sức gợi hứng cho trí tuệ, thì biểu tượng cũng vẫn không tránh khỏi cái bất tiện này là tạo cho người ta có khuynh hướng dính chặt vào với chính nguồn cảm hứng. Chúng có thể giúp ích được nhiều, nhưng là chỉ để làm đà cho bước sơ khởi đi vào đường hướng đúng mà thôi; chứ chúng không một sức năng nào để trợ lực lâu dài cả.

Đằng khác, miêu tả Thượng Đế như là vô sự vật (nothing) thì có vẻ như là nói rằng không có Thượng Đế. Tuy nhiên, đối với một Phật tử, điều đó muốn nói rằng chân lý tối hậu không phải là một sự vật, hiểu theo nghĩa đen của từ này. Sự vật là những trạng thái: chúng hiện hiện ẩn ẩn, hợp rồi tan; chúng không có thực thể thật sự, và luôn tùy thuộc vào các sự vật khác.

Nếu là một sự vật, thì Thượng Đế phải là một ảo ảnh. Nhưng nếu chúng ta nói rằng Thượng Đế là vô sự vật, điều đó muốn nói rằng chúng ta vứt bỏ hết đi các định nghĩa và mọi sự vật cũng như mọi trạng thái bất toàn bất hảo. Nếu làm người kitô, thì tôi sẽ nghĩ về Thượng Đế như là vô sự vật, vì quan niệm như thế thì hữu ích hơn là cứ khăng khăng nhìn Thượng Đế qua hình ảnh của một đấng thượng phụ.

  1. Hiện đang có một mối quan tâm ngày càng gia tăng, đối với việc đối thoại giữa người kitô và tín đồ Phật giáo, đặt biệt là tại Anh quốc và Hoa kỳ, và nhất là giữa các giới tu sĩ nam nữ. Vì trong đời tu trì, chúng ta cùng cảm thấy có một sự dấn thân chung. Tôi cảm thấy rằng đây đúng là lúc cần phải mở cuộc đối thoại về tôn giáo, vì chúng ta đang có nhu cầu tìm hiểu lại các hình thức tôn giáo cố cựu để kiếm cách mà tự cải tân chính mình, cũng như để nhờ đó mà thấu hiểu rõ ràng hơn về kinh nghiệm tôn giáo theo chiều kích đại đồng phổ quát, chứ không phải là theo kiểu nhìn tôn phái hẹp hòi.

Đầu óc bè phái là điều rất xấu. Mọi thái độ tiếp tay cho những lập trường chia rẽ thì đều là sai quấy. Còn tình yêu thương là một kinh nghiệm làm cho đoàn kết nên một, và là sở hữu chung của tất cả chúng ta. Dù đó là tình yêu đối với Thượng Đế, hay đối với một người nào đó, hoặc là đối với mọi sự vật, thì vẻ đẹp của nó cũng vẫn là ở chỗ không mảy may kỳ thị. 

[1] Đây là bài viết trích từ tạp chí THE WAY, (1987) tt. 88-100. Bài viết này là bản ghi rút ngắn của cuộc linh mục Roland Walls nói chuyện tại tu viện Phật giáo Amaravati, ở Great Gaddesdon, Hertfordshire, Anh quốc. Cha Roland Walls đã từng làm giáo sư lâu năm tại các đại học Cambridge và Edinburg, Anh quốc. Sau 41 năm làm linh mục Anh giáo, năm 1981, ngài đã được đón nhận vào trong Giáo hội Công giáo, và năm 1983 thì được thụ phong linh mục công giáo. Từ năm 1965 đến nay, ngài là thành viên trong Cộng đoàn đại kết Biến Hình tại Roslin. Lời mở đầu và phần đáp từ là của Đại đức Sumedho, tu viện trưởng Tu viện Phật giáo Tiểu thừa tại Hertfordshire.

[2] Palmer, G.E.H. et al, eds, THE PHILOKALIA, cuốn 1, (London, 1979).

[3] Palmer, G.E.H. et al, eds, THE PHILOKALIA, cuốn 2, (London, 1981) tt. 81 và 83.

[4] Foy, Whitfield: MAN’S RELIGIOUS QUEST (London, 1978), tt. 234 và các tt. sau.