File PDF

SÁCH HUẤN CA

Trong quy điển Công Giáo, Huấn Ca là quyển cuối cùng trong khối Các sách Giáo huấn. Tên gọi Huấn Ca nhằm nhấn mạnh nội dung giàu tính giáo huấn về nhân bản cũng như tâm linh mà sách cống hiến.

Ngoài các sách Ngôn sứ, Huấn Ca là quyển duy nhất trong bộ Cựu Ước có ghi tên và thân thế của tác giả thật rõ ràng: “Cuốn sách này ghi lại một giáo huấn đầy khôn ngoan và hiểu biết của ông Giê-su, con ông Xi-ra, cháu ông E-la-da, người thành Giê-ru-sa-lem” (Hc 50,27). Chính vì thế, trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, sách được gọi với tên “Sự khôn ngoan của ông Giê-su, con ông Xi-ra” hay chỉ ngắn gọn “Sự khôn ngoan của ông Xi-ra”. Theo nội dung của sách, tác giả là một kinh sư ở thánh đô Giê-ru-sa-lem, một người trung thành tuân giữ luật Luật Mô-sê và nhiệt thành truyền đạt kinh nghiệm đạo cũng như đời cho người khác, nhất là cho những người trẻ. Với niềm đam mê khám phá, ông không ngừng học hỏi những điều mới, du hành đến những vùng đất lạ để vun trồng kinh nghiệm cho bản thân cũng như mở rộng tầm nhìn giáo dục. Đời thường của ông cũng là mẫu gương cho nhiều người: ông tinh tế chọn người bạn đời và để tâm nuôi dạy con cháu. Chính một người cháu nội của Ben Xi-ra đã đánh giá cao và quyết tâm chuyển dịch tác phẩm của ông ra tiếng Hy Lạp vào năm 132 trCN. Bản gốc Do Thái có lẽ được viết khoảng năm mươi năm trước đó. Cho đến thế kỷ IV, thánh Giê-rô-ni-mô vẫn có thể tiếp cận sách Huấn Ca bằng nguyên ngữ, nhưng rồi bản văn này bị thất lạc cho đến mãi cuối thế kỷ XIX. Đến nay, nhờ những khám phá của khảo cổ học tại Cai-rô, Cum-ran và Ma-sa-da, hai phần ba bản Híp-ri đã được tìm thấy.

Lời Tựa trong bản dịch Hy Lạp cho thấy Ben Xira ước muốn ghi lại các giáo huấn của mình là do tình hình chính trị – tôn giáo thúc đẩy và trực giác giáo dục chỉ bảo. Thật vậy, trong bối cảnh dân Ít-ra-en có nguy cơ bị mất căn tính bởi trào lưu Hy-Lạp hóa, Ben Xi-ra viết tác phẩm nhằm bảo vệ gia sản tôn giáo và văn hóa của dân tộc. Vì thế, độc giả chính mà ông hướng đến là những người Do Thái, đồng bào máu thịt của ông.

Sách Huấn Ca có thể được xem là tập hợp những lời hoặc những bài giáo huấn với nhiều đề tài khác nhau được thực hiện, thoạt đầu đầu với hình thức truyền khẩu; sau đó, được đúc kết thành văn dưới dạng các châm ngôn và diễn từ. Sách được sắp xếp theo đề tài chứ không theo một thứ tự nhất định. Cách đơn giản, nội dung sách Huấn Ca thường được chia làm bốn phần. Mở đầu là lời tựa của dịch giả, phần này không được tính vào quy điển nhưng cống hiến những thông tin quan trọng về nguồn gốc, bối cảnh, ý hướng của bản văn gốc Híp-ri lẫn bản dịch Hy Lạp. Kế đến là hai khối lớn của tác phẩm. Gần như 42 chương đầu là tập hợp những giáo huấn về các đề tài thiết thực trong cuộc sống với trọng tâm là bài ca ngợi Đức Khôn Ngoan trong chương 24. Phần còn lại cho đến chương 50 là những suy tư về công trình của Thiên Chúa trong thiên nhiên và lịch sử, cách riêng qua các bậc vĩ nhân của It-ra-en. Chương 51, phần thứ tư của sách, được xem là phụ trương gồm một thánh thi tạ ơn và lời mời gọi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan. Như một chỉ định cụ thể về quyền tác giả, sách kết lại với những lời thật rõ ràng: “Đó là lời khôn ngoan của ông Giê-su, con ông Xi-ra” (Hc 51,30c).

Cùng với độ dài, Sách Huấn Ca chất chứa một độ dày thần học và độ sâu của những lời mời gọi sống. Trước hết, có thể nói Huấn Ca là một tác phẩm tiêu biểu cho sự thức thời của nền văn chương khôn ngoan Thánh Kinh. Trước sự lôi kéo của những trào lưu văn hóa và triết thuyết Hy Lạp, tác giả không những cho thấy tính vĩnh hằng của Đức Khôn Ngoan mà còn đồng hóa Đức Khôn Ngoan với Lề Luật. Chính vì thế, người khôn ngoan là người biết kính tôn Thiên Chúa và trung thành tuân giữ Lề Luật của Người. Kế đến, Sách Huấn Ca trình bày diện mạo của một Thiên Chúa toàn năng trong sáng tạo, toàn tri trong việc vận hành vũ hoàn và toàn ái trong tương quan với mỗi người, đến độ từng người có thể thân thương thốt lên “Lạy Đức Chúa là Cha và là Chúa Tể đời con” (Hc 23,1). Dù rằng trong Huấn Ca, việc thưởng phạt chỉ mới được nhìn trong giới hạn của cuộc sống nơi trần thế, nhưng tác phẩm diễn tả một nỗ lực giải thích về tự do con người và nguồn gốc của cái ác. Theo đó, cái ác không bao giờ đến từ Thiên Chúa, ai thuộc về Người cũng cần biết dùng tự do mà lánh xa sự tội và sự dữ: “Mọi điều kinh tởm, Đức Chúa đều gớm ghê, và những kẻ kính sợ Người cũng không ưa chuộng” (Hc 15,13).

Có thể nói, dù không thuộc quy điển Sách Thánh của Do Thái Giáo, cũng như từng bị đặt vấn đề do sự non trẻ về niên đại và sự phức tạp của việc lưu truyền bản văn,  sách Huấn Ca đã góp phần “nuôi dưỡng truyền thống Do-thái và, từ hai ngàn năm qua, đã cung cấp nhiều đề tài suy gẫm và cầu nguyện cho giới Ki-tô hữu” (Kinh Thánh 2011).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *