Dẫn nhập
Từ buổi bình minh của Triết học, các nguyên tắc Vật lý đã tồn tại ẩn mình dưới dạng suy tư của các triết gia Hy Lạp cổ đại, những người đồng thời được coi như các khoa học gia hay những nhà thông thái. Suốt tiến trình phát triển để trở thành một môn khoa học, một trong những vấn đề chính yếu của Triết học là tìm ra cấu trúc của vật chất và cách thức hữu thể người nhận thức được vật chất ấy. Các triết gia tiền Socrates đã cố gắng tìm kiếm nguyên lý đệ nhất first principle – yếu tố cơ bản cấu tạo nên vật chất: nước đối với Thales, lửa đối với Heraclitus hay không khí đối với Anaximenes. Trừu tượng và quy nạp hơn, ngang qua cái “potentia” của Aristotle cho đến cách diễn tả “rex extensa” của Descartes, vật chất được trình bày theo cách thức khả giác hơn và gắn kết hơn với những định nghĩa thuộc địa hạt Vật lý. Xuyên suốt dòng chảy ấy, Triết học và Vật lý đã hình thành và phát triển mối tương quan không thể tách rời.
Đến thế kỷ XVIII, khi Cơ học cổ điển mang lấy hình hài trọn vẹn với nền tảng là ba định luật Newton, dường như Triết học và Vật lý không thể tìm thấy tiếng nói chung trong việc giải nghĩa cấu trúc vật chất, thay vào đó, hai ngành khoa học này gặp nhau nhau nơi các định luật logic, duy nghiệm và thực chứng. Thế kỷ XIX và XX, nhân loại thành công trong việc khám phá các hạt cơ bản trong nguyên tố hóa học. Các hạt hạ nguyên tử bao gồm proton, notron và electron trở thành các hạt cơ bản nhất của mọi vật chất. Về ngữ nghĩa, chúng chính là thứ mà Democritus gọi là các nguyên tử. Tuy nhiên, việc khám phá ra các hạt hạ nguyên tử đồng thời mở ra một lĩnh vực mới vượt hẳn mọi quy tắc thông thường của khoa học: Vật lý lượng tử.
Bài viết sẽ trình bày cơ bản, với sự giản lược tối đa, về Vật lý lượng tử và ảnh hưởng của các lý thuyết lượng tử lên Triết học xét như là một khoa học định hướng: hiện tượng chồng chập lượng tử (superposition) và logic học, nguyên lý bất định (uncertainty principle) và khoa học nhận thức hiện đại, vướng víu lượng tử (quantum entanglement) và bản chất thực tại khách quan.