Ảnh từ Internet

Môn học: Dẫn nhập Tin Mừng Mátthêu & Máccô
Học viên: Hoàng Khắc Luận

 Trong cả bốn Tin Mừng, chỉ có Tin Mừng Matthew trình bày cho chúng ta một chỉ thị và huấn dụ đầy đủ về sứ vụ của người môn đệ. Liên kết với lệnh truyền cuối Tin Mừng (Mt 28:16-20), tác giả bài viết cho thấy có một sự liên đới giữa sứ vụ của Đức Giêsu với sứ vụ của các môn đệ trong việc trình bày bản văn của Matthew. Trong ý hướng đó, bài viết chú giải trình thuật Mt 10:5-15 nhằm làm nổi bật chân dung người môn đệ được sai đi và phản tỉnh về sứ vụ của người môn đệ trong Giáo hội ngày nay.

  1. Lý do chọn đoạn trích

            Các môn đệ ở với Đức Giêsu, được Người huấn luyện và sai đi vào sứ mạng. Diễn từ sứ vụ của Đức Giêsu trong chương 10 được Matthew nối kết với đoạn cuối của Tin Mừng (28,16-20). Đó là cách thức Matthew liên đới giữa sứ vụ của Đức Giêsu với cộng đoàn các môn đệ của Người. Phân đoạn Mt 10,5-15 là những lời Đức Giêsu với các nhà truyền giáo tiên khởi được sai đến Galilê. Matthew phác hoạ nét chân dung của người môn đệ được sai đi vào sứ mạng. Đó cũng chính là hoạ ảnh mà mỗi người chúng ta cần phải thể hiện khi sống lệnh truyền của Thầy Giêsu là: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19-20). Bởi vì, chúng ta không chỉ trở thành người loan Tin Mừng, nhưng chính chúng ta là người có Tin Mừng và sống Tin Mừng.

  1. So sánh với các TM Nhất Lãm

Phần chỉ thị truyền giáo được nói đến ở Mt 10,5-15. Matthew đã theo Mc 6,8-11, nguồn Q và Lc 9,2-5; 10,2-12. Các dữ liệu liên quan đến nội dung của chỉ thị truyền giáo này đã có sẵn trong Matthew. Cũng như Mark, chỉ thị trong Matthew là ra đi rao giảng trong nghèo khó, giản dị trong lối sống. Nhưng ta không thấy Mười Hai vị này ra đi, như trong Mc hoặc Lc. Trong Tin Mừng Matthew không phải các môn đệ mà chính Đức Giêsu ra đi truyền giáo[1]. Điểm độc đáo của Matthew là: “Đã nhận nhưng không thì cũng cho nhưng không” (Mt 10,8b), và “thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10b). Về các yếu tố khác cũng giống Mark: “Vào nhà nào thì cứ ở đó cho đến lúc ra đi, và nếu người ta không chấp nhận thì giũ bụi chân”. Với Matthew có việc “chúc bình an,” và sự bình an đó sẽ trở về với người môn đệ, nếu nhà ấy không xứng đáng. Yếu tố hai thành Sôđôm và Gômôra trong Matthew dựa theo nguồn Q trong Lc 10,12. Chỉ thị truyền giáo trong Matthew “kỹ lưỡng” hơn trong Mark.

  1. Bối cảnh của bản văn

            Sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh, giống như chính đời sống người ki-tô hữu, bắt nguồn từ quyền năng và lời kêu gọi của Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa quan trọng của lời dẫn nhập và đoạn mở đầu của bài diễn từ. Các môn đệ phải cầu nguyện để Thiên Chúa sai thợ gặt tới thu hoạch mùa màng. Và Đức Giê-su, đại diện của Thiên Chúa, là người kêu gọi Nhóm Mười Hai và sai họ đi làm “tông đồ” (x. Mt 10,1-5).

Matthew sửa soạn diễn từ với việc chuyển cảnh, trong đó, Đức Giêsu thúc giục các môn đệ cầu xin Chúa sai thợ đến làm việc trong cánh đồng để giúp cho đám đông đang cùng khốn (Mt 9,36-37). Chúng ta có thể coi 9,36-38 là phần mở của bài Diễn từ truyền giáo ở chương 10:

  • 9,36 : Tình cảnh khốn cùng của Israel
  • 9,37-38 : Thiên Chúa sẽ thương sai phái người đến đáp ứng.

