(Bức họa Creazione di Adamo của Michelangelo tại nhà nguyện Sistina. St. Internet)

Bài viết môn: Triết học Thần học

Học viên: Đaminh Phan Văn Quỳnh, S.J.

Giáo sư: Giuse Vũ Kim Chính, S.J.

Bài viết là một dịp để đào sâu quan điểm về sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi C.R.Darwin qua tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài của ông. Theo tác giả bài viết, đã có một bước chuyển nơi Darwin, từ một người đặt niềm tin vào Thiên Chúa đến một người mang thái độ “bất khả tri”. Tại sao vậy? Chúng ta đã hiểu đúng về Darwin? Hay Darwin đã hiểu đúng về đức tin? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết: “Luận cứ về Thiên Chúa hiện hữu dưới góc nhìn của quy luật Chọn lọc tự nhiên.”

       Dẫn nhập

Nan đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa xưa nay vẫn là chủ đề được quan tâm và đem ra thảo luận rất nhiều trong dòng chảy Triết học. Có khi người ta phải vận dụng hết khả năng để tìm hiểu và nói về Thiên Chúa, rồi ngay sau đó phải phủ định điều mình đã nói, và cuối cùng bước vào sự thinh lặng với thái độ của chiêm niệm, thờ lạy, van vỉ trong đức tin[1] – thái độ ấy ắt gắn với tiền đề rằng Thiên Chúa hiện hữu. Có khi người ta phủ nhận thẳng thắn sự hiện hữu của Ngài. Và có khi, người ta cho rằng chủ đề này như một mầu nhiệm, mà trí khôn con người có giới hạn, vậy nên họ ở lại trong thái độ bất khả tri. Thái độ thứ ba thuộc về Charles Robert Darwin.[2] Darwin vốn là người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng sắp xếp và điều khiển mọi sự trong vũ trụ, bởi mọi vận hành, tiến triển của muôn loài trong đó kỳ diệu đến nỗi người ta không thể cho rằng chúng do một định mệnh mù quáng nào đó làm ra (ngay lúc còn đang viết cuốn Nguồn Gốc Các Loài, ông vẫn tin vậy).[3] Thế nhưng tại sao về sau, ông lại mang thái độ bất khả tri? Từ cuốn Tự Truyện của Darwin, độc giả có thể khám phá ra rằng quy luật về sự chọn lọc tự nhiên[4] (QL-CLTN) đã dẫn ông đến thái độ này.[5] Như thế, trước khi bàn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, trước khi đối thoại với Darwin về vấn đề này, ta cần hiểu về QL-CLTN vốn được trình bày kỹ lưỡng trong Nguồn Gốc Các Loài của ông.

1. Quy luật chọn lọc tự nhiên theo Darwin

Khi ra đời, Nguồn Gốc Các Loài[6] với học thuyết về QL-CLTN của Darwin đã làm đảo lộn tư duy của thế giới trong nhiều lãnh vực,[7] trong đó có lịch sử tôn giáo, bởi lẽ nó thay thế lối cắt nghĩa thế giới theo mục đích luận và thần học bằng những nguyên nhân tự nhiên vốn hoạt động cách tình cờ ngẫu nhiên (biến dị di truyền và chọn lọc).[8] Thuyết này đã gây ra nhiều tranh cãi nảy lửa, đặc biệt là giữa khoa học và tôn giáo[9], về sự hiện hiện của một Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ. Tuy nhiên, thuyết ấy là gì? Trước tiên, người viết xin trình bày đôi nét chấm phá về thuyết ấy.

Về chọn lọc tự nhiên (CLTN), Darwin cho rằng đây là nguyên nhân chính (nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất) cho sự biến đổi của các loài sinh vật.[10] CLTN thực chất là việc bảo tồn và di truyền những biến dị có lợi; từ chối những biến dị có hại cho sự tồn tại và phát triển của sinh vật.[11] Ví dụ những con côn trùng ăn lá cây thì có màu xanh, ăn vỏ cây có màu xám lốm đốm; gà gô xám ở vùng núi cao có màu lông trắng trong mùa đông, v.v.[12] Darwin tin rằng, qua CLTN hay qua việc thích nghi với môi trường sống, những loài sinh vật kể trên dần lưu trữ những biến dị về màu thân thể, giúp chúng thoát khỏi sự phát hiện của những loài săn mồi khác. Chính biến dị có lợi này giúp chúng có nhiều cơ hội sống sót và phát triển hơn.

