William Payne Alston
(1921 – 2009)

Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Đỗ Mạnh Hùng, S.J.

Theo dòng chảy triết học, đã từng có biết bao nỗ lực để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng rồi tất cả đều phải thừa nhận sự bất khả thi trong việc đi đến một bằng chứng triệt để cho sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng như vậy chẳng lẽ niềm tin vào Thượng Đế hay niềm tin tôn giáo (NTTG) không thể trở nên hữu lý? Trong bối cảnh đó, những lập luận về kinh nghiệm tôn giáo (KNTG) trở thành một hướng đi mới cho vấn đề. Theo tác giả William P. Alston thì kinh nghiệm tôn giáo có thể trở thành cơ sở biện minh cho niềm tin tôn giáo. Vậy cụ thể, quan điểm và lập luận của Alston như thế nào? Bài viết này là một nỗ lực để tìm hiểu và trình bày điều đó.

MỤC LỤC:
Dẫn nhập
     1. Đôi nét cơ bản về KNTG theo William P. Alston
         1.1. Khái niệm về KNTG như một sự tri nhận về Thượng Đế

         1.2. Từ kinh nghiệm tri nhận Thượng Đế đến niềm tin biểu tỏ
         1.3. Những đặc tính của KNTG
     2. Quan điểm của Alston về vai trò của KNTG trong NTTG
         2.1. KNTG có thể biện minh cho NTTG
         2.2. Đáp lại những lập luận chống đối vai trò biện minh của KNTG trong NTTG
         2.3. KNTG trong sự liên hệ với những cơ sở khác của NTTG
     3. Một vài nhận xét
         3.1. KNTG của Alston như một hướng mới cho vấn đề niềm tin vào Thượng Đế
         3.2. KNTG của Alston vừa gần gũi vừa vượt trên KNGQ
         3.3. KNTG của Alston và những vấn đề mở ra
Kết luận

 

Dẫn nhập
Có thể nói, Thượng Đế và niềm tin vào sự tồn hữu của Thượng Đế là một trong những chủ đề trọng yếu của triết học nói chung và triết học tôn giáo nói riêng. Theo dòng chảy triết học, đã từng có biết bao nỗ lực để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng rồi từ những luận chứng bản thể học của thánh Anselm và Decartes đến những luận chứng theo ngũ đạo của thánh Thomas Aquinas, và cả những luận chứng mang tính luân lý như của Newman v.v. tất cả đều phải thừa nhận sự bất khả thi trong việc đi đến một bằng chứng triệt để cho sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng như vậy chẳng lẽ niềm tin vào Thượng Đế hay niềm tin tôn giáo (NTTG) không thể trở nên hữu lý? Trong bối cảnh đó, những lập luận về kinh nghiệm tôn giáo (KNTG) dường như trở thành một hướng đi mới cho vấn đề.

Thời gian gần đây, nhiều triết gia, trong các tác phẩm của mình, đã trình bày những lập luận về KNTG một cách rất chi tiết và hệ thống. Theo đó, KNTG trở thành cơ sở biện minh cho NTTG. Và trong số ấy, William P. Alston được xem là một trong những tác giả tiêu biểu.[1] Vậy cụ thể, quan điểm và lập luận của Alston về vai trò của KNTG với NTTG như thế nào? Bài viết này là một nỗ lực để tìm hiểu điều đó. Sau khi trình bày vài nét cơ bản về KNTG theo tác giả Alston, bài viết sẽ đi vào nội dung trọng tâm là những lập luận của Alston về vai trò biện minh của KNTG trong NTTG cùng sự đáp trả của ông trước những lập luận chống đối; và cuối cùng sẽ là một vài nhận xét của người viết.

Đầu tiên, thiết tưởng trước khi đi vào các lập luận của Alston về vai trò của KNTG, sẽ được trình sau, thì việc tìm hiểu đôi nét cơ bản về KNTG trong tư tưởng của ông như khái niệm, thể loại và đặc điểm, là điều cần phải có trước.

1. Đôi nét cơ bản về KNTG theo William P. Alston
   1.1. Khái niệm về KNTG như một sự tri nhận về Thượng Đế

Về mặt khái niệm, trong các tác phẩm bàn về KNTG của mình tác giả Alston đều xác định rõ: KNTG có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng nhất, KNTG là “bất kể kinh nghiệm nào mà một người có được trong sự kết nối với đời sống tôn giáo của người đó. Chúng bao gồm những niềm vui, sự sợ hãi hay khao khát mà người đó có trong bối cảnh tôn giáo.” Nhưng theo nghĩa hẹp và đặc thù, KNTG là “những kinh nghiệm đưa chủ thể tới một sự ý thức về Thượng Đế”, là kinh nghiệm mà “nơi đó dường như chính Thượng Đế xuất hiện hay hiện diện với một người”. Loại kinh nghiệm theo nghĩa đặc thù này mới chính là điều Alston tập trung quan tâm bàn tới, ông gọi đó là “sự tri nhận về Thượng Đế” (perceiving of God).[2]

     1.2. Từ kinh nghiệm tri nhận Thượng Đế đến niềm tin biểu tỏ

Từ ý niệm KNTG như một sự tri nhận về Thượng Đế, tác giả Alston tiếp tục xác định rằng ý niệm Thượng Đế (God) cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng, hẹp khác nhau. Ông thấy trong truyền thống Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, Thượng Đế là một nhân vị tối cao, nhưng theo những truyền thống khác như Phật giáo và Ấn giáo, Thượng Đế lại là một dạng của thực tại phi nhân vị. Do đó, theo nghĩa rộng nhất, Thượng Đế là để chỉ về bất cứ một thực tại tối cao nào. Và như thế theo nghĩa rộng này, NTTG có thể hiểu là bất cứ niềm tin về một thực tại tối cao nào đó. Nhưng Alston đã tự giới hạn ý niệm Thượng Đế mà ông bàn tới là ý niệm Thượng Đế theo nghĩa như một nhân vị. Để rồi từ đó, niềm tin vào Thượng Đế cũng được ông giới hạn hiểu theo nghĩa là “niềm tin về những điều mà Thượng Đế đang làm với chủ thể kinh nghiệm – nói với họ, củng cố họ, soi sáng họ, hướng dẫn họ – và về những phẩm chất thánh thiêng mà một người kinh nghiệm chúng thuộc về Thượng Đế – toàn năng, yêu thương, giàu lòng thương xót”. Alston gọi đây là “niềm tin biểu tỏ” – “M-beliefs”, (“M” ở đây là “manifestation”).[3]

Như vậy, về cơ bản tác giả Alston có sự thống nhất với một số tác giả nói về KNTG khác như Friedrich Schleiermacher, Rudolf Otto và William Jame trong cách hiểu về KNTG và NTTG theo nghĩa rộng. Nhưng đồng thời ông cũng xác định trong những thảo luận của ông, nội hàm của những ý niệm này sẽ được giới hạn lại theo truyền thống xem Thượng Đế là một nhân vị tác động trên con người. Thực vậy, trong tác phẩm “Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience” của mình, Alston đã thu thập, đưa ra một số trình thuật từ truyền thống Kitô giáo như là điển mẫu cho KNTG.[4] Từ khái niệm và những trường hợp điển mẫu ấy, tác giả Alston tiếp tục xác định những đặc tính trong loại KNTG mà ông muốn tập trung bàn luận.

     1.3. Những đặc tính của KNTG

Theo Alston, đặc tính thứ nhất của KNTG chính là tính kinh nghiệm. Một ý thức mang tính kinh nghiệm về Thượng Đế ở đây được hiểu như một sự đối lại với việc suy nghĩ về Thượng Đế. Tức KNTG là cảm nghiệm đến từ việc đối tượng khách quan (Thượng Đế) hiện diện, hoặc được ban cho ý thức, chứ không đến từ những hình ảnh, ký ức, lý lẽ trong đầu chủ thể. Điều này giống như trong thế giới vật lý với sự tri nhận giác quan, việc ta nhìn thấy căn nhà trước mặt thì khác với việc ta suy nghĩ, tưởng tượng về nó.[5]

Thứ hai, KNTG ở đây mang tính trực tiếp. Trực tiếp hiểu theo nghĩa là ý thức về Thượng Đế bởi chính sự ý thức về Thượng Đế, và khác với gián tiếp là ý thức về Thượng Đế ngang qua sự ý thức về một điều gì đó khác. Ý thức trực tiếp về sự hiện diện của Thượng Đế thì khác với việc ý thức về Thượng Đế qua việc ý thức về vẻ đẹp của vũ trụ, một cảnh đẹp thiên nhiên nào đó. Alston không phủ nhận KNTG vẫn có thể mang tính gián tiếp. Nhưng ông cho rằng kinh nghiệm trực tiếp thì đơn giản hơn kinh nghiệm gián tiếp (theo nghĩa chỉ có một đối tương được nhận thức), nên được tìm hiểu trước và giúp ông tập trung hơn.[6]

Thứ ba, KNTG ở đây là kinh nghiệm mang tính phi giác quan. Phi giác quan nghĩa là ở đây không có sự ý thức về các phẩm tính cụ thể rõ ràng thuộc giác quan như hình dáng, mùi vị, màu sắc, âm thanh. Alston thừa nhận KNTG vẫn có thể mang nội dung giác quan. Nhưng ông cho rằng “những kinh nghiệm phi giác quan thì có thể là sự hiện diện của Thượng Đế như Ngài là, hơn bất cứ kinh nghiệm giác quan nào”. Trong khi với những KNTG có nội dung giác quan thì không phải kinh nghiệm nào cũng là sự tri nhận về Thượng Đế. Ở đó có thể có ảo giác và ảo tưởng.[7]

Cuối cùng, Alston xác định KNTG ở đây là kinh nghiệm mang tính trọng tâm (focal). Nơi đó, sự ý thức về Thượng Đế tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng mạnh mẽ tức thời chiếm hết tâm trí một người và xua tan mọi thứ khác. Alston cũng không phản đối những KNTG không mang tính trọng tâm. Đó là những kinh nghiệm mang tính nhẹ nhàng, tồn tại dai dẳng như nền tảng cho những kinh nghiệm thường ngày. Nhưng ông cho rằng những gì học được từ KNTG mang tính trọng tâm sẽ như là chìa khóa hiểu KNTG không mang tính trọng tâm.[8]

Như vậy, dù vẫn thừa nhận những KNTG mang tính gián tiếp, có nội dung giác quan, và mang tính nhẹ nhàng, nhưng Alston muốn giới hạn tập trung bàn về KNTG mang tính trực tiếp, phi giác quan và trọng tâm.

Tóm lại, ở phần này, khi đề cập đến những nét cơ bản về KNTG, một mặt Alston thừa nhận những khái niệm về KNTG và NTTG theo nghĩa rộng, nhưng mặt khác ông đã tự hạn định những khái niệm này theo truyền thống và những trường hợp trong Kitô giáo khi bàn luận. KNTG còn được ông giới hạn vào những kinh nghiệm mang tính trực tiếp, phi giác quan và tập trung. Theo Alston, những sự giới hạn này của ông không phải là một sự loại trừ những KNTG với những nội hàm và đặc điểm khác, nhưng mục đích chỉ là để nhắm tới hiệu quả bàn luận. Cụ thể, ông nhận thấy việc giới hạn khái niệm KNTG của ông sẽ tránh sự hoang mang bối rối, lẫn lộn khi phải dùng hạn từ này với ý niệm quá rộng. Hơn nữa, ông thấy rằng mặc dù những lập luận mang tính tri thức luận của ông nhắm tới việc áp dụng cho KNTG nói chung, nhưng việc thảo luận sẽ dễ hình dung và hiệu quả hơn khi chọn nói về một truyền thống cụ thể thay vì phải nói mọi thứ trong những hạn từ ở mức chung nhất. Khi bàn luận, ông phải xem xét vấn đề trong những hạn từ của một truyền thống thực hành tôn giáo cụ thể, và ông đã chọn truyền thống Kitô giáo vì đó là truyền thống mà ông am tường nhất.[9] Còn việc giới hạn bàn luận vào những KNTG mang tính trực tiếp, phi giác quan là bởi theo ông “chúng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhất về tình trạng ý thức chân thực nhất về Thượng Đế”.[10]

Sau khi đã làm rõ những nét chính yếu về ý niệm KNTG như vậy, Alston tiến hành triển khai những lập luận về vai trò của KNTG một cách rất chi tiết. Nội dung tiếp sau đây của bài viết sẽ cố gắng chuyển tải phần nào những lập luận ấy.

2. Quan điểm của Alston về vai trò của KNTG trong NTTG
    2.1. KNTG có thể biện minh cho NTTG

Quan điểm của Alston là KNTG có thể biện minh cho NTTG. Và để lập luận về vai trò biện minh của KNTG với NTTG, ông đã sử dụng, phát triển ý tưởng loại suy từ kinh nghiệm giác quan (KNGQ) trong thế giới vật lý sang KNTG trong thế giới tinh thần của William Wainwright[11], cùng Nguyên Tắc Cả Tin (Principle of Credulity) của Swinburne.[12]

Theo sự loại suy từ KNGQ trong thế giới vật lý sang KNTG trong thế giới tinh thần, Alston cho rằng, NTTG được biện minh bởi KNTG như thể việc tin vào một cái cây tồn tại được biện minh bởi việc thấy cái cây. Trong cả hai trường hợp, niềm tin đều không cần bằng chứng nào khác. Khi nhìn thấy một cái cây thì chính sự tri nhận giác quan đó là bằng chứng tự thân khiến chúng ta tin rằng có cái cây. Cũng vậy, sự tri nhận thần bí về Thượng Đế cũng chính là bằng chứng tự thân khiến chúng ta tin vào Thượng Đế. Tuy nhiên, Alston cũng thừa nhận, điều này không đồng nghĩa rằng mọi sự tri nhận giác quan và thần bí cụ thể là không sai lầm, hay kinh nghiệm có thể được chứng minh là hoàn toàn chắc chắn đúng. Trong tri nhận giác quan vẫn có những trường hợp “nhìn gà hóa quốc” ảo giác, lầm lộn; và trong tri nhận thần bí cũng có thể có những trường hợp “thần hồn át thần tính”, ảo tưởng, lầm lẫn. Nhưng dẫu vậy, theo Alston, trong cả hai loại kinh nghiệm, chủ thể tri nhận vẫn có những lý do vững chắc để tin.[13]