Phần đặt khung cảnh này được chia làm hai: Trước hết là việc giảng dạy của Đức Giêsu với đám đông đã “vất vả lầm than đi theo Ngài”, khiến cho Ngài chạnh lòng thương họ, vì “họ như những con chiên không có người chăn” (Mt 9, 35-38), sau đó Đức Giêsu phải đề nghị với các môn đệ của Ngài hãy xin “chủ mùa gặt” sai thợ ra gặt lúa, một cách nói bóng bẩy để chỉ về sứ vụ truyền giáo. Phần thứ hai là việc chọn lựa các môn đệ (Mt 10,1-4), để thi hành sứ mạng trên, mà nội dung của sứ mạng đó được nói ở cả hai phần là: “Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” của dân (Mt 9,35 và 10,1).

Phần thứ nhất (Mt 9,35-38) đã được cấu trúc dựa theo các chất liệu lấy từ các nguồn khác nhau: Câu 35 là của Mc 6, 6 và đã có ở Mt 4,23; câu 36 là của Mc 6,34; câu 37-38 là của nguồn Q có trong Lc 10,2. Như thế Matthew cho thấy ông đã biết rút ra những cái “mới” từ những cái “cũ,” như được nói ở Mt 13,52. Điều mới ở đây là Matthew muốn nhấn mạnh đến “đám đông lầm than vất vả không người chăn dắt” (Mt 9,36)[2].

Phần thứ hai (Mt 10,1-4) bắt đầu với Mc 6,7 và Mc 3,13-15 để nói về quyền năng được trao cho các ông là trừ quỉ. Danh sách các vị tông đồ theo hoàn toàn bản văn của Mc 3,16-19 và được kể thành từng đôi. Như thế, sứ vụ truyền giáo là một nhu cầu khi mà sứ vụ của Đức Giêsu đã được nhiều người biết đến, và chính Ngài cần phải tuyển chọn những người cộng tác với Ngài, và để tiếp tục sứ vụ của Ngài sau này. Với cái nhìn như vậy, chúng ta thấy Matthew cũng đồng quan điểm với Mark.

  1. Chú giải[3]

Anh em đừng đi về phía các dân ngoại (c.5): Đức Giêsu làm theo  kế hoạch cứu độ của Chúa Cha như đã được tiên báo trong Kinh Thánh. Đấng Cứu Thế phải quy tụ trước hết các con chiên lạc nhà Israel[4] – nói lên sự ưu tiên dành cho người Israel trong việc tiếp nhận ơn cứu độ của Đấng Messiah (x. Rm 1,16). Matthew đã trung thành với lộ trình thần học của ông, là “hoàn tất lời hứa với Israel.” Ông viết cho cộng đoàn của ông là người Do Thái, nên đương nhiên ông phải theo lộ trình thần học này[5]. Ngoài ra, cũng vì lý do thực tiễn là để tránh phản ứng bất lợi từ phía người Do Thái[6]. Lệnh truyền nghiêm khắc này sẽ được lấy đi khi Đấng Phục Sinh sai Giáo Hội đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (28:19-20)[7].

Hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel (c.6): diễn tả ám chỉ đến toàn bộ Israel[8], không đơn thuần là một nhóm người trong Israel. Đề nghị này được đưa ra bởi tập hợp những danh từ trong 10,5 (các dân ngoại, người Samaritan) và ở những nơi khác trong Tin Mừng Mt (9,36; 15,24), và cả trong Cựu Ước như Ezekiel 34[9]. Sai các môn đệ đến với các con chiên lạc nhà Israel là Chúa Giêsu muốn thực hiện những lời sấm Cựu Ước về Đấng Messiah, Mục tử tốt lành (Is 40,11; Ed 34,23; 37,24)[10].

Nước Trời (c.7): Nhóm Mười Hai được chia sẻ sứ mạng loan báo Nước Trời của Đức Giêsu bằng việc lặp lại những lời của Người trong 4,17. Đó cũng chính là trở lại với cùng sứ điệp của Gioan Tẩy Giả trong 3,2. Vì thế, có một sự liên tục trong sứ điệp của Gioan, Đức Giêsu và nhóm Mười Hai[11]. Lời loan báo ấy hàm hai ý: một cách khách quan, Nước Trời đang thật sự hiện diện với lời công bố này; thế nhưng nó chỉ mới đến gần đối với người nghe Tin Mừng. Nói cách khác: người ta phải đón nhận sứ điệp với lòng tin, thì Nước Trời mới đến trong lòng người ta thật sự, hay là người ta được gia nhập vào Nước ấy cũng vậy[12].

Chữa lành người đau yếu (c.8): bốn mệnh lệnh (“chữa lành… làm sống lại… làm cho sạch… khử trừ) tương ứng với những hành động được thực hiện bởi Đức Giêsu trong các chương 8-9, do đó làm nên một sự liên tục giữa những hành động của Đức Giêsu và những môn đệ thân tín nhất của Người. Chúng cũng chuẩn bị cho việc tóm kết những hoạt động của Đức Giêsu trong Mt 11,4-6.

Cho không (c.8): Như sứ điệp Nước Trời đã đến gần và quyền chữa lành bệnh tật được Đức Giêsu trao cho nhóm Mười Hai, vì thế họ cũng nên trao ban những quà tặng ấy cho những người khác.

Đừng kiếm vàng bạc (c.9): Câu trước đây thiết lập nguyên tắc của lòng biết ơn, thì ở đây ý tưởng được đưa ra như một lời cảnh báo chống lại những viễn tượng được thực thi trước sứ mạng. Danh sách về những loại kim khí khác nhau (từ vàng, bạc, đến đồng xu) được đưa ra cho thấy một sự nhấn mạnh hơn khi so sánh với Mc 6,8 và Lc 9:3.

Không giày, không gậy (c.10): Matthew vượt qua những luật cấm về một túi thức ăn và hai áo (thêm cho cái mà người ta đã mặc) để cấm mang giày và mang gậy. Mc 6,9 nói người môn đệ được đi giày. Vì đi chân không trên sỏi đá ở Palestine dường như là điều không thể, có lẽ ý là về một đôi giày thứ hai. Gậy có ý là để bảo vệ chống lại thú hoang. Ý không phải là để làm nặng túi hành trang phía sau của một người đang trong chuyến du lịch. Sự hiện diện của Nước Trời phải được chứng minh bằng chính nếp sống của người tông đồ: nghèo khó và đơn giản về tiện nghi vật chất (c.9-10) và siêu thoát về tình cảm nhân loại (c.11). Như thế với tâm hồn tự do, không lệ thuộc, không bám trụ, người thừa sai luôn luôn ở thế lữ hành, mang bình an tức là sự sống mới cho mọi người thành tâm thiện chí (c.12-13)[13].

Vì thợ thì đáng được nuôi ăn: x. Lc 10,7: “vì làm thợ thì đáng được trả công,” mặc dù vậy nhưng trong bối cảnh ý nghĩa thì giống nhau như Mt 10,10. Điều này không những có ý nói người thừa sai phải biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa trong khi phục vụ Tin Mừng, mà còn ngụ ý tới trách nhiệm của cộng đoàn (Hội Thánh), phải lo phương tiện sống và hoạt động cho họ.

  1. Suy tư phản tỉnh

Trong tất cả bốn sách Phúc Âm, chỉ có Matthew đã cho chúng ta các chỉ thị và huấn dụ đầy đủ về người môn đệ. Không những thế, ông còn kết cấu các yếu tố đã thu thập được, làm thành một đơn vị văn chương riêng cho đề tài về sứ mạng này. Không thể chối cãi hướng nhắm rất rõ nét của Matthew về đơn vị văn chương này. Ông đã khéo léo thu góp rất đầy đủ các yếu tố liên quan đến người môn đệ trong sứ vụ truyền giáo được trình bày ở đây.

