Bài viết môn: Phương pháp học
Học viên: Giuse Bùi Anh Tuấn, O.Carm.
Giáo sư: Michael Trương Thanh Tâm, S.J.

Tóm tắt: Bài viết tập trung nêu lên tư tưởng của Heraclitus về các vấn đề liên quan đến vũ trụ và vạn vật. Đặc biệt, tác giả của bài viết muốn nhấn mạnh đến quy luật biến đổi của vạn vật mà Heraclitus cho rằng mọi thứ đều biến động và thay đổi nhưng chúng vẫn là chính nó. Ông cho rằng mọi thứ luôn trong một hình thái chuyển động không ngừng. Ông đã phối hợp hình ảnh con người và dòng sông qua cách nói rất sâu sắc rằng mỗi lần con người tắm dưới dòng sông, họ đều khác, rất khác so với lần trước họ đã tắm. Nghĩa là, con người và dòng sông đều thay đổi. Kể cả thời gian xảy ra cũng thay đổi. Tuy thay đổi như vậy nhưng con người vẫn là chính họ; dòng sông vẫn là chính dòng sông và thời gian vẫn là chính nó. Điều này dạy chúng ta rất nhiều bài học trong cuộc sống: con người chúng ta luôn được biến đổi trong nhiều môi trường khác nhau, chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố của môi trường tác động nên con người. Con người phải biết chắt lọc những ưu điểm của các yếu tố môi trường để củng cố và hoàn thiện mình theo hướng tích cực. Đồng thời, con người cũng phải biết trân trọng thời gian vì lúc thời gian trôi qua đi, thì sẽ không bao giờ lấy lại được.

“Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” – Heraclitus (Ảnh từ Internet)

       Triết học cổ đại là một trong những môn học có tính nghiên cứu về thế giới tự nhiên, con người và những thay đổi của vạn vật và các quy luật tất yếu của nó. Đã có rất nhiều triết gia cổ đại lừng danh như: Thales, Empedocles, Pythagoras, Parmenides… trong nền triết học cổ đại phương tây. Triết gia Heraclitus là một trong số những nhà triết học cổ đại phương Tây đó. Ông đã rất thành công trong việc nghiên cứu triết học trong phạm vi vũ trụ. Trong bài viết này, tác giả bài viết xin được bình giải về một trong số những câu nói nổi tiếng của Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông.” Câu nói ngắn ngủi này nhưng ẩn chứa biết bao tư tưởng sâu sắc đã khiến nhiều nhà bình luận tốn không biết bao nhiêu thời gian, sức lực, giấy mực để suy tư và bình phẩm.

Triết gia thời cổ đại Heraclitus sinh ra vào khoảng năm 535, mất vào khoảng năm 475 trước Công nguyên. Ông là một trong số những triết gia nổi tiếng thuộc trường phái tiền Socratic. Trường phái triết học này nghiên cứu những yếu tố và những biến chuyển của chúng về tự nhiên, con người và vạn vật. Heraclitus cho rằng việc tích lũy kiến thức là việc dựa vào sự kết hiệp của nhiều yếu tố thông tin nhờ vào các giác quan của con người. Không như Thales cho rằng nước là hình thái chính cấu tạo nên thế giới, Heraclitus đã cho rằng lửa mới chính là hình thái quan trọng để tạo nên thế giới. Ông cho rằng mọi sự đều thay đổi liên tục. Đối với lửa, tuy nó chuyển động nhưng nó vẫn giữ đặc tính và hình thái của chính nó. Logos, ở đây được Heraclitus gọi là thực tại bên trong của sự vật, cũng hoàn toàn không thay đổi. Heraclitus cho rằng bản chất của vạn vật được tạo nên bởi các mâu thuẫn. Chúng chất chứa trong chính chúng những tương phản để hợp nhất với nhau. Bởi đó, chúng luôn luôn thay đổi.[1] Sự thay đổi này được Heraclitus cảm nhận qua trực giác bằng việc cho rằng quá trình thay đổi liên tục này luôn được bảo trì cách trường tồn chứ không thay đổi cách vô trật tự. “Trong con người chúng ta sống và chết, tỉnh và mộng, trẻ và già, trước và sau cũng đều là một, cái trước biến hóa trở thành cái sau.”[2]