Alston phân tích: “Mặc dù KNGQ hay KNTG có thể không chắc chắn đúng nhưng ở đây vẫn có những lý do chắc chắn để tin, vì niềm tin được hình thành trên cơ sở của những kinh nghiệm này, như chúng ta có thể nói, được chấp nhận một cách hữu lý trong tính sơ cấp (prima facie rationally acceptable), hoặc có thể được chấp nhận một cách hữu lý trong sự vắng bóng những lý do chứng minh điều ngược lại. Hay nói cách khác, niềm tin được hình thành trên kinh nghiệm là niềm tin hình thành trên cơ sở của sự khả tín ban đầu (initical credibility), một tiền giả định về chân lý (presumption of truth). Nó là vô tội bao lâu chưa được chứng minh là lầm lỗi. Nó được chấp nhận một cách hữu lý (được biện minh, đảm bảo) bao lâu mà không ai có lý do thích đáng để cho thấy nó là sai lầm hoặc nó không có hiệu lực như thông thường trong hoàn cảnh cụ thể ấy. Swinburne gọi điều này là Nguyên Tắc Cả Tin.”[14] Như thế, có thể hiểu ngắn ngọn, sự phân tích của Alston ở đây, cũng như Nguyên Tắc Cả Tin, muốn nói rằng niềm tin dựa trên kinh nghiệm là hữu lý khi không có lý do đủ xác đáng để chứng minh nó sai. Điều này có thể được hình dung qua ví dụ cụ thể về sự tri nhận giác quan vừa rồi như sau: Nếu tôi nhìn thấy một cái cây trước mặt thì tôi có quyền tin có cái cây trước mặt bao lâu tôi chưa chứng minh được cái cây là không có thật hoặc thị giác của tôi trong hoàn cảnh đó đang có vấn đề, bị sai lạc. Rõ ràng, ngoài một số ít những kinh nghiệm giác quan lầm lẫn, cứ sự thường chúng ta chẳng khi nào đặt vấn đề về sự xác thực của những tri nhận giác quan hàng ngày của chúng ta. Mà cho dù có đặt vấn đề về chúng (những trường hợp bình thường, không phải ảo giác, lầm lẫn) ta cũng không thể có cách nào để thực sự cho thấy nó là sai, vì mọi kiểm chứng cuối cùng cũng phải dựa vào giác quan.

Theo đó, Alston tiếp tục phân tích và cho thấy Nguyên Tắc Cả Tin phải được chấp nhận để tránh chủ nghĩa hoài nghi tuyệt đối và rơi vào “vòng luẩn quẩn của tri thức” (“epistermic circularity”). Ông chỉ ra: “làm sao mà chúng ta có thể xác định một sự tri nhận giác quan là chắc chắn mà lại không chấp nhận bất cứ một niềm tin giác quan nào như là một tiền giả định”.[15] Alston cũng cho thấy để có tri thức khoa học, điều giúp dự đoán và kiểm soát nguồn gốc của một hiện tượng nào đó, khoa học phải đặt một sự tri nhận giác quan làm cơ sở tiền giả định quyết định. Khoa học thường đi từ những dữ liệu ban đầu do giác quan đem lại rồi rút ra nguyên tắc phổ quát. Nhưng để biết nguyên tắc ấy có đúng không thì cuối cùng cũng lại phải dựa vào quan sát bằng giác quan.[16] Thực vậy, nếu muốn phát biểu một điều gì đó, cuối cùng chúng ta buộc phải chấp nhận một niềm tin giác quan nào đó để làm một sự khả tín ban đầu, hay tiền giả định. Nếu hoài nghi tuyệt đối theo kiểu Decartes từng đặt ra[17] mà không tin vào một tiền giả định nào, chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc của tri thức. Ta cũng hãy thử hình dung một tình huống để thấy rõ điều này: Giả sử nếu ta nghi ngờ một người đang ở trong phòng, ta có thể kiểm tra bằng cách mở cửa phòng ra coi. Nhưng nếu theo sự hoài nghi tuyệt đối, thì ngay cả khi ta mở phòng ra coi và thấy quả thực có người trong phòng (hoặc không có), ta vẫn phải nghi ngờ không biết người mà ta đang thấy (hoặc căn phòng trống) có phải thật hay không. Thậm chí những gì ta đang thấy đó không biết là thật hay mơ, hay mắt ta có vấn đề gì hay không. Và dù ta có nhéo tay mình để kiểm tra mình đang mơ hay đang tỉnh thì, theo hoài nghi tuyệt đối, ta vẫn có thể nghi ngờ rằng cảm giác bị nhéo đó là không thật có thể là ta đang mơ mình bị nhéo!… Cứ vậy, ta sẽ không thể có được tri thức về bất cứ điều gì. Như vậy, trong thế giới vật thể, ta buộc phải có một niềm tin dựa trên cơ sở của tri nhận giác quan. Điều ấy là hợp lý. Và NTTG dựa trên cơ sở KNTG là điều thỏa đáng, hợp lý cũng theo cách như vậy.

Tóm lại, Alston muốn chứng minh trong thế giới vật lý và KNGQ, Nguyên Tắc Cả Tin là điều phải được chấp nhận. Niềm tin dựa trên sự tri nhận giác quan là hữu lý khi không có lý do nào xác đáng để cho thấy nó là sai. Để rồi ông khẳng định, Nguyên Tắc Cả Tin ấy cũng được áp dụng trong thế giới tinh thần và KNTG. Sự tri nhận thần bí là cơ sở biện minh hữu lý cho NTTG bởi không có lý do nào mạnh mẽ đến độ có thể phủ nhận toàn bộ hay hầu hết những NTTG dựa trên KNTG.[18]

Đến đây, chúng ta có thể thấy được hai điểm trụ trong lập luận về vai trò biện minh của KNTG với NTTG của Alston: Điểm trụ thứ nhất là sự loại suy từ KNGQ sang KNTG; và điểm trụ thứ hai là sự vắng bóng của những bằng chứng xác thực chứng minh sự sai lầm của toàn bộ KNTG. Cũng theo đó mà những lập luận chống lại vai trò biện minh của KNTG chính là những lập luận tấn công vào hai điểm trụ này. Nhưng với mỗi loại, tác giả Alston lại có những đáp trả của mình.

    2.2. Đáp lại những lập luận chống đối vai trò biện minh của KNTG trong NTTG
           2.2.1. Đáp lại những lập luận về sự khác biệt giữa KNGQ và KNTG

Loại lập luận thứ nhất chống lại vai trò của KNTG có thể biện minh cho NTTG là loại lập luận đưa ra sự khác biệt giữa KNGQ (với sự tri nhận giác quan) và KNTG (với sự tri nhận thần bí). Những khác biệt chính được đưa ra là: Thứ nhất, trong khi khả năng và việc thực hành KNGQ là phổ quát thì khả năng và sự thực hành KNTG chỉ thuộc về một số người (1). Thứ hai, trong khi KNGQ rõ ràng chi tiết và cụ thể thì KNTG lại mơ hồ không rõ (2). Thứ ba, trong khi KNGQ là liên tục và không thể thiếu thì rất hiếm người có được KNTG liên tục (3). Thứ tư, việc tham gia tri nhận giác quan có thể giúp chúng ta khám phá quy luật hoạt động của đối tượng và có thể dự đoán đối tượng ở một mức độ nào đó, còn sự tri nhận thần bí thì không (4). Thứ năm, tất cả những người trưởng thành bình thường, bất kể văn hóa đều có cùng một hệ thống ý niệm cơ bản về sự vật khi tri nhận giác quan, còn với sự tri nhận thần bí thì không (5).[19] Những sự khác biệt này được đưa ra như để nói rằng KNTG không thể đóng vai trò biện minh cho NTTG như KNGQ biện minh cho NTGQ, và KNTG không mang giá trị nhận thức.

Đáp lại, Alston chỉ thừa nhận những khác biệt này ở một mức độ “giả định việc đưa ra chúng là hợp lệ”. Rồi ông chỉ ra nguyên nhân dẫn tới những khác biệt này và cho thấy những khác biệt này không hề ảnh hưởng gì đến giá trị biện minh của KNTG đối với NTTG và giá trị nhận thức của KNTG.

Giải thích những khác biệt này (1->5), Alston dựa vào đặc điểm đối tượng tri nhận của hai loại kinh nghiệm. Theo ông, khác với đối tượng của KNGQ, là vật thể, đối tượng của KNTG là Thượng Đế. Thượng Đế là phi vật chất, vô hạn và không thể nắm bắt; còn đối tượng của KNGQ là vật chất, hữu hạn và có thể nắm bắt. Thế nên con người không thể hy vọng nắm bắt bản chất, nguyên tắc hoạt động của Thượng Đế như thể nắm bắt những đối tượng của thế giới vật chất. Chúng ta chỉ có thể đạt được những gì là mờ nhạt, thô sơ nhất, một sự nắm bắt bấp bênh nhất về Ngài. (Điều này dẫn tới khác biệt 2,3,4) Hơn nữa, sự tri nhận Thượng Đế không phải là sự tri nhận một vật vô tri nhưng là đi vào tương quan liên vị với tự do. Con người chỉ có ý thức về Ngài, và ý thức một cách rõ ràng, không sai trong một điều kiện đặc biệt nào đó. Alston nói rõ: “Chỉ có ai trong tiến trình tăng trưởng đời sống thiêng liêng mới có kinh nghiệm về Thượng Đế. Thượng Đế không dành cho những kẻ tò mò tọc mạch. Sự ý thức, hiểu biết về bản chất và thánh ý của Thượng Đế không phải là một sự nhận thức đơn thuần nhưng nó đòi hỏi một sự dấn thân trọn vẹn cả con người. Nó đòi hỏi một sự cam kết thực tiễn và thực hành đời sống thiêng liêng cũng như thao luyện khả năng nhận thức” (điều này dẫn tới khác biệt 1).[20]

Bên cạnh đó, Alston cho rằng những khác biệt này không ảnh hưởng đến giá trị nhận thức của KNTG bởi vì chúng ta không thể dựa vào mức độ phổ biến (khác biệt 1, 5), mức độ chi tiết (khác biệt 2, 4) và thời lượng của kinh nghiệm (khác biệt 3) để xác định giá trị nhận thức của kinh nghiệm đó. Thực vậy, chẳng phải những trực giác hiếm hoi đã giúp các triết gia, những nhà khoa học đưa ra được những khám phá và phát minh vĩ đại đấy thôi. Trực giác giúp Einstein khám phá ra thuyết tương đối, luật vạn vật hấp dẫn không thể bị xem là kém giá trị nhận thức hơn những ý thức giác quan mà thường ngày mọi người có về những gì diễn ra xung quanh chỉ vì tính ít phổ biến và không thường xuyên của nó. Với khác biệt về mức độ phong phú chi tiết, Alston lý luận rằng ngay ở trong các loại KNGQ cũng có những khác biệt này. Ví  dụ như khi ta thưởng ngoạn một cảnh đẹp, ta dùng thị giác để ngắm khung cảnh với sườn đồi phủ cỏ xanh mướt với những đàn gia súc và những khóm hoa. Và đồng thời ta cũng ngửi thấy một mùi gì đó khen khét như mùi khói. Rõ ràng lúc đó với thị giác, ta đang tri nhận, thu được thông tin nhiều và chi tiết hơn hẳn khứu giác. Nhưng ta không thể phủ nhận tính xác thực và giá trị tri nhận của khứu giác. Alston kết luận: “Chúng ta không thể cho rằng ít thông tin hơn là không có thông tin gì hết.”[21]

Như vậy, Alston đã cho thấy những khác biệt được nêu ra là có thể hiểu được và chúng không ảnh tới vai trò biện minh của KNTG, với NTTG cũng như giá trị nhận thức của KNTG.

           2.2.2. Đáp lại những lập luận chống đối mang tính phủ nhận KNTG

Loại lập luận thứ hai chống lại vai trò biện minh của KNTG chính là những lập luận cố gắng chứng minh toàn bộ kinh nghiệm về Thượng Đế là sai lầm. Tiêu biểu cho loại này là những lập luận đưa ra cách giải thích tự nhiên về KNTG, những lập luận dựa vào vấn đề kiểm chứng, và những lập luận dựa vào hiện tượng đa tôn giáo.

                     a. Sự giải thích tự nhiên về KNTG

Những lập luận dựa trên sự giải thích tự nhiên về KNTG có thể được xem là những lập luận thực sự mạnh mẽ để phủ nhận những tuyên bố tri thức luận của KNTG. Những lập luận này dựa vào những tuyên bố về việc KNTG có thể được giải thích bởi những yếu tố tự nhiên, mà không cần tới Thượng Đế. Cụ thể KNTG có thể được giải thích với khoa thần kinh học, tâm lý học và xã hội học. Với khoa thần kinh thì mọi KNTG đều được xác định trong sự liên hệ với yếu tố thần kinh. Tác giả John Hick đã thu thập năm giải thích tiêu biểu: Thứ nhất, những ảo ảnh tôn giáo có thể được tạo ra bởi chứng động kinh (Epileptic seizures) và sự kích thích thùy trán do một loại mũ chụp kích thích từ tính có tên là “chiếc mũ Persinger”. Thứ hai, những loại thuốc tâm thần cũng gây ra rất nhiều dạng KNTG. Thứ ba, ý thức về sự hư vô trống rỗng là do sự tiếp tục của ý thức sau khi đã bị ngưng toàn bộ việc đưa vào các ý niệm. Thứ tư, cảm nhận về sự hợp nhất với mọi thực tại là do sự đóng lại với ý thức về các ranh giới của cơ thể cá nhân. Thứ năm, cảm nhận về sự hiện diện của Thượng Đế là do một sự phân tách hệ thống cái tôi thành hai, nửa này nhìn nửa kia như một thực thể tách biệt.[22]  Trong khi đó, với khoa tâm lý, theo lý thuyết của Sigmund Freud, KNTG chỉ là những ảo tưởng do sự phóng chiếu những ước muốn một cách vô thức của con người.[23] Còn với khoa xã hội học, theo những học thuyết như của Emile Durkheim, KNTG chỉ như một biểu tượng xã hội, là những hữu thể tưởng tượng mà xã hội tạo ra để kiểm soát cá nhân.[24] Như vậy, những giải thích từ khoa thần kinh, tâm lý và xã hội đã giải thích KNTG một cách thuần tự nhiên. Những lập luận chống lại KNTG đã dựa vào những giải thích này để nói rằng toàn bộ nội dung của KNTG là sai lầm.

