File PDF

TỔNG QUAN SÁCH GIẢNG VIÊN

Sách Giảng Viên phản ánh sự khắc khoải tìm kiếm sự khôn ngoan và cùng đích cuộc sống của con người. Trong tác phẩm, tác giả diễn tả những trăn trở mang tính hiện sinh dưới dạng suy tư chứ không qua những lời cầu nguyện, hay những lời phán truyền của Thiên Chúa như trong sách Gióp và các Thánh Vịnh.

Ngay từ câu đầu tiên, sách đã giới thiệu “Đây là lời ông Cô-he-lét, làm vua ngự tại Giê-su-sa-lem. Ông là con vua Đa-vít” (Gv 1,1). Theo đó, truyền thống vẫn xác định tác giả là vua Sa-lô-môn. Tuy nhiên, trong thế kỷ gần đây, nhận định này không còn được ủng hộ; bởi lẽ, trong tác phẩm không có bất cứ chỗ nào tác giả minh nhiên tự xác nhận là vua Sa-lô-môn; trái lại, có đoạn còn công kích vai trò của những bậc quân vương: “Tôi thấy dưới ánh mặt trời: có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử” (Gv 3, 16). Mặt khác, theo nguyên ngữ Do-thái, “Cô-he-lét” là một danh từ giống cái, nhằm chỉ nghề nghiệp hoặc chức vụ, chứ không nhắm đến một danh xưng cụ thể. Như vậy, hạn từ “Cô-he-lét” có thể được hiểu ở hai khía cạnh: về khía cạnh tri thức, từ này chỉ một bậc thầy qui tụ các môn sinh để khuyên răn, dạy dỗ; về khía cạnh đạo giáo, đây có thể là một kinh sư chủ tọa một cộng đoàn. Trong bối cảnh Do Thái Giáo, nơi tác giả sách Giảng Viên có thể hội tụ cả hai vai trò trên, như ở cuối sách xác định: “Ông Cô-he-lét không những là một bậc thánh hiền, nhưng còn là một vị tôn sư dạy cho dân hiểu biết (Gv 12,9).  Những nỗ lực tìm tòi, học hỏi và truyền đạt của ông nhằm giúp những người thụ giáo tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực, và tăng trưởng trong đời sống đạo giáo.

Theo các nhà chú giải, sách Giảng Viên được sáng tác vào khoảng thế kỷ III trCN, thời mà văn hóa Ít-ra-en bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa ngoại lai, nhất là của Hy-lạp. Nét độc đáo của sách Giảng Viên hệ tại ở điểm biết nhìn nhận các giá trị truyền thống của Ít-ra-en và những tiến bộ của nền minh triết Hy Lạp trong sự quân bình và óc phê phán. Tác giả không dễ dàng chấp nhận các giải pháp chóng qua của thế giới này, ông đả kích khuynh hướng cho rằng con người có thể đạt được hạnh phúc duy chỉ nhờ nỗ lực hay khả năng biết suy biết của bản thân.

Những nghi vấn về sự thống nhất của tác phẩm hay về tính chính thống của những tư tưởng trong Giảng Viên có thể được giải đáp khi lưu tâm đến những ưu tư và cách lập luận đầy tính hiện sinh của tác phẩm. Thật vậy, đọc tác phẩm trong sự trọn vẹn của văn mạch và ý thức lối tiếp cận hiện sinh của tác giả làm sáng lên các sứ điệp tích cực của sách Giảng Viên. Trước hết, hạn từ “phù vân” được dùng đến 38 lần trong tác phẩm, chiếm hơn một nửa tổng số lần xuất hiện trong toàn bộ Kinh Thánh. Trong truyền thống Thánh Kinh, nghĩa cơ bản của hạn từ này là “hơi nước” hay “hơi thở”; tức những gì mong manh, chóng qua; do đó, thường gắn với các hình ảnh như “mây, khói, gió”. Tất cả đều là những thực tại nằm ngoài sự quyết định và khả năng nắm giữ của con người. Như vậy, với ánh nhìn thực tiễn, tác giả giúp người đọc xác tín về sự mong manh của phận người và sự chóng qua của các thực tại trần thế.  Điều này không làm con người sống trong bi quan, trái lại, nhắc nhớ rằng, mỗi yếu tố cấu thành nên cuộc sống là một ơn ban cần được trân trọng và cảm nếm trọn vẹn vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ Thiên Chúa ban cho (Gv 2,24). Kế đến, chính sự chóng qua của các thực tại trần thế cũng giúp ý thức hơn rằng, sự vững bền và tốt lành chỉ có nơi Thiên Chúa. Điều này giúp con người sống lòng biết ơn, tâm tình kính sợ Thiên Chúa, niềm an vui trước những tặng ân và thái độ đón nhận những gì không thể hiểu thấu. Như vậy, để nhìn đúng về sách Giảng Viên cần vượt qua ấn tượng ban đầu với câu nói quen thuộc: “Tất cả là phù vân!”. Dù tác giả cảm nhận sâu sắc và diễn tả cách đặc biệt về sự chóng qua của mọi sự, vẫn có nơi ông một niềm khao khát sự tuyệt đối, một sự cổ võ vô điều kiện cho hạnh phúc, mà ông ý thức qua những niềm vui đơn sơ hằng ngày như những món quà đích thực của Thiên Chúa.

Tóm lại, sách Giảng Viên có một cách nhìn và diễn tả về thực tại rất độc đáo. Nỗi ưu tư chính yếu của Cô-he-lét là đi tìm chân lý hiện sinh chứ không phải một chân lý của sự suy luận thuần túy. Điệp khúc “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự chỉ là phù vân” được lặp lại nhiều lần, “thoạt đầu xem ra là một phủ định bi quan tiêu cực, lại mời gọi đến một niềm tin và một niềm hy vọng sống động, lạc quan và tích cực, dẫu rằng niềm tin và niềm hy vọng đó còn cần phải được Đức Ki-tô soi chiếu” (KT trọn bộ, 2011).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *