Ảnh từ Internet

Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học Viên: Nguyễn Hoàng Vũ, S.J.

Trong địa hạt triết học, Thiên Chúa là một đề tài lớn. Chỉ riêng vấn nạn về sự hiện hữu của Ngài đã thu hút sự chú ý của biết bao triết gia từ cổ chí kim. Trong số đó, nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim đứng về phía những người phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vậy, ông nói như thế nào? Qua cách chứng minh của ông, ta có thể rút ra được điều gì không?

Thiên Chúa có hiện hữu hay không, đó là một vấn đề được đặt ra cho con người ở mọi nơi và mọi thời đại. Giải đáp cho vấn đề này, có rất nhiều quan điểm từ các góc nhìn khác nhau được đưa ra. Dù nhiều nhưng tất cả chỉ quy về hai luồng chủ đạo đối lập nhau, một chủ trương chứng minh Thiên Chúa hiện hữu, còn một chủ trương chứng minh phủ nhận. Tuy đối lập, nhưng thực chất xét về bản chất thì dù chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay chứng minh phủ nhận thì cả hai cũng chỉ đi đến trả lời Thiên Chúa có hiện hữu hay không. Do vậy, hai con đường đều có thể đưa đến một đích, cho nên thay vì chủ trương chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, người viết xin mạn phép đi theo luận chứng của những người chủ trương chứng minh phủ nhận, để qua việc suy xét lối luận chứng này, người viết hy vọng sẽ chỉ ra khả thể Thiên Chúa có hiện hữu. Với con đường này, người viết xin chọn luận chứng lý thuyết xã hội học của Emile Durkheim.

Emile Durkheim là nhà Xã hội học Pháp thế kỷ XIX. Ông là người đã đưa ra quan điểm cho rằng các khía cạnh xã hội của con người là yếu tố quan trọng nhất để nghiên cứu về hành vi tôn giáo của họ; những yếu tố xã hội thì quan trọng hơn những yếu tố cá nhân. Theo Durkheim, mặc dù niềm tin tôn giáo là phi lý, nhưng nó thật sự là điều cần thiết trong việc duy trì cấu trúc và trật tự xã hội. Ông tin lịch sử loài người tiến hóa từ giai đoạn thần học đến triết học và khoa học, nhưng ông không cho rằng tôn giáo sẽ thay thế được khoa học. Là người theo trường phái chức năng, Durkheim cho rằng tôn giáo là sự phục vụ cho mục đích liên kết cộng đồng để thực hành cá nhân. Nói cách khác, vấn đề cần lý giải là để hiểu rõ đằng sau những tín ngưỡng của con người với tư cách bản thể có tính đạo đức là mối ràng buộc xã hội.[1]

Durkheim cho rằng tôn giáo không gì khác hơn là một sức mạnh tập thể của xã hội thống trị lên cá nhân. Tuy nhiên, tôn giáo không đơn giản chỉ là một hệ thống niềm tin và những quan niệm, nhưng nó còn là một hệ thống thực hành bao gồm các nghi lễ. Do vậy, ông nêu ra hai lý do cho rằng tôn giáo được nhìn nhận như là nền tảng tinh thần của mọi xã hội. Một là, tôn giáo thể hiện đức tin cho nhiều thế hệ. Nó có chức năng trao truyền niềm tin của thế hệ trước cho thế hệ sau. Hai là, tôn giáo đảm bảo chức năng thống nhất xã hội, bởi lẽ các cá nhân sẽ cùng tham gia vào một đời sống tinh thần; do đó, nó là công cụ tạo ra sự đồng nhất tinh thần giữa các thành viên trong một xã hội.[2]

Đi đến kết luận, Durkheim không phủ nhận tính chân thực của tôn giáo, nhưng theo ông, tôn giáo thực chất chỉ là sản phẩm của xã hội, vì tôn giáo là khí cụ giúp xã hội có thể duy trì cảm xúc chung của tập thể, gắn kết các thành viên trong cùng một xã hội lại với nhau. Do vậy, việc chủ trương tin rằng Thiên Chúa như một Đấng Siêu Việt là hoàn toàn sai lầm; Thiên Chúa chỉ là kết quả của khối óc tưởng tượng vô thức của con người mà thôi.

Đứng trước các luận chứng chủ trương Thiên Chúa không hiện hữu của Emile Durkheim, triết gia H.H Farmer đã nêu ra nhiều vấn nạn mà học thuyết nhà xã hội học chưa giải quyết. Theo Farrmer, nếu cho rằng tôn giáo chỉ là kết quả từ những quy ước chung của từng xã hội, vậy thì đâu là lời lý giải cho sự phổ quát của những lương tâm siêu việt vượt ra khỏi ranh giới của những quy tắc chung nơi từng xã hội riêng biệt ấy? Có hai vấn đề được nhận thấy nơi lời phê bình của Farmer. Thứ nhất, học thuyết của Durkheim chưa giải quyết được mối giằng co giữa sự phổ quát của tất cả những lương tâm vốn được tôn giáo đào tạo và sự riêng biệt của từng xã hội nơi mà các lương tâm ấy thuộc về. Farmer cho rằng nếu tôn giáo chỉ là sự áp đặt của từng xã hội lên các thành viên, vậy thì học thuyết xã hội học chưa trả lời được nguồn gốc của những bổn phận được ràng buộc trên tất cả mọi người, những người vốn không thuộc về cùng một xã hội. Chẳng hạn, xã hội Do thái khác với xã hội Hy Lạp, xã hội da trắng khác với xã hội da đen, thế nhưng tại sao lại có một cảm thức thánh thiêng sâu xa phổ quát ràng buộc trên tất cả mọi người giữa các xã hội biệt lập ấy. Farmer không có ý chỉ nói vấn đề này trong bối cảnh tiến bộ của công nghệ truyền thông, nhưng ngay từ đầu, sự phổ quát ấy đã được nhận thấy giữa các bộ tộc nguyên thủy. Thứ hai, học thuyết xã hội chưa giải thích được vì sao có “sự vượt ra” và “lội ngược dòng” của những lương tâm vốn bị xã hội áp chế. Nếu nói rằng tôn giáo là kết quả của sự đồng tâm nhất trí giữa các thành viên trong một xã hội và là nguồn đảm bảo thiết thực cho lợi ích của con người, vậy thì sao lại có sự xuất hiện của những ngôn sứ đi ngược lại xu thế rất căn bản ấy? Đâu là nguồn gốc kiến tạo nên sự mới mẻ ấy? Và đâu là sức mạnh cho phép điều ấy tồn tại và đứng vững? Vì đi ngược lại với dòng chảy của xã hội, nên hẳn nhiên sự mới mẻ này không thể được quy cho là từ xã hội, vì xã hội không thể tự mâu thuẫn với chính nó. Vậy phải chăng chính ngôn sứ là sức mạnh cho điều ấy, hay phải có một Đấng Siêu Việt là Thiên Chúa hiện hữu? Vì học thuyết của Durkheim không xem trọng yếu tố cá nhân, nên khả thể còn lại chỉ có thể là Thiên Chúa phải hiện hữu.[3]

Là tác giả của bài viết và cũng là người suy tư về hai luận lý này, tôi nhận thấy cả Durkheim và Farmer đều có những lý lẽ và lập luận hợp lý. Tuy nhiên, vì Durkheim là người chủ trương đưa ra những luận chứng chứng minh Thiên Chúa không hiện hữu, nên tôi nhìn nhận luận chứng của ông chưa thuyết phục. Khi đưa ra nhận định này, trước hết tôi đồng thuận với những lý luận của H.H Farmer khi chỉ ra những lỗ hổng của lý thuyết xã hội. Ngoài ra, có ba vấn đề bất cập tôi nhìn nhận nơi học thuyết của Durkheim. Trước hết, ông nhìn về Thiên Chúa từ nhãn quan lợi ích của tập thể con người, trong khi Thiên Chúa đang cần chứng minh ở đây là một Thiên Chúa siêu việt. Do vậy, thay vì nhìn vấn đề theo cả hai chiều từ dưới lên và từ trên xuống, thì Durkheim chỉ suy xét vấn đề ưu tiên theo góc nhìn con người. Kết quả là Thiên Chúa bị hạ thấp và bị đánh đồng với sức mạnh của tập thể. Thứ hai, ông cho rằng những cá nhân trong một xã hội với một cảm thức sâu xa đã tạo nên một Thiên Chúa như họ nhận thấy, vậy thì điều này đâu mâu thuẫn với việc mặc khải được ban cho con người và con người trong tương quan lần bước tìm đến sự hiểu biết về Thiên Chúa. Thứ ba, Durkheim cho rằng tôn giáo như là sản phẩm của xã hội vì mục tiêu duy trì cảm thức chung và gắn kết các thành viên lại với nhau. Nếu đúng vậy thì phải chăng niềm khao khát của con người chỉ dừng lại ở nơi lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; nếu không thì phải chăng vẫn còn có một tiếng nói sâu thẳm nào hơn trong tâm hồn con người, mà tiếng nói ấy không gì khác ngoài Thiên Chúa như chúng ta quan niệm. Với ba bất cập chưa có lời giải đáp trong lý thuyết của nhà xã hội học, tôi nhận thấy luận chứng chứng minh Thiên Chúa không hiện hữu của Durkheim chưa thuyết phục.

Tóm lại, vì luận chứng chứng minh Thiên Chúa không hiện hữu của Durkheim chưa thỏa đáng, nên tôi nhận thấy việc tin rằng Thiên Chúa hiện hữu vẫn là một khả thể. Tuy nhiên, qua luận chứng của Durkheim, cũng như có dịp được đọc luận chứng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu của Aselmô và Tôma Aquinô, tôi thấy rằng dù con người có cố gắng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu, thì những nỗ lực ấy cũng chỉ mang tính chất của hữu thể hữu hạn (con người) ước muốn tri nhận hữu thể vô hạn (Thiên Chúa). Nếu hữu thể vô hạn có thể bị “thâu tóm” bởi trí lực của hữu thể hữu hạn, thì chẳng khác gì bài toán đại học có thể được cậu bé lớp một giải đáp. Nếu không thì việc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu là không thể, không thể theo nghĩa là không thể một cách trọn vẹn và thỏa đáng. Tuy nhiên, những nỗ lực của các nhà tư tưởng ấy vẫn được nhìn nhận và được đánh giá cao bởi khao khát tìm kiếm chân lý của họ. Như vậy, dù ghi nhận những đóng góp của họ, nhưng vấn nạn về Thiên Chúa vẫn là đề tài còn bỏ ngỏ cho con người!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thị Thúy Hằng, Tôn Giáo Theo Quan Điểm Của Emile Durkheim, Tạp Chí Khoa Học Và Công Nghệ, tập 2, số 2, (Trường Đại học Khoa học Huế, 2014).
  2. John H.Hick, Philosophy of Religion, 4th, (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall Inc., 1990).

[1] Trần Thị Thúy Hằng, Tôn Giáo Theo Quan Điểm Của Emile Durkheim, Tạp Chí Khoa Học Và Công Nghệ, tập 2, số 2, (Trường Đại học Khoa học Huế, 2014), 161.

[2] Trần Thị Thúy Hằng, Tôn Giáo Theo Quan Điểm Của Emile Durkheim, 163.

[3] John H.Hick, Philosophy of Religion, 4th ed., (Englewood Cliffs, New Jersey:  Prentice-Hall Inc., 1990), 32.