1. Ý NGHĨA CỦA CÁC BÍ TÍCH

Ở một vài chỗ trong sách này, chúng ta đã nói rằng Thiên Chúa là mầu nhiệm tuyệt đối. Ngài không phải là một điều cũng không phải là một người. Ngài không có thân xác, không bị giới hạn trong không gian và thời gian, cũng như trong một tôn giáo. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng Ngài cũng hiện cách đặc biệt nơi một số người và trong một số biến cố. Thiên Chúa hiện diện cách sống động và mạnh mẽ nơi các thánh hơn là nơi những người bình thường, cũng như nơi kinh nghiệm [của con người] về tình yêu, sự tha thứ, phục vụ, và lòng thương xót hơn là nơi kinh nghiệm về sự dữ. Vì thế, trong khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa có mặt ở khắp nơi, thì cũng cần nói, Ngài hiện diện cách sâu xa và sống động hơn nơi một số người, nơi chốn và biến cố.

Thiên Chúa có thể thông ban chính Ngài cho chúng ta qua công trình tạo dựng (con người, biến cố, thiên nhiên, vẻ đẹp . . .). Đây là ý tưởng ẩn chứa đằng sau ý niệm bí tích. Bí tích làm cho tình yêu và ân sủng vô hình của Thiên Chúa trở nên hữu hình. Vì vậy, khi hiểu như thế, hầu như mọi thứ đều có “tính bí tính”, chẳng hạn: việc một bé chào đời, tình bạn giữa người với người, một cuốn sách hay, vẻ đẹp của thiên nhiên, việc phục vụ người nghèo . . . Nhà khoa học và thần học Teilhard de Chardin nói rằng: “Mọi tạo vật đều thánh thiêng đối với những ai có mắt nhìn.” Tuy nhiên, trong thế giới thánh thiêng đó, người tín hữu tin rằng Đức Giêsu Kitô chiếm vị trí độc nhất nơi các tạo vật. Ngài là bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Hơn bất cứ và bất cứ điều gì khác, Đức Giê su mặc khải cho chúng ta, đồng thời hiện tại hóa chính tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Người Công Giáo tin  rằng Thiên Chúa có thể được chúng ta tìm thấy nơi gia đình, bạn bè, trường học, công việc . . .Tất cả những điều bình thường này, theo một nghĩa nào đó, đều có tính bí tích. Theo cách thế thông thường nào, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho bạn?

 

Đức Kitô tiếp tục hiện diện nơi cộng đoàn đức tin trong và nhờ Chúa Thánh Thần. Khi cử hành bảy bí tích Giáo Hội Công Giáo cử hành sự hiện diện của Đức Kitô. Giáo Hội tin rằng ngang qua các bí tích Đức Kitô tiếp tục trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài, cũng như tiếp tục hiện diện với chúng ta. Chúng ta gọi sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta là ân sủng. Các bí tích không phải là thứ phép thuật mà Thiên Chúa dùng để lôi kéo chúng ta. Các bí tích chính là việc cử hành sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Tất nhiên, Đức Kitô vẫn hiện diện với chúng ta ngoài các bí tích. Dầu vậy, các bí tích luôn là cách thế đặc biệt qua đó Thiên Chúa nuôi dưỡng và giúp chúng ta tăng trưởng thiêng liêng.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Một linh mục tôi biết khi kết thúc Thánh Lễ đã nói: “Thánh Lễ đã xong; giờ đây chúng ta hãy đi và sống mầu nhiệm Thánh Lễ.” Theo bạn, sống mầu nhiệm Thánh Lễ nghĩa là gì?

 

Trong Giáo Hội Công Giáo các bí tích thường được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các bí tích khai tâm, gồm bí tích thanh tẩy, thêm sức và thánh thể, đưa người tín hữu gia nhập Giáo Hội. Nhóm thứ hai là các bí tích chữa lành, gồm có bí tích hòa giải và xức dầu bệnh nhân, giúp chăm sóc những người bị tha hóa bởi tội và bị đè nặng bởi bệnh tật. Nhóm thứ ba là các bí tích về ơn gọi, gồm có bí tích hôn phối và truyền chức thánh, qua đó Giáo Hội được xây dựng bằng tình yêu của những người sống đời thánh hiến và những người sống đời đôi bạn.

  1. BÍ TÍCH RỬA TỘI: BIỂU TƯỢNG, LỊCH SỬ, Ý NGHĨA

Nước: chất liệu của sự sống. Chúng ta trải qua chín tháng mười ngày đầu đời trong đó. Phần lớn cơ thể chúng ta là nước. Trái đất này cũng được bao phủ chủ yếu là bởi nước. Chúng ta có lẽ vẫn xem nước là điều gì đó đương nhiên. Chúng ta đi tới bồn nước và mở vòi. Chúng ta đến hồ bơi hoặc đi biển; chúng ta tắm. Dường như chúng ta có một nguồn cung cấp nước vô hạn. Và vì điều này, hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta không thể sống mà không có nước. Tuy nhiên, đối với hàng triệu người, nước không phải là yếu tố đáng tin báo hiệu sự sống bởi vì họ không có được nguồn cung ứng nước sạch cho sinh hoạt đời sống.

Nước: chất liệu của sự chết. Tiếp theo sau thảm họa chiến tranh ở Vịnh Ba Tư, một đợt gió lốc và mưa bão đã quét qua Băng-la-det (Bangladesh) và giết chết rất nhiều người chẳng kém gì bom đạn đã gây ra ở I-rac (Irag). Một cơn bão có thể đánh chìm một chiếc thuyền và chôn vùi tất cả hành khách dưới lòng biển. Sức mạnh đáng ngạc nhiên của những đợt sóng tại bờ biển có thể khiến cho  một kỳ nghỉ phải kết thúc nhanh chóng.

Trong Kinh Thánh, nước là một biểu tượng rất quan trọng. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo nên nước từ hư không: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,2)

Rất mau sau đó, lụt đại hồng thủy đã tiêu diệt loài người tội lỗi, nhưng đồng thời cũng mang lại cho họ sự sống mới. Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã thành lập Dân Giao Ước, đưa họ vượt Biển Đỏ, nhưng cũng tại biển đỏ, Thiên Chúa tiêu diệt quân thù của họ. Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối, và làm phép rửa cho họ dưới sống Gio-dan (Jordan), tẩy rửa tội lỗi của họ và chuẩn bị họ đón nhận Đấng Mê-si-a đang đến.

Cũng không ngạc nhiên khi các Cộng Đoàn Giáo Hội thời kỳ đầu đã sử dụng nước như phương thế để giúp một người đón nhận đức tin vào Đức Kitô. Nước là biểu tượng hoàn hảo của bí tích Thanh Tẩy bởi vì nước vừa là dấu chỉ của sự sống, vừa là dấu chỉ của sự chết. Người chịu phép Thanh Tẩy được dìm xuống nước, biểu trưng cho việc chết đi cho lối sống cũ, và khi được đưa lên khỏi nước có nghĩa là được tái sinh trong Đức Kitô. Người lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy diễn tả việc từ bỏ lối sống cũ để chọn sống lối sống của Đức Kitô.

Vào khoảng thế kỷ thứ III, cộng đoàn tín hữu đặt ra những qui định chặt chẽ hơn đối với việc lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy và ơn đức tin dành cho các thành viên mới. Theo đó, người muốn gia nhập đạo cần có thời gian để học hỏi về đức tin và lối sống mới trong đạo. Cụ thể, người muốn trở thành Kitô hữu phải trình diện với chủ chăn của cộng đoàn qua sự giới thiệu hay đỡ đầu của bạn bè. Sau đó, họ phải dành khoảng hai hoặc ba năm để học biết đức tin. Họ sẽ được học Kinh Thánh, cầu nguyện với cộng đoàn tín hữu, thực hành các việc bác ái và tham dự cử hành Thánh Thể, nghe các bài đọc và bài giảng nhưng không hiệp lễ. Họ được gọi là “dự tòng”. Nếu họ thành tâm và dấn thân sống đức tin, họ sẽ được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy vào ngày lễ vọng Phục Sinh sau khi đã làm cuộc tĩnh tâm bốn mươi ngày trước lễ. Trong thời gian này, cả cộng đoàn hiệp thông với người dự tòng trong lời cầu nguyện. Vì thế, mùa Chay được ra đời.

Vào tối canh thức Vượt Qua, các dự tòng tụ tập ở cuối nhà thờ (hoặc tại một nhà, vì thời điểm ấy, cộng đoàn tín hữu bị bắt đạo, và không có nhà thờ) tại giếng rửa tội nhỏ. Lưng quay về phía tây (biểu trưng cho bóng đêm và tội lỗi), họ bước đến hồ nước, một phó tế giúp họ dìm mình xuống nước trong lúc đó phó tế đọc: “Tôi rửa anh/chị nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen”. Sau đó, người dự tòng trỗi dậy khỏi nước hướng về phía đông (hướng mặt trời mọc, biểu trưng cho sự phục sinh, sự sống mới), và được khoác một chiếc áo trắng biểu thị rằng giờ đây họ trở nên thụ tạo mới trong Đức Kitô. Sau đó, họ sẽ được xức dầu, và mọi người cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ (việc thực hành này sau đó phát triển trở thành bí tích Thêm Sức). Kế đến, họ được mời vào nhà thờ nơi nó họ cùng cử hành thánh lễ với cộng đoàn và được rước lễ lần đầu.

Chúng ta thấy đây là nghi thức có ý nghĩa rất phong phú và rất quan trọng đối với người lãnh nhận. Nhờ bí tích rửa tội, người lãnh nhận không chỉ được dìm mình vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, nhưng còn được gia nhập cộng đoàn đức tin. Cả hai yếu tố này liên kết mật thiết với nhau.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đâu là những đặc điểm mà bạn có thể nhận ra nơi nghi thức rửa tội thời cổ dành cho những người lớn? Có những đặc điểm nào giống với nghi thức rửa tội dành cho trẻ em?

 

Chúng ta biết, việc hoàng đế Roma hoán cải đã thay đổi cấu trúc Kitô giáo. Trở thành Kitô hữu giờ đây, trở thành một “khuôn mẫu.” Có nhiều người muốn gia nhập đạo Chúa và nghi thức gia nhập diễn ra nhanh hơn vì giai đoạn chuẩn bị cho việc gia nhập đã rút ngắn. Ngoài việc phát triển về tương quan chính trị, yếu tố thần học cũng phát triển. Cụ thể, đó là thần học về Tội Nguyên Tổ (original sin). Theo đó, vì tội của Adam, mà mọi người khi sinh ra đều ở trong tình trạng sa ngã. Vì thế, nếu không có bí tích rửa tội thì không ai được cứu độ. Nếu thế, thì các trẻ em khi sinh ra cần lãnh nhận bí tích rửa tội càng sớm càng tốt. Thần học về bí tích rửa tội giờ đây không còn chú tâm vào ý nghĩa ban đầu của bí tích rửa tội, nhưng tập trung vào tội nguyên tổ và việc rửa tội cho trẻ em. Như vậy, khi rửa tội cho các trẻ em thì đã không xét đến yếu tố tự do chọn lựa của các em, và vì thế ý nghĩa về niềm tin cá vị của một người vào Đức Giêsu lúc chịu phép rửa tội bị đánh mất.

Điều này vẫn còn là một chủ đề chính trong giáo huấn của Giáo Hội về bí tích thanh tẩy cho đến thời gần đây. Để tái khám phá ý nghĩa ban đầu của bí tích rửa tội, Giáo Hội chú trọng việc rửa tội cho người lớn trong cộng đoàn tín hữu với mục đích để người dự tòng ý thức về giai đoạn chuẩn bị của ngày xưa trước khi được lãnh nhận bí tích rửa tội. Điều này giúp nhấn mạnh vai trò của cộng đoàn trong việc đón nhận các thành viên mới vào cộng đoàn đức tin. Việc chuẩn bị này thường kéo dài trong một năm và nghi thức rửa tội thường được diễn ra trong dịp lễ vọng Phục Sinh. Nghi thức này được cử hành theo Nghi Thức Rửa Tội Cho Người Lớn. Qui định mới này giúp rất nhiều trong việc canh tân sự hiểu biết về ý nghĩa đích thực của bí tích rửa tội với những điểm sau:

  • Bí tích rửa tội là sự thông phần vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô
  • Bí tích rửa tội là phương thế giúp tha thứ tội lỗi
  • Bí tích rửa tội là cửa dẫn vào đời sống cộng đoàn tín hữu

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy nhìn vào tội nguyên tổ xét như là sự quy kỷ. Ngày nay, đâu là mười cám dỗ

mà người trẻ phải đối diện?