Heraclitus cho rằng mọi thứ luôn ở trong trạng thái biến động, luôn thay đổi. Ông cho rằng “sự vận động liên tục chính là bản chất của thiên nhiên. Mọi vật đều vận động trong mọi lúc, mọi nơi ngay cả trong bản thân sự vật và không bao giờ tồn tại vĩnh viễn.”[3] Chúng thay đổi cả đặc tính và hình thức. Câu nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” được Heraclitus đưa ra bởi lập luận đó. Xét trên câu nói này, chúng ta nhận ra có ba yếu tố được nhắc đến. Thứ nhất là yếu tố con người. Tiếp đó, yếu tố dòng sông được diễn đạt cụ thể. Cuối cùng, một yếu tố tuy không được nhắc đến cách rõ ràng, nhưng ta vẫn ngầm hiểu rằng nó vẫn có: yếu tố thời gian. Tư tưởng của Heraclitus thuyết phục mọi người rằng tất cả vạn vật đều biến động và thay đổi. Vì thế, ở đây các yếu tố con người, dòng sông đều thay đổi, thậm chí kể cả yếu tố thời gian cũng thay đổi.

Thứ nhất, con người luôn luôn thay đổi từ thể lý, tâm lý, tình cảm và ý thức hệ. Con người cũng được thụ hưởng nhiều yếu tố khác của xã hội để hoàn thiện mình. Do đó, con người được lớn lên từng ngày. Con người được sinh ra, được nuôi dưỡng, được tiếp thu kiến thức, được hoàn thiện mình trong từng ngày sống. Con người được thay đổi từng ngày nhờ các nhu cầu của cuộc sống, từ việc ăn uống, học tập, trao đổi kiến thức, cho đến sự thay đổi của tinh thần từ căng thẳng sang thoải mái hoặc ngược lại. Mỗi giây phút, mỗi ngày sống, con người đều thay đổi. Có người thay đổi theo hướng tích cực, có người thay đổi theo hướng tiêu cực. Có người từ yếu đuối trở nên mạnh mẽ. Có người từ lạc quan trở nên bi quan. Con người chúng ta hoàn thiện hơn nhờ vào cách chúng ta được trao dồi kiến thức học tập, học thêm ngoại ngữ, đi đến nhiều vùng đất mới, mở mang tâm trí đầu óc, tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính những kinh nghiệm ấy đã thay đổi chúng ta bằng cách này hay cách khác. Mặc dù con người chúng ta thay đổi, từ xấu thành tốt, từ xấu xí trở nên đẹp đẽ hay ngược lại thì chúng ta vẫn luôn luôn là chính chúng ta.

Kế đến, dòng sông cũng luôn tuôn chảy không ngừng. Đã được gọi là dòng sông thì nó luôn luôn chảy. Nó không bị hạn chế chỉ để đọng lại một chỗ. Một dòng chảy từ thượng nguồn đem theo nhiều phù sa màu mỡ để bồi đắp cho biết bao nhiêu vùng đất chúng chảy qua. Bên cạnh đó, chúng cũng đem theo biết bao ô nhiễm cho hạ nguồn. Có ưu điểm thì cũng có nhược điểm. Dòng sông ở đây được xem như xã hội vậy. Dòng chảy của xã hội qua mọi thời đại đều có những ưu điểm cần được giữ gìn, tiếp thu và phát huy, cũng có đâu đó những điều nhuốm bẩn (nhược điểm) cần được gạn bỏ để dòng nước được trở nên sạch trong mà nuôi dưỡng, bồi đắp phù sa cho vùng hạ nguồn. Cho dù dòng chảy có liên tục chảy và mang theo nhiều điều mới mẻ hay nhuốm bẩn cho dòng sông đi chăng nữa thì con sông vẫn là chính nó. Tư tưởng của Heraclitus được nhắc đến một lần nữa ở đây để chứng tỏ rằng cho dù con sông hay vạn vật có thay đổi liên tục nhưng nó vẫn luôn luôn là chính nó.

Ngoài ra, thời gian cũng là một phạm trù cần đề cập đến trong câu nói của Heraclitus. Cho dù một giây có trôi qua cách vô ích, ta cũng sẽ không bao giờ lấy lại được nó một lần nữa để làm cho nó trở nên có ích. Thời gian một khi đã trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại được. Nó cũng là một yếu tố luôn biến đổi. Thời gian có thể được hiểu là thời đại, thế giới hiện tại hay xu hướng thế giới. Thời gian đưa con người và xã hội vào vòng xoay của nó. Tại đó, thời gian đem đến cho chúng ta tất cả những biến chuyển của thời đại. Mỗi giây phút trôi qua, vạn vật sẽ hoàn toàn thay đổi. Xu hướng và xã hội thay đổi, con người cũng bị cuốn theo những thay đổi đó, những cách sống, văn hóa, cách suy nghĩ, cách đối nhân xử thế cũng bị thay đổi. Những thay đổi của thời đại dù tốt hay xấu thì đều ảnh hưởng đến chúng ta.

Như vậy, cả ba yếu tố con người, dòng sông và thời gian đều thay đổi liên tục. Do đó, một con người không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông với cùng một thời điểm được. Bởi chưng, con người và dòng sông ở mỗi thời điểm đều khác nhau và biến chuyển luôn luôn. Tại mỗi thời điểm, con người cũng liên tục thay đổi, dòng sông cũng hoàn toàn thay đổi bởi dòng chảy của nó luôn chuyển động.

Thế nhưng, điều này chỉ hợp lý khi đem nó phân tích dưới cái nhìn của triết học. Mặt khác, điều này không đúng dưới cái nhìn về Thiên Chúa bởi Thiên Chúa hoàn toàn không thay đổi. Người là Alpha và Omega. Người vẫn mãi là một và hoàn toàn không thay đổi. “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.”[4] (cf. Dt 13,8) Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, một nhà thần bí Dòng Cát Minh cũng đã cảm nhận được điều đó: “Đừng để lòng bối rối, đừng sự hãi lo âu, phù vân sẽ qua mau. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.”[5] Lời Chúa cũng vậy. Lời Chúa luôn sống động trong từng thời điểm, bởi Lời Chúa luôn đánh động từng tâm tư mỗi người, từng khía cạnh khác biệt của cuộc sống trong từng thời điểm khác nhau. Lời Chúa ta suy niệm hôm nay thì sẽ luôn luôn khác biệt so với những ngày khác. Lời Chúa đánh động và ghi vào trái tim ta mỗi giây phút mỗi khác, thế nhưng Lời Chúa vẫn luôn là một, là Lời Hằng Sống để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của ta.

Sau khi bình luận câu nói trên của Heraclitus, tôi tự thấy mình với tư cách là một Tu sĩ Dòng Cát Minh cũng phải tự mình biến đổi để được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô. Tôi cũng được mời gọi để thay đổi từng ngày sống, thay đổi những điều chưa tốt, chưa đẹp để đời sống được trở nên hoàn thiện hơn. Hành trình đào tạo trong Dòng Cát Minh là tiến trình của sự biến đổi từng ngày trong cuộc sống để bước theo Đức Kitô với một con tim tinh tuyền và một lương tâm ngay thẳng.[6] Bên cạnh đó, cuộc sống với nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố của môi trường và xã hội, tôi cũng được mời gọi chắt lọc những biến chuyển hay, phù hợp và có ích với tôi để giúp tôi hoàn thiện mình trong từng ngày sống. Bởi cuộc sống là chuỗi những ngày tháng trôi đi, tôi cũng từng ngày biến đổi, lớn lên không chỉ nhờ các yếu tố vật chất nhưng đời sống tinh thần cũng phải được lớn lên và thăng tiến.

Nói tóm lại, triết gia Heraclitus đã trao tặng cho chúng ta một tư tưởng triết học mà trong tư tưởng triết học đó mỗi người chúng ta có cảm nhận hoàn toàn khác nhau khi đặt mình vào nhiều phương diện khác nhau. Tính am tường các triết lý về vũ trụ và vạn vật làm cho ta được trở nên nhạy bén hơn với cách thức suy nghĩ cũng như giúp chúng ta gần gũi với thiên nhiên và hiểu về nó nhiều hơn. Hiểu về thiên nhiên tức là hiểu về vũ trụ và các yếu tố của chúng. Hiểu am tường về quy luật của tự nhiên là hiểu về nơi mà ta được sinh ra và nơi ta sống để trí khôn ta được tỏ tường hơn những điều kỳ bí khó giải thích được bằng ngôn từ.

—–

[1] John Shand, Philosophy and Philosophers – An Introduction to the Western Philosophy (London: UCL Press, 1993), 9-10.

[2] Hà Thúc Minh, dịch, Triết Học Cổ Đại Hy Lạp La Mã (Việt Nam: Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1998), 137.

[3] Trần Nhu, chủ biên, Từ Các Triết Gia Tự Nhiên Đến Karl Marx (Việt Nam: Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Tp. HCM, 1995), 20.

[4] cf. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Lời Chúa Cho Mọi Người (Việt Nam: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012), 2124.

[5] Teresa Avila, Nada te turbe (Tây Ban Nha: Thế kỷ 16).

[6] cf. Ratio Institutionis Vitae Carmelitae (RIVC), Carmelite Formation – A Journey of Transformation (Rome: The Order of the Brothers of the Blessed Virgin Mary of Mount Carmel, 1995).