Môn học: Phân định-Đồng hành thiêng liêng-Tư vấn mục vụ
Giáo sư: Nguyễn Đức Hạnh, S.J.
Học viên: Hoàng Khắc Luận, S.J.
“Hy vọng” và “khơi lên hy vọng” là hai trong những khía cạnh quan trọng của đồng hành thiêng liêng. Trong niềm tin Kitô Giáo, niềm hy vọng đó được đặt nơi Thiên Chúa. Tác giả bài viết cho thấy “hy vọng” như một “nhân đức” là điều cần phải có nơi cả người đồng hành lẫn người thụ huấn. Mặt khác, “hy vọng” được mời gọi nơi mỗi người Kitô hữu để “đồng hành” cùng với nhân loại đang bị thử thách vì biết bao tang thương của cuộc sống.
Dẫn nhập
Lịch sử cứu độ là hành trình Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành với nhân loại. Bằng nhiều cách thế khác nhau mà Thiên Chúa tương quan và mạc khải về chính mình cho con người. Mỗi người đều có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Chúa. Ngang qua những trung gian mà Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa. Đây chính là lãnh vực mà “Đồng hành thiêng liêng” quan tâm. Bài viết không nhắm trình bày mọi chi tiết liên quan đến “Đồng hành thiêng liêng” nhưng nhấn mạnh đến “hy vọng” như một “nhân đức” đòi phải có cả nơi người đồng hành lẫn người thụ huấn. Mặt khác, “hy vọng” cũng là cách thế mà mỗi người Kitô hữu được mời gọi để “đồng hành” cùng với nhân loại đang bị thử thách vì biết bao tang thương của cuộc sống hôm nay.
Trước hết, ta cần tìm hiểu một cách khái quát đồng hành thiêng liêng nghĩa là gì?
Đồng hành thiêng liêng là gì?
Đồng hành thiêng liêng “là việc một Ki-tô hữu giúp người khác bằng cách giúp cho người ấy chú ý đến sự thông giao cá nhân giữa Thiên Chúa và họ, để họ đáp trả lại Thiên Chúa trong mối tương giao này, lớn lên trong sự thân mật với Thiên Chúa, và để sống những hệ quả của mối quan hệ ấy. [1]” Trong hành trình ấy, người hướng dẫn đóng vai trò như một trung gian, một người bạn cùng chí hướng, cùng bước đi với người thụ huấn trên con đường mà Thiên Chúa đóng vai trò chính yếu, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần…
Đồng hành thiêng liêng quan tâm đến việc giúp một người một cách trực tiếp trong quan hệ của họ với Thiên Chúa[2]. Vì thế, người đồng hành cũng phải biết lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, tiếp nhận sự khôn ngoan từ Thiên Chúa với lòng tin tưởng. Chính sự thiết thân với Chúa trong đời sống nội tâm và trong những kinh nghiệm thiêng liêng của mình mà người đồng hành có thể giúp người khác lắng nghe tiếng Chúa, phản tỉnh và phân định kinh nghiệm thiêng liêng riêng của họ. Như vậy, sự khôn ngoan ở đây không phải thuần tuý là lý trí, nhưng đúng hơn đó là sự thông tuệ, là đặc sủng của Thánh Thần, là tình yêu, là kết quả của sự gắn kết sâu đậm giữa mình với Thiên Chúa, là thứ hiểu biết kinh nghiệm bằng tình yêu và phát xuất từ tình yêu. Người thụ hướng, qua trung gian là anh em đồng loại, gặp gỡ được Thiên Chúa, nhận ra kế hoạch của Người trong cuộc đời mình, trong những biến cố và hoàn cảnh cụ thể của mình; từ đó có thể hoàn thành vận mạng đời mình theo ý Chúa muốn.
Như vậy, đồng hành thiêng liêng giả thiết cả người đồng hành lẫn người thụ huấn đều có nền tảng đức tin và đích nhắm của họ là sự kết thân với Thiên Chúa và khao khát thực thi thánh ý của Người, nhờ đó mà họ sống trọn vẹn ý nghĩa làm người của mình.