  1. NGHI THỨC RỬA TỘI CHO TRẺ EM

Vì hầu hết các lần cử hành bí tích rửa tội đều cho trẻ em, nên chúng ta xem xét nghi thức rửa tội cho các trẻ em. Việc cử hành này thường diễn ra vào ngày Chúa Nhật. Bí tích tích rửa tội thường được cử hành bởi các linh mục hoặc phó tế. Trẻ được cha mẹ và người đỡ đầu là những người đại diện cho cộng đoàn tín hữu đem đến nhà thờ. Người đỡ đầu là người giúp cha mẹ của trẻ trong việc giáo dục đức tin cho trẻ. Khi cử hành bí tích rửa tội, cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng đức tin thay mặt con của mình, khi làm như thế, họ cũng làm mới lại lời cam kết của mình khi lãnh nhận bí tích rửa tội.

Thừa tác viên: Để sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không?

Cha mẹ và người đỡ đầu: Thưa từ bỏ

Thừa tác viên: Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?

Cha mẹ và người đỡ đầu: Thưa từ bỏ

Thừa tác viên: Anh chị em có từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?

Cha mẹ và người đỡ đầu: Thưa từ bỏ

Thừa tác viên: Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?

Cha mẹ và người đỡ đầu: Thưa tin

Thừa tác viên: Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?

Cha mẹ và người đỡ đầu: Thưa tin

Thừa tác viên: Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?

Cha mẹ và người đỡ đầu: Thưa tin

Thừa tác viên: Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh, chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Cha mẹ và người đỡ đầu: Amen.

Sau đó, thừa tác viên đổ nước lên đầu trẻ và đọc: “Cha rửa con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Kế đến, thừa tác viên xức dầu cho trẻ. Việc xức dầu đã có từ thời Cựu Ước và biểu thị rằng người được xức dầu là người được Thiên Chúa chọn để thi hành một sứ mạng đặc biệt. Như chúng ta biết, danh xưng “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Vì thế, trẻ được xức dầu trong Đức Kitô với “dầu cứu độ” (chrism of salvation). Một tấm áo trắng được đặt lên người trẻ biểu thị rằng trẻ giờ đây là một thọ tạo mới trong Đức Kitô. Sau đó, cha mẹ đỡ đầu được trao nến được thắp từ nến nến Phục Sinh. Các em được mời gọi sống và trở nên “ánh sáng cho trần gian” trong và nhờ ánh sáng của Đức Giêsu. Nghi thức bí tích này kết thúc bằng kinh Lạy Cha và lời nguyện chúc lành.

  1. BÍ TÍCH THÊM SỨC VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Ý nghĩa của bí tích thêm sức gần với ý nghĩa của bí tích rửa tội. Bí tích này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III, khi ấy bao gồm trong những lời cầu nguyện và việc xức dầu là việc nài xin các ơn Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, nền tảng của bí tích này nằm ở việc chính Đức Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ. Bí tích này đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu. Vì thế, tìm hiểu về Chúa Thánh Thần là cách tốt nhất để hiểu bí tích này.

Buổi tối trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã hứa với những người môn đệ thân tín của mình rằng Ngài sẽ không bỏ rơi họ. Ngài sẽ tiếp tục hiện diện với họ theo một cách thức mới, đó là ngang qua Chúa Thánh Thần.

7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. . . 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. (Ga 16,7.13)

Sau các biến cố tử nạn, phục sinh và lên trời của Đức Giêsu là thời đại của Chúa Thánh Thần mà chúng ta bây giờ đang sống. Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Đức Giêsu vào sa mạc, đưa Ngài vào đời sống cầu nguyện và sống sự hiệp thông với Chúa Cha, soi sáng Ngài trong việc giảng dạy và chữa lành, cũng như làm cho Ngài can đảm đối diện với cái chết. Cũng chính Thánh Thần này được ban cho chúng ta. Chính sự sống của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. Chính sự sống và sức mạnh của Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội nơi mà chúng ta cử hành bí tích thêm sức. Dầu vậy, trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, nếu đem so với Chúa Giêsu và Chúa Cha Chúa Thánh Thần dường như không được quan tâm nhiều.

Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước. Cựu Ước không đề cập đến Chúa Thánh Thần. Đúng hơn, Cựu Ước nói đến Thánh Thần của Thiên Chúa, hoặc Thần Khí của Đức Chúa (Yahweh). Trong tiếng Do Thái, người ta dùng từ ruah để nói về Thần Khí của Thiên Chúa. Từ này có nghĩa là gió, hoặc hơi thở, hoặc là tinh thần. Giống như gió, chúng ta không thể nắm bắt Thần Khí, nhưng chỉ có thể nhận ra ngang qua những tác động của Ngài. Đôi khi, giống như những cơn gió lớn, chúng ta có thể nhận ra Thánh Thần nhờ vào những hoạt động ngoại thường của Ngài. Trong Cựu Ước, chúng ta có thể thấy được điều này ngang qua các biến cố lớn Thiên Chúa làm, chẳng hạn nơi việc tạo dựng, cuộc xuất hành, hoặc nơi những hành động và lời nói của những nhà lãnh đạo vĩ đại của dân Chúa là Israel.

Giống như hơi thở, Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn của sự sống và là nguyên lý nội tại của sự sống. Chúng ta ít chú tâm vào sự kiện chúng ta đang thở, dầu vậy, chính nhờ việc hít thở mà chúng ta có thể sống và hoạt động. Cũng vậy, chúng ta thương không chú ý đến Chúa Thánh Thần là Đấng vẫn luôn âm thầm hoạt động và dẫn dắt chúng ta bước đi trong đường lối tình yêu của Thiên Chúa như xưa Ngài dẫn dắt dân Israel và làm cho họ hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Thần Khí của Thiên Chúa thường được liên kết với các chủ đề về sáng tạo và tái tạo. Chính Thần Khí của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước từ buổi đầu của công trình tạo dựng. Chính “hơi thở” của Thiên Chúa làm cho Adam sống. Cũng chính Thần Khí của Thiên Chúa hứa ban sự sống mới cho dân Israel khi đó cảm thấy như Chúa bỏ rơi mình trong suốt thời gian lưu đày. Vì thế, Thiên Chúa đã nói với họ qua ngôn sứ Edekiel:

11 Bấy giờ, Người phán với tôi: Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Ít-ra-en. Này chúng vẫn nói: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!” …14 Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta làm. (Ed 37,11.14)

Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu. Các tín hữu tin rằng Đức Giêsu được tràn đầy ân sủng của Thánh Thần. Đức Giêsu chính là Đấng được xức dầu trong Thánh Thần của Thiên Chúa. Vì thế, khi Ngài bắt đầu thừa tác vụ công khai, theo tin mừng Luca, Ngài vào hội đường, đọc những lời trong sách ngôn sứ Isaia và xác định đó là những lời nói về chính Ngài:

17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa. (Lc 4,17-19)

Thần Khí của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu. Những ai bước theo Đức Giêsu cần đón nhận Ngài vào cuộc đời mình. Thánh Phaolô khẳng định rằng chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên người tín hữu. Chúa Thánh Thần đã làm gì cho chúng ta?

  1. Chúa Thần giải thoát chúng ta. Kẻ thù lớn nhất của tình yêu là sự sợ hãi. Thần Khí của Thiên Chúa giúp chúng ta thoát khỏi nỗi sợ, để được tự do sống yêu thương. Chúng ta đã nhận thấy chính Chúa Thánh Thần giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Trong ngày này, những người môn đệ của Đức Giêsu lúc ấy còn đang trong tình trạng sợ hãi, đã cảm thấy có điều gì đó lạ thường xảy ra nơi mình. Họ được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, được tự do để yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.
  2. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra sự thật về chính mình, đó là: chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta có được nhận thức đúng đắn về chính mình. Thánh Phaolô viết:

14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. (Rm 8,14-16)

  1. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta sống sự sống mới, trở nên tạo vật mới. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên thánh thiện. Ngài dẫn chúng ta đi trên đường đưa đến sự sống. Thánh Phaolô nói với các tín hữu về đời sống trong Thánh Thần như sau: “22Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,23hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nhìn vào các hoa trái của Thánh Thần, ban nhận ra hoa trái nào nơi cuộc sống của mình? Đâu là hoa trái nào của Thánh Thần mà bạn khao khát nhất?

 

Chúa Thánh Thần và bí tích Thêm Sức. Đời sống các tín hữu là đời sống trong Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hiện diện không chỉ trong vào thời điểm lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhưng Ngài hiện diện trong suốt cuộc đời các tín hữu. Thực ra, đời sống trong Thánh Thần là một đời sống tiến triển cách chậm rãi  nhưng chắc chắn qua các giai đoạn trưởng thành của đời sống đức tin. Đem so những mô tả của thánh Phaol ô về đời sống trong Thánh Thần, chúng ta nhận ra rằng rất ít người đã sống tròn đầy đời sống này.

Khi cử hành và lãnh nhận bí tích Thêm Sức chúng ta cử hành sức sống của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và nơi những người lãnh nhận bí tích. Bí tích này đã được cử hành trong nhiều thế kỷ trong lịch sử. Ngày nay, người lãnh nhận bí tích này thường là những người ở tuổi thiếu niên. Buồn thay, có những người ngày nay xem việc lãnh nhận bí tích này như là dấu hiệu cho thấy việc giáo dục đức tin, và thậm chí việc dấn thân phục vụ Giáo Hội đã hoàn tất. Họ quên rằng, bí tích này là một trong số các bí tích khai tâm Kitô giáo và vì thế, bí tích này diễn tả sự khởi đầu của đời sống đức tin.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nhớ lại ngày bạn chịu phép thêm sức. Khi đó, việc lãnh nhận bí tích này có ý nghĩa gì đối với bạn?

Bạn đã cố gắng sống bí tích này như thế nào?

  1. CỬ HÀNH BÍ TÍCH THÊM SỨC

Thừa tác viên bí tích Thêm Sức là Giám Mục (mặc dù linh mục có thể cử hành bí tích này trong một số trường hợp đặc biệt). Giữa bí tích Thêm Sức và bí tích Rửa Tội có sự nối kết với nhau. Trong bí tích Thêm Sức, lời tuyên xưng tại bí tích Rửa Tội được mới lại. Người lãnh nhận bí tích Thêm Sức một lần nữa được đồng hành bởi cha mẹ đỡ đầu. Việc cử hành bí tích này gồm 3 yếu chính yếu sau:

Việc đặt tay. Đây là một thực hành đã có từ thời xưa trong Giáo Hội biểu thị một ơn gọi đặc biệt hay một sứ mạng trong Giáo Hội. Bí tích này nhấn mạnh sứ mạng của người tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô trong cả lời nói và việc làm.

Việc xức dầu. Như chúng ta thấy trong bí tích Rửa Tội, việc xức dầu biểu trưng cho sự kiện được Thiên Chúa kêu gọi đi thi hành một sứ mạng. Đối với các tín hữu, đây chính là ơn gọi sống trong ân sủng và sự thánh thiện nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa.

Lời đọc “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Bí tích thêm sức trao ban cho người lãnh nhận “ấn tín” của Chúa Thánh Thần. Thời xưa, các vua cũng thường trao ấn của họ cho sứ giả để người này trở thành người đại diện chính thức của vua. Được lãnh nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần có nghĩa là được Thiên Chúa trao bao Thánh Thần cho chúng ta, để chúng ta sống đời sống trong Thần Khí.

Như bạn thấy, bí tích Thêm Sức nhấn mạnh đến sứ mạng của người tín hữu. Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở nên thành viên tích cực trong việc phục vụ cộng đoàn và thế giới.

Các câu hỏi ôn tập

  1. Thế giới chính là “bí tích” theo nghĩa nào?
  2. Liệu Đức Giêsu có thể được hiểu như là một bí tích không? Tại sao?
  3. Hãy định nghĩa “ân sủng”
  4. “Sống các bí tích” có nghĩa là gì?
  5. Các bí tích khai tâm, chữa lành, và kêu gọi là những bí tích nào?
  6. Nước là biểu tượng của cả sự sống và cái chết như thế nào?
  7. Hãy giải thích tiến trình khai tâm gia nhập đạo vào thế kỷ thứ ba?
  8. Những tiến triển nào trong lĩnh vực chính trị và thần học đã thay đổi trọng tâm của bí tích Rửa Tội từ người lớn sang trẻ em?
  9. Đâu là ba ý nghĩa chính của bí tích Rửa Tội?
  10. Hãy giải thích ngắn gọn điểm khác biệt giữa tội nguyên tổ và tội cá nhân?
  11. Đâu là bốn biểu tượng của bí tích Rửa Tội và ý nghĩa của chúng?
  12. Về mặt ý nghĩa, bí tích nào gần với bí tích Thêm Sức nhất?
  13. Từ ruah trong tiếng Do Thái có nghĩa là gì? Từ đó nói với bạn điều gì về thần khí?
  14. Đâu là ba tác động của Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu?
  15. Đâu là các hoa trái của Thánh Thần?
  16. Đâu là ba yếu tố chính yếu của bí tích Thêm Sức?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 188-201.