Lời mời gọi cho sứ mạng vẫn khẩn thiết như ngày nào đối với Giáo Hội hôm nay. Sứ mạng Chúa muốn trao cho các môn đệ khi kêu gọi các ngài, là sứ mạng phục vụ cho sự sống, như chính Đức Giê-su đã thực hiện, và sẽ còn thực hiện “cho đến cùng.” Giáo Hội khi đứng trước những cảnh lầm than của con người vừa do bởi bệnh tật đủ loại, vừa bị chi phối nặng nề bởi ma quỉ không thể “nín lặng làm thinh.” Hơn nữa, ma quỷ, trong thế giới càng hiện đại, càng có nơi ẩn náu kín đáo và phương tiện tinh vi để gieo rắc bầu khí chết chóc vào trong lòng người và trong mối tương quan giữa người với người. Vì thế, trong lời trao sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng trừ quỉ được đưa lên hàng đầu: “Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1).

Lời dặn của Đức Giê-su thật là nhiệm nhặt: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy.” Nếu làm theo, nhất là trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí không đi xa được, vì không “đi dày dép hay cầm gậy,” vốn là những phương tiện đi lại! Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn Chúa, chứ không dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta; và nếu có các phương tiện và tài năng, thì tất cả là ơn huệ Chúa ban để chia sẻ và phục vụ.

Giáo Hội vẫn phải lên đường và lên đường mỗi ngày để thi hành sứ mạng đã được trao phó. Tuy nhiên, các tông đồ thế kỷ 21 hẳn không thể sống theo nghĩa đen những lời trên đây, nhưng cũng không được gạt bỏ tinh thần mà Đức Giêsu vẫn muốn ta giữ mãi. Đó vẫn là hành trang muôn thuở của người tông đồ qua mọi thời đại. Thời nay người tông đồ được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, với những cơ sở vững vàng, với số vốn ổn định, với tri thức bằng cấp đầy đủ. Những điều đó vẫn không khiến chúng ta bỏ rơi tinh thần của Thầy Giêsu. Bởi lẽ mất tinh thần của Thầy, chúng ta chẳng còn là tông đồ nữa.

Tài liệu tham khảo:

Byrne, Brendan, Lifting the Burden – Reading Matthew’s Gospel in The Church Today. Strathfield: St. Pauls Publications, 2004.

Harrington, Daniel J. Ed., Sacra Pagina,  The Gospel of Matthew, Collegeville. Minnesota: Liturgical Press, 2007.

Long, Vũ Phan, Tìm Hiểu Tin Mừng Nhất Lãm. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Tôn Giáo, 2013.

Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu Ược & Tân Ước – Lời Chúa Cho Mọi Người. Hà nội: Nxb Tôn Giáo, 2006.

Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995.

Senior, Donald, Tin Mừng Máthêu, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM & Phạm Thị Huy, OP. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008.

Constable, Thomas L., Notes on Matthew, http://www.soniclight.com. Accessed Oct. 16, 2014.

[1] Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, (Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Tôn Giáo, 2013), 107.

[2] x. Ds 27, 17; 1 V 22, 17; 2 Sb 18, 16; Ez 34, 5; Zac 13, 7.

[3] Dựa theo chú giải của Daniel J. Harrington, Ed., Sacra Pagina,  The Gospel of Matthew, (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2007) và một số các tác giả khác.

[4] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu Ược & Tân Ước – Lời Chúa Cho Mọi Người, (Hà nội: Nxb Tôn Giáo, 2006), 1605.

[5] x. Donald Senior, Tin Mừng Máthêu, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM & Phạm Thị Huy, OP, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008), 134.

[6] Ibid. 89.

[7] Brendan Byrne, Lifting the Burden – Reading Matthew’s Gospel in The Church Today, (Strathfield: St. Pauls Publications, 2004), 88.

[8] Thomas L.Constable, Notes on Matthew, http://www.soniclight.com (accessed Oct. 16, 2014), (ebook) 168.

[9]  Daniel J. Harrington, Ed., Sacra Pagina,  The Gospel of Matthew, (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2007), 140.

[10] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước, (Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995), 90.

[11] Daniel J. Harrington, Ed., Sacra Pagina,  The Gospel of Matthew, (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2007), 140.

[12] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước, (Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995), 90.

[13] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước, (Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995), 90.