Môn học: Siêu hình học
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Đình Minh Trị, S.J.

 

Có thể nói, bản thể là một khái niệm rất quan trong thế giới triết học. Nhắc tới bản thể, người ta không thể không nhắc tới Aristotle với những câu hỏi như: Bản thể của một vật khả tri là gì? Làm sao nó có thể truyền từ vật này sang vật khác? Nói cách khác, làm sao cây lại sinh ra cây? Tác giả bài viết nỗ lực tìm hiểu khái niệm bản thể của sự vật khả tri bằng việc đặt tư tưởng của Aristotle trong tương quan so sánh với tư tưởng của Teilhard de Chardin.

                                                                                                                                                                                                                                                                     Bản thể là một vấn đề khó khăn ngay cả đối với một vật khả tri. Bản thể của một vật khả tri là gì? Làm sao nó có thể truyền từ vật này sang vật khác? Nói cách khác, làm sao cây lại sinh ra cây? Có thể thấy sự khó khăn ấy qua độ dài và sự phức tạp nơi cuốn thứ 7 (cuốn viết về bản thể của các vật khả tri) trong tác phẩm Metaphysics của Aristotle. Ở đây, tôi chỉ xin giới hạn bài viết ngắn của mình về cách trình bày bản thể được hiểu theo chất thể và mô thể của Aristotle. Thêm nữa, tôi so sánh cùng vấn đề trên theo triết lý khoa học của Teilhard de Chardin. Hy vọng có thể cho thấy những nét nổi bật và gần gũi nhau giữa hai cái nhìn kim cổ này.

Đáng lý ra, tôi nên trình bày song song cả hai tác giả theo từng vấn đề chính. Tuy nhiên, để tránh phức tạp, tôi sẽ trình bày các điểm chính của từng tác giả. Sau đó, tôi mới bắt đầu so sánh và bình luận về từng vấn đề. Trước tiên là Aristotle.

Aristotle

Thật ra, trong các chương của cuốn thứ 7 này, Aristotle đã bắt đầu trình bày vấn đề bản thể được hiểu theo chất thể và mô thể (chương 3 của cuốn 7). Trong đó, Aristotle đã đưa ra những vấn nạn đa chiều trong việc trả lời câu hỏi: “Bản thể là chất thể hay mô thể?”. Câu trả lời được bỏ ngỏ cho ba khả thể: chất thể, mô thể và hợp thể. Theo đó, trong chương 7 và 8 của cuốn 7 này, Aristotle tiếp tục khảo sát khá kỹ về chất thể và mô thể. Có thể nói, đây là hai chương nêu lên lập trường của Aristotle về vấn đề trên.

Chương 7: Cơ sở lý luận về bản thể hiểu theo chất thể và mô thể của Aristotle

Trong chương 7, Aristotle đặt nền tảng cho lý thuyết của ông về bản thể hiểu theo chất thể và mô thể qua các trường hợp của nguyên nhân tác thành đối với một vật. Phương thức tiếp cận của Aristotle cũng giống như phương thức ông đã phân biệt các nghĩa khác nhau khi nói về khái niệm hạnh phúc trong tác phẩm Nicomachean Ethics. Nghĩa là, ông phân tích và làm rõ nghĩa và cách dùng các từ ngữ quan trọng. Ở đây, vấn đề tinh vi và phức tạp hơn so với khái niệm hạnh phúc trong Nicomachean Ethics.

Đầu tiên, để đặt nền tảng cho những nhận định sau này, Aristotle phân biệt ba loại nguyên nhân tác thành của một sự vật: đầu tiên là những gì được tạo nên bởi tự nhiên (ví dụ việc sinh sản thú vật), kế đến là những gì tạo nên bởi kỹ năng (art) (do con người) và cuối cùng là những gì tạo nên do ngẫu nhiên. Ông cũng phân biệt rõ ba thành phần liên quan đến một sự vật: thứ nhất là tác nhân nhờ nó mà một vật nào đó được hình thành, thứ đến là chất thể từ đó mà nó trở nên và cuối cùng là cái-mà-nó-trở-thành (the something which they come to be) (1032a12-14).

Aristotle bắt đầu với những vật có nguyên nhân tác thành tự nhiên. Ông xác định đâu là nguyên nhân chất thể và mô thể của chúng. Tuy nhiên, ở giữa hai nguyên nhân đó, ông lại chèn thêm khẳng định về nguồn gốc của sự vật ban đầu (trước khi sự vật ấy biến đổi thành một bản thể khác) – với lý do sẽ được lý giải ngay sau đoạn này. Trước tiên, về nguyên nhân chất thể, Aristotle khẳng định rằng những gì ngoài cái-mà-nó-trở-thành[1] (trở thành con người, cây cối hay loại gì khác tương tự) là vật chất; thứ đến, ông viết rằng “cái mà nhờ cái-mà-nó-trở-thành là cái gì đó đã tồn tại một cách tự nhiên” (nguồn gốc); cuối cùng, ông nói rằng nguyên nhân mô thể của cái-mà-nó-trở-thành thì chúng ta gọi đó là bản chất (nếu “nó được hình thành bởi tự nhiên hoặc bởi kỹ năng” và phải có chất thể) (1032a 15-22). Tương ứng với ba điểm trên, Aristotle muốn khẳng định lập trường của mình về bản thể. Thứ nhất, chất thể là nền tảng cho các sự sản sinh. Cái sinh ra và cái được sinh ra đều phải là vật chất. Thứ hai, trước khi biến đổi, sự vật ban đầu không phải là một thứ gì xa lạ ở một nơi xa xôi nào đó (như ta thường nói: “từ trên trời rớt xuống”) nhưng nó đã tồn tại một cách tự nhiên. Rõ ràng, Aristotle muốn chống lại các quan niệm cho rằng những sự vật khả giác đang được tạo ra ở những thế giới linh niệm nào đó. Đó cũng là lý do ông muốn xem khẳng định về nguồn gốc này nằm giữa hai nguyên nhân chất thể và mô thể. Cuối cùng, cái-sự-vật-trở-thành của sự-vật-ban-đầu ấy chính là bản chất của sự-vật-sau-khi-biến-đổi.[2]

Câu hỏi đặt ra là: Aristotle phân biệt cách chi li và phức tạp như vậy để làm gì? Câu trả lời là: Aristotle đang cố gắng đi đến việc giải thích vì sao con người lại sinh con người, một thực tại rõ ràng nhưng khó có thể lý luận rành mạch được, ít nhất là trước các vấn nạn trong thời đại của Aristotle (phái hoài nghi và một cách hiểu thái quá về Plato). Một cách cụ thể, có ba vấn nạn Aristotle nhắm đến: Chất thể có vai trò gì? Mô thể hay dạng loại (type) do đâu mà thông truyền được? Và tại sao con người lại sinh ra con người mà không sinh ra một loại khác?

Đầu tiên, Aristotle khẳng định rằng “mỗi loại (con người, cây cối) đều có khả năng hiện hữu hoặc không hiện hữu, và khả năng này là chất thể trong từng loại”[3]. Ở đây, Aristotle khẳng định vai trò của chất thể bằng mệnh đề: các loại (con người, cây cối,…) có khả năng hiện hữu và khả năng ấy phải cần đến một nguyên nhân tiên quyết, đó là chất thể. Aristotle tiếp tục giải thích về sự thông truyền của các loại: “nói chung, các loại ấy mà từ đó chúng được tạo ra đều là tự nhiên, và dạng loại (type) theo đó nó được tạo ra cũng là tự nhiên”[4]. Nghĩa là, các dạng loại được tạo ra hay đúng hơn là được thông truyền một cách tự nhiên, ví dụ, loại cây ổi sinh ra loại cây ổi là do tự nhiên. Cuối cùng, ông giải thích về cái-mà-nó-trở-thành: “điều mà nhờ đó chúng được tạo ra được gọi là tự nhiên ‘mô thức’ (‘formal’ nature), điều giúp nó giống với cái trước cách kỳ lạ”, như việc con người sinh ra con người (1032a23-25). Nói cách khác, con người sinh ra con người là vì con người đã truyền tự nhiên “mô thức” của mình sang cho người con. Tóm lại, Aristotle lý giải hiện tượng con người sinh con người bằng các tiền đề của mình: sự sinh sôi ấy phải đặt nền trên vật chất, dạng loại con người được thông truyền bởi tự nhiên và dạng loại ấy là mô thức.

