Thiên Chúa hiện diện ở đâu?
Các triết gia cho rằng: Thiên Chúa như là một phần của thế giới tự nhiên hay thế giới loài người, hoặc Ngài hiện diện trong cả hai thế giới hoặc không hiện diện trong cả hai thế giới ấy.
Câu 8: Mối liên hệ giữa tôn giáo và triết học là gì?
Cả triết học và tôn giáo quan tâm đến vấn đề Thiên Chúa, dù triết học không quan tâm một vấn đề duy nhất là Thiên Chúa như tôn giáo. Triết học có khuynh hướng tập trung hơn đến “những ý tưởng” trong tôn giáo. Phụ thuộc vào mức độ và sức mạnh của các ý tưởng tôn giáo trong văn hóa nơi họ sống, các triết gia đã có những mức độ khác nhau liên hệ đến thần học. Ví dụ, khi Giáo hội Công Giáo đã có thể chế chi phối toàn bộ Châu Âu trong thời trung cổ, các triết gia như Thomas Aquinas (1225–1274) dành hầu hết các tác phẩm của họ cho những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa.
Các triết gia Hy Lạp cổ đại, những người sau này được biết như “những kẻ ngoại giáo,” ít quan tâm hơn đến tôn giáo, và vào thời Triết Học Ánh Sáng thế kỷ 18, nhiều triết học mang tính thế tục. Sự thế tục hóa này của triết học là một phần thành quả của những bài viết mang tính hoài nghi của David Hume (1711–1776) vừa nói về tính thực tiễn của tôn giáo vừa bàn về sự tồn tại của Thiên Chúa. Các triết gia thế kỷ 19 và thế kỳ 20 phát triển lĩnh vực này như là một dạng thức của sự tra vấn mang tính thế trần vốn không đòi hỏi phải có bổn phận tôn giáo.
Câu 9: Đâu là những ngành chính và lĩnh vực phụ thuộc khác nhau của triết học?
Những ngành chính và những vấn đề chính của triết học bao gồm:
- Đạo đức học: con người phải hành xử như thế nào trong những vấn đề liên quan đến hạnh phúc hay làm tổn thương con người.
- Triết học về khoa học: những giải đáp cho những vấn đề khoa học là gì, bản chất của chân lý khoa học và tiến trình khoa học diễn ra như thế nào.
- Triết học về xã hội và triết học chính trị: những giải thích bằng cách nào mà xã hội và chính quyền vận hành như một thể chế, đâu là những mục đích mà họ nên hướng đến, làm thế nào họ đi đến việc hiện thực hóa những thể chế và làm thế nào những vấn đề của họ có thể được giải quyết.
- Triết học về tri thức [tri thức luận]: những lời giải đáp cho những vấn đề về tri thức là gì, làm sao chúng ta biết được cái gì là đúng, và mối liên hệ giữa nhận thức giác quan với những chân lý trừu tượng.
- Siêu hình học: câu hỏi và câu trả lời chung nhất về bản chất của thực tại, những sự vật vật chất là gì, đâu là những mối tương quan giữa những loại khác nhau của sự vật, và những kết nối giữa tâm trí và thế giới.
- Triết học về tâm trí (philosophy of mind): tâm trí làm việc ra sao, nó có phụ thuộc vào não bộ không, nó kết nối với thân xác như thế nào, bản chất của trí nhớ và căn tính cá nhân là gì.
- Mỹ học (aesthetics): nghiên cứu về nghệ thuật để hướng đến hiểu biết cái đẹp là gì, các tác phẩm nghệ thuật khác với những vật trong tự nhiên và những vật nhân tạo khác ra sao.
- Triết học cổ đại: sự ra đời của triết học Tây phương từ năm 800 trước công nguyên đến năm 400 công nguyên này; triết học cổ đại bao gồm hầu hết các tư tưởng của Hy Lạp và Rôma trước Kitô giáo.
- Triết học trung cổ: sự phát triển của những tư tưởng triết học, từ năm 400 đến thời Phục Hưng vào khoảng năm những 1300 ở Châu Âu trong lòng Kitô giáo, [Môi trường Kitô giáo] cung cấp những quan điểm chi phối thế giới và những nguyên lý căn bản cho cuộc sống hằng ngày.
- Triết học hiện đại: sự hình thành của triết học hiện đại từ khoảng những năm 1600 đến những năm 1800.
- Triết học thế kỷ 19: “giai đoạn chính thống” (classical period) của triết học hiện đại, với các triết gia tiêu biểu như Friedrich Hegel, Immanuel Kant, và John Stuart Mill.
- Triết học phân tích: loại hình triết học chuyên biệt. Đây là loại hình mang tính trừu tượng và chuyên sâu được phát triển trong suốt thế kỷ 20.
- Triết học hậu hiện đại: trường phái tư tưởng triết học xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 20 nhấn mạnh đến những phản ứng chống lại nhiều quan điểm triết học đã được các triết gia thừa nhận trong nhiều thế kỷ.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy PhilosOphy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 4-5.