Theo Alston, cơ sở chung của những lập luận này là giả thuyết: Một người chỉ thực sự tri nhận đối tượng X bằng việc có một kinh nghiệm nào đó về X, khi và chỉ khi mà X đóng vai trò là nguyên nhân của kinh nghiệm ấy. Tức một người chỉ được xem là có kinh nghiệm về Thượng Đế nếu Thượng Đế là nguyên nhân của kinh nghiệm ấy mà thôi. Mà KNTG có thể được giải thích bằng những nguyên nhân hoàn toàn tự nhiên nên KNTG là sai lầm.[25]

Đáp lại lối lập luận này, Alston nói rằng “Dẫu cho KNTG có thể được giải thích thỏa đáng theo những hạn từ của những nhân tố đơn thuần của thế giới này, thì cũng quá vội vàng để kết luận rằng Thượng Đế không tạo ra KNTG.”[26] Bởi lẽ theo Alston, khi xem xét chính KNGQ ta thấy rằng mặc dù KNGQ có thể được giải thích chỉ bằng nguyên nhân trực tiếp là tiến trình chuyển động trong não bộ thì chúng ta vẫn thấy rằng đối tượng bên ngoài vẫn được tri nhận qua những kinh nghiệm ấy. Tiến trình làm việc của não bộ là nguyên trực tiếp gây ra KNGQ nhưng chính tiến trình ấy cũng lại phải có nguyên nhân của nó. Và nếu truy đến tận cùng chúng ta sẽ đi tới đối tượng bên ngoài. Như vậy, ta có thể loại suy rằng dù KNTG có nguyên nhân trực tiếp trong thế giới tự nhiên thì Thượng Đế vẫn có thể là nguyên nhân dẫn tới kinh nghiệm đó. Ngài có thể là nguyên nhân của chuỗi nguyên nhân dẫn đến kinh nghiệm đó. Thực vậy, theo cái nhìn của người hữu thần thì Thượng Đế là nguyên nhân cho sự hiện hữu và sự vận hành của thế giới tự nhiên.[27] Lối lập luận này của Alston về cơ bản giống với lối lập luận mà Wainwright đưa ra.[28]

Nhưng Alston nhận thấy nếu dừng lại ở đó thì cũng chưa đủ. Ông muốn đi sâu xa hơn, vì cho dù là thế (Thượng Đế là nguyên nhân của kinh nghiệm), thì vấn đề vẫn còn được đặt ra là Thượng Đế có thể không đóng vai trò là nguyên nhân theo cách là đối tượng được tri nhận. Thực vậy, việc một điều nào đó đóng vai trò là một trong những nguyên nhân gây ra kinh nghiệm không đủ để điều ấy trở thành đối tượng được tri nhận. Ví dụ, để đi đến một kinh nghiệm thị giác ta cần có cả một chuỗi nguyên nhân, nào là sự phản chiếu ánh sáng từ đối vật vào võng mạc, sự kích thích võng mạc, sự truyền dẫn thông tin từ mắt tới hệ thần kinh v.v. nhưng hầu hết chúng đâu có được ta tri nhận. Như vậy, một điều để được tri nhận thì nó phải đóng vai trò nguyên nhân trong một cách thức nào đó để được tri nhận. Alston tiếp tục chỉ ra ngay trong KNGQ, với mỗi loại giác quan khác nhau đối tượng được tri nhận lại đóng vai trò là nguyên nhân gây ra kinh nghiệm theo một cách khác nhau. Ví dụ: Với thị giác thì là điều gì đó phản chiếu hoặc tạo ra ánh sáng rồi đi vào võng mạc. Nhưng với thính giác thì lại là điều gì đó như là phát ra hoặc phản hồi âm thanh, rồi va vô màng nhĩ. Và tới đây, Alston  nói về KNTG như một loại tri nhận đặc biệt, bản chất của nó là khó nắm bắt. Hơn nữa, vai trò nguyên nhân được đòi hỏi để trở thành một đối tượng được tri nhận chỉ là điều chúng ta học từ kinh nghiệm. Chúng ta phải có một số trường hợp tri nhận xác thực về đối tượng trong loại giác quan đó trước, rồi ta mới rút ra được vai trò nguyên nhân để trở thành đối tượng tri nhận với loại giác quan đó theo kiểu quy nạp. Chứ ta không có một cách thức tiên thiên trước để xác định điều đó. Do đó, một người không có những tri nhận xác thực về Thượng Đế không thể đưa ra cách thức mà Thượng Đế phải đóng vai trò là nguyên nhân để được tri nhận. Những phê bình KNTG không hề có cơ sở nào để nói rằng Thượng Đế không thỏa mãn vai trò nguyên nhân theo cách thức được yêu cầu.

Như vậy, theo Alston, những lối giải thích KNTG theo tự nhiên không bác bỏ được KNTG. Nhưng ngoài lập luận phản bác ấy còn có một lập luận phản bác khác được đưa ra đó là lập luận dựa trên vấn đề kiểm chứng.

                     b. Vấn đề kiểm chứng

Nhiều người cho rằng KNTG không thể biện minh cho NTTG vì không thể kiểm chứng.[29] Đáp lại lập luận này, trước hết Alston trả lời rằng: không thể nói KNTG không thể kiểm chứng vì thực tế cộng đồng tôn giáo vẫn có những hệ thống chỉ dẫn và kiểm tra nghiêm ngặt những KNTG. Nó bao gồm những tiêu chuẩn như: Kinh nghiệm ấy phải phù hợp với những điều cơ bản trong hệ thống giáo thuyết về bản chất Thượng Đế. Hoa trái của kinh nghiệm phải là sự bình an nội tâm và sự trưởng thành thiêng liêng. Nội dung kinh nghiệm không phải là điều tự người đó tạo ra v.v. Tuy Alston thừa nhận những kiểm chứng và điều kiện này không hoàn toàn chắc chắn đảm bảo tính xác thực của KNTG, nhưng ông cho rằng điều đó cũng không thể phủ nhận giá trị của những chỉ dẫn. Thực ra, những kiểm chứng giác quan cũng không phải là luôn có sự hoàn toàn chắc chắn.

Mặt khác, Alston khẳng định rằng KNTG không thể được kiểm chứng theo kiểu KNGQ. Với KNGQ ta có nhiều cách kiểm chứng. Ví dụ, để kiểm chứng việc tôi nhìn thấy một chiếc máy bay bay qua bầu trời có đúng không, tôi có thể hỏi những người trong khu vực tôi sống, xem cùng thời điểm tôi trông thấy chiếc máy bay họ có thấy giống tôi không. Tôi cũng có thể kiểm tra thị giác của mình xem chúng có hoạt động bình thường hay không; tôi có bị say xỉn không… Điều này có nghĩa là nếu nếu việc tôi tri giác là đúng thì trong cùng một vị trí, thời điểm, điều kiện giống tôi, mọi người khác đều phải tri nhận được điều đó. Nhưng với KNTG thì khác. Chúng ta cũng vẫn có thể nói đôi chút về những điều kiện nhất định để dẫn đến sự tri nhận về Thượng Đế. Đó có thể là một tình trạng tâm hồn ngoan nghì đủ, hài hòa về thiêng liêng đủ, một tình trạng tâm hồn sở hữu những nhân đức nhất định như khiêm nhường, thương xót, một thái độ yêu mến, vâng phục và mở ra với Thượng Đế đủ, hay theo Kinh Thánh thì: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt, 5-8) v.v. Mặc dù vậy, ta vẫn không thể có những bài kiểm chứng theo kiểu của KNGQ. Bởi Thượng Đế và KNTG thì vô cùng huyền nhiệm. Thượng Đế thì luôn hiện diện ở khắp nơi. Do đó vị trí, thời gian của chủ thể chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng ta không thể đòi hỏi rằng Thượng Đế phải được tri nhận bởi mọi người mọi lúc mọi nơi; hay chỉ cần đáp ứng một số điều kiện nhất định nào đó ta sẽ chắc chắn tri nhận Thượng Đế. Hơn nữa, cho dù biết những điều kiện ấy, ta cũng không thể có những bài kiểm tra, đo lường những điều kiện ấy (những phẩm tính như khiêm nhường, yêu thương, trong sạch, mức độ mở ra với Thượng Đế) một cách chính xác.[30]