Khi được hỏi về khả năng mở rộng của học thuyết về sự biến đổi của các loài (người viết hiểu là QL-CLTN), Darwin dường như đã lùi về quá khứ, đeo cho mình lăng kính của QL-CLTN, để quan sát một quá trình bao gồm những biến dị dẫn đến biến chủng của các loài nhằm thích nghi với điều kiện sống, để rồi đưa ra suy luận rằng “tất cả động vật và thực vật có nguồn gốc từ một vài nguyên mẫu.”[13] Đến đây, người ta có thể hiểu được sức mạnh của QL-CLTN như Darwin mô tả: “Bà chúa tự nhiên có thể tác động lên từng nội tạng, lên từng sắc thái của sự khác biệt về thể tạng, lên toàn bộ bộ máy của cuộc sống”[14] và qua chọn lọc, bà chúa ấy “đặt sinh vật trong điều kiện sống thích hợp nhất.”[15] Bên cạnh đó, cuối phần kết luận của Nguồn Gốc Các Loài, Darwin dẫn độc giả của mình đến một quan điểm về sự tiến hóa mang tính mở rộng và ngày càng phong phú các loài, bởi nó “đã và đang tiến triển,”[16] nghĩa là nó chưa dừng lại cho một mục đích ấn định và bất biến.

Nói chung, ẩn sau QL-CLTN, Darwin muốn nói đến những biến dị của các loài sao cho thích nghi với điều kiện của tự nhiên, nhờ đó bảo tồn và phát triển được giống nòi. Sâu xa hơn, quy luật này cho phép ông khẳng định về nguồn gốc chung của các loài, và sự biến đổi tiệm tiến của chúng qua thời gian. Và như thế, ông phủ định lý thuyết cho rằng các loài được tạo dựng cách độc lập và bất biến.[17] Đồng thời, ông hướng đến việc giải thích thế giới bằng QL-CLTN, thay vì mục đích luận và thần học như lối nhìn phổ biến trong thời đại ông sống.

2. Luận cứ về sự hiện hữu của Thiên Chúa dưới góc nhìn của quy luật chọn lọc tự nhiên

Trong Tự Truyện của mình, Darwin nói đến ba luận cứ vốn được xem là phổ biến trong tư tưởng Châu Âu lúc đó, nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, và lần lượt khẳng định tính không chắc chắn của từng luận cứ: [18] Luận cứ thứ nhất nại đến lòng thâm tín nội tâm sâu thẳm và từ những điều đa số người tin. Cụ thể là người ta nhận thấy từ sâu thẳm nội tâm con người, họ hướng về một Đấng Tối Cao, họ xác tín vào sự hiện hữu của Ngài. Và trong cảm thức đó, người ta không thể không khẳng định rằng Ngài hiện hữu. Luận cứ thứ hai nại đến cảm nghiệm thán phục, kinh ngạc trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tâm trạng ấy, cảm nghiệm ấy cũng dẫn con người đến niềm tin vào sự hiện hữu của Ngài. Luận cứ thứ ba dẫn người ta về với một đệ nhất nguyên nhân. Khi nhìn vào vũ trụ kỳ lạ, trong đó có cả con người, một hữu thể có khả năng trở về quá khứ cũng như hướng tới tương lai, người ta không thể nghĩ rằng những điều ấy chỉ do ngẫu nhiên mà ra. Nó phải do một đệ nhất nguyên nhân, một cách nào đó phải có trí thông minh tương tự như con người, mà ra. Thực ra đó là suy luận của triết gia Aristotle mà Thomas Aquinas sau này vận dụng để nói về Thiên Chúa.

Sau khi khám phá ra QL-CLTN một thời gian, niềm tin của Darwin vào sự hiện hữu Thiên Chúa dần trở nên mờ nhạt. Trong năm năm chu du thế giới (1831-1836), ông nhận thấy người Ấn Giáo và Hồi Giáo và những người khác có thể công nhận cùng một phương thức, một sức mạnh không kém sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất hoặc nhiều thần minh, trong khi những người theo Phật Giáo lại ghi nhận sự vắng mặt của Thần thánh.[19] Một số bộ lạc đơn sơ khác rõ ràng không tin vào Đấng mà người ta thường gọi là Thiên Chúa, ngoại trừ niềm tin vào quỷ thần, hồn ma. Với kinh nghiệm này, luận cứ thứ nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa xem ra không còn đáng tin cậy nữa. Về luận cứ thứ hai, tâm trạng thán phục ngỡ ngàng trước thiên nhiên hùng vĩ: Darwin viết trong nhật ký của mình về những cảm nghiệm khi ông đứng trước những khu rừng hùng vĩ ở Brasil về tâm tình cao siêu như cám giác kinh ngạc, thán phục và thành kính ngập tràn, nâng cao tâm hồn.[20] Cảm nghiệm ấy đã từng gợi lên trong ông tâm trạng gắn kết chặt chẽ với niềm tin vào một Thiên Chúa, nhưng về sau, cái nó dẫn phai nhạt, và rồi ông thấy nó chỉ là khả năng cảm nhận cái cao siêu, giống việc cảm nhận những tâm tình mãnh liệt nhưng mơ hồ do âm nhạc khơi lên.[21]

Nói chung, luận cứ thứ nhất và thứ hai về Thiên Chúa hiện hữu không còn tương thích với kinh nghiệm của Darwin nữa. Riêng về luận cứ thứ ba, ông tỏ ra thận trong hơn trong việc suy xét. Và nếu nói học thuyết CLTN đã khiến ông cảm thấy bấp bênh với niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì thiết tưởng sẽ là hữu ích nhất nêu ta hiểu ông đang nói về niềm tin mà luận cứ thứ ba này mang lại cho con người. Vì thế, tiếp theo đây, người viết sẽ tìm hiểu xem QL-CLTN đã tác động lên niềm tin mà luận cứ thứ ba đem lại cho con người như thế nào, và nó dẫn đến quan niệm gì?

Từ luận cứ thứ ba, người ta có thể suy ra hai điều như sau: Suy luận đầu tiên là phải có một Đấng nào đó tạo dưng muôn loài. Trong luận cứ thứ ba, trước vũ trụ vận hành kỳ vĩ, và trước con người có khả năng trở về quá khứ và hướng tới tương lai, trước những điều lớn lao có trật tự lạ lùng như thế, ắt người phải tin rằng những điều đó do một lý trí nào tạo ra. Từ đó người ta tiếp tục suy luận và rồi tin rằng có một đệ nhất nguyên nhân hay một Đấng tạo ra vạn vật, trong đó có chúng ta và chúng ta được chia sẻ trí khôn của Ngài. Suy luận thứ hai là các loài được dựng lên một lúc và bất biến. Có lẽ do ảnh hưởng của Sách Sáng Thế trong Kinh Thánh Cựu Ước, khi nghĩ đến công trình sáng tạo, người ta nghĩ đến việc muôn loài do Thiên Chúa tạo dựng một lần, bất biến, và có mục đích cụ thể. Thực ra đó cũng là niềm tin của các nhà khoa học, sinh vật học lúc đó.[22]

Tuy nhiên, về suy luận thứ nhất, qua quan sát và với hiểu biết về QL-CLTN, Darwin thấy điều này: “cái trí tuệ của con người mà theo tôi quan niệm nó bắt đầu phát triển từ một trí tuệ không khác gì trí tuệ của giống vật hạ đẳng nhất,”[23] hiểu được là không nhất thiết một trí khôn từ trên (từ Đấng siêu việt) chia sẻ xuống, nhưng trí khôn có thể từ dưới phát triển lên trên. Về suy luận thứ hai, rằng mọi vật được dựng lên bất biến, Darwin khẳng định rằng, như đã nói ở trên, muôn loài muôn vật trong thế giới không ngừng tích lũy những biến dị có lợi, đào thải những biến dị có hại cho việc thích nghi với môi trường sống của chúng. Và theo quan sát của ông, rõ ràng các loài vẫn đang không ngừng biến đổi cách ngẫu nhiên, tùy thuộc vào tự nhiên. Cũng nhờ QL-CLTN, Darwin đã suy luận rằng mọi loài trong thế giới có chung nguồn gốc nguyên thủy nào đó. Và như thế, không có chuyện các loài được tạo nên bất biến, và hướng về một mục đích có sẵn. Darwin cũng “không bao giờ tin rằng sự phát triển của sự sống có thể quy về một định luật bất biến nào cả.”[24]

Như thế, dưới lăng kính của QL-CLTN, cả hai suy luận rút ra từ luận cứ thứ ba đều không còn chắc chắn. Và với sự không chắc chắn này, thái độ của Darwin là bất khả tri. Ông không khẳng định rằng có một Thiên Chúa hiện hữu, hay không có một Thiên Chúa. Ông xếp chuyện mầu nhiệm về khởi nguyên của vạn vật, về Thiên Chúa vào chuyện con người không thể lý giải được và ông nói rằng “về phần tôi, được an phận với thái độ bất khả tri là tôi đã lấy làm hài lòng rồi.”[25]

3. Đối thoại với Darwin

Sau khi tìm hiểu về QL-CLTN của Darwin, và đã nhìn nhận những tác động lớn lao của thuyết ấy đến quan điểm của ông về vấn đề luận cứ lý giải sự hiện hữu của Thiên Chúa, đến đây, người viết cũng muốn đưa ra những suy nghĩ của cá nhân, như một góp phần nho nhỏ vào việc lắng nghe đối thoại với nhà sinh vật học trứ danh Charles Robert Darwin.

Trước tiên, người viết nhận thấy những đóng góp đáng kể của Darwin cho vấn đề suy tư về sự hiện hữu của Thiên Chúa.[26] Với cái nhìn hạn hẹp của mình, người viết mới chỉ nhận ra hai đóng góp cơ bản của Darwin cho những bàn luận về tôn giáo như sau: Thứ nhất, những khám phá của Darwin, người ta phải đặt lại vấn đề về cách tiếp cận sách Sáng Thế; Thứ hai, chính học thuyết của Darwin, phần nào vừa là gợi hứng, vừa góp thêm những cơ sở cho những suy tư sâu hơn về Thiên Chúa.

Về việc đặt lại vấn đề trong cách hiểu sách Sáng Thế: Đối với Stephen Hawking, “Sách Nguồn gốc các chủng loại của Darwin ra đời, dư luận đương thời gọi đây là một đại họa, như tiếng “sét nổ ngang tai”, vì nếu thuyết của Darwin đúng thì chuyện Sáng thế ký trong Kinh thánh của Cơ đốc giáo là không thể chấp nhận được nữa.”[27] Quả thế, trong chương 1-2, sách Sáng Thế, nếu hiểu theo nghĩa đen, người ta thấy Thiên Chúa tạo dựng muôn loài và con người trong sáu ngày. Trong câu chuyện ấy, muôn loài được tạo dựng một lượt, trong khoảng thời gian nhất định, và đã hoàn thành.[28] Tuy nhiên, đối với quan điểm hiện đại, đặc biệt sau khi thuyết của Darwin ra đời, người ta dần hiểu câu chuyện trong sách Sáng Thế chỉ là cách nói ẩn dụ nhằm giải thích niềm tin rằng muôn loài, bao gồm con người, được Thiên Chúa tạo thành mà thôi. Nó không phải là một bản văn tường thuật mang tính chất lịch sử. Có thể nói chính nhờ sự xuất hiện của học thuyết tiến hóa theo QL-CLTN mà các tôn giáo sử dụng sách Sáng Thế đã phải xem lại cách đọc và hiểu sách này, và cả toàn bộ Kinh Thánh của mình.

