(Hình ảnh từ internet)
Có lẽ khó ai có thể phủ nhận rằng Giáo hội Công Giáo đầu thiên niên kỷ thứ ba đã và đang phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn thách đố, mà một trong những nguyên nhân lớn có thể là sự thiếu “lắng nghe” trong Giáo hội. Trong bối cảnh ấy, thật ý nghĩa biết bao khi trong Diễn văn phát biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục 17/10/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Hiệp hành chính là con đường mà Thiên Chúa đang mong đợi, đòi hỏi chúng ta nơi Giáo hội của ngàn năm thứ ba.” Và liền với đó, ngài cũng khẳng định: “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe.” Như thế, theo Đức Thánh Cha, lắng nghe cũng chính là điều mà Thiên Chúa đang đòi hỏi, mong đợi Giáo hội. Lắng nghe chính là điều thiết yếu và đòi hỏi cấp bách cho thực trạng Giáo hội đương thời.
Vậy đâu là cơ sở nền tảng của Giáo hội lắng nghe trong tư tưởng của Đức Phanxicô? Và theo ngài, trong Giáo hội, ai phải lắng nghe ai? Lắng nghe được tiến hành trong Giáo hội thế nào? Qua một số tài liệu, mà chủ yếu dựa trên Diễn Văn Lễ kỷ niệm 50 Năm Thành Lập Thượng Hội Đồng Giám Mục (DV) và Tông huấn Niềm vui Tin mừng – Evangelii Gaudium (EG) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng Hiến chế Tín lý Lumen Gentium (LG) của Công đồng Vatican II (CĐ II), bài viết nỗ lực trả lời những câu hỏi trên với lập luận rằng: Những tư tưởng của Đức Thánh Cha về Giáo hội lắng nghe chính là một sự trung thành tiếp nối triển khai tư tưởng Giáo hội học của CĐ II trong bối cảnh thời đại, cùng với những kinh nghiệm mục vụ riêng của ngài.