Và điểm quan trọng nhất mà Alston muốn nói ở đây là, vấn đề kiểm chứng không thể chứng minh sự sai lầm tri thức của KNTG. Ông chỉ ra rằng những người nói rằng KNTG không thể kiểm chứng chẳng qua là vì họ đang đứng trên tiêu chuẩn của tri nhận giác quan để đánh giá KNTG. Họ cho rằng nếu KNTG không được kiểm chứng theo kiểu KNGQ thì KNTG là không có giá trị nhận thức. Đây rõ ràng là một sự áp đặt bất công, thiển cận. Tại sao phải lấy tiêu chuẩn giác quan để đánh giá KNTG? Sự tri nhận thần bí có thể đưa ta đụng chạm tới những điều vượt trên thế giới vật lý. Theo Alston, chỉ khi chúng ta có một chỗ đứng, cùng những tiêu chuẩn hoàn toàn độc lập bên ngoài sự tri nhận giác quan để đánh giá sự chắc chắn của tri nhận giác quan và đồng thời cho thấy sự tri nhận thần bí thiếu những điều đó, thì chúng ta mới có thể phủ nhận sự thiếu chắc chắn của sự tri nhận thần bí. Nhưng ở đây rõ ràng chúng ta không thể tìm đâu ra chỗ đứng cùng những tiêu chuẩn như thế. Thế nên, chúng ta không có lý do để làm cho tri nhận tôn giáo trở nên chắc chắn đúng, nhưng cũng hoàn toàn không có lý do để nói rằng sự tri nhận này là chắc chắn sai.[31]

Như vậy, Alston đã cho thấy những lập luận dựa vào vấn đề kiểm chứng không thể bác bỏ được Nguyên Tắc Cả Tin của KNTG. Nhưng còn một lập luận khác chống lại KNTG cũng thường được đưa ra đó là lập luận dựa trên hiện tượng đa tôn giáo và việc xung đột bởi các tuyên tín.

                    c. Vấn đề đa tôn giáo và sự xung đột của những những tuyên tín

Lập luận này đưa ra thực tế là có rất nhiều tôn giáo khác nhau với nhiều những tuyên tín, KNTG khác nhau, và nhiều khi những tuyên tín, những kinh nghiệm ấy lại có nội dung khác nhau thậm chí xung đột nhau. Và lý luận được đưa ra là vì tất cả chúng không thể cùng đúng, tức có cái sai, mà tất cả đều là KNTG. Vậy KNTG là sai.[32]

Để trả lời, Alston cũng đưa ra lập luận dựa vào đặc điểm đối tượng tri nhận trong KNTG như trong phần giải quyết những lập luận về sự khác biệt giữa KNGQ và KNTG. Đồng thời, theo ông điều quan trọng là cần phải phân biệt giữa việc có kinh nghiệm và việc mô tả, giải thích điều được kinh nghiệm. Như ở trên đã nói, Alston đã chỉ ra đối tượng của KNTG là Thượng Đế, Ngài là phi vật chất, vô hạn, không thể nắm bắt. Con người không thể hy vọng nắm bắt bản chất, nguyên tắc hoạt động của Ngài như thể những đối tượng của thế giới vật chất nhưng chỉ có thể đạt được những gì là mờ nhạt, thô sơ nhất, một sự nắm bắt bấp bênh nhất về Ngài. Chính từ đây mà ta có thể nói, mỗi KNTG có thể chỉ tri nhận được một phần, một khía cạnh nào đó, ở một mức độ nào đó của Thượng Đế mà thôi. Hơn nữa, việc giải thích, diễn tả những kinh nghiệm này với mỗi chủ thể có thể khác nhau bởi chúng bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố riêng của chủ thể. Những giải thích mô tả này có thể sai lạc nhưng việc có kinh nghiệm, có đối tượng được tri nhận thì không sai. Như vậy, ta vẫn có thể khẳng định KNTG cấu thành ý thức đích thực về Thực Tại Thánh Thiêng. Mặc dù những kinh nghiệm như vậy có thể ít nhiều có sự sai lầm, nhưng nó vẫn chứa đựng mức độ, lượng định nào đó của chân lý. Điều này ví thể như chuyện “thầy bói xem voi”. Và cũng có thể hình dung như trong thế giới vật lý, niềm tin giác quan cụ thể có thể lầm lẫn nhưng niềm tin phổ quát là không sai. Ví dụ, do khúc xạ, mắt ta có thể nhìn một chiếc đũa thẳng trong lý nước thành chiếc đũa gãy. Khi đó, việc thấy chiếc đũa gãy có thể sai về mặt tri thức nhưng việc có thấy, có một chiếc đũa hiện hữu là không thể sai. Cũng vậy, KNTG cụ thể có thể lầm lẫn nhưng việc có kinh nghiệm và niềm tin nền tảng về sự tồn tại của một hiện hữu siêu việt là không sai. Và mặt khác, những kinh nghiệm khác nhau có thể dần đi tới sự điều chỉnh và tinh lọc để tăng sự chân xác của niềm tin phát xuất từ KNTG.[33] Như vậy, theo Alston, sự khác biệt và xung đột của những tuyên tín tôn giáo có thể được nhìn như một sự bổ túc cho nhau để đi đến nhận thức chính xác hơn, toàn thể hơn về Thượng Đế chứ không phá hủy giá trị nhận thức của KNTG.

Tóm lại, qua những lập luận của Alston, vai trò biện minh của NTTG vẫn đứng vững cho dù giữa KNGQ và KNTG có những khác biệt, dù KNTG có thể được giải thích cách tự nhiên, dù KNTG không thể kiểm chứng và dẫn đến đa tôn giáo. Cuối cùng, Alston nói về vai trò của KNTG trong sự liên hệ với những nền tảng khác của KNTG.

     2.3. KNTG trong sự liên hệ với những cơ sở khác của NTTG

Trong tác phẩm Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience của mình, tác giả Altson đã dành trọn chương cuối để nói về vai trò của KNTG như là một trong số những cơ sở của NTTG. Ở đó Alston nói rằng sự tri nhận về Thượng Đế hay kinh nghiệm thần bí mà ông bàn tới từ đầu tới giờ chỉ là một cơ sở trong số những cơ sở khác của NTTG.[34]

Theo ông, những cơ sở khác đó là: mạc khải, truyền thống và thần học tự nhiên. Trong đó, ông hiểu thần học tự nhiên là những công trình cung cấp những lý lẽ ủng hộ NTTG khởi đi từ những giả định không xuất phát xuất từ bất cứ NTTG nào, ví dụ như sự tồn tại của thế giới, trật tự vũ trụ. Còn truyền thống ở đây được hiểu như là một nguồn của đức tin, được tạo thành bởi những lời dạy của giáo hội, có vai trò truyền lại cho các thế hệ niềm tin vào Thượng Đế và sự liên hệ của Ngài với chúng ta, là điều trở thành trung tâm của giáo hội và quy chuẩn cho tín hữu. Và cuối cùng, mạc khải được hiểu là những thông điệp Thượng Đế ban cho dân Ngài ngang qua những ngôn sứ được chọn; là những gợi hứng thần linh trong những bản văn viết hoặc nói mà ở đó, người sáng tác không tiếp nhận một sự giao tiếp cụ thể nào trong ý thức; là những hoạt động thần linh trong lịch sử. Với Alston, những cơ sở này đều là những cơ sở cùng với NTTG góp phần vào cơ sở tổng thể cho NTTG. Ở đó, các cơ sở có tương tác liên hệ lẫn nhau.[35]