Về việc phát triển học thuyết tiến hóa qua QL-CLTN của Darwin nơi Teilhard de Chardin, một tu sĩ Dòng Tên, thuộc Giáo hội Công Giáo La Mã: Có một điểm tương đồng giữa hai khoa học gia này là họ phủ nhận lối giải thích thế giới bằng mục đích luận. Nếu với mục đích luận, người ta cho rằng muôn loài muôn vật được tạo thành bất biến, không có sự chuyển dịch về cấu trúc sinh học, thì trong lý thuyết của mình, cả Darwin và Chardin, đều phủ nhận.[29] Bởi qua khảo cứu cổ sinh vật và qua quan sát, hai khoa học gia này thấy rõ những biến đổi về vật chất và cấu trúc sinh học hầu thích nghi với môi trường sống. Tuy nhiên, nếu như Darwin cho rằng những biến đổi đó hoàn toàn theo quy luật tự nhiên, mà có nhà thiên văn học John Herschel gọi, là “định luật loạn xạ,”[30] thì Chardin trực giác về một điểm hội tụ.[31] Chardin cho rằng, về sự tiến hóa, “nó sẽ trải qua một quá trình của Sự Tiền sinh, Sự Sống, Tư duy, – ba sự kiện này đã thiết kế trong Quá khứ và điều khiển cho Tương lai (Sự Sống Siêu việt!) một quỹ đạo duy nhất và luôn cùng một quỹ đạo đó.”[32]

Tiếp theo, người viết cũng đưa ra những suy tư cá nhân như để góp phần nhỏ bé trong cuộc đối thoại với Darwin. Như đã trình bày, với khám phá về QL-CLTN, Darwin đã nghi ngờ một đệ nhất nguyên nhân, đồng thời phủ định lối giải thích thế giới bằng mục đích luận và thần học. Người viết cho rằng, Darwin hợp lý khi dựa trên lý thuyết về sự tiến hóa mà phủ nhận mục đích luận. Rõ ràng qua kết quả của việc quan sát, nghiên cứu thực nghiệm, người ta thấy rõ những thay đổi nơi cấu trúc sinh học của sinh vật hầu thích ứng với môi trường. Tuy nhiên, dựa vào lý thuyết ấy để làm giảm đi tính chắc chắn của lý thuyết về đệ nhất nguyện nhân, thì có vẻ hơi vội. Thực ra, nếu quan sát kỹ, người ta sẽ thấy rằng QL-CLTN mà Darwin trình bày, chỉ là một đoạn rất ngắn giữa một quá trình tiến hóa dài vô tận. Nếu Darwin nói rằng mọi loài phát sinh từ một vài nguyên mẫu, vậy thì đâu là nguyên nhân của một vài nguyên mẫu đó? Thế giới hiện ra trước mắt con người là hữu, vậy hữu từ đâu mà hữu? Đến đây, người viết cho rằng lý trí con người sẽ nghiêng hơn sang khẳng định về sự chắc chắn của đệ nhất nguyên nhân – theo lối suy tư của Aristotle và Thomas Aquinas.

       Kết luận

Khi đưa ra quan điểm và lập luận của mình để phủ nhận tính chắc chắn của những luận cứ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, Darwin đã cho thấy sức chi phối của QL-CLTN trên niềm tin của ông đối với Thiên Chúa. QL-CLTN đã biến đổi quan điểm của ông từ kẻ có niềm tin thành người thuộc trường phái bất khả tri.[33] Tuy nhiên, khi suy tư về điều này, người viết nghĩ rằng không hẳn vì QL-CLTN mà Darwin hướng đến thái độ ấy, nhưng có lẽ do ông quá gắn bó với thế giới vật chất, trong không gian và thời gian. Người viết dám bạo gan nói thế là vì khi bàn đến tính bất tử, Darwin nói: Còn về tính bất tử thì có thể nói người ta theo bản năng mà tin, chứ đa số các nhà vật lý học cho rằng các hành tinh và mặt trời sẽ lạnh đi dần dần và sẽ không đủ để bảo toàn sự sống con người, trừ phi có một vật thể lớn nào rớt xuống mặt trời và đem lại cho vạn vật sức sống mới.[34]