Từ tin đến hy vọng
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định: “Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm.”[3] Thánh Augustino cũng nói lên nỗi khắc khoải của chính mình trong một lời nguyện tương tự: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa. Linh hồn con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.” Nỗi khắc khoải ấy hướng con người đến Thiên Chúa.
Một số người, đôi khi, cảm nhận cuộc sống là tốt đẹp trong khi có những người, trong những cảnh huống nào đó, lại cảm thấy cuộc đời ngập tràn những đau khổ mà họ phải nỗ lực vượt qua và đau khổ sau hết là cái chết. Quả vậy, cuộc sống vốn phức tạp và nhiều thách đố khiến con người rất nhiều lần phải đối diện với những “khủng hoảng”. Nhiệm vụ của người đồng hành là giúp khơi lên niềm hy vọng nơi các cá nhân đang trong trạng thái sầu khổ[4]. Khi không gặp sầu khổ, nhiều người nói về sự bình an mà họ có được trong lúc khó khăn vì nhận thức rằng Thiên Chúa ở với họ trong mọi việc họ làm. Tuy nhiên, khi gặp sầu khổ thì sự nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa không còn ở trong suy nghĩ của họ.
Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một Thiên Chúa thinh lặng, một thiên Chúa của các triết gia, nghĩa là đấng tạo hóa xa cách với con người, nhưng Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa luôn nói với con người. Logos là lời, nghĩa là có lý trí nhưng đồng thời cũng là tương quan (x. Ga 1:14). Sự thấu hiểu và chữa lành trong đồng hành thiêng liêng diễn ra chính yếu qua tương quan và đối thoại giữa Thiên Chúa và người thụ huấn, thứ đến qua tương quan và đối thoại giữa người tư vấn và người thụ huấn. Khởi đi từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa mà người đồng hành hướng dẫn người thụ huấn tiến những bước xa trên hành trình tâm linh. Nhờ tin mà việc đồng hành thiêng liêng mới hy vọng đạt kết quả[5].
Trong thông điệp Spe Salvi, ĐTC Benedict XVI đề cập đến mối tương quan giữa “đức tin” và “đức cậy – hy vọng” trong quan niệm của Kitô giáo: “Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của mình: thực tại mà cho dù là cam go đi nữa cũng có thể sống được và chấp nhận được nếu nó dẫn đến một mục đích, nếu chúng ta có thể được bảo đảm về mục đích này, và nếu mục đích này cao cả đến mức biện minh được cho những nỗ lực cam go của cuộc hành trình.” Ngoài ra, Kinh Thánh cũng cho thấy “trong nhiều đoạn “tin” và “hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau” (x. Dt 10:22-23; I Pr 3:15)[6]. Quả vậy, tin sẽ làm cho người ta hy vọng và hy vọng lại củng cố thêm lòng tin, như kinh nghiệm của Abraham: “không còn gì để trông cậy, ông vẫn cậy trông và vững tin” (x. Rm 4:18).
Đồng hành: hành động trong hy vọng
Những người đang gặp khủng hoảng, thánh Inhaxiô Loyola có thể gọi là “đang lâm cơn sầu khổ,” bị kẹt giữa một bên là lối thông diễn về những tuyệt vọng và bên kia là những diễn tả về niềm hy vọng, chờ mong. Kinh nghiệm khủng hoảng làm cho người ta không muốn tiếp tục, mất luôn cả hy vọng, tin tưởng hướng về tương lai[7]. Đau khổ thất vọng không chỉ đến từ một quá khứ tiêu cực nhưng cũng đến từ việc đánh mất tương lai mang tính tích cực. Vì thế, người đồng hành có thể giúp người thụ hướng lấy lại can đảm để dựa vào tương lai, để duyệt xét và tái cấu trúc lại những câu chuyện tương lai mà được kết nối với hy vọng hơn là thất vọng[8]. Theo Lester: “họ cần những câu chuyện tương lai đem lại bình an, niềm vui, và sự hứng thú trong khoảnh khắc hiện tại.”