Còn đối với nguyên nhân tác thành con người, Aristotle phân biệt giữa mô thức thuần tư tưởng và mô thức của chính các sự vật hiện thực. Những thứ mà mô thức của nó nằm ở trong linh hồn (mô thức không vật chất) chỉ là những sản phẩm của suy tư. Những mô thức ấy thậm chí có những sự trái ngược nội tại. Ví dụ như khoẻ mạnh và bệnh tật. Nói như Aristotle, người ta có thể nói rằng người khoẻ mạnh là người thiếu bệnh tật. Khi đó, “khoẻ mạnh là hình dạng trong linh hồn hoặc kiến thức về nó”. Phân tích xa hơn, mô thức khỏe mạnh ấy được tạo nên bởi kết quả của tiến trình suy nghĩ: trước hết phải có một thân thể khỏe mạnh, thân thể ấy phải có thân nhiệt bình thường, từ từ sau một tiến trình suy tư, con người hình thành nên khái niệm/mô thức khỏe mạnh. Điều đó cũng áp dụng tương tự cho khái niệm nhà (trong tư duy). Từ đó, mới có cách nói: sự khỏe mạnh sinh ra từ khỏe mạnh và cái nhà sinh ra từ cái nhà (cái trước là cái không có chất thể và cái sau là cái có chất thể). Như vậy, Aristotle phân biệt một mô thức không chất thể với một mô thức có chất thể (1032a26-b14).

Đối với những sự vật có mô thức với chất thể, Aristotle giải thích một vấn nạn khác: làm thế nào bản chất của nó thay đổi? Ví dụ, làm thế nào một cục đá lại có thể trở thành bức tượng Đavít? Để giải thích việc thay đổi bản chất sau khi được hình thành bởi tiến trình các sự vật ban đầu gom lại (như gom các viên gạch để thành một ngôi nhà), Aristotle dùng thuật từ cái-đó-trở-thành (thaten). “Ví dụ, bức tượng không phải là vàng mà là cái-vàng-trở-thành (golden).” Nó không phải là từ sự thiếu hụt (như từ việc thiếu bệnh tật mà trở thành khoẻ mạnh như đã nói ở trên) vì sự thiếu hụt làm cho nó vô nghĩa. Ví dụ, tập hợp các viên gạch chưa làm nên ngôi nhà. Có một điều khác từ những chất liệu này làm cho một bản chất khác được “trở thành” (1033a5-a23). Ở đây, Aristotle không giải thích rõ làm thế nào hay lúc nào thì nó trở thành một bản thể khác. Sau này, Teilhard de Chardin sẽ giải thích sự thay đổi này là do sự sắp xếp của các cá thể (tôi sẽ khai triển rõ hơn ở phần sau). Ví dụ, các viên gạch sẽ được sắp xếp tới một mức nào đó thì nó sẽ hình thành nên ngôi nhà.

 Có thể nói Aristotle khảo sát khá kỹ hai trường hợp, những gì có tự nhiên và những gì tạo ra bởi con người. Cả hai đều nhắm đến việc Aristotle muốn chứng minh rằng bản thể của một vật không phải là từ những ý thể trong thế giới khả niệm nhập vào chất thể có sẵn.

Chương 8: Điều được sản sinh sau khi làm một vật

Câu hỏi đặt ra là, như vậy, con người có tạo ra mô thể hay các ý niệm khi sắp xếp các viên gạch lại và làm biến đổi bản chất của nó không? (thay vì tạo nên tập hợp các viên gạch thì con người đã tạo nên một cái nhà, như người ta thường nói trong ngôn ngữ đời thường).

Aristotle khẳng định rằng chúng ta không tạo nên chất nền (substratum), nên chúng ta cũng không tạo nên khối cầu. Lý do là vì bất cứ vật gì cũng được sản sinh bởi điều gì đó (nguyên nhân tác thành), và từ một điều gì đó (không phải từ sự thiếu hụt nhưng là từ chất thể), và vì điều gì đó được sản sinh (khối cầu chẳng hạn). Nghĩa là, như Aristotle kết luận rằng, thực ra, “chúng ta chỉ mang mô thể vào trong một vật cụ thể”. Cụ thể hơn, Aristotle nhắc lại rằng mọi người không thể tạo ra điều gì mà không có chất thể (động từ “tạo” ở đây không hiểu theo nghĩa “tạo ra” trong ý nghĩ, nhưng “tạo ra” một thực thể). Tuy nhiên, họ lại dùng từ “tạo ra” mà lại chỉ nhắm đến mô thể. Điều này tạo nên sự lưỡng nghĩa (“tạo ra” một sự . Aristotle cho rằng điều này dẫn đến vòng tiếp diễn vô hạn. Aristotle khẳng định con người không thể sản sinh ra một mô thức hay bản thể, nhưng là sản sinh ra một vật cụ thể đi kèm với tên gọi của nó. Nói cách khác, điều được sản sinh luôn có vật chất hiện diện, vật đó có một phần là vật chất, một phần là mô thể (1033a24-b18).

Như vậy, Mô Thể/Ý Niệm (theo một cách hiểu về Plato) không cần phải có, ít nhất là mô thể được hiểu như là bản thể hay cái-sẽ-trở-thành; vì con người sinh con người hay có thể nói bản tính con người cũng hiện diện nơi người con, chứ không cần một Mô Thể ở trên trời nào đi xuống. Ví dụ, anh A và anh B đều khác nhau về tính cách nhưng đều là người (vì được kế thừa mô thức từ những con người) (1033b26-1034a8).

Tóm lại, Aristotle luôn luôn gắn liền sự sản sinh với chất thể. Từ đó, ông lý giải vì sao mô thể lại có thể được hình thành, mô thể có thể truyền từ vật này sang vật khác. Có một vấn đề đặt ra cho Aristotle là: Cái đẹp thì sao? Tại sao nó hiện diện ở nhiều nơi, nhiều vật? Có phải nó có một Mô Thể chung không? Aristotle cho rằng không vì chẳng phải chúng ta luôn nói rằng phong cảnh này đẹp, bức tranh này đẹp chứ không chỉ là một cái đẹp thuần cái đẹp thôi sao. Nhưng âm nhạc thì thế nào? Nó đâu có chất thể gì đâu. Đây là một câu trả lời khó đối với Aristotle, nhưng cũng có thể trả lời được phần nào. Âm nhạc là sự dao động của các nhạc cụ dây hoặc là sự chuyển động hơi của khí nhạc như sáo. Khoa học hiện đại có thể trả lời rõ hơn câu hỏi ấy. Âm nhạc là do sự dao thoa của không khí, nó vẫn gắn liền với vật chất. Đến đây cũng là điểm nối để khai triển tư tưởng triết lý khoa học của Chardin.

Teilhard de Chardin

Chardin là một nhà nhân học. Trong cuốn Hiện tượng con người của mình ông đã dùng phương pháp hiện tượng để xem xét sự tiến hóa. Trong phần đầu của cuốn sách, ông đề cập đến vật chất và các đặc tính của chúng qua việc xem xét các hiện tượng khoa học. Tuy dùng khoa học để xem xét vật chất nhưng cách nhìn nhận ấy của ông cũng giúp ích nhiều cho suy tư siêu hình về bản thể, cách riêng đối với câu hỏi: “Bản thể là chất thể, mô thể hay là hỗn hợp của cả hai?” Một cách cụ thể, qua hiện tượng vật chất cơ bản (các hạt nguyên tố), ông thấy rằng vật chất có những đặc tính: đa nguyên, thống nhất và năng lượng (vì giới hạn của bài viết nên người viết không đề cập đến đặc tính thứ ba này).[5]

Tính đa nguyên[6]

Con người có thể cảm nhận được tính đa nguyên này trong những hoàn cảnh đời thường như mọi người thường nói: “con người từ cát bụi sẽ trở về cát bụi.” Ở cấp độ nhỏ hơn, ta cũng thấy được điều đó ngay cả đối với các nguyên tử. Các nguyên tử bây giờ không còn được miêu tả một cách trực giác rằng nó là bất khả phân chia nữa. Với công nghệ tân tiến hiện nay, các nhà khoa học đã khám ra rằng các nguyên tử được hình thành từ những hạt cơ bản khác chuyển động không ngừng trong một vùng không gian nhất định. Họ vẫn chưa tìm được điểm nhỏ nhất của vật chất.

Tính thống nhất[7]

Tính thống nhất này vẫn được nhận thấy rõ ngay cả khi giảm thiểu đến các phần tử nhỏ nhất. Các nguyên tử mặc dù được hình thành từ các electron chạy hỗn độn xung quanh một hạt nhân, nhưng “cái hình dạng” (formula) vẫn được nhận ra khi ở một khoảng cách đủ xa. Kỳ lạ thay, hình dạng từ sự vô định của các electron ấy lại cho ta thấy cái phổ quát hay thống nhất của các nguyên tử khác cùng loại ấy.

Chardin kết luận rằng cái phổ biến nằm dưới cái cá biệt.[8] Câu khẳng định này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả phức tạp trong cái nhìn về vật chất, sự sống, vũ trụ và sự tiến hóa. Nhưng trong bài viết ngắn này, tôi chỉ dừng lại ở việc giải thích thông qua hai thành phần của vật chất để liên hệ đến cái nhìn của Aristotle về bản thể.