Thực ra lối nhìn hạn chế trong không gian và thời gian thì không hợp với cái nhìn tôn giáo. Nếu Darwin thừa nhận rằng con người có khả năng trở về quá khứ, và hướng đến tương lai, thì người viết cũng dám thêm rằng con người có khả năng suy tư về tận cái vô cùng của cả quá khứ và tương lai, cũng có nghĩa là con người cũng có khả năng suy tư vượt không gian và thời gian. Max Scheler cho thấy rõ khả năng ấy nơi con người khi ông mô tả đặc tính khách quan hóa (objectify) thế giới và chính mình của tinh thần (Geist – spirit) trong con người:[35] Khi con người như một hữu thể tinh thần (spiritual being), trong mức độ là một ngôi vị (person), và tại trung tâm (center) là ngôi vị ấy, anh thực hiện hành vi khách quan hóa thân xác mình (body), tâm thần (psyche) và thế giới (world). Và với khả năng ra khỏi mình và thế giới để nhìn lại, cái ngôi vị, trung tâm hoạt động của tinh thần cho thấy nó không thuộc về thế giới của thời gian và không gian, nhưng thuộc về Nền tối cao của Hữu (the highest Ground of Being). Đây cũng là cơ sở để nó nhận ra mình trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng nhiệm xuất hay hiển lộ (emerges from) từ cái Nền của Hữu. Như thế, khi nhìn về con người và thế giới, nếu quá chú tâm vào những biến đổi vật chất mà quên đi tinh thần hay cái siêu việt; hoặc quá gắn liền với cái trong không gian và thời gian mà quên đi cái vô hạn vượt trên không gian và thời gian,[36] thì đó hẳn là một thiếu sót lớn trong việc suy tư và nghiên cứu.

————-

[1] Thái độ của Dionysius. Xem Đậu Văn Hồng, Triết Trung Cổ, Lưu hành nội bộ, (Học Viện Dòng Tên: 2018), 41.

[2] Charles Darwin, Darwin Tự Truyện, (Paris, 1888), 359-364. (Trích trong Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, (Verlag Styria, 1991), 111-117). Dĩ nhiên, đây cũng là thái độ của nhiều tư tưởng gia khác.

[3] Xem Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 117.

[4] Có tài liệu dịch là quy luật về sự đào thải tự nhiên, có tài liệu dịch là quy luật chọn lọc tự nhiên.

[5] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 111-117.

[6] Nguyên tác: On the Origin of species by means of natural selection; or, The preservation of favoured races in the struggle for life (1859) (Về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn những nòi ưu thế trong đấu tranh sinh tồn). Xem Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, Trần Bá Tín dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2014), 20.

[7] Xem Thuyết Darwin, https://sites.google.com/site/gocsinhvat/tien-hoa/thuyet-darwin, (26.12.2019)

[8] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 111.

[9] Stephen Hawking, Brief History of Time – Lược Sử Thời Gian, Cao Chi và Phạm Văn Thiều dịch, (Hà Nội:  NXB Văn hóa Thông tin, 2000), chương 14, Đấu Tranh Sinh Tồn, xem thêm tại https://thuvienhoasen.org/a6945/chuong-14-dau-tranh-sinh-ton, (20.12.2019).

[10] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 51.

[11] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 116, 120.

[12] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 119.

[13] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 461 – 462.

[14] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 117.

[15] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 117-118.

[16] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 466.

[17] Charles Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 51.

[18] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, (Verlag Styria, 1991), 111-117.