Những cá nhân đang gặp sầu khổ sẽ chế ngự nỗi thất vọng của họ tốt hơn nếu họ nhận ra và cho phép Thiên Chúa đang hành động ngang qua đời họ. Họ cần cảm nhận về một Thiên Chúa yêu thương, Đấng “liên lụy” cách tích cực với thế giới và với cuộc sống của chính họ[9]. “Hy vọng” diễn tả sự thông dự đầy tin tưởng của một người vào tương lai dựa trên sự hiểu biết về Thiên Chúa là Đấng đáng tin tưởng. Vị Thiên Chúa ấy giữ lời hứa giải thoát, giải phóng và ban ơn cứu độ[10].
Tuy nhiên, hy vọng không là một tình trạng thụ động, chờ đợi một điều gì tốt lành xảy ra nhưng tích cực theo đuổi điều thiện hảo[11]. Hy vọng là hành động của tương lai, nghĩa là những rắc rối sẽ đi đến hồi kết thúc hoặc ít nhất cũng có thể xoay sở được, nhận thức về những khả thể đang ở phía trước, một sự đầu tư vào tương lai với đầy hứa hẹn[12]. Thậm chí, những vấn đề nghiêm trọng cũng có thể là cơ hội cho sự phát triển và lớn lên hơn nữa của bản thân. Người đồng hành giúp cho người thụ huấn lấy lại hy vọng bằng cách giúp họ nhận ra rằng quá khứ cũng cần phải hành động trong hiện tại để đi đến tương lai[13]. Nhưng trên hết, biểu tượng chính yếu của niềm hy vọng Kitô giáo là chính Đức Giêsu Kitô. Vì cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người mà chúng ta có một tương lai hy vọng. Những khả thể đang mở ra cho chúng ta.
Kết luận
Trong hành trình tâm linh, mỗi người cần phải đọc ra lịch sử đời mình để nhận ra tất cả những biến cố xảy ra trong cuộc đời đều là những dấu chỉ, là tiếng nói của Thiên Chúa mà tôi cần phải khám phá và nhận ra rằng: “Thiên Chúa yêu thương tôi.” Chúng ta không cô đơn nhưng được cùng nhau gieo những bước chân trên đường về nhà Cha. Chúng ta nâng đỡ nhau, giúp nhau hành động để đoạt lại hy vọng trong những khi thất vọng và vì vậy làm sống lại lòng tin.
[1] William A.Barrry & William J.Connolly, Thực Hành Linh Hướng (New York: The Seabury Press, 1982), Bản dịch tiếng Việt: Nguyễn Trung Kiên, 16.
[2] Ibid., 12.
[3] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 27.
[4] Howard W. Stone, Depression and Hope – New Insights for Pastoral Counseling, (Minneapolis: Augsburg Fortress Publishers, 1998), 50.
[5] X. Lm Giuse Phạm Quốc Văn, OP., Trên Đường Emmaus – Một Thoáng Nhìn Về Việc Đồng Hành Thiêng Liêng, (Nơi xuất bản?: NXB?, Năm xuất bản?), trang 52.
[6] X. ĐTC Benedict XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 1 & 2.
[7] Andrew D. Lester, Hope in Pastoral Care and Counseling, (Louisville, Kentuckey: Westminster John Knox Press, 1995), 43.
[8] Howard W. Stone, Depression and Hope – New Insights for Pastoral Counseling, (Minneapolis: Augsburg Fortress Publishers, 1998), 57.
[9] Ibid., 52.
[10] Andrew D. Lester, Hope in Pastoral Care and Counseling, (Louisville, Kentuckey: Westminster John Knox Press, 1995), 62.
[11] Arthur P. Ciaramicoli, The Power of Empathy – A Practical Guide to Creating Intimacy, Self-understanding, and Lasting Love in Your Life, (The USA: Penguin Group, 2000), 148.
[12] Howard W. Stone, Depression and Hope – New Insights for Pastoral Counseling, (Minneapolis: Augsburg Fortress Publishers, 1998), 47.
[13] Ibid., 62.