Nói về tương quan của những cơ sở này, Alston cho rằng tương quan ấy có hai dạng. Thứ nhất, những cơ sở này có tương quan theo kiểu cộng gộp, phối kết tạo thành một cơ sở tổng thể lớn hơn cơ sở của từng phần. Điều này cũng giống như việc nhiều bằng chứng ủng hộ một giả thuyết khoa học gộp lại sẽ tạo thành một sự ủng hộ lớn hơn cho giả thiết khoa học ấy. Niềm tin vào một Thượng Đế yêu thương khi được củng cố bằng việc dựa trên tất cả các cơ sở là những kinh nghiệm tri nhận Thượng Đế yêu thương, sự mạc khải của chính Thượng Đế, lời dạy giáo hội và thần học tự nhiên thì sẽ vững chắc hơn là chỉ dựa vào một cơ sở. Tuy nhiên, Alston cũng nói rằng tương quan giữa các cơ sở không chỉ đơn thuần là cộng gộp như vậy, nhưng là một tương tác mật thiết hơn theo nghĩa là cái này sẽ giúp đặt nền cho cái kia, cái này sẽ giúp loại trừ vướng mắc, nghi hoặc cho cái kia. Ở đây Alston nói: “tri nhận mà không có ý niệm, tri nhận tăm tối, ý niệm mà không có tri nhận sẽ trở thành ý niệm trống rỗng.” Ông cho rằng mạc khải, truyền thống có thể cung cấp ý niệm cho kinh nghiệm tri nhận nhưng kinh nghiệm tri nhận lại làm cho ý niệm được sống.[36]

Tóm lại, theo Alston, cùng với NTTG còn có những nền tảng khác cũng có giá trị biện minh cho NTTG, cung cấp một phần chân lý về niềm tin đó. Không có nền tảng tự đủ để làm cho tôn giáo được chấp nhận cách hữu lý mà mỗi loại chỉ đảm nhận một phần nào đó. Do đó vai trò biện minh của với KNTG với NTTG cần được đặt trong sự liên hệ với những nền tảng khác ấy. Đến đây, người viết xin đưa ra một vài nhận xét thiển cận của mình về vai trò của KNTG theo tác giả Alston.

3. Một vài nhận xét

    3.1. KNTG của Alston như một hướng mới cho vấn đề niềm tin vào Thượng Đế

Đầu tiên có thể nói, quan điểm của Alston về KNTG đã góp phần đưa vấn đề về niềm tin vào Thượng Đế chuyển sang một hướng mới. Thực vậy, nếu so với những luận cứ trước đó như bản thể luận, vũ trụ luận, luận cứ luân lý, thì có thể thấy với lập luận về KNTG, Alston  đã khiến vấn đề về niềm tin vào Thượng Đế chuyển từ hướng tập trung cố gắng để chứng minh Thượng Đế có hiện hữu hay không sang hướng nói về sự hữu lý của niềm tin vào Thượng Đế. Ngay trong sự so sánh với những tác giả khác cùng nói về KNTG như Rudolf Otto và William Jame, người đọc cũng thấy điểm mới nơi những lập luận của Alston. Nếu như lối tiếp cận KNTG của những tác giả khác vẫn là lối tiếp cận theo kiểu đi tìm luận cứ chứng minh sự hiện diện của Thượng Đế và tập trung phân tích giá trị của KNTG theo phương diện văn hóa, lịch sử, hệ quả,[37] thì Alston lại chuyển hẳn sang khía cạnh biện minh và theo giá trị tri thức luận. Với những lập luận về KNTG của Alston ở đây, KNTG không phải là bằng chứng thuyết phục mọi người về sự hiện hữu của Thượng Đế, nhưng là một cơ sở biện minh mang lại tính hữu lý cho NTTG trong tính tri thức luận. Xem ra đây là một hướng đi phù hợp và thức thời. Bởi lẽ, thực tế việc chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế là bất khả. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy việc có một đức tin được phát xuất, hình thành dựa trên những bằng chứng, lý lẽ thuyết phục theo kiểu thuần lý trí là điều rất khó hình dung. Nhưng có lẽ điều cốt yếu của đức tin là từ kinh nghiệm, và đức tin phải là một lựa chọn tự do. Điều này cũng giống như nhận định của tác giả Dermot Lane trong tác phẩm Kinh nghiệm Thiên Chúa đã đưa ra: “Ngày nay, vấn nạn về Thiên Chúa không còn là sự chứng minh một hữu thể mà chúng ta gọi là “Thiên Chúa” có hiện hữu hay không…Với thế kỷ 21, thế kỷ này khác với mọi thế kỷ khác. Vấn nạn về Thiên Chúa là khả năng kinh nghiệm Thiên Chúa trong thế giới… Mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là một lý thuyết cần chứng minh nhưng là một kinh nghiệm để sống.”[38]

Đặc biệt, trong quan điểm của Alston, cơ sở biện minh của KNTG với NTTG không còn đứng độc lập như trước nữa nhưng được đặt trong tương quan tương tác bổ trợ với những cơ sở khác. Điều này thiết tưởng là mang lại một cái nhìn đầy đủ và hợp lý hơn. Người viết cũng đồng ý với tác giả Lane rằng, kinh nghiệm “không bỏ đi những chứng minh về sự hiện hữu của Thiên Chúa… Những bằng chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa thật sự soi sáng và củng cố cho kinh nghiệm về Thiên Chúa… Không có kinh nghiệm của ai có thể mở ra với tính toàn thể của thực tại… Cộng đoàn có vai trò quan trọng: cung cấp chân trời tổng quan để hiểu kinh nghiệm và kiểm chứng.”[39]

     3.2. KNTG của Alston vừa gần gũi vừa vượt trên KNGQ

Chưa hết, người đọc còn nhận thấy có một điều thú vị trong cách lập luận của tác giả Alston về vai trò biện minh của KNTG với NTTG là ông vừa cho thấy sự gần gũi của KNTG với KNGQ, lại vừa cho thấy sự khác biệt, vượt trên của KNTG so với KNGQ. Thực vậy, một mặt Alston chứng minh vai trò biện minh của KNTG bằng cách loại suy từ KNGQ đồng thời ông cũng lại dùng sự khác biệt giữa KNTG và KNGQ để chứng minh vai trò ấy. Khi loại suy từ KNTG từ KNGQ, ông giúp một người thực hành tri nhận giác quan, có KNGQ (thực tế ai cũng có) và thừa nhận giá trị của KNGQ có thể dễ dàng liên hệ, hình dung về sự tri nhận thần bí và cách thức biện minh của tri nhận thần bí với NTTG là như thế nào. Nhưng khi phân tích sự khác biệt giữa KNGQ và KNTG ông lại thuyết phục rằng việc lấy KNGQ như một tiêu chuẩn để đánh giá KNTG là điều không hợp lệ. Như vậy theo lập luận của Alston, KNGQ vừa trở nên gần gũi vừa vượt trên KNGQ. Những lập luận này thực sự chi tiết hệ thống và mang lại sức thuyết phục cao. Đồng thời cũng cho thấy việc lựa chọn NTTG là một vấn đề của tự do của huyền nhiệm.