Câu trả lời của Aristotle về bản thể cũng phần nào được tìm thấy trong cách nhìn này. Bản chất của vật chất là hợp thể của chất thể và mô thể. Các nguyên tố được cho giống nhau nhưng thực sự vẫn khác nhau nơi các chuyển động của electron. Ngược lại, từ sự đa nguyên của vật chất mà nó vẫn thể hiện một mô thể chung cách lạ kỳ. Điều này có thể được loại suy ra đối với các hình thức sống cao hơn và nó cũng được Chardin triển khai trong những phần sau của mình. Con người chẳng hạn, mặc dù thành phần vật chất của các bộ phận, hình dạng và ngay cả tính tình đều khác nhau (tính đa nguyên), nhưng ở một “khoảng cách” đủ xa nào đó vẫn thấy có sự đồng nhất về tính người của các cá thể khác nhau đó (tính thống nhất).

Cách sắp xếp chính là câu trả lời cho những vấn nạn của Aristotle đưa ra (đối với Teilhard de Chardin).  Như vậy, con người không tạo ra các mô thức hay ý niệm. Các mô thức được hình thành từ sự sắp xếp nội tại của chính sự vật (dù là do tác động của con người hay một cách tự nhiên). Ví dụ, một căn nhà được hình thành chính là nhờ cách sắp xếp của các viên gạch. Sự sắp xếp ấy vừa có tính đa tạp vừa có tính thống nhất. Nó phải có tính thống nhất vì phải đáp ứng một mức tới hạn nào đó. Cũng với ngôi nhà ở trên nó phải được sắp xếp tới một mức nào đó mới được gọi là ngôi nhà.[9] Vừa có tính đa tạp, như ví dụ về ngôi nhà ở trên, các ngôi nhà không giống nhau về hình dạng, kiểu dáng và ngay cả một vài chức năng riêng biệt nào đó (nhà để xe, nhà kho, nhà để ở).

Aristotle đã phân biệt rõ những gì tạo nên bởi tự nhiên và bởi sự ngẫu nhiên. Tuy nhiên, Chardin đã thống nhất các tác nhân này lại bằng một khái niệm ý thức. Đối với ông, vật chất cũng có ý thức. Ý thức để trở nên phát triển hơn, tinh vi hơn hay tiến hóa hơn.[10] Ví dụ, một vài nguyên tử sẽ có xu hướng kết hợp lại với nhau để tạo nên một hợp chất phức hợp cao cấp hơn các nguyên tử riêng rẽ nhờ sự sắp xếp thích hợp của chúng.[11] Dần dần, sự sắp xếp ấy càng tinh vi hơn và cao hơn.

Như vậy, giữa Aristotle và Chardin có những sự giống nhau kỳ lạ: chất thể và mô thể không thể tách rời trong một vật cụ thể, chúng đều được hình thành cách tự nhiên chứ không phải từ một thế giới nào khác. Tuy nhiên, nơi Chardin cũng có những điểm khác: tất nhiên, lý thuyết của ông dựa vào các dữ kiện khoa học thực chứng; còn Aristotle dựa vào quan sát và trực giác để đưa ra giả thuyết cho mình. Những điểm khác nhau này có thể nói là phương thức tiếp cận nhưng cơ bản họ vẫn giống nhau, như người ta thường nói, “tư tưởng lớn gặp nhau”.

Tóm lại, đối với hai tác giả trên, bản chất của một vật phải là hợp thể của cả mô thể và chất thể. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả theo sau. Chất thể phải là điều kiện tiên quyết để nói về sự tồn tại của một sự vật khả tri. Mô thể được hình thành các tự nhiên và gắn liền với chất thể. Mô thể chính là hình thức chuyển tải của các sự vật.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chardin, P. T (2014). Hiện tượng con người (Bùi Văn Nam Sơn, Ed., & Đặng Xuân Thảo, Trans.) Hà Nội: Nhà xuất bản Tri Thức.

Ross, W. D. Metaphysics.

 

[1] “that out of which they come to be is what we call matter.” – Người viết xin nối cụm từ này (và một vài cụm từ khác ở sau) lại bằng các gạch nối để phân biệt với các thành phần khác trong câu và tránh những nhầm lẫn.

[2] Người viết gạch nối để phân biệt hai cụm danh từ khác nhau.

[3] “for each of them is capable both of being and of not being, and this capacity is the matter in each”

[4] “in general, both that from which they are produced is nature, and the type according to which they are produced is nature.”

[5] Chardin, Pierre Teilhard de, Hiện tượng con người, dịch bởi Đặng Xuân Thảo, hiệu đính bởi Bùi Văn Nam Sơn, (Hà Nội: Nhà xuất bản Tri Thức, 2014), 39.

[6] Chardin, 39-40.

[7] Chardin, 40-43.

[8] Chardin, 68.

[9] Chardin, 52-55.

[10] Chardin, 63-65.

[11] Chardin, 54.