[19] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 115. Về vấn đề Thần trong Phật Giáo: Darwin không phải là người nghiên cứu về Phật Giáo. Ông chỉ dựa vào ý kiến của một số học giả lúc bấy giờ, cho rằng Phật Giáo là một tôn giáo vô thần. Thực ra, theo học giả Lý Minh Tuấn, học giả Kimura Taiken, người Nhật, đã trích trong bộ kinh Trường A-hàm lời Đức Phật khi Ngài được giác ngộ bên bờ sông Ni Liên như sau: Vũ trụ và nhân sinh không phải do ngẫu nhiên mà có, nhưng phải do một Pháp Tắc Thường Hằng chi phối. Ở đây, ta có thể hiểu Pháp Tắc ấy chính là thực tại siêu việt, và là nguồn Tha lực tốt lành và tối cao trong Phật giáo. Điều này có nghĩa là Phật Giáo (người viết không nói là Đức Phật, vì thực ra kinh Phật được viết lại sau khi Đức Phật qua đời cả 400 năm, vậy nên người ta không biết chắc được tư tưởng của Đức Phật), ngay từ thời đầu, đã tin vào một Thế Lực siêu việt điều khiển mọi sự trong vũ trụ. Phật Giáo về sau, đặc biệt thời Bồ Tát Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân, v.v., họ phát triển lên lối suy tư siêu hình sâu sắc về Thực Tại Chân Như, về tính Không, hay niềm tin vào Quán Thế Ấm Bồ Tát, Phật A-di-đà, Phật Di-lặc, những vị đại diện cho khao khát hướng về thế lực siêu nhiên có thể trợ giúp con người. (Đây là những góp nhặt của người viết khi học với thầy Lý Minh Tuấn, môn Triết Ân-Phật, tại Học Viện Dòng Tên; và những mẩu vụn đọc được trong: Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương-Yếu, Không rõ Nhà Xuất Bản, năm xuất bản, 466-522.)

[20] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 115.

[21] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 116.

[22] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 111.

[23] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 117.

[24] Chales Darwin, Nguồn Gốc Các Loài, 41.

[25] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 117.

[26] Những đóng góp về mặt khoa học, sinh học, lịch sử thế giới, v.v. của Darwin là rất lớn lao. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, người viết chỉ kể đến những đóng góp liên quan đến những bàn luận về tôn giáo mà thôi.

[27] Stephen Hawking, Brief History of Time – Lược Sử Thời Gian.

[28] Người viết dùng từ “hoàn thành” ý muốn nói muôn loài muôn vật đã được thành hình cụ thể, như thể không có sự thay đổi nào về cấu trúc sinh học của chúng nữa.

[29] Việc Darwin phủ nhận mục đích luận thì đã rõ. Còn Chardin, độc giả có thể xem Teilhard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 524. Xem thêm Trần Ngọc Huynh, Bàn về Vấn Đề Khả Dĩ Tồn Tại Một Thiên Chúa trong Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin, https://sjjs.edu.vn/blog/2019/01/21/ban-ve-van-de-kha-di-ton-tai-mot-thien-chua-trong-thuyet-tien-hoa-cua-charles-darwin/ (27.12.2019).

[30] Stephen Hawking, Brief History of Time – Lược Sử Thời Gian.

[31] Teilhard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, Đặng Xuân Thảo dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, (Hà Nội: NXB Tri thức, 2014), 527.

[32] Teilhard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, 30.

[33] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 111-112.

[34] Karl-Heinz Weger, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, 116.

[35] Max Scheler, Man’s Place in Nature, Hans Meyerghoff dịch, (New York: The Noonday Press, 1961), 46-51, 88-89.

[36] Về cái vô hạn và hữu hạn thì Karl Rahner cho rằng: Khi tôi nhận ra tôi hữu hạn, đương nhiên tồn tại cái vô hạn, vì hữu hạn và vô hạn tồn tại như cặp song đối không thể tách lìa. Ý tưởng này có thể áp dụng cho cả cặp trong không gian thời gian và ngoài không gian thời gian, v.v.