     3.3. KNTG của Alston và những vấn đề mở ra

Tuy vậy, có lẽ vấn đề ở đây không phải là một sự đóng lại với những thỏa đáng triệt để nhưng cũng có những cửa ngõ đang mở ra. Thứ nhất, qua việc giới hạn nội hàm của khái niệm KNTG, Alston có thể tập trung làm rõ những lập luận mang tính tri thức luận của mình, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ còn đó những cửa ngõ đang bỏ ngỏ. Đó là vai trò của những loại KNTG theo nghĩa chung, là KNTG về những thực tại phi nhân vị, là những loại KNTG có nội dung giác quan, gián tiếp, không trọng tâm. Vai trò của những KNTG này vẫn được xem là KNTG và vai trò của chúng với NTTG cũng cần được làm rõ. Thứ hai, việc thuyết phục KNTG là cơ sở biện minh cho NTTG có thể xem là những đóng góp tích cực cổ vũ cho việc tôn trọng KNTG riêng tư, tôn trọng đa tôn giáo và giúp đối thoại liên tôn. Nhưng cùng với đó, vấn đề chủ quan, tương đối, và mê tín dị đoan có thể được đặt ra. Phải chăng mọi niềm tin dựa trên kinh nghiệm đều có lý? Làm sao để phân biệt giữa mê tín và chánh tín? Thứ ba, lập luận về tương quan giữa KNTG với những cơ sở khác như mạc khải và truyền thống dường như có sự luẩn quẩn. Thực vậy khi nói truyền thống như đóng vai trò cung cấp ý niệm cho KNTG và KNTG giúp kinh nghiệm mạc khải và truyền thống. Nhưng vấn đề có thể được đặt ra là làm sao biết đó là mạc khải, từ đâu hình thành truyền thống, chẳng phải cũng là từ kinh nghiệm sao?…

Kết luận

Xuất phát từ khái niệm KNTG như một sự tri nhận trực tiếp về sự hiện diện và hoạt động của Thượng Đế, tác giả Alston đã triển khai những lập luận cho thấy vai trò biện minh của KNTG với NTTG. Vai trò này được chứng minh về mặt tri thức luận dựa trên sự loại suy từ KNGQ và Nguyên Tắc Cả Tin. Theo đó, nếu một người tin vào giá trị của KNGQ như một sự biện minh cho NTGQ thì cũng phải tin vào giá trị của KNTG như sự biện minh NTTG.

Tác giả Alston cũng cho thấy, vai trò biện minh này có thể vẫn đứng vững trước những tấn công của những phản đối dựa trên sự khác biệt của KNGQ và KNTG, những phản đối dựa trên sự giải thích tự nhiên về KNTG cũng như những phản đối dựa trên vấn đề kiểm chứng và hiện tượng đa tôn giáo. Thêm vào đó, vai trò của KNTG với NTTG có thể được hiểu rõ hơn trong mối liên hệ và sự tương tác với những cơ sở khác của NTTG như mạc khải, truyền thống và thần học tự nhiên.

Vai trò của KNTG đã được làm sáng tỏ qua những lập luận chi tiết, hệ thống và thuyết phục của tác giả Alston. Những lập luận về KNTG của ông là một hướng đi mới cho vấn đề NTTG, làm rõ tính hữu lý, tự do và huyền nhiệm trong KNTG và NTTG. Đồng thời, những lập luận này cũng mở ra nhiều vấn đề mới. KNTG thực sự vẫn còn là đề tài cần được tiếp tục nghiên cứu và bàn luận.

[1] John Hick, Philosophy of Religion, (United States of America, 1990), 71.

[2] William P. Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, (Cornell University Press, 1993), 1, 34. William P. Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, in “Contemporary Debates in Philosophy of Religion”, edited by Michael L. Peterson and Raymond J. Vanarragon, (Blackwell Publishing, 004), 135-136. William P. Alston, “Religious Experiences and Religiuos Beliefs”, Noûs, Vol. 16, No. 1, 1982 A. P. A. estern ivision Meetings (Mar., 1982), Published by: Wiley, Stable URL: http://www.jstor.org/stable/2215404, (accessed December 29, 2017 15:34 UTC), 4.

[3] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 1, 34. Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 136. Alston, “Religious Experiences and Religiuos Beliefs”,  4.

[4] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 12-14.

[5] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 14-16

[6] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 20-28

[7] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 16-20.

[8] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 32-33.

[9] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 2, 9, 12-14, 29-32, 34-35.

[10] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 137.

[11] William Wainwright, Mysticism: A Study of Its Nature, Cognitive Value, and Moral Implications (Madison, WI: University of Wisconsin Press, 1981), chapter 3.

[12] Xem Richard Swinburne, The Existence of God (Oxford: Clarendon Press, 1979).

[13] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 137-138.

[14] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 138.

[15] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 138.

[16] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 138.

[17] René Descartes, Discourse on Method and The Meditations, Translated with an Introduction by F. E. Sutcliffe (Penguin Books 1968), 95-101.

[18] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 139.

[19] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 138. Alston, “Religious Experiences and Religiuos Beliefs”, 8.

[20] Alston, “Religious Experiences and Religious Beliefs”, 10-12.

[21] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 140.

[22] John Hick, The New Frontier of Religion and Science, Religious Experience, Neuroscience and the Transcendent, (Palgrave Macmillan UK, 2010), 66.

[23] Sigmund Freud, The Future of an Illusion, in The Future of an Illusion, Civilization and its Discontents, and Other Works (Volume XXI, The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud), (London: Hogarth Press, 1927), 1–56.

[24] Xem Những vấn đề nhân học tôn giáo, biên tập do Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, (NXB Đà Nẵng, 2006), chuyển dịch từ Emile Durkheim, Les Formes é lé Mentaires de la vie Religieuse, (Paris: Presses Universitaires de France, 1912), 61-72.

[25] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 226-250. Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 140.

[26] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 141.

[27] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 140-141.

[28] William J. Wainwright, Philosophy of Religion, 2nd ed. (New York: Wadsworth, 1999), 133.

[29] Richard Gale, On the Nature and Existence of God (New York: Cambridge University Press, 1991), 302. Antony Flew, God and Phylosophy (London: Hutchinson, 1966), 138-139.

[30] Alston, “Religious Experience Justifies Religious Belief”, 143-144.

[31] Alston, “Religious Experiences and Religiuos Beliefs”, 10-12.

[32] David Kyle Johnoson, Why Religious Experience Can’t Justify Relious Belife, http://www.academia.edu/6617015/Why_Religious_Experience_Cant_Justify_Religious_Belief(accessed December 29, 2017), 3-6.

[33] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 255-284.

[34] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 286-305

[35] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 289-290.

[36] Alston, Perceiving God, The Epistemology of Religious Experience, 292-300.

[37] Xem thêm, Rudolf Otto, The Idea of the Holy (London: Oxford University Press, 1977). James, William. Varieties of Religious Experience. (London: Longmans, 1992).

[38] Dermot Lane, Kinh nghiệm Thiên Chúa, biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM (NXB Phương Đông 2008), 15.

[39] Dermot Lane, Kinh nghiệm Thiên Chúa